Tinh thần dấn thân cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam thời kỳ đầu quốc gia tự chủ qua hai tấm gương tiêu biểu Pháp Thuận và Khuông Việt

27/ 07/ 2012 02:26:09

Theo các ghi chép cũ, Phật giáo xứ Giao Chỉ thời Bắc thuộc, sau đó là thời kỳ đầu tự chủ Đại Cồ Việt, đã khá phát triển. Trong thời kỳ Bắc thuộc, từ thế kỷ II, Giao Chỉ là một trong những địa điểm Phật giáo quan trọng trên bản đồ thế giới.

Cũng theo các tài liệu xưa, Phật giáo du nhập vào đất Giao Chỉ ban đầu từ phương Nam, theo đường biển. Những nhà sư Ấn Độ đã theo các thương thuyền đặt chân lên vùng đất này và truyền đạo từ khoảng thế kỷ I. Đạo Phật nhanh chóng được tiếp nhận trong đời sống cư dân bản địa. Thiền tông Việt Nam bắt đầu từ thế kỷ III. Nguyễn Lang cho rằng: “Thiền học Việt Nam khởi đầu bằng Khương Tăng Hội vào đầu thế kỷ thứ III. Không những Tăng Hội là sáng tổ của Thiền học Việt Nam, ông cũng còn phải được xem là người đầu tiên đem Thiền học phát huy ở Trung Hoa nữa”[2]. Về sau, Phật giáo chủ yếu được tiếp thu trở lại từ phương Bắc, nhất là Thiền tông Nam phái.

Phật giáo trước khi nhà nước độc lập, tự chủ được thiết lập, mang cả dấu ấn Trung Quốc và Ấn Độ. Dấu ấn Ấn Độ còn thấy rõ tại các chùa cổ vùng Luy Lâu (vùng Thuận Thành, Từ Sơn)… Dấu ấn Trung Quốc đậm nét nhất là từ thời Lục Triều, Tuỳ, Đường… Trong thời Bắc thuộc, Nho giáo tuy được coi là “chính giáo” của chính quyền đô hộ, nhưng lại có tầm ảnh hưởng khá khiêm tốn và chỉ trong một phạm vi hạn chế của một số bộ phận xã hội “bậc cao”, còn Phật giáo và Đạo giáo lại được đông đảo dân chúng đón nhận và tiếp thu khá mạnh, nhất là Phật giáo. Nó là một hệ tư tưởng ít bị quản lý của chính quyền đô hộ, lại ít bị dân chúng phản ứng như với Nho giáo – vốn nhiều khi bị xem là đồng nghĩa với sự đồng hoá và xâm lăng của các thế lực ngoại bang. Thêm nữa, nó rất phù hợp với tâm lý của người Việt luôn có tính hướng thiện, hướng tới sự công bằng, khi nó tuyên truyền cho tư tưởng bình đẳng, bác ái, cứu khổ cứu nạn, và giúp con người mơ ước một đời sống an lạc mai sau để quên đi hiện tại đen tối.

Những nhà tu hành ra sức tuyên truyền cho Phật giáo, quần chúng nhân dân vốn ít học, nặng tâm lý mê tín dị đoan, lại bất lực và bế tắc trước hiện thực, đã đua nhau tin theo tư tưởng tôn giáo này. Nó chính là nguồn động viên tinh thần to lớn đối với chúng sinh đau khổ. Vì thế, người tin theo đạo Phật rất đông đảo. Chùa chiền, thiền viện mọc lên rất nhiều. Có nhà nghiên cứu đã gọi đây là thời kỳ “Phật học độc thịnh”. Tuy đạo Phật trong quá trình phát triển có nhiều tông phái, nhưng khi du nhập vào nước Việt, chủ yếu thịnh hành ba giáo phái chính là Thiền tông, Mật tông và Tịnh Độ tông. Đến cuối thời Bắc thuộc, các yếu tố Thiền – Tịnh – Mật có chiều hướng hoà hỗn lẫn nhau, dung hợp với nhau, nhưng trong xu hướng nhường phần chủ đạo cho Thiền.

Thiền tông là một thứ tôn giáo khá cởi mở khi tiếp thu những tư tưởng Thiền của các nhà tu hành khác nhau đến từ nước ngoài. Một đặc điểm quan trọng của Thiền học là tư tưởng “hòa quang đồng trần” (hòa cùng ánh sáng với trần gian), là tư tưởng “tùy tục”, một tư tưởng khá “tự do” và phóng khoáng được tiếp thu từ phái Thiền “Nam đốn” của Lục tổ Huệ Năng Trung Hoa. Tư tưởng này giúp cho các nhà sư có cơ hội tham gia vào các hoạt động của đời sống xã hội, không xa rời thực tiễn.

Đến thế kỷ X, trong thời kỳ đầu quốc gia tự chủ dười các triều Ngô – Đinh – Tiền Lê, tư tưởng Phật giáo đã ăn sâu bám chắc vào đời sống tinh thần của con người, chi phối mọi quan niệm và hành vi ứng xử của họ. Các giá trị văn hóa, cả vô thể và hữu thể đều mang đậm dấu ấn Phật giáo. Kiến trúc, mỹ thuật chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng Phật giáo, là kiến trúc, mĩ thuật Phật giáo. Cần phải thấy được vai trò đặc biệt của ngôi chùa Phật trong thời kỳ này. Ngôi chùa có vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống văn hóa của con người. Chùa Phật là một loại “trung tâm văn hoá”. Chùa chiền chốn kinh đô là “trung tâm văn hoá” của đất thần kinh, còn chùa làng chính “trung tâm văn hoá” nơi thôn ổ. Vì thế mà ngôi chùa Phật có vị trí khác hẳn ở các thời đại khác. Đó vừa là nơi tu hành, nơi giảng pháp, nhưng lại vừa là “trường học” dạy chữ cho nhân dân, là “bệnh viện” chữa bệnh cho nhân dân, là trung tâm sinh hoạt “văn hoá cộng đồng” của nhân dân… Người dân đến chùa để thoả mãn đức tin về hiện tại và tương lai. Người dân muốn có học vấn đều đi tìm chữ ở chùa, vì nhà trường hầu như chưa có nhiều và thường không dành cho họ. Người dân muốn chữa bệnh cũng phải nhờ vào nhà chùa… Vai trò thượng tôn của Phật giáo là điều không thể phủ nhận trong những thế kỷ này.

