Báo cáo đề dẫn Hội thảo khoa học : Giáo dục Phật giáo Việt Nam: Định hướng và phát triển

09/ 05/ 2012 07:35:30

TT.TS. Thích Thanh Quyết

Phó Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương

Nam Mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Kính bạch …….

Kính thưa …..

Kính thưa Quí liệt vị

 

Trong không khí dư âm hân hoan mừng tuần Đại lễ hội Phật Đản vừa kết thúc, hôm nay những người Con Phật, những thiện trí thức đang làm và nghiên cứu về Giáo dục, hội họp về đây cùng nhau bàn về vấn đề chúng ta đang nghiên cứu, đang làm. Chúng tôi cho rằng mối quan hệ giữa Giáo dục và Giáo dục Phật giáo là mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng, giữa xã hội và Giáo hội, là “Đại đồng tiểu dị”.

Trước hết là vai trò của Giáo dục.

Cách đây hơn 500 năm, trên tấm bia Tiến sĩ đầu tiên đặt ở Quốc Tử Giám, ghi lại khoa thi Tiến sĩ đầu tiên (1442), do Tiến sĩ Thân Nhân Trung soạn (1484) có đoạn: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết”. Ngày nay, câu “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” được xem như khẩu hiệu khuyến tiến việc học và thể hiện quan điểm đối với hiền tài. Giáo dục luôn được coi là mối quan tâm hàng đầu của mỗi gia đình dòng họ, là chủ trương là quốc sách trọng yếu của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam trong mọi thời kì.

Kể từ buổi thuyết pháp đầu tiên của Đức Phật tại Vườn Nai với 5 học trò là anh em ông Kiều Trần Như, đến nay Giáo dục Phật giáo đã có gần 2.600 năm lịch sử. Đức Phật là nhà giáo dục, là vị thầy đầu tiên của Giáo dục Phật giáo. Ngần ấy thời gian, dù thời đại lịch sử và không gian văn hóa của mỗi quốc gia mỗi dân tộc có khác nhau nhưng việc giáo dục, đào tạo và tuyển chọn Tăng tài luôn được coi là Phật sự hàng đầu của Giáo hội Phật giáo. Phật giáo có phát triển hay không, Giáo hội có được trang nghiêm hay không phần lớn phụ thuộc vào Phật sự trọng đại này. Lịch sử phát triển của Phật giáo Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Thứ hai là Mục tiêu Giáo dục.

Mục tiêu của Giáo dục là nhằm tạo ra những con người có năng lực nắm bắt được qui luật xã hội, có khả năng khám phá, khai thác tự nhiên nhằm thỏa mãn nhu cầu của cá nhân, cao hơn nữa là phục vụ cộng đồng, đất nước, xây dựng “nước giầu – dân mạnh – xã hội công bằng – dân chủ – văn minh”. Giáo dục Phật giáo có muôn vàn pháp môn nhưng không ngoài mục tiêu là dạy làm Người, làm Tăng làu thông Chân đế tường minh Tục đế, và cứu cánh là làm Phật, xây dựng thế giới Niết bàn ngay chính trên thế gian này.

Thứ ba là Nội dung Giáo dục.

Từ thấp đến cao, các môn học thế gian không ngoài Đức dục, Trí dục, Thể dục và Mĩ dục. Sách vở nhà Phật có “Thiên kinh vạn quyển” nhưng không ngoài nội dung Giáo dục (từ nhà Phật là “nhiếp hóa”, “cảm hóa”, “khuyến giáo” …) đối với người học, thông qua Giới – Định – Tuệ để tự thân tâm chuyển hóa trên con đường tự Giác Ngộ – Giải Thoát và thực hiện Giác Ngộ – Giải Thoát ở ngay trong đời sống hiện thực hàng ngày.

Thứ tư là Phương pháp Giáo dục.

Giáo dục nói chung là nền “sản xuất” đặc biệt, trong đó “nguyên liệu” đầu vào là con người, xây dựng qui trình công nghệ và thao tác trong quá trình “sản xuất” là con người, và “sản phẩm” đầu ra cũng chính là con người. Những “con người” đó mang tính xã hội, lịch sử rất cụ thể. Do vậy, vấn đề xây dựng phương pháp giáo dục, yêu cầu đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục là vấn đề muôn thuở. Tất nhiên do Mục tiêu và Nội dung có tính đặc thù cho nên phương pháp giáo dục Phật giáo cũng có những nét đặc thù, hi vọng sẽ có đóng góp hữu ích trước yêu cầu cấp thiết phải đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục đang đặt ra.

Kính thưa chư Tôn Đức cùng các nhà khoa học!

