Giáo trình Kỹ thuật soạn thảo văn bản – Phần I – Chương V

11/ 04/ 2012 08:05:43

Trong quá trình soạn thảo nội dung của văn bản cần đảm bảo thực hiện các yêu cầu sau đây:

CHƯƠNG V
NHỮNG YÊU CẦU VỀ NỘI DUNG
VÀ THỂ THỨC CỦA VĂN BẢN
I. Những yêu cầu về nội dung
Trong quá trình soạn thảo nội dung của văn bản cần đảm bảo thực hiện các yêu cầu sau đây:
1. Tính mục đích
Trước khi bắt tay vào soạn thảo, cần xác định mục tiêu và giới hạn điều chỉnh của văn bản, tức là cần phải trả lời được các vấn đề: văn bản này ban hành để làm gì? Giải quyết công việc gì? Mức độ giải quyết đến đâu? Kết quả của việc thực hiện văn bản là gì? Do đó, cần nắm vững nội dung văn bản cần soạn thảo, phương thức giải quyết công việc đưa ra phải rõ ràng, phù hợp. Nội dung văn bản phải thiết thực, đáp ứng các nhu cầu thực tế đặt ra, phù hợp với pháp luật hiện hành, không trái với các văn bản của cấp trên, có tính khả thi. Không những thế, văn bản được ban hành phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phạm vi hoạt động của cơ quan, tức là phải giải đáp được các vấn đề: văn bản sắp ban hành thuộc thẩm quyền pháp lý của ai và thuộc loại nào? Phạm vi tác động của văn bản đến đâu? Trật tự pháp lý được xác định như thế nào? Văn bản dự định ban hành có gì mâu thuẫn với các văn bản khác của cơ quan hoặc của cơ quan khác? Như vậy, người soạn thảo văn bản cần nắm vững nghiệp vụ và kỹ thuật soạn thảo văn bản dựa trên kiến thức cơ bản và hiểu biết về quản lý hành chính và pháp luật.
Tính mục đích của văn bản còn thể hiện ở phương diện mức độ phản ánh các mục tiêu trong đường lối, chính sách các cấp uỷ Đảng, nghị quyết của các cơ quan quyền lực cùng cấp và các văn bản của cơ quan quản lý nhà nước cấp trên, áp dụng vào giải quyết những công việc cụ thể ở một ngành, một cấp nhất định. Vì vậy, cần nắm vững đường lối chính trị của Đảng để có thể quy phạm hoá chính sách thành pháp luật. Công tác này đòi hỏi giải quyết hợp lý các quan hệ giữa Đảng và Nhà nước, giữa tập thể và cá nhân, giữa cấp trên với cấp dưới, phải đảm bảo công tác bảo mật.
2. Tính khoa học
Một văn bản có tính khoa học phải đảm bảo:
a) Có đủ lượng thông tin quy phạm và thông tin thực tế cần thiết. Chức năng thông tin là chức năng tổng quát nhất của văn bản. Thông tin quản lý chuyển đạt qua văn bản được xem là đáng tin cậy nhất.
“Truyền đạt quyết định là một khâu tất yếu của quá trình quản lý. Đây cũng là một khoa học và một nghệ thuật như bản thân khoa học quản lý. Thông tin văn bản không những phải nhanh chóng, mà còn phải chính xác và đúng đối tượng. (…) Một yêu cầu cần thiết là làm thế nào cho việc sử dụng các hệ thống văn bản vào mục đích truyền đạt quyết định quản lý ở các cơ quan nhà nước không dẫn đến tình trạng có quá nhiều công văn giấy tờ vô dụng. Không nên làm cho các văn bản trở nên bề bộn và các văn bản dễ dàng bị bỏ quên. Đồng thời phải làm sao để các văn bản của một cơ quan không quay trở lại cản trở hoạt động của người quản lý như thực tế đang gặp ở nhiều cơ quan. Cần chống lại bệnh hình thức trong quá trình truyền đạt quyết định quản lý bằng văn bản vì nó rất dễ gây ra ấn tượng thiếu tin tưởng khi tiếp nhận văn bản”. ( Nguyễn Văn Thâm. Soạn thảo và xử lý văn bản quản lý nhà nước. – H.: CTQG,1997, tr. 51-52)
b) Các thông tin được sử dụng để đưa vào văn bản phải được xử lý và đảm bảo chính xác: sự kiện và số liệu chính xác, đúng thực tế và còn hiện thời, không được sử dụng sự kiện và số liệu đã quá cũ, các thông tin chung chung và lặp lại từ văn bản khác.