Mỗi thời đại sản sinh ra “nhân vật chính” của thời đại mình. “Nhân vật chính” của thời kỳ này chính là các nhà sư. Vai trò của nhà sư trong thời kỳ này lớn lao hơn trong các thời kỳ khác. Các nhà tu hành không phải chỉ biết tụng kinh gõ mõ, chăm chăm kinh kệ, thu mình trong ngôi chùa, chuyên chú chuyện đạo, mà họ mở rộng tầm hoạt động tới toàn bộ đời sống xã hội. Chúng ta có thể thấy tính chất đa giá trị trong con người các nhà sư này. Họ là “nhà tư tưởng” với tư cách là người truyền bá tư tưởng tôn giáo, truyền bá đức tin cho nhân dân; họ là “nhà chính trị”, với tư cách là những chính khách tham gia chính sự, bàn việc nước, lo việc đời; họ là “nhà văn hoá” trong việc xây dựng lối sống và cách hành xử, trong tạo dựng môi trường văn hoá xã hội; họ là “nhà giáo dục”, với tư cách là người dạy chữ và truyền bá tri thức cho quần chúng nhân dân. Vai trò dạy chữ cho nhân dân thời kỳ này chưa thuộc về Nho sĩ, mà chủ yếu thuộc về các nhà sư. Lý Công Uẩn sau này cũng chủ yếu học hành trong chùa. Họ còn là “thày thuốc” chuyên chăm lo chạy chữa bệnh tật cho nhân dân, truyền thống này hiện vẫn còn rải rác đây đó trong những ngôi chùa cổ của Việt Nam. Còn trong văn học, họ là những “nhà văn” tiêu biểu nhất, sáng tác những tác phẩm chủ đạo cho lịch sử văn học dân tộc[3]… Rõ ràng, vai trò của nhà sư thời kỳ này thật là đặc biệt. Nhà sư là hình ảnh đẹp về đạo đức, về nhân cách, về sự bình đạm kiệm ước, và nhất là về tinh thần dấn thân cùng dân tộc của Phật tử Việt Nam, trái với hình ảnh phô trương, xa xỉ của đời sống tu hành trong những thời kỳ Phật giáo suy vi.

Biểu hiện sáng rõ nhất của Phật tử mang tinh thần dấn thân cùng dân tộc thời kỳ này là tính lưỡng sinh giá trị trong con người Phật tử – Mưu sĩ, Phật tử – Chính khách, hay Thiền sư – Thi sĩ… Trong Phật giáo thế kỷ X nổi lên hai tấm gương sáng về sự dấn thân cũng dân tộc, đó là Pháp Thuận (915 – 990) và Khuông Việt (935 – 1011). Pháp Thuận từng giúp ba triều vua Ngô, Đinh, Tiền Lê, mà tiêu biểu nhất là giúp vua Lê Đại Hành về trị quốc, an dân và ngoại giao. Khuông Việt cũng từng giúp hai triều vua Đinh và Tiền Lê, mà tiêu biểu nhất là giúp vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lê Đại Hành về trị quốc, chống xâm lăng và ngoại giao.

1. Pháp Thuận, người mở đầu nền nội trị của quốc gia tự chủ

Đỗ Pháp Thuận sinh năm 915, mất năm 990, thọ 76 tuổi, “là một nhà sư thuộc thế hệ thứ 10 dòng thiền Nam Phương”. Cho đến nay, không rõ tên thật và quê quán của ông. Sách Thiền uyển tập anh ngữ lục chép, ông tu ở chùa Cố Sơn, làng Thừ, quận Ai. Ông là một Thiền sư nổi tiếng uyên bác, “có tài vương tá, am hiểu việc đời”, đặc biệt rất giỏi thơ văn, “những khi nói sư đều đọc thành những câu sấm”[3]. Ông sống dưới cả ba triều đại đầu tiên của thời kỳ tự chủ là Ngô (939 – 967), Đinh (968 – 980), và Tiền Lê (980 – 1009), nhưng có đóng góp to lớn nhất và trực tiếp nhất là cho triều Tiền Lê.

Pháp Thuận được xem là một trong những nhà ngoại giao đầu tiên của Việt Nam. Thoát khỏi nghìn năm Bắc thuộc, các triều đại Ngô, Đinh, Lê vừa phải lo xây dựng, củng cố vương quyền, vừa phải chống đỡ với thù trong, giặc ngoài. Bắt đầu từ đây, sự nghiệp đối ngoại của nước Việt Nam hình thành. Và bắt đầu công cuộc ngoại giao đầy khó khăn, gian khổ, để vừa giữ vững được chủ quyền của dân tộc. Một trong những người đầu tiên viết nên trang sử thành văn cho lịch sử ngoại giao Việt Nam là Đỗ Pháp Thuận, những trang sử ngoại giao đầu tiên đó là hết sức thông minh, khôn khéo và đầy chất thơ.

