Đức vua Trần Nhân Tông – Một minh quân – Một vị Phật của Việt Nam

22/ 03/ 2012 14:27:32

Bảy trăm năm lịch sử đã trôi qua kể từ khi Đức Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông xả bỏ báo thân nhập vào cõi Vô dư bất diệt, nhưng cuộc đời và sự nghiệp của Ngài vẫn còn sống mãi trong lịch sử dân tộc, trong lòng mỗi người dân Việt cũng như mỗi người Phật tử. Cuộc đời Ngài là tấm gương sáng của sự hy sinh hết mình vì độc lập, tự do của dân tộc.

I- Dẫn nhập :

Phật giáo truyền vào Việt Nam có bề dày hơn 2000 năm lịch sử. Phật giáo đã gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, và đã trở thành một tôn giáo bản địa, một đạo Phật của nguời Việt Nam. Để có được điều đó, chúng ta nhớ đến công lao của chư vị lịch đại Tổ sư đã hoằng truyền đạo Phật vào Việt Nam và biến đạo Phật thành đạo Phật của người Việt Nam. Trong đó, chúng ta không thể không nhắc tới vai trò của một minh quân, một vị Phật của Việt Nam. Đó chính là đức Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông. Một nhân vật đã đi vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc; cũng như lịch sử hình thành và phát triển của Phật giáo Việt Nam nói chung của thiền phái Trúc Lâm nói riêng. Đức Điều Ngự Giác hoàng đã đi vào cõi Vô dư bất diệt nhưng tư tưởng giáo lý của Ngài vẫn còn sống mãi cùng với Phật giáo Việt Nam. Đó là lý do mà người viết chọn đề tài nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp Đức Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông.

Phạm vi nghiên cứu của đề tài đó là bối cảnh lịch sử Việt Nam đời Trần, thân thế nguồn gốc của vua Trần Nhân Tông, sự nghiệp lãnh đạo nhân dân chống lại quân Nguyên Mông xâm lược và xây dựng đất nước sau chiến tranh. Cũng như việc xuất gia tu hành trở thành vị khai Tổ của thiền phái Trúc Lâm của Ngài, những đóng góp của Ngài cho Giáo hội Phật giáo lúc bấy giờ, những tư tưởng giáo lý chủ đạo của Ngài.

II- Nội dung :

1- Bối cảnh lịch sử Việt Nam đầu đời nhà Trần đến thời vua Trần Nhân Tông ( từ năm 1225 – đến năm 1308) :

Triều đại nhà Lý từ vua Lý Thái Tổ đến đời vua Lý Huệ Tông tồn tại 216 năm trải qua tám đời vua, càng về sau càng suy vi. Đến năm 1224, Lý Huệ Tông nhường ngôi cho Chiêu Thánh và vào ở trong chùa Chân Giáo. Dưới sự sắp đặt của Trần Thủ Độ, Lý Chiêu Hoàng lấy con trai thứ của Trần Thừa là Trần Cảnh làm chồng và sau đó nhường ngôi cho Trần Cảnh, triều Lý chấm dứt, triều Trần thay thế. Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư : “ Chiêu Hoàng bèn trút bỏ áo ngự mời Trần Cảnh lên ngôi hoàng đế. Đổi niên hiệu là Kiến trung năm thứ 1, đại xá thiên hạ, xưng là Thiện Hoàng, sau đổi là Văn Hoàng. Bầy tôi dâng tôn hiệu là Khải Thiên Lập Cực Chí Nhân Chương Hiếu Hoàng Đế. Phong Trần Thủ Độ làm Quốc thượng phụ, nắm giữ mọi việc cai trị trong nước. Thủ Độ nói: “Hiện nay giặc cướp đều nổi, họa loạn ngày tăng. Đoàn Thựng giữ mạn đông, Nguyễn Nộn giữ mạn bắc, các châu Quảng Oai, Đại Viễn cũng chưa dẹp yên. Nhà Lý suy yếu, thế nước nghiêng nguy, nữ chúa Chiêu Hoàng không gánh vác nổi, mới uỷ thác cho nhị lang [Chàng Hai]. Nhưng Nhị lang chưa am hiểu việc nước, chính sự nhiều chỗ thiếu sót, vận nước mới mở, lòng dân chưa phục, mối họa không phải là nhỏ. Ta tuy là chú nhưng không biết chữ nghĩa gì, còn phải rong ruổi đông tây để chống giặc cướp, không gì bằng mời thánh phụ làm thượng hoàng tạm coi việc nước, một hai năm sau thiên hạ nhất thống, lại giao quyền chính cho Nhị lang”. Các quan đều cho là phải, mời thánh phụ Trần Thừa nhiếp chính” (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư – Bản Kỷ – Quyển IV – Tr.158). Từ đó, trang sử Đại Việt bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn phong kiến nhà Trần, một trong những giai đoạn huy hoàng nhất của lịch sử Việt Nam. Năm 1225, Trần Cảnh lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu là Kiến Trung xưng là Thái Tông Hoàng đế. Vua Thái Tông trị vì 32 năm. Năm 1258, vua Thái Tông nhường ngôi cho con là Trần Hoảng, lên làm Thái Thượng hoàng. Trần Hoảng lên ngôi vua hiệu là Thánh Tông Hoàng đế. Vua Thánh Tông trị vì được 20 năm rồi lui về làm Thái Thượng hoàng và nhường ngôi cho con là Trần Khâm miếu hiệu Nhân Tông Hoàng đế.

2- Thân thế vua Trần Nhân Tông :

Đức vua Trần Nhân Tông (chữ Hán: 陳仁宗; 12581308), tên thật là Trần Khâm ( 陳昑) là con trưởng vua Trần Thánh Tông và Nguyên Thánh Hoàng thái hậu, sinh ngày mười một tháng mười một năm Mậu Ngọ (1258). Trước khi sinh vua Trần Nhân Tông, Nguyên Thánh Hoàng thái hậu mơ thấy: “Xưa hoàng thái hậu Nguyên Thánh thường mơ thấy người  thần trao cho hai cây gươm bảo: ‘Thượng đế có lệnh, cho ngươi tự chọn’. Thái hậu bất chợt rất vui, bỗng lấy được cây gươm ngắn, do thế mà có mang”. (Thánh đăng ngữ lục – HT Thích Thanh Từ dịch và giảng). Trong Thiền Tông Bản Hạnh, thiền sư Chân Nguyên có chép :

“Thánh mẫu là mẹ lòng hòa có nhân,

Giấc hòe thoắt nhập đêm xuân,

Chiêm bao xẩy thấy thần nhân một người.

Cao cả tượng sứ nhà trời,

Trao cho lưỡng kiếm có lời bảo vây.

Hoàng hậu sực thức đêm chầy,

Thấy điềm sự lạ tâu bày Thánh Tông.

Lòng vua thấy vậy cực mừng,

Bàn mộng thốt rằng ấy trời tộ ta”

( Thiền tông bản hạnh giảng giải – HT Thích Thanh Từ – Tr.173).

Rồi sau đó khi vua Trần Nhân Tông sinh ra, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư đã ghi nhận : “ được tinh anh thánh nhân, thuần túy đạo mạo, sắc thái như vàng, thể chất hoàn hảo, thần khí tươi sáng. Hai cung đều cho là lạ, gọi là Kim Tiên đồng tử. Trên vai bên trái có nốt ruồi đen, cho nên có thể cáng đáng được việc lớn” ( Đại Việt Sử Ký Toàn Thư – Bản Kỷ – Quyển V- Tr.185). Trong Thánh Đăng Lục cũng ghi như sau : “ Đến khi vua ra đời, màu da như vàng ròng. Thánh Tông đặt tên là Kim Phật. Bên vai phải vua còn nốt ruồi đen như hạt đậu lớn.  Kẻ thức giả bảo: “Ngày khác chắc chắn có thể gánh vác việc lớn” (Thánh đăng ngữ lục – HT Thích Thanh Từ dịch và giảng). Trong Thiền tông bản hạnh, thiền sư Chân Nguyên đã mô tả việc sinh Thái tử qua những câu thơ:

“ Mãn nguyệt no tháng thoát thai

Mình vàng kim sắc tướng ngài lạ thay

Vua cha thốt bảo rằng bay

Hai ta có đức sinh nay Bụt vàng.

Hữu kiên nốt ruồi bên nương

Thuật sĩ xem tướng đoán lường rằng bây:

Thái tử trí cả bằng nay

Gánh việc đại khí làm thầy mười phương.”

( Thiền tông bản hạnh giảng giải – HT Thích Thanh Từ- Tr.173).

Khi lớn, vua Trần Nhân Tông được vua cha chăm lo giáo dục kỹ càng, để chuẩn bị cho việc kế tục sự nghiệp lãnh đạo quốc gia sau này. Nhà vua ngay từ nhỏ đã có tư chất thông minh, dĩnh ngộ như Thánh Đăng Ngữ lục viết : “Điều Ngự tính vua thông minh, đa năng hiếu học, xem trải mọi sách, thông nội ngoại điển” (Thánh đăng ngữ lục – HT Thích Thanh Từ dịch và giảng). Đến năm 16 tuổi, tức năm Giáp Tuất (1274), Đại Việt Sử Ký Toàn Thư cho biết: “Mùa đông, tháng 10, ngày 22, vua nhường ngôi cho hoàng thái tử Khâm. Khâm lên ngôi Hoàng đế, xưng là Hiếu Hoàng, tôn Thượng hoàng là Quang Nghiêu Từ Hiếu Thái Thượng Hoàng Đế, tôn Thiên Cảm hoàng hậu làm Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng Thái Hậu. Bầy tôi dâng tôn hiệu là Pháp Thiên Ngực Cực Anh Liệt Vũ Thánh Minh Nhân Hoàng Đế” (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư – Bản Kỷ – Quyển V- Tr. 185). Tuy nhiên, do tâm Ngài muốn xa rời thế tục để tu hành, nên Thái tử từ chối không nhận làm vua mà muốn nhường lại cho em mình là Đức Việp, nhưng không được vua cha chấp thuận và Ngài phải lên làm vua.

