Không gian thơ

15/ 05/ 2017 01:25:31

KHÔNG GIAN THƠ
Minh Đức Triều Tâm Ảnh

Con chim nó có khoảng trời không rộng để bay. Con cá nó có sông biển bao la để lội. Kẻ tội đồ thì ở trong ngục tù tăm tối. Bậc ẩn giả thì có non sâu trăng nước thanh bình… Ai cũng có không gian để sống, để thở… Tâm nào cảnh nấy. Thơ cũng vậy. Nó cũng phải có không gian cho niềm vui, nỗi buồn, tâm tình, chiêm nghiệm lẫn cả ước mơ chắp cánh tung bay…

Không gian thơ rất lớn rộng, nhiều chiều, tế vi, ẩn mật, sâu nhiệm, mộng, thực đầy đủ cả. Đôi khi nó là cái phi thực, bội lý; và trí năng, tư tưởng, tâm linh… cùng tao ngộ, cùng nhắp chung trà mỹ học.

Chúng ta thử điểm sơ qua một số ít không gian ấy.

I- Không gian cảm giác.

Đây là loại thơ được tác động qua cảm giác.

1- Qua thị giác:

Tức là qua mắt. Mắt nhìn thấy ngoại cảnh rồi tứ thơ mới xuất hiện.

Ví dụ:

                 – Mây hồng dừng lại sau đèo

                   Mình cây nắng nhuộm bóng chiều không đi

                   Trời xanh cao ngất. Ô kìa!

                   Hai con hạc trắng bay về Bồng Lai…

(Thế Lữ)

– Mây màu xanh, gió màu xanh

                   Đi qua rừng trúc cây cành xanh hơn

                   Nắng chiều nhuộm trắng đỉnh non

                   Đàn chim về tổ có con bạc đầu.

(MĐTTA)

2- Qua thính giác:

Tức là qua tai nghe. Chúng thuộc về sự cảm nhận qua cái nghe chủ quan, riêng tư của người làm thơ.

Ví dụ:

                 – Trong như tiếng hạc bay qua

                   Đục như tiếng suối mới sa nửa vời

                   Tiếng khoan như gió thoảng ngoài

                   Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa.

(Nguyễn Du)

– Lá rơi khẽ động giọt sương

                   Nghe thời gian tụng vô thường biến kinh

                   Nghe mây dừng bước phiêu linh

                   Nghe rừng sâu thẳm giật mình chiêm bao!

(MĐTTA)

Ở đây có những “cái nghe” rất lạ lùng, vượt ngoài chức năng của lỗ tai.

3- Qua khứu giác:

Đây cũng là sự cảm nhận tinh tế, riêng biệt qua cái mũi của nhà thơ mà không phải ai cũng có được.

Ví dụ:

           – Qua đường làng, hoa dại với mùi rơm

             Người cùng tôi đi dạo giữa vườn thơm.

(Huy Cận)

– Ao lau, nón lách hương hoang dã

             Đất núi còn thơm đạo hựu huyền.

           – Trên tay đọng một hạt sương

             Nghe trong bóng nhớ còn hương cỏ nồng.

           – Hương cau, hương bưởi, hương trà

             Còn thơm thấp thoáng quê nhà đâu đây.

(MĐTTA)

4- Qua vị giác:

Thường ít khi cảm nhận trực tiếp mà phải gián tiếp, tức là pha lẫn chiều không gian khác.

                 – Rằng hay thì thật là hay

                   Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào.

(Nguyễn Du)

– Chén trà pha trăng đỉnh non

                   Nhắp hương thơm, uống vị hồn thanh cao.

(MĐTTA)

5- Qua xúc giác:

Chiều không gian này cũng thường đi qua sự chế biến của nhận thức hoặc tâm cảm.

Ví dụ:

           – Đêm ngồi khuya, sương ướt tăng bào

            Thấm nỗi buồn sinh tử hư hao.

– Hạt sương vỡ hạt đêm qua

             Hư vô thấm lạnh thịt da phận người.