Hai tài liệu sớm nhất viết về tài ngoại giao của Pháp Thuận cũng vẫn là Thiền uyển tập anh và Đại Việt sử ký toàn thư, và đều viết khá thống nhất. Đó là sự kiện ngoại giao nhà Tiền Lê tiếp đón sứ giả nhà Tống là Lý Giác năm 987. Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Nhà Tống lại sai Lý Giác sang. Đến chùa Sách, vua sai pháp sư tên là Thuận giả làm giang lệnh ra đón. Giác tính thích nói chuyện văn thơ. Lúc ấy nhân có hai con ngỗng nổi trên mặt nước, Giác ngâm đùa rằng:

Nga nga lưỡng nga nga

Ngưỡng diện hướng thiên nha

(Ngỗng ngỗng hai con ngỗng,

Chân trời nghển cổ trông)

Pháp sư đang cầm chèo, theo vần làm nối, đưa cho Giác xem:

Bạch mao phô lục thuỷ,

Hồng trạo bãi thanh ba.

(Nước xanh phô lông trắng,

Sóng biếc quậy chèo hồng)

Giác càng lấy làm lạ. Khi về đến sứ quán, gửi thơ cho Thuận… (trong đó có câu: “Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu; Khê đàm ba tĩnh kiến thiềm thu” (Ngoài trời lại có trời soi nữa; Sóng lặng khe đầm bóng nguyệt thâu)

Thuận đem thơ này dâng vua. Vua cho gọi nhà sư Ngô Khuông Việt cho xem. Khuông Việt nói: “Thơ này có ý tôn trọng bệ hạ không khác gì vua Tống”. Vua khen ý thơ, tặng cho rất hậu”[4].

Có lẽ Lý Giác “lấy làm lạ” trước việc một người chèo thuyền bình thường (giang lệnh) của nước Việt mà lại thông tỏ sách vở Trung Quốc và giỏi đối đáp thơ văn như vậy, chứ không phải lấy làm lạ vì một pháp sư giỏi thơ văn. Ở đây, các tác giả Thiền uyển tập anh cũng như Đại Việt sử ký toàn thư có lẽ cũng không có ý tán dương tài thơ văn của sư Thuận, mà là tán dương sự thành công của nhà sư trong việc đóng vai một người chèo thuyền để hoàn thành sứ mệnh ngoại giao và sau đó là việc vận dụng thơ văn của chính người Trung Quốc để đối đáp với người Trung Quốc, làm cho sứ giả nước ngoài phải bỏ thói kiêu ngạo, phải cảm phục tài năng của một người Việt bình thường.

Như chúng ta đều biết, đây không phải là những câu thơ của Lý Giác cũng như của Pháp Thuận, mà là Lý Giác đã dựa vào thơ cổ “Vịnh nga” của Lạc Tân Vương, nhà thơ đời Đường để ngâm vịnh, để tức cảnh trước hiện thực mà nảy tình[5]. Và điều bất ngờ là ở chỗ, một người chèo đò bình thường của đất Việt lại có thể dựa vào chính bài thơ cổ của Trung Hoa ấy để tức cảnh đối lại, làm cho cho viên sứ giả vốn học rộng biết nhiều kia phải kinh ngạc thán phục.

Câu chuyện được chép trong chính sử và trong sách ngữ lục của nhà chùa, hai loại văn bản quan trọng vào bậc nhất của nhà nước phong kiến và của nhà Phật, đã ít nhiều chỉ rõ tính xác thực của sự kiện đã xảy ra. Câu chuyện nhằm ngợi ca tinh thần “dấn thân” và tài trí của nhà sư. Nó làm cho cuộc đấu tranh ngoại giao đầy cam go của dân tộc ta trong buổi đầu lập quốc vừa thể hiện rõ sự khôn khéo, bản lĩnh, trí tuệ, mà lại vừa bộc lộ tính văn hoá, tính nhân văn sâu sắc. Nó góp phần mở ra một truyền thống ngoại giao mềm dẻo mà bản lĩnh của dân tộc ta với Trung Quốc trên một nghìn năm qua.

Nhưng đóng góp quan trọng nhất của Pháp Thuận là vào công việc nội trị của các triều đại Ngô – Đinh – Tiền Lê. Con người “có tài vương tá, am hiểu việc đời” này được các bậc đế vương thời kỳ lập quốc rất sùng thượng, thường được mời bàn chính sự. Pháp Thuận đã để lại một phát biểu chính trị rất quan trọng của mình khi chỉ cho vua Lê Đại Hành cách trị nước trong buổi rối ren khi mới lên ngôi. Có thể xem đây là một văn kiện chính trị đầu tiên của Việt Nam thời tự chủ. Đó là phát biểu chính trị trong một bài thơ Thiền, nhà sư làm khi trả lời vua Lê Đại Hành hỏi về vận nước, về ngôi vua, về nội trị. Bài thơ được làm vào khoảng năm 981 – 982 dưới triều vua Lê Đại Hành. Đây là một “Thiền ngữ” được trình bày trong một cuộc vấn đáp giữa sư Pháp Thuận với vua Lê Đại Hành về sự dài ngắn, bền vững của “ngôi nước”, của ngôi vua, của “đế vị”, tức là của “vận nước”. Bài thơ vốn không có tên gọi, nhưng được người đời sau đặt tên “Quốc tộ” (Vận nước) là lấy từ chữ đầu của câu thơ đầu tiên trong bài thơ. Thiền uyển tập anh chép:

“Vua Đại Hành thường hỏi sư về ngôi nước (quốc tộ) dài, ngắn thế nào, sư thưa:

Quốc tộ như đằng lạc,

Nam thiên lý thái bình.

Vô vi cư điện các,

Xứ xứ tức đao binh.