c) Bảo đảm sự lô gích về nội dung: sự nhất quán về chủ đề, bố cục chặt chẽ. Trong một văn bản cần khai triển những sự việc có quan hệ mật thiết với nhau. Như vậy vừa tránh được tình trạng trùng lặp, chồng chéo trong các quy định, sự tản mạn, vụn vặt của pháp luật và các mệnh lệnh, vừa giúp cho cơ quan ban hành không phải ban hành nhiều văn bản để giải quyết một công việc nhất định. Nội dung các mệnh lệnh và các ý tưởng phải rõ ràng, không làm cho người đọc hiểu theo nhiều cách khác nhau.
d) Sử dụng tốt ngôn ngữ hành chính-công vụ chuẩn mực. Ngôn ngữ và cách hành văn phải đảm bảo sự nghiêm túc, chuẩn xác, khách quan, chuẩn mực và phổ thông.
e) Đảm bảo tính hệ thống của văn bản (tính thống nhất). Nội dung của văn bản phải là một bộ phận cấu thành hữu cơ của hệ thống văn bản quản lý nhà nước nói chung
g) Nội dung của văn bản phải có tính dự báo cao.
h) Nội dung và cách thức trình bày cần được hướng tới quốc tế hóa ở mức độ thích hợp.
3. Tính đại chúng
Đối tượng thi hành chủ yếu của văn bản là các tầng lớp nhân dân có các trình độ học vấn khác nhau, trong đó phần lớn là có trình độ văn hoá thấp, do đó văn bản phải có nội dung dễ hiểu và dễ nhớ, phù hợp với trình độ dân trí, đảm bảo đến mức tối đa tính phổ cập, song không ảnh hưởng đến nội dung nghiêm túc, chặt chẽ và khoa học của văn bản. Phải xác định rõ là các văn bản quản lý hành chính nhà nước luôn luôn gắn chặt với đời sống xã hội liên quan trực tiếp tới nhân dân lao động, là đối tượng để nhân dân tìm hiểu và thực hiện.
Tính phổ thông, đại chúng của văn bản giúp cho nhân dân dễ dàng, nhanh chóng nắm bắt chính xác ý đồ của cơ quan ban hành, để từ đó có hành vi đúng đắn thực hiện pháp luật. Tính đại chúng cũng chính là tính nhân dân của văn bản, vì nhà nước ta là của dân, do dân và vì dân do đó nội dung của văn bản quản lý hành chính nhà nước còn phải phản ánh nguyện vọng chính đáng của đông đảo nhân dân lao động. Tính nhân dân của văn bản bảo đảm cho nhà nước thực sự là công cụ sắc bén để nhân dân lao động làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Cũng có thể coi tính nhân dân của văn bản là biểu hiện tính dân chủ của các quyết định quản lý.
Tính dân chủ của văn bản có được khi:
a) Phản ánh được nguyện vọng nhân dân, do đó vừa có tính thuyết phục, vừa động viên gây bầu không khí lành mạnh trong việc tuân thủ pháp luật và xây dựng đạo đức xã hội chủ nghĩa trong nhân dân.
b) Các quy định cụ thể trong văn bản không trái với các quy định trong Hiến pháp về quyền lợi và nghĩa vụ của công dân. Khi quy định về nghĩa vụ phải quan tâm đến quyền lợi; khi quy định quyền lợi phải quan tâm đến biện pháp, thủ tục để đảm bảo quyền lợi đó được thực hiện. Tránh tình trạng chỉ quy định bắt buộc người dân phải làm thế này, thế kia, mà không quan tâm đến các điều kiện vật chất – kinh tế, chính trị-xã hội, tinh thần để người dân có thể nghiêm chỉnh chấp hành các quy định đó.