Trần Nhân Tông là một vị vua được sử sách ca ngợi là một trong những vị vua anh minh nhất trong lịch sử. Trong thời gian trị vì, ông đã lãnh đạo nhân dân qua 2 cuộc chống xâm lược Nguyên Mông(1285 và 1287). Các niên hiệu trong thời gian vua Trần Nhân Tông trị vì là Thiệu Bảo, Trùng Hưng. Sau khi nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, ông xuất gia tu hành và thành lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và lấy đạo hiệu là Điều Ngự Giác Hoàng (hay Trúc Lâm đầu đà). Ông là tổ thứ nhất của dòng Thiền Việt Nam này. Ông mất năm 1308, chôn ở lăng Quy Đức, phủ Long Hưng, xá lỵ cất ở bảo tháp am Ngọa Vân; miếu hiệu là Nhân Tông, tên thụy là Pháp Thiên Sùng Đạo Ứng Thế Hóa Dân Long Từ Hiển Hiệu Thánh Văn Thần Võ Nguyên Minh Duệ Hiếu Hoàng Đế.

3- Lãnh đạo nhân dân Đại Việt chống quân xâm lược Nguyên Mông và xây dựng đất nước sau chiến tranh:

Tháng 10, vua Trần Nhân Tông lên ngôi, thì tháng 11 nhuận, sứ bộ của Hốt Tất Liệt là Sài Thung đã đến Ung Châu thông qua con đường Giang Lăng, nhằm vào nước ta mà đi tới. Về sự kiện này, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư viết: “Vua Nguyên nghe Thái Tông mất, có ý mưu tính nước ta, sai thượng thư bộ Lễ là Sài Thung (tức Sài Trang Hương) sang ta” ((Đại Việt Sử Ký Toàn Thư – Bản Kỷ – Quyển V- Tr. 185). Chưa đầy hai tháng từ khi mới lên ngôi, vua Trần Nhân Tông đã phải tiếp ngay Sài Thung cùng phái bộ của hắn, đem lời đe dọa tiến công nước ta. Trước những hành động và dã tâm đó, vua Trần Nhân Tông vẫn khôn khéo thực hiện một chính sách ngoại giao mềm dẻo nhằm tạo cơ hội cho quân dân Đại Việt có thời gian phát huy và củng cố tiềm lực của mình. Tháng 3 năm sau (1279), khi bọn Sài Thung về đến Đại Đô trước và báo cáo việc vua Trần Nhân Tông từ chối vào chầu mà chỉ gửi sứ, thì khu mật viện nhà Nguyên đã đề nghị với Hốt Tất Liệt cho tiến quân đánh nước ta. Đứng trước những lời đe dọa và nguy cơ chiến tranh ngày càng tiến đến gần, vua Trần Nhân Tông khẩn trương tiến hành một loạt biện pháp, nhằm nâng cao tiềm lực chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao của dân tộc, chuẩn bị đối phó với cuộc chiến tranh xâm lược sắp tới, mà bản thân vua và triều đình thấy không thể nào tránh được. Đầu tiên, về chính trị, vua thực hiện một chính sách an dân và ổn định xã hội bằng việc “đại xá cho thiên hạ” nhân dịp tết Nguyên đán sau khi vua mới lên ngôi, tức vào Tết năm Kỷ Mão Thiệu Bảo thứ nhất (1279), như Đại Việt Sử Ký Toàn Thư đã ghi. Tiếp đến, vua cho giải quyết những oan ức, bất công tồn tại trong quần chúng. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư kể chuyện, 20 tháng sau khi lên ngôi, dân đã đón xe vua, để khiếu nại về kết quả một vụ án. Vua “đang trên đường, sai chánh trưởng nội thư hỏa là Trần Hùng Thao” giải quyết. Cũng trong giai đoạn đó, Trịnh Giác Mật ở đạo Đà Giang làm phản. Vua sai Trần Nhật Duật đi dụ hàng. Trần Nhật Duật đã thành công và “đem Mật cùng vợ con vào ra mắt vua”, mà “không mất một mũi tên” ( Đại Việt Sử Ký Toàn Thư – Bản Kỷ – Quyển V- Tr.186-187).

Về kinh tế, do khuyến khích và huy động lực lượng nông dân, một năm sau khi lên ngôi, vào tháng 10 thì “được mùa to, lúa ruộng ở hương Trà Kiều thuộc Khoái Lộ một giò hai bông” (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư – Bản Kỷ – Quyển V- Tr.186). Và để tạo điều kiện cho sự phát triển một nền thương mại quốc dân, Đại Việt Sử Toàn Thư cho biết tháng giêng năm Thiệu Bảo thứ hai (1280) vua Trần Nhân Tông đã “ban thước đo gỗ, đo lụa cùng một kiểu”, nhằm thống nhất hệ thống đo lường trong cả nước cho tiện việc buôn bán. Tháng 2 cùng năm, “xét duyệt sổ đinh và các sắc dịch trong nước”, để nắm dân số, tạo thuận lợi cho công ăn việc làm của dân, đồng thời không gây trở ngại đến thời gian làm nghề, tác động không tốt đến sản xuất và đời sống.

Về ngoại giao, ngoài việc đối phó với nhà Nguyên, chỉ mấy tháng sau khi lên ngôi, vua Trần Nhân Tông còn giải quyết vấn đề Chiêm Thành, nỗ lực xây dựng một quan hệ hữu nghị thân thiết với quốc gia láng giềng nằm ở biên giới phía nam của tổ quốc. Ngay trong tháng giêng năm Thiệu Bảo thứ nhất (1279), bọn Chế Năng và Chế Diệp, khi được vua Chiêm cử cầm đầu phái bộ đến nước ta, đã xin ở lại và làm bề tôi. Vua đã khéo léo từ chối, thuyết phục bọn họ trở về. Không những thế, khi Chiêm Thành bị quân Nguyên xâm lược vào tháng 12 năm Chí Nguyên thứ 16 (1279), vua Trần Nhân Tông đã ra lệnh gửi 2 vạn quân và 500 chiến thuyền chi viện cho Chiêm Thành. Sự kiện này trở thành một trong những nguyên cớ khiến quân Nguyên tiến công xâm lược nước ta. Rút kinh nghiệm của cuộc chiến tranh năm 1258, Hốt Tất Liệt chú ý tới vị trí của Chiêm Thành trong chiến lược bao vây và tiêu diệt nước ta. Cho nên, tháng 12 năm Chí Nguyên thứ 16 (1279), Hốt Tất Liệt đã cử Toa Đô cùng binh bộ thị lang Giáo Hóa Đích, tổng quản Mạnh Khánh Nguyên và vạn hộ Tôn Thắng Phu đến Chiêm Thành, dụ vua Chiêm vào chầu. Năm sau lại gửi tiếp hai phái đoàn nữa, một vào tháng 6 và một vào tháng 11 năm Chí Nguyên thứ 17 (1280). Qua năm 1281, Hốt Tất Liệt chính thức thành lập cơ quan đầu não tiến hành xâm lược nước Chiêm, biết dưới tên Chiêm Thành hành trung thư tỉnh, do chính Toa Đô đứng đầu. Đến tháng 11 năm Chí Nguyên thứ 19 (1282) Toa Đô cầm quân từ Quảng Châu tiến xuống Chiêm Thành. Do thế, Chiêm Thành có một vị thế hết sức xung yếu trong chiến lược phòng thủ quốc gia Đại Việt. Và vua Trần Nhân Tông kiên quyết bằng mọi giá phải giữ cho được một biên giới phía nam hòa bình và ổn định, không để cho kẻ địch có cơ hội khoét sâu, gây chia rẽ tình đoàn kết Việt – Chiêm trong việc đối phó với kẻ thù chung.  Đầu năm 1282 này, tức tháng 2 năm Nhâm Ngọ Thiệu Bảo thứ 4, Chiêm Thành gửi một phái bộ hơn 100 người do Bố Bà Ma dẫn đầu đến Đại Việt dâng voi trắng.

