Quốc Sư Khuông Việt và định hướng chính trị – văn hóa Đại Việt thế kỷ đầu độc lập

27/ 07/ 2012 02:38:56

Mở đầu

Có thể nói, thực thể chính trị-văn hóa Việt đã được hình thành vào những thế kỷ đầu Công nguyên với hai yếu tố căn bản: sự kết hợp những chuẩn mực chính trị-đạo đức Trung Hoa vào thực tiễn xã hội Việt, sự cấy ghép, hội nhập đạo Phật của văn hóa Nam Á vào đời sống chính trị-tâm linh Việt.

Kinh nghiệm định hướng chính trị-văn hóa của quá khứ

Trước thời cai trị của Thái thú Sĩ Nhiếp (186-226), cấu trúc văn hóa-chính trị Việt được biết đến chủ yếu dưới dạng dã sử, huyền thoại, khảo cổ học… đưa lại tri thức về những mảnh vụn của đời sống người Việt cổ với những cấu trúc sơ khai về nhà nước, làng xã, văn hóa. Những sử liệu và huyền thoại đó chỉ cho phép hình dung một cách mơ hồ về đời sống xã hội Việt cổ được tổ chức tương tự như cách thức của một liên minh bộ lạc. Cấu trúc xã hội này, sau hơn 300 năm dưới sự lệ thuộc phương Bắc, đặc biệt là từ những năm 40 sau Công nguyên, đã bị phá vỡ, biến đổi nhiều theo hướng cấy ghép một số yếu tố chính trị-văn hóa Trung-Ấn vào xã hội Việt cổ. Điển hình cho sự thiết lập một mô hình chính trị- tôn giáo trong quản lý xã hội Việt theo hướng hội nhập các yếu tố tinh thần ngoại lai vào các thể chế xã hội là thời của Sĩ Nhiếp. “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi: “Giao Châu Sĩ phủ quân đã học vấn sâu rộng lại thông hiểu chính trị, trong thời buổi đại loạn giữ vẹn được một quận hơn 20 năm, bờ cõi không xảy ra việc gì, dân không mất nghiệp, những bọn khách xa đến trú chân đều được nhờ ơn… . Khi ra vào thì đánh chuông khánh, uy nghi đủ hết; kèn sáo thổi vang, xe ngựa đầy đường, người Hồ đi sát bánh xe để đốt hương thường có đến mấy mươi người”[1]. Đọan sử trên cho phép chúng ta hình dung về tư tưởng kết hợp các tri thức chính trị của Nho học (trong sách Xuân Thu Tả thi truyện, Thượng thư mà Sĩ Nhiếp am tường) với các nghi lễ Phật giáo (người Hồ đốt hương đi cạnh xe) trong cai trị của Sĩ Nhiếp[2]. Cách cai trị này được đánh giá là đã thiết lập được những yếu tố căn bản của nền chính trị-văn hóa Việt khác biệt với nền chính trị- văn hóa Trung Hoa và được coi là tạo nên một thực thể chính trị-văn hóa Việt ổn định cho những thế kỷ tiếp theo. Như vậy, cùng với xu hướng đấu tranh giành lại quyền tự chủ dân tộc trên phương diện chính trị là xu hướng hội nhập các giá trị tinh thần ngoại lai vào thực thể tinh thần Việt. Cả hai xu hướng này đều bổ trợ cho nhau và các thủ lĩnh chính là những người ý thức được sức mạnh kết hợp chính trị-tôn giáo trong quản lý xã hội và củng cố uy quyền.

Chính sử Việt sau sự kiện Sĩ Nhiếp sử dụng Phật giáo vào việc chính thức hóa và củng cố uy lực của người thống trị còn ghi lại một số trường hợp khác như vua hậu Lý Nam Đế (571-602) lấy tên húy là Lý Phật Tử để xây dựng uy tín và đặc biệt là vua Đinh Tiên Hoàng, sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, nhất thống thiên hạ, lên ngôi hoàng đế, vào năm Thái Bình thứ 2 đã quy định cấp bậc văn võ, tăng, đạo, phong thiền sư Ngô Chân Lưu (933-1011) làm Tăng thống đứng đầu Phật giáo, ban hiệu là Khuông Việt đại sư[3]. Như vậy, Phật giáo từ thời Sĩ Nhiếp được coi trọng, sử dụng và thừa nhận như một bộ phận không thể tách rời của các nghi lễ cai trị chính thức, trải qua 700 năm phát triển bình yên đã thực sự tham gia vào guồng máy quản lý nhà nước với vai trò tương đương các thiết chế chính trị, quân sự khác: “Vua mở nước dựng đô, đổi xưng hoàng đế, đặt trăm quan, lập sáu quân, chế độ gần đầy đủ, có lẽ ý trời vì nước Việt ta mà lại sinh bậc thánh triết để tiếp nối quốc thống của Triệu Vương chăng?”[4].

Sự tiếp nối định hướng kết hợp chính trị và tôn giáo trong xây dựng và quản lý đất nước qua trường hợp Đại sư Khuông Việt

Như vậy, ngay từ buổi đầu hình thành dân tộc, các nhà lãnh đạo Việt đã nhận thức được vai trò của Phật giáo trong việc thu phục nhân tâm, dẫn dắt quần chúng hướng tới việc củng cố quyền lực, đặc biệt trong việc huy động sự ủng hộ của nhân dân vì mục tiêu giành lại chủ quyền dân tộc, xây dựng vương triều. Định hướng chính trị của các nhà cầm quyền Việt thời Bắc thuộc cũng như giai đoạn đầu độc lập đối với tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo là hết sức rõ ràng và đó là một định hướng minh triết đúc rút từ thành công của quá khứ với khởi đầu là Sĩ Nhiếp. Định hướng này đến thời độc lập tiếp tục được phát huy trên tầm mức mới đã tạo ra nền tảng cho sự phát triển rực rỡ của thực thể chính trị-văn hóa Đại Việt suốt 5 thế kỷ tiếp theo với vai trò của các bậc minh quân kết hợp với tài năng của các thiền sư lỗi lạc, trong đó phải kể đến Đại sư Khuông Việt, như là người có công thiết lập vai trò và vị thế của Phật giáo đối với nền chính trị-văn hóa Đại Việt.

Thiền sư Ngô Chân Lưu là hậu duệ của Ngô Thuận Đế (Ngô Quyền), “thuở nhỏ theo Nho học, lớn lên theo đạo Phật, cùng bạn đồng học Trụ Trì đến chùa Khai Quốc thụ giới cụ túc với thiền sư Vân Phong, nhờ đó được đọc rộng kinh điển Phật giáo, hiểu sâu yếu chỉ Thiền học”[5]. Khi Đinh Tiên Hoàng (924-979) lên ngôi năm 968, nhà vua “muốn dùng uy chế ngự thiên hạ, bèn đặt vạc lớn ở sân triều, nuôi hổ dữ trong cũi, hạ lệnh rằng: “kẻ nào trái phép phải chịu tội bỏ vạc dầu, cho hổ ăn”[6]. Khi đó, Thiền sư 35 tuổi. Năm 40 tuổi (970), nhà vua đã biết tới danh tiếng sư và mời vào triều đình, “Sư đối đáp hợp ý, được vua phong giữ chức Tăng thống là chức quan đứng đầu Phật giáo. Năm thứ hai niên hiệu Thái bình (971) sư được ban hiệu là Khuông Việt đại sư”[7]. Liên kết hai sự kiện trị nước của vua Đinh Tiên Hoàng, chúng ta thấy, ngay từ những năm đầu xây dựng triều đình, nhà vua đã ý thức sâu sắc về việc dùng pháp và đạo trong quản lý đất nước, củng cố uy quyền. Việc Khuông Việt Đại sư được phong Tăng thống đưa ra hai chỉ báo: thứ nhất là sự phát triển của Phật giáo thời đó đã ở tầm mức là một lực lượng xã hội quan trọng mà nhà vua mong muốn thu phục và kiểm soát; thứ hai, việc lựa chọn người tài tinh thông Phật pháp vào bộ máy quản lý và chính thức hóa chức quan dành cho tôn giáo là một lựa chọn định hướng chính trị mang tầm chiến lược của vua Đinh Tiên Hoàng. Định hướng chính trị này là sự tiếp nối tiền lệ sử dụng tôn giáo như một công cụ chính thức hóa và củng cố quyền lực chính trị rất thành công thời Sĩ Nhiếp, đồng thời là một định hướng phù hợp với kết cấu tinh thần xã hội Đại Việt thời kỳ đầu độc lập, giúp cho việc thống nhất nhân tâm hướng tới sự thống nhất về chính trị, về nhà nước, sau thời loạn lạc 12 sứ quân. Khuông Việt Đại sư, với tài năng và uy tín của mình, đã không chỉ đáp ứng định hướng chính trị đó mà còn có vai trò quan trọng trong việc đặt nền tảng mở ra một giai đoạn phát triển mạnh mẽ cho Phật giáo nói riêng, văn hóa Đại Việt nói chung.

Dưới triều Đinh, sử sách không ghi chép nhiều về những hành trạng cụ thể của Đại sư phò giúp triều đình. Tuy nhiên, việc phát hiện ra các tràng kinh cổ ở Hoa Lư cho thấy với sự tham mưu của Khuông Việt Đại sư, Nam Việt Vương Đinh Khuông Liễn sau khi đi sứ về, được phong Kiểm hiệu thái sư Tĩnh Hải quân tiết độ sư An Nam đô hộ, đã cho dựng 100 tràng kinh vào năm Quí Dậu (973), và lại dựng 100 tràng kinh nữa vào năm 979 sau khi ngầm sai người giết em là Hoàng thái tử Hạng Lang. Điều này cho thấy, dưới ảnh hưởng của Đại sư, từ góc độ tâm linh, các nghi lễ Phật giáo đã gia nhập vào nhiều sự kiện triều chính.

Vai trò và ảnh hưởng của Đại sư Khuông Việt trở nên đặc biệt quan trọng dưới thời vua Lê Đại Hành (980-1005) trên hai phương diện cố vấn chính trị và phát triển Phật giáo: “Dưới triều vua Lê Đại Hành, sư đặc biệt được vua kính trọng, phàm các việc quân quốc triều chính, sư đều được tham dự”[8]. Năm Thiên Phúc thứ hai, 981, trước việc quân Tống sang xâm lược, vua sai sư đến đền cầu đảo xin thần phù hộ, sau quân giặc thua chạy[9]. Năm Thiên Phúc thứ bảy (987), thừa lệnh vua, Đại sư đã cùng với thiền sư Đỗ Pháp Thuận (?-990, thế hệ thứ 10 dòng thiền Tì ni đa lưu chi) hoàn thành xuất sắc vai trò ngoại giao đón tiếp và đưa tiễn sứ thần Lý Giác nhà Tống với ý nghĩa thể hiện cho sứ giả nhà Tống biết về tiềm lực nhân tài nước Việt (người chèo đò cũng có tài đối đáp, thơ phú) và tinh thần độc lập tự chủ của nước Việt (từ khúc Ngọc Lang Quy). Khúc từ Ngọc Lang Quy mà Khuông Việt Đại sư viết để tiễn đưa phái bộ nhà Tống đã trở thành văn kiện ngoại giao đầu tiên trong lịch sử ngoại giao Việt Nam, cũng là văn bản sớm nhất của văn học Việt Nam:

“Nắng tươi gió thuận, cánh buồm giương,

Thần tiên lại đế hương.

Vượt sóng xanh muôn dặm trùng dương,

Về trời xa đường trường.

Tình thắm thiết,

Chén lên đường,

Vin xe sứ vấn vương.

Xin đem thân ý vì Nam cương

Tâu vua tôi tỏ tường”[10].

            Từ khúc này dưới hình thức ngôn từ trau chuốt, đẹp đẽ, mềm mại đã biểu lộ rõ ý thức dân tộc độc lập tự chủ cương cường của vua tôi triều Tiền Lê. Từ khúc này cũng là văn bản đầu tiên diễn đạt tư tưởng ngoại giao chính trị thần phục giả vờ, độc lập thực sự của các thế hệ thủ lĩnh Việt đối với triều đình Trung Hoa. Tri thức Nho học, tài năng ngoại giao và kinh nghiệm chính trị dân tộc của Đại sư Khuông Việt đã thể hiện súc tích qua bài từ trên, giúp ông hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vua trao. Và bài từ này đã trở thành một văn bản quan trọng trong lịch sử ngoại giao, lịch sử văn học, lịch sử tư tưởng Việt Nam.

Mặc dù sử chính thống không ghi chép về hoạt động hoằng hóa Phật pháp trong thời gian hoạt động triều chính nhưng với những công tích chính trị của mình, với tình cảm sâu nặng mà các vị vua Đinh, Lê giành cho Đại sư Khuông Việt, chắc chắn là ngài đã có công lớn gây dựng và phát triển Phật giáo trong khoảng 40 năm cuối thế kỷ X, đầu thế kỷ XI. Sách “Lịch sử Phật giáo Việt Nam” cho biết, trong giai đoạn này, Phật giáo đã có ảnh hưởng ngày càng gia tăng trong đời sống xã hội với sự phát triển của số lượng chùa cả ở đồng bằng cũng như các vùng xa trung tâm như Ái châu: “Phật giáo, với sự tỏa rộng về mặt không gian, cũng như sự thấm sâu trong đời sống tinh thần, đã bước đầu chiếm được một vị trí vững chắc trong xã hội”[11].

Chúng ta không rõ Đại sư đã rời nhiệm vụ Tăng thống và những chính sự khác vào năm nào do thiếu sử liệu. Tuy nhiên, theo “Thiền uyển tập anh”, sau khi cáo quan, Đại sư đã trở về dựng chùa Thanh Tước ở núi Du Hý quận Thường Lạc, rồi trụ trì tại đó, “người các nơi đến theo học rất đông”[12]. Ngoài ra, Khuông Việt Đại sư cũng thường tới giảng dạy tại chùa Khai Quốc. Trong thời gian giảng dạy đạo pháp, Đại sư chú trọng tới các vấn đề triết học thiền tông như Chân Như, hư không, thủy chung của đạo học và phương pháp truyền thừa… . Những vấn đề triết học đó đã trở thành một phần di sản tư tưởng dân tộc. Học trò xuất sắc của ông là thiền sư Đa Bảo đã được truyền tâm ấn, trở thành thế hệ truyền thừa thứ 5 dòng Vô Ngôn Thông, là một trong số những người có ảnh hưởng đến việc lên ngôi của Lý Công Uẩn.

Như vậy, xét một số sự kiện lịch sử và tư tưởng liên quan trực tiếp và gián tiếp tới Đại sư Khuông Việt, chúng ta thấy nổi lên chiều hướng xây dựng mối quan hệ liên kết, hài hoà giữa chính trị và tôn giáo, giữa nhà nước và giáo hội ngay từ những thể chế nhà nước độc lập đầu tiên với vai trò tiên quyết và sáng suốt của những người đứng đầu. Lịch sử phát triển dân tộc đã xây dựng nên một truyền thống dung hoà tốt đẹp về quan hệ giữa nhà nước và giáo hội tôn giáo. Mối liên kết, ủng hộ lẫn nhau ngày càng chặt chẽ giữa nhà nước và tôn giáo suốt gần chục thế kỷ đầu dựng nước đã góp phần xây dựng một nhà nước Đại Việt hùng mạnh và văn hiến.

Kết luận

Những người đứng đầu bộ máy chính quyền dung nạp, sử dụng tôn giáo vào mục đích tập hợp quần chúng, cố kết nhân tâm để củng cố sự vững mạnh của chính quyền, thiết lập mối quan hệ hài hoà giữa nhà nước và tôn giáo, tạo nên sức mạnh văn hoá đặc sắc, sự phát triển hoà bình, phồn vinh và độc lập cho đất nước. Những người đứng đầu Phật giáo đem hết tài năng, trí tuệ và tâm sức phò giúp nhà vua và triều đình xây dựng đất nước trở thành vùng đất văn hiến và độc lập. Sự kết hợp chính trị và Phật giáo trong các vương triều đầu thời kỳ độc lập với vai trò quyết định của vua Đinh Tiên Hoàng và sự đáp ứng hoàn hảo của Đại sư Khuông Việt là một định hướng chính trị-văn hóa chiến lược phù hợp với kết cấu cộng đồng Việt giai đoạn đầu độc lập khỏi Bắc thuộc, đã tạo lập nền tảng vững chắc cho sự tồn tại của bản thể chính trị-văn hóa Đại Việt suốt 4 thế kỷ tiếp theo, làm nên bản sắc văn hóa chính trị Phật giáo độc đáo của Việt Nam.

 

PGS. TS. Lê Thị Lan

                                      Viện Khoa học Xã hội Việt Nam

 


[1] Đại Việt sử ký toàn thư. Tập 1. NXB Văn hóa-Thông tin. Hà Nội, 2000.

[2] Stephen O’ Harrow cho rằng Sĩ Nhiếp đã có công thiết lập 4 yếu tố chính kết cấu nên một thực thể chính trị- văn hóa Việt khác biệt với chính trị-văn hóa Hán là: Sự tôn thờ hệ thống thần linh bản địa (Bắc-Trung bộ Việt Nam ngày nay); Sự cấy ghép các thiết chế chính trị-văn hóa Hán vào xã hội Việt nhằm mục tiêu vì quyền lợi người Việt; Sự hội nhập các khái niệm tôn giáo Nam Á (Phật giáo) vào đời sống tâm linh Việt; sự độc lập tương đối về lãnh thổ đối với Trung Hoa. Xin tham khảo Stephen O’ Harrow. Người Hán, Người hồ, Người Bách Man-Tiểu sử Sĩ Nhiếp và khái niệm về xã hội Việt Nam cổ đại. Những vấn đề lịch sử Việt Nam. Nguyệt san Xưa và nay. Nhà xuất bản Trẻ. 2001. Tr. 41-41.

[3] Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd. Tr. 306-307.

[4] Nt. Sđd. Tr. 305

[5] Thiền uyển tập anh. Phân viện nghiên cứu Phật học, Nhà xuất bản Văn học. Hà Nội, 1990. Tr. 42. Đại sư Khuông Việt thuộc thế hệ thứ tư dòng Thiền Vô Ngôn Thông. Ông là học trò của thiền sư Vân Phong.

[6] Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd. Tr.305.

[7] Thiền uyển tập anh. Sđd. Tr. 43.

[8] Thiền uyển tập anh. Sđd. Tr. 43.

[9] Nt. Sđd. Tr. 43

[10] Nguyễn Tài Thư chủ biên.Lịch sử Phật giáo Việt Nam. NXB KHXH. 1988. Tr.127

[11] Nguyễn Tài Thư chủ biên. Lịch sử phật giáo Việt Nam. Sđd. Tr. 129.

[12] Thiền uyển tập anh. Sđd. Tr. 45. Theo sách Lịch sử Phật giáo Việt Nam của Nguyễn Tài Thư, hương Cát Lợi, quận Thường Lạc là ở Bắc Giang, cũng như chùa Phổ Đà nơi Khuông Việt Đại sư tu cũng ở Bắc Giang. Xem tr. 132.