Cảm tưởng của Tăng Ni sinh tại Hội nghị tổng kết năm học 2011 – 2012 và triển khai công tác Phật sự năm học 2012 – 2013

11/ 10/ 2012 10:12:39

Chúng con sinh thành kính tri ân công đức của Chư tôn đức Hội đồng, văn phòng, giảng sư Học viện, Chư tôn đức Nghiệp sư, quý vị Phật tử thiện tín đàn việt đã quan tâm, chăm lo, tạo những điều kiện tốt nhất cho Tăng Ni sinh chúng con tu học.

Kính bạch : ………………………………………………..

Kính thưa : ………………………………………………..

Năm học 2011 – 2012, Học viện có biến động lớn với sự ra đi của Cố Trưởng lão Hòa thượng Viện trưởng. Điều đó kéo theo nhiều ảnh hưởng, thầy trò học viện không còn được nương vào uy đức của Người trên con đường “Duy tuệ thị nghiệp”. Nhưng “Trong gian nan mới biết bậc hiền tài; khi hoạn nạn càng hay điều nhân nghĩa”, không phụ công đức của Người, thầy trò Học viện đã tự lực cánh sinh, đưa Học viện đi lên bằng sự nỗ lực, ý chí, quyết tâm; bằng đôi bàn tay khối óc của mình.

Tuy nhiên, với kinh phí trên 400 triệu đồng mỗi tháng để duy trì Học viện không phải là con số nhỏ, hay một việc dễ. Nhưng vì sứ mệnh “kế vãng khai lai, truyền trì đạo mạch”, Chư tôn đức Hội đồng, Văn phòng không quản niên cao, lạp trưởng, Phật sự đa đoan, đã có mặt ở các danh lam thánh tích, Hạ trường, Đạo tràng, tỉnh, thành hội trong cả nước khuyến khích thiền gia, thất chúng, đàn việt phát tâm “Vì sự nghiệp mười năm trồng cây, vì sự nghiệp trăm năm trồng người”. Nhờ công đức ấy, mà Tăng Ni sinh chúng con yên tâm tu học trên giảng đường Phật học.

Không những vậy, trong năm học vừa qua, chúng con còn được Chư tôn đức tận tâm, tận lực chăm lo về việc tu việc học.   Bên cạnh đó, hàng tỉ đồng được Chư tôn đức vận động, thực hiện chương trình thực tế các danh lam thánh tích Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh, giúp Tăng Ni sinh không chỉ được đi thăm quan, thắng cảnh, mà còn dần hoàn thiện cho mình giữa cái nhìn lý thuyết và thực tế cuộc sống. Các chương trình văn nghệ Phật đản, Vu lan cũng là những chương trình cần thiết để Tăng Ni trẻ bộc lộ những tài năng, thông minh, sáng tạo của mình, như tấm lòng thành kính nhất kính dâng lên mười phương Tam Bảo, kính dâng Chư tôn đức. Đặc biệt nhất là chương trình “Hội thao văn hóa thể thao” năm 2012 đã để lại trong Tăng Ni sinh nhiều ấn tượng. Đây thực sự là một sân chơi lớn để chúng con gắn kết lại với nhau thành một khối trong tinh thần “Lục hòa cộng trụ”

Các bài học tri thức Chư tôn đức truyền trao trên giảng đường Phật học, đã trở thành những chiếc chìa khóa cần thiết để Tăng Ni sinh mở kho tàng tri thức của nhân loại. Bài niên luận Chư tôn đức hướng dẫn, tuy chỉ là một môn học, nhưng qua đó, chúng con đã biết phương thức, thao tác cơ bản thực hiện một đề tài khoa học. Cho đến buổi hội thảo “Tăng Ni trẻ với việc xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam góp phần xây dựng đất nước” được tổ chức vào ngày mai cũng là dịp Tăng sinh trang bị cho mình những phương pháp nghiên cứu, kỹ năng thuyết trình, cách tổ chức triển khai thực hiện các công tác, hoạt động Phật sự; từ đó ý thức được sứ mệnh “Đạo pháp – Dân tộc” đặt năng trên vai mình. Qua buổi hội thảo, Tăng Ni sinh chúng con gửi gắm nhiều hoài bão, tâm tư, nguyện vọng; nêu ra những điểm còn tồn tại, tìm hiểu nguyên nhân, giải pháp, trên nhiều góc độ khác nhau, từ đó mong muốn Chư tôn đức lắng nghe, chứng minh để góp phần chắp cách những hoài bão hạnh nguyện của Tăng Ni trẻ chúng con. Ngoài ra các sự kiện lớn khác của Học viện cũng là những bài học thực tế hết sức hữu ích cho Tăng Ni trẻ khi ngồi trên giảng đường Phật học.