Dịch nghĩa:

Ngôi nước như dây leo quấn quýt

Ở góc trời nam mở ra cảnh thái bình

Dùng đường lối vô vi ở nơi cung điện

Thì khắp mọi nơi đều tắt hết đao binh[6]

Bài thơ này được làm theo phép “dẫn Thiền nhập thi” của thi ca Phật giáo. Và hoàn cảnh ra đời của bài thơ cũng tựa như hoàn cảnh ra đời của nhiều bài thơ Thiền trong các cuộc giảng đạo, trong các đối cơ hay tụng cổ. Nhưng điều đáng chú ý là nội dung được dẫn nhập trong bài thơ này không phải chỉ là Thiền lý mà còn là một quan điểm chính trị được quán chiếu bởi tư tưởng Thiền. Bài thơ là một kết cấu chặt chẽ, hoàn chỉnh, giải thích cho câu hỏi của vua Đại Hành về vận nước của nhà Tiền Lê lúc đó như thế nào. Đây có thể là câu hỏi nan giải nhất đối với vua Lê Đại Hành, mà nhà vua rất lúng túng, băn khoăn vì chưa tìm được lời giải đáp. Vì thế, ông đã đem điều này ra hỏi vị sư được xem là anh minh nhất trong triều. Và câu trả lời của sư Pháp Thuận được trình bày bằng một bài thơ ngũ ngôn tuyệt có chữ Hán chỉ có 20 chữ, theo lối kệ Thiền, tưởng rất khô khan nhưng lại hàm chứa những tầng bậc ngữ nghĩa sâu sắc trong những lời thơ cô đọng, mang chất chính luận và cũng giàu hình ảnh.

Trả lời về câu hỏi của vua Lê Đại Hành “về ngôi nước (quốc tộ) dài, ngắn thế nào”, Pháp Thuận thưa rằng:

Quốc tộ như đằng lạc,

Nam thiên lý thái bình.

(Ngôi nước như dây leo quấn quýt

Ở góc trời nam mở ra cảnh thái bình)

Nhà sư giúp vua nhận rõ thực trạng của “vận nước” lúc này và nhiệm vụ của vua là phải như thế nào. Trong nhãn quan của Pháp Thuận, vấn đề này rất sáng tỏ. Nhà sư đã chỉ rõ cho nhà vua nhìn thấy hiện trạng của đất nước và những yêu cầu đặt ra để trị nước. Đó là vận của nhà Lê khi mới lên ngôi (năm 980) phải lo lắng trăm bề để vỗ yên thiên hạ, lại phải ngay lập tức tiến hành cuộc kháng chiến chống Tống xâm lược (năm 981), là lòng thần dân chưa hẳn đã yên khi vua “lập Hoàng Thái hậu nhà Đinh là Dương thị làm Đại Thắng minh hoàng hậu” (năm 982), là phải chống lại sự quấy nhiễu ở biên giới phía Nam khiến “vua thân đi đánh Chiêm Thành thắng được” (năm 982), phải đối phó với những lực lượng cát cứ chống đối, hay trước tình cảnh “năm ấy đói to” (năm 982)[7] … Cái “vận nước” ấy, như hình dung của Pháp Thuận, nó rối bời “như dây leo quấn quýt”, hay như “dây mây quấn quýt” (“như đằng lạc”). Hình ảnh so sánh, ví von của câu thơ này làm thành vế thứ nhất của bài thơ, chỉ rõ hiện trạng của vận nước. Vận nước như dây mây quấn quýt, rối bời. Đây không phải là những mỹ từ chỉ sự tốt đẹp, sự bền chắc của ngôi vua như có người đã lý giải sai nhầm, mà là hình ảnh chỉ sự rối rắm, phức tạp, khó khăn trăm bề của hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ trước vô vàn mối lo toan chồng chất: Lòng dân chưa yên với vua mới, với hoàng hậu Dương Vân Nga, nỗi lo ngoại xâm, mất mùa, đói kém, và nhất là loạn lạc, binh đao…

Câu hỏi được đặt ra là: Muốn giữ yên được vận nước (ngôi vua, triều đình) thì phải làm như thế nào? Đó là câu hỏi bức súc của nhà vua cần được trả lời. Pháp Thuận đã chỉ rõ hiện trạng đất nước và tìm lời giải đáp về tương lai đất nước cho nhà vua. Theo ông, muốn ngôi nước vững bền, thì trước hết phải xây dựng nền thái bình. Phải đặt lời giải đáp này trong bối cảnh lịch sử lúc đó thì mới thấy hết cái tư tưởng lớn lao của Pháp Thuận. Bối cảnh lịch sử đó là chiến tranh, loạn lạc, nội chiến, giặc giã, là tranh giành quyền bính giữa các dòng họ, là tình trạng cát cứ, phân liệt, xưng hùng xưng bá của các thủ lĩnh quân sự, với triết lý sống “được làm vua, thua làm giặc”[8]… Một chủ trương, một chính sách, một tư tưởng hướng tới xây dựng xã hội thái bình, đề cao tư tưởng hoà bình, trong một xã hội “vũ trị” (thống trị bằng vũ lực) của những thủ lĩnh quân sự, những “anh hùng cái thế” hiện thời, là một tư tưởng hết sức lớn lao, sáng suốt và tỉnh táo. Theo Pháp Thuận, đây chính là nền tảng của việc giữ yên ngôi nước, giữ vững đế vị. Không hướng tới xã hội hoà bình, không chăm lo “sửa sang nền thái bình”, thì không thể có ngôi nước vững bền. “Nam thiên lý thái bình” chính là nhiệm vụ của nhà vua mà cũng là mục đích cần hướng tới của dân tộc. Tư tưởng ấy lớn lao, bởi đấy không chỉ là quyền lợi cho một người, một dòng họ, mà chung cho muôn người, cho dân tộc.