Tháng giêng năm Thiệu Bảo thứ 3 (1281) vua Nhân Tông đã sai chú họ mình là Trần Di Ái cùng Lê Tuân và Lê Mục đi sứ sang Nguyên. Chớp lấy thời cơ này, Hốt Tất Liệt thực hiện dã tâm xâm lược của hắn bằng cách thiết lập một chính phủ bù nhìn lưu vong với Trần Di Ái đứng đầu với tư cách là An Nam quốc vương, Lê Mục làm hàn lâm học sĩ và Lê Tuân làm thượng thư. Sau khi thiết lập xong chính quyền bù nhìn Trần Di Ái, cùng tháng đó Hốt Tất Liệt cho thành lập An Nam tuyên uý ty, đặt Bột Nhan Thiết Mộc Nhi (Buyan Tamur) làm An Nam tuyên úy sứ đô nguyên soái cùng Sài Thung và Hốt Kha Nhi (Qugar) làm phó. Rồi y cho một ngàn quân, ra lệnh Sài Thung đưa Di Ái và đồng bọn về nước. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, sau khi viết “Sài Thung đem 1000 quân hộ tống về nước”, đã viết tiếp: “ Xuân ngạo mạn vô lễ, cưỡi ngựa đi thẳng vào cửa Dương Minh. Quân sĩ Thiên Trường ngăn lại, Xuân dùng roi ngựa quất họ bị thương ở đầu. Đến điện Tập Hiền, thấy chăng bày màn trướng, hắn mới chịu xuống ngựa” ( Đại Việt Sử Ký Toàn Thư – Bản Kỷ – Quyển V- Tr.187). Vua Trần Nhân Tông đã cương quyết đánh tan đội quân hộ tống do Sài Thung cầm đầu và trừng trị bọn Di Ái phản quốc. Triều đình Đại Việt, dưới sự lãnh đạo của vua Trần Nhân Tông theo dõi chặt chẽ mọi sự chuẩn bị chiến tranh xâm lược của triều đình nhà Nguyên. Tháng 10 năm 1282, vua Trần Nhân Tông cho tổ chức hội nghị quân sự Bình Than để bàn kế hoạch chống quân xâm lược. Nhà vua đã phát động phong trào cương quyết diệt giặc trong giới chỉ huy quân sự. Hình ảnh Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản bóp nát quả cảm vì không được dự hội nghị đã chứng minh điều đó. Đồng thời, vua Trần Nhân Tông cũng cho chuẩn bị về quân sự để sẵn sàng chống quân xâm lược. Nhà vua đã phong cho Trần Hưng Đạo làm Quốc công tiết chế thống lĩnh thiên hạ chư quân sự và giao quân cho những tướng tài, chuẩn bị đối phó với cuộc xâm lược sắp tới. Trong khi tiến hành khẩn trương các hoạt động quân sự, thì công tác vận động toàn dân tham gia kháng chiến đã được thực hiện song song. Tháng 12, Thái Thượng hoàng Trần Thánh Tông triệu tập các bô lão trong cả nước về đãi tiệc tại thềm điện Diên Hồng, hỏi kế đánh giặc. Để trả lời câu hỏi của vua về việc có nên đánh hay không, các vị bô lão đã “muôn người như cùng một lời”, đáp lại “nên đánh”. Nhà sử học Ngô Sỹ Liên bình luận về hành động này, đã nói: “Giặc Hồ vào cướp nước là nạn lớn nhất của đất nước. Hai vua hiệp mưu, bầy tôi họp bàn há lại không có kế sách gì chống giặc mà phải đợi đến ban yến hỏi kế ở các phụ lão hay sao? Là vì Thánh Tông muốn làm thế để xét lòng thành ủng hộ của dân chúng, để dân chúng nghe theo lời dụ hỏi mà cảm kích hăng hái lên thôi. Đó là giữ được cái nghĩa người xưa nuôi người già để xin lời hay vậy” ( Đại Việt Sử Ký Toàn Thư – Bản Kỷ – Quyển V- Tr.190). Hội nghị Diên Hồng là một cuộc vận động tư tưởng lớn, nhằm phổ biến rộng rãi chủ trương nhất định kháng chiến của vua Trần Nhân Tông và triều đình cùng quân đội tới toàn dân. Như vậy, quân dân Đại Việt, dưới sự lãnh đạo của vua Trần Nhân Tông, đã chuẩn bị mọi mặt tinh thần và vật chất, để chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, chống lại một cuộc chiến tranh do kẻ thù áp đặt, và cương quyết chiến đấu thắng lợi khi cuộc chiến tranh xảy ra.

Ngày 12 tháng 7 năm 1284, Hốt Tất Liệt ra lệnh cho Thoát Hoan chính thức cầm quân đánh Chiêm Thành. Song đây là quyết định giả vờ, vì đối tượng xâm lược chủ yếu của Thoát Hoan không phải là Chiêm Thành, mà chính là Đại Việt. Tháng 1.1285, đại quân do Thoát Hoan chỉ huy ào ạt tiến qua Lạng Sơn, nhằm đến Nội Bàng. Trên đường đi, tuy bị quân của Đại Việt chặn đánh kịch liệt, đại quân của Thoát Hoan vẫn kéo đến được Nội Bàng và bao vây quân Đại Việt tại đây. Ngày 2.2.1285, một trận chiến ác liệt nổ ra. Thấy thế quân Nguyên quá mạnh, Trần Hưng Đạo cho quân rút về Vạn Kiếp. Thoát Hoan lại cho quân truy đuổi, dùng lực lượng kỵ binh hùng hậu bao vây Vạn Kiếp. Một lần nữa, Trần Hưng Đạo lại cho rút quân. Một bộ phận đến đóng ở Hải Đông (Hải Dương), một bộ phận khác tiến về Lạng Sơn, còn đại bộ phận rút về giữ Nam ngạn sông Hồng. Cầm cự một thời gian, đại quân rút về Thiên Trường (Nam Định). Vua và triều đình cùng rời bỏ Thăng Long về tụ tại đây. Quân Nguyên vào thành Thăng Long, gặp phải cảnh “nhà không vườn trống”, một chiến thuật của nhà Trần được nhân dân hưởng ứng. Thoát Hoan cho một toán quân truy đuổi quân Trần Hưng Đạo đến Thiên Trường. Để chặn bước tiến của địch, Trần Hưng Đạo cho đánh một trận ở sông Thiên Mạc (Hưng Yên). Tại đây Trần Bình Trọng bị bắt và tử tiết với lời nói bất hủ: “Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”. Bấy giờ 100.000 quân của Toa Đô không đánh thắng được Champa, bèn kéo quân theo đường bộ ra đánh Nghệ An để hợp quân với Thoát Hoan. Thoát Hoan liền sai Ô Mã Nhi đem quân theo đường bể tiếp ứng. Trần Hưng Đạo cho Trần Quang Khải đưa binh vào đóng ở Nghệ An chận đường Toa Đô. Toa Đô liền dùng thuyền nhỏ đưa quân theo đường biển ra Trường Yên (Ninh Bình ngày nay). Tình hình hết sức nguy cấp. Quân địch hai gọng từ phía Bắc và dưới phía Nam, cùng đánh thốc để hợp quân. Trần Hưng Đạo phải đưa vua chạy đến Hải Dương, sau đó đến Quảng Yên rồi lại theo đường sông trở về lại Thanh Hóa. Trong hoàng tộc họ Trần có người ra đầu hàng mà điển hình là Trần Ích Tắc, con thứ năm của Trần Thái Tông. Để chặn không cho Toa Độ hội quân cùng Thoát Hoan, Trần Hưng Đạo điều động Trần Nhật Duật cùng Trần Quốc Toản đón đánh Toa Đô ở bến Hàm Tử (Hưng Yên). Toa Đô thua to phải rút về chống giữ. Đồng thời Trần Hưng Đạo phái Trần Quang Khải cùng Phạm Ngũ Lão và Trần Quốc Toản đi vòng đường biển, đánh thẳng vào quân Nguyên ở Chương Dương và tiến sát thành Thăng Long. Thoát Hoan đem quân ra chống cự không lại phải bỏ thành Thăng Long chạy về Bắc Ninh. Quân Đại Việt chiếm lại được thành Thăng Long. Để đánh dấu chiến thắng này, Trần Quang Khải làm bài thơ “Tụng giá hoàn kinh sư”. Trong khi ấy, Trần Hưng Đạo cho tiến quân đánh Toa Đô và Ô Mã Nhi ở Tây Kết. Toa Đô bị trúng tên chết còn Ô Mã Nhi thì chạy trốn về nước. Nghe tin Toa Đô tử trận, Thoát Hoan vội đem quân chạy, định rút về, nhưng Trần Hưng Đạo đã đoán được ý đồ ấy, cho Phạm Ngũ Lão đợi ở Vạn Kiếp, khi quân Nguyên chạy sang thì đổ ra đánh. Quân Nguyên thua to, mất hết nửa quân số còn Thoát Hoan thì phải chui vào ống đồng cho quân đẩy chạy về. Quân Đại Việt đại thắng.

