Người sứ giả của Đức Như Lai

02/ 03/ 2012 01:14:50

Du Lô Na là một nơi chưa được khai hóa, mà từ trước đến nay chưa có vị nào phát tâm đến đó giáo hóa, cho nên con càng cảm thấy mình không thể nào không đi đến đó được. Con cũng biết, đi đến xứ này là điều rất nguy hiểm, nhưng vì chí nguyện tuyên dương chính pháp mà con phải quên đi sự an nguy của bản thân.

Bạn ơi! Trong cuộc đời người xuất gia chúng mình, ai cũng có một thần tượng để kính ngưỡng noi gương. Khi đọc đến tấm gương mười vị đệ tử lớn của Đức Phật, mỗi vị tôn giả là một tấm gương về đạo đức và giới phẩm tuyệt vời để hậu thế tôn sùng ngưỡng mộ. Nhưng đối với bản thân mình, tấm gương vì pháp quên mình của Tôn giả Phú Lâu Na làm cho mình ấn tượng mãi mãi. Mình xin viết lại câu chuyện nhỏ về Ngài để cho bạn, cho tôi nghĩ về lý tưởng hoằng pháp của người xưa và cũng là con đường mà chúng ta đang đi và sẽ đi mãi mãi trên lộ trình đi đến hạnh phúc an lạc cho chính mình và cho nhân quần xã hội.

Tôn giả Phú Lâu Na thuyết pháp độ sinh không cầu được cung kính, không tránh chỗ khó khăn để tìm nơi dễ dàng; trái lại, gặp những địa phương càng khó khăn bao nhiêu thì tôn giả càng phấn chí nhiệt tâm bấy nhiêu, cố làm sao cho Phật pháp phải được truyền bá tại những nơi đó.

Một lần nọ, sau khi mùa an cư kết thúc, Phú Lâu Na lại muốn lên đường hoằng hóa. Tôn giả bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn, xin cho con được đến nước Du Lô Na (Surapatanta) để hoằng pháp!

Dù rất hoan hỉ đối với lời thỉnh cầu này, nhưng vì biết việc giáo hóa ở Du Lô Na thật là vô cùng khó khăn và nguy hiểm, cho nên Đức Phật bảo:

– Phú Lâu Na, Giáo hóa chúng sinh là việc làm lợi mình lợi người. Như Lai rất hoan hỉ để thầy hoàn thành chí nguyện. Có điều, thầy đi bất cứ nơi nào cũng được, nhưng nếu đi Du Lô Na thì Như Lai không yên lòng. Vậy hà tất thầy phải đi Du Lô Na! Thầy nên chọn một địa phương khác, Như Lai sẽ tiễn thầy lên đường.

– Vì sao vậy, bạch Thế Tôn! Không phải là bất cứ nơi nào có chúng sinh thì chúng con đều có thể đến sao?

– Phú Lâu Na! Thầy nên biết, Du Lô Na là một nước nhỏ ở xa xôi hẻo lánh, vì đường giao thông không tiện lợi nên văn hóa không được mở mang. Dân chúng ở đó hầu hết là lỗ mãng, hung dữ và quen tính bạo động. Người ở các nơi khác, một khi đã đến nơi đó thì khó có ai hi vọng giữ toàn tính mạng trở về. Nay thầy đến đó Như Lai sợ sẽ xảy ra chuyện nguy hiểm chăng!

Nhưng tôn giả cương quyết thưa:

– Bạch Thế Tôn! Thật con không thể dùng lời lẽ gì để diễn đạt được lòng cảm kích của con đối với tình thương yêu bảo bọc của Thế Tôn dành cho chúng con. Càng cảm kích ân đức của Thế Tôn con càng hân hoan được xả thân dể phụng sự chính pháp và phụng sự chúng sinh. Hôm nay, chính vì Du Lô Na là một nơi chưa được khai hóa, từ trước đến nay chưa có vị nào phát tâm đến đó, cho nên con càng cảm thấy mình không thể nào không đi đến đó được. Con cũng biết, đi đến xứ này là điều rất nguy hiểm, nhưng vì chí nguyện tuyên dương chánh pháp mà con phải quên đi sự an nguy của bản thân. Vậy xin Thế Tôn từ bi hứa khả cho.

Đức Phật vô cùng hoan hỉ đối với tinh thần “vì pháp quên mình” của Phú Lâu Na, nhưng vì để cổ lệ thêm tinh thần cho đại chúng. Ngài tiếp tục hỏi tôn giả:

– Phú Lâu Na! Thầy nói đúng lắm! Phàm là đệ tử của Như Lai thì phải lấy sự hoằng hóa làm một trong những điều trọng yếu của công phu tu tập, nhưng nay thầy đi đến xứ Du Lô Na giáo hóa, nếu dân chúng ở đó không chịu tiếp nhận sự giáo hóa của thầy, mà còn mắng chửi thầy thì sao?

– Bạch Thế Tôn! Nếu họ chỉ mắng chửi con thì con nghĩ họ vẫn còn người tốt chứ chưa đến nỗi dã man lắm đâu, vì họ chưa dùng đến gậy gộc để đánh con.

– Nhưng nếu họ dùng gạch đá ném thầy, hay dùng gậy gộc đánh thầy thì sao?

– Bạch Thế Tôn! Con nghĩ họ vẫn còn là người tốt vì họ chưa dùng đến dao kiếm để đâm cho con bị thương tích nặng.

– Nhưng nếu họ dùng dao kiếm để đâm thầy đến bị thương tích nặng thì sao?

– Bạch Thế Tôn! Nếu chỉ có thế thì con nghĩ họ vẫn là người tốt, vì dù sao thì họ vẫn còn chút ít nhân tính, chưa đến nỗi giết con chết một cách thảm khốc.

