Trần Nhân Tông, nhà cai trị bằng tâm Phật thành công lớn

29/ 02/ 2012 13:24:22

Trần Nhân Tông

 nhà cai trị bằng tâm Phật thành công lớn

TS. Lê Sơn

Ban Phật giáo Việt Nam,

Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh

Vua Trần Nhân Tông là con trưởng của Thánh Tông, mẹ là Nguyên Thánh Thiên Cảm, vua là cháu gọi Hưng Đạo đại vương bằng cậu ruột.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết:

Năm 1258, vua Trần Thánh Tông lấy con gái thứ năm của Yên sinh vương Trần Liễu tên là Thiều làm Thiên Cảm phu nhân. Ít lâu sau phong làm hoàng hậu, rồi sinh Thái tử Khâm vào năm này”.

Thái tử Khâm lên ngôi, tức là vua Trần Nhân Tông, chỉ hưởng dương được 51 năm:

Đến năm 1278, khi 21 tuổi, Thái tử Khâm lên ngôi. Vua ở ngôi 14 năm, nhường ngôi làm Thái thượng hoàng 5 năm, xuất gia 8 năm, thọ 51 tuổi. Vua nhân từ hòa nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp trùng hưng sáng ngời, thực là bậc vua hiền của nhà Trần.” (Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, các tr. 30 ,44)

Nhưng trong cuộc đời khá là ngắn ngủi ấy, ngài đã làm nên sự nghiệp hiển hách, làm vẻ vang cho nước Đại Việt bằng những phương cách vừa mềm dẻo vừa cứng rắn mà ít nhà vua nào làm được. Đồng thời, ngài là Trúc Lâm đại sĩ, vị Tổ sáng lập thiền phái Trúc Lâm, thiền phái duy nhất của Việt Nam truyền tiếp cho đến ngày nay.

Vua Trần Nhân Tông cùng Thượng hoàng Trần Thánh Tông hai lần đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông. “Năm 1294, khi làm Thái Thượng hoàng, vua Trần Nhân Tông thân chinh đi đánh Ai Lao, bắt được người và súc vật nhiều không kể xiết. (Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, tr. 73)

Năm 1301, Thượng hoàng Trần Nhân Tông vân du các nơi và sang Chiêm Thành, hứa gả con gái là công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm. Năm 1305, Chế Mân sai sứ sang cầu hôn. Năm 1306 thì công chúa Huyền Trân về với chế Mân, bờ cõi phía Nam nước ta mở rộng đến tận đèo Hải Vân, núi Bạch Mã. Đến năm 1307 thì đổi hai châu Ô, Lý thành châu Thuận và châu Hóa”. (Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, các tr. 86, 90, 91).

Đó là thời kỳ cực thịnh của nhà nước Đại Việt. Điều đó khẳng định rằng Trần Nhân Tông là người tài kiêm văn võ, đã làm nên sự nghiệp lừng lẫy, cả võ công, lẫn kinh tế và văn hóa, đã để lại những dấu ấn không bao giờ phai mờ trong tâm trí nhân dân ta.

Cho nên không lạ gì, khi vua Trần Nhân Tông rất được mọi người thương mến kính ngưỡng:

Khi vua qua đời, linh cửu vua tạm quàn ở điện Diên Hiền. Khi sắp đưa rước, đã đến giờ rồi mà quan lại và dân chúng còn đứng chật cả cung điện. Tể tướng cầm roi xua đuổi mà vẫn không dãn ra được” (Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, tr. 95)

Thời bấy giờ, được xem là thời kỳ Tam giáo đồng nguyên, được các nhà nghiên cứu về sau này tán tụng như là thời kỳ vàng son của dân tộc ta. Về sau này, khi trào lưu tư tưởng Nho giáo chiếm ưu thế trong tư duy và điều tiết mọi hoạt động chính trị, văn hóa xã hội nước ta, thì vào thời nhà Trần trào lưu tư tưởng Phật học vẫn còn chiếm ưu thế.

