Giáo dục Phật giáo Thủ đô – Thành tựu và những điều quan tâm

14/ 05/ 2012 12:43:47

Thượng tọa Thích Thanh Nhã

Phó Trưởng ban Trị sự Phật giáo Hà Nội

Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học Hà Nội

            Nam Mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Kính Bạch Chư Tôn Túc Hòa Thượng, Thượng tọa, Đại Đức, Tăng Ni,

Kính thưa Chư vị Khách quý.

Sau năm 1981, chín hệ phái Phật giáo được thống nhất thành một tổ chức chung là Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), Ban Giáo dục Tăng Ni trực thuộc Hội đồng trị sự được thành lập là một trong mười ban, viện của Giáo hội.

Ngày 01/01/1978, Hội Phật giáo Thống nhất ở phía Bắc mở trường Cao cấp Phật học Việt Nam và trường tu học Phật pháp Trung ương. Có thể thấy rằng từ khi GHPGVN thành lập đến nay vừa tròn 30 năm, công tác giáo dục, đào tạo trong Phật giáo luôn được các cấp Giáo hội quan tâm, chú trọng và tạo điều kiện. Đánh giá sự lớn mạnh của công tác giáo dục đào tạo Phật giáo cả nước qua những con số thống kê cho chúng ta thấy có sự tiến bộ vượt bậc. Hiện nay, cả nước có bốn học viện Phật học tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ và thành phố Huế đã đào tạo hơn 6000 Tăng Ni tốt nghiệp hệ cử nhân Phật học, hiện có hơn 1000 Tăng Ni sinh đang theo học. Hệ cao đẳng Phật học có 01 trường trung, cao đẳng tại thành phố Hải Phòng và có 07 lớp thuộc các Học viện Phật giáo và các trường địa phương đang đào tạo khoảng 1000 Tăng Ni. Hệ trung cấp Phật học có 31 trường đã và đang đào tạo khoảng hơn 2000 Tăng Ni. Hệ sơ cấp Phật học có 50 lớp khoảng gần 2.500 Tăng Ni theo học.

Đối với đào tạo sau đại học trong nước, tháng 4/2012 vừa qua đã khai giảng hệ Cao học Phật giáo khóa I, đào tạo cho 150 học viên. Đã và đang theo học sau Đại học ở nước ngoài có trên 700 Tăng, Ni và hiện có khoảng hơn 70 Tăng, Ni học xong chương trình tiến sĩ tại một số nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Mianma… đã về nước phục vụ Giáo hội làm công tác giảng dạy ở các trường Cao đẳng, Trung cấp Phật học hoặc công tác ở các Ban, Viện hay tham gia các hoạt động xã hội.

Nói riêng về giáo dục Tăng Ni tại thành phố Hà Nội, là một trong những địa phương có hoạt động giáo dục và đào tạo trong Phật giáo có quy mô và sớm nhất xứng đáng với thủ đô lâu đời của nước Việt. Lịch sử cho thấy, Phật giáo trở thành quốc giáo của Việt Nam ở những thế kỷ thứ VII, thứ VIII, rực rỡ nhất là thời Lý Trần với điểm nhấn là chấn hưng Phật giáo. Giai đoạn những năm từ 1930 đến năm 1945, cùng với Phật giáo cả nước, Phật giáo thủ đô đã có nhiều thành tựu nổi bật, nhất là trong lĩnh vực giáo dục và đạo tạo tăng tài, mở lớp Trung học tại Chùa Quán Sứ, Chùa Bằng Sở. Tiếp đó, năm 1949, Hội Tăng Ni chỉnh lý Bắc Việt đã cho khai giảng các Phật học đường tại Chùa Quán Sứ dành cho sư Tăng, tại Chùa Vân Hồ dành cho sư Ni. Ni viện đầu tiên được tổ chức theo kiểu học viện mới là Ni viện Bồ Đề, trong khuôn khổ của nền Phật giáo phục hưng do Hòa thượng Thanh Hanh lãnh đạo, Ni viện Vân Hồ do Hòa thượng Tố Liên thành lập. Các lớp học này chương trình giảng dạy ngoài nội điển còn có ngoại điển, khoa học phổ thông và tiểu thủ công nghệ.

