Dấu ấn tâm son hay cơ phong tiếp nhân độ thế của Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông

23/ 10/ 2017 08:20:05

Đức vua TRẦN NHÂN TÔNG (1258-1308) là vị Vua thứ tư của triều đại nhà Trần (1226-1400). Một đấng minh quân đã cùng các danh tướng Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Trần Nhật Duật, Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toản, Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng…, và quân dân cả nước, viết nên những trang sử vàng trong lịch sử Đại Việt, bằng sự nghiệp “Đánh Què, Bẻ Lọi” vó ngựa của đoàn quân xâm lăng hung bạo nhất thời bấy giờ: Đế quốc Nguyên Mông, vào thế kỷ thứ 13. Đó là nói về lãnh vực quân sự, ở lãnh vực chính trị, Ngài là người đã vận dụng pháp Phật vào ngoại giao để mang về cho đất nước hai châu Ô và châu Lý, mà không tốn một giọt máu, một mũi tên nào! Thành quả này, tạo nên cơ sở làm bàn đạp cho cuộc Nam tiến về sau của dân tộc. Vâng! Ở lãnh vực quân sự, chính trị, mọi người ở mọi thời đại đều dành cho Ngài một sự tôn kính đặc biệt (… đám tang của Ngài quân dân cả nước đến chiêm bái linh cữu đông đến nỗi không thể di quan được). Riêng ở lãnh vực đạo Phật, tôi cũng chắc là các Phật tử, các tín đồ từ xưa đến nay đều dành cho Ngài một sự ngưỡng phục, xưng tán, lễ kính.

Nhân ngày đại lễ tưởng niệm và hội thảo khoa học 700 năm ngày mất của ĐỨC VUA – PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG, chúng ta cùng nhìn lại để chiêm ngưỡng một lần nữa, hoặc nhiều lần nữa “DẤU ẤN TÂM SON” mà từ thuở ấy, Ngài đã in trên dãy non sông gấm vóc Việt Nam yêu dấu của chúng ta với cả tấm lòng. Rồi, mỗi người trong chúng ta nhờ hồng ân của Ngài, tôi tin là sẽ rút ra từ cuộc hội thảo này – nơi hội tụ các bậc tinh hoa của các miền trên đất nước – những bài học thiết thực có thể vận dụng bổ ích cho sự nghiệp phục vụ tổ quốc, dân tộc ở hiện tại cũng như tương lai.

Trong phạm vi bài tham luận, cho phép tôi trình bày những ý tưởng còn thô thiển của mình qua nội dung các đề mục được triển khai, giới hạn trong khuôn khổ thuộc lãnh vực đạo Phật. Xin đi thẳng vào đề.

Câu hỏi 1:

Ngài – Phật tử Trần Khâm – Đức Vua Trần Nhân Tông đã tu học theo tông môn nào trong đạo Phật?

Đáp:

Ngài tu học theo thiền tông (tâm tông) trong đạo Phật.

Câu hỏi 2:

Ngài thọ học với ai?

Đáp:

Trực tiếp: với Tuệ Trung Thượng Sĩ (1230-1291), với thân phụ Đức Vua Trần Thánh Tông (1240-1290).

Gián tiếp với các thiền khách đương thời và qua sách vở kinh kệ thuộc nội điển lẫn ngoại điển.

Câu hỏi 3:

Công phu tu tập của Ngài có đạt đến kết quả là chứng đắc hay không?

Đáp:

Câu hỏi 4:

Sau khi chứng đắc Ngài có hoằng pháp hay không?

Đáp:

Câu hỏi 5:

Về sau, Ngài có truyền đăng cho hậu thế tục diệm (truyền tâm ấn) hay không?

Đáp:

Có. Ngài truyền tâm ấn lại cho thiền sư Pháp Loa làm Tổ thứ hai dòng Thiền Trúc Lâm – Yên Tử[1].

Câu hỏi 6:

Ngài đã hoằng pháp như thế nào?