Việc vua Trần Thái Tông đem công chúa Lý Chiêu Thánh gả cho Lê Phụ Trần, người có công cứu giá trong đợt quân Nguyên xâm lược nước ta lần I (1257), cũng như việc vua Trần Thái Tông nhường ngôi cho Thái tử Hoảng, tự xưng là Thượng hoàng, thì nhà Nho Ngô Sĩ Liên thời nhà Lê, thời Nho giáo đang vươn lên chiếm ưu thế, dựa vào đạo Trung hiếu theo học thuyết Nho giáo để phê phán:

Vua tôi nhà Trần coi thường đạo vợ chồng lại thấy ở đây lần nữa”. “Từ khi Hạ Vũ truyền ngôi cho con thì cha chết con nối, đã thành phép thường mãi mãi. Gia pháp họ Trần lại khác thế: con đã lớn thì cho nối ngôi chính, còn cha lui ở cung Thánh Từ, xưng là Thượng hoàng, cùng trông coi chính sự. Thực ra truyền ngôi chỉ để yên việc sau, chứ mọi việc đều do Thượng hoàng quyết định, vua kế vị không khác gì Hoàng Thái tử cả. Như vậy thì có hợp đạo không?” (Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, tr. 29, 30).

Nhưng chính Ngô Sĩ Liên lại khen vua Trần Nhân Tông về việc hành xử không theo đúng nguyên tắc nhà Nho trong câu chuyện sau đây:

Em trai Đỗ Khắc Chung là Đỗ Thiên Thư kiện nhau với người, tình lý đều trái. Người kia đón xa giá tâu bày. Vua hỏi quan xử kiện, được trả lời là án đã xử xong, nhưng hình quan thoái thác không chịu chuẩn định đó thôi. Vua nói, đó là do sự né tránh Khắc Chung đấy. Đang trên đường đi, sai Chánh chưởng nội thư (quan áo xanh tức hoạn quan) là Trần Hùng Thao kiêm chức Kiểm pháp quan để chuẩn định, thì Thiên Thư quả thật là trái.

Ngô Sĩ Liên nói: “Người kiện có điều oan uổng mà được dễ dàng kêu bày, hình quan để chậm án, không thấy có lời trách hỏi, hoạn quan nội thần lạm cử làm pháp quan. Vua làm việc này có ba lầm lỗi kèm theo, nhưng như vậy thì dân tình được thấu lên trên. Việc cai trị kẻ dưới thà sai vì khoan thứ để cho án kiện đọng, lại được xử ngay, cũng thấy được lòng trung hậu của vua” (Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, tr. 46)

Ngay từ đầu, vua đã đoán ra có sự né tránh quan to “né tránh Khắc Chung đấy”, nhưng không thấy truy tội viên quan né tránh, cũng như nói gì đến Khắc Chung cả, thậm chí sau này còn cất nhắc Đỗ Thiên Thư, coi như việc kiện cáo dân sự là việc bình thường, cần làm cho ra sự công bằng, nhưng không quá câu chấp, lấy đó mà xét định khả năng từng người. Vua xử sự hướng đến sự hòa thuận đoàn kết là cái quan trọng hơn, không đem việc nhỏ làm ảnh hưởng đến việc lớn.

Nhưng đừng tưởng vua Trần Nhân Tông nặng tình hơn lý mà thiếu cương quyết. Nhà vua còn tỏ ra điều ngược lại, ông là người rất quyết liệt.

Năm 1289, vua sai Nội thư gia Hoàng Tá Thốn đưa bọn Ô Mã Nhi về nước, dùng kế của Hưng Đạo vương, lấy người giỏi bơi lặn, sung làm phu thuyền, ban đêm dùi thuyền cho đắm, bọn Ô mã Nhi đều bị chết đuối cả. Việc này bị ông nhà Nho Ngô Sĩ Liên chê:

Chữ tín là vật báu của nước, mà làm cho người khác phục mình sâu sắc thì đó là gốc của vương chính. Làm việc bá thuật như thế, muốn được thành công trong một thời mà không biết làm như thế là đã thất tín với muôn đời” (Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, tr. 64).

Chữ tín mà Ngô Sĩ Liên muốn nói là chữ tín theo kiểu nhà Nho, là kim chỉ nam cho hành vi người Nho sĩ. Sách Luận ngữ thiên Học nhi có câu: “Đệ tử nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ, cẩn nhi tín, phiếm ái chúng nhi thân nhân, hành hữu dư lực tắc dĩ học văn” (Người quân tử ở nhà thì giữ chữ hiếu, ra ngoài biết tôn trọng người khác, cẩn thận mà giữ chữ tín, thương yêu mọi người, gần gũi người có đức Nhân, làm được những điều ấy, còn dư sức thì dùng để học văn).

