Nhật ký ngày thứ nhất chuyến đi tham quan thực tế tại Hải Dương – Quảng Ninh

08/ 05/ 2012 13:15:16

Từ ngày 29 tháng 04 năm 2012 đến ngày 01/05/2012, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội đã tổ chức cho Tăng Ni sinh thuộc hai hệ Cử nhân Phật học khóa VI (2010 – 2014) và Cao đẳng Phật học khóa III (2010 – 2013) đi thăm quan thực tế tại các thánh tích Phật giáo trên địa bàn hai tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh.

 

Theo chương trình, ngày thứ nhất (29/04/2012) đoàn thăm quan tại các thánh tích :

– Chùa Thanh Mai – xã Hoàng Hoa Thám, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương : Đây là một trong những trung tâm của Phật giáo Việt Nam, nơi trụ trì của Pháp Loa tôn giả – vị tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm. Tại đây còn một rừng cổ thụ do con người trồng giữa đại ngàn tự nhiên, một hệ thống tháp và bia ký có giá trị, tiêu biểu là “Viên Thông Bảo Tháp” lưu giữ xá lợi của Pháp Loa Tôn giả.

– Chùa Côn Sơn (hay còn gọi là Thiên Tư Phúc tự hay chùa Hun) là một ngôi chùa ở trên ngọn núi Côn Sơn (hay còn gọi là núi Hun) ở phường Cộng Hoà, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Năm Hưng Long thứ 12 (1304) nhà sư Pháp Loa cho xây dựng một liêu (chùa nhỏ) gọi là Kỳ Lân. Đến năm Khai Hựu thứ nhất (1329) chùa được xây dựng mở rộng thành Côn Sơn Thiên Tư Phúc tự, giao cho Huyền Quang chủ trì. Ngay từ thời nhà Trần, chùa Côn Sơn là một trong ba trung tâm của thiền phái Trúc Lâm cùng với chùa Yên Tử và chùa Quỳnh Lâm, Quảng Ninh. Nơi đây đã gắn bó với tên tuổi và sự nghiệp của nhiều danh nhân đất Việt như Trần Nguyên Đán, Huyền Quang và người anh hùng dân tộc – danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi. Chùa là nơi tu hành của Quốc sư Huyền Quang – vị tổ thứ 3 của Thiền phái Trúc Lâm. Sau khi Huyền Quang mất, vua Trần Minh Tông đã cho xây Đăng Minh bảo tháp.

– Chùa Quỳnh Lâm nằm trên đồi trong dãy núi vòng cung Đông Triều, thuộc xã Tràng An, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, cách thị trấn Đông Triều khoảng 3,5 km, cách thành phố Hạ Long 83 km. Chùa được hình thành từ đời Tiền Lý khoảng cuối thế kỷ 5, đầu thế kỷ 6 và được tu sửa qua các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Lê. Đặc biệt chùa được tôn tạo và hoàn chỉnh vào thời Lý, Trần. Trong các thế kỷ 11-14, thời kỳ cuối Lê và thế kỷ 17-18, Quỳnh Lâm là trung tâm Phật giáo lớn nhất của Việt Nam. Vào thời Lý, nhà sư Không Lộ đã cho đúc một pho tượng Di Lặc bằng đồng cao sáu trượng (khoảng 20 m) từng được coi là một trong An Nam tứ đại khí và một tấm bia đá lớn cao 2,5 m, rộng 1,5 m với hoa văn hình rồng uốn lượn mềm mại. Nhưng chùa Quỳnh Lâm thực sự trở thành một trung tâm Phật giáo quan trọng trong thế kỷ 14 với hoạt động của Tôn giả Pháp Loa, vị tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm.

– Chùa Nhẫm Dương có tên tự là Thánh Quang. Đây là ngôi chùa lớn, được xây dựng từ thời Trần. Đến thế kỷ XVII, chùa là nơi tu hành của thủy tổ thiền phái Tào Động do sư Thủy Nguyệt trụ trì. Chùa còn mang tên thôn Nhẫm Dương, nhân dân gọi tắt là chùa Nhẫm.

Sau đây là những hình ảnh nhật ký ngày thứ nhất của chuyến đi :

(tiếp tục cập nhật)