– Nhưng nếu họ giết chết thầy thì sao?

– Bạch Thế Tôn! Nếu điều này xảy ra thì con lại càng cảm ơn họ, vì giết chết cái sắc thân này của con tức là họ giúp con vào cảnh giới niết bàn, cũng như giúp con dùng thân mạng này để báo đáp thâm ân của Thế Tôn. Sự việc này nếu xảy ra thì đối với con không phải điều chướng ngại, nhưng chỉ có một điều đáng tiếc là con chưa kịp làm gì để giúp ích cho họ mà thôi.

Đức Phật khen ngợi:

– Phú Lâu Na! Thầy quả thật xứng đáng là một vị đệ tử lớn của Như Lai, Bất cứ là tu tập hay hoằng hóa, thầy đều học được đức tính nhẫn nhục của Như Lai. Tâm và cảnh ở trong tự thân thầy lúc nào cũng tĩnh lặng. Bây giờ thì thầy đi được rồi, Như Lai và đại chúng đưa thầy lên đường.

Được đức Phật cổ lệ, tôn giả vô cùng cảm động, quyết tâm càng được tăng cường, tưởng như không thứ gì có thể làm cho lay chuyển. Tôn giả đảnh lễ đức Phật và lên đường đi Du Lô Na.

Thân gửi các anh em, những người đã cùng tôi xây dựng lý tưởng giải thoát dưới căn nhà Phật pháp. Sau khi đọc xong câu chuyện về Ngài Phú Lâu Na, tôi suy nghĩ rất nhiều vấn đề trong căn nhà Phật pháp chúng ta đang sống và hành đạo. Mỗi người tu sĩ Phật giáo, ai cũng có một thời sơ tâm xuất gia vô cùng tốt đẹp. Cái buổi sơ tâm đó đẹp và lý tưởng lắm, chúng ta đọc gương lành của Chư vị Tôn giả mà lòng ao ước được đi theo con đường mà quý Ngài đã đi qua. Con đường hoằng pháp lợi sinh là con đường vô cùng cao cả nhưng đầy gian lao thử thách. Khi nghĩ đến những khó khăn này nhiều lúc chúng ta không dám kiên trì đi trên con đường đó. Nhưng bạn ơi chúng ta là những người con của Đức Phật mà, nếu là con Phật thì phải sống suy nghĩ và hành động phải theo gương Đức Phật. Đã đi theo con đường của từ bi và trí tuệ thì chúng ta phải dám đối diện với chướng duyên, dám hy sinh những niềm vui thế tục, dám vứt bỏ một cuộc đời trai trẻ để dấn thân vào sự nghiệp đem lại hạnh phúc cho tha nhân. Ai cũng một lần đứng trước hình ảnh trang nghiêm thanh tịnh mà đem cả tấm chân tình người con Phật phát nguyện thiết tha:

“Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”

Bốn hoằng thệ nguyện này chính là tâm nguyện hoằng dương Phật pháp, lợi lạc quần sinh. Người xuất gia là người sứ giả của Đức Như Lai, thừa kế sự nghiệp của Đức Phật đem ánh sáng từ bi và trí tuệ đi vào cuộc đời đầy đau khổ để chuyển hóa đời sinh tử thành an vui hạnh phúc. Sự nghiệp thành đạt nhất của người xuất gia chính là sự nghiệp tu tập giải thoát cho chính mình và đem cái hạnh phúc chân thật đó trao truyền cho những ai có nhân duyên với Phật pháp. Cuộc sống của người xuất gia không chỉ giới hạn trong môi trường chùa chiền chúng ta đang sống. Nếu chúng ta chỉ sống yên ổn và bằng lòng với một ngôi chùa chúng ta ở với tín đồ Phật tử thân thuộc cậy nhờ ta hôm sớm phục vụ những nhu cầu tâm linh trong cuộc sống thì Đạo Phật của chúng ta chỉ nằm trong giới hạn đó mà thôi. Truyền bá đạo Phật là đem ánh sáng từ bi và trí tuệ đến cho quảng đại quần chúng. Nơi nào chúng sinh cần thì ta đến, xong việc chúng ta đi mà không bao giờ thấy khó khăn hệ lụy. Những nơi khó khăn, những nơi đau khổ, những nơi đầy rẫy chướng duyên chính là những nơi cần đem ánh sáng Phật pháp đến để khai hóa con đường thánh thiện. Những nơi không có Phật pháp, những địa phương không có bóng dáng của Tam bảo là những nơi cần những đôi chân và trái tim trẻ tuổi đầy nhiệt huyết của thế hệ tăng sĩ trẻ chúng ta đến đó khai sinh, gieo trồng hạt giống Phật pháp. Người dân ở đó không có những điều kiện tốt về vật chất, nhưng người dân ở những nơi đó có tấm lòng, có niềm tin nơi Phật Pháp. Như thế là đủ lắm rồi, để cho chúng ta gieo những nhân duyên tốt đẹp, để Đạo Phật được hoằng truyền ra khắp nơi trong đất nước Việt Nam thân yêu. Đó là việc cần làm của những người hảo tâm xuất gia được Chư Phật tán dương:

“Lành thay đại trượng phu
Hiểu cuộc thế vô thường
Bỏ tục đến Niết Bàn
Xuất gia hành Phật đạo
Nguyện độ khắp chúng sinh”

Giả từ Phật Học Viện thân thương, còn nhiều miền quê yêu dấu đang mong đợi chúng ta từng giờ từng phút từng giây. Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái… đang cần những bước chân hoằng pháp của chúng ta. Hãy đi đến những nơi khô cằn sỏi đá để đem suối từ bi trong mát ban bố cho những ai có nhân duyên một lần hội ngộ trong kiếp làm người.

Thích Trí Thuần
Học Viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội