Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội long trọng tổ chức nhật kỵ Cố Giác Linh Hòa Thượng thượng Viên hạ Thành.

20/ 05/ 2022 15:45:40

Sáng nay, ngày 20/04 Nhâm Dần ( nhằm ngày 20/05/2022) Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội tổ chức lễ kỵ nhật lần thứ 20 tưởng nhớ Giác Linh Cố Hòa thượng thượng Viên hạ Thành – nguyên Uỷ viên Thường trực Hội đồng Trị sự TWGHPGVN, Phó ban Giáo dục Tăng Ni TW, Phó Trưởng Ban Thường trực Tỉnh hội Phật giáo Hà Tây (cũ), Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Phú Thọ, Động chủ Chùa Hương Tích đời thứ 11.

Linh ảnh Cố Hòa Thượng tôn trí tại Học viện Phật giáo Việt Nam Hà Nội (photo BTT)

Chứng minh tại buổi lễ có Hòa thượng Đường chủ – Thích Thanh Đạt.
tham dự buổi lễ có sự hiện diện của Hòa thượng Viện trưởng-Thích Thanh Quyết, và Chư tôn đức tỉnh Quảng Ninh, Thượng tọa Thích Đạo Hiển – Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Viện trưởng Học viện; Thượng tọa Thích Hiển Thiện, Thượng tọa Thích Thanh Lịch – Đồng Phó Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh; GS. Quảng Tuệ Lương Gia Tĩnh; Đại đức Thích Khai Từ- Trưởng ban Truyền thông Phật giáo tỉnh Quảng Ninh; một số cư sĩ, Phật tử luôn tưởng nhớ công ơn cố Hòa thượng, môn đồ pháp quyến tại Chùa Hương và hơn 500 Tăng Ni sinh cùng dự lễ. Tại buổi lễ trong không khí trang nghiêm thanh tịnh, toàn thể chư tôn Đức cùng ôn lại tiểu sử cố Hòa thượng và nhất tâm nhất cú trì niệm, truy tiến Giác linh Hòa thượng.

Hòa thượng Đường chủ Thích Thanh Đạt chứng minh buổi lễ (photo BTT)
Hòa thượng Viện trưởng cùng chư Tôn đức, sơn môn pháp quyến tại lễ đường (photo BTT)
Hợp đường đại chúng trang nghiêm trước lễ đài (photo BTT)
Toàn thể Ni sinh thành tâm kính lễ trước Giác linh Cố Hòa Thượng (photo BTT)

Cố Hòa thượng Thích Viên Thành, thế danh Phùng Xuân Đào, sinh ngày 15 tháng 7 năm 1950 (mồng 1 tháng 6 Canh Dần) tại làng Thượng Cát, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội. Thân phụ là cụ ông Phùng Xuân Chỉ, Thân Mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Thìn. Khi ngài chưa tròn một tuổi thì Thân Phụ đã sớm quy Tây, ngài chỉ còn dựa vào tình thương yêu của Thân Mẫu và sự đùm bọc của bà nội cùng bà con lối xóm. Từng bước, cảnh sinh ly tử biệt ấy đã làm cho ngài sớm nhận ra lẽ vô thường của kiếp người, noi gương hai người cô ruột là sư cụ Đàm Mậu và sư cụ Đàm Ngọ, trụ trì chùa Bi, tỉnh Vĩnh Phúc, ngài quyết xuất gia cầu đạo vào năm 12 tuổi. Năm 15 tuổi, ngài được Sư tổ Thích Thanh Chân, động chủ Hương Tích, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây, thu nhận làm đệ tử.

Năm 19 tuổi, ngài được Hòa thượng Bản Sư cho thụ giới Sa di. Ngài càng tỏ ra tinh tiến hành đạo nên năm 1972, Ngài được đăng đàn thụ Cụ túc, viên mãn Tam đàn giới pháp tại Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Hà Sơn Bình. Nhận thấy ngài có chí cầu học, siêng năng đèn sách, Hòa thượng Bản Sư kỳ vọng ngài sẽ là Pháp khí trong đạo sau này, nên đã cho phép ngài xuống núi, theo học lớp Trung cấp Phật học tại chùa Quảng Bá và Quán Sứ, Hà Nội, niên khóa 1973-1976. Trong thời gian theo học tại chùa Quán Sứ, ngài không những xuất sắc về mặt học vấn mà còn tinh nghiêm về mặt giới luật, nên khi tốt nghiệp, được Giáo hội tuyển chọn vào Trường Cao cấp Phật học Việt Nam (nay là Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội) Khóa I, niên khóa 1981-1985. Năm 1985, tốt nghiệp Trường Cao cấp Phật học Việt Nam, ngài trở về chốn Tổ phụng sự Tam bảo và bắt đầu dấn thân vào con đường hoằng dương Phật pháp. Sau khi rời ghế nhà trường Phật học, Ngài nguyện làm sứ giả của Như Lai, đem ánh sáng từ bi và giác ngộ của đức Phật thắp sáng thế gian này bằng tinh thần vô uý vị tha. Ngài luôn quan tâm đến việc đào tạo, giáo dục thế hệ Tăng ni trẻ, coi đó là việc báo đáp thâm ân của chư Phật một cách thiết thực nhất. Vì vậy, ngoài việc tiếp Tăng độ chúng, Ngài còn làm giảng sư của Trường Trung cấp Phật học cũng như Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội.

