Chùa Đẩu Long – tỉnh Ninh Bình

19/ 03/ 2013 12:55:03

Cách trung tâm thành phố Ninh Bình khoảng 1km, từ ngã tư Hoa Đô đi vào 600m (đường vào Đại học Hoa Lư) là nơi tọa lạc của một ngôi chùa mang tên khu phố nơi đây – chùa Đẩu Long, phố Đẩu Long, phường Tân Thành, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình. Chùa Đẩu Long đến nay về kiến trúc đã không còn giữ lại được dáng dấp cổ xưa – do chiến tranh tàn phá, chỉ còn một số hiện vật bằng đá còn lại, và nhà chùa đã cho xây dựng hoàn toàn mới, khang trang và tráng lệ. Tuy không còn kiến trúc nghệ thuật cổ, thế nhưng về giá trị văn hóa – lịch sử và tâm linh thì ngôi chùa chính là một kho tàng về kiến thức văn hóa truyền thống của địa phương.

Chùa Đẩu Long, trước kia còn có tên trại là chùa Đấu, tên chữ là Đẩu Long tự (斗龍寺), nhân dân địa phương hay gọi tắt là chùa Đẩu. Chữ “Đẩu” (斗) ở dây chỉ cho sao Bắc Đẩu – một ngôi sao sáng nằm về hướng bắc[[1]], chùa Đẩu lại nằm ở vị trí phía Bắc của thôn Phúc Am (trước kia gọi là Phúc Thành), nơi được coi là đất Phúc (Phúc Địa hoa đình) từ thời Đinh Lê, nên mới lấy luôn tên của sao Bắc Đẩu để đặt tên cho chùa; Còn chữ “Long” (龍) có nghĩa là Rồng – tức là chỉ cho vua. Sự tích có liên quan đến vua Lê Hoàn, năm 981 khi đánh Tống thắng trận, khải hoàn trở về ông đã cho khao quân và ăn mừng trên đất Phúc Thành này mà có. Do đó Đẩu Long là một ngôi chùa có di tích được hình thành từ khá lâu đời, về niên đại đến nay đã trên 1000 năm lịch sử.

Tương truyền rằng, ở trên địa bàn giáp danh giữa kinh thành Hoa Lư và đất Phúc Thành (trước kia) có 4 ngôi chùa đều lấy tên là “Long” đó là: Đẩu Long (斗龍), Bát Long (八龍[[2]]) đều thuộc thành phố Ninh Bình, chùa Bàn Long (蟠龍) ở huyện Hoa Lư, và một ngôi chùa nữa có tên là Phúc Long tự (腹龍寺)[[3]]. Bốn ngôi chùa này đều chỉ cho rồng hoặc các bộ phận của con rồng, đó là những ngôi chùa do vua Lê Hoàn xây dựng, hoặc đã được khởi dựng từ thời gian đó.

Chùa Đẩu trước kia thuộc đất Phúc Thành – phủ Yên Khang, cách kinh thành Hoa Lư 5km về phía Đông nam; Thôn Phúc Thành sau đổi thành xã Phúc Am – phủ Yên Ninh, rồi thu nhỏ diện tích lại thành thôn Phúc Am – xã Ninh Thành – thuộc thị xã Ninh Bình. Ngày nay chùa nằm trên đường Chùa Đẩu, ranh giới giữa phố Đẩu Long và phố Trung Nhì – phường Tân Thành – thành phố Ninh Bình – tỉnh Ninh Bình. Đất Phúc Thành xưa có địa lý khá rộng, bao gồm toàn bộ phường Tân Thành (chùa Đẩu Long), phường Đông Thành (chùa Bát Long), kéo đến phường Phúc Thành (chùa Nội Long) – thành phố Ninh Bình ngày nay.

So với các công trình thờ tự trên đất Phúc Am (ngày nay và Phúc Thành ngày trước), thì chùa Đẩu là một công trình lớn nhất và có vị trí trung tâm; Đất Phúc Am xưa có 7 giáp thì giáp chịu trách nhiệm chính để thờ phụng chùa Đẩu cũng được gọi với cái tên vinh dự nhất là Giáp Cả. Các công việc mang tính ổn định lâu dài và quan trọng trong thôn xã thì dân làng đều đưa về chùa Đẩu để thờ phụng và duy trì: Như việc thờ Hậu bà cụ họ Đinh có công lấy lại sổ sách và ngôi chùa Yên Khánh về cho Phúc Am, sau này cũng được đưa về hậu Phật tại chùa Đẩu; Về việc thờ phụng, chùa Đẩu còn là ngôi chùa duy nhất được thờ tất cả các vị danh thần từ thời Hùng Vương thứ 18 đến thời Trần trên đất Phúc Thành. Đôi câu đối còn lưu lại tại chùa đã nói lên điều này:

“Cửu vị anh linh phù quốc thái;

Thiên thu hương hỏa độ dân an.”

