Nghĩ về thời của Khuông Việt Ngô Chân Lưu

18/ 04/ 2012 01:28:19

Có một thời của Khuông Việt chăng ?

Thực ra khi Ngô Chân Lưu vào đời (933), tìm đến cửa thiền và tu hành, thì họ Ngô sau chiến thắng Bạch Đằng nhiều lắm cũng chỉ mới đặt được những viên gạch đầu tiên của một vương triều tự chủ.

Cho đến khi Khuông Việt nhập thế tham chính, làm đại sư, rồi cáo tịch (971-1011) thì triều Tiền Lê và đầu nhà Lý cũng vẫn là buổi đầu mới mẻ của nền độc lập quốc gia non trẻ. Với 78 năm chúng sinh, trải 3 triều thần chiếm hết ¾ cuộc đời, Khuông Việt Ngô Chân Lưu cùng toàn bộ chư tăng các triều thế bấy giờ chưa thể định vị được thời cuộc và thời thế. Nhưng thời gian lịch sử vẫn để lại nhiều dấu tích và công đức để xác nhận sự tồn tại cái “thời” của một bậc Tăng thống đầu tiên.

  1. 1.Buổi giao thời thế kỷ X

Thời dựng nước Văn Lang và Âu Lạc, dân tộc hình thành trên cơ sở cố kết các bộ lạc Lạc Việt, Âu Việt; ý thức tự chủ của dân tộc đã hiện hữu trong tất cả các đời, từ Hùng Vương đến An Dương Vương. Cuộc kháng chiến đầu tiên của dân tộc trong thế kỷ III trước Công nguyên kéo dài hàng chục năm chống ngoại xâm, đã giữ vững chủ quyền cho đến tận cuối thế kỷ II trước Công nguyên.

Tiếp đó là thời kỳ hơn 1000 năm bị phương Bắc đô hộ. Dù liên tục bị cai trị và đàn áp, đồng hóa và kiềm chế, nhưng hễ có lúc nào trỗi dậy được – dù ngắn ngủi và mong manh đến đâu – nền độc lập tự chủ của dân tộc đều không bỏ lỡ thời cơ để khẳng định và phát triển. Đầu Công nguyên, chiến thắng của Hai Bà Trưng dù rất mong manh cũng kịp “rửa sạch thù nhà” và “nối lại nghiệp xưa Vua Hùng”. Giữa Công nguyên, chiến thắng của Lý Bí dù chưa toàn diện và mạnh mẽ cũng vẫn đưa đến sự ra đời nước Vạn Xuân.

Cuối thế kỷ IX, đầu thế kỷ X nền cai trị phương Bắc xuất hiện những lỏng lẻo và thay đổi; loạn Ngũ đại (Hậu lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu) kéo dài hơn nửa thế kỷ là cơ hội lớn cho cuộc nổi dậy giành quyền làm chủ. Họ Khúc tận dụng thời cơ mới theo khả năng và điều kiện thích hợp để mở đầu cho một quá trình thoát dần ra khỏi ách cai trị ngoại bang, giành lấy quyền tự chủ cho dân tộc.

Đầu năm 906, vua Đường buộc phải phong cho Khúc Thừa Dụ làm Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ và tước “Đồng bình chương sự”, bởi trong thực tế quyền lực ở An Nam đã nằm trong tay họ Khúc và Khúc Thừa Dụ đang giữ danh nghĩa “xin mệnh nhà Đường”.

Năm 907, khi Khúc Thừa Dụ mất, con là Khúc Hạo lên thay nắm quyền Tiết độ sứ; nhà Hậu Lương cũng phải công nhận ông làm “An Nam đô hộ, sung Tiết độ sứ”.

Năm 917, Khúc Hạo mất, con là Khúc Thừa Mỹ lại lên thay cho đến khi quân Nam Hán sang xâm lược (năm 930).

