Thượng toạ Tiến sĩ Thích Nguyên Thanh giảng dạy lớp Thạc sĩ khoá V tại Học viện PGVN Hà Nội.

25/ 02/ 2023 14:38:06

Thượng toạ Thích Nguyên Thanh, đã từng có thời gian du học và bảo vệ  Tiến sĩ Phật học tại Ấn Độ. Thượng toạ là Giảng Sư uy tín, giảng dạy thâm niên tại Học viện PGVN Hà Nội và một số các trường Phật giáo trên cả nước.

TT. TS Thích Nguyên Thanh – Giảng Sư hệ Sau Đại học, Học viện PGVN tại Hà Nội (Ảnh: TTHV)

Nhận lời mời từ Phòng Đào tạo Sau Đại học – Học viện PGVN Hà Nội. Trong thời gian từ ngày 23 – 26/02/2023. Thượng toạ đã có buổi giảng chuyên đề về: Đại cương Hệ thống Kinh Mahayana ( Kinh Đại thừa); Kinh Agama (Kinh A-Hàm) cho học viên Thạc sĩ khoá V.

Phật giáo Đại thừa phát triển ở Ấn Độ vào khoảng từ thế kỷ 1 trước Công nguyên trở đi. Đại thừa chấp nhận các kinh điển và giáo lý chính của Phật giáo sơ kỳ, nhưng được bổ sung nhiều học thuyết và kinh điển mới. Một cách khái quát, Phật giáo Đại thừa nhấn mạnh và nhằm phát triển một số đặc điểm sau:

1. Tính phổ biến: Tin tưởng mọi chúng sinh đều có Phật tính và chắc chắn đều sẽ thành Phật nếu nỗ lực tu tập; 2. Tâm Bồ-đề: Mọi nỗ lực đều nhằm phát triển trí tuệ vốn có của mọi người cho đến khi viên mãn; 3. Từ bi: Phát triển tình thương rộng lớn đối với hết thảy chúng sinh, đây được xem là lý tưởng Bồ-tát; 4. Tính thường trụ siêu việt: Chư Phật, Bồ-tát thường trụ ở khắp nơi, ở mọi lúc để cứu độ chúng sinh.

Quý học viên Thạc sĩ khoá V đang lắng nghe buổi chia sẻ từ Thượng toạ Giảng Sư (Ảnh: TTHV)

Đại thừa là một trong hai trường phái lớn của đạo Phật, phổ biến tại các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Hàn Quốc và Triều Tiên. Trong một số tài liệu hiện đại, các danh xưng Phật giáo Bắc tông, Phật giáo Bắc truyền hay Phật giáo Phát triển.

Thượng toạ Thích Nguyên Thanh giới thiệu khái quát cho học viên về quá trình hình thành phát triển Phật giáo Đại thừa ở Ấn Độ, được bổ sung nhiều học thuyết và kinh điển mới. Ban đầu, Đại thừa chỉ là một phong trào cải cách Phật giáo nhỏ ở Ấn Độ, nhưng trường phái này dần phát triển thành trường phái có ảnh hưởng trong Phật giáo Ấn Độ. Theo dòng lịch sử, Phật giáo Đại thừa lan rộng khắp Nam Á, Trung Á, Đông Á và Đông Nam Á, trở thành truyền thống Phật giáo lớn nhất có ngày nay, có ảnh hưởng mạnh mẽ ở Trung Quốc, Đài Loan, Mông Cổ, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam, Nepal, Malaysia và Bhutan.

Kinh Àgama (A-Hàm) dịch là Pháp quy hay Vô tỷ pháp, nói theo nghĩa rộng là chỉ cho những giáo thuyết được truyền thừa, hoặc các Thánh điển do sưu tập các giáo thuyết ấy tạo thành. Có 4 bộ hoặc 5 bộ Thánh điển của Phật giáo Nguyên thủy:

1-Trường A-hàm (Dirghagama) 22 quyển, do ngài Phật-đà-da-xá (Buddhayasas) và Trúc Phật Niệm dịch.

2-Trung A-hàm (Madhyamagama) 60 quyển, do ngài Tăng-già-đề-bà (Sanghadeva) dịch vào khoảng năm 397 TL. Bộ này là nền tảng của Hữu bộ.

3-Tạp A-hàm (Samyukta-agama) 50 quyển, do ngài Cầu-na-bạt-đà-la (Gunabhadra) dịch năm 435 TL (y cứ của Hữu bộ).

4-Tăng Nhất A-hàm (Ekottara-agama) 50 quyển.

Thông qua buổi chia sẻ, Thượng toạ Giảng Sư muốn chuyển tải kinh nghiệm và phương pháp nghiên cứu Kinh điển. Đồng thời giúp học viên nhận thức được Kinh tạng Nguyên thủy là kinh tạng ghi chép lại những lời Phật và Thánh chúng một cách đầy đủ nhất, mang tính thiết thực gần gũi với tâm lý con người và sự sinh hoạt của xã hội. Đây là cơ sở giáo lý mà hành giả, và học viên lấy làm nền tảng cho mọi nghiên cứu, thực tập và nhất là hiểu một cách đúng đắn tư tưởng đạo Phật phát triển.

An Yên