(九位英靈扶國泰;千秋香火渡民安)

Nghĩa là: Chín vị thần anh linh phù cho đất nước thái bình; Ngàn đời thờ phụng giúp khắp nhân dân thịnh vượng).

Ngày xưa, lễ hội kéo Đụn để diễn tả lại cuộc chiến tranh chống quân Tống năm 981 – một lễ hội lớn tầm cỡ trong tỉnh, khi diễn ra lễ hội thì tất cả các xã trong huyện đều phải về góp công góp của và quy lễ. Trước khi vào hội, các cụ bô lão phải có lễ vào chùa để tấu Phật và sau đó mới khai hội, chùa Đẩu là một trong những trung điểm của lễ hội kéo Đụn. Sau khi tấu Phật, về mặt nghi lễ đã xong thì nhân dân mới rước Thánh ra đình Đụn để dân làng tham gia phần hội. Thời gian lễ hội được diễn ra trong vòng 12 ngày, thu hút nhân dân rất nhiều nơi trong tổng, trong huyện về dự hội.

Theo cuốn Ngọc phả Phúc Am ghi: Ngày xưa nhân dân Phúc Thành có nhiều nghề giỏi, đặc biệt là nghề làm cỗ và thú chơi cây cảnh. Nói về việc nấu các món ăn thì không ai bằng dân Trường Yên (xứ Kinh thành), nhưng nói về việc sắp cỗ bàn thì không đâu bằng dân Phúc Thành. Họ có thể làm các mâm cỗ hai ba, bốn tầng với đầy đủ các món ăn mang các hình thù như: chả phượng, nem công, hình bướm, hình hoa, v.v.. rất đặc sắc, bắt mắt và sinh động! Cả hai nghề này, cũng như nhiều truyền thống tốt đẹp khác của địa phương đã mai một cùng với thời gian, tuy nhiên về ngôi chùa Đẩu Long thì vẫn còn trầm lắng, đầy tiềm ẩn, có thời bị phá đi rồi làm lại về phần thô do chiến tranh cùng với thời gian hư hoại. Song về chiều sâu bên trong, ngôi chùa vẫn còn ôm ấp không biết bao nhiêu những điển tích, điển cố, văn hóa sâu xa về một thời phồn hoa đô hội truyền thống của cha ông để lại.

Đất Phúc Thành có chùa, có đình, đền, trai hội và dân chúng thịnh vượng vinh xương không kém gì chốn đô hội. Chính vì thế mới có vế đối ở chùa Đẩu là “Phúc địa hoa đình xứ hữu dư” (福地華庭處有餘) – Đất Phúc (Phúc Thành) văn hoa chốn đô hội ở đây có thừa! là nghĩa đó. Nó vừa tự hào là nơi đô hội, có nhiều các sự kiện lễ hội, văn hóa sôi động, nhân dân phồn vinh, tự hào là nơi có di tích của vua, có chùa có đình lớn và được thờ phụng các vị anh linh nổi danh của quốc gia. Tuy nhiên thật đáng tiếc là do chiến tranh cùng với sự phong hóa của thời gian, những công trình văn hóa nơi đây đã không còn tồn tại, những lễ nghi và tập tục truyền thống tốt đẹp cũng dần bị mai một, đến nay không còn lưu giữ lại được, song hình ảnh ngôi chùa Đẩu nguy nga vẫn ngày một đỉnh thịnh và ngày một tráng lệ, phải chăng đó là sự hội tụ duy nhất còn lại để kế thừa tâm linh truyền thống bất tuyệt nơi đất Phúc ngày xưa, đó chính là tinh hoa kết tụ bất tuyệt còn lưu lại nơi đây.

¨     9 vị thần anh linh được thờ tại chùa Đẩu Long như sau[[4]]:

1.Quý Minh đại vương tôn thần, tục truyền gọi là Đức Thánh Cả. Ngài đã có công đánh nhà Thục, thời Hùng Vương thứ 18.

2.Nguyễn Bặc (阮匐, 924 – 979).

Ông là đại thần thuộc một trong tứ trụ triều đình nhà Đinh là: Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú và Lưu Cơ. Nguyễn Bặc có công cùng với Đinh Bộ Lĩnh giẹp loạn 12 sứ quân, đưa giang sơn về một mối. Theo truyền thuyết, khi vua Đinh Bộ Lĩnh mất xong, Nguyễn Bặc vào trấn giữ vùng Ái Châu (xứ Thanh). Đến khi thái hậu Dương Vân Nga trao hoàng bào cho Lê Hoàn và tôn ông lên ngôi vua thì Nguyễn Bặc kéo quân về chống cự. Ông bị quân Lê Hoàn chém gần đứt cổ và đã chạy về vùng đất Kỳ Vĩ giáp danh đất Phúc Thành rồi tử trận. Nhân dân nhớ công ông và lập đền thờ gọi là Đền Hiềm. Ở chùa Đẩu Long vì thế cũng có liệt ông vào hạng chín vị thần anh linh để tôn thờ.