Để đảm bảo cho văn bản có tính đại chúng cần tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng xã hội liên quan đến nội dung chính của dự thảo; lắng nghe ý kiến của quần chúng để nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của họ; tổ chức thảo luận đóng góp ý kiến rộng rãi tham gia xây dựng dự thảo văn bản; sử dụng ngôn ngữ phổ thông đại chúng trong trình bày nội dung văn bản, tránh lạm dụng các thuật ngữ hành chính-công vụ chuyên môn sâu.
4. Tính công quyền
Như đã trình bày ở trên, văn bản quản lý hành chính có chức năng pháp lý và quản lý, tức là tuỳ theo tính chất và nội dung, ở các mức độ khác nhau văn bản phản ánh và thể hiện quyền lực nhà nước, bảo đảm cơ sở pháp lý để nhà nước giữ vững quyền lực của mình, truyền đạt ý chí của các cơ quan nhà nước tới nhân dân và các chủ thể pháp luật khác. ý chí đó thường là những mệnh lệnh, những yêu cầu, những cấm đoán và cả những hướng dẫn hành vi xử sự của con người được nêu lên thông qua các hình thức quy phạm pháp luật. Tính công quyền cho thấy tính cưỡng chế, bắt buộc thực hiện ở những mức độ khác nhau của văn bản, tức là văn bản thể hiện quyền lực nhà nước, đòi hỏi mọi người phải tuân theo, đồng thời phản ánh địa vị pháp lý của các chủ thể pháp luật. Để đảm bảo có tính công quyền, văn bản còn phải được ban hành đúng thẩm quyền, tức là chỉ được sử dụng văn bản giải quyết các công việc trong phạm vi thẩm quyền được pháp luật quy định. Trường hợp chủ thể nào đó ban hành văn bản trái thẩm quyền thì văn bản đó được coi là bất hợp pháp. Chính vì vậy, văn bản còn cần phải có nội dung hợp pháp, được ban hành theo đúng hình thức và trình tự do pháp luật quy định.
Một biểu hiện khác của tính công quyền là nội dung của văn bản quy phạm pháp luật phải được trình bày dưới dạng các quy phạm pháp luật. Nội dung của mỗi quy phạm pháp luật đều thể hiện hai mặt: cho phép và bắt buộc, nghĩa là quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự, trong đó chỉ ra quyền và nghĩa vụ pháp lý của các bên tham gia quan hệ xã hội mà nó điều chỉnh. Ngoài ra, nội dung của quy phạm pháp luật phải chặt chẽ, rõ ràng, chính xác và luôn được hiểu thống nhất. Quy phạm pháp luật có cơ cấu nhất định và có thể phân chia theo những tiêu chí nhất định thành nhiều loại khác nhau mà người soạn thảo văn bản cần nắm vững để có thể diễn đạt chúng một cách thích hợp. Diễn đạt quy phạm pháp luật là một bộ phận quan trọng của khoa học pháp lý, đòi hỏi người soạn thảo văn bản phải có một trình độ pháp lý nhất định, kiến thức tổng hợp nhiều mặt và kỹ thuật sử dụng ngôn ngữ hành chính-công vụ tương ứng.