Năm 1984, ngay khi còn theo học Trường Cao cấp Phật học Việt Nam, đáp lời thỉnh cầu tha thiết của chính quyền và nhân dân địa phương, Hòa thượng về nhận chùa Thầy – Thánh tích của Ngài Từ Đạo Hạnh.Năm 1985, với giới đức trang nghiêm và hạnh nguyện từ bi vô ngại, Ngài đã được Sư tổ, tức Hòa thượng Thích Thanh Chân, tin tưởng trao truyền kế đăng Động chủ Hương Tích.
Từ năm 1998, Ngài được suy cử chức vụ Phó Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự tỉnh Phú Thọ. Để báo đáp công ơn Thầy tổ và trang nghiêm ngôi Tam bảo, cùng với cương vị trụ trì Chùa Hương, Ngài đã đảm nhận chức vụ Trưởng Ban Xây dựng và tôn tạo chùa Hương vào tháng 3 năm 1989 (năm 1947 chùa Thiên Trù đã bị giặc Pháp phá huỷ hoàn toàn). Chỉ hơn 10 năm, quần thể di tích danh lam chùa Hương được uy nghiêm tráng lệ như ngày nay phần lớn là nhờ công sức của Ngài, Ngài còn kiêm nhiệm trụ trì chùa Thầy, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây. Nơi đây, Hòa thượng đã tu bổ nhiều hạng mục công trình, duy trì phát triển Thánh tích Chùa Thầy ngày một trang nghiêm hơn. Cũng chính nơi đây với tâm nguyện hành trì Mật giáo, ngài đã khơi sáng lại ngọn đèn truyền thừa Mật Tông vốn đã được khởi lập bởi đức Thánh tổ Từ Đạo Hạnh cách đây gần một nghìn năm về trước. Với sở học uyên thâm, giới đức trang nghiêm, từ bi vô lượng, những tưởng Hòa thượng còn trụ thế lâu hơn để hướng dẫn Tăng Ni và Phật tử trên con đường tìm về bến giác. Nào ngờ cơn bạo bệnh chợt đến, Hòa thượng thuận lẽ vô thường trả tấm thân tứ đại lại cho trần gian mộng ảo để trở về thế giới Tây Phương bất sinh bất diệt vào lúc 18 giờ 40 phút ngày 31 tháng 5 năm 2002 (tức ngày 20 tháng 4 năm Nhâm Ngọ), trụ thế 53 năm, hạ lạp 32 năm, 53 năm tuy ngắn ngủi nhưng Hòa thượng đã sống một cách trọn vẹn, đầy ý nghĩa, đã hiến trọn cả cuộc đời cho Ðạo pháp, cho Dân tộc. Hạnh nguyện vô ngã, vị tha của Hòa thượng luôn là tấm gương sáng, là ngọn hải đăng soi sáng cho Tăng Ni, Phật tử hôm nay và mãi mãi về sau! Cố Hòa thượng Thích Viên Thành là một vị Cao tăng đắc đạo, bậc chân tu của Phật giáo Việt Nam với sở học uyên thâm, giới đức trang nghiêm, từ bi vô lượng. Suốt đời, Hoà thượng luôn tâm niệm: “Chỉ có Trí Tuệ mới là sự nghiệp chân chính của người xuất gia. Ngài đã để lại nhiều tác phẩm, dịch phẩm Phật giáo. Ngài luôn quan tâm đến việc đào tạo, giáo dục thế hệ Tăng Ni trẻ, coi đó là việc báo đáp thâm ân của chư Phật một cách thiết thực nhất.”

Hòa thượng Thích Viên Thành đã khai sáng, phát triển Phật giáo Kim Cương Thừa ở nước ta, đưa Truyền thừa Drukpa từ đất nước Bhutan Vương quốc Phật giáo ở miền đông Dãy Himalaya hoằng truyền vào nước ta từ năm 1992.Với tâm nguyện đem sự thực hành của truyền thống Kim Cương Thừa góp phần vào sự phát triển của Phật giáo Việt Nam vì lợi ích người dân và hữu tình trong nước.

Đệ tử, sơn môn pháp phái cúng Phật, cúng cúng tổ tại chùa Non – Sóc Sơn -Hà Nội (photo BTT)

NAM MÔ HƯƠNG TÍCH SƠN MÔN ĐỆ THẬP NHẤT TỔ, CHÂN TỊNH BẢO THÁP MA-HA SA-MÔN TỶ-KHIÊU BỒ TÁT GIỚI A XÀ LÊ ĐẠI SƯ PHÁP DANH THÍCH VIÊN THÀNH, PHÁP HIỆU THUẦN HÒA, TỰ NGUYỆT TRÍ GIÁC LINH THUYỀN TỌA HẠ.

Người viết: An Yên