Năm 931, Dương Đình Nghệ đánh đuổi giặc Nam Hán, chiếm lại thành Đại La. Dương Đình Nghệ lên cầm quyền, lại tự xưng Tiết độ sứ.

Năm 938, không chấp nhận hành động phản trắc của Kiều Công Tiễn, Ngô Quyền đem quân từ Châu Ái ra diệt trừ mối họa bên trong, đồng thời lập kế diệt quân xâm lược Nam Hán bên ngoài đang lăm le trở lại. Ông bàn với tướng tá “Nếu ta sai người đem cọc lớn đóng ngầm ở cửa biển trước, vạt nhọn đầu mà bịt sắt, thuyền của chúng nhân khi nước triều lên, tiến vào bên trong hàng cọc, bấy giờ ta sẽ dễ bề chế ngự. Không kế gì hay hơn kế ấy cả”. Quả nhiên chiến trận diễn ra ác liệt và kết thúc rất nhanh gọn. Quân Nam Hán không kịp chỉnh đốn đội hình, lại gặp lúc nước triều rút mạnh, thuyền lớn bị va vào cọc, vỡ tan tành, quân lính chết đuối rất nhiều, số còn lại hầu hết đều bị quân Ngô đánh bắt. Hoằng Tháo cũng bị bắt và giết. Vua Nam Hán đang cầm quân tiếp ứng đóng ở biên giới mà không kịp trở tay đối phó[1]. Sau trận ấy, Ngô Quyền bãi bỏ chức Tiết độ sứ.

Thế là trong vài chục năm đầu thế kỷ X (906 – 938), họ Khúc từng bước tự xưng Tiết độ sứ, tiến tới buộc phải thừa nhận chức Tiết độ sứ; và họ Ngô dùng quân sự đánh bại hẳn đội quân xâm lược, đập tan hoàn toàn tham vọng trở lại chế độ cai trị của phương Bắc.

Cuộc “Chung kết” 1117 năm thời Bắc thuộc diễn ra từ họ Khúc đến họ Ngô, có cả sự đọ sức tài trí và mưu lược, có cả diễn biến chuyển dịch và ôn hòa, lại có cả không khí hào sảng của chiến thắng rực rỡ trên sông Bạch Đằng.

Từ cuộc chung kết lịch sử ấy, có một khoảng thời gian hơn nửa thế kỷ để dân tộc ứng xử với nền tự chủ còn mong manh ấy, trong đó các dòng họ tranh thủ thời gian ngắn ngủi để khẳng định mình và dân tộc Việt.

Ngô Quyền sau chiến thắng Bạch Đằng, thận trọng xưng Ngô Vương năm 939 và xây dựng Vương triều riêng một cõi sánh vai với Nam Hán; chỉ vài năm cũng đủ đặt ra những tiền lệ riêng cho người An Nam.

Đinh Bộ Lĩnh sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, đến năm 968 đã đứng ra lập Vương triều mới với ý thức kiên quyết không thua kém Thủy Hoàng mở đầu các đế chế phương Bắc. Đinh Bộ Lĩnh xưng là Tiên Hoàng, lấy Quốc hiệu Thái Bình, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư, tiếp tục xây dựng vương triều theo yêu cầu và kiểu cách của một đất nước tự chủ.

Lê Hoàn trước âm mưu của giặc ngoài, thù trong, năm 980 lập Vương triều mới, vẫn giữ tên nước là Đại Cồ Việt và kinh đô Hoa Lư, đặt niên hiệu là Thiên Phúc, cùng toàn quân sĩ đập tan đạo quân Tống – một đế chế mới lên ở phương Bắc trong tham vọng xâm lược của chúng.

Buổi giao thời của một dân tộc tồn tại bên cạnh một nước lớn có tham vọng, sẽ có biết bao việc phải làm để khẳng định quyền tự chủ và quyền cùng tồn tại. Và những rối ren của riềng mối, kỷ cương, những lo toan đời sống của muôn dân, những sự đời gắn với thế thái nhân tình… tất cả như dồn nén vào những vương triều ngắn ngủi.

