Báo cáo đề dẫn Hội thảo Tăng Ni trẻ với việc xây dựng GHPG Việt Nam, góp phần xây dựng đất nước

12/ 10/ 2012 05:14:59

Trong thời đại khoa học công nghệ hiện nay xã hội không ngừng phát triển, vai trò và vị thế của Phật giáo cũng có sự thay đổi, có nhiều thuận duyên và cũng không ít trở duyên. Song dù thế nào thì vai trò của Tăng Ni trẻ vẫn là nhân tố quyết định, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của Giáo hội Phật giáo ở hiện tại và trong tương lai.

Kính bạch Chư tôn đức….

Kính thưa quý liệt vị…

Trong không khí hân hoan hướng đến chào mừng Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ VII diễn ra vào trung tuần tháng 11 tại Thủ đô Hà Nội, hôm nay những người con Phật, các nhà thiện tri thức, các quý vị lãnh đạo đại diện cho Vụ Phật giáo – Ban tôn giáo Chính phủ, Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo – Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cùng tập trung về đây để tham gia, thảo luận về vai trò của Tăng Ni nói chung, Tăng Ni trẻ nói riêng trong sự nghiệp xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, góp phần xây dựng đất nước.

Trước hết phải khẳng định rằng Phật giáo là một tôn giáo yêu chuộng hòa bình, mục đích ra đời của Đức Phật là xây dựng một thế giới hòa bình an lạc.

Ngay từ khi Đức Thế tôn chuyển bánh xe pháp lần đầu tiên tại vườn Nai cho đến khi Ngài nhập Niết Bàn chưa hề có bất kỳ một cuộc xung đột tôn giáo nào giữa giáo thuyết hay đệ tử của Đức Phật với các tôn giáo khác hiện diện trên Ấn Độ, mặc dù khi đó xã hội Ấn Độ cổ đại cùng tồn tại nhiều tôn giáo khác nhau và thường có sự tranh chấp xung đột. Sau này các thánh đệ tử nối tiếp bước chân của Ngài cũng chưa từng có một bất hòa ở một nơi nào mà Phật giáo được truyền bá đến.

Hơn nữa với vai trò là một nhà giáo dục vĩ đại, những đệ tử của Đức Thế tôn bao gồm tất cả các tầng lớp nhân dân cho đến Vua quan, những nhà lãnh đạo trong xã hội, với bất kỳ đối tượng nào Ngài cũng có những bài giảng phù hợp với trình độ căn cơ của mỗi người và hướng dẫn họ làm tốt được bổn phận trách nhiệm của mình trong xã hội. Với người nông dân thì Phật dạy phương pháp gieo trồng sao cho có hiệu quả nhất, với những nhà doanh nghiệp Ngài chỉ dạy những phương thức kinh doanh tốt nhất, hay với những vị Vua, quan, các nhà lãnh đạo Ngài chỉ dạy phương thức lãnh đạo để đưa đất nước, tổ chức đi đến sự hưng thịnh và phát triển vững mạnh.

Nối tiếp truyền thống ấy các đệ tử của Phật dù ở bất cứ nơi đâu trên hành tinh này cũng đều giữ trọn tinh thần Từ bi – yêu chuộng hòa bình cho nhân loại, khi các bậc quân vương, các nhà lãnh đạo cần đến họ, họ luôn đóng góp hết mình bằng trí tuệ, tinh thần hòa hiếu để tìm ra phương thức tốt nhất.

Lịch sử truyền thừa, xây dựng và phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng không ngoại lệ. Ngay từ buổi đầu du nhập Phật giáo đã sớm hòa mình cùng với tín ngưỡng văn hóa bản địa, hòa mình cùng dòng chảy của lịch sử dân tộc. Trong suốt gần một nghìn năm Bắc thuộc Phật giáo trở thành vũ khí tinh thần để chống lại sự đồng hóa của các triều đại phong kiến phương Bắc. Cho đến khi giành độc lập, dưới các triều đại phong kiến, các nhà sư đồng thời là các nhà cố vấn chính trị, quân sự, các nhà ngoại giao xuất sắc phù vua giúp nước như Khuông Việt Quốc Sư, Vạn Hạnh Quốc sư…

Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc thời cận hiện đại, Phật giáo lại một lần nữa khẳng định và đóng vài trò không nhỏ của mình vào công cuộc đánh đuổi ngoại xâm giành độc lập cho đất nước. Chùa là cơ sở hoạt động che giấu cán bộ cách mạng, các nhà sư trực tiếp là các chiến sỹ hoạt động cách mạng, sẵn sàng cởi áo cà sa khoác chiến bào tham gia bảo vệ tổ quốc, giành độc lập cho dân tộc.

Đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối, năm 1981 Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời trên cơ sở thống nhất 9 tổ chức hệ phái Phật giáo trên toàn quốc, thành một tổ chức duy nhất đại diện và bảo vệ quyền lợi cho Tăng Ni Phật tử Việt Nam ở trong nước và nước ngoài.

Trải qua hơn 30 năm xây dựng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã từng bước kiện toàn, trưởng thành và phát triển. Với 10 Ban ngành viện khác nhau hoạt động trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, Phật giáo đã có nhiều hoạt động Phật sự ích đạo lợi đời, góp phần vào công cuộc xây dựng phát triển Giáo hội và xây dựng bảo vệ tổ quốc.