Nhưng trước trăm mối lo toan, trăm ngả lựa chọn, để đạt được một nền thái bình thì đâu là khâu đột phá? Đâu là chìa khoá để mở cánh cửa cho thời đại hoà bình? Cần phải có ngay một sự lựa chọn và một giải pháp chính trị đúng. Sư Pháp Thuận đã chỉ rõ rằng kẻ thù của nền thái bình là chiến tranh, là loạn lạc, là nạn đao binh. Thực tế lịch sử thế kỷ X cho thấy, vấn đề bức súc nhất của thời đại chính là giải quyết vấn đề chiến tranh, binh đao, giặc giã, loạn lạc đó… Phải chấm dứt chiến tranh, loạn lạc thì mới xây dựng được đời sống thái bình, thì ngôi nước mới giữ yên. Đó là nhiệm vụ số một của bậc đế vương.

Nhưng chấm dứt chiến tranh, nạn binh đao bằng cách nào? Đòi hỏi ở nhân dân chăng? Đòi hỏi ở các lực lượng chống đối chăng? Hay đòi hỏi một sự trợ giúp của Trời, Phật? Pháp Thuận không nghĩ thế. Ông cho rằng, muốn chấm dứt cảnh binh đao, yêu cầu đặt ra trước hết là ở chính người cầm quyền, ở chính bậc quân trưởng trong nước. Sự lựa chọn này cho thấy Pháp Thuận đã đứng trên lập trường của muôn dân, luôn luôn đặt ra sự đòi hỏi từ phía người dân. Ông cho rằng, đường lối chính trị đúng đắn của bậc đế vương sẽ quyết định vận mệnh hay sự thay đổi của đất nước. Bậc đế vương sáng suốt thì đất nước cường thịnh, phát triển, chính sách của nhà vua đúng đắn, hợp lòng dân thì mọi người tin theo, ủng hộ. Đường lối đó là gì? Đây là mấu chốt của vấn đề, và cũng là hạt nhân tư tưởng của bài thơ.

Pháp Thuận tiếp:

Vô vi cư điện các

Xứ xứ tức đao binh

(Dùng đường lối vô vi ở nơi cung điện

Thì khắp mọi nơi đều tắt hết đao binh)

Pháp Thuận cho rằng nhà vua cần phải thực hành một đường lối chính trị “vô vi” trong triều đình. “Vô vi” là một khái niệm trong phạm trù tư tưởng của cả Đạo gia, Nho gia và Phật giáo. Nó thấm đẫm tinh thần “tam giáo” trong thời này. Theo tư tưởng của Đạo gia, thì “vô vi” có nghĩa là nhà vua cần thực hành một đường lối chính trị “thuận theo tự nhiên” chữ không bắt mọi người tuần phục những ý tưởng “nhân vi” chủ quan của mình. Trước hết, nhà vua phải biết tự điều tiết chính sách, mệnh lệnh, đòi hỏi của mình “không trái tự nhiên”, cũng tức là “không trái với mệnh trời”, không trái quy luật. Thứ đến, phải thuận theo lòng người, theo nguyện vọng của đa số nhân dân lúc đó, không áp dụng những chính sách hà khắc, không dùng vũ lực trấn áp kẻ đối lập mà cảm hoá họ, khuyến khích mọi người phát huy khả năng của mình… Tư tưởng “vô vi” đó cũng chính là biểu hiện của tư tưởng “thiên mệnh” và “dĩ dân vi bản”, “ý dân là ý Trời” của Nho gia[9]. Hơn nữa, Pháp Thuận là một nhà sư, tư tưởng “vô vi” của Pháp Thuận còn là một tư tưởng thấm nhuần tinh thần Phật giáo, là tư tưởng “vô vi pháp”, là tinh thần tư bi, hỉ xả, bác ái, vì mọi người… Làm sao chăm lo cho nhân dân, để nhân dân được bằng an, ấm no, hạnh phúc, họ sẽ không nảy lòng chống đối, mà khi nhân dân đã tin theo thì sẽ không có binh đao, loạn lạc, và ngôi nước vì thế mà được yên.

Chỉ có áp dụng đường lối chính trị “vô vi”, nhà vua mới có thể dập tắt được nạn binh đao. Không thể dùng bạo lực để dập tắt bạo lực, mà phải dùng đường lối chính trị hợp lòng người, phải dùng tình yêu thương, lòng từ bi, đức hi sinh theo tinh thần Phật giáo thì mới dập tắt được binh đao, loạn lạc, mới xây dựng được nền thái bình, thịnh trị, cũng tức là mới giữ được ngôi nước dài lâu. Nếu dùng đường lối vô vi thì “chốn chốn tắt đao binh”. Tức là, nhà vua không cần phải cất quân chinh phạt, mà thiên hạ vẫn yên, ngôi nước vẫn vững như bàn thạch. Đó là cơ sở của việc giữ gìn vận nước. Bằng bài thơ mang hình thức kệ Thiền, vận dụng tri thức “tam giáo”, Thiền sư Đỗ Pháp Thuận đã trình bày rõ cho nhà vua Lê đại Hành hiểu được một cách sâu sắc về hiện trạng đất nước rối ren và cách giữ vững ngôi vua, vận nước.