(MĐTTA)

6- Qua nhận thức:

Thuộc bình diện nhận thức, đôi khi là sự trần trụi của lý tính, đôi khi pha lẫn tâm cảm, liên tưởng…

Ví dụ:

                 – Con ơi nhớ lấy  câu này

                   Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan.

(Ca dao)

– Chợ đời con số mưu toan

                   Nghèo hèn vụng tính, giàu sang trí tài!

(MĐTTA)

II- Không gian tâm cảm.

Đằng sau mặt phẳng của nhận thức còn có một tầng không gian sâu hơn. Ấy là không gian tâm cảm. Ở đây, đôi khi ngôn từ, hình ảnh… chỉ là ẩn dụ, ám dụ làm cho lấp lánh nội dung, ý nghĩa ở phía bên trong.

Ví dụ:

                 – Ngồi rồi lại trách ông xanh

                   Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười

                   Kiếp sau xin chớ làm người

                   Làm cây thông đứng giữa trời mà reo!

                                                                     (Nguyễn Công Trứ)

                 – Đất nghèo nuôi trẻ mồ côi

                   Khoai lang héo cả mặt người tháng ba.

(Trần Tâm)

– Bao giờ mới lại gặp nhau

                   Qua sông đừng đợi kiếp sau gọi đò.

(Trinh Đường)

– Nương dâu ai cấy mà xanh

                   Để cho sâu bọ tranh giành ngày đêm

                   Thế gian chớ hỏi gì thêm

                   Một màng nhện trắng còn nguyên bụi hồng.

(MĐTTA)

III- Không gian hồi ức.

Những kỷ niệm, tưởng nhớ về một quá khứ nào đó thường nằm ở không gian này. Người làm thơ thường lần tìm trong lớp khói sương dĩ vãng những hình ảnh, những chi tiết kỷ niệm, những cảm xúc tồn đọng… dù đã bị thời gian xóa mờ nhưng vẫn còn lung linh, sống động.

Ví dụ:

                 – Như tảng đá năm nao ta ngồi làm thơ

                   Như trăng nước biếc khói thu mờ

                   Như đào hoa rụng bên bờ suối

                   Như chiếc thuyền sương lạc bến mơ.

(MĐTTA)

– Chiếc cầu khỉ bây giờ đầy gai mọc

                   Tay vượn cong muôn thuở dáng em còn

                   Nhà bếp gió xiêu ai còn ngồi cô độc

                   Trán em cao bừng chí nguyện trăm đường.

(MĐTTA)

IV- Không gian liên tưởng.

Từ những hiện tượng, sự vật, hình ảnh trong hiện tại, người làm thơ gợi ra một thế giới khác, nhiều tầng ngữ nghĩa hơn.

Ví dụ:

           – Giọt nắng thơm chiều tà

                   Nhờ hương hoa níu giữ.

                              (Trương Hữu Lợi)

                 – Có tiếng gì rất nhẹ

                   Bay vào chân trời xa

                   Hạt muối ở tim ta

                   Rơi vào lòng bể thẳm.

                                              (MĐTTA)

                 – Cánh chim viễn xứ sầu qua núi

                   Rơi giữa hiên tranh nhạc giọng ngàn

                   Bóng ai lữ thứ phương trời khói

                   Viễn mộng còn đi, đội mộng tàn.

(MĐTTA)

V- Không gian tâm tình.

Tất cả những cái gọi là tự tình, tâm sự, giải bày, trao đổi, an ủi, chia sẻ với nhau qua tình thầy trò, tình bạn, tinh yêu đôi lứa, tình đạo, tình đời… đều được dàn trải, bố cục ở không gian này.

Ví dụ:

– Cũng là hạt sương rơi

                   Thôi đừng khóc nữa những lời ca dao

                   Dù trong dù đục thế nào

                   Cả ta nữa cũng tan vào hư không!