Buổi giao thời thế kỷ X như thế là ngắn so với chặng đường dựng nước, mở nước và hơn nghìn năm bị đô hộ; nhưng đủ dài để chuẩn bị kỹ lưỡng, toàn diện cho một quá trình phát triển đến hưng thịnh cho quốc gia độc lập ngàn năm sau.

  1. 2.Thời khai mở nền độc lập quốc gia

Sự chênh lệch lớn về dân số Việt – Hán[2] không phải không đáng lo ngại về khả năng bị thủ tiêu chủ quyền quốc gia và những chính sách bóc lột, vơ vét của cải của phương Bắc; nhưng cái đáng lo ngại hơn cả là thực tế vùng bách Việt xưa đã không còn bởi chính sách thủ tiêu văn hóa và đồng hóa vĩnh viễn của Đại Hán-Đường, chỉ còn lại một mình Việt cổ của Hùng Vương mà thôi. Sự tồn tại một cách cô độc và nhỏ bé như thế, hiếm hoi như vậy của Đại Cồ Việt và Đại Việt trong thế kỷ X liệu đã thực sự trải qua thử thách cực kỳ hiểm nghèo hay chưa ? Thế kỷ X đã thực sự “đóng lại cánh cửa của quá khứ, quá khứ nô lệ, nhục nhã của 1000 năm”[3] nô lệ hay chưa” ?

Tác giả của Việt sử tiêu án là Ngô Thì Sĩ đến thế kỷ XVIII đã đánh giá khá muộn màng nhưng vẫn có tính dự báo rằng: “Trận thắng trên sông Bạch Đằng là cơ sở cho việc khôi phục quốc thống. Những chiến công đời Đinh, Lê, Lý, Trần sau này còn nhờ vào uy danh lẫm liệt ấy để lại. Trận Bạch Đằng vũ công cao cả, vang dội đến nghìn thu, há phải chỉ lẫy lừng ở một thời bấy giờ mà thôi đâu”.

Thực ra chỉ trong vòng nửa đầu thế kỷ X cũng như toàn bộ 100 năm của thế kỷ đặc biệt này, cũng đã thấy rõ quốc gia đã tồn tại trong sự tự chủ, độc lập thực sự, nền độc lập quốc gia sau hơn 1000 năm Bắc thuộc có nhiều công việc bộn bề và đã bắt đầu được khai mở, trở thành một thực thể hoàn toàn của một tiến trình kỷ nguyên đất nước kiến thiết nền văn minh.

Khởi đầu từ nhà Ngô, lập triều chính có triều đình riêng, có quan chức văn võ không khác gì phương Bắc. Chỉ 6 năm cầm quyền, chưa đủ thời gian để củng cố và làm đổi mới một dân tộc vừa ra khỏi đêm trường nô lệ. Nhưng nhà Ngô đã tạo ra sức mạnh từ nền độc lập tự chủ đủ để nhà Nam Hán từ bỏ hẳn mộng xâm lược Giao Châu.

Nhà Đinh trước hết là dẹp loạn 12 Sứ quân, củng cố xu hướng thống nhất quốc gia và tinh thần dân tộc, ý chí độc lập trong nhân dân, tạo ra sức mạnh Vạn Thắng Vương để xây dựng vương triều mới. Đinh Tiêng Hoàng cho xây cung điện, chế triều nghi, định phẩm hàm quan văn, quan võ, bước đầu chuyển đổi chế độ phong kiến phân quyền sang chế độ phong kiến tập quyền. Ông cho đúc tiền đồng, đặt nền móng cho nền tài chính – tiền tệ của Nhà nước phong kiến độclập Việt Nam; thực hiện ngoại giao triều cống với phương Bắc, kết mối giao thương với thuyền buôn của các nước ngoài đến dâng sản vật. Xây dựng quân đội có 10 đạo, cử Lê Hoàn làm Thập đạo tướng quân; thực hiện “ngụ binh ư nông”. Nhà Đinh cũng mở đầu chính sách cai trị bằng pháp luật nghiêm khắc.