Nhưng ở đây, đối với bọn giết người, bọn tội ác tày đình như Ô Mã Nhi, bọn chỉ huy trực tiếp tàn hại đất nước ta, nhân dân ta thì trước vong linh của biết bao anh hùng liệt sĩ nước ta trong hai cuộc kháng Nguyên vừa qua mà bọn họ gây nên thì còn giữ chữ tín hư danh ấy làm gì.

Có sự việc khá lạ lùng trong con mắt nhà Nho, nhưng có vẻ bình thường thời Trần Nhân Tông như vụ việc sau đây.

“Nhà Nguyên lập Trần Di Ái làm Lão hầu, sai Sài Xuân (hay Thung?) đem 1.000 quân hộ tống về nước. (Trần Di Ái là chú họ vua, đi sứ sang nhà Nguyên, bị ép nhận chức quan của họ để làm bung xung) Xuân ngạo mạn vô lễ, cưỡi ngựa đi thẳng vào cửa Dương Minh. Vua sai Trần Quang Khải đến sứ quán, Sài Xuân nằm khểnh không ra. Trần Quốc Tuấn gọt tóc, mặc áo vải đến, Xuân liền đứng dậy, mọi người đều kinh ngạc, có biết đâu rằng người Nguyên rất trọng nhà sư. Khi uống trà, lính hầu Sài Xuân cầm cái tên chọc vào đầu Quốc Tuấn đến chảy máu, nhưng sắc mặt Quốc Tuấn vẫn không hề thay đổi. Khi ra về, Sài Xuân tiễn Quốc Tuấn ra tận cửa”. (Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, tr. 47)

Nhưng chưa lạ bằng chủ trương cho lập nhà học ở phủ Thiên Trường (đất thang mộc của nhà Trần), cấm người Thiên Thuộc được vào học. Lệ nhà Trần không cho lính Thiên Thuộc (quê vua) “không được học tập văn chương nghệ thuật vì sợ khí lực kém đi”. (Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, tr. 47)

Ngay sau khi được tin cấp báo từ Lạng châu là Toa Đô đem 50 vạn quan, nói phao là mượn đường đi đánh Chiêm Thành, mà thực ra là sang xâm lược nước ta thì vua Trần Nhân Tông bày ra việc Hàn Thuyên làm thơ chữ Nôm đuổi được cá sấu. Đó là việc xảy ra vào mùa thu năm 1282, rõ là muốn cho toàn dân tin tưởng rằng bằng trí lực người Nam sẽ đuổi được giặc như đuổi cá sấu vậy.

Nước ta dùng chữ Nôm thịnh hành từ thời Trần Nhân Tông”. (Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, tr. 47)

Cách xử sự của vua Trần Nhân Tông đối với Trần Khánh Dư cũng nặng về chữ tình theo nhà Phật hơn là chữ  theo nhà Nho.

Khi quân Nguyên xâm lược lần I, Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư nhân chỗ giặc sơ hở, đánh úp được, được vua khen là người có trí lược, nhận làm con nuôi. Rồi đánh thắng giặc man, lên tới tử phục Thượng vị hầu, bằng với các hoàng tử con dòng thứ. Khánh Dư lại thông dâm với công chúa Thiên Thụy, vợ của Hưng Vũ vương Nghiễn, con trai Trần Quốc Tuấn. Vua sai người đánh chết Khánh Dư, nhưng lại dặn chớ đánh dau quá, đừng cho chết. Ít lâu sau xuống chiếu đoạt hết quan tước, tịch biên gia sản của Khánh Dư. Khánh Dư tay trắng lui về Chí Linh, phải sống bằng nghề bán than rất cực khổ. Có lần thuyền vua Trần Nhân Tông đỗ ở bến Bình Than, có chiếc thuyền chở than củi, người lái đội nón lá, mặc áo ngắn. Vua chỉ và bảo quan thị thần: “Người kia chẳng phải là Nhân Huệ vương đó sao?”. Rồi sai người chèo thuyền đuổi theo, đến cửa Đại Than thì gặp, nói có lệnh vua triệu, người ấy trả treo không chịu theo, họ đành trở về. Vua bảo, “Đúng là Nhân Huệ đấy, người thương lái bình thường không bao giờ dám nói thế”, rồi cho triệu tiếp, Khánh Dư đến ra mắt, Vua nói: “Nam nhi mà đến nỗi này thì thực là cùng cực rồi”. Bèn tha tội cho Khánh Dư, phong cho làm Phó Đô tướng quân. (Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, các tr. 48, 49).