Sở dĩ tôi mạn phép thưa cùng Quí liệt vị dài dòng như vậy là vì muốn nhấn mạnh tới ý nghĩa và tin tưởng vào kết quả của cuộc Hội thảo hôm nay, giữa những người Con Phật thuộc hàng Giáo phẩm cao cấp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, là Giáo thọ, Giảng sư, nhà nghiên cứu Phật học từ khắp ba miền cùng những bậc thiện tri thức, những Giáo sư, những nhà giáo, nhà khoa học đã và đang là lãnh đạo cao cấp của ngành giáo dục nước nhà, cả đời gắn bó với sự nghiệp giáo dục.

Ban Tổ chức cho rằng, nội dung quan yếu của Hội thảo là chúng ta cùng nhau bàn về: Khoa học giáo dục và Giáo dục Phật giáo; Công nghệ Giáo dục và Giáo dục Phật giáo; Triển khai giáo dục Phật giáo. Với cách đặt vấn đề như vậy, căn cứ những báo cáo khoa học đã nhận được, chúng tôi tạm chia nội dung Hội thảo thành 3 cụm vấn đề lớn. Tất nhiên sự phân chia này cũng chỉ là tương đối, để tiện thảo luận trong thời gian có hạn.

Những vấn đề chính được báo cáo và thảo luận tại các Tiểu ban là:

Tiểu ban 1. Giáo dục và Giáo dục Phật giáo – Những vấn đề lí luận.

– Nguyên lí, triết lí giáo dục

– Giáo dục Phật giáo và Giáo dục quốc dân

– Tính đặc thù của Giáo dục Phật giáo

– Tính thiết yếu và nội dung của cải cách Giáo dục và cải cách Giáo dục Phật giáo

Tiểu ban 2. Định hướng, mô hình và phương pháp Giáo dục Phật giáo – Hiện trạng và giải pháp.

– Hiện trạng giáo dục Phật giáo Việt Nam

– Giáo dục Học viện và Giáo dục Tự viện

– Truyền thống Giáo dục Phật giáo Việt Nam

– Triết lí giáo dục và định hướng Giáo dục Phật giáo Việt Nam

– Mô hình và phương pháp Giáo dục Phật giáo, những đề xuất cải cách

– Cơ cấu chương trình và thời lượng của các cấp học trong hệ thống Giáo dục Phật giáo Việt Nam

– Qui chế Giáo dục Phật giáo Việt Nam

Tiểu ban 3. Giáo dục Phật giáo với phát triển bền vững

– Nội hàm khái niệm “Phát triển bền vững”

– Giáo dục Phật giáo trên con đường từ truyền thống đến hiện đại

– Giáo dục đạo đức Phật giáo với Giáo dục đạo đức công dân

– Giáo dục Phật giáo với bảo vệ môi trường

– Hoạt động xã hội của các Học viện và các trường Phật học

– Giáo dục Phật giáo với việc hình thành nhân cách con người Việt Nam mới, trong xu thế hội nhập toàn cầu hóa

Kính thưa Quí liệt vị!

Những vấn đề mà Ban tổ chức nêu ra, có thể có trong những báo cáo khoa học mà Quí vị đã có trong tay, hoặc là những gợi ý mong được thảo luận làm rõ trong các Tiểu ban. Vẫn biết rằng như vậy là ôm đồm quá rộng nhưng với tính chất là một cuộc Hội thảo khoa học, với sự có mặt của chư Tôn Đức và các nhà khoa học với tinh thần “Giáo nhân bất quyện”, có bề dầy của sự trải nghiệm và tích lũy tri thức trong sự nghiệp giáo dục, chúng tôi có cơ sở để tin tưởng rằng Hội thảo sẽ đưa lại những cái nhìn mới mẻ, có những đóng góp thiết thực để Ban Giáo dục Tăng Ni và những vị trực tiếp thực thi Phật sự Giáo dục Phật giáo có thể hoàn thành Phật sự trọng đại của mình, góp phần phát triển Phật giáo Việt Nam ngày một xương minh, đất nước Việt Nam ngày càng phồn vinh thịnh vượng.

Sau đây Ban tổ chức Hội thảo sẽ nghiêm cẩn tiếp thu những đóng góp của chư Tôn Đức, của các nhà khoa học, biên tập thành cuốn sách ghi nhận một chặng đường của Giáo dục Phật giáo Việt Nam, là ấn phẩm thiết thực chào mừng Đại hội Đại biểu Phật giáo Việt Nam lần thứ VII được tổ chức vào cuối năm 2012 này.

Kính chúc Hội thảo thành công

Kính chúc Chư Tôn Giáo phẩm thân tâm thường an lạc – Phật sự viên thành

Kính chúc Quí liệt vị thân tâm an lạc – Vạn sự cát tường.

NAM MÔ THƯỜNG TINH TIẾN BỒ TÁT MA HA

TÁT TÁC ĐẠI CHỨNG MINH