                                                   (Vũ Thị Huyền)

                 – Một cộng một thành đôi

                   Anh cộng cô đơn thành biển

                   Nắng tắt mà người không đến

                   Anh ngồi rót biển vào chai.

(Trịnh Thanh Sơn)

– Lưng trời xanh nhẹ mây sương

                   Mặt hồ xanh những nỗi buồn đuổi nhau

                   Người đi xa đã từ lâu

                   Mà mùa thu đến vẫn đau lá vàng.

(Hoàng Thị Minh Khai)

– Chừ huynh gác mái trăng về

                   Chừ em ở lại non quê bộn bàng

                   Non quê thế thái mơ màng

                   Khói sương nhân ảnh ba ngàn thế thôi.

         (MĐTTA)

VI- Không gian chiêm nghiệm, tư duy.

Không gian này nhuốm màu sắc tư tưởng, triết lý qua sự lịch trải của đời người. Và đấy cũng có thể là kinh nghiệm sống, thái độ sống của chính mình trước thế gian đầy những thị phi, thiện ác, hơn thua, mộng thực, có có, không không…

Ví dụ:

                 – Những thằng bất nghĩa xin đừng đến

                   Để mặc thềm ta xanh sắc rêu.

(Nguyễn Bính)

– Nghìn năm gương cũ soi kim cổ

                   Cảnh đấy người đây luông đoạn trường.

                     (Bà Huyện Thanh Quan)

                 – Khó gì là một ngày xa

                   Một ngày xa nữa là qua một đời.

                                            (Vũ Quần Phương)

                 – Việc đời qua trước mắt

                   Trên đầu già đến rồi.

                               (Thiền sư Mãn Giác)

                 – Mắt là mắt của người ta

                   Tôi đem mở nhắm như là mắt tôi.

                                                   (Hồng Nhu)

                 – Đãy sách cũ con mọt già tư lự

                   Ngán ngẫm cười những chuyện chẳng gì đâu

                   Sợi tóc bạc còn thương trời gió dữ

                   Mai mốt kia rụng xuống những chân cầu.

(MĐTTA)

Không gian này rất lớn rộng, đa phần là để dành cho những hồn thơ già dặn, lịch trải cuộc tồn sinh.

VII- Không gian tiềm thức, vô thức.

Đây là không gian hoặc của giấc mơ hoặc của vô thức – nên khi nó xuất hiện thường mang những đặc điểm sau đây:

– Không thời gian không rõ ràng hoặc không có ranh giới.

– Không biết mộng hay thực.

– Đôi khi như dự cảm, dự báo, tiên tri.

– Vô thức ngàn năm, tiềm thức câm nín hay ký ức cả đời người tồn đọng.

– Có những hình ảnh, hình tượng hoặc sắc màu ở ngoài cảm quan thường nghiệm.

– Đôi khi bất xác, bội lý…

Phác họa ước lệ thế thôi, thường không gian này chìm lẫn trong không gian khác, khó phân biệt rạch ròi.

Ví dụ:

                 – Ai lạ nghìn thu xa tám cõi

                   Sen vàng như động phía châu liêm

                   Nao nao khói biếc hài thương nữ

                   Trở gót hoa lê rụng trắng thềm.

                            (Vũ Hoàng Chương)

                 – Chiều đi nâng những phập phồng

                   Tiếng ru nghìn thuở còn không bây giờ.

(Vũ Xuân Hoát)

– Thuở xưa đá nở thành hoa

                   Ngàn sau mộng trắng, chim tha cọng vàng

                   Bây giờ trăng ngủ bên đàng

                   Ngẩn ngơ sương khói giăng màn đã lâu!

(MĐTTA)

VIII- Không gian tâm linh.

Đây là thế giới của những cảm thức cao xa, vượt lên con người trần tục, bước qua cát bụi hồng trần với những ước mơ có thể dịu dàng, có thể đau nhức… trước tuyệt đối vô biên – muôn đời chỉ là nỗ lực bất khả!