Ở đây, vấn đề rất trọng đại là cái tình của người chủ tể đất nước đối với từng cá thể nhân dân. Chúng tôi cho rằng Trần Khánh Dư là điển hình của rất nhiều trường hợp như vậy. Nhà vua quan tâm đến hoàn cảnh của từng người dân bình thường như thế thì làm sao đất nước không hùng mạnh!

Sau này chính Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư đã chỉ huy đánh chiếm đoàn thuyền chở toàn bộ binh lương của quân xâm lược nước ta lần thứ III, do Trương Văn Hổ chỉ huy, khiến cho quân Nguyên phải tháo chạy tán loạn. Và chúng ta có thể suy diễn rằng trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng phát triển đất nước Đại Việt đã có rất rất nhiều Trần Khánh Dư.

Cái tâm quả là có sức mạnh phi thường.

Cách xử sự của vua Trần Nhân Tông trong câu chuyện giữa Lê Tòng Giáo và Đinh Củng Viên cũng lạ, không mang tính Nho chút nào mà rất đời thường.

Lê Tòng Giáo làm chức Tả phụ, vốn bất hòa với quan Hàn lâm phụng chỉ Đinh Củng Viên. Ngày tuyên đọc lời vua đã đến rồi mà Củng Viên cố ý không đưa bản thảo, Tòng Giáo đòi nhiều lần vẫn không được. Đến khi xa gia sắp ra ngoài cung, Củng Viên mới đưa bản thảo, nên Tòng Giáo không thể giảng âm nghĩa là điều bắt buộc khi đọc tờ chiếu đại xá. Vua bảo Củng Viên nhắc âm nghĩa. Tiếng nhắc của Củng Viên to dần, và tiếng của Tòng Giáo nhỏ dần, đến mức chỉ còn nghe tiếng của Củng Viên thôi. Tòng Giáo rất thẹn.

Về cung, vua Nhân Tông cho gọi Tòng Giáo đến bảo: “Củng Viên là sĩ nhân, ngươi là trung quan, sao lại bất hòa đến thế? Ngươi là lưu thủ Thiên Trường, dùng con rươi, quả quít đi lại, đưa tặng lẫn nhau thì có việc gì!”.

Tòng Giáo vỡ lẽ, nên từ đó Tòng Giáo và Củng Viên trở nên hòa thuận, thân nhau.

Một vị vua oai nghi mà đi bày những việc giao thiệp quá bình thường ở đời cho thuộc hạ cấp thấp như vậy, tỏ ra con người rất chu đáo, quan tâm đến từng việc, từ lớn chí nhỏ, xử lý vấn đề coi nặng cái tình hơn là nguyên tắc cứng nhắc thiếu hiệu quả. Xử sự từng việc nhỏ, tưởng là nhỏ nhưng ảnh hưởng lại quá lớn, có giá trị muôn thuở, chính nhà Nho Ngô Sĩ Liên cũng phải khen là có tình và trung hậu:

Vua bảo kẻ thần hạ tặng biếu giao hảo với nhau, thì chẳng phải là gây cái tệ tư giao ám muội của đám thuộc hạ hay sao? Nhưng, xin thưa rằng giao hảo với tư giao, việc thì giống nhau mà tình thì khác nhau. Vua bảo bầy tôi giao hảo với nhau là để cùng nhau làm tốt việc của nhà vuaCó thể thấy được nhà Trần trung hậu như thế nào!”. (Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, các tr. 63)

Và chúng ta cũng có thể suy diễn rằng trong thời của Ngài, đã có biết bao nhiêu trường hợp Lê Tòng Giáo, Đinh Củng Viên. Một đất nước mà nhà vua quan tâm đến việc hòa thuận đoàn kết nho nhỏ như vậy thì nhất định cũng tạo được tình đoàn kết mang tầm quốc gia. Như ta đã thấy mối đoàn kết tiêu biểu giữa Trần Quốc Tuấn và Trần Quang Khải. Từ việc tế nhị anh em giữa Trần Liễu và Trần Cảnh, thiên hạ nghi ngờ cho là có sự hiềm khích giữa con Trần Liễu (Trần Quốc Tuấn) với con Trần Cảnh (Trần Quang Khải) đang là hai trụ cột chống xâm lược. Hai người phải tỏ ra đoàn kết để yên lòng tướng sĩ. Quốc Tuấn tắm cho Quang Khải, Quốc Tuấn gỡ đầu gậy nhọn bằng sắt mà tướng chỉ huy có quyền mang theo bên mình…

Tưởng cũng cần nên biết rằng Trần Nhân Tông rất thông thạo sử sách nhà Nho và đạo lý Thánh hiền.