5. Tính khả thi
Tính khả thi là một yêu cầu đối với văn bản, đồng thời là hiệu quả của sự kết hợp đúng đắn và hợp lý các yêu cầu vừa nêu trên: không đảm bảo được tính Đảng (tính mục đính), tính nhân dân (tính phổ thông đại chúng), tính khoa học, tính quy phạm (tính pháp lý-quản lý) thì văn bản khó có khả năng thực thi. Ngoài ra, để các nội dung của văn bản được thi hành đầy đủ và nhanh chóng, văn bản còn phải hội đủ các điều kiện sau đây:
a) Nội dung văn bản phải đưa ra những yêu cầu về trách nhiệm thi hành hợp lý, nghĩa là phù hợp với trình độ, năng lực, khả năng vật chất của chủ thể thi hành. Được biết, việc xác định đúng những nội dung cần thiết của văn bản sẽ góp phần thúc đẩy phát triển của xã hội, của nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, pháp luật không được cao hơn thực trạng nền kinh tế. Pháp luật chỉ được thực hiện có hiệu quả khi nó không vượt quá khả năng kinh tế. Nếu đặt ra các quy định, mệnh lệnh vượt quá khả năng kinh tế thì không có cơ sở, điều kiện vật chất để thực hiện, tức là văn bản “không có tính khả thi”, làm tổn hại tới uy tín của Nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi cho việc vi phạm pháp luật. Ngược lại, nếu văn bản chứa đựng các quy phạm hay mệnh lệnh quá lạc hậu sẽ không kích thích sự năng động, sáng tạo của các chủ thể và làm lãng phí thời gian và tài sản của Nhà nước.
Chính vì thế nội dung của văn bản phải phản ánh được các quy luật kinh tế nhằm đưa ra các quy định, mệnh lệnh hướng nền kinh tế, cũng như toàn bộ xã hội vận động theo đúng các quy luật khách quan.
b) Từ yêu cầu trên ta thấy, khi quy định các quyền cho chủ thể được hưởng phải kèm theo các điều kiện bảo đảm thực hiện các quyền đó;
c) Đồng thời, phải nắm vững điều kiện, khả năng mọi mặt của đối tượng thực hiện văn bản nhằm xác lập trách nhiệm của họ trong các văn bản cụ thể.
II. Những yêu cầu về Thể thức văn bản
1. Khái niệm về thể thức văn bản
Văn bản quản lý hành chính nhà nước phải được xây dựng và ban hành đảm bảo những yêu cầu về thể thức. Thể thức của văn bản là những yếu tố hình thức và nội dung có tính bố cục đã được thể chế hóa. Các yếu tố thể thức, tuỳ theo tính chất của mỗi loại văn bản mà có thể được bố trí theo những mô hình kết cấu khác nhau tạo thành cơ cấu văn bản. Cơ cấu văn bản được hiểu là bố cục các phần, các ý, các câu và các yếu tố hình thức liên kết với nhau theo chủ đề nhất định nhằm tạo nên chỉnh thể thống nhất của văn bản.
Là phương tiện quan trọng, chủ yếu để chuyển tải quyền lực nhà nước vào cuộc sống, văn bản quản lý nhà nước cần phải được thể hiện bằng một hình thức đặc biệt để có thể tách biệt được chúng khỏi những văn bản thông thường khác. Hình thức đặc biệt đó chính là thể thức của chúng. Thể thức của văn bản là một trong những yếu tố cấu thành nghi thức nhà nước, do đó nó cần phải được tôn trọng và tuân thủ nghiêm ngặt trong hoạt động xây dựng và ban hành văn bản. Cần hướng tới quy định chế tài cụ thể đối với những văn bản không đảm bảo những yêu cầu về thể thức.
2. Các yếu tố thể thức văn bản
(1) Quốc hiệu
Tại Công văn số 1053/VP ngày 12-8-1976, Thường vụ Hội đồng Chính phủ quy định việc sử dụng tiêu đề chỉ quốc hiệu và tiêu ngữ của văn bản như sau:
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Quốc hiệu được trình bày ở trên đầu trang giấy. Quốc hiệu có giá trị xác nhận tính pháp lý của văn bản.
Theo quy định của TCVN-5700-1992, dòng “cộng hoà xã hội chủ nghĩa việt nam” viết bằng chữ in hoa, dòng “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” bằng chữ thường có các gạch nối ở giữa, phía dưới có gạch ngang.
(2) Tên cơ quan ban hành văn bản
Tên cơ quan ban hành văn bản cho biết vị trí của cơ quan ban hành trong hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước. Tên cơ quan được đặt ở góc trái tờ đầu văn bản, được trình bày đậm nét, rõ ràng, chính xác đúng như trong quyết định thành lập cơ quan, không viết tắt, sai chính tả tiếng Việt, phía dưới có một gạch dài.