Nhà Tiền Lê vẫn phải chống ngoại xâm, giữ vững chủ quyền độc lập, nhưng đã đi xa hơn các vương triều trước về sự kết hợp nội trị với ngoại giao, củng cố và bảo vệ nền độc lập dân tộc. Nhà Tiền Lê đặc biệt quan tâm đến vùng đất phía nam, vua đích thân cầm quân đánh dẹp sự nổi dậy của các thế lực cát cứ và xâm lấn, bảo vệ vững chắc miền biên giới. Bên trong thì chú trọng phát triển kinh tế bằng việc cho xây dựng nhiều công trình (đào sông), đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp, lập lại nghi lễ tịch điền nhằm khuyến khích sản xuất nông nghiệp. bên ngoài thì thực hiện chính sách ngoại giao mềm dẻo, khôn khéo nhưng cương quyết (không quỳ sứ Tống sang sắc phong, cử sứ giả đưa thư đến địa giới nhận chiếu thư, bố trí sư Pháp Thuận giả làm người chở đò ra đón sứ giả Lý Giác..). Nhà Tiền Lê cũng nêu gương một vị vua chí công vô tư, quy tụ được nhân tâm, củng cố sức mạnh trong nước, vượt qua được khó khăn trong nước, dẹp nội loạn, khéo bang giao, giữ thể diện cho quốc gia không bị nước lớn chèn ép. Lê Hoàn làm vua đã mở đầu và xác lập những nguyên tắc cơ bản của nền ngoại giao Đại Cồ Việt – Đại Việt với Nhà Tống, một triều đại phong kiến hùng mạnh nhất châu Á đương thời[4].

Lý Công Uẩn lập ra vương triều mới dài lâu, tiếp tục củng cố triều đình trung ương. Ông cho dời đô, xây dựng đô mới là Thăng Long, đặt niên hiệu là Thuận Thiên, đặt tên nước là Đại Việt, mở đầu một thời kỳ mới cho tiến trình phát triển một nền văn minh của dân tộc.

Buổi giao thời đã khai mở như thế cho thấy thời cuộc thế kỷ X không hề yên ổn và không ít éo le, đất nước rất cần những người chèo lái phải có tâm phúc và năng lực sáng tạo, đóng góp những tài năng, khơi dậy được sức mạnh của quân sĩ và muôn dân về ý thức quốc gia dân tộc độc lập tự chủ; nhưng muốn vậy trước hết cần phải có đội ngũ những trí thức tâm nguyện, có tầm thế và uyên thâm.

Những lúc ấy đạo Phật đang đồng hành cùng dân tộc đã có sẵn lời phúc đáp từ chánh pháp và môn tông, giống như là thời cuộc đã tạo nên nhân duyên cho sự gặp gỡ đạo với đời đi cùng dân tộc và chánh pháp vậy. Lịch sử dân tộc bấy giờ chứng giám có một thời từ thế kỷ X Phật giáo dần dần trở thành Quốc giáo của Việt Nam.

  1. 3.Thời có một Quốc giáo

Lý Khôi Việt trong tác phẩm “Hai ngàn năm Việt Nam và Phật giáo” khi đề cập tới việc Phật Giáo đến với người Việt Nam trước khi tới Trung Hoa đã cho rằng bản chất và phong thái khai phóng của Phật giáo đại thừa “hùng tráng, dũng hoạt, tích cực nhập thế để cải tạo con người trong cuộc đời và xã hội”.

Từ đầu Công nguyên thì tư tưởng của đạo Phật đã thấm đượm trong muôn dân đất Giao Châu rồi. Sự đồng hành của Phật giáo với tư tưởng tự chủ độc lập dân tộc được thể hiện trong nhiều lần quật khởi, nhiều trận xông pha, nhiều hành động cương quyết đối đầu với đồng hóa dân tộc và mỗi khi có cơ hội chống lại nền cai trị của ngoại bang. Tư tưởng của đạo Phật hiển hiện ở tất cả các góc cạnh của đời sống xã hội, rất cụ thể và gần gũi đến mức khó phân biệt trong mỗi con người yêu nước và hướng thiện, có tâm chí và tâm linh. Ấy là trong lòng mỗi người dân Việt đều thấm nhuần tinh thần triết lý Đạo Phật được thể hiện trong đời sống yêu hòa bình, tự do, yêu cái đẹp và thiện, sống đoàn kết, tương thân tương ái, đùm bọc nhau, che chở lẫn nhau. Ấy là cuộc đấu tranh cho chính nghĩa, vì chính nghĩa, vì tự do và tự chủ, xóa bỏ áp bức bất công bạo tàn, đã khiến cả muôn người tề tựu, cả Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam cùng hành động; hết cuộc khởi nghĩa này tới cuộc nổi dậy khác, thất bại ngã xuống lại đứng lên, vùng dậy quật cường.

Đạo Phật như thế là đạo của hành động, sống động và thực tế như cuộc đời thực của mỗi con người thực vậy, hiển nhiên và bản chất như trong mỗi con người đều có dòng máu cùng đỏ, giọt nước mắt cùng mặn vậy.

Đến thời Ngô – Đinh – Tiền Lê – Lý, Phật giáo có vai trò giá trị hết sức quan trọng đối với cả thời đại; bởi Phật pháp và tồn tại tiềm ẩn bấy lâu, nay khơi dòng mạch chảy lộ thiên bắt đầu cho thời đại độc lập

Nhà Ngô dù tồn tại ngắn ngủi, vẫn tiếp tục tôn vinh, nâng đỡ và ưu ái đạo Phật để góp sức khai mở kỷ nguyên thái bình cho dân tộc. Nhà Đinh đổi hiệu nước là Thái Bình và vời các thiền sư vào việc nước. Nhà Tiền Lê xây dựng nền thái bình bằng việc rất mực tin cậy thiền sư, không có việc quân quốc nào không tham vấn các thiền sư. Nhà Lý dời đô tạo thế cho đất nước cất cánh bay lên (Thăng Long), đổi quốc hiệu là Đại Việt và đạo Phật đã hoàn toàn trở thành Quốc giáo.

Cả giáo lý và tông đồ của đạo Phật ở Đại Việt ngày ấy đều gắn chặt với đất nước và đời sống tâm linh toàn thể dân tộc về mọi mặt: chính trị, kinh tế, văn hóa, văn hóa và xã hội. Hệ thống triết lý uyên thâm, tư tưởng rộng lớn, cùng các thế hệ tu sĩ hoằng đạo, đồng hành trong cả thiên niên kỷ khổ đau thời Bắc thuộc, nay xanh tươi và bình đẳng, rộn rã trí tuệ và từ bi dưới thời Ngô – Đinh – Tiền Lê – Lý… Chân dung những vị cao tăng có tỏa sáng thời vận và hào sảng núi sông, gắn liền với những nhân vật khai mở nền tự chủ và độc lập quốc gia, lại cùng nhau lo cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Tất cả đều lấy Phật giáo làm tư tưởng chỉ đạo cho lẽ sống và hành động chiến đấu, sản xuất, xây dựng, bảo vệ, phát triển dân tộc.

Cứ nghĩ đến quan hệ vương quyền và thần quyền thật là gần gũi, mật thiết lúc ấy mà thấy hạnh phúc: Vua Đinh cho mời sư Khuông Việt đến; thấy Sư đối đáp hiệp chỉ, bèn phong cho làm Tăng Thống để cai quản các sư sãi trong nước. Đến năm Thái Bình thứ hai (971), thì Vua ban hiệu Khuông Việt đại sư với hy vọng ông là người có khả năng “khuông phò đất Việt”[5].