3.Lê Đại Hành hoàng đế (黎大行 941 – 1005) ngọc bệ hạ.

Đại Hành hoàng đế tên thật là Lê Hoàn (黎桓). Ông là vua khởi lập triều Tiền Lê, sau khi đánh quân Tống năm 981 trở về liền cho khao quân trên đất Phúc Thành và cho dựng chùa ở đây, nên về sau được thờ thành những vị thần anh linh tại chùa Đẩu Long;

4.Trần triều Hiển Thánh Nhân Vũ Hưng Đạo đại vương (陳興道, 1232? – 1300) thượng thượng thượng đẳng Thần.

Theo lịch sử vùng Phúc Thành: Trong cuộc đại chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ II (1285), để bảo toàn lực lượng và giữ kế đánh lâu dài, Trần Hưng Đạo đã cho rút quân về Thiên Trường, Trường Yên[[5]]. Vì thế nhân dân nơi đây đã nhớ chiến công của ông mà lập thờ tại nhiều nơi, trong đó có chùa Đẩu Long.

5.Trần triều Thái úy Đại tướng quân tặng phong Quốc khảo Hưng Nhượng Đại Vương (Trần Quốc Tảng, 陳國顙, 1252 – 1313), gia phong Trác Vĩ thượng đẳng Thần.

Ngài là người có dấu ấn lịch sử đặc biệt còn lưu lại di tích lịch sử rõ nét ở chùa Đẩu Long: Căn cứ vào lịch sử địa phương và các chứng tích còn lưu lại ở chùa Đẩu nói rằng ông đã về đây tu tập[[6]] tại chùa và lập căn cứ chống giặc ở vùng Ninh Bình. Trước kia ở phía sau khu vực chùa Đẩu còn có di tích một lăng mộ, người ta cho rằng đó là lăng của Trần Quốc Tảng, nhưng hiện nay đã mất tích. Trong chùa Đẩu bây giờ vẫn còn hòn đá mài gươm của ông và còn có một giếng cổ tương truyền do ông cho đào, đến nay vẫn còn.

Phía bên tả vu chùa Đẩu – nơi thờ di tích nhà Trần còn có đôi câu đối:

Hệ thuộc Đông A hoàng đế tính; (系屬東阿皇帝姓)

Đăng truyền Tây Trúc pháp vương tâm. (燈傳西竺法王心)

Đôi câu đối này đã nói lên đây là nơi đất tu hành của vương tử nhà Trần (Đông A), nối dõi ngôi pháp vương bên Tây Trúc (đất Phật), chứng tích cho một thời gian ông đã tu hành và trùng tu xây dựng chùa Đẩu Long.

6.Nguyên Từ quốc mẫu gia tặng Chính Uyên tôn Thần.

Bà chính tên là công chúa Thiên Thành (? – 1288, đền thờ vẫn còn ở đền Nhà Bà – thành phố Ninh Bình), vợ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Bà cũng được coi là Thánh Mẫu, và là thân mẫu của Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng. Như vậy ở chùa Đẩu Long, ngoài thờ Tam vị Thánh Mẫu thuộc Tứ phủ ra còn có Thánh Mẫu Trần triều nữa.

7.Trần triều Thái bảo, Thái phó Trương Hán Siêu (張漢超, 1275 – 1354) thượng đẳng Thần. Ông là người quê Phúc Thành, làm quan đến chức Hàn lâm học sĩ, là một danh sĩ nổi tiếng thời Trần.

8.Phổ Hộ đại vương gia phong Đoan Túc trung đẳng Thần[[7]].

9.Uy Huệ vương gia phong Đoan Túc tôn thần; Hoặc là đức Khâm Minh Duệ Vũ hoàng đế[[8]].

Trên đất Phúc Thành xưa có thờ năm tòa điện và bốn ngôi chùa – được xem như là “Phúc Địa tứ trấn” thì hai chùa trấn Nam (chùa Bát Long) và trấn Bắc (Đẩu Long) đều là hai ngôi chùa lớn hơn cả trong các công trình còn lại. Chùa Đẩu Long là một ngôi cổ tự, có di tích lịch sử – văn hóa khá nổi tiếng không chỉ trên địa bàn Phúc Thành mà còn là di tích nổi tiếng của tỉnh Ninh Bình. Có nhiều tư liệu cả về hiện vật lẫn các giá trị lịch sử – văn hóa quý giá vẫn còn tồn tại lại cho đến ngày nay.