Thất bại nặng nề ấy làm Hốt Tất Liệt hết sức tức giận, quyết định đình việc đi đánh Nhật Bản và sai đóng thêm chiến thuyền, chuẩn bị sang đánh lại Đại Việt. Sang năm 1287 quân Nguyên ồ ạt kéo sang. Quân bộ vẫn do Thoát Hoan chỉ huy, vượt biên giới, đánh vào Lạng Sơn rồi tiến xuống phía Nam và đóng tại Vạn Kiếp. Quân thủy gồm 600 chiến thuyền lớn, do Ô Mã Nhi chỉ huy, tiến vào Đại Việt bằng đường biển và hội quân cùng Thoát Hoan ở Vạn Kiếp. Biết đại quân như thế tất phải có nhu cầu cao về lương thực, Trần Hưng Đạo phân công Trần Khánh Dư đem quân chặn đánh đường vận lương của quân Nguyên. Trần Khánh Dư tập kích địch ở Vân Đồn, phá được thuyền lương của địch. Đợi mãi không thấy thuyền lương, Thoát Hoan xua quân tiến đến Thăng Long. Triều đình nhà Trần phải rút về Thanh Hóa. Thoát Hoan đốt phá kinh thành rồi rút quân về Vạn Kiếp. Nhưng Thoát Hoan không thể ở đây được lâu. Thiếu lương thực trầm trọng, Thoát Hoan phải rút quân. Trên đường tháo chạy, đến sông Bạch Đằng, quân của Thoát Hoan lọt vào trận địa cọc ngầm do Trần Hưng Đạo bố trí sẵn. Ô Mã Nhi bị bắt, Thoát Hoan thoát được về nước (1288). Tuy thắng trận, nhưng trước sức mạnh của quân Nguyên vua Trần Nhân Tông cho người sang xin giảng hòa. Vua Nguyên cũng đành bằng lòng. Sau khi chiến thắng quân Nguyên lần thứ 3, vua Trần Nhân Tông tiến hành thực hiện một số biện pháp để xây dựng lại đất nước bị chiến tranh tàn phá nhằm củng cố tiềm lực quốc gia. Biện pháp thứ nhất là công bố đại xá cho cả nước và tha tô thuế tạp dịch cho những vùng đã trải qua chiến tranh, còn miễn và giảm cho các vùng khác như Đại Việt Sử Ký Toàn Thư viết: “Mùa hạ, tháng 4, Thượng hoàng ngự ở hành lang Thị Vệ (vì cung điện bấy giờ đã bị giặc đốt hết), đại xá thiên hạ. Những nơi bị binh lửa, cướp phá thì miễn giảm theo mức độ khác nhau” ( Đại Việt Sử Ký Toàn Thư – Bản Kỷ – Quyển V- Tr.198). Việc miễn giảm tô thuế và tạp dịch là nhằm khôi phục lại đất nước sau chiến tranh bị quân thù đốt phá. Một năm sau khi lệnh đại xá được ban hành để ổn định tình hình chính trị của cả nước, và việc tha miễn tô thuế ở các vùng bị chiến tranh tàn phá đã thực hiện nhằm phục hồi lại nền kinh tế, thì tháng 4 năm Kỷ Sửu, vua Trần Nhân Tông mới cho bàn xét công trạng của những người đã tham gia chiến tranh. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có viết : “Mùa hạ, tháng 4, định công dẹp giặc Nguyên. Tiến phong Hưng Đạo Vương làm Đại Vương, Hưng Vũ Vương làm Khai Quốc công, Hưng Nhượng Vương làm Tiết độ sứ. Người nào có công lớn thì được ban quốc tính. Khắc Chung được dự trong số đó, lại được nhận chức Đại hành khiển. Đỗ Hành chỉ được phong Quan nội hầu, vì khi bắt được Ô Mã Nhi không dâng lên quan gia, lại dâng lên Thượng hoàng. Hưng Trí Vương không được thăng trật, vì đã có chiếu cho người Nguyên về nước, các tướng không được cản trở, mà lại còn đón đánh chúng. Cho Man trưởng Lạng Giang Lương Uất làm trại chủ Quy Hóa. Hà Tất Năng làm Quan phục hầu vì đã chỉ huy người Man đánh giặc. Việc thưởng tước đã xong, vẫn còn có người chưa bằng lòng. Thượng hoàng dụ rằng: “Nếu các khanh biết chắc là giặc Hồ không vào cướp nữa thì nói rõ cho trẫm biết, dù có thăng đến cực phẩm trẫm cũng không tiếc. Nếu không thế mà đã vội thưởng hậu, vạn nhất giặc Hồ trở lại, và các khanh lại lập công nữa thì trẫm lấy gì mà thưởng để khuyến khích thiên hạ”. Mọi người đều vui vẻ phục tùng” ( Đại Việt Sử Ký Toàn Thư – Bản Kỷ – Quyển V- Tr.199 – 200). Song song với việc thưởng công là việc “trị tội những người đầu hàng giặc, chỉ quân dân được miễn tội chết, vận chuyển gỗ đá xây dựng cung điện để chuộc tội, quan viên phạm tội thì tùy nặng nhẹ mà xử trị” ( Đại Việt Sử Ký Toàn Thư – Bản Kỷ – Quyển V- Tr. 200). Điểm đặc biệt trong đợt xử trị này là việc Thượng hoàng Trần Thánh Tông ra lệnh đốt tất cả giấy tờ của những người xin đầu hàng giặc, mà quân ta đã bắt được. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư đã mô tả lại sự kiện này như sau: “Trước kia, người Nguyên vào cướp, vương hầu, quan lại nhiều người đến doanh trại giặc xin hàng. Đến khi giặc thua bắt được cả một hòm biểu xin hàng. Thượng hoàng sai đốt hết đi để yên lòng những kẻ phản trắc. Chỉ có kẻ nào đầu hàng trước đây, thì dẫu bản thân ở triều đình giặc, cũng kết án vắng mặt, xử tội đi đày hoặc tử hình, tịch thu điền sản, sung công, tước bỏ quốc tính. Như Trần Kiện là con của Tĩnh Quốc thì đổi làm họ Mai. Người khác cứ theo lệ ấy mà đổi, như bọn Mai Lộng, Ích Tắc là chỗ tình thân cốt nhục, tuy trị tội cũng thế, nhưng không nỡ đổi họ xóa tên, chỉ gọi là Ả Trần, có ý chê hắn hèn nhát như đàn bà vậy. Vì thế, những ghi chép đương thời đều gọi là Ả Trần, Mai Kiện… Có tên Đặng Long là cận thần của vua, rất giỏi văn học, tước đến hạ phẩm, đã được ghi chú để cất nhắc. Vua định cho làm Hàn lâm học sĩ, nhưng Thượng hoàng ngăn lại. Hắn mang dạ bất bình, đến giờ cũng hàng giặc. Giặc thua, hắn bị bắt, đem chém để răn bảo kẻ khác” ( Đại Việt Sử Ký Toàn Thư – Bản Kỷ – Quyển V- Tr. 200). Sự kiện đây chứng tỏ một đường lối chính trị nhân đạo để ổn định đất nước sau chiến tranh, làm cho mọi người cảm thấy yên tâm lao động xây dựng đất nước. Không chỉ có thế, nó còn thể hiện tấm lòng độ lượng của bản thân những người lãnh đạo quốc gia đối với một bộ phận dân tộc có lỡ lầm. Thêm vào đó, phải tổ chức lại bộ máy hành chính nhà nước, mà đã bị quân sự hóa để phục vụ chiến tranh. Mùa xuân tháng 2 năm Canh Dần (1290), vua Trần Nhân Tông theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư đã “chọn quan văn chia đi cai trị các lộ”, để thực hiện việc cai trị theo pháp luật, từ đó tạo điều kiện sản xuất tốt cho người dân.

Đồng thời nhà vua tiến hành thanh tra công tác của các vị quan văn này. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép về vụ an phủ sứ Phí Mạnh do tham ô mà bị đánh trượng và sau đó trở thành thanh liêm vào năm 1292: “Cho Phí Mạnh làm An phủ sứ Diễn Châu. Tại chức chưa bao lâu mà nổi chứng tham ô. Vua gọi về đánh trượng rồi lại cho về trị sở lại được tiếng công bình thanh liêm. Người châu Diễn có lời nói: ‘An phủ Diễn Châu trong như nước’”. Vua Trần Nhân Tông cũng bổ nhiệm một số người có thành tích tốt như Phùng Sỹ Chu làm hành khiển, Trần Thì Kiến làm an phủ lộ Yên Khang. Bộ máy nhà nước sau chiến tranh dần dần trở lại hoạt động bình thường của nó với những viên chức hiểu biết luật pháp và có khả năng tổ chức đời sống của dân.

Nền kinh tế Đại Việt, sau hai cuộc chiến tranh, dù gặp nhiều thiên tai như hạn hán kéo dài và mưa dầm nhiều tháng nên có xảy ra mấy trận đói, nhưng qua đến đầu năm 1293 đã có những khởi sắc. Với những chính sách khôn khéo, vua Trần Nhân Tông đã vực dậy nền kinh tế bị thiên tai và địch họa tàn phá, làm cho đất nước có một bộ mặt tươi đẹp. Bên cạnh công cuộc tái thiết đời sống vật chất, tạo bộ mặt tươi đẹp cho đất nước và con người, thì việc xây dựng một đời sống tinh thần lành mạnh cho người dân cũng được vua Trần Nhân Tông quan tâm một cách sâu sắc. Đó là gây dựng một quá khứ thần thánh cho dân tộc bằng việc phong thần cho những người có công với dân với nước như Phù Đổng Thiên Vương, Sĩ Nhiếp, Triệu Quang Phục, Lý Phật Tử, Phùng Hưng, Lý Thường Kiệt v.v..  Trong hai đợt phong thưởng cho những người có chiến công trong các cuộc chiến tranh vệ quốc năm 1285 và 1288, vua Trần Nhân Tông đã không quên tỏ lòng biết ơn những vị anh hùng đã khuất bằng cách phong thưởng cho họ danh hiệu cao quý.

Trong công cuộc chống giặc Nguyên Mông xâm lược, cũng như xây dựng lại đất nước sau chiến tranh, vua Trần Nhân Tông đã thể hiện là một vị anh hùng dân tộc, có những đóng góp to lớn, nhiều mặt cho đất nước, cho lịch sử. Vua đã trực tiếp lãnh đạo quân và dân nước ta, tập hợp được những nhà quân sự tài giỏi, huy động được tiềm lực của toàn dân, đánh thắng đội quân hung hãn, thiện chiến nhất thời bấy giờ, làm nên những chiến công oanh liệt Hàm Tử, Chương Dương, Bạch Đằng, Tây Kết lẫy lừng, đưa dân tộc ta lên đỉnh cao của thời đại. Không những thế, vua đã mở rộng biên cương của tổ quốc, đặt nền móng vững chắc cho sự nghiệp nam tiến hoành tráng của dân tộc, mà con cháu hôm nay và mai sau mãi mãi ghi nhớ và biết ơn. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư đã đánh giá khái quát về vua Trần Nhân Tông : “Vua nhân từ hòa nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp trùng hưng sáng ngời thuở trước, thực là bậc vua hiền của nhà Trần. Song để tâm nơi kinh Phật, tuy nói là để siêu thoát, nhưng đó không phải là đạo trung dung của thánh nhân” ( Đại Việt Sử Ký Toàn Thư – Bản Kỷ – Quyển V- Tr.186).

