KINH BÁCH DỤ – Chương 2

19/ 10/ 2017 14:34:08

* 34 *
THÂU NGẮN ĐƯỜNG ĐI

Làng thôn kia cách kinh thành
Tính ra trăm dặm quả tình xa xôi
Trong làng có một giếng khơi
Nước trong, ngon ngọt khác đời lâu nay,
Vua ra lệnh dân làng này
Phải lo chở nước mỗi ngày về kinh
Cho vua uống với triều đình.
Dân làng từ đó tội tình khổ đau
Tới lui mệt mỏi dãi dàu
Chịu đời không thấu rủ nhau trốn dần
Đến phương xa cho yên thân,
Trưởng thôn làng biết chuyện dân muộn phiền
Nên ông triệu tập dân liền
Họp thành đại hội một phiên bất thường
Ông tuyên bố giọng khẩn trương:
“Bà con đừng có tìm đường đi đâu
Tôi vào gặp vua thỉnh cầu
Xin tìm biện pháp giúp mau dân làng
Đổi thay khoảng cách con đường
Đang dài trăm dặm còn chừng sáu mươi
Bà con đi lại thảnh thơi
Không còn khó nhọc như thời xưa kia.”
Sau khi hội họp trở về
Trưởng thôn làng vội vã đi vào triều
Yêu cầu vua chỉ một điều
Đổi thay khoảng cách đường theo ý làng.
Nhà vua phê chuẩn dễ dàng
Chỉ thay tên gọi quãng đường này thôi
“Một trăm” nay gọi “sáu mươi”,
Dân nghe tin đó mọi người đều vui
Tự nhiên cảm thấy gần rồi
Dù trong thực tế có lời rỉ tai:
“Đường như cũ, vẫn còn dài
Nào đâu rút ngắn sao ai cũng mừng?”
Dân làng nghe rõ tỏ tường
Chẳng tin lời đó, đồng lòng tin vua
Cùng nhau ở lại làng xưa
Không hề còn muốn di cư đổi rời.
*
Truyện này thí dụ người đời
Phát tâm Chánh Pháp tu thời thiết tha
Luân hồi, sinh tử mong qua
Nhưng thời gian học thấy là dài thay
Nên mệt mỏi, rồi loay hoay
Nửa đường thoái chí ngưng ngay tu hành.
Đức Như Lai rất tinh anh
Nhất thừa Ngài lại nói thành ra ba
Hàng hạ căn khắp gần xa
Nghe xong cảm thấy thật là dễ tu.
Sau khi họ chứng Tiểu thừa
Như Lai mới dạy đúng như ban đầu
Rằng: “Phật Pháp đã từ lâu
Nhất thừa là đúng, có đâu ba thừa
Nhớ rằng Sự Thật từ xưa
Luôn luôn chỉ một, hầu như vậy rồi.”
Người tu lúc đó nghe lời
Lòng tin tưởng Phật tức thời vững thêm
Đường tu Chánh Đạo an nhiên
Đại thừa Bồ Tát tiến lên tâm thành.