Chính sử chép rằng, việc tôn xưng lên Hoàng đế của Lê Hoàn do Thiền sư Ngô Chân Lưu đứng ra chỉ đạo. Đọc Thiền Uyển tập anh thấy ghi: “Vua Lê Đại Hành rất kính trọng Ngài (Ngô Chân Lưu), phàm những việc quân quốc đều đưa cho ngài cả”. Sử sách lại kể rằng: trước khi ra trận, vua đã triệu thỉnh thiều sư Vạn Hạnh vào để hỏi về kế đánh giặc, cách bài binh bố trận ra sao để chắc chắn giành thắng lợi.

Người nghiên cứu đời nay vẫn còn đủ minh chứng về Lê Hoàn thế kỷ X để viết rằng: nhà vua thực tin và trọng dụng giới thiền sư, xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp với tầng lớp tri thức tinh hoa của đất nước. Giới thiền sư cũng không phụ lòng trông đợi của ông, đã cùng bày mưu tính kế, góp phần đánh đuổi giặc ngoại xâm, mở mang bờ cõi, phát triển nền văn hoá-văn học dân tộc[6].

Chỉ qua một bậc sư biểu về học vấn và đạo đức như Ngô Chân Lưu cũng thấy hết cả thế hệ các thiền sư ngày ấy: có học vấn uyên thâm, là những bậc thầy khai sáng và dẫn dắt tâm linh con người tìm đến hạnh phúc. Vua ban chức tăng thống cho thiền sư Ngô Chân Lưu làm thầy của vua, trên cả các tăng sư, dẫn dắt muôn dân sống vì nước, vì dân tộc. Sống trong vương triều mới nhà Tiền Lê theo thể chế trung ương tập quyền đời, thiền sư Ngô Chân Lưu là một cố vấn về chính sách và quân sự; khi gặp những việc lớn liên quan đến “thể diện quốc gia” hay lợi ích dân tộc như việc tiếp sứ, ông biết đáp ứng theo yêu cầu của một chính khách có tri thức, có học vấn và tài văn chương. Thật là tinh thông và tài giỏi cả đạo và đời.

Thời cuộc lúc ấy là vậy: Các thiền sư vừa uyên thâm vừa nhập thế, vừa có tri thức vừa quan tâm đến đất nước. Sự tôn kính quốc sư và sự nhập thế của Tăng thống không chỉ đưa đến việc xây dựng tu bổ các chùa xưa đổ nát, xây dựng thêm nhiều kinh tràng mới, mà còn tạo nên lòng trung tín, ý thức học hỏi cầu tiến, sự tu tập nội tâm và nếp luận bàn việc nước trong nhiều mặt của xã hội, kể cả quốc phòng. Được triều đình quý trọng, các Sư Khuông Việt, sư Đỗ Pháp Thuận, sư Vạn Hạnh vừa phụ trách việc tôn giáo vừa là cố vấn của vua, phụng mạng của vua, hoặc cùng hợp lực tôn phò người có tài, đức lên ngôi vua.

Đó là bởi xuất phát từ học lý “tất cả pháp đều là Phật pháp”, các thiền sư dễ dàng ung dung tham chính và dự vào mọi sinh hoạt của cuộc đời, coi sự hoàn thành việc đời như một chứng tích cho sự hoàn thành việc đạo; thế giới giác ngộ cũng như hành động của Phật giáo không nằm bên ngoài cuộc đời, và con người không cần đi tìm bất cứ một thế giới nào khác nơi quê hương có cuộc sống với chùa Phật và các tăng sư. Và như thế rõ ràng là thời mà Phật giáo trở thành quốc giáo, thì nền giáo dục dân tộc nói chung đã thực hiện tốt chức năng đào tạo những người trí thức có khả năng gánh vác không chỉ việc đạo mà cả việc nước việc dân.

