Tư tưởng thân dân trong thuật trị nước dưới thời ba vua khai sáng nhà Trần

29/ 10/ 2017 08:55:27

 

Để có một ý niệm về thuật ngữ “Thân dân”, kính xin quý vị lắng nghe một mẫu chuyện rút ra từ quốc sử đời Lý – Trần.

Vào đầu năm Đinh Hợi, 1227 vua Trần Thái Tôn tuyên bố các điều khoản về lễ thề về các quan tại kinh đô Thăng Long. Theo việc cũ của triều Lý, đến bấy giờ mới cử hành nghi thức như sau, hằng năm cứ ngày 4 tháng 4, Tể tướng và trăm quan, lúc gà gáy đến chực ngoài cửa thành, tờ mờ sáng tiến vào triều. Vua Ngự ở cửa Hữu Lang điện Đại Minh. Trăm quan mặc nhung phục làm lễ hai lạy rồi lui ra; đều đủ đội ngũ nghi trưởng theo hầu ra cửa tây kinh thành đến đền thờ Đồng Cổ, họp nhau thề rồi uống máu. Quan Thư trung kiểm chính đọc lễ thề rằng: “Làm tôi hết trung, làm quan trong sạch, ai trái lời thề này thần minh giết chết”. Đọc xong, quan Tể tướng sai đóng cửa lại để điểm, người nào thiếu mặt thì phạt 5 quan tiền. Ngày hôm ấy con trai con gái bốn phương đứng cạnh đường để xem chật ních cho là hội lớn.

“Dĩ dân vi bổn”: lấy dân làm gốc là đầu mối, là suối nguồn của việc trị nước an dân của người Việt. Tổ tiên ta không toa rập theo mẫu đúc như “khuôn vàng thước ngọc” của Nho giáo Trung Quốc mà đã vận dụng có tính sáng tạo vào hoàn cảnh, quốc độ Việt Nam qua các triều đại lịch sử với nhiều chiến công hiển hách vang lừng, đường lối cai trị nhân nghĩa trung hậu làm bừng tỏa tinh thần bất khuất, đoàn kết, độc lập và sáng tạo của nòi giống Việt và các dân tộc anh em của cộng đồng cư dân người Việt từ buổi vua Hùng dựng nước cho đến ngày nay.

Chủ trương Thân dân, viết Thân đọc Tân (1) đã có từ ngàn xưa. Nghiên cứu lịch sử dân tộc, các sử thần xưa và nhà viết sử nay đều nhất thiết đồng tình: trong lịch sử dân tộc chưa bao giờ có một triều đại nào có chính sách thân dân như triều đại Lý – Trần mà đặc điểm nổi trội qua ba triều vua: Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông.

Đường lối chủ đạo ấy vẫn được các triều Hậu Lê và nhà Tây Sơn vận dụng tinh hoa vào thực trạng của đất nước để chiến thắng quân Ngô tàn bạo và quân Thanh xâm lược với tội ác tày trời: Trúc Nam Sơn không ghi hết tội / Nước Đông Hải không rửa hết mùi.

Nội dung tham luận này chỉ có mục đích khơi gợi lại niềm tự hào về truyền thống văn giáo võ trị của 3 vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông làm đường lối cai trị dung hợp 3 học thuyết Nho – Lão – Phật một cách tuyệt hảo ở mức độ gần như đỉnh điểm khiến hậu duệ đời sau đã tự hào mà cả thế giới hôm nay phải thừa nhận mà nễ phục tinh thần Đại Nam. Đã 872 năm, tiếng vọng từ non xanh Yên Tử vẫn còn thấm đẫm trong huyết quản của con dân Việt và các dân tộc anh em chung sống một nhà Việt Nam, một non sông Việt Nam hình chữ S oai phong nhìn ra bờ cõi Thái Bình Dương dạt dào sóng vỗ. Lời dạy của vua Trần Thái Tông còn truyền lưu như một bằng chứng hiển nhiên: Giáo lý của Đức Phật ta phải nhờ tiên thánh mà truyền lại cho đời.

Hầu như lời của vua Trần Nhân Tông đã trao truyền lại cho đời sau như một thông điệp quý giá để nhắn gởi cho con cháu Lạc Hồng phải biết cách gìn giữ như gìn giữ hai con ngươi của đôi mắt mình vậy:

Thế gian thích vọng chẳng ưa chân

Chấp vọng lòng kia cũng pháp trần (2)

Thông thường con người hay say mê vọng tưởng hoang đường mà ít khi thích đối diện với sự thật. Nhưng nếu nghĩ cho kỹ thì sự chấp vọng cũng chỉ có ở ngay trong chính cuộc đời.

Thân dân hoặc Tân dân là học thuyết được nâng lên thành là chủ nghĩa nhân bản trị nước. Cốt tủy là khai sáng, khai mở trí tuệ và phát huy đạo lý, đức hạnh để làm đất nước thái bình, thanh bình thật sự, lâu bền theo đúng với tinh thần “nhật tân hựu nhật tân” (đổi mới, ngày một mới lên, mới hơn) do Nho giáo chủ trương. Việt Nho là nét độc sáng của người Việt, mà nhân nghĩa, đoàn kết, tương thân, tương ái, tùy duyên… là những chuỗi hạt tỏa ánh hào quang vô giá, bất diệt, bất hủ. Tất cả đã quyện chặt, liên kết lại thành thực hữu, thực tướng định hình cho thuật trị nước của một đất nước có vua hiền, tôi trung, nhất thiết làm việc gì có phương hại đến thần linh, đất nước, muôn dân, mờ ám trong chi tiêu… đều tin là có trời đất biết, hộ pháp biết. Không thể nào lấy vải thưa mà che mắt thánh thần, tiên Phật, tiên đế anh minh chính trực. Nhân dân chăm lo gìn giữ để làng nước thanh bình, phảng phất hương hoa của hồn sông núi linh thiêng, hun đúc thành khí chất con người theo lối coi trọng “hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Dân sinh hạnh phúc phải đặt lên hàng đầu vì rằng: “quân vi khinh, xã tắc thứ chi, dân vi quý” mà Mạnh Tử đã nói rõ trong sách cùng tên gọi, hoặc bàng bạc trong Kinh Thư luận bàn về quốc kế dân sinh như “phú chi”, “giáo chi” của cổ nhân.

Thân dân hoặc Tân dân là làm cho nhân dân vơi đi nỗi khổ tinh thần và vật chất, làm đời sống nhân dân phú cường, làm cho dân trí mỗi ngày một nâng cao, công nghệ tinh xảo, an ninh lương thực đảm bảo gặp lúc thiên tai, dịch bệnh, hạn hán, mất mùa, giặc giả cướp bóc… Có thầy dạy chữ, dạy nghề giỏi thì mới mong có công dân ưu tú, tài hoa. Sống biết lo nghĩ: cư an tư nguy. Học hành không phải vụ đỗ đạt làm quan tiến thân đâu, mà đào tạo người tài cho thiên hạ ở khắp cùng đất nước, làm dấy lên và thăng hoa hồn văn thân, sĩ phu yêu nước thương dân. Thân dân là phải biết nghe tiếng lòng của dân vì ý dân là ý trời. Lễ tất nhiên những kẻ cầu cơ hội nói xằng bậy, nịnh hót thì phải tùy mức độ nặng nhẹ mà trừng trị đích đáng theo lối vương đạo.

Thân dân theo tinh thần dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử mà cốt lõi rút tỉa từ kinh Hoa Nghiêm, từ tinh thần Hoa Nghiêm. Lòng từ trãi rộng trong thiên hạ bất hạnh ở sơn lâm cùng cốc, thôn cùng xóm vắng đìu hiu tẻ lạnh vì cô quả, vì bệnh tật ngặt nghèo. Lòng từ hay tình thương trãi rộng thấu tận chúng sanh muôn loài, thậm chí cả núi rừng, cây cỏ, môi sinh, môi trường, nước non…

Bài giảng của vua Trần Nhân Tông trong buổi giảng ở chùa Sùng Nghiêm vào tháng 12 năm Giáp Thìn, 1304 có vài trích đoạn làm sáng tỏ.

* Tăng đưa thẳng năm tay lên, nói:

– Đã có thể biết hết, thấy hết, thì có biết cái này có vật gì không?

Đáp:

– Như có như không

Chẳng không chẳng sắc (3)

* Ngày mồng 9 tháng giêng năm Bính Ngọ (1306), Trúc Lâm đại tôn giả đến viện Kỳ Lân khai đường, chỉ pháp tòa nói như một lời khuyên nhủ khác nào Đức Thế Tôn đã chỉ dạy: “Hãy tự mình thắp đuốc mà đi”. Không ai làm thay cho được dẫu là cha mẹ thân thương, minh sư tôn kính của chúng ta.

Và chúng ta còn hẳn nhớ lời dạy vang vọng của Điều Ngự Trần Nhân Tông:

… Nên hãy đi tìm cái đạo không thấy. Ba ngàn pháp môn cùng về tấc dạ. Hà sa diệu dụng thảy tại nguồn tâm. Cái gọi là giới môn, định môn, tuệ môn, các người không thiếu. Nên trở về mà tự nghĩ suy. Phàm những tiếng ho hắng, mày dương mắt nháy, tay cầm chân bước, đó là tính gì? Biết được tính đó là tâm gì, tâm tính rõ không, thì cái gì đúng, cái gì là không đúng.

Pháp tức là tính. Phật tức là tâm. Tính nào chẳng phải là pháp? Tính nào chẳng phải là Phật. Tức tâm tức Phật tức tâm tức pháp, pháp vốn chẳng pháp. Tức pháp tức tâm, tức Phật vốn chẳng tâm, tức tâm tức Phật… (4)

Từ tư liệu dẫn khởi, chúng ta có khả thể tư duy để dễ dàng rồi đồng tình với quan điểm của giáo sư Lê Mạnh Thát viết trong Toàn Tập Trần Nhân Tông ở trang 325-326.

“Và cũng có thể nói chưa bao giờ trong lịch sử Phật giáo Việt Nam kinh Hoa Nghiêm lại được diễn giải như ở thời đại từ vua Trần Nhân Tông về sau, khi phái thiền Trúc Lâm bắt đầu xuất hiện trên vũ đài văn hóa dân tộc” (5)

Quả thực “Đạo bất viễn nhân”. Mỗi người, mỗi sanh đều có căn cơ, nghiệp lực khác nhau, không ai giống ai, kể cả hai anh em ruột thịnh sinh đôi; kẻ ra trước, kẻ ra sau một chút chốc mà thôi!

Chữ tâm của nhà Phật siêu thoát vượt hẵn lên chữ tâm của Nho gia. Phật giáo không đòi hỏi mà khơi gợi để cho con người đi tìm nguồn tâm một cách tự nguyện vì họ là hành giả vượt sa mạc, băng qua con đường tơ lụa đầy gian nguy thử thách để tu tập, tu luyện để hành hương về xứ Phật:

Học như nghịch thủy hành châu bất tấn tất thối,

Tâm tựa bình nguyên tẩu mã nhị phóng nan thâu.

Tạm dịch:

Học như thuyền đi ngược nước, không tiến thì thoái lui thôi

Tâm như ngựa chạy xuôi đồng, phóng dật để mất tất cả.

Nhà Nho không tu theo lối chỉ trỏ của đức Phật thì dễ dàng gì mà xả bỏ, giải trừ tri kiến. Nhưng hạnh phúc thay cho nhà Nho nhờ vốn liếng trí tuệ, đạo hạnh dễ dàng choàng tỉnh dậy, hoát ngộ thấy chất Phật, Phật tính trong chính mình và muôn loài bừng tỉnh để tìm về cố quận mà giác ngộ giải thoát từ từ, rồi vào ngày nào đó đắc thành chánh quả cũng không muộn màng:

Dựng cầu đò, dồi chiến tháp

Ngoại trang nghiêm sự tướng hãy tu

Săn hỷ xả, chuyển từ bi

Nội tự tại kinh lòng hằng đọc.

(Cư trần lạc đạo phú – Hồi thứ tám)

Phước đức cho những nhà Nho, những sĩ phu, những văn thân, những công thần danh tướng cuối đời tìm về với Phật tính, hướng vọng về Phật Tổ để cảm nhận Phật cũng là ta!

Các vua Trần đã vi hành, thâm nhập vào lòng dân để thấy rõ sự tình của quần chúng, cảm thông nỗi khổ, nỗi lo của thiên hạ, của chúng sinh mà có kế sách lâu dài dùng văn trị võ giáo, tùy duyên phương tiện ở thị thành, nông thôn, vùng cát cứ của các vương thần, hoàng thân quốc thích. Bằng chứng là trước họa xâm lược Mông Nguyên ba vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông không những biết rõ mưu sâu hiểm độc của quân thù, tận dụng tướng tài, văn thần tiếp hơi, tiếp sức mà nhất là được toàn quân, toàn dân đoàn kết một lòng, xem cái chết tựa lông hồng để giáng cho quân địch những đòn quyết liệt. Xuất phát từ lòng yêu nước, yêu chuộng hòa bình mà chung cuộc kẻ thù xâm lược đại bại, tìm đường thoát thân chạy thục mạng về nước của họ mà lòng còn khiếp sợ.

Buổi đầu trước thế giặc mạnh, vua quan nước Đại Việt tạm thời dụng kế lui binh về đất Thái Vi, nay thuộc tỉnh Ninh Bình (xưa thuộc hai lộ Hoan, Diễn). Niềm tin vào dân, lấy dân làm điểm tựa để phản công về đối ngoại đã có mối giao hảo với Chiêm Thành ở phía Nam để hiệp lực theo lối “hợp tung” đánh chậm tan tác thủy binh của Toa Đô từ ngoài biển của thành Đồ Bàn lên hướng Bắc.

Hai câu thơ bất hủ của vua Trần Nhân Tông đề vào thuyền chiến chỉ huy là sấm truyền, là mệnh lệnh, là thông điệp nói ý chí quyết chiến quyết thắng trước quân thù:

Cối Kê cựu sự tu du ký

Hoan Diễn do tồn thập vạn binh (6)

Dịch là:

Cối Kê việc cũ ngươi nên nhớ,

Hoan, Ái đang còn chục vạn binh.

Lấy tích sử Trung Quốc để nhắn nhủ cho quân xâm lược biết họ là quân phi nhân phi nghĩa, quân cướp nước tàn bạo, trước sau đội quân xâm lược Mông Nguyên sẽ rước lấy thất bại tả tơi, đòi xin tha mạng sống. Chính cư dân gốc nhà Tống nhập Việt tịch trang phục theo lối người lính chiến Hán tộc, cũng khắc vào tay hai chữ “sát thát” như chiến sĩ, dân binh Đại Việt. Quân thù bán tín bán nghi mà tan rã hàng ngũ sớm từ trong ý thức đến trong thực tiễn đối đầu với quân ta đang ở thế thượng phong.

Việc các vua Trần Thánh Tôn, Trần Nhân Tông mở hội nghị Bình Than, hội nghị Diên Hồng lấy ý kiến của các bô lão là những điểm son trong kế sách chống giặc ngoại xâm, để lại bài học quý giá cho đời sau về tinh thần đoàn kết dân tộc xuất phát từ lòng yêu nước nồng nàn của quân dân nước Đại Việt.

Đối với kẻ thù đã ngã ngựa, nhục nhã vì thua trận thì vua Trần Nhân Tông có cách đối đãi khác thường, phi thường và rất cao thượng khiến cho quân sĩ ta ngạc nhiên và quân giặc nghe tin phải quy ngưỡng đức độ cao dày của vị vua nước Việt khó lòng so bì hay tìm thấy trong lịch sử Trung Quốc mà họ luôn luôn tự xưng là Thiên triều. Đó chính là việc vua Trần Nhân Tông đã cởi hoàng bào phủ lên đầu của tướng giặc Toa Đô đã chết trong giao tranh với quân đội nước Nam và đã tha thết cho Ô Mã Nhi lần đầu. Vua Trần và các bộ tướng cận thần, thứ thân một lòng không bao giờ chịu khuất phục trước những lời đe dọa của Hốt Tất Liệt khi “ông vua nước lớn” đòi hỏi vua nước Nam sang chầu. Đúng là người Việt từ vua quan đến hàng sĩ thứ sống chết theo mẫu người đại trượng phu: Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất. Đây là chính khí của sĩ phu.

Dân tộc Hán, dân tộc Việt cùng học Tứ thư Ngũ kinh nhưng người Việt đã thấm ý nghĩa của sách, chuyển hóa vào cốt tủy trí não để lập luận, hành xử theo lối kinh quyền, tùy duyên phương tiện khác với các nước lân bang. Danh tướng Trần Bình Trọng trả lời trước sự cám dỗ của quân thù: “Thà làm quỉ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”. Trần Thủ Đô nói: “Xin bệ hạ chém đầu tôi rồi hãy hàng”. Nguyễn Biểu thời Hậu Trần, lãnh trọng trách đi sứ rồi chịu chết chớ không chịu khuất phục kẻ thù Trương Phụ ở đất Hóa Châu. Thật là vua như thế nào thì văn thần võ tướng như thế ấy.

Quân dân trong đời thường ở tư thế sẵn sàng chiến đấu, trong xung trận với tinh thần “sát thát” đã huân tập sinh khí của bài Hịch tướng sĩ văn, Binh thư yếu lược của Hưng Đạo Vương TrầnHuHwgkjkjkjkjk Quốc Tuấn. Giọng văn hào sảng, nhạc điệu hùng dũng, oai phong khác nào tiếng trống trận thúc quân ở chốn sa trường, xem nhẹ cái chết như lông hồng để cho nền thái bình đất nước vững bền, nhân dân sống đời an lạc và  hạnh phúc. Vào thời chiến, cái giá phải đổi để chiến thắng là hy sinh nghĩa là gạt bỏ những tỵ hiềm, hy sinh tiền của, công sức và cả tính mệnh để bảo vệ cương thổ, giòng nòi nước Đại Việt.

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Tập I chép việc vua Trần Thái Tông tha tội cho tiểu hiệu là Hoàng cư Đà. Đây quả là một truyện sử sinh động và đầy lý thú ngày nay có thể dựng lại một truyện ngắn lịch sử hay để giáo dục thanh niên. Xin trích nguyên văn:

“Trước là vua cho các quan hầu cận ăn quả xoài, Cự Đà không được ăn. Đến khi quân Nguyên đến bến Đông, Cự Đà ngồi thuyền trốn đi. Đến Hoàng Giang gặp hoàng thái tử đi thuyền ngược lên. Cự Đà tránh sang bờ sông bên kia, thế thuyền đi rất gấp. Quan quản hô to lên hỏi: “Quân Nguyên ở đâu? Cự Đà trả lời: “Không biết. Các ngươi nên hỏi những người ăn xoài ấy.” Đến đây, thái tử xin khép Cự Đà vào cực hình hình để răn những kẻ làm tôi bất trung. Vua nói: “Cự Đà tội đáng giết cả họ, song đời xưa có việc Dương Chân không được ăn thịt dê, đến nỗi làm quân nước Trịnh bị thua. Việc của Cự Đà là lỗi của ta, tha cho tội chết, cho đánh giặc chuộc tội”.(7)

Cái gương sáng trong việc vua định tội Cự Đà một cách uyển chuyển, có tình có lý, có sự (tích cũ) nữa; khiến cho sau này vào năm Nhâm Tuất 1262, vua Trần Thánh Tông tỏ ra nghiêm minh trong việc soát tù, kẻ nào khi giặc Bắc sang mà đầu hàng nhà Nguyên thì không tha. Lại nữa, mùa Đông tháng 10 năm Bính Dần 1266 vua Trần Thánh Tông cuống chiếu cho các vương hầu công chúa, phò mã, cung tần chiêu tập những người xiêu tán không có sản nghiệp làm nô tì để khai khẩn ruộng hoang lập điền trang. Vương hầu có điền trang thực bắt đầu từ đấy. (8)

Nhờ vậy mà khi quốc biến, phải động binh, những trai tráng ở các điền trang trở thành người lính chiến tiên phong tinh nhuệ và trung thành nhất.

Chế độ cấp phát điền trang khiến cho chủ của nó va vấp phải điều không hay, chẳng hạn vào năm Canh Ngọ, 1270, Tĩnh quốc đại vương Quốc khang dựng phủ đệ ở châu Diễn, lang và vũ vòng quanh, lộng lẫy quá mức thường. Vua nghe tin, sai người đến xem, Tĩnh quốc sợ, mới tô tượng Phật để thờ. Nhờ thế mà về sau có cơ sở khang trang, uy nghiêm của chùa Thông một thời rạng rỡ ở đất Nghệ An. (9)

Vào tháng hai năm Mậu Dần, 1278 thường bị cháy vào ban đêm. Có lần Vua Trần Nhân Tông nghe tin rời hoàng cung cấp tốc vi hành ra ngoài thành xem chữa cháy, Nội thư gia là Đoàn Khung đi theo. Vua sai điểm xem những người đến chữa cháy và kiểm xem người nào đến trước. Khung đều sờ vào đầu từng người một, bảo ngồi xuống để đếm, đếm xong tâu rằng: “Người này đến trước, người này đến sau”. Vua hỏi: “Tại sao mà biết?” Khung trả lời: “Thần sờ vào đầu người nào thấy đổ bồ hôi ướt tóc mà có gio bụi bám vào là người đến trước cố sức chữa, người nào đầu tóc không có bồ hôi mà gio bụi phớt qua là người đến sau không kịp chữa vì thế mà biết”. (10)

Riêng về việc vua trần Nhân tông quan tâm đến hình án xử oan sai, sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư Tập 1 còn ghi rõ:

+ Tháng 10 năm Canh Thìn, 1280, em Đỗ Khắc Chung là Đỗ Thiên Thư kiện nhau với người, tình lý đều trái, người kia đón xe giá để kêu. Vua hỏi quan xử kiện. Trả lời rằng: “Án xử đã xong nhưng hình quan thoái thác không chuẩn định đó thôi”. Vua nói: “Đó là sợ Khắc Chung đó”. Bèn ngay ở trên đường sai Chánh trưởng nội thư hỏa là Trần Hùng thao kiêm chức Kiểm pháp quan để chuẩn định, thì Thiên Thư quả nhiên là trái. (11)

Sử còn là truyện thực, sinh động, gây nhiều suy nghĩ và đọng lại nhiều ấn tượng lâu dài cho người đọc, người học như nhắc nhở quan lại, dân chúng, sĩ tử nhớ đời mà tránh va vấp sai lầm đáng tiếc rồi nói lập lòa theo lối “sai đâu sử đó”. Việc quyết định minh oan của vua Trần chứng tỏ cả 3 vua đều tỏ ra thông tuệ, có thái độ yêu ghét rõ ràng, minh bạch xứng đáng được nhân dân kính phúc, quý mến, nhớ đời và tôn vinh là những bậc minh quân.

Kính thưa Quý vị,

Nhờ có duyên lành, chúng tôi về thăm di tích vua Trần ở đền Thái Vi thuộc tỉnh Ninh Bình; Tức Mặc thuộc tỉnh Nam Định và Tam Đường thuộc tỉnh Thái Bình vào dịp trước ngày kỷ niệm lần thứ 700 ngày mất và 750 ngày sinh của vua Trần  Nhân Tông. Chúng tôi được thăm điện thờ trang nghiêm và 3 ngôi mộ vua phía trước cánh đồng trước điện thờ ở tam đường. Trời cao đất rộng, non nước tuyệt đẹp, khí thiêng sông núi đã hun đúc các vua Trần là những bậc minh quân, anh hùng: 3 lần chiến thắng Mông Nguyên (vào các năm 1258 dưới triều Trần Thái Tông; 1285 và 1288 dưới triều Trần Nhân Tông).

Trong khuôn khổ thời gian có hạn, chúng tôi chỉ trình bày những điểm cốt lõi về tư tưởng thân dân trong việc trị nước của ba vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông. Ba lần quân dân Đại Việt chiến thắng quân Nguyên là những nét son vàng rực sáng trong lịch sử giữ nước. Châu Ô, Lý trở thành đất Thuận Hóa vuông ngàn dặm thông qua việc đi du lịch nước Chiêm tăng cường mối giao hảo với lân quốc láng giềng vào thời hậu chiến là một kỳ tích trong mở nước để tạo một bàn đạp cho các triều đại sau lấy chủ trương Cư Nho Mộ Thích mà trị dân, mở mang bờ cõi đến tận đất mũi Cà Mau chỉ trong vòng 200 năm.

Thời hậu chiến, chiến thắng Mông Nguyên, cả đất nước Đại Việt là cả một công trường rộn rã, sinh động dồn hết năng lực, trí tuệ, công sức để xây dựng đất nước khiến cho sứ thần Trung Quốc sang nước ta bang giao phải nễ phục mà hạ giọng điệu “đàn anh, đàn chị”.

Vào tháng giêng năm Chí Nguyện 30 (1993) sứ thần Trung Quốc Lương Tăng đến kinh thành Thăng Long đã viết lại trong hồi ký như sau:

“… Nước đó [Đại Việt] có 3 cửa. Giữa gọi là Dương Minh, trái gọi là Nhật Tân và phải gọi là Vân Hội. Bồi thần ra đón ngoài thành, sắp do cửa Nhật Tân để đi vào Tăng rất giận nói: “Đón chiếu không do cửa giữa, thế là làm nhục mệnh vua”. Liền trở về sứ quán. Thế rồi, mời mở cửa Vân Hội để đi vào. Tăng lại cho là không thể được. Thế rồi tự cửa Dương Minh đón chiếu vào. Tăng trách Nhân Tôn không tự mình ra đón chiếu” (12).

Có thân dân thì mới nói chuyện thu phục tâm công; từ đó mới có tất cả.

Bến Ngự, ngày 10 tháng 11 năm 2008

L.Q.T

Chú thích và chú giải

(1). Thân dân (親民) đọc là Tân dân (新民)

(2). Trích từ 4 câu:

Thế gian thích vọng chẳng ưa chân

Chấp vọng lòng kia cũng pháp trần

Cốt được vượt cao qua bến ấy

Khéo tham đồng tử gặp tiền nhân

(Trần Nhân Tông)

Pháp trần: các pháp ở trong thế gian, Phật Pháp bất ly thế gian giác.

(3) Trần Nhân Tông lúc này đã trở thành Thiền sư, Ngài xuất gia năm 1299 tại núi Yên Tử. Sắc tức thị không, không tức thị sắc trích từ Tâm kinh Bát nhã.

(4) và (5): Xem nội dung các bài giảng lúc thăng đường thuyết pháp của vua Trần Nhân Tông lúc đã ưa thích mọi người gọi là Thiền sư, còn đại chúng gọi Ngài là Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông.

(6) Toàn tập Trần Nhân tông, Lê Mạnh Thát, nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 2000, tr. 325-326.

(7) Cối Kê: tức việc Câu Tiển nước Việt xưa bị Phù Sai đánh bại, nhưng cuối cùng qua gian khổ, chịu nhục đã vùng lên tiêu diệt Phù Sai để chiến thắng. Cối Kê là địa danh của Trung Quốc.

Hưng Đạo Vương vâng lệnh điều quân dân các lộ Hải Đông, Vân Trà, Bà Điểm, chọn người khỏe làm quân tiên phong vượt biển vào Nam. Vua đã làm thơ đề ở cuối thuyền.

(8), (9), (10), (11) Xem Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Tập 1, nxb Văn hóa -Thông tin, Hà Nội, 2000, tr. 470, 477, 485, 491, 494 và 495.

(12) Toàn tập Trần Nhân Tông, Lê Mạnh Thát, sđd, tr. 300.

Lê Quang Thái

Ban Văn Hóa Tỉnh hội Phật giáo TT – Huế