Trong thời đại khoa học công nghệ hiện nay xã hội không ngừng phát triển, vai trò và vị thế của Phật giáo cũng có sự thay đổi, có nhiều thuận duyên và cũng không ít trở duyên. Song dù thế nào thì vai trò của Tăng Ni trẻ vẫn là nhân tố quyết định, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của Giáo hội Phật giáo ở hiện tại và trong tương lai.

Kính bạch chư Tôn đức!

Kính thưa quý liệt vị!

Sở dĩ tôi mạn phép thưa cùng quý liệt vị vài dòng như vậy là muốn nhấn mạnh tới ý nghĩa và tin tưởng vào kết quả của cuộc Hội thảo hôm nay giữa những người con Phật, chư Tôn đức lãnh đạo các cấp của Giáo hội, đặc biệt là thế hệ Tăng Ni trẻ những mần non của Phật pháp, những nhà lãnh đạo Giáo hội trong tương lai, cùng sự hiện diện của các quý cấp lãnh đạo nhà nước đại diện Vụ Phật giáo – Ban tôn giáo chính phủ, Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa tôn giáo – Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, những người luôn gắn bó đồng hành cùng với các hoạt động của Giáo hội.

Ban tổ chức cho rằng, như chủ để của Hội thảo, nội dung trọng yếu của Hội thảo hôm nay là chúng ta cùng nhau bàn về vai trò của Tăng Ni trẻ trong sự nghiệp xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, góp phần xây dựng đất nước trên các lĩnh vực tu học, hoằng dương Phật pháp, từ thiện xã hội, phục vụ tín ngưỡng… Với cách đặt vấn đề như vậy, căn cứ vào báo cáo Ban tổ chức đã nhận được, chúng tôi tạm chia nội dung hội thảo thành 4 nhóm chuyên đề, tất nhiên là sự phân chia này chỉ mang tính tương đối, song vì thời gian có hạn chúng tôi phân chia như vậy để tiện cho việc thảo luận.

+ Nhóm thứ nhất: Tăng Ni trẻ với việc tu học Phật pháp.

– Tăng Ni trẻ với trách nhiệm giữ gìn giới luật, quy củ đạo mạch thiền gia.

– Tăng Ni trẻ với việc nghiên cứu và ứng dụng tư tưởng giáo lý Phật giáo trong đời sống xã hội.

+ Nhóm thứ hai: Tăng Ni trẻ với công tác quản lý, xây dựng và triển khai các hoạt động Phật sự tại các cơ sở tự viện.

–  Tăng Ni trẻ với sứ mệnh Trụ pháp vương gia, trì Như Lai tạng.

–  Tăng Ni trẻ với việc hướng dẫn tín đồ Phật tử tu học đúng chính pháp, xóa bỏ mê tín dị đoan.

–  Tăng Ni trẻ với việc giữ gìn, bảo lưu và phát huy các giá trị văn hóa Phật giáo vật thể, phi vật thể.

+ Nhóm thứ ba: Tăng Ni trẻ với công tác xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

–  Tăng ni trẻ với việc tham gia công tác tổ chức và nhân sự của các cấp GHPGVN.

–  Tăng Ni trẻ với việc tham gia, đóng góp hoàn thiện hệ thống văn bản hành chính đạo của GHPGVN.

–  Tăng Ni trẻ với các hoạt động Phật sự chuyên ngành.

+ Nhóm thứ tư: Tăng Ni trẻ với các hoạt động Phật sự góp phần xây dựng đất nước.

–  Tăng Ni trẻ với việc tham gia các hoạt động Phật sự gắn kết cộng đồng xã hội.

–  Tăng Ni trẻ với việc tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

–  Tăng Ni trẻ với việc tham gia các hoạt động ở các cơ quan dân cử.

Kính bạch chư tôn đức!

Kính thưa quý liệt vị!

Những vấn đề mà Ban tổ chức nêu ra, có thể đã có nhiều học giả nghiên cứu và đề cập tới và mong muốn được hội thảo làm rõ trong các nhóm chuyên đề. Vẫn biết rằng với tính chất của một cuộc hội thảo như vậy là có phần hơi rộng, song với sự có mặt của Chư Tôn đức, Quý Tăng Ni trẻ, và các nhà quản lý chuyên ngành trên tinh thần “Giáo nhân bất quyện”, có bề dầy của sự trải nghiệm và tích lũy kinh nghiệm trong việc quản lý, định hướng cho Tăng Ni sinh trong việc tu học, xây dựng giáo hội và góp phần xây dựng đất nước, chúng tôi tin tưởng rằng Hội thảo sẽ đưa ra cái nhìn mới mẻ, có những đóng góp thiết thực để Giáo hội Phật giáo Việt Nam triển khai các hoạt động Phật sự khiến cho Phật pháp ngày một xương minh, Giáo hội ngày một phát triển vững mạnh trong lòng dân tộc.

Ban tổ chức Hội thảo cũng sẽ nghiêm cẩn tiếp thu những đóng góp của chư Tôn đức, quý Tăng Ni trẻ, các nhà lãnh đạo để có thể biên tập thành cuốn sách ghi nhận một chặng đường phát triển của Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là vai trò của Tăng Ni trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hi vọng rằng đây sẽ là ấn phẩm có ý nghĩa dâng lên chào mừng Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VII nhiệm kỳ 2012 – 2017.

Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.

Kính chúc chư Tôn đức, quý lãnh đạo, thân tâm thường lạc, thành tựu mọi sở nguyện.

Nam mô Công Đức Lâm Bồ tát ma ha tát tác đại chứng minh.