Trong trường hợp có đề tên cơ quan chủ quản của cơ quan ban hành văn bản thì chỉ đề tên cơ quan cấp trên trực tiếp bằng chữ thường ở dòng trên, còn tên cơ quan ban hành viết bằng chữ in hoa ở dòng dưới.
(3) Số và ký hiệu
a) Đặc điểm:
Số và ký hiệu văn bản giúp cho việc vào sổ, tìm kiếm văn bản được dễ dàng.
Tuỳ theo tính chất của văn bản và khối lượng ban hành của mỗi cơ quan, tổ chức mà có thể đánh số cho thích hợp: riêng cho từng loại hoặc tổng hợp theo từng cụm văn bản.
Số văn bản được viết bằng chữ số Arập và được đánh từ 01 và bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 đến 31 tháng 12 mỗi năm; các số dưới 10 phải viết thêm số 0 ở đằng trước. Số văn bản được viết trước ký hiệu, ngăn cách với ký hiệu bởi một dấu gạch chéo (/).
Ký hiệu là chữ viết tắt tên loại văn bản và tên cơ quan ban hành văn bản. Giữa chúng có dấu gạch nối. Viết tắt tên loại văn bản để ký hiệu như sau:
BC – báo cáo NQ – nghị quyết
BB – biên bản NQLT – nghị quyết liên tịch
CT – chỉ thị PA – phương án
CTr – chương trình PB – phiếu báo
DV – diễn văn PG – phiếu gửi
ĐA – đề án PL – pháp lệnh
GĐĐ – giấy đi đường PT – phiếu trình
GGT – giấy giới thiệu QĐ – quyết định
GM – giấy mời TB – thông báo
GUN – giấy uỷ nhiệm TC – thông cáo
KH – kế hoạch TT – thông tư
L – lệnh – thông tri
Lt – luật TTLT – thông tư liên tịch
NĐ – nghị định TTr – tờ trình
Cần lưu ý, trong hệ thống văn bản quản lý nhà nước công văn là văn bản không có tên loại cho nên trong ký hiệu không có ký hiệu CV. Tuy nhiên, đối với hệ thống văn bản của Đảng thì công văn trong số và ký hiệu lại có ký hiệu này.
Cần lập bảng danh mục tên các cơ quan để xác định ký hiệu chuẩn cho các cơ quan đó. Tên cơ quan dù có dài cũng phải được ký hiệu đầy đủ. Chữ “và” trong tên cơ quan không cần phải thể hiện trong ký hiệu, thí dụ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư – BKHĐT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – BNNPTNT. Không nên ký hiệu kiểu HQ – Tổng cục Hải quan (nên dùng – TCHQ); GDĐT – Bộ Giáo dục và Đào tạo (BGDĐT). Ký hiệu viết tắt tên đơn vị soạn thảo cần được viết ngắn gọn: TCCB – tổ chức cán bộ; TC -tài chính; hc – hành chính, v.v… Cũng có thể ký hiệu tên các đơn vị bằng một chữ cái nhất định kèm theo với chữ số Arập: A12; B4; C5, v.v…
Ký hiệu văn bản được viết bằng chữ in hoa.
Số và ký hiệu của văn bản được ghi bên dưới tên cơ quan ban hành văn bản, ví dụ:
b) Cơ cấu của số và ký hiệu:
– Văn bản quy phạm pháp luật:
Số…/năm ban hành/viết tắt tên loại văn bản-viết tắt tên cơ quan ban hành
Năm ban hành phải viết đầy đủ các con số: 1999, 2000, 2001, …
Ví dụ:
Số 154/2000/NĐ-CP
Số 238/2000/QĐ-BTC
– Văn bản cá biệt:
Số…/ viết tắt tên loại văn bản-viết tắt tên cơ quan ban hành(-viết tắt tên đơn vị soạn thảo)
Trong đó yếu tố “viết tắt tên đơn vị soạn thảo” không phải là nhất thiết (nếu có thì không đặt ngoặc đơn),ví dụ:
Số 52/QĐ-HVHCQG-TCCB
Số 136/QĐ-BNG
Số 42/CT-UB
– Văn bản hành chính thông thường:
+ Văn bản có tên loại:
Số…/ viết tắt tên loại văn bản-viết tắt tên cơ quan ban hành (-viết tắt tên đơn vị soạn thảo)
Trong đó yếu tố “viết tắt tên đơn vị soạn thảo” không phải là nhất thiết (nếu có thì không đặt ngoặc đơn).