Trong năm học vừa qua, Tăng Ni sinh chúng con không chỉ được ân chiêm công đức của Chư tôn đức, mà chúng con cũng được đón nhận công đức của quý thầy Nghiệp sư đã ở tự viện ngày ngày “Thượng Tam Bảo, hạ trù táo” làm hậu phương cho Tăng Ni sinh yên tâm tu học trên giảng đường Phật học. Bên cạnh đó cũng phải kể đến công đức của đàn việt đã phát tâm ngoại hộ Phật pháp, để ngôi Tam Bảo được cửu trụ, giáo pháp được sương minh, giáo dục Phật giáo Việt Nam phát triển đi lên.

Kính bạch chư tôn đức.

Kính thưa quý vị đại biểu.

300 ngày của năm học 2011 đã đi qua, nhìn lại chặng đường đó là cả một quá trình gian nan vất vả. Chưa kể một năm, chỉ cần để duy trì một buổi học cũng là kết quả của bao công sức: Từ sự tinh tấn của Tăng Ni sinh, sự nhiệt tình của quý thầy văn phòng, quản chúng – đã gác lại Phật sự trụ sứ, dành tâm huyết cho giáo dục đào tạo, cùng sự ủng hộ chỉ đạo sát sao của Chư tôn đức Hội đồng, sự nhiệt tâm của quý thầy Giảng sư đã vượt hàng chục, hàng trăm, thậm trí hàng ngàn cây số về Học viện giảng dậy. Hay để có một bữa ăn, cũng là mồ hôi công sức của biết bao người. Tăng Ni sinh hàng ngày vẫn đủ ăn, đủ mặc, yên tâm tu học, nhưng đằng sau đó là sự âu lo, đong lên, đếm xuống của Chư tôn đức từng ngày để duy trì Học viện. Ngay cả việc để có kinh phí tặng thưởng cho những Tăng Ni sinh đạt thành tích tốt trong tu học trong ngày hôm nay, cũng là kết quả từ công đức của Chư tôn đức đã lặn lội đến các tổ đình lớn khuyến tấn mọi người phát tâm vì sự nghiệp đào tạo Tăng tài. Học viện vẫn cứ ngày một khang trang, đi lên, nhưng còn biết bao công đức, còn biết bao sự hi sinh, cống hiến thậm lặng của Chư tôn đức, của quý thầy mà chúng con không hay.

Kính bạch Chư tôn đức

Kính thưa quý vị đại biểu.

Như những người làm dâu trăm họ, việc hay, việc dở của Tăng Ni sinh đều đến tay quý thầy Quản chúng văn phòng. Thuốc đắng giã tật, sự thật đôi khi mất lòng. Những bài thuốc đắng quý thầy đưa ra hết sức hữu ích với Tăng Ni sinh trong việc tu học, nhưng cũng có lúc quý thầy phải nén những vị đắng cay chua chát của bản thân mình không thể tỏ lộ cùng ai xuống, để rồi lại tiếp tục chăm chút cho những mầm non Phật pháp.

Thực sự chúng con cảm động biết bao, các buổi họp giao ban hàng tuần diễn ra, đều là những nội dung, thảo luận, bàn bạc, rút kinh nghiệm để Tăng Ni sinh tu học tốt hơn. Rồi những hình ảnh quý thầy Quản chúng Tăng ngày ngày gõ cửa đôn đốc các Tăng sinh tu, học, niệm Phật, lao động, chấp tác; hay quý thầy quản chúng Ni cần mẫn, sát sao trong từng công việc đều là những hình ảnh cao đẹp về những nghĩa cử cao thượng của người thầy trên con đường “Duy tuệ thị nghiệp”

Kính bạch Chư tôn đức.

“Bài học làm người con vẫn khắc ghi; công cha nghĩa mẹ ơn thầy”, công đức, tâm huyết của Chư tôn đức cao quý biết chừng nào, nhưng chúng con cũng cảm thấy tủi thẹn với Chư tôn đức, vì một số Tăng Ni sinh chúng con còn chưa chăm tu, chăm học, còn làm Chư tôn đức phiền muộn. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là một bộ phận tồn tại ở con số nhỏ. Không phụ công đức của Chư tôn đức, Tăng Ni sinh toàn Học viện chúng con đã không ngừng cố gắng, tinh tấn, nỗ lực vươn lên trong tu trong học. Bởi vậy chất lượng, kết quả tu học của năm học 2011 – 2012, đạt được nhiều thành tựu khả quan vượt trội hơn với năm trước. Đó thực sự là những đóa hoa tươi thắm, chúng con kính dâng lên Chư tôn đức.

Hôm nay, trong ngày tổng kết năm học, nhìn lại kết quả thành tựu đạt được trong năm học vừa qua, được đón nhận những giấy khen, những lời động viên từ Chư tôn đức, toàn thể Tăng Ni sinh, học chúng chúng con không dấu nổi niềm hân hoan hỷ lạc. Chúng con sinh thành kính tri ân công đức của Chư tôn đức Hội đồng, văn phòng, giảng sư Học viện, Chư tôn đức Nghiệp sư, quý vị Phật tử thiện tín đàn việt đã quan tâm, chăm lo, tạo những điều kiện tốt nhất cho Tăng Ni sinh chúng con tu học. Chúng con xin thành tâm sám hối, và nguyện sẽ nỗ lực tinh tiến trong năm học tới, tiếp tục thắp sáng ngọn đèn thiền của Đức Thế Tôn trong mình và cho người. Đồng thời chúng con cũng mong muốn được sự quan tâm của Chư tôn đức và của tất cả mọi người hơn nữa, không chỉ khóa học chúng con, mà đối với mọi thế hệ Tăng Ni sinh, để giúp cho Phật pháp được sương minh, khắp chúng sinh thấm nhuần mưa pháp.

Kính bạch quý thầy Tăng Ni sinh.

Thời gian ngồi trên giảng đường Học viện không còn nhiều. Tu thì cả đời, nhưng ngồi trên giảng đường Phật học chỉ có một giai đoặn nhất định. Đây chính là thời điểm chúng ta khai thác, tích lũy được nhiều lượng kiến thức Phật học nhất trong đời tu. Vì vậy, chúng ta phải nỗ lực, tinh tấn hơn nữa, dẹp bỏ đi các duyên sự ứng phó đạo tràng, chuyên tâm tu tập. Để khi rời trường Phật học, chúng ta đã kịp trang bị cho mình những hành trang cần thiết để bước vào đời, phục vụ “Đạo pháp – Dân tộc”.

Chúng ta cũng may mắn hơn các bậc tiền nhân đi trước, khi được tu học tử tế, được tạo mọi điều kiện thắng duyên từ phía nhà nước, xã hội, Giáo hội, tự viện, bởi vậy chúng ta cũng phải tu phải học làm sao để không hổ thẹn với các Chư tôn thạc đức.Huống nữa trên mảnh đất này, Đức Phù Đổng Thiên Vương nhổ tre đuổi giặc Ân, Thiền sư Quốc sư Khuông Việt hộ quốc An dân, khai nền Phật pháp; Cố trưởng lão Hòa thượng Viện trưởng khai sơn ngôi già lam Học viện, bởi vậy chúng ta không chỉ có trách nhiệm, sứ mệnh “Trên tứ trọng, dưới tam đồ” “Trụ pháp vương gia, trì Như lai tạng” “Hoằng dương Phật pháp lợi lạc quần sinh”, mà chúng ta còn có trách nhiệm không hổ thẹn với Chư tôn thạc đức đi trước, trách nhiệm với Đạo pháp với Dân tộc. Trong khi đó:

“Ơn cha mẹ còn gửi ở quê nhà

Chữ thầy cô thơm trang giấy trắng

Quê hương đất nước nghĩa nặng tình sâu

Đức Phật năng nhân

Thầy tổ hạ đao thế phát

Đàn việt cúng dàng

Cơm ơn áo mặc đều do tín thí

Chữ tàm quý đặt trên đầu”

          Cho nên, chúng ta hãy tu học làm sao để “Vang danh biển thích, đáng bậc côn bằng, xứng danh bậc trưởng tử mô phạm của Đức Như Lai, cầm gươm duy tuệ, đưa chín cõi chúng sinh đến chỗ chí thiện viên mãn.

NAM MÔ HOAN HỶ TẠNG BỒ TÁT TÁC ĐẠI CHỨNG MINH.