Thời Phật giáo trở thành quốc giáo đã tạo dựng được mẫu hình thiền sư-chính khách như Khuông Việt, Pháp Thuận, Vạn Hạnh… Nói cách khác, đó cũng là một trong những thành công của quá trình xây dựng, phát triển nền văn minh Đại Việt – văn minh dựa trên cơ sở tinh hoa văn hóa chính trị mà Phật giáo là một trong những nền tảng ban đầu.

*

Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, Khuông Việt là thiền sư được phong Tăng thống đầu tiên, làm nhiệm vụ quản lí tăng sư và là người đứng đầu Phật giáo của quốc gia phong kiến. Ông đã liên tiếp được 3 vương triều Đinh – Tiền Lê – Lý trao nhiều trọng trách về chính trị quân sự quốc gia, được tôn vinh là Đại sư – Quốc sư. Thế đó, với vai trò là vị tăng thống đầu tiên của Việt Nam, thiền sư Khuông Việt được hậu thế suy tôn như là một vị đại sư có công mở nước, một trong số những nhân vật lịch sử kiệt xuất của thế kỷ thứ 10 đầy biến động lịch sử nhưng đã tạo nền móng vững chắc cho sự nghiệp phục hưng văn hóa Đại Việt ngàn năm sau.

PGS.TS. Hà Minh Hồng

TrườngĐại Học Khoa học Xã hộ & Nhân văn

Đại học Quốc gia TP.HCM

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. 1.Đào Duy Anh, Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1994.
  2. 2.Lương Ninh (chủ biên), Lịch sử Việt Nam giản yếu, Nxb Chính trị quốc gia, H.2000.
  3. 3.Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb KHXH, H.1967-1968.
  4. 4.Nguyễn Quang Ngọc, Tiến trình lịch sử Việt Nam, Nxb Giáo dục H.2002
  5. 5.Phật giáo thời Ngô, Đinh và Tiền Lê
  6. 6.Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (chính biên), bản dịch viện Sử học, Nxb KHXH, H.1962-1971.
  7. 7.Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (tiền biên), bản dịch viện Sử học, Nxb KHXH, H.1962.
  8. 8.Trần Thái Bình, Tìm hiểu lịch sử Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin H.2001
  9. 9.Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Nxb Văn hóa thông tin, H.1999
  10. 10.Hội thảo khoa học “Bồi cảnh định đô Thăng Long và sự nghiệp của Lê Hoàn”, Hội Sử học Hà Nội, Sở Văn hóa – Thông tin Hà Nội, Văn phòng Ban chỉ đạo kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội tổ chức năm 2005 kỷ niệm 1000 năm ngày mất của Lê Hoàn.

 

 


[1] Xem Đại Việt sử ký toàn thư.

[2] Đầu Công nguyên, dân số của đế chế Hán đã lên đến 57 triệu người, dân số ccác quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam chỉ khoảng 1 triệu.

[3] Lý Khôi Việt, Hai ngàn năm Việt Nam và Phật giáo.

[4] PGS, TS. Phạm Xuân Hằng (trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) trong báo cáo Lê Hoàn và buổi đầu của nền ngoại giao độc lập Đại Cồ Việt (Hội thảo khoa học “Bồi cảnh định đô Thăng Long và sự nghiệp của Lê Hoàn”)

[5] “Khuông Việt” không chỉ là một tự hiệu danh dự, mà còn là sự thể hiện sự “liên tài” giữa vua Đinh với thiền sư và nói về tinh thần nhập thế cả của Phật lẫn Nho.

[6] PGS-TS Nguyễn Hữu Sơn (Viện Văn học) Lê Hoàn với Phật giáo và văn hoá – văn học Phật giáo thời Lê Hoàn (Hội thảo khoa học “Bồi cảnh định đô Thăng Long và sự nghiệp của Lê Hoàn”)