Từ khi thành lập GHPGVN, Trường trung cấp Phật học Hà Nội được thành lập là một trong những trường sớm nhất của Phật giáo cả nước. Hiện nay, trường đang đào tạo khóa thứ VI, tất cả có khoảng 300 Tăng Ni sinh được đào tạo theo mô hình nội trú tại trường. Trường đang chuẩn bị chiêu sinh khóa VII, tại địa chỉ số 3, đường Thanh Bình, phường Mỗ Lao, Quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Có thể nói, trải qua 6 khóa đào tạo với mục đích yêu cầu là đào tạo Tăng Ni trẻ trong thành phố có kiến thức trình độ Phật học cũng như thế học vững vàng, nâng cao đạo hạnh tu hành, thực hiện tốt phương châm: “Đạo pháp, dân tộc, chủ nghĩa xã hội” của Giáo hội. Đào tạo Tăng Ni trở thành người tiêu biểu của Phật giáo vì Tăng Ni sinh sẽ là Trụ pháp Vương gia của Phật giáo tương lai.

Tuy nhiên, trong thời kỳ hiện đại hóa, xã hội hóa, tiến lên văn minh toàn cầu hóa, với tinh thần “Duy tuệ thị nghiệp” sống bằng pháp hạnh vô ngã vị tha, bổn phận và trách nhiệm của chúng ta phải luôn luôn tinh tiến phát huy những điều thiện trong tứ chính cần, thường trau dồi giới đức, tâm đức và tuệ đức, phải tập trung chuyên sâu hơn nữa các môn Phật học lẫn thế học, nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, đồng thời nêu cao gương hạnh Phật trong sứ mệnh đức Như Lai giao phó: “Truyền trì mạng mạch, tiếp dẫn hậu lai, hoằng pháp độ sinh, báo Phật ân đức” ngay trong cuộc sống này, công tác đào tạo rất phát triển nhưng cũng đang bộc lộ những hạn chế nhất định:

Thứ nhất, chất lượng đào tạo chưa ngang tầm với mong muốn, Tăng Ni đang nặng về bằng cấp hơn là coi trọng chất lượng để giúp ích cho cuộc sống và thực tế tu hành. Nặng về đào tạo để tăng số lượng bằng cấp hơn là tu tập thực hành nghiêm trì giới luật.

Thứ hai, số lượng Tăng Ni trẻ đã tốt nghiệp tiến sỹ, thạc sỹ, cử nhân và cao đẳng phật học cũng khá nhiều song hoạt động dấn thân vì đạo pháp, vì xã hội theo tinh thần Phật pháp bất ly thế gian còn rất khiêm tốn. Còn không ít người chưa mạnh dạn dấn thân đến vùng sâu, vùng xa giúp đỡ cho bà con Phật tử như lời đức Phật dạy: “Này các Thầy Tỳ Kheo hãy đi hoằng hóa giáo pháp đến khắp nơi không đi chung hai người trên một đường chỉ với năm vị Thanh Văn không phát lời nguyện vì chúng sinh nào chỉ vì thấy lợi ích thiết thực nơi giáo lý vi diệu của ta. Các Tỳ Kheo hãy mạnh dạn dấn thân vào công cuộc hoằng hóa độ sinh”.

Thứ ba, nhiều Tăng Ni trẻ được đào tạo bài bản, có kiến thức, có hoài bão nhưng chưa được Giáo hội giao trọng trách phù hợp, chưa động viên, giao phó việc đúng mức trước thực trạng và yêu cầu của GHPGVN hiện nay.