* 35 *
THẤY BÓNG
TRONG GƯƠNG

Có người nghèo khổ quá trời
Nợ nần vay mượn khắp nơi ngập đầu
Cách nào trả nợ nổi đâu
Chỉ còn biện pháp trốn mau cho rồi,
Một ngày y đến một nơi
Cánh đồng bát ngát, không người, vắng hoang
Y nhìn thấy một cái rương
Mở xem thấy thật bất thường lạ thay
Ngọc ngà châu báu trong đây
Kho tàng quý giá đựng đầy cả rương.
Nắp rương gắn một cái gương
Lòng y hồi hộp vui mừng kể chi
Y thò tay vào rương kia
Định tâm lấy của báu đi cho rồi
Chợt y thấy hiện một người
Trong gương thấp thoáng, vẻ thời gớm ghê
Như dọa nạt, như hăm he,
Thật ra là bóng của y trong này,
Y kinh hãi vội dừng tay
Tâm tràn lo sợ, giọng đầy hoang mang
Nói cùng người hiện mặt gương:
“Ta cho là ở trong rương không người
Ai dè lại thấy có ngươi
Thật là kỳ quái lạ đời xưa nay.”
Nói xong y vội chạy ngay
Bỏ đi nơi khác xa đây tức thời.
*
Truyện này thí dụ người đời
Bị bao phiền não cuốn trôi buộc ràng
Nên khốn khổ, nên lầm than
Mất đi phúc đức, tiêu tan duyên lành
Quay cuồng trong chốn tử sinh
Ma vương chủ nợ dập dình ngày đêm
Muốn cầu giải thoát ngay liền
Nên theo Phật Pháp thuận duyên tu hành
Vun cội phúc, tạo giống lành
Được như rương báu quả tình khác chi
Nhưng rồi lại bị mê si
Khư khư cố chấp nghĩ suy “thân mình”
Cái “ta” tưởng có thật tình
Hay đâu nào khác bóng hình trong gương.
Tu hành như vậy lầm đường
Thiền định, đạo phẩm thân thương xa lìa
Cùng bao công đức trôi đi
So cùng kẻ được rương kia khác nào.

* 36 *
LẦM MÓC CON MẮT

Có chàng nọ thuở xa xưa
Lên trên núi thẳm luyện tu lâu đời
Đạt thành pháp thuật tuyệt vời
Có tài khám phá dưới nơi đất bằng
Ngọc ngà, châu báu, kho tàng
Dù chôn vùi đó đã hằng bao lâu.
Vua nghe chuyện lạ trình tâu
Rất là mừng rỡ, có đâu ngại ngần
Bèn ra lệnh cho quần thần
Đi mời chàng đó về luôn triều đình
Để lưu chàng lại nước mình
Nhờ tìm của báu thật tình khẩn trương
Hiện chôn vùi khắp bốn phương
Hầu mong đất nước phú cường mau thôi.
Đại thần thời đó có người
Nhận trao sứ mạng tức thời đi ngay
Quả nhiên tìm được chàng này
Nhưng ông không thỉnh về ngay cung vàng
Chỉ đưa tay rất phũ phàng
Móc ra cặp mắt về dâng vua mình.
Đại thần ngu ngốc tâu trình:
“Hạ thần đã móc mắt anh chàng rồi
Chàng này phải ở lại thôi
Muốn đi khỏi nước chẳng rời được đâu.”
Vua nghe, ngán ngẫm, lắc đầu
Lấy làm bất mãn phán mau đôi lời:
“Nhà ngươi khờ dại quá trời
Ý ta muốn thỉnh mời người tài ba
Chính vì cặp mắt chàng ta
Có tài khám phá ngọc ngà, báu châu
Dù chôn giấu dưới đất sâu
Nay ngươi làm vậy chàng đâu thấy gì,
Mắt khi đã hủy hoại đi
Không dùng chàng được việc chi nữa rồi.”
*
Truyện này thí dụ ở đời
Tín đồ đạo Phật lắm người nhận ra
Thầy tu đạo đức cao xa
Tu thân khắc khổ rừng già núi sâu
Thấy phi thường, đáng phục sao
Cho nên cung kính rước mau về nhà
Cúng dường tâm nguyện thiết tha
Rõ đâu làm vậy thật là lầm đây
Chỉ gây trở ngại cho thầy
Vốn tu khắc khổ lâu nay quen rồi
Khiến thầy bị hại thêm thôi
Huỷ tiêu giới hạnh, buông trôi pháp lành
Khó mà đắc quả viên thành.
Tại gia Phật tử tinh anh rất cần
Tránh mù quáng, tránh sai lầm
Để mà hộ pháp muôn phần đúng thay
Thanh cao giới, định các thầy
Đừng làm hoen ố mà gây tội tình.