Giáo dục Phật giáo là một việc làm mà xã hội đang trông mong

09/ 05/ 2012 07:42:53

GS Vũ Khiêu

Giáo dục Phật giáo có thể trở thành một đóng góp quan trọng trong việc giáo dục đạo đức cho nhân dân ta hôm nay.

Tình hình thế giới đang diễn ra phức tạp và đất nước ta cũng đang đứng trước rất nhiều khó khăn và thử thách. Quan hệ ứng xử giữa người và người đang có phần suy thoái. Chủ nghĩa ích kỷ có xu thế trở thành phổ biến ở cả gia đình và xã hội.

Trong gia đình, cha mẹ đã không gương mẫu trong cuộc sống, lại không giáo dục con cháu tinh thần trách nhiệm và tình yêu thương đối với mọi người. Tình cảm giữa cha con, chồng vợ, anh em cũng đang giảm sút. Những việc làm gian dối của cha mẹ, để đạt được những lợi ích nhỏ bé, đã dẫn tới những thiệt hại to lớn là làm hư hỏng con cháu cả trong ý nghĩ và hành động.

Ngoài xã hội thì đầy dãy những hàng xấu, hàng giả, đặc biệt là thực phẩm có chất độc hại. Người ta chỉ nghĩ đến việc thu được tiền cho bản thân mình còn sống hay chết thì mặc người khác. Trong hàng ngũ những người có chức có quyền thì sự tham nhũng không giảm bớt mà còn có chiều hướng gia tăng. Ngoài đường phố thì công an và cảnh sát ngày càng vất vả thêm trong việc ngăn chặn những vụ trộm cắp, cướp giật. Thậm chí còn có những vụ đánh giết lẫn nhau chỉ vì những chuyện tranh chấp lợi ích nhỏ nhen về tài sản, tiền nong.

Trong tình hình nói trên, việc đem lại những tấm gương từ bi hỷ xả của đạo Phật để giáo dục cho nhân dân chính là một việc làm cấp bách mà mọi người lương thiện đang đòi hỏi, mà cả xã hội và gia đình đang trông mong. Chính vì thế mà tôi nghĩ rằng Giáo dục Phật giáo có thể đóng góp lớn qua mấy nội dung cơ bản sau đây:

1. Giáo dục bằng tình thương.

Việt Nam ta từ lâu vốn lấy tình thương làm lẽ sống, lấy trí tuệ để soi đường, lấy khí phách anh hùng để dựng nước và giữ nước đã trở thành một mảnh đất được chuẩn bị sẵn để tiếp thu những giáo lý của đạo Phật. Những người truyền bá đạo Phật từ Ấn Độ tới, rồi từ Trung Quốc sang đã sống gần gũi với nhân dân, sinh hoạt như nhân dân, hàng ngày thuyết giáo về những điều từ bi bác ái của nhà Phật. Đó là những điều mà nhân dân Việt Nam từ xa xưa đã chứa sẵn trong tư duy tình cảm và thể hiện trong quan hệ giữa người và người.

Có thể nói, tư tưởng bình đẳng bác ái, từ bi hỷ xả của Phật giáo đã hòa nhập một cách tự nhiên với truyền thống yêu thương vốn có tự ngàn xưa của dân tộc Việt Nam. Đó chính là những truyền thống bình đẳng từ các công xã Việt Nam thời cổ, được bảo lưu dai dẳng trong nhiều làng xã, là tinh thần “nhiễu điều phủ lấy giá gương”, “bầu ơi thương lấy bí cùng”, “thương người như thể thương thân”. Đó chính là sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, lúc hoạn nạn thì “chị ngã em nâng”, lúc khó khăn thì “nhường cơm sẻ áo”, “lá lành đùm lá rách”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”…

Tôi nghĩ rằng chính Giáo dục Phật giáo đã góp phần củng cố và nâng cao những truyền thống ấy, đã giáo dục thêm tình cảm yêu thương và tinh thần đoàn kết giữa nhân dân lao động trong sản xuất và chiến đấu để xây dựng Tổ quốc và bảo vệ độc lập dân tộc.

Vốn đặt nghĩa vị tha lên trên lòng vị kỷ, con người Việt Nam theo Phật giáo dễ dàng xóa bỏ những ràng buộc của tham – sân – si để xây dựng tình hữu nghị mênh mông không chỉ trên đất nước mình mà còn bao trùm lên cả nhân loại khổ đau. Dân tộc ta biết ơn công cuộc Giáo dục Phật giáo không chỉ hôm nay mà từ xa xưa đã đem giáo lý đạo Phật củng cố và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.

2. Giáo dục bằng chính giáo lý của Phật.

Trong lịch sử dân tộc ta, những lãnh tụ khởi nghĩa gắn bó với nhân dân, những nhà vua có nhiều công đức, những vị cao tăng yêu nước và thức thời, đã cùng với nhân dân tiếp thu tinh hoa của Phật giáo đến từ Ấn Độ và Trung Quốc và từ đó đặt nền tảng cho sự hình thành Phật giáo Việt Nam. Với giáo lý Phật học hòa nhập cùng truyền thống dân tộc mà Phật giáo Việt Nam trở thành một học thuyết nhân đạo và chiến đấu.

Khi chính quyền độc lập mới hình thành thì chính những nhà sư đóng vai trò người trí thức ủng hộ vương triều. Nhiều nhà sư thông tuệ đã tích cực tham gia các công việc chính trị, ngoại giao của đất nước. Khuông Việt đại sư (933 – 1011) phò tá hai triều Đinh, Tiền Lê. Sư Vạn Hạnh (? – 1018) hết lòng ủng hộ Lý Công Uẩn lập vương triều Lý. Tuệ Trung Thượng sĩ (1230 – 1291), sư Pháp Loa (1284 – 1330), sư Huyền Quang (1254 – 1330) có nhiều đóng góp lớn trong sự nghiệp rực rỡ của nhà Trần. Nhiều vị cao tăng, thiền sư đã dấn thân vào cuộc sống đầy khó khăn và đau khổ của nhân dân, đem đến cho nhân dân những lời răn dạy của Đức Phật về đạo làm người, về lòng yêu nước thương dân.

