Báo cáo đề dẫn Tọa đàm khoa học: Giáo dục Trung cấp Phật học: Hiện trạng và giải pháp

22/ 10/ 2017 09:01:40

 

  Cách đây đã gần 4 năm, ngày 09 tháng 5 năm 2012, cũng tại Hội trường này, Ban GDTN Trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học cấp Quốc gia với chủ đề Giáo dục Phật giáo Việt Nam – Định hướng và phát triển. Hội thảo có sự tham gia của những người Con Phật thuộc hàng Giáo phẩm cao cấp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, là Giáo thọ, Giảng sư, nhà nghiên cứu Phật học từ khắp ba miền cùng những bậc thiện tri thức, những Giáo sư, những nhà giáo, nhà khoa học đã và đang là lãnh đạo cao cấp của ngành giáo dục nước nhà, cả đời gắn bó với sự nghiệp giáo dục. Ngoài hai báo cáo chung ở phiên toàn thể, từ những góc độ tiếp cận khác nhau, những vấn đề căn bản cả về lý luận và thực tiễn của Giáo dục và Giáo dục Phật giáo đã các học giả đặt ra và tập trung trao đổi thấu đáo, đạt được sự đồng thuận cao trên cơ sở khoa học có sức thuyết phục lớn, ở ba Tiểu ban của Hội thảo là: 1. Giáo dục và Giáo dục Phật giáo – Những vấn đề lí luận.  2. Định hướng, mô hình và phương pháp Giáo dục Phật giáo – Hiện trạng và giải pháp. 3. Giáo dục Phật giáo với phát triển bền vững. Tinh thần khoa học của Hội thảo tháng 5 năm 2012 là cơ sở lý luận và thực tiễn để Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương soạn thảo, tiến hành Cải cách Giáo dục Phật giáo trong những năm vừa qua, và đã thu được những kết quả nhất định.

Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, mỗi cuộc Hội thảo khoa học đều có những hạn chế nhất định, bởi yêu cầu đặt ra đối với Hội thảo, lượng thời gian Hội thảo, cũng như giới hạn của nhận thức lúc bấy giờ. Qua hơn 3 năm (gần hết một nhiệm kì 5 năm) triển khai Công tác giáo dục tại các cơ sở giáo dục – đào tạo Trung cấp Phật học theo tinh thần Cải cách Giáo dục, đặc biệt là qua ba chuyến tham quan khảo sát tại hầu hết các Học viện, trường Trung cấp Phật học ở khắp ba miền Trng, Nam, Bắc của Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương do Nhị vị Phó Ban Thường trực dẫn đầu, chúng tôi cho rằng đã đủ thời gian và thực tiễn để chúng ta cùng ngồi lại, thảo luận về những ưu điểm cũng như những bất cập của Chương trình Cải cách và tìm ra biện pháp cụ thể thiết thực, nhằm hiện thực hóa những tư tưởng, nguyên lý, triết lý Giáo dục Phật giáo trong thực tiễn công tác giáo dục – đào tạo tại các trường Trung cấp hiện nay.

Đó là lí do Ban GDTN TƯ hân hạnh được diện kiến Chư tôn đức, Quí liệt vị Lãnh đạo các, các Giáo thọ của các Học viện, trường Trung cấp Phật học tại buổi Tọa đàm khoa học Giáo dục Trung cấp Phật học: Hiện trạng và giải pháp” này.

Kính thưa Chư tôn đức Lãnh đạo Giáo hội, Kính thưa Quí liệt vị!

Vì đây là Tọa đàm trong phạm vi hẹp, giữa Chư tôn đức đã và đang là những vị lãnh đạo hoặc trực tiếp giảng dạy tại các trường Trung cấp, Cao đẳng và Học viện, vấn đề đặt ra lại rất cụ thể, thiết thực, cho nên Ban Tổ chức tự nhận thấy không nên (và không thể) nêu lên mọi vấn đề từ thực tiễn vô cùng phong phú, sống động đặt ra. Ban Tổ chức xin nêu lên một số vấn đề hoàn toàn mang tính chủ quan, có tính gợi ý, mong được Quí vị trao đổi và bổ túc, để đi đến nhận thức và hành động chung.

