Phát biểu chào mừng Hội thảo của Hỏa thượng Thích Thanh Nhiễu

09/ 05/ 2012 07:17:50

Kính bạch ……..

Kính thưa CÁC NHÀ KHOA HỌC – CÁC THẦY GIÁO

Kính thưa Quí Ngài lãnh đạo các Ban Ngành Trung ương và địa phương

Thưa Quí liệt vị

 

Trước hết, nhân danh cá nhân, con xin có lời cảm tạ tới Chư Tôn Đức và tôi có lời cảm ơn các Nhà khoa học – các Thầy giáo đã vì ý nghĩa trọng đại của cuộc Hội thảo này mà bớt chút thời gian tới tham dự.

Thưa Quí vị!

Như chúng ta đã biết, qua sách vở và thực tiễn của cuộc sống hôm nay, về vai trò và ý nghĩa của GIÁO DỤC. Xã hội hay Giáo hội Phật giáo (dù xưa hay nay, dù Đông hay Tây), lúc nào cũng thế , ở đâu cũng vậy, GIÁO DỤC luôn luôn được coi là Thế sự và Phật sự hàng đầu. Tuy nhiên, hiểu và vận dụng thế nào cho đúng, cho đủ, và như nhà Phật nói, “Khế lí khế cơ”, “Tùy duyên nhi giáo”, để việc GIÁO DỤC có hiệu quả thiết thực thì lại là một vấn đề không hề đơn giản. Thiết nghĩ, đó là lí do khiến chúng ta không thể kể hết những Hội thảo (ở các cấp khác nhau, của xã hội và giáo hội) về GIÁO DỤC.

Kính bạch chư Tôn Đức và Quí liệt vị!

Sau hơn 30 năm kể từ ngày Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời (năm 1981) cho đến nay, chúng ta đã có 4 Học viện Phật giáo đào tạo cấp Cử nhân Phật học và trên 30 trường đào tạo cấp Cao đẳng, Trung học Phật học trên toàn quốc, chưa kể một số cơ sở được phép đào tạo Sau đại học. Về số lượng, đó là một con số đáng mừng. Tuy nhiên, với tinh thần “Như thị tri kiến”, chúng ta cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng: vấn đề “Giáo dục Phật giáo Việt Nam: Định hướng và phát triển” (Như tiêu chí của Hội thảo này đã đề ra) còn rất nhiều việc phải làm.

Kính bạch Chư Tôn Đức! Thưa Quí vị Đại biểu!

Chúng con rất tán đồng với lời của Hòa Thượng Tiến sĩ Thích Chơn Thiện (Trưởng Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương) rằng, phải có tính khoa học, kỉ cương, hệ thống, đồng bộ trong Phật sự Giáo dục Tăng Ni, đương nhiên phải quan tâm đến tính đặc thù của mỗi vùng miền, thậm chí là mỗi tông môn pháp phái.

Tuy nhiên, làm thế nào để những ý tưởng, nguyện vọng chính đáng đó được triển thi một cách sống động hàng ngày trong sự nghiệp Giáo dục Phật giáo Việt Nam lại là vấn đề vô cùng khó khăn, phức tạp. Chúng con thiết nghĩ, câu trả lời phải từ chính trong sự nghiệp Giáo dục và Hoằng pháp, từ chính trong những cuộc tọa đàm khoa học của những chuyên gia về Giáo Dục và Giáo dục Phật giáo như hôm nay .

Kính chúc Hội thảo thành công tốt đẹp!

Kính chúc Chư Tôn Đức và và Quí Ngài lãnh đạo Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương Thân tâm thường an lạc – Phật sự viên thành

Kính chúc Quí vị Đại biểu, các Nhà khoa học – Thầy giáo vô lượng An lạc – cát tường, ngày càng có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của xã hội và Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

NAM MÔ CÔNG ĐỨC HẠNH BỒ TÁT MA HA TÁT

TÁC ĐẠI CHỨNG MINH.