Năm 1284, được tin quân Nguyên sắp đánh ta lần thứ hai, vua Trần Nhân Tông ngự thuyền nhẹ ra Hải Đông (nay thuộc vùng Hải Dương, Hưng Yên), chiều rồi mà vẫn chưa có cơm ăn, có người lính là Trần Lai dâng cơm gạo xấu, vua khen là trung. Mà Đạo Nho tóm lại là đạo về chữ hiếu và chữ trung mà thôi. Hưng đạo vương vâng mệnh điều quân dân các lộ, thế quân lên dần. Vua làm thơ đề ở đuôi thuyền:

Cối Kê cựu sự quân tu ký,

Hoan Diễn do tồn thập vạn binh

(Cối Kê chuyện cũ người nên nhớ,

Hoan Diễn còn kia chục vạn quân)

(Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, tr. 51)

Người làm thơ hay và chuẩn, liên kết điển tích nhuần nhuyễn và phù hợp tình hình như thế, tất là tinh thông sở học nhà Nho rồi.

Tiện đây, chúng tôi cũng trao đổi thêm một vấn đề đã quá cũ.

Ngày xưa, nhà viết sử của ta thường nhắc đến nguồn gốc lâu đời của nhà vua mở triều đại, như nguồn gốc tộc người Hoa của Sĩ Nhiếp, của nhà Trần, nhà Hồ, nhà Nguyễn. Người ta viết rằng tổ tiên Trần Thái tông qua Việt Nam sinh sống đã năm thế hệ, Sĩ Nhiếp thì sáu thế hệ. Trường hợp Hồ Quý Ly còn xa hơn nữa, gần bốn trăm năm, mười sáu thế hệ. Nhà Nguyễn lại càng quá xa, từ thời quan Thái thú Nguyễn Phu.

Thật ra thì sao? Trần Thái tông, Hồ Quý Ly, Nguyễn Hoàng cũng giống như những nhà vua mở triều đại nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý. Sự nghiệp của họ hoàn toàn giống nhau trên lập trường lãnh đạo nhân dân quyết liệt chống lại ách xâm lược từ phương Bắc. Về mọi phương diện, họ đã được sinh ra và lớn lên trong môi trường Việt, không còn chút ảnh hưởng nào của ông tổ xa xưa trong tư duy cũng như trong mọi cung cách sinh hoạt của họ nữa. Họ hành động như mọi người trong cộng đồng các dân tộc Việt. Ta luôn xin phong làm An Nam quốc vương là sách lược ngoại giao đầy trí tuệ của cha ông ta ngày xưa, để rảnh tay xây dựng đất nước, chứ thật sự ta độc lập hoàn toàn. “Phải nhận rõ là vua nước ta chỉ là một ông vua nước nhỏ, còn vua Tàu là ông vua nước lớn. Phải cần cho khỏi có ngoại xâm ở phía Bắc..” (theo Nguyễn Thiệu Lâu, Quốc sử tạp lục, tr. 143).

Chúng tôi cho rằng ngày nay khoa học phát triển rất cao, xác định rằng gien con người qua mỗi thế hệ biến đổi rất rộng, người ta không chú trọng đến giòng họ trong các trào lưu chính trị, kinh tế. Ngày nay, ở Âu Mỹ, ứng cử viên Tổng thống của một quốc gia, chỉ cần sinh ra trên nước ấy và cư trú liên tục từ 10 năm trở lên, tức là họ cho rằng chỉ cần hai thế hệ là đủ điều kiện làm công dân của nước đó. Sarkozy, Tổng Thống nước Pháp hiện nay, cha là người Hungary, Barach OBama, cha là người Kenya. Ở ta hiện còn cơ chế lý lịch ba đời, ngoài nơi sinh của bản thân, còn có mục nguyên quán, tức nơi sinh của người cha, tức là tính đến thế hệ ông nội.

Các nhà khoa học Mỹ đã làm trắc nghiệm và khảo sát khoa học trên mẫu rất cụ thể, cho biết rằng người da đen gốc Phi không khác gì người da trắng gốc Âu về mặt sinh học, chỉ khác nhau ở trình độ giáo dục và định kiến xã hội mà thôi. (Robert V. Kail và John C. Cavanaugh, Human Development, United States of America, 2000).

                                       TP. Hồ Chí Minh, cuối thu 2008.

                                       Lê Sơn (Lê Sơn Phương Ngọc)