Đáp:

Đây là trọng tâm của bài viết. Ta cùng khảo sát dưới đây:

* Hấp thụ trực tiếp từ phong cách siêu việt của Thầy là Tuệ Trung Thượng Sĩ (cũng là Bác ruột):

a/ Thánh phàm chẳng vướng bận: “Phật là Phật, anh là anh…”

b/ Sanh tử chẳng màng chi:

Giữa trời phỏng có đôi vành chuyển

Biển cả ngại gì bọt nước xao

c/ Tự tại giữa cõi trần:

Pháp thân chẳng ngăn ngại

Có gì là đục trong

d/ Độ người pháp vô ngần

Rảnh, ném trái rừng kêu vượn tiếp

Lười, câu cá suối gọi cò tranh…

… và nhất là thiền cơ cao tuyệt của Thượng Sĩ.

Kiến giải trình kiến giải

Tự ấn mắt làm quái

Ấn mắt làm quái rồi

Rõ ràng thường tự tại

Sắc tức là không, không là sắc

Ba đời chư Phật quyền biến đặt

Không vốn không sắc, sắc không không

Thể tánh làu làu chẳng được mất

(Sắc tức thị không không thị sắc

Tam thế như lai phương tiện lực

Không bổn vô sắc sắc vô không

Thể tánh minh minh phi đắc thất)

(Xem bốn tiểu đề trên: a, b, c, d, thiền cơ, trong sách dịch Tuệ Trung Thượng Sĩ của Trúc Thiên)

* Được nuôi dưỡng từ dòng sữa từ ái, đại bi của Vua cha là Trần Thánh Tông – cũng là một đại thiền sư có pháp hiệu là Vô Nhị Thượng Nhân, cùng thời với Thầy của Ngài.

* Và gián tiếp từ các khách thiền đương thời, bạn hữu của Thầy, của Cha, và từ sách vở kinh, điển, kệ, lục trong nhà Phật cũng như trong bách gia chư tử. Cho nên, Cơ Phong Tiếp Nhân Độ Thế của ĐỨC VUA – PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG có thể nói là “Bất Khả Tư Nghì” khi xét về phương diện “Thể”. Ở hai phương diện “Tướng” và “Dụng” ta có thể thảo luận đôi chút:

Từ điển Phật học Huệ Quang ghi:

Cơ phong: Cơ là tác dụng của tâm bị giáo pháp kích phát mà hoạt động, hoặc là then chốt, cơ nghi khế hợp chân lý; Phong là trạng thái nhạy bén của thiền cơ hoạt dụng. Ý nói khi bậc thầy hoặc vị thiền tăng cùng người khác đối cơ hoặc dẫn dắt người học, bậc thầy thường mượn ý sâu xa không tìm được tung tích cho đến không phải ngôn ngữ mang tính logic để diễn đạt cảnh giới của mình hoặc để trắc nghiệm đối phương.

Cơ dụng: Huyền cơ diệu dụng, các thiền sư đã đại triệt ngộ, dùng những phương pháp vượt ngoài lời nói như vung tay hoặc đánh hét v.v… để giúp người học tiến vào cảnh giới thiền định sâu xa gọi là cơ dụng, hay cơ phong khắt khe mạnh bạo.

Cơ giáo: Căn cơ của chúng sinh và giáo pháp của đức Phật. Đức Phật tùy theo căn cơ sai khác của chúng sinh mà thuyết pháp có sâu, cạn.

Cơ nghi: Giáo pháp thích nghi với căn cơ của chúng sinh.

Cơ ngữ: Ngữ cú khế hợp với cơ pháp thần diệu. Bởi khi thuyết pháp cần phải khế lý và khế cơ. Văn và nghĩa đều rõ ràng.

Vâng! Ngộ đạo và chứng đạo từ khi còn là cư sĩ (lúc ở ngôi vị Thái Thượng Hoàng) nên những hành xử của Ngài đều khế hợp với tinh thần giáo lý nhà Phật. Cơ nghi, cơ dụng của Ngài trong thời kỳ này chỉ có người đắc đạo mới thấy rõ. Cụ thể như:

1/ Để kết hợp lòng người từ tướng, sĩ, quân, dân, các bô lão khắp miền trong nước, Ngài đã tổ chức hội nghị Bình Than, Diên Hồng làm nguyên động lực, hậu thuẫn, tạo thành một sức mạnh tổng hợp để chống lại cuộc xâm lăng của đế quốc Nguyên Mông. Lịch sử đã cho thấy việc làm này rất đúng đắn: Việc làm đó phát xuất từ một Phật tử đã chứng ngộ đạo: Phật tử Trần Nhân Tông (Ngài đã áp dụng nguyên lý nhân duyên cụ thể là tăng thượng duyên)!