Chúng tôi cho rằng Tọa đàm này chúng ta cần tập trung vào bốn vấn đề cấp thiết đối với Giáo dục Trung cấp Phật giáo hiện nay là:

1. Mục tiêu, kết quả sản phẩm và thời lượng của cấp học

Suy luận thông thường nhất, tốt nghiệp Trung cấp Phật học có một trong 3 khả năng sau: 1. Có tri thức Phật học và thế học làm cơ sở để học tiếp lên bậc học cao hơn là cấp học Học viện (Cử nhân); 2. Nếu không có điều kiện hoặc nhu cầu học tiếp, có đủ trình độ và phẩm hạnh thực hiện Phật sự hoằng pháp độc lập trên cương vị của một vị Tỳ kheo; 3. Đồng thời cần đạt được tất cả các mục tiêu trên.

Chúng ta chưa có qui định và nắm rõ được nguồn đầu vào của các trường Trung cấp (ít nhất là trình độ thế học). Có lẽ rất không đồng đều, (có người đã có bằng Tú tài, có người đang học dở dang, có người mới tốt nghiệp Trung học cơ sở) cho nên thuần túy về thời lượng, có trường học 3 năm có trường học 4 năm.

Chỉ có xác định rõ mục tiêu đào tạo chúng ta mới có cơ sở cần thiết để bàn về chuyện thiết kế Chương trình đào tạo và các khâu tiếp theo của qui trình đào tạo.

2. Cơ cấu chương trình của cấp Trung cấp Phật học.

Chúng ta chưa thực hiện được một Khung chương trình chuẩn thống nhất cho các trường Trung học Phật học trong hệ thống Giáo dục Phật giáo của Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương, thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Chúng ta đã thống nhất cao, cho rằng: Cần phải có Khung chương trình thống nhất chung cho các trường Trung cấp Phật học trong toàn quốc, trong đó có 70% số môn học và thời lượng và “phần cứng”, còn lại 30% để linh hoạt điều chỉnh tùy theo đặc thù của mỗi vùng miền và hệ phái. Tuy nhiên, cho đến nay, nhìn lại cơ cấu môn học và thời lượng trong Khung chương trình đào tạo của các trường có sự khác nhau đáng kể. Có sự khác nhau không chỉ trong giới hạn của 30% (Từ thời gian học của cả khóa cho đến số môn học, môn học và thời lượng cho mỗi môn) giữa Trường Trung cấp Phật học Bình Dương và Trung cấp Phật học Hải Phòng… Thậm chí, ngay ở mỗi Miền, cũng có sự khác nhau khá lớn giữa Khung chương trình đào tạo của Trung cấp Phật học Khánh Hòa và Trung cấp Phật học Ninh Thuận…; Giữa trường Trung cấp Phật học Hà Nội và trường Trung cấp Phật học Nam Định…

Hệ lụy của vấn đề này không nhỏ. Trước hết là đối với những Tăng Ni sinh tốt nghiệp Trung cấp Phật học không có nhu cầu hoặc điều kiện học ở bậc học cao hơn, mà tham gia ngay vào các hoạt động Phật sự, sẽ không có được một khối kiến thức Phật học và Thế học nền tảng chung nhất để nhận thức và chỉ đạo hoạt động thực tiễn của mình. Thứ hai, việc không thống nhất khung chương trình giáo dục – đào tạo ở bậc Trung cấp tạo ra nguồn đầu vào của các Học viện có trình độ và cấp độ không đồng đều, sẽ khiến cho việc xây dựng Khung chương trình và triển khai giáo dục – đào tạo của các Học viện gặp rất nhiều  khó khăn.

 3. Về sách giáo khoa, giáo trình

Hệ thống sách giáo khoa là phản ảnh nội dung của Khung chương trình giáo dục – đào tạo, không ai còn nghi ngờ về tầm quan trọng cũng như tính cấp thiết của nó. Vì nhiều lý do, cho đến nay Ban GDTNTW chưa có được một bộ sách giáo khoa chung có tính qui chuẩn cho hệ Trung cấp Phật học. Qua 4 năm Ban GDTN chỉ mới xuất bản được 3 cuốn (Tỳ Ni nhật dụng, Phật học căn bản, kinh Tứ thập nhị chương), còn hầu hết các trường Trung cấp đều tự xoay sở tài liệu giảng dạy theo điều kiện của mình. Theo chúng tôi, để đẩy nhanh tiến độ biên soạn đồng thời đảm bảo tính thống nhất và khoa học, nên chăng :

– Việc đầu tiên là xác định được những đầu sách cần phải có (phần 70% thời lượng chung của tất cả các trường Trung cấp như Ban GDTN đã chỉ đạo, theo khung chương trình và trật tự ưu tiên, cả Phật học và Thế học); Xác định thứ tự ưu tiên những sách nào cần biên soạn (hoặc biên dịch); Phát huy nguồn lực tại chỗ của các trường Trung học, rà soát lại các Bài giảng hiện đang sử dụng, thẩm định và biên tập lại để xuất bản thành sách giáo khoa chuẩn.

– Tiến hành đồng thời cả 3 nguồn: Biên tập lại các bài giảng đang có; Tái bản có bổ sung sửa chữa các sách đã xuất bản; Biên dịch các tài phù hợp của liệu nước ngoài. Nguyên tắc xuất bản là: Nếu là sách Giáo khoa gồm nhiều Phần và Bài độc lập thì gồm có Tổng Chủ biên, Chủ biên từng Phần và tên tác giả của từng bài; Nếu là cuốn sách độc lập, sẽ do Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương đứng tên xuất bản và giữ nguyên tên tác giả, gắn liền với quyền lợi cũng như trách nhiệm của tác giả.

– Sách Giáo khoa là tài liệu chuẩn mực, nên cần đảm bảo tính khoa học – chính thống – thống nhất rất cao, Ban GDTNTW chịu trách nhiệm duyệt nội dung, tổ chức biên tập và xuất bản . Chẳng hạn: Tên các phần, chương, tiết, tiểu tiết trong một cuốn sách; Qui định trích dẫn và nguồn tài liệu tham khảo…; Tên môn học (là Kinh 42 chương hay Kinh Tứ thập nhị chương, môn Tiếng Việt hay Việt Văn, Ngữ văn…); Phiên âm và chú phiên âm tiếng nước ngoài phải theo đúng qui định hiện hành của Nhà nước…

– Sách Giáo khoa do Ban GDTNTW đứng tên xuất bản phải được coi là giáo tài chính thống trong các trường Trung cấp Phật học, các tài liệu khác chỉ là tài liệu tham khảo trong nghiên cứu và giảng dạy.

4. Về phân cấp quản lý và thanh tra kiểm sát

Việc đánh giá chất lượng là một khâu quan trọng không thể coi nhẹ trong qui trình của bất kì hệ thống giáo dục – đào tạo nào. Theo qui định mới từ sau Đại hội Đại biểu Phật giáo lần thứ VII năm 2012, hệ thống giáo dục Học viện Phật giáo chịu sự quản lý trực tiếp và toàn diện của Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương. Do vậy, hệ quả tất yếu là hệ thống các trường Trung cấp Phật học cũng thuộc hệ thống quản lý của Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương, ít nhất là về mặt giáo dục – đào tạo. Tuy nhiên, trong thực tiễn thì việc đề nghị và cấp phép mở trường là do Ban Trị sự GHPG và Ủy ban Nhân dân tỉnh thành; Mọi sinh hoạt, hoạt động Phật sự và hành chính là do địa phương điều hành… Vấn đề đặt ra ở đây là tìm ra cơ chế kết hợp có hiệu quả thiết thực giữa Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương, các Học viện Phật giáo với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo các tỉnh, thành, nơi quản lý trực tiếp các trường Trung cấp Phật học. Chẳng hạn: Việc suy tôn, suy cử các chức danh của các trường Trung cấp? Việc kiểm soát và giám sát quá trình triển khai giáo dục – đào tạo? Thẩm quyền đánh giá chất lượng và cấp bằng?… Mặc dù là công việc thuần túy hành chính nhưng đây là những vấn đề không thể không giải quyết dứt điểm, để đưa hoạt động giáo dục – đào tạo vào hệ thống, đảm bảo tính qui chuẩn chặt chẽ. Chỉ có như vậy thì công tác giáo dục – đào tạo Phật giáo mới có điều kiện cần thiết để triển thi những chủ trương, biện pháp nhằm đạt được những mục tiêu đặt ra.

Kính thưa Chư tôn đức Lãnh đạo Giáo hội, Kính thưa Quí liệt vị!

Trên đây là những ý kiến sơ lược có tính chất gợi ý chung nhất,trong quá trình tọa đàm, mong được Quí vị quan tâm trao đổi và những bổ sung cần thiết mà Ban Tổ chức chưa bao quát hết được. Nội dung và những kết luận của Tọa đàm này là cơ sở quan trọng để BGDTNTW và các trương Trung cấp Phật học triển khai Phật sự của mình và xây dựng Chương trình Hội thảo khoa học toàn quốc về Giáo dục Phật giáo, sẽ tổ chức vào trung tuần tháng 10 năm 2016, Kỉ niệm 35 năm Thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Kính chúc Hội thảo thành công

Kính chúc Chư Tôn Lãnh đạo Giáo hội và Quí liệt vị thân tâm thường an lạc – Phật sự viên thành

TT.TS. Thích Thanh Quyết

Quyền Trưởng Ban GDTNTƯ