Vua Dực Tông Nhà Nguyễn thán phục công đức giữ nước của nhân tông Nhà Trần

05/ 11/ 2017 13:51:47

Vua Dực Tông nhà Nguyễn (tức vua Tự Đức) hết sức chú trọng đến Lịch sử Việt Nam. Nhà vua đã giao cho Quốc sử quán biên soạn bộ Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục và đích  thân nhà vua đã soạn bộ Ngự Chế Việt Sử Tổng Vịnh hòng quảng bá cho trăm họ suy nghiệm về những nhân vật và giai thọai để rút tỉa những bài học về đạo đức đối với quốc gia dân tộc. Mỗi đề tài ngâm vịnh đều có sử liệu giải thích. Ngự Chế Việt Sử Tổng Vịnh có 10 quyển, gồm 212 bài thơ thất tuyệt bao trùm lịch sử từ đời Lạc Long Quân đến nhà Hậu Lê, chia làm 11 mục: Đế vương các triều đại, Hoàng hậu và phi tần, tôn thần, hiền thần, trung nghĩa, văn thần, võ tướng, liệt nữ, tiếm ngụy, gian thần, bổ vịnh.

Bài thơ vua Dực Tông vịnh công đức của vua Trần Nhân Tông in trong quyển 2, từ tr. 3a đến tr. 4b Ngự Chế Việt Sử Tổng Vịnh.

Nguyên văn sử liệu và thơ vua Nguyễn Dực Tông vịnh vua Trần Nhân Tông như sau:

Theo Sử ký bản chỉ chép, thì vua Trần Nhân Tông tên húy là Khâm, là con trưởng của vua Trần Thánh Tông.

Năm thứ tư niên hiệu Thiệu Bảo [1] (1282), người nhà Nguyên sai bọn Toa Đô đánh nước Chiêm thành. Nhà Nguyên lại khiến Thái tử Thoát Hoan đem 50 vạn binh đánh tiếng mượn đường nước ta để chinh phạt Chiêm thành, nhưng sự thực là họ tới để xâm lấn nước ta.

Nhà vua ngự giá đến Bình Than, nhóm họp với các vị Vương Hầu và bách quan trong triều đình để bàn bạc sách lươc công và thủ.

Ngài chọn Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn làm chức tiết chế thống lãnh các đạo quân của nước ta.

Tháng 12 năm Thiệu Bảo thứ sáu (1284), quân nhà Nguyên xâm phạm biên cảnh nước ta, quan quân ta đánh nhau với quân nhà Nguyên nhưng quân ta không thắng được địch, nhà vua phải dời đến vùng Đông hải.

Năm đầu niên hiệu Trùng Hưng (1285, niên hiệu thứ hai của vua Trần Nhân Tông) quân nhà Nguyên đến phạm kinh thành của ta, nhà vua rước đức Thượng hoàng (tức Trần Thánh Tông) đi vào tỉnh Thanh Hóa.

Mùa hạ tháng 4 năm ấy (Trùng Hưng nguyên niên) Chiêu Văn Vương là Trần Nhật Duật đánh bại quân Nguyên ở cửa sông Hàm Tử.

Tháng 5 năm ấy (1285), sau khi nhà vua rước đấng Thượng hoàng vào Thanh Hóa rồi, Ngài tự làm tướng đem binh đánh quân Nguyên, đánh cho Toa Đô đại bại ở đất Tây Kết và chém đầu Toa Đô ở đấy.

Trần Quốc Tuấn lại đánh quân Nguyên thua lớn ở Vạn Kiếp, Thoát Hoan phải chạy trốn về Tàu.

Vua lại rước đứa Thượng hoàng trở về nơi cung điện.

Lúc bấy giờ, xã tắc đã gần lâm nguy mà trở lại yên ổn, thiên hạ đã phân ly mà trở lại hòa hợp, công đức nhà Trần thật là to lớn vô cùng, kể từ đời họ Hồng Bàng trở xuống, chưa bao giờ nước ta được thịnh trị như đời Trần Nhân Tông vậy. (do NĐX nhấn mạnh)

Vua Trần Nhân Tông ở ngôi Hoàng đế được 14 năm.

Thơ vịnh Trần Nhân Tông:

Phân âm:

Lưỡng khước Nguyên binh điện cựu bang.

Trùng Hưng công đức quán Hồng Bàng

Đương niên nhị Đế hồi cung khuyết,

Tu sát Huy Khâm phụng biểu hàng

Tạm dịch:

Hai bận xua Nguyên giữ nước nhà,

Trùng hưng công nhất nước nam ta.

Trong năm hai Đế về cung khuyết

Hàng địch Huy (a), Khâm (b) thẹn lắm mà.

 Bình luận bài thơ trên:

Trong bài thơ trên, tác giả đã áp dụng những vần rất hiểm, mà những vần ấy đều vững vàng và thỏa đáng cả”.

Thần: Tùng Thiện công Miên Thẩm [2] phụng duyệt.

Trong bài thơ trên, phần nghị luận vốn đã chính đại không thể nào thay đổi được, mà việc mượn kẻ nầy để hình dung kẻ khác hay là mượn việc nầy để nói lên việc khác, lại càng tinh vi kỹ lưỡng vô cùng”.

Thần: Nguyễn Tư Giảng [3] phụng duyệt.

 Hồng Liên Lê Xuân Giáo và Nguyễn Quang Tô, phiên âm và dịch toàn bộ đoạn sao lục trên. Hai dịch giả đã chú thích và bình luận hai danh từ riêng Huy (a) và Khâm (b) như sau:

(a) Huy: vua Tống Huy Tông, hiệu Kiến Trung, tức vị năm Tân Tị (1101), bị người Kim truất phế và bắt về phương Bắc. Huy Tông xin hàng người Kim mà cũng không được tha.

(b) Khâm: vua Tống Khâm Tông, hiệu Tịnh khang, tức vị năm Bính Ngọ (1126) cũng bị người Kim truất phế và bắt về phương Bắc. Khâm Tông xin hàng người Kim mà cũng không được tha.

Trái lại vua Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông đánh đuổi quân Nguyên rồi trở về cung khuyết một lần. Đem Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông mà so sánh với Huy Tông, Khâm Tông thì Huy, Khâm có thể chết thẹn được [4].

Các sử thần triều Nguyễn biên soạn bộ Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục với quan điểm lịch sử của vua Dực Tông nêu trên. Đọc các sự kiện vua quan triều Trần chiến thắng quân Nguyên trong Cương Mục, vua Dực Tông châu phê một lời bình rằng:

Lúc bấy giờ nhà Nguyên mới nổi lên, khi thế rất ngang ngược; nhà Trần cũng may gặp lúc mới nổi lên được các vua Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông và tướng văn tướng võ phần nhiều người tài, mới có thể đánh bại được giặc, giữ được nước, chứ nếu gặp người khác thì chưa biết thế nào”.

Dịch lời phê nầy từ chữ Hán, các dịch giả của Viện Sử học Việt Nam đã chú thích thêm rằng:

“Lời phê kết thúc bằng tám chữ “nhược ngộ kỳ tha, vị khả chí dã”. Tám chữ nầy nghĩa không được rõ cho lắm, vì chữ “tha có thể là người khác hoặc lúc khác. Vậy tám chữ nầy ý nói nếu gặp vua tôi khác không anh dũng được như vua tôi nhà Trần hoặc lúc khác không được hưng thịnh như lúc nhà Trần mới nổi lên