2/ Sau khi chiến thắng quân Nguyên, mặc dù các triều thần tham mưu ngăn cản do hậu quả của cuộc chiến tranh để lại chưa khắc phục, nhưng Ngài vẫn tiến quân Tây thượng (đánh Ai Lao (1294)) và chiến thắng. Đó là Ngài đã dùng “khí lực” để đánh chứ không phải dùng sức lực để khắc địch. Điều này triều thần không thể thấy được, do triều thần không có “Thiền quán” về tương quan khí, thế, lực giữa Đại Việt và Ai Lao lúc bấy giờ mà đơn thuần chỉ xét về tương quan lực lượng, thế theo cái nhìn của quân sự.

3/ Về quyết định “trấn nước” chết tươi tướng giặc ác ôn Ô Mã Nhi.

Ô Mã Nhi là một tên tướng đầu sỏ của giặc, khi đem vó ngựa xâm lăng nước ta, hắn là người hung ác nhất, gặp quân dân ta thì tàn sát thẳng tay nên sau khi bị bắt và được trả về phương Bắc. Hội đồng tướng lĩnh đề nghị theo kế của Tiết Chế Trần Hưng Đạo, là lấy người giỏi lặn làm phu chèo thuyền để đưa trả y về nước, đợi ban đêm đục cho chìm thuyền, “trấn nước chết tươi” bọn giặc. Mọi người đang phân vân “Nên” hay “Không nên”. Vua Trần Nhân Tông đã quyết định “Nên”. Sau này, các nhà Nho phê bình (xem trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư). Họ nào biết như Vua Trần Nhân Tông – một Phật tử – thường biết nhân quả không sai chạy. Gieo gió thì gặp bão, vay nợ thì phải trả. Nhất là nợ máu với một dân tộc, với một đất nước. Mấy ai hiểu được, thấu được lý này: Họ tưởng chừng như quyết định của Ngài chỉ có lợi cho đất nước dân tộc Đại Việt, mà không hề có lợi cho đương sự: Ô Mã Nhi! Lợi cho Ô Mã Nhi ở chỗ nào? – Hãy học tập và nghiên cứu cho tường tận giáo lý đạo Phật sẽ lý giải được sự việc này.

4/ Nam du Chiêm Thành. Được Vua Chiêm “Cúng dường” hai châu Ô và châu Lý (lịch sử Việt Nam từ lúc lập quốc cho đến thời kỳ này không có một vị Vua nào có được công đức như vậy. Thử hỏi, nếu không phải từ phước duyên của Ngài – gả công chúa Huyền Trân, con gái duy nhất của Ngài cho Vua Chiêm – từ trí tuệ cao tột của Ngài – không tức thị sắc, sắc tức thị không – từ cơ nghi, cơ ngữ của một vị Thiền sư khi đối cơ với một vị Vua ngoại quốc, thì làm sao có được thành quả như vậy. Công đức này có thể so sánh với thành quả của Đức Phật Thích Ca khi Ngài thuyết pháp độ Vua Tần-bà-sa-la và sau đó được Vua xây dựng cúng dường Tịnh xá Trúc Lâm trên phần đất của trưởng giả Ca-lan-đà ở nước Ma-Kiệt-Đà.

5/ Theo truyền thống hoằng pháp chỉ đạo của Thiền tông từ trước cho đến thời Ngài thì các Thiền sư tối kỵ là dùng lại phương pháp khai thị của các Thiền sư tiền bối (xem Bích Nham Lục), nhưng riêng ở Vua Phật Trần Nhân Tông, Ngài sử dụng các phương pháp của các vị tiền bối một cách rất tự nhiên. Không sợ hiểu lầm là người chưa đắc đạo. Đó là do, Ngài đã tiếp thu được – như đã nói trên – từ ông nội Ngài, từ cha Ngài, từ Thầy Ngài và chính từ bản thân Ngài qua hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên. Cái nguyên lý của Thiền pháp này, Thiền cơ này, cơ phong này, cơ nghi này, cơ dụng này, đó là: “MỘT LẦN DÙNG MỘT LẦN MỚI” (Nhất Thời Niêm Thử Nhất Thời Tân). Nó đã siêu việt qua hai khái niệm, mới và cũ, ta và người, miễn là nó có lợi cho đương sự, giúp đương sự mở mắt thấu được lý và sự viên thông. Ta thử thưởng thức một vài cơ dụng của Ngài sau đây:

Có vị tăng hỏi:

– Thế nào là Phật ?