Một dấu ấn lịch sử rõ ràng nhất là vào khoảng năm 1285, Trần Quốc Tảng về chùa Đẩu Long tu tập và đã cho tạo dựng, trùng tu ngôi chùa này khang trang. Từ đó, chùa Đẩu luôn được quan tâm xây dựng rất lớn qua các thời đại về sau. Đặc biệt vào niên hiệu Cảnh Thịnh năm thứ 3 (1795), chùa Đẩu được trùng tu xây dựng lớn với quy mô bề thế và tiếp tục được duy trì trong mấy trăm năm sau đó trên nền chùa cũ.

Vào thời gian kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chùa Đẩu Long là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử lớn trên địa bàn, như: Thành lập Trung đội du kích Phúc Am (1946); Cơ sở Uỷ ban kháng chiến tập trung và họp lãnh đạo kháng chiến (1948); Nơi họp hành của Uỷ ban kháng chiến xã Ninh Thành và thôn Phúc Am; Là trụ sở của Đảng và Chính quyền xã Ninh Thành; Trạm cứu thương chống Mỹ (1965); Nơi tuyển quân và xuất quân của huyện Gia Khánh, là trạm cứu thương thời kỳ chống Mỹ (giai đoạn 1972 – 1975)…

Với nhiều giá trị về văn hoá – lịch sử và tâm linh lớn như vậy nên ngày 15 tháng 04 năm 1994, Bộ Văn hoá (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) đã công nhận và xếp hạng cấp quốc gia di tích lịch sử văn hoá quần thể chùa Đẩu Long. Như vậy trong hơn 1000 năm lịch sử phát triển, chùa Đẩu Long luôn là điểm sáng văn hoá và tâm linh đỉnh thịnh không chỉ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình mà còn mang tầm vóc quốc gia, góp phần tô điểm thêm cho kho tàng di tích lịch sử của văn hóa nước nhà Việt Nam.

Một số hình ảnh về chùa Đẩu Long:

Trung lâu

Vườn tháp
Hương án bằng đá thời Trần
(Tk. Thích Thanh Luật)

[[1]] Ở chùa Đẩu hiện nay vẫn còn một vế câu đối cổ ở cột đá nói về sự tích tên chùa Đẩu như sau: 天斗牛光臨梵宇 (Thiên Đẩu, Ngưu quang lâm phạm vũ). Có nghĩa là: Sao Đẩu, sao Ngưu trên trời chiếu ánh sáng vào chùa. Còn vế kia thì do chiến tranh đã bị mất tích.

[[2]] Chùa Bát Long hiện nay đã bị mất, di tích còn lại nằm trên khu vực trường lắp máy Lilama tỉnh Ninh Bình. Lại nói về ngôi chùa này, cuốn sách Thiền phả của tổ Vĩnh Nghiêm – Pháp chủ Thiền gia Bắc Kỳ ghi là: Tổ Thanh Hanh đã cho trùng tu xây dựng lớn bốn ngôi chùa ở tỉnh Ninh Bình bao gồm: Chùa Hưng Long (Phúc Chỉnh – Tỉnh hội Phật giáo Ninh Bình bây giờ), Chùa Nội Long, chùa Liêm Khê (tức chùa Trạm), và chùa Bát Long (鉢龍寺), chữ (鉢) này ghi không chuẩn. Bởi lẽ theo sự tích thì ngôi chùa này là do vua Lê Hoàn xây dựng để kỷ niệm và tưởng nhớ về 8 vị tướng đã anh dũng hi sinh trong cuộc chiến chống quân Tống năm 981, do đó chữ Bát ở đây có nghĩa là số 8 (八). Trước kia ở chùa này hàng năm vẫn có lễ hội làm chay rất lớn để kỷ niệm về các vị anh hùng này nhưng ngày nay đã không còn.

[[3]] Chùa Phúc Long, hiện nay không rõ ở vị trí nào.

[[4]] Trích theo sách Ngọc phả Phúc Am, bản Hán lưu tại bảo tàng Hà Nam Ninh.

[[5]] Theo Lịch sử Hà Nam Ninh, phòng thông sử 1988, tr.113.

[[6]] Theo tài liệu của Viện bảo tàng lịch sử Việt Nam, Thông báo khoa học 1988, tr.87.

[[7],7] Những nhân vật từ phần 1 đến phần 7 đã có lịch sử rõ ràng nên ghi theo thứ tự từ trước đến nay. Còn hai vị sau này hiện chưa tìm ra lịch sử rõ ràng cho nên tạm liệt kê ở phần phía sau.