Ví dụ:

                 – Và có đêm rằm không ánh trăng

                   Ai về thắp sáng giữa mây ngàn

                   Với tay chạm khẽ vào hư ảo

                   Đánh thức hồn ta tiếng nguyệt vang.

                                           (Thân Thị Ngọc Quế)

                 – Đáy bể lặng thầm không ánh nắng

                   Khát khao thấy được sắc mây trời

                   Thì xin hạt cát làm tâm ngọc

                   Đau đớn vo tròn một kiếp trai.

                    (Thạch Văn Thâu)

                 – Đồng vọng thiên thu một chuyến đò

                   Không người qua bến, lạnh hai bờ

                   Chèo khua đã động hồn thiên cổ

                   Ai gọi lưng mây nước lặng tờ.

(MĐTTA)

IX- Không gian siêu thực.

Là không gian vượt ngoài cõi thực. Ở đây chiếc lá, giọt sương, cỏ cây, trăng nước… chỉ là cái nền của bức tranh… để nghệ thuật hình tượng và ngôn ngữ đẩy nó lên một tầng ngữ nghĩa cao xa hơn – hơn cái hiện tại phạm trù, ước lệ đã trở nên sáo ngữ, cũ mòn…

Ví dụ:

                 – Đã bậc òa tiếng khóc

                   Đá bỗng hiện nguyên hình

                   Mai em về trước đá

                   Rêu cũng thành sinh linh.

(Nguyễn Minh Hùng)

– Hay vì muốn nắng xanh nguyên

                   Nên đem tiếng hát thắp lên cuối chiều.

                                           (Nguyễn Đình Ảnh)

                 – Hạnh phúc màu hoa huệ

                   Nhớ nhung màu hoa lan

                   Biệt ly màu rách xé

                   Lãng quên đâu có màu.

                                           (Chế Lan Viên)

                 – Là ta lúc ấy đang thiền

                   Thấy trong hạt cát ngôi đền thời gian.

                 – Hoàng hôn như một cửa chùa

                   Hư không trên ngón tay vừa đi qua

                   Sương rơi nhập định tan nhòa

                   Thành chuông ai thỉnh ngân nga cỏ mềm.

(Mai Văn Phấn)

           – Lữ hành và quán trọ

  Ngủ vùi giữa hư vô

  Chiếc gai đau còn thức

           (MĐTTA)

– Hạt bụi

  mở ra

  Tình yêu

  sự chết

  đang rơi!

                  (MĐTTA)

X- Không gian thiền.

Ở không gian này ta có thể phân chia ra làm hai: Không gian ở tầng bậc có ý thức, lý tính – tức là không gian có tư tưởng thiền; không gian thứ hai ở tầng trực giác – tức là cảm quan thấy ngay thực tại, chưa qua sự chế biến của ý niệm chủ quan; và đấy là không gian thiền.

1- Không gian tư tưởng thiền:

Không gian này rất lớn rộng. Và dường như, khắp nơi, khi nói đến thơ thiền thì chúng đều ở trong phạm vi hoạt dụng của ý thức, đại lược có những đặc trưng sau:

– Có tư tưởng Phật học, Thiền học.

– Có những tình cảm thanh cao, thoát tục.

– Yêu cảnh vắng lặng, u tĩnh, thanh bình, nhẹ nhàng, trong sáng, nhàn thoát…

– Yêu các giá trị xuất thế, nhưng diễn đạt chúng bằng ý nghĩa và ý niệm…

– Yêu các giá trị tại thế như từ, bi, hỷ, xả… nhưng không diễn đạt chúng bằng hình tượng cụ thể, có sự sống, có hơi thở… mà bằng ý niệm hoặc lý giải.

Thơ Lý, Trần đa phần đều ở trong không gian này.

Ví dụ:

                 – Thân như ánh chớp, có rồi không

                   Xuân thắm cỏ cây, thu nhạt hồng

                   Mặc chuyện thịnh suy, không sợ hãi

                   Thịnh suy – đầu cỏ hạt sương đông.