Đây là một bài thơ Thiền nhưng mang tính chính luận nhằm khai ngộ cho nhà vua nhận thức đúng thực trạng xã hội lúc bấy giờ và cách thức để nội trị có hiệu quả nhất. Nó không chỉ thể hiện rõ tinh thần Phật giáo, mà còn thể hiện sâu sắc tư tưởng “tam giáo”, một nét đặc sắc của tinh thần Việt Nam thời kỳ này bắt đầu hướng tới sự hỗn dung tư tưởng, văn hoá trong kiến thiết quốc gia. Nhưng cao hơn hết thảy, là sự thể hiện một cách minh triết tinh thần dân tộc Việt Nam trong buổi đầu tự chủ, khi mà các Phật tử có vai trò vô cùng quan trọng trong vệ quốc và kiến quốc.

2. Khuông Việt, người mở đầu lịch sử ngoại giao của quốc gia tự chủ

Theo Thiền uyển tập anh ngữ lục, Đại sư Khuông Việt tên thật là Ngô Chân Lưu, người hương Cát Lợi, huyện Thường Lạc (nay thuộc Sóc Sơn, Hà Nội). Ông sinh năm 933, mất năm 1011. Lúc nhỏ ông học đạo Nho, lớn đi tu, thuộc thế hệ thứ 4 dòng Thiền Quan Bích. Năm 40 tuổi ông rất tinh thông Thiền học, được vua Đinh Tiên Hoàng phong làm Tăng thống, ban cho hiệu là Khuông Việt Đại Sư (nghĩa là Vị Sư Lớn Khuông Phù Nước Việt), ở vị trí quốc sư. Dưới triều Lê Đại Hành, ông cũng là một nhà nhà sư có uy vọng lớn, thường được nhà vua cho mời tham chính trong triều.

Không chỉ tinh thông giáo lý, có uy vọng lớn trong vườn Thiền, Khuông Việt còn có vai trò to lớn trong đời sống xã hội lúc bấy giờ. Cống hiến của ông đối với đất nước cũng được thể hiện chủ yếu trên hai phương diện nội trị và ngoại giao.

Về nội trị, Khuông Việt được xem là một mưu sĩ của triều đình, thường được các vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại hành mời tham chính, bàn thế sự, “phàm việc quân, việc nước ở triều đình, sư đều dự vào”. Sách vở chép về sự nghiệp dấn thân của sư Khuông Việt không nhiều, chủ yếu qua hai tài liệu Thiền uyển tập anh ngữ lục và Đại Việt sử ký toàn thư. Sách Thiền uyển tập anh chép rằng: Sư từng mơ thấy thần nhân mặc áo giáp vàng bảo: “Ta là thiên vương ở Tỳ sa môn… Thiên đế sai ta đến gữ gìn cương giới nước này để cho Phật pháp được thịnh hành. Ta cùng người có túc duyên, nên đến nhờ người”[10]… Vì thế sư bèn tạc tượng thần nhân để thờ.

Câu chuyện này mang màu huyền thoại, nhưng dường như là để chỉ rõ thực tế các hoạt động của nhà sư chủ yếu trên 2 lĩnh vực: tôn giáo và chính trị. Việc thờ thần nhân là nhằm 2 mục đích “giữ gìn cương giới” và “cho Phật pháp được thịnh”. Ông đã mượn sức mạnh của thần nhân để thực hiện mục đích tôn giáo và chính trị của mình.

Về mặt nội trị, ngoài việc tham gia chính sự, bàn việc nước với các vua Đinh vua Lê, Khuông Việt còn có vai trò to lớn trong việc phát triển tôn giáo. Ông từng giảng đạo và có nhiều đồ đệ thành danh. Ông cũng có sáng tác các thi kệ để giác ngộ đệ tử. Hiện còn hai bài thơ Thiền được chép trong sách Thiền uyển tập anh. Đó là hai bài thi kệ ngắn. Bài thứ nhất chỉ có hai câu, trả lời học trò là Đa Bảo hỏi về sự khởi đầu và kết thúc của việc học đạo:

Thuỷ chung vô vật diệc hư không

Hội đắc chân như thể tự đồng

(Không có gì là thuỷ hay là chung, chỉ có hư không mới là thần diệu

Nếu hiểu được chân như thì vạn vật sẽ tự đồng nhất với tâm thể của mình)

Đây là hai câu kệ nhằm khai ngộ cho đệ tử hỏi về một yếu chỉ của Thiền về lẽ “thuỷ chung” của “đạo”. Sư Đa Bảo chưa rõ, nên hỏi tiếp: “Làm thế nào mà báo nhiệm được?”. Khuông Việt bèn đáp: “Không có chỗ người hạ thủ”. Lúc đó sư Đa Bảo bèn tỉnh ngộ, mà rằng: “Hoà thượng nói rõ rồi”. Khuông Việt bèn hỏi: “Ngươi hiểu thế nào?”. Đa Bảo kêu to một tiếng. Đây là một công án Thiền giúp đệ tử đập vỡ sự hoài nghi hay thái độ bám víu vào sự hữu phân, câu chấp, để ngộ ra cái bản thể chân như bất biến của đạo. Rằng đạo là vô thuỷ vô chung, vô hình vô tượng. Nó luôn trong trạng thái nhất như. Khi con người ta đạt tới trạng thái “vô phân biệt”, thì “vạn vật đồng nhất với tâm thể mình”, và cái hữu không chỉ là hữu mà còn là vô, cái sắc không chỉ là sắc mà còn là không.

Xét trên phương diện Thiền học, sư Khuông Việt là một Thiền giả có trí tuệ siêu việt, có khả năng khai ngộ mạnh mẽ cho đồ đệ. Sách Thiền uyển tập anh chép, trước lúc mất, ông có đọc một bài kệ rằng:

Mộc trung nguyên hữu hoả

Nguyên hoả phục hoàn sinh

Nhược vị mộc vô hoả

Toàn toại hà do manh?

(Trong cây vốn có lửa

Gốc lửa tái sinh không ngừng

Nếu nói trong cây không có lửa

Thì khi dùi cây lửa từ đâu phát ra?)

Bài kệ này tiếp tục tinh thần của công án nêu trên, nhưng trên một bình diện tri thức mới, sâu sắc và quả quyết hơn. Bản thể chân như của đạo tồn tại trong mỗi con người, như lửa trong cây. Nếu con người nhận thức được nó, biết đánh thức nó, thì nó sẽ bùng cháy. Nếu không, nó vĩnh viến nguội tắt.

Về mặt vệ quốc, Khuông Việt cũng có những đóng góp quan trọng. Sách Thiền uyển tập anh ghi: “Năm Thiên Phúc thứ 1 (981), binh Tống đến quấy nước ta. Vua biết rõ việc đó, liền sai Sư đến bàn thờ cầu đảo. Quân giặc kinh hãi, rút về giữ sông Hữu Ninh, lại thấy sóng gió nổi lên, giao long nhảy nhót, giặc bèn tan vỡ”. Đó là chỉ việc Khuông Việt tạc tương Tỳ Sa Môn Thiên vương để thờ và giúp vua cầu đảo cho tướng sĩ thêm phần tự tin, dũng khí bởi sự che chở và phù hộ của thiên thần trong chiến đấu. Việc cầu đảo thần nhân mà quân Tống sợ hãi phải bỏ chạy chỉ là chuyện hoang đường, nhưng vai trò của Khuông Việt trong việc trợ giúp triều đình về mưu lược, về việc động viên sĩ khí và tinh thần của quân tướng bằng lòng tin vào sự phù trợ của thần thánh để đánh đuổi giặc ngoại xâm là có thể thấy rõ.

Nhưng có lẽ đóng góp quan trọng nhất của Khuông Việt là về ngoại giao. Khuông Việt (cùng với Pháp Thuận) đã mở ra những trang đầu tiên của lịch sử ngoại giao của nước Việt tự chủ.

Sách Thiền uyển tập anh đã ghi lại với tinh thần ngợi ca vai trò của Khuông Việt trong công cuộc ngoại giao với nhà Tống. Năm 986 ông và sư Pháp Thuận được vua Lê Đại Hành cử tiếp sứ giả nhà Tống là Lý Giác, nhằm tạo mối hoà hiếu và bảo vệ chủ quyền quốc gia. Sách này chép: “Năm Thiên phúc thứ 7 (986), sứ nhà Tống là Lý Giác sang nước ta. Vua thấy pháp sư Đỗ Thuận có tiếng giỏi, bèn sai cải trang giả làm người lái đò chèo thuyền đi đón Lý Giác ở Giang Khúc. Lý Giác thấy Đỗ Thuận giỏi thơ văn, bèn tặng một bài thơ, trong đó có câu; “Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu”, nghĩa là “Ngoài trời lại có trời, nên soi chiếu xa hơn”. Vua đưa bài thơ ấy cho sư Khuông Việt xem, sư tâu; “Câu thơ ấy của sứ Tầu có ý tôn trọng bệ hạ cũng như vua của họ vậy”.

Nguyên văn bài thơ của Lý Giác tặng Pháp Thuận như sau:

Hạnh ngộ minh thì tán thịnh du

Nhất thân nhị độ sứ Giáo Châu

Đông Đô lưỡng biệt tâm vưu luyến

Nam Việt thiên trùng vọng vị hưu

Mã đạp yên vân xuyên lãng thạch

Xa từ thanh chướng phiếm trường lưu

Thiên ngoại hữu thiên ưng viễnn chiếu

Khê đàm ba tĩnh kiến thiềm thu

(May mắn gặp thời thịnh được giúp nhiều mưu

Một thân hai lượt đi sứ Giao Châu

Hai lần từ biệt Đông Đô, lòng càng lưu luyến

Đất Nam Việt xa nghìn trùng, vẫn ngóng trông hoài

Chân ngựa đạp khói mây băng qua đá lớm chởm

Bánh xe từ giã núi xanh, rồi lại lênh đênh trên sông dài

Ngoài trời lại có trời, nên soi chiếu xa hơn nữa

Để khe đầm sóng lặng, được thấy bóng trăng thu.)

Công việc ngoại giao của Khuông Việt và Pháp Thuận hoàn thành tốt đẹp. Đến khi Lý Giác về nước, sư Khuông Việt lại được vua Lê Đại Hành cử tiễn sứ thần. Trong lễ tiễn đưa, Khuông Việt đã làm một bài ca phỏng theo điệu Nguyễn lang quy để tiễn. Bài ca này được gợi hứng từ ý tứ bài thơ của Lý Giác tặng Pháp Thuận nói trên, nhưng gửi gắm nhiều ý vị sâu xa về quan hệ bang giao giữa hai nước và nền độc lập của dân tộc. Bài ca như sau:

Tường quang phong hảo cẩm phàm chương

Dao vọng thần tiên phục đế hương

Vạn trùng sơn thuỷ thiệp thương lang

Cửu thiên quy lộ trường

Tình thảm thiết

Đối ly trường

Phan luyến sứ tinh lang

Nguyện tương thâm ý vị biên cương

Phân minh tấu ngã hoàng

(Hây hẩy gió lành trong ánh sáng rực rỡ, giương cánh buồm gấm

Ở nơi xa mọi người đang ngóng vị thần tiên trở về chốn đế hương

Non nước muôn trùng, vượt làn bể xanh

Đường về phương trời xa thăm thẳm

Tình thảm thiết

Chén biệt ly

Vin sứ giả lòng quyến luyến

Xin đem cái ý sâu xa vì cõi biên cương này

Tâu lên minh bạch với hoàng đế của chúng ta.)

Đây là một tác phẩm văn học rất có giá trị, là tác phẩm mở đầu cho loại văn học bang giao của Việt Nam. Có thể xem đây là một văn kiện ngoại giao đầu tiên của nước Việt Nam tự chủ. Một văn kiện ngoại giao được trình bày trong hình thức một bài ca. Nội dung bài ca thể hiện sự trân trọng, ngợi ca của tác giả đối với sứ thần nước Tống, bày tỏ tình cảm lưu luyến đối với sứ giả trong giờ khắc chia ly, cầu chúc những điều tốt đẹp an lành trên con đường hồi quốc của sứ giả, nhưng quan trọng nhất, là Khuông Việt đã trình bày được cái ý tưởng sâu xa của vua Lê Đại Hành, của triều đình đối với sứ thần nhà Tống, muốn thông qua sứ thần tấu đến được với nhà vua và triều đình nhà Tống, bộc bạch rõ về tinh thần hoà hiếu, sự tôn trọng cần có giữa hai bên, nhắn gửi và nhắc nhở sứ giả Lý Giác phải nhớ tới trách nhiệm “đem cái ý sâu xa vì cõi biên cương này”, tức là nền độc lập, chủ quyền của nước Việt, mà “tâu lên minh bạch với vua Tống”.

Nguyện tương thâm ý vị biên cương

Phân minh tấu ngã hoàng

Nền ngoại giao của nước Việt dưới triều Tiền Lê nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia có sự đóng góp quan trọng của Khuông Việt. Đây là một văn kiện ngoại giao thể hiện sâu sắc tình hòa hiếu, tinh thần độc lập dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền quốc gia không phải chỉ của riêng sư Khuông Việt, mà còn của chung triều đình Tiền Lê.

Phật giáo đã đồng hành cùng dân tộc gần hai nghìn năm qua, có những đóng góp vô cùng quan trọng không chỉ trong sự phát triển của văn hóa dân tộc, mà còn trong công cuộc kiến quốc và vệ quốc vô cùng gian khó thời kỳ đầu quốc gia tự chủ. Những đóng góp ấy được biểu hiện cụ thể bằng những tấm gương tiêu biểu như Pháp Thuận và Khuông Việt…   Xin được nhắc lại, đó là những hình ảnh đẹp nhất về đạo đức, về nhân cách, về sự bình đạm kiệm ước, và nhất là về tinh thần dấn thân cùng dân tộc của Phật tử Việt Nam, trái với những hình ảnh phô trương, xa xỉ, xa rời thực tiễn đất nước của đời sống tu hành trong những thời kỳ Phật giáo suy vi, thật xứng đáng là những tấm gương sáng cho Phật tử các đời noi theo./.

PGS.TS. Nguyễn Phạm Hùng

Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn

Đại học Quốc gia Hà Nội

Chú thích:

[1] Nguyễn Lang: Việt Nam Phật giáo sử luận, T. I, NXB Văn học, H. 1994, tr. 26.

[2] Nguyễn Lang: Việt Nam Phật giáo sử luận, T. I, Sđd, tr. 85.

[3] Trần Nghĩa: Sưu tầm và khảo luận tác phẩm chữ Hán của người Việt Nam trước thế kỷ X. NXB Thế giới, H. 2000.

[4] Thiền uyển tập anh ngữ lục. Đoàn Thăng dịch chú. Tư liệu Viện Văn học.

[5] Quốc sử quán triều Lê: Đại Việt sử ký toàn thư. T. I, NXB Khoa học xã hội, H. 1972, tr. 172.

[6 Đây chỉ là truyền thuyết, và những câu thơ mà Thiền uyển tập anh và Đại Việt sử ký toàn thư trích ở đây là phỏng theo bài Vịnh nga của Lạc Tân Vương, nhà thơ đời Đường, làm lúc 10 tuổi. Bài thơ như sau:

Nga nga nga

Khúc hạng hướng thiên ca

Bạch mao phù lục thuỷ

Hồng chưởng bát thanh ba

(Ngỗng ngỗng ngỗng

Cong cổ hướng trời kêu

Lông trắng nổi nước biếc

Chân hồng khua sóng xanh)….

Nhận xét của các tác giả biên soạn Thơ văn Lý Trần: “Rất có thể hai ông đã vận dụng thơ cổ trong cuốc đối thoại bằng thơ của họ” (Thơ văn Lý Trần, T. I, NXB Khoa học xã hội, H. 1977, tr. 203).

[7 Quốc sử quán triều Lê: Đại Việt sử ký toàn thư. T. I, NXB Khoa học xã hội, H. 1972, tr. 167, 168.

[8] Dưới thời Ngô, Đinh, Tiền Lê có rất nhiều cuộc nổi dậy, cát cứ, phân liệt: Dưới triều nhà Ngô (939-967) và nhà Đinh (968-980) có 14 vụ, dưới triều Tiền Lê (981-1009) có 8 vụ. (Theo Nguyễn Danh Phiệt. Sự nghiệp thống nhất đất nước thời Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần với kỷ nguyên Đại Viêt. In trong Tìm hiểu xã hội Việt Nam thời Lý Trần, NXB Khoa học xã hội, H. 1981, tr. 413)

[9] Vô vi: “Thuật ngữ trong sách Lão tử, nhằm chỉ một thái độ sống thuận theo tự nhiên, không bị ràng buộc vào những khuôn phép, đạo đức nhân tạo. Về sau, khái niệm này được các nhà Nho dùng rộng rãi, nhưng cũng có hiểu khác đi ít nhiều” (Thơ văn Lý Trần, T.I, Sđd, tr. 204)

[10] Thiền uyển tập anh ngữ lục. Đoàn Thăng dịch chú. Tư liệu Viện Văn học.