Trong tương lai, GHPGVN nói chung và thành hội Phật giáo Hà Nội nói riêng có bước phát triển tốt đẹp hay không là phụ thuộc rất nhiều ở lớp Tăng Ni trẻ có tâm huyết với đạo pháp và dân tộc, biết kế thừa, biết chấp nhận xả thân cho đời, cho đạo, biết ban vui cứu khổ, giảm đau thương cho con người trong xã hội. Biết lấy tình thương làm lẽ sống cho mình, đem sức mạnh giáo dục gieo hạt giống đạo đức, trí tuệ trên quê hương đất nước và toàn thế giới. Muốn làm được như thế không chỉ tự mình phải nâng cao trình độ tri thức mà quan trọng là sự chuyển đổi cả hệ thống Giáo hội, làm sao để mỗi người phát huy hết khả năng của sở học, của tâm huyết để xây dựng sức mạnh đoàn kết của GHPGVN. Theo đó, để công tác giáo dục, đào tạo trong Phật giáo đạt được những thành tựu viên mãn trong thời gian tới, cần tập trung vào một số nội dung sau đây:

1. Do xác định công tác giáo dục Phật giáo có ảnh hưởng rất lớn đối với Tăng Ni nhất là Tăng Ni trẻ đang theo học tại các trường học viện, cao đẳng và trung cấp Phật học, vì thế Tăng Ni cần phải được giáo dục và tu dưỡng tốt về đức dục, trí dục, thể dục, ba yếu tố này cần quan tâm đặc biệt để thiết lập trong chương trình đạo tạo: “Hành giải tương ưng, tri hành hợp nhất” là tiêu chí chính yếu của nền giáo dục Phật giáo.

2. Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương cần có sự thống nhất về nội dung giáo trình, bài giảng ở cả 3 cấp trong phạm vi cả nước, đồng thời đối với đầu vào trong việc tuyển lựa Tăng Ni theo học ở các hệ cần phải theo chuẩn và tiêu chí nhất định về thế học, giáo lý góp phần bảo đảm quá trình giáo dục, đào tạo được phù hợp với năng lực, trình độ và điều kiện thực tiễn.

3. Cần có sự nghiên cứu, biên soạn, dịch thuật kinh sách, tài liệu nghiên cứu về Phật học sang các ngôn ngữ dân tộc để đáp ứng nhu cầu của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số để quá trình đào tạo, giáo dục được thuận lợi.

4. Đội ngũ giảng sư cũng như đội ngũ quản lý các trường trong khối Phật giáo chưa được qua đào tạo căn bản trong chuyên môn sư phạm cũng như chưa có kinh nghiệm trong việc quản lý. Thời gian tới phải kết hợp với một số trường có kinh nghiệm đào tạo như trường Đại học Sư phạm, trường Đại học Quốc gia . . . để đào tạo ngắn hạn hay dài hạn hoặc liên thông cho các giảng sư để có kinh nghiệm chuyên môn sư phạm truyền đạt kiến thức. Cũng như đội ngũ quản lý có kinh nghiệm trong việc quản lý.

5. Môi trường giáo dục của Phật giáo khác hoàn toàn với môi trường giáo dục ngoài thế gian. Giáo dục Phật giáo không những truyền thụ kiến thức cho Tăng Ni mà còn hướng dẫn việc tu tập cho Tăng Ni để có kinh nghiệm cũng như hành trang bước vào đời. Cho nên những người làm giáo dục Phật giáo chúng ta phải biết cách truyền thụ sự tu tập, lòng tin vào tâm linh, nhân quả, cũng như kinh nghiệm trong cuộc sống để chia sẻ cho Tăng Ni trẻ.

Kết thúc bài tham luận, xin kính chúc Chư tôn giáo phẩm pháp thể khinh an, chúng sinh dị độ, Phật sự viên thành. Kính chúc quý vị khách quý, quý đại biểu dồi dào sức khỏe, gia đình hạnh phúc, thành tựu mọi sự nghiệp.

Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát

Xin chân thành cảm ơn!

*****