Hiện nay, Giáo dục Phật giáo đang được mở rộng và nâng cao. Giáo dục Phật giáo đang chú trọng hơn nữa đến phổ biến giáo lý nhà Phật vào cuộc sống của quảng đại quần chúng nhân dân. Những lời răn dạy của Đức Phật không chỉ được in trong những cuốn Kinh Pháp Cú mà còn cần được nêu lên với nhiều hình thức phong phú, như đĩa CD Trường ca Kinh pháp cú của Nghệ sĩ Phật tử Diệu Lộc Bạch Tuyết là một ví dụ đưa giáo lý Phật học thấm sâu vào lòng người.

3. Giáo dục qua hành động thiết thực hàng ngày.

Phật giáo Việt Nam không dừng lại ở chỗ phổ biến giáo lý và tiến hành những nghi lễ tôn giáo. Ngay từ thời Lý – Trần, Phật giáo Việt Nam đã phát triển rực rỡ và hòa cùng dòng chảy của lịch sử đầy bão táp của đất nước ta. Đạo Phật từ xuất thế trở thành nhập thế, từ gạt bỏ những nhân tố tiêu cực để trở thành tích cực, không chỉ nhẫn nại và chịu đựng gian khổ mà còn vươn cao ý chí chiến đấu đầy dũng khí và mưu lược, để bảo vệ lãnh thổ của tổ quốc và lợi ích của nhân dân.

Người đầu tiên thể hiện tinh thần nhập thế và chiến đấu của Phật giáo Việt Nam phải nói đến là Trần Thái Tông, sau đó là Tuệ Trung Thượng sĩ và Phật hoàng Trần Nhân Tông. Vững tâm sùng Phật, các vua nhà Trần đã nêu lên tấm gương sáng về sự kết hợp giáo lý Phật giáo với chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Truyền thống thương nhà, thương nước, thương người được phát huy ngày càng mạnh mẽ, thành chủ nghĩa yêu nước có sức mạnh vô cùng to lớn. Phật giáo không chỉ mở rộng trong nhân dân lòng từ bi, hỷ xả mà còn mài sắc ý chí diệt thù cứu nước, nêu cao tinh thần “Sát Thát”, thể hiện quyết tâm giết giặc, bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc và sự bình yên của dân chúng. Trên cơ sở đó, chính những vị Phật tử này đã “bằng bản thân mình” giương cao ngọn cờ đoàn kết, lãnh đạo toàn thể nhân dân Đại Việt ba lần đánh tan quân Nguyên Mông hung bạo.

Suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ở thế kỷ XX, nhiều nhà sư đã tham gia vào cuộc đấu tranh giành độc lập và bảo vệ Tổ quốc. Rất nhiều nhà sư đang nương chốn cửa thiền đã cởi áo cà sa lên đường nhập ngũ. Trong đó có biết bao người đã bỏ lại thân mình nơi chiến trận vì sự nghiệp cứu dân, cứu nước. Đó là những tấm gương cao quý cần đưa vào trong Giáo dục Phật giáo.

Hiện nay, đông đảo Phật tử ngày càng tích cực tham gia chính trị, góp phần xây dựng nước mạnh dân giàu. Nhiều nhà chùa đã tổ chức cứu tế khi có thiên tai, đã tổ chức cầu siêu cho các anh hùng liệt sỹ và những người tử nạn.

Những khóa lễ cho giới trẻ vào dịp hè, những buổi hướng nghiệp cho sỹ tử trước mùa thi, cùng nhiều hoạt động hướng thiện khác thực sự là biểu hiện tinh thần trách nhiệm của Phật giáo trong sự nghiệp chung và trong sinh hoạt hàng ngày của toàn dân tộc.

Ngày nay, giáo hội Phật giáo không chỉ động viên và gây phong trào từ thiện trong Tăng ni Phật tử mà còn mở rộng phong trào ấy trong quảng đại quần chúng nhân dân. Những hoạt động liên tục và rộng khắp của Tăng ni Phật tử đang diễn ra dưới mọi hình thức phong phú. Nào là xóa đói giảm nghèo, nào là chữa bệnh cứu người, nào là thăm hỏi người ốm đau hoạn nạn…

Những việc làm ấy đang nêu gương cho quảng đại nhân dân cùng chia sẻ với những người dân còn thiếu ăn thiếu mặc ở những vùng còn hẻo lánh. Những việc làm ấy đang thức tỉnh những con người đang mắc vào những lầm lỗi tham – sân – si, sớm trở lại con đường chính nghĩa của dân tộc, cùng nhân dân phấn đấu xây dựng Tổ quốc phồn vinh và bảo vệ Tổ quốc mà cha ông đã đổ bao nhiêu xương máu để gìn giữ và để lại cho chúng ta hôm nay.

Với những điều suy nghĩ trên, tôi tin tưởng rằng Giáo dục Phật giáo đang nhận một sứ mệnh quang vinh mà đất nước ta ngày hôm nay cùng tương lai của dân tộc đang đòi hỏi.

Với một vài suy nghĩ còn nông cạn nói trên, tôi xin chúc cuộc hội thảo thành công tốt đẹp và Giáo dục Phật giáo ngày càng đạt được những kết quả to lớn.

Hà Nội, ngày 09 tháng 05 năm 2012