Ngài đáp:

– Nhận đến như xưa vẫn chẳng phải:

– Thế nào là Pháp?

– Nhận đến như xưa vẫn chẳng phải:

– Thế nào là tăng?

– Nhận đến như xưa vẫn chẳng phải:

– Cứu cánh thế nào?

– Chữ bát đã bày trao hết sạch, đâu còn có việc nói cùng anh.

(Bát tự đả khai phân phó liễu, cánh vô dư sự khả trình anh)

Lại hỏi:

– Thế nào là một việc hướng thượng?

Ngài đáp:

– Đầu gậy khêu nhật nguyệt

– Dùng công án cũ làm gì?

Ngài đáp:

– Một lần nhắc lại một lần mới

(Nguyên tác: Nhất thời niêm thử nhất thời tân)

6/ Cơ phong mang sắc thái tổng hợp, cảm ứng.

Rút kinh nghiệm từ hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên trong cuộc đời, từ khi còn là một cư sĩ Phật giáo (lúc tại vị Thái Thượng Hoàng), Ngài cư trần lạc đạo, và lúc nào cũng cùng người hòa quang vui sống (xem Cư Trần Lạc Đạo Phú). Sau này khi xuất gia ở núi Yên Tử, Ngài lại kiên tâm trì hạnh đầu đà cho đến khi thành đạo (xem Đắc Thú Lâm Tuyền Thành Đạo Ca). Thời gian hành cước hoằng pháp độ sinh, Ngài lại khuyến nhân dân Phật tử tu tập theo “Pháp Thập Thiện”. Vốn là một Thiền sư (một vị sư tổ, kết hợp ba tông phái: Phái thiền Tỳ-Ni-Đa-Lưu-Chi, phái thiền Vô Ngôn Thông, phái thiền Thảo Đường vào trong thiền môn Trúc Lâm – Yên Tử) nên Ngài khai thị cho các bậc thượng căn bằng các cơ nghi thích hợp với họ, còn với các bậc trung căn và hạ căn thì Ngài lại khuyến tu theo pháp thập thiện (Giáo tông, tịnh độ tông). Điều này khiến chúng ta học tập được một bài học từ Ngài, đó là: Phải từ cảm tình chúng sanh đến ứng pháp cứu độ thích nghi từng đương sự. Bất lệ tông môn thiền hay giáo, tịnh hay mật, miễn sao đương cơ viễn ly đau khổ hướng đến hạnh phúc, cứu cánh niết bàn.

Đối với ĐỨC VUA – PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG, hẳn Ngài thấm nhuần lý:

Nhạn quá trường không.

Ảnh trầm hàn thủy

Nhạn vô lưu tích chi ý

Thủy vô lưu ảnh chi tâm

Nhưng trên cõi đời này, có sự kiện nào không để lại dấu vết, câu thơ: “Hồng trảo đạp tuyết nê” mà người xưa nói, phải đâu là vô lý. Cuộc đời của Danh Nhân Văn Hóa – Trần Nhân Tông – người viết mạo muội tán thán xưng tụng với Ngài cụm mỹ từ này, sáng chói tỏa hào quang kể từ khi Ngài xuất sanh (Ngài chẳng được Vua cha, mẫu hậu đặt tên là Phật Kim đó sao) cho đến khi Ngài thị hiện niết bàn.

Thị hiện sanh, tướng tốt đến độ theo tướng mà đặt tên Phật Kim.

Nhập thế cục, phước duyên cao dày đến độ muốn từ mà chẳng được, phải làm Vua trăm họ.

Học đạo, nấu chín pháp trong một thời gian rất ngắn, nếu tiền kiếp chẳng phải là một Hòa Thượng Đắc Đạo thì sao được vậy.

Hành cước độ sinh khắp đất nước, từ trước đến giờ (đến thời của Ngài) chưa có vị sư tăng nào có cước lực dõng mãnh như thế.