(Vạn Hạnh thiền sư)

– Có thì có cả trần sa

                   Không thì tất thảy ta bà cũng không

                   Kìa xem bóng nguyệt lòng sông

                   Chấp chi có có, không không đời này!

                                                   (Đạo Hạnh thiền sư)

                 – Hồn thơ đánh thức khóm u lan

                   Nở đóa trăng xanh buốt suối ngàn

                   Có gã sơn tăng về núi cũ

                   Nhìn hoa đáy nước thấy dung nhan.

(MĐTTA)   

2- Không gian thiền:

Là không gian của trực giác, của thế giới tỉnh thức hiện tiền, chụp bắt và nhìn ngắm cái-đang-là, chưa qua sự chế biến của tình cảm, tư duy, tư tưởng chủ quan.

Hiện nay không gian này rất thưa vắng gót chân thơ. Chính những triết lý cao siêu, những lý giải bác học, những ý tưởng thâm thúy… đã đóng bít cánh cửa này. Vả chăng, không phải nhà thơ nào cũng có đủ kích thước tâm linh để dạo chơi không gian này – là thế giới mà dường như ngôn ngữ và hình tượng đều có vẻ vô cảm, lạnh lùng, khách quan… chẳng có gì “hay”, chẳng có gì “đẹp” cả.

Xin giới thiệu một số bài thơ ở không gian thiền này.

– Cái ao xưa

                   Ếch nhảy vào

                   Tiếng nước xao.

                                   (Basho)

Cái ao xưa là cái ao cũ, thế thôi. Nó không phải là cố quận, là cái bản lai diện mục gì cả. Đừng khoác cho nó một ý nghĩa nào. Con ếch nhảy và tiếng nước xao là hình ảnh, âm thanh nhân quả hiện tiền. Là cái-đang-là-sống-động-chân-thực-và- mới-mẻ. Thiền là vậy.

– Ta nhìn sâu xa

             Dưa nằm trong cỏ

             Giấu mấy nụ hoa.

                            (Basho)

Nhìn sâu xa là cái nhìn của thiền: Một cái nhìn lắng đọng, thông đạt, trong suốt, không mổ xe, phân tích, suy diễn lung tung. Dưa nằm trong cỏ, dấu mấy nụ hoa. Thế thôi! Cái đẹp bình dị ấy chúng luôn có sẵn xung quanh ta mà không phải ai cũng thấy được!

– Gió lay khóm trúc vàng

                   Bên thềm hoa nắng vỡ

                   Ô kìa! Giàn phong lan

                   Một nụ hoa mới nở.

(Viên Minh)

Thiền là thấy ngay, chụp bắt ngay cái thế giới đang là, sống động: Đang lay, đang vỡ, đang nở. Không có cái gì tĩnh chỉ, dừng lại dù tâm hay vật. Tất cả đang chuyển động, đang biến dịch dù là một sát na, một hạt bụi. Chúng “tương động”.

– Khách về trời chưa tối

                   Nhẹ tay khép cổng sài

                   Quay lưng hiên nắng nhạt

                   Lư trầm đợi thư trai.

                                           (MĐTTA)

Đấy là thế giới đang diễn tiến, đang trôi chảy trong không gian vắng lặng, thanh bình.

Nói tóm lại, chúng ta dầu đã đi qua 10 không gian thơ, nhưng có lẽ còn thiếu sót nhiều. Đây chỉ là một vài nghiên cứu, bình giải khiêm tốn, chỉ có tính cách gợi ý, mở phơi những không gian đa chiều cho thơ tung cánh. Muốn đầy đủ hơn thì cần có những công trình biên khảo dài hơi và có tính khoa học, có khả năng thuyết phục hơn của các nhà chuyên môn. Một công trình nghiên cứu như thế chưa có mặt ở Việt Nam, chúng ta hy vọng và chờ đợi các học giả có tâm huyết với nền văn học nước nhà lưu tâm đến! Mong vậy thay!

Minh Đức Triều Tâm Ảnh