Một vài suy nghĩ về tư tưởng của Quốc Sư Khuông Việt (933 – 1011)

11/ 04/ 2012 13:05:29

Sư Khuông Việt, người hương Cát Lị, huyện Thường Lạc, họ Ngô, tên Chân Lưu, hậu duệ của Ngô Thuận Đế (Ngô Quyền), tu tại chùa Phật Đà quê nhà.

Ông dáng mạo khôi ngô tuấn tú, tính tình phóng khoáng, có chí khí cao xa. Thuở nhỏ học Nho, lớn lên theo Phật. Năm bốn mươi tuổi, danh tiếng vang dội. Vua Đinh Tiên Hoàng phong sư làm Tăng Tống. Năm 971 được ban Khuông Việt đại sư. Dưới triều vua Lê Đại Hành, sư đặc biệt được vua kính trọng, phàm các việc quân quốc triều đình, sư đều được tham dự. Về già, sư cáo quan về dựng chùa ở núi Du Hí quận nhà, trụ trì ở đấy, người các nơi theo học rất đông.

Tư tưởng của Đại sư được tập trung trong câu trả lời người học trò của mình, sư Đa Bảo, hỏi về thuỷ chung của đạo học (Phật học), sư đáp:

Thuỷ chung vô vật diệu hư không

Hội đắc Chân như thể tự đồng.

Trong hai câu này, chúng ta phải làm rõ ba khái niệm chủ yếu, đó là “diệu hư không”, “Chân như”, “thể”.

1. Diệu hư không. Diệu theo tiếng Hán là tinh vi, tinh khéo, mầu nhiệm, hay, đẹp, tuyệt vời; theo tiếng Phạn là không thể nghĩa bàn (bất khả tư nghị), tuyệt đối, không gì sánh bằng (vô tỉ), tinh vi, thâm viễn. Hư và không là cách gọi khác của vô. Hư là không hình chất, Không là không chướng ngại. Hư không này có thể, có tướng. Thể là bình đẳng khắp cả, tướng là tuỳ theo vật chất mà có sự khác biệt nọ kia. Diệu hư không là cái hư không mầu nhiệm, tinh vi, thâm viễn, không thể nghĩa bàn. Ở Trần Thái Tông, tên sách, người dùng từ “hư” (Khóa hư lục), nhưng bên trong sách, người lại dùng từ “không” (Do không khởi vọng). Như vậy, ở Trần Thái Tông, hai từ này cũng có chút ít khác nhau. Cùng là bản thể, nhưng một cái hơi nghiêng về bên trong, một cái hơi ngả ra bên ngoài.

2. Chân như (bhùtan-tathatà). Chân có nghĩa là chân thực, không giả dối; như là như thường, thường hằng, không thay đổi, không biến đổi. Chân như là cái luôn luôn chân thực, không thay đổi. Thể tính của các pháp là luôn chân thực, không hư vọng, thường hằng như vậy.

3. Thể (Dhàtu) là phần nhất định bất biến của vật (cũng có thể nói, nó là bản chất sâu thẳm, bên trong cùng), nó là cơ sở, căn bản, chỗ dựa cho những hiện tượng thay đổi, sai biệt, để những hiện tượng này dựa vào. Thể, tướng, dụng liên hệ mật thiết với nhau, trong đó thể không thay đổi, thay đổi chỉ có tướng và dụng.

Như vậy, theo Khuông Việt Đại sư, trước sau (thuỷ chung), từ khởi thuỷ cho đến sau này, không có vật nào cả (vô vật), vì tất cả chỉ là giả tướng, mà chỉ có cái hư không mầu nhiệm, tinh vi, thâm viễn, không thể nghĩa bàn. Cái hư không này không phải là trống rỗng, không có gì hết, mà nó chính là thể của các pháp, của mọi sự vật hiện tượng. Nó vượt trên cả đối đãi nhị nguyên như hư-thực, có-không, hữu-vô, tóm lại, ngôn ngữ, văn tự không thể mô tả được, nó gần với tâm ấn của Vinitaruci. Như vậy, theo một nghĩa nào đó, nó cũng là Chân như, thể. Cùng nhau đạt đến cái đó cũng có nghĩa là đạt đến Chân như, Phật tính, thì thể ở mọi người là giống nhau, làm một (thể tự đồng), tức cùng nhau nhìn ra cái thực tướng của vạn pháp, bản chất tối hậu của mọi sự vật hiện tượng. Phải là một bậc chân tu, đại giác mới có được cái nhìn như vậy.

Khi nói điều này cho Đa Bảo, vì chưa hiểu, chưa giác ngộ, nên Đa Bảo hỏi Đại sư:

– Lấy gì bảo chứng? (tức lấy gì làm bằng chứng, lấy gì chứng minh, tức Đa Bảo vẫn còn trong vòng tư duy danh lý, phân tích, mổ sẻ).

Đại sư đáp:

– Không có chỗ cho ngươi hạ thủ. (Ngụ ý, không có chỗ cho ngươI làm việc đó đâu, có hiểu thì hiểu ngay, còn không hiểu thì còn lâu, thậm chí mãi mãi không bao giờ hiểu).

Điều này càng làm rõ quan điểm của Thiền mà Boddhidharma khai mở:

Bất lập văn tự

Giáo ngoại biệt truyền

Trực chỉ nhân tâm

Kiến tính thành Phật

Càng làm rõ phương châm Dĩ tâm truyền tâm của nhà Phật.

Khi nghe câu đó, Đa Bảo mới hiểu ra, tức mới ngộ, liền nói:

-Hoà thượng nói rõ rồi.

Đại sư hỏi:

-Ngươi hiểu thế nào?

Đa Bảo liền hét lên một tiếng.

Nếu Đa Bảo lại dùng ngôn ngữ, văn tự để diễn đạt cái hiểu của mình thì chứng tỏ lại không hiểu.

Chỉ phân tích một vài ý như trên đủ thấy Khuông Việt Đại sư Ngô Chân Lưu là người đại giác. Khi đã giác ngộ, ông không chấp thủ bất cứ điều gì; mọi cử chỉ, hành vi, suy nghĩ ở ông không còn tạo nghiệp nữa; ông sống ung dung tự tại giữa đời, giống như bông hoa sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Chính vì vậy mà ông nhập thế, cứu đời, gíup vua trong các việc quân quốc, lợi lạc quần sinh vô ngã vị tha.

GS.TS Nguyễn Hùng Hậu

Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia HCM