Tây thượng an tây

Nam du đắc địa

Hợp nhất tam phái thành một. Cổ kim chưa thấy

Dụng pháp tung hoành. Cơ phong cao tuyệt

Tiếp ngọn đèn pháp không hổ danh sư phụ

Truyền ánh sáng đạo đà hết sức hết lòng

Sống lạc đạo giữa cõi trần hữu hay vô đạo – chẳng màng – chẳng ngại. Ngài đã có pháp độ sinh.

Có hay không câu thuyết pháp – Xem nè – Đoàn của Ngài siêu việt hai biên tới những sáu thần thông.

Cho nên gặp thượng căn, Ngài truyền pháp tổ

Gặp trung, hạ căn Ngài dạy pháp mười hay.

Xưa không thẹn với thầy, cha, bạn bè, sử sách, giơ cao ngọn đèn pháp hướng tiên phong.

Nay kính cẩn viết về Người như cha, như thầy, như bạn, như sách xưa, như đèn sáng hướng về sau: Đây Một NGỌN ĐÈN LÒNG. Đây Một DẤU ẤN TÂM SON muôn đời ngời sáng, sắc không phai.

Còn về sau thì thế nào? Đố ai mà biết được!

Tác giả: Chính Trung

Ban Phật giáo Việt Nam – Viện NC Phật học Việt Nam

Tài Liệu Tham Khảo:

  1. ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ
  2. THIỀN SƯ VIỆT NAM – Hòa Thượng Thích Thanh Từ
  3. TAM TỔ HÀNH TRẠNG – Á Nam Trần Tuấn Khải dịch
  4. TAM TỔ THỰC LỤC – Thích Phước Sơn dịch và chú
  5. TAM TỔ TRÚC LÂM – Hòa Thượng Thích Thanh Từ
  6. THÁNH TĂNG giảng giải – Hòa Thượng Thích Thanh Từ
  7. HAI QUÃNG ĐỜI CỦA SƠ TỔ TRÚC LÂM
  8. TOÀN TẬP TRẦN NHÂN TÔNG – Lê Mạnh Thát
  9. THIỀN HỌC ĐỜI TRẦN – Ban Phật Giáo Việt Nam – Ban Phật Giáo Chuyên Môn – Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam
  10. THÁNH ĐĂNG LỤC giảng giải – Hòa Thượng Thích Thanh Từ
  11. KINH THẬP THIỆN giảng giải – Hòa Thượng Thích Thanh Từ
  12. KINH THẬP THIỆN – Thích Hoàn Quang
  13. TUỆ TRUNG THƯỢNG SĨ NGỮ LỤC giảng giải – Hòa Thượng Thích Thanh Từ
  14. KINH THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO – Thích Trí Thủ dịch
  15. NGHIÊN CỨU VỀ THIỀN UYỂN TẬP ANH – Lê Mạnh Thát
  16. BÍCH NHAM LỤC – Hòa Thượng Thích Thanh Từ
  17. THÁI TÔN HOÀNG ĐẾ NGỰ CHẾ KHÓA HƯ KINH – dịch giả Thiều Chửu Diễn Nghĩa
  18. KHÓA HƯ LỤC – dịch giả Sa-Môn Thích Thanh Kiểm
  19. THIỀN HỌC TRẦN THÁI TÔNG – Nguyễn Đăng Thục
  20. KHÓA HƯ LỤC GIẢNG GIẢI – Hòa Thượng Thích Thanh Từ
  21. THƯỢNG SĨ HUỆ TRUNG – TRẦN QUỐC TẢNG – NGỮ LỤC – Trúc Thiên dịch
  22. TUỆ TRUNG THƯỢNG SĨ NGỮ LỤC giảng giải – Hòa Thượng Thích Thanh Từ
  23. LỊCH SỬ PHẬT GIÁO VIỆT NAM – Lê Mạnh Thát
  24. VIỆT NAM PHẬT GIÁO SỬ LUẬN – Nguyễn Lang
  25. VIỆT NAM PHẬT GIÁO SỬ LƯỢC – Thượng Tọa Thích Mật Thể
  26. TỪ ĐIỂN PHẬT HỌC HUỆ QUANG – Hòa Thượng Thích Minh Cảnh chủ biên

 

[1] Để hiểu rõ thêm một cách sâu rộng các câu hỏi trên, cũng như để hiểu biết thêm về cuộc đời của danh nhân văn hóa – Đức Vua Trần Nhân Tông – đề nghị bạn đọc nên tìm xem các quyển sách mà người viết liệt kê phía dưới.