4- Xuất gia tu hành và truyền bá đạo Phật:

Khi cuộc đấu tranh để bảo vệ hòa bình và gây dựng cuộc sống ấm no đang trên đà phát triển tốt đẹp thì vua Trần Nhân Tông đã giao lại quyền bính cho con mình là Trần Anh Tông từ tháng 3 năm Quý Tỵ (1293). Đến tháng 7 năm Giáp Ngọ (1294), Thượng hoàng đi chơi Vũ Lâm và quyết định xuất gia ở đấy, như Đại Việt Sử Ký Toàn Thư đã ghi: “Bấy giờ, Thượng hoàng đến Vũ Lâm vào chơi hang đá, cửa núi đá hẹp, thượng hoàng ngự chiếc thuyền nhỏ, Tuyên Từ thái hậu ngồi đằng đuôi thuyền, gọi Văn Túc Vương lên mũi thuyền, chỉ để một người chèo thuyền thôi. Đến khi Thượng hoàng xuất gia, sắp ra đi, mời Đạo Tái vào điện Dưỡng Đức cung Thánh Từ cho ngồi ăn các món hải vị” ( Đại Việt Sử Ký Toàn Thư – Bản Kỷ – Quyển VI- Tr.206). Theo Thánh Đăng Lục và Thiền Tông Bản Hạnh thì đến năm 1299, Thượng hoàng Trần Nhân Tông mới thật sự ra bỏ công việc triều chính để vào núi Yên Tử năng tu hành. Thánh Đăng Lục có viết về việc Thượng hoàng xuất gia tu hành như sau: “Không lâu, Ngài nhường ngôi cho Anh Tông. Tháng 10 năm Kỷ Hợi niên hiệu Hưng Long thứ bảy (1299), Ngài đi thẳng vào núi Yên Tử, siêng năng chuyên lo tu hành, sống theo mười hai hạnh đầu đà, tự lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà. Ngài lập chùa chiền, cất tinh xá, thuyết pháp độ tăng, học chúng tụ về đông đảo” ( Thánh Đăng Lục giảng giải – HT Thích Thanh Từ). Còn Thiền Tông Bản Hạnh của Ngài Chân Nguyên thì mô tả việc Thượng hoàng Trần Nhân Tông xuất gia tu hành qua mấy vần thơ :

“ Thuở ấy con là Anh Tông.

Nhường cho tức vị Hưng Long hiệu rày.

Kỷ Hợi Nhân Tông ra ngoài,

Quyết lên Yên Tử tu chùa Hoa Yên.”

( Thiền Tông Bản Hạnh giảng giải – HT Thích Thanh Từ – Tr.188)

Ý hướng xuất gia tu hành của Thượng hoàng Trần Nhân Tông được hình thành từ khi Ngài còn là thiếu niên mới 16 tuổi. Như trên đã nói, năm 16 tuổi Ngài được vua cha là Trần Thánh Tông truyền ngai vàng làm vua nhưng Ngài một mực từ chối và nhường cho em thay Ngài trị vì. Khi đó, Ngài đã trốn khỏi hoàng cung lúc nửa đêm vào núi Yên Tử tu hành. Thiền Tông Bản Hạnh viết :

“Thái Tử lòng muốn tu hành,

Nhìn xem phú quí tâm tình dưng dưng.

Tuy ở điện bệ Đông Cung,

Lòng hằng chở nhớ tông phong nhà thiền.

Đêm khuya bóng nguyệt cài hiên…

…Đêm ấy Thái Tử thoát ra du thành.

Tìm lên Yên Tử một mình,

Đến Đông Cứu sơn, thiên minh rạng ngày.

Giả tướng lệ người thế hay,

Vào nằm trong tháp một giây đỗ dùng.”

( Thiền Tông Bản Hạnh giảng giải – HT Thích Thanh Từ – Tr.177 – 178)

Tương tự, Thiền Tông Bản Hạnh, Thánh Đăng Lục cũng viết : “Năm 16 tuổi được lập làm Hoàng Thái Tử, Ngài cố từ chối mấy lần, xin cho em mình thay thế đều không được vua cha chấp nhận. Thánh Tông cưới trưởng nữ của Quốc mẫu Nguyên Từ cho Ngài, tức Thái hậu Khâm Từ. Tuy sống trong cảnh vui hòa hạnh phúc mà tâm Ngài vẫn hướng về đường tu. Một hôm, vào giữa đêm Ngài vượt thành trốn đi, định vào núi Yên Tử. Đến chùa Tháp ở núi Đông Cứu thì trời vừa sáng, trong người quá mỏi nhọc, vua bèn vào nằm nghỉ trong Tháp. Vị tăng trong chùa thấy dáng mạo Ngài khác thường, ông làm cơm thết đãi. Hôm ấy, Thái Hậu đem trình bày hết cho Thánh Tông nghe, vua liền sai quần thần đi tìm khắp nơi, bất đắc dĩ Ngài phải trở về.” ( Thánh Đăng Lục giảng giải – HT Thích Thanh Từ)

Khi trở thành vua, sống trong cung vàng điện ngọc, quyền lực trong tay, nhưng Ngài vẫn tự giữ mình thanh tịnh. Dù bận trăm công ngàn việc chính sự đất nước nhưng Ngài vẫn tinh tấn tu hành. Sách Tam Tổ Thực Lục có viết : “Năm hai mươi mốt tuổi, Ngài lên ngôi Hoàng đế (1279). Tuy ở địa vị cửu trùng, mà Ngài vẫn giữ mình thanh tịnh để tu tập. Thường ngày, Ngài đến chùa Tư Phước trong đại nội tu tập. Một hôm nghỉ trưa, Ngài thấy trong rốn mọc lên một hoa sen vàng lớn bằng bánh xe, trên hoa sen có đức Phật vàng. Có người đứng bên cạnh chỉ Ngài nói: “Biết ông Phật này chăng? Là đức Phật Biến Chiếu.” Tỉnh giấc, Ngài đem việc đó tâu lên vua cha. Vua Thánh Tông khen là việc kỳ đặc. Ngài thường ăn chay lạt thân thể gầy ốm. Thánh Tông thấy thế lấy làm lạ, nên hỏi nguyên do. Ngài trình thật với cha. Thánh Tông khóc bảo: “Nay ta đã già, chỉ trông cậy một mình con, con lại làm như thế, làm sao gánh vác được sự nghiệp của tổ tiên?” Ngài nghe dạy cũng rơi nước mắt” ( Tam Tổ Trúc Lâm giảng giải – HT Thích Thanh Từ). Khi đất nước nổ ra chiến tranh chống quân Nguyên Mông xâm lược, Ngài tạm gác việc tu hành để lãnh đạo nhân dân Đại Việt chống giặc ngoại xâm.

Đặc biệt, việc tu hành của vua Trần Nhân Tông không thể không nhắc đến một người thầy truyền tâm ấn cho Ngài đó chính là Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Quốc Tung. Tuệ Trung Thượng Sĩ là một thiền sư nổi tiếng thời bấy giờ. Chính Thượng Sĩ là người đã truyền trao tâm ấn thiền tông cho nhà vua, và được nhà vua tôn kính như thầy. Trong sách Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục, vua Trần Nhân Tông có kể về thầy mình ( Tuệ Trung Thượng Sĩ) như sau : “Riêng tôi (Sơ tổ Trúc Lâm) nay cũng nhờ ơn Thượng Sĩ dạy dỗ. Lúc tôi chưa xuất gia, gặp tuần tang của Đinh Nguyên Thánh mẫu hậu, nhân thỉnh Thượng Sĩ. Thượng Sĩ trao cho tôi hai quyển lục Tuyết Đậu và Dã Hiên. Tôi thấy lời nói thế tục quá sinh nghi ngờ, bèn khởi tâm trẻ con trộm hỏi rằng:

“Chúng sinh do nghiệp uống rượu ăn thịt, làm sao thoát khỏi tội báo?”

Thượng Sĩ bảo cho biết rõ ràng:

“Giả sử có người đứng xây lưng lại, chợt có vua đi qua sau lưng người kia thình lình hoặc cầm vật gì ném trúng vua, người ấy có sợ không? Vua có giận chăng? Như thế nên biết, hai việc này không liên hệ gì nhau.” Thượng Sĩ liền đọc hai bài kệ để dạy…. Tôi biết môn phong của Thượng Sĩ cao vót. Một hôm tôi xin hỏi Ngài về “bổn phận tông chỉ”, Thượng Sĩ đáp: “Soi sáng lại chính mình là phận sự gốc, chẳng từ nơi khác mà được.” (Phản quan tự kỷ bản phận sự, bất tùng tha đắc.) Nghe xong, tôi thông suốt được đường vào, bèn vén áo thờ Ngài làm thầy. Ôi! Tinh thần sắc vận của Thượng Sĩ thật trang nghiêm, cử chỉ thẳng thắn uy đức. Ngài bàn huyền nói diệu, trong lúc gió mát trăng thanh, những hàng thạc đức đương thời đều bảo Thượng Sĩ tin sâu hiểu rõ, thuận hạnh nghịch hạnh thật khó lường được” (Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục giảng giải- HT Thích Thanh Từ – Tr.61- 64). Trần Nhân Tông tuy học với Tuệ Trung Thượng Sĩ nhưng khác với Tuệ Trung ở chỗ vua rất chú trọng về mặt hình tướng của sự việc.

Sau khi vào tu hành trong núi Yên Tử, Ngài ở chùa Long Động “ …siêng năng chuyên lo tu hành, sống theo mười hai hạnh đầu đà, tự lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà. Ngài lập chùa chiền, cất tinh xá, thuyết pháp độ tăng, học chúng tụ về đông đảo” ( Thánh Đăng Lục giảng giải – HT Thích Thanh Từ). Thiền sư Huyền Quang ( Lý Đạo Tái) miêu tả cuộc sống tu hành của Hương Vân Đại Đầu Đà Trần Nhân Tông như sau :

“Mặc cà sa nằm trướng giấy, màng chi châu đầy lẫm, ngọc đầy rương;

Quên ngọc thực bỏ hương giao, cắp nạnh cà một vò, tương một hũ.”

( Tam Tổ Trúc Lâm Thực Lục giảng giải – HT Thích Thanh Từ)

Trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có ghi nhận : “ Quý Mão, [Hưng Long] năm thứ 1 [1303], (Nguyên Đại Đức năm thứ 7). Mùa xuân, tháng giêng, ngày 15, thượng hoàng ở phủ Thiên Trường [17b], mở hội Vô lượng pháp ở chùa Phổ Minh, bố thí vàng bạc tiền lụa để chẩn cấp dân nghèo trong nước và giảng kinh Giới thí.” ( Đại Việt Sử Ký Toàn Thư – Bản Kỷ – Quyển VI- Tr.216). Theo Thánh Đăng Ngữ lục thì vào năm Giáp Thìn (1304), Thượng hoàng “đi khắp các xóm làng để giáo hóa và trừ bỏ các việc thờ cúng bậy, dạy cho họ thực hành 10 điều thiện” ( Thánh Đăng Ngữ lục giảng giải – HT Thích Thanh Từ). Cũng trong năm Giáp Thìn ấy, mùa đông “Anh Tông dâng biểu thỉnh Thượng hoàng về đại nội, xin thọ tại gia Bồ Tát tâm giới. Ngày Thượng hoàng vào thành, vương công bắt quan chuẩn bị đầy đủ lễ nghi đón rước. Vương công bắt quan đều cùng thọ giới”. Thế là cả một triều đình Đại Việt đã cố gắng sống theo lời dạy của đức Phật. Việc thọ tại gia Bồ Tát tâm giới thể hiện rất rõ cơ sở tư tưởng Cư trần lạc đạo mà Thượng hoàng đã tiếp nhận trực tiếp từ vua cha là Vô Nhị Thượng Nhân Trần Thánh Tông và vị thầy Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Quốc Tung. Buổi lễ trao tâm giới Bồ Tát tại gia cho vua và triều đình vào mùa đông năm Giáp Thìn (1304) xong, Thánh Đăng Ngữ lục viết tiếp: “Sau đó vua trác tích ở chùa Sùng Nghiêm núi Chí Linh, xiển dương tôn giáo”. Thánh Đăng Lục cũng miêu tả rõ buổi thượng đường giảng pháp của Điều Ngự Giác Hoàng như sau : “Mở đầu buổi khai đường thuyết pháp, Ngài niêm hương báo ân xong, đến pháp tòa, vị thượng chủ bạch chùy v.v… rồi, Ngài bèn nói: Phật Thích Ca Văn vì một đại sự nhân duyên mà hiện ra đời, bốn mươi chín năm mở miệng mà chưa nói một chữ, nay ta vì các ngươi lên tòa này nói cái gì? Ngài liền ngồi xuống giường thiền, giây lâu ngâm:

Cuốc kêu từng chập trăng ngời sáng,

Đâu phải tầm thường qua một xuân.

(Đổ quyên đề đoạn nguyệt như trú,

Bất thị tầm thường không quá xuân).

Ngài lại vỗ bàn một cái, nói: – Không có ai sao? Ra đây! Ra đây!”

( Thánh Đăng Ngữ lục giảng giải – HT Thích Thanh Từ).

Đúng theo tinh thần của truyền thống thiền tông, lời khai mạc của Thượng hoàng Trần Nhân Tông tại buổi giảng cuối đông năm Giáp Thìn (1304) đã khởi đầu bằng cách nhắc tới việc đức Thế Tôn trong 49 năm thuyết pháp chưa từng nói một lời. Sau đó Thượng hoàng đã liên hệ tới buổi giảng của mình, chỉ ra rằng đức Thế Tôn còn không nói một lời như thế thì tôi đây có gì để nói ra. Xong lời khai mạc, bấy giờ Thượng hoàng mới ngồi xuống giường thiền, giáo đầu cuộc nói chuyện qua việc dặn dò mọi người đừng để thời gian luống qua, đúng theo tinh thần mà Đức Thế Tôn đã giáo huấn trong giờ phút lâm chung của Ngài: “Mọi vật là vô thường, hãy tinh tấn, chớ có buông lung”.

Theo Thánh Đăng Lục và Tam Tổ Trúc Lâm Thực Lục thì những ngày cuối cùng của Đức Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông diễn ra như sau :

Ngày mồng một tháng giêng năm Mậu Thân (1308), Điều Ngự sai Pháp Loa đến chùa Báo Ân, huyện Siêu Loại nối pháp trụ trì giảng dạy. Tháng tư Ngài đến kiết hạ tại chùa Vĩnh Nghiêm, Lạng Giang, cũng sai Pháp Loa trụ trì giảng dạy, chính Ngài giảng Truyền Đăng Lục và sai Quốc Sư Đạo Nhất vì chúng giảng Kinh Pháp Hoa.

Giải hạ, Ngài vào núi Yên Tử, đuổi hết những người cư sĩ và những kẻ giúp việc trong chùa không cho hầu hạ nữa, chỉ để lại mười vị thị giả thường theo Ngài. Điều Ngự lên ở am Tử Tiêu giảng Truyền Đăng Lục cho Pháp Loa, thị giả lần lượt xuống núi gần hết, chỉ còn một đệ tử thượng túc là Bảo Sát ở lại thôi.

Từ đó, Ngài leo khắp các hang động, rồi ngồi nơi thất đá, Bảo Sát bạch: Tôn Đức tuổi đã cao mà xông pha sương tuyết như vậy, lỡ ra (có chuyện gì) thì mạng mạch của Phật pháp sẽ thế nào? Ngài đáp: Thời giờ của ta đã đến, ta muốn tạo cái kế lâu dài vậy!

Ngày mùng năm tháng mười, người nhà của công chúa Thiên Thụy lên núi thưa: Công chúa Thiên Thụy bệnh nặng, mong gặp Tôn Đức rồi chết. Điều Ngự bùi ngùi bảo: “Thời tiết đến rồi!” Ngài bèn chống gậy xuống núi, chỉ đem theo một người thị giả. Ngày mùng mười thì đến kinh đô, qua ngày rằm Ngài dặn dò xong, liền trở về núi, nghĩ đêm ở chùa Siêu Loại. Sáng sớm hôm sau, Ngài lại đi bộ đến ngôi chùa nhỏ ở làng Cổ Châu, tự đề bài kệ:

Âm :

Thế số nhất tức mặc,

Thời tình lưỡng hải ngân,

Cung ma hồn quản thậm,

Phật quốc bất thắng xuân.

Tạm dịch:

Số đời một hơi thở,

Tình đời đôi biển bạc,

Cung ma cai quản ngặt,

Cõi Phật vui khôn ngần.

Ngày 17, Ngài nghỉ lại ở chùa Sùng Nghiêm tại Linh Sơn, Hoàng thái hậu Tuyên Từ thỉnh đến am Bình Dương thiết trai cúng dường. Điều Ngự vui vẻ bảo: Đây là lần cúng dường sau cùng. Ngài bèn đến thọ trai.

Ngày 18, Ngài đi bộ đến chùa Tú Lâm trên ngọn An Sinh Kỳ Đặc. Cảm thấy đau đầu, Ngài bèn nói với hai Tỳ kheo Tử Doanh và Hoàn Trung: Ta muốn lên ngọn Ngọa Vân mà sức chân không thể đi được, biết làm sao đây? Hai Tỳ kheo thưa: Hai đệ tử có thể giúp cho Thầy lên đó! Vừa lên tới Ngọa Vân, Điều Ngự liền tạ ơn hai Tỳ kheo và bảo: Hãy xuống núi gắng lo tu hành, chớ cho sinh tử là việc nhàn rỗi!

Ngày 19, Điều Ngự sai thị giả Pháp Không lên am Tử Tiêu, núi Yên Tử gọi Bảo Sát xuống đây gấp. Ngày 20, Bảo Sát trên đường đi xuống, đến Doanh Tuyền thì thấy một đám mây đen từ ngọn Ngọa Vân bay qua Lỗi Sơn rồi hạ thấp xuống Doanh Tuyền, nước bỗng đầy tràn, dâng cao lên mấy trượng. Giây lát, mặt nước lặn xuống như bình thường, Bảo Sát thấy hai con rồng đầu to như đầu ngựa, ngẩng đầu lên cao hơn trượng, hai mắt như sao sáng, chốc lát thì lặn xuống. Đêm đó, Bảo Sát nghỉ tạm trong quán trọ bên núi, lại mộng thấy điềm chẳng lành. Ngày 21, Bảo Sát đến Ngọa Vân, Điều Ngự trông thấy liền mĩm cười bảo: Ta sắp đi đây, ngươi đến sao trễ vậy! Ngươi đối với Phật pháp có chỗ nào chưa rõ, hãy mau đem ra thưa hỏi!

Bảo Sát liền hỏi:

– Như lúc Mã Tổ bệnh, Viện Chủ đến hỏi: “Những ngày gần đây Tôn Đức thế nào?” Mã Tổ đáp: “Nhật diện Phật, nguyệt diện Phật” Ý chỉ thế nào?

Điều Ngự gằn giọng bảo:

– Ngũ Đế, Tam Hoàng là vật gì?

Bảo Sát lại hỏi:

– Chỉ như

“Hoa rực rực chừ gấm rực rực

Tre đất Nam chừ cây đất Bắc” lại là sao?

Điều Ngự bảo:

– Mù mất mắt ngươi!

Bảo Sát liền thôi.

Từ đó, suốt mấy ngày liền trời đất u ám, gió trốt nổi dậy, mưa tuyết phủ lấp cả cây cối, vượn khỉ vây quanh am gào la, chim rừng kêu thảm thiết.

Ngày mùng một tháng mười một, nửa đêm sao trời sáng tỏ, Điều Ngự hỏi: Hiện giờ là giờ gì? Bảo Sát thưa: Giờ Tý.

Điều Ngự đưa tay mở cánh cửa sổ nhìn ra bảo: Chính là giờ ta đi! Bảo Sát hỏi: Tôn Đức đi đâu? Điều Ngự đáp:

Tất cả pháp chẳng sinh,

Tất cả pháp chẳng diệt,

Nếu hay hiểu như thế,

Chư Phật thường hiện tiền.

Nào có đến đi gì?

Bảo Sát thưa:

– Chỉ như khi chẳng sinh chẳng diệt thì thế nào?

Điều Ngự liền vả ngay miệng Bảo Sát, bảo:

– Chớ nói mớ!

Nói xong, Ngài nằm theo thế sư tử lặng lẽ mà tịch. Qua đêm thứ hai, Bảo Sát vâng theo lời di chúc, làm lễ hỏa táng ngay nơi am Ngài ở, có mùi hương lạ xông lên thoảng ra xa, nhạc trời trên không, mây năm sắc che trên giàn hỏa.

Ngày thứ tư Tôn giả Phổ Tuệ (Pháp Loa) từ núi Yên Tử vội vã đến, dùng nước thơm rưới lên giàn hỏa làm lễ. Xong, Pháp Loa thu lấy ngọc cốt, được xá lợi năm màu hơn năm trăm hạt lớn, còn hạt nhỏ cỡ hột lúa hột cải thì nhiều vô kể. Vua Anh Tông, Quốc phụ Thượng Tể cùng đình thần đem thuyền rồng đến lễ bái dưới chân núi, gào khóc vang trời, sau đó đón ngọc cốt và xá lợi xuống thuyền rồng đưa về kinh. Từ triều đình cho đến thôn quê đều rất mực thương tiếc. Vua Anh Tông tôn hiệu là: “Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu Đà Tịnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Tổ Phật”. Vua đem ngọc cốt đặt vào khám báu, đồng thời chia xá lợi làm hai phần, mỗi phần đều đựng vào bình vàng bằng bảy báu. Việc lễ cúng xong, vua đón ngọc cốt vào miếu Đức Lăng, tôn hiệu là “Nhân Tông”, còn một phần xá lợi đem đặt vào bảo tháp thờ tại khu đất Đức Lăng ở Long Hưng và một phần thì đặt vào kim tháp thờ tại chùa Vân Yên trên núi Yên Tử. Anh Tông cũng đã cho đúc hai tượng Điều Ngự bằng vàng, một tượng thờ tại chùa Báo Ân ở Siêu Loại, một tượng thờ tại chùa Vân Yên ở núi Yên Tử, dùng lễ cúng dường Phật mà cúng dường tượng Ngài.

5- Tư tưởng thiền học của Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông qua các tác phẩm của Ngài :

Đức Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông đã để lại những tác phẩm sau đây, mà hiện chúng ta chỉ còn những đoạn trích in lại trong sách Tam Tổ Thực Lục và Thánh Ðăng Lục:

1) Thiền Lâm Thuyết Chủy Ngữ Lục

2) Trúc Lâm Hậu Lục

3) Thạch Thất Mỵ Ngữ

4) Ðại Hương Hải Ấn Thi Tập

5) Tăng Già Toái Sự

Ba tác phẩm đầu, Thiền Lâm Thuyết Chủy Ngữ Lục, Trúc Lâm Hậu Lục và Thạch Thất Mỵ Ngữ là những sách tập hợp các bài kệ tụng, những lời thiền ngữ và những đoạn vấn đáp giữa Ngài và môn đệ. Ðại Hương Hải Ấn Thi Tập tập hợp những bài thơ của Trúc Lâm, một số bài còn được giữ lại trong các tuyển tập như Việt Âm Thi Tập, và Toàn Việt Thi Lục nhờ tính cách ít từ ngữ Phật Giáo của chúng. Tăng Già Toái Sự chắc là một tập văn xuôi có tính cách thực dụng trong giới thiền giả. Ngoài những tác phẩm chữ Hán kể trên, Điều Ngự còn sáng tác bằng chữ Nôm nữa. Hiện chúng ta còn được một bài phú và một bài ca của Ngài viết bằng chữ Nôm (Cư Trần Lạc Ðạo Phú và Ðắc Phú Lâm Tuyền Thành Ðạo Ca). Hai bài này được giữ lại trong tác phẩm An Tử Sơn Trần Triều Trúc Lâm Thiền Tông Bản Hạnh của hòa thượng Chân Nguyên Ðăng, ấn hành năm 1745. Ngoài ra, Ngài còn viết bài Thượng Sĩ Hành Trạng nói về cuộc đời của Tuệ Trung và những kỷ niệm của vua đối với Tuệ Trung. Bài này in ở cuối sách Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục.

Về phương diện tư tưởng, Điều Ngự Giác Hoàng chịu ảnh hưởng sâu sắc của Tuệ Trung, nhưng nếu so sánh lối diễn đạt, ta sẽ thấy Tuệ Trung trực tiếp hơn, đơn giản hơn, hiện thực hơn, trong khi Điều Ngự thiên trọng hơn về phương diện văn chương và hình ảnh. Về hình thái, Điều Ngự chững chạc hơn, nhưng ta ít thấy nói vua với sức sống tâm linh mãnh liệt toát ra từ những lời thiền ngữ như trong trường hợp Tuệ Trung. Điều Ngự Giác Hoàng được sống nhiều năm trong thiền viện và đã sinh hoạt theo thể thức và quy chế thiền viện. Vua đã nhiều lần kết hạ an cư, đăng đàn thuyết pháp và chủ tọa những buổi đại tham, tức là những cuộc tham vấn về thiền trong đó toàn thể đại chúng trong thiền viện được tham dự. Những buổi tham vấn nhỏ thì được gọi là tiểu tham. Trong các buổi tham vấn giữa Ngài và các thiền sinh, Ngài thường nói đến thể tính giác ngộ sẵn có nơi mọi người và đến nguyên tắc tự mình trở vế thực hiện lấy tự tính giác ngộ ấy bằng phương pháp không-truy-tầm tức là không đối tượng hóa tự tính giác ngộ ấy để chạy theo đuổi bắt (“có ý đi tìm đạo thì không bao giờ thấy đạo”). Ðây là những điều mà Ngài tâm đắc từ Tuệ Trung. Cuối bài phú Cư Trần Lạc Ðạo, Điều Ngự có viết một bài kệ nhắc lại nguyên tắc không-truy-tầm này:

Cư trần lạc đạo hãy tùy duyên

Hễ đói thì ăn, mệt nghỉ liền

Châu báu đầy nhà đừng chạy kiếm

Vô tâm đối cảnh, hỏi chi thiền?

 (Cư trần lạc đạo thả tùy duyên

Cơ tắc xan hề, khốn tắc miên

Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch

Ðối cảnh vô tâm mạc vấn thiền). 

(Cư trần lạc đạo phú – Thiền sư Việt Nam – HT Thích Thanh Từ – Tr.340)

Điều Ngự Giác Hoàng cũng như Trần Thái Tông, rất ý thức về tính cách vô thường của cuộc sống và thao thức thực hiện sự giải thoát đạt đạo. Vua đã biết dùng thì giờ trong mọi hành động cử chỉ nhỏ nhặt để tham quán thiền đạo. “Này quý vị, thời gian qua đi mau chóng, mạng sống con người trôi chảy không ngừng, tại sao hàng ngày biết ăn cháo ăn cơm mà lại không biết tham khảo ngay vấn đề cái chén cái thìa?” Vấn đề cái chén cái thìa, theo vị sư đối thoại với Ngài là những vấn đề “tầm thường” không cần đặt ra; nhưng chính thiền sư mà chứng ngộ được là do ở sự tham quán thường trực về những chuyện “tầm thường” như vậy. Sự giác ngộ đạt đạo, theo Ngài phải được thực hiện ngay trong kiếp này. Thân mạng và cuộc đời vô thường, đời người như một mùa xuân sẽ qua. Mùa xuân này không thể để cho nó trôi qua một cách vô ích; tiếng kêu thiết tha rơi máu của con chim đỗ quyên nhắc ta điều đó.

Tác phẩm hay nhất của Đức Điều Ngự là tám bài kệ về vấn đề Có- Không:

Hữu cú vô cú

Bìm khô cây ngã

Mấy kẻ nạp tăng

U đầu sứt trán.

Hữu cú vô cú

Thể lộ gió thu

Hằng hà sa số

Va dao chạm bén.

Hữu cú vô cú

Lập tông lập chỉ

Đập ngói dùi rùa

Trèo non lội nước.

Hữu cú vô cú

Chẳng có chẳng không

Khắc thuyền tìm kiếm

Tìm ngựa cứ hình (bản đồ).

Hữu cú vô cú

Hồi hỗ, hay không

Nón tuyết giày hoa

Ôm cây đợi thỏ.

Hữu cú vô cú

Tự xưa tự nay

Chấp tay quên trăng

Đất bằng chết chìm.

Hữu cú vô cú

Như thế như thế

Chữ bát mở ra

Sao không nắm mũi ?

Hữu cú vô cú

Ngó tả ngó hữu

Lau chau mồm mép

Ồn ào náo động.

Hữu cú vô cú

Đau đáu lo sợ

Cắt đứt sắn bìm

Đó đây vui thích.

Hữu cú vô cú        

Đằng khô thọ đảo   

Cơ cá nạp tăng       

Hàng đầu khái não. 

Hữu cú vô cú         

Thể lộ kim phong   

Hằng hà sa số         

Phạm nhẫn thương phong.  

Hữu cú vô cú         

Lập tông lập chỉ      

Đả ngỏa toản qui    

Đăng sơn thiệp thủy.         

Hữu cú vô cú         

Phi hữu phi vô        

Khắc chu cầu kiếm 

Sách kị án đồ.        

Hữu cú vô cú         

Hỗ bất hồi hỗ         

Lạp tuyết hài hoa    

Thủ chu đãi thố.     

Hữu cú vô cú         

Tự cổ tự kim

Chấp chỉ vong nguyệt       

Bình địa lục trầm.   

Hữu cú vô cú         

Như thị như thị       

Bát tự đả khai        

Toàn vô ba tỹ.        

Hữu cú vô cú         

Cố tả cố hữu

A thích thích địa     

Náo quát quát địa.  

Hữu cú vô cú         

Đao đao phạ phạ    

Tiệt đoạn cát đằng  

Bỉ thử khoái hoạt.

( Thiền sư Việt Nam – HT Thích Thanh Từ – Tr.323)

Bí quyết của tu hành của Ngài là làm cho tâm hồn không vướng bận. Lòng không vướng bận nghĩa là không bị ràng buộc bởi thành bại đắc thất và bởi sự dồn chứa kiến thức. Ðạt tới được tâm trạng tự do ấy là đạt tới sự an ổn thật sự; nhân ngã và tham sân không còn lay chuyển được tự thân, và thức tính Kim Cương bắt đầu hiển lộ. Cõi Cực Lạc không nên đi tìm tận phương Tây mà chỉ cần tìm ở sự gạn lọc tự tâm. Chính ngay trên chỗ đứng này mà ta phải thực hiện tự tính rạng rỡ của tâm, bởi vì tự tính ấy không khác gì với đức Phật A Di Ðà. Trong bài phú chữ Nôm Cư Trần Lạc Ðạo, Điều Ngự gọi tâm hồn không vướng bận này là “lòng rỗi”. “Miễn được lòng rỗi, chẳng còn phép khác”, chủ trương của Ngài là chủ trương đình chỉ phiền não trước tiên, phù hợp với truyền thống “ngũ đình tâm quán” của thiền học nguyên thủy. Giáo lý Tịnh Ðộ lúc bấy giờ đã khá phổ thông, nhưng đối với Ngài cũng chỉ là một phương cách diễn tả chân lý và phương pháp Thiền học, vốn căn cứ trên nhận thức về Chân như và Bát nhã của giáo lý đại thừa. Người thực hành Thiền học không cần đi tìm Phật ở Tây Phương, cũng không cần tìm học kinh điển các tông phái. Đó chính là tư tưởng thiền học chủ đạo của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông.

III- Kết luận :

Bảy trăm năm lịch sử đã trôi qua kể từ khi Đức Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông xả bỏ báo thân nhập vào cõi Vô dư bất diệt, nhưng cuộc đời và sự nghiệp của Ngài vẫn còn sống mãi trong lịch sử dân tộc, trong lòng mỗi người dân Việt cũng như mỗi người Phật tử. Cuộc đời Ngài là tấm gương sáng của sự hy sinh hết mình vì độc lập, tự do của dân tộc. Với tầm vóc danh nhân văn hóa, hình ảnh Trần Nhân Tông đã tỏa sáng trên tư cách một vị hoàng đế sáng suốt, vị tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và để lại những áng thi ca thấm đậm lẽ đạo tình đời. Sinh ra giữa thời hào khí Ðông A đạt tới đỉnh cao, ông cùng với vua cha Trần Thánh Tông và toàn dân Ðại Việt đã lãnh đạo nhân dân nước Ðại Việt đập tan hai cuộc xâm lược của những đạo quân Nguyên Mông hùng mạnh (vào các năm 1285, 1287-1288). Với việc tổ chức hội nghị Diên Hồng và Bình Than, ông trở thành hiện thân của tinh thần đại đoàn kết toàn dân, ý chí quyết tâm đánh thắng giặc ngoại xâm, bảo vệ vững chắc quyền độc lập dân tộc. Trong thời điểm vận nước vào lúc nguy nan, ông đã cho khắc câu thơ: Cối Kê việc cũ ngươi nên nhớ – Hoan, Diễn còn kia chục vạn quân (Cối Kê cựu sự quân tu ký – Hoan, Diễn do tồn thập vạn binh) vào thuyền Ngự để động viên quân sĩ và khẳng định niềm tin vào ngày chiến thắng. Trong thời bình, ông thực hiện chủ trương “khoan sức dân”, mở rộng sản xuất, đưa ra chính sách thi cử, tuyển dụng nhân tài tiến bộ, thúc đẩy nền kinh tế – văn hóa dân tộc phát triển ổn định. Ngài có quan niệm rành mạch về mối quan hệ đời và đạo, khi nào cần “hòa quang đồng trần” một lòng gắn bó với sự nghiệp giữ nước và phát triển đất nước của cả dân tộc, khi nào có thể chuyên tâm với kinh sách và con đường hoằng dương Phật pháp. Trên quan điểm lịch sử cụ thể, chúng ta có thể khẳng định vị thế Trần Nhân Tông trên tư cách vị tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, người có khả năng thâu thái những giá trị tinh thần Phật giáo từ bên ngoài để sáng tạo nên một Thiền phái bản địa, nội sinh trên cơ sở thực tiễn xã hội và mạch nguồn tư tưởng văn hóa dân tộc. Trải qua trường kỳ lịch sử, tinh thần Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử vẫn được phát huy và đến nay tiếp tục phát triển, có được ảnh hưởng mạnh mẽ trong nước và mở rộng ở nhiều Thiền viện trên thế giới. Về sự nghiệp sáng tác, Trần Nhân Tông còn để lại trên ba mươi tác phẩm, trong đó có các bài tán, minh, thơ chữ Hán và hai bài phú chữ Nôm. Các sáng tác của Trần Nhân Tông trải rộng diện đề tài từ dòng thơ chiến trận đến tâm sự buồn vui đời thường, từ vận mệnh quốc gia đến nỗi niềm người khuê phụ, từ lối thơ xướng họa đến tức sự, từ thơ bang giao đến vịnh cảnh non sông tươi đẹp, từ tiếng nói bậc đế vương đến sâu thẳm chất Thiền… Chỉ đọc nhan đề các bài thơ cũng thấy bước chân ông đã đi qua nhiều miền xứ sở, từ miền quê Thiên Trường (Nam Ðịnh) đến động Vũ Lâm (Ninh Bình), hương Cổ Châu, chùa Thần Quang (Bắc Ninh), Châu Lạng (Bắc Giang), từ một cuộc Tây chinh đến hồ Ðộng Thiên – Yên Tử (Quảng Ninh)…

Ông vui với một nhành mai, bâng khuâng trong một sớm mùa xuân, một chiều trước cánh đồng làng, một ngày thu nơi non cao chùa vắng, một sự hòa nhập nội tâm trong cõi thiền trầm tư sâu lắng. Ðặc biệt với hai tác phẩm Phú ở cõi trần vui đạo (Cư trần lạc đạo phú) và Bài ca được thú lâm tuyền thành đạo (Ðắc thú lâm tuyền thành đạo ca), Trần Nhân Tông đã trở thành một trong những thi nhân Việt Nam đầu tiên sử dụng chữ Nôm để sáng tác thơ ca, khơi mở cho dòng thơ Quốc âm của dân tộc phát triển mạnh mẽ trong suốt các giai đoạn sau này. Tròn 700 năm kể từ ngày Trần Nhân Tông về cõi Tây phương cực lạc, nơi chùa Lân – Hoa Yên – Yên Tử vẫn thăm thẳm một mầu xanh. Giữa ngày xuân, dòng người từ bốn phương tìm về non thiêng Yên Tử, tìm về chốn tâm linh, thắp nén nhang thành kính tưởng nhớ danh nhân văn hóa Trần Nhân Tông – mẫu hình tác gia Hoàng đế – Thiền sư – Thi sĩ tiêu biểu cho cả một thời đại huy hoàng trong lịch sử dân tộc.