Ví dụ:
Số 252/TB-HVHCQG-VP
Số 83/BC-BNG-LT
Số 14/BB-UB
+ Văn bản không có tên loại (công văn):
Số…/ viết tắt tên cơ quan ban hành-viết tắt tên đơn vị soạn thảo
Ví dụ:
Số 357/HVHCQG-VB
Số 975/BTC-HC
Số 1374/BTP-PC
(4) Địa danh, ngày tháng
a) Địa danh
Địa danh là địa điểm đặt trụ sở cơ quan ban hành, giúp cho nơi nhận văn bản theo dõi được địa điểm cơ quan ban hành nhằm liên hệ giao dịch công tác thuận lợi và theo dõi được thời gian ban hành.
Thông thường, văn bản của cơ quan, tổ chức đóng trên địa bàn đô thị thì ghi tên đô thị đó; văn bản ở huyện, xã được ghi địa danh là tên huyện, tên xã theo sự phân chia địa giới hiện hành.
b) Ngày tháng
Ngày tháng là ngày văn bản được thông qua (đối với văn bản của tập thể) hoặc thời điểm ký ban hành, do người ký điền vào. Ngày tháng được viết ngay dưới quốc hiệu, đầy đủ các chữ “…, ngày …tháng . .. năm …”, những số chỉ ngày dưới 10 và chỉ tháng dưới 3 phải viết thêm số 0 ở đằng trước, không dùng các dấu chấm (.), dấu ngang nối (-) hoặc dấu gạch chéo (/), v.v… để thay thế cho các từ “ngày… tháng … năm … “.
(5) Tên loại văn bản hoặc Nơi đề gửi
a) Tên loại
Trừ công văn, tất cả các văn bản đều có tên loại.
Không dùng những tên loại văn bản mà pháp luật không quy định (như: sắc lệnh, bố cáo, thông tri…). Tên loại văn bản được trình bày ở giữa trang giấy bên dưới yếu tố địa danh, ngày tháng. Đối với một số loại văn bản tên loại còn thông thường đi kèm với thẩm quyền ban hành (ví dụ: quyết định của uỷ ban nhân dân; chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, v.v…)
b) Nơi đề gửi
Đây là yêu tố đặc thù của công văn. Tuy nhiên, một số văn bản khác như tờ trình, phiếu trình, phiếu gửi, giấy mời, giấy giới thiệu, v.v… cũng có yếu tố này. Yếu tố này được bắt đầu bằng chữ “Kính gửi: … “.
(6) Trích yếu văn bản
Là một câu ngắn gọn thể hiện tổng quát, chính xác nội dung chủ yếu của văn bản, giúp cho xác định nhanh chóng nội dung chủ yếu của văn bản, thuận tiện vào sổ và theo dõi giải quyết công việc, tra tìm khi cần thiết. Đó cũng chính là chủ đề nội dung của văn bản.
Yếu tố này được ghi phía dưới tên loại văn bản, bằng chữ in thường (có thể in chữ đậm).
Đối với công văn trích yếu được ghi bên dưới số và ký hiệu (không in đậm).
(7) Căn cứ ban hành văn bản
Đây là yếu tố thường có đối với văn bản đưa ra quyết định quản lý. Chỉ nêu những căn cứ trực tiếp liên quan đến nội dung của văn bản. Đó là những căn cứ pháp lý (theo quy định của văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn nào), căn cứ thẩm quyền (chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan ban hành văn bản), lý do ban hành (nhằm giải quyết vấn đề gì, theo đề nghị của cấp nào, cơ quan nào. .. Đối với văn bản được diễn đạt theo lối văn “điều khoản” phần này được trình bày tách biệt, sau hết mỗi căn cứ là dấu chấm phảy (;), hết căn cứ cuối cùng là dấu phảy (,). Đối với những văn bản được viết theo kiểu “văn xuôi pháp luật” thì phần căn cứ, thông thường, có thể được viết liền mạch vào phần nội dung, hoặc cũng có thể để viết tương tự như đối với các loại văn bản viết theo văn điều khoản.
(8) Loại hình quyết định
Loại hình quyết định phù hợp với tên loại văn bản, có thể được trình bày tách biệt (nghị quyết, nghị định, quyết định, …) hoặc liền vào yếu tố căn cứ ban hành.
(9) Nội dung điều chỉnh
Đây là phần trọng tâm của văn bản. Tuỳ theo nội dung của từng loại văn bản mà phần này có thể được trình bày theo “văn điều khoản” hoặc “văn xuôi pháp luật”. Nội dung của văn bản quy phạm pháp luật phải được trình bày dưới dạng các quy phạm pháp luật.
Nội dung của văn bản phải được trình bày ngắn gọn, đủ ý, đảm bảo các yêu cầu về nội dung, cũng như các yêu cầu khác của kỹ thuật soạn thảo văn bản.
Trong việc áp dụng văn điều khoản nếu số lượng các điều khoản lớn thì phần nội dung được chia thành:
Phần (đánh số thứ tự bằng chữ số La Mã: I, II, III, IV,… )
Chương ( – chữ số La Mã)
Mục ( – chữ cái in hoa: A, B, C, … )
Điều ( – chữ số ảrập: 1, 2, 3, …)
Khoản ( – chữ số ảrập: 1, 2, 3, …)
Điểm ( – chữ cái thường: a, b, c, …)
Tiết ( – )
Thông thường bố cục này được áp dụng để viết những văn bản như nghị định, quyết định.
(10) Điều khoản thi hành
Thông thường, các văn bản đưa ra quyết định quản lý đều có những điều khoản cuối cùng hay còn gọi là điều khoản thi hành, trong đó nêu rõ:
a) Hiệu lực của văn bản: Nêu thời điểm bắt đầu hoặc giới hạn thời gian văn bản có hiệu lực thi hành.
b) Xử lý văn bản cũ: Cần nêu rõ, cụ thể những văn bản hoặc quy định nào bị bãi bỏ toàn bộ hay một phần; trong trường hợp cần thiết có thể ban hành kèm theo danh mục các văn bản hay điều khoản bị bãi bỏ.
c) Các chủ thể có liên quan: Nêu những đối tượng chịu trách nhiệm chính trong việc triển khai, thực hiện, phối hợp, v.v… đối với văn bản được ban hành.
Phần điều khoản thi hành có thể trình bày bằng các điều khoản riêng.
(11) Thẩm quyền ký
Thẩm quyền ký bao gồm: hình thức đề ký, chức vụ, chữ ký và họ tên đầy đủ của người có thẩm quyền ký. Trong trường hợp văn bản do tập thể thông qua thì ghi trước chức vụ người ký T.M (thay mặt). Trong trường hợp cấp phó được ký về những việc đã phân công thì trước chức vụ đề K.T (ký thay). Ngoài ra tuỳ theo trường hợp văn bản có thể được ký T.L (thừa lệnh), T.U.Q (thừa uỷ quyền), Q. (quyền).
Phải ký đúng thẩm quyền, kiểm tra kỹ nội dung trước khi ký; ký một lần ở bản duy nhất; không ký trên giấy nến để in thành nhiều bản, không dùng bút chì, mực đỏ hay mực dễ phai nhạt để ký. Khoảng cách từ yếu tố chức vụ người ký đến họ và tên đầy đủ là 30mm. Nếu văn bản có nhiều trang toàn bộ mục thẩm quyền ký này phải được trình bày thống nhất tại trang cuối cùng.
(12) Con dấu hợp pháp
Dấu của cơ quan ban hành văn bản được đóng ngay ngắn, rõ ràng trùm lên 1/3 đến 1/4 về bên trái chữ ký. Dấu được đóng bằng màu đỏ tươi, màu quốc kỳ. Không đóng dấu không chỉ. Dấu phải đúng với tên cơ quan ban hành văn bản. Cụm chữ ký và dấu được trình bày ở dưới phần điều khoản thi hành, tại góc bên phải đối với văn bản một chữ ký; hoặc được dàn đều sang cả hai góc đối với văn bản liên tịch, trong đó vị trí của cơ quan chủ trì soạn thảo ở góc trên bên phải.
(13) Nơi nhận
Trong mục này ghi tên các cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có trách nhiệm thi hành công việc nói đến trong văn bản.
Nơi nhận ghi ngang hàng phần chữ ký, ở góc trái văn bản, nội dung bao gồm các nhóm đối tượng như sau:
a) Để báo cáo: là các cơ quan có quyền giám sát hoạt động của cơ quan ban hành văn bản mà cơ quan này phải gửi tới để báo cáo công tác.
b) Để thi hành: các cơ quan, tổ chức và cá nhân là đối tượng quản lý trực tiếp.
c) Để phối hợp: các đối tượng cần nhận văn bản để có sự phối hợp hoạt động, thông thường là các cơ quan kiểm sát, xét xử cùng cấp.
d) Lưu: bộ phận có trách nhiệm theo dõi và lưu trữ văn bản của cơ quan ban hành.
Nơi nhận cần được ghi rõ ràng, đúng đối tượng, ngắn gọn và hợp lý. Không viết vào văn bản mục đích của việc ghi (để báo cáo, để thi hành… ).
Khi cần thiết có thể ghi rõ số lượng văn bản cho mỗi nhóm để tiện việc sao, gửi cho đầy đủ.
(14) Dấu độ mật hoặc/và mức độ khẩn
Trong trường hợp cần thiết văn bản có thể có dấu hiệu chỉ mức độ mật (“Mật”, “Tối mật”, Tuyệt mật”) hoặc/và mức độ khẩn (“Khẩn”, “Thượng khẩn”, “Hoả tốc”, “Hỏa tốc hẹn giờ”). Việc đóng dấu này do người ký văn bản quy định. Văn thư đóng dấu này bằng mực dấu đỏ vào khoảng trống dưới số và ký hiệu theo đúng quy định của pháp luật.
(15) Tên viết tắt người đánh máy và số lượng bản phát hành
Yếu tố này được trình bày tại lề góc phải trang nhất ngang yếu tố địa danh, ngày tháng.
(16) Các yếu tố chỉ dẫn phạm vi phổ biến, dự thảo và tài liệu hội nghị, như: “thu hồi”, “xem tại chỗ”, “xem xong xin trả lại”, “không phổ biến”, “lưu hành nội bộ”, “không đăng tin trên báo, đài”, v.v…
Cần lưu ý các văn bản phụ chỉ bao gồm các yếu tố (1), (2), (5), (6), (9), (10) (nếu như tại văn bản chính chưa trình bày), (11) và (12). Các phụ lục chỉ có yếu tố nội dung của mình và được đóng dấu treo. Các phụ lục được đánh số thứ tự bằng chữ số La Mã. Số trang của văn bản chính và số trang của các văn bản phụ và phụ lục được đánh chung số thứ tự và được ghi tại chính giữa lề trên và cách mép trên trang giấy 10mm.
Các yếu tố thuộc bố cục của văn bản được trình bày theo quy định nhất định và do đó cũng là những yêu tố thể thức của những văn bản đó, như: việc đặt lề để vùng trình bày, vị trí các yếu tố thể thức, phông, cỡ và kiểu chữ, độ giãn dòng, v.v… Thể thức của văn bản đảm bảo cho văn bản có tính pháp lý, tính khuôn mẫu và tạo điều kiện sử dụng thuận tiện văn bản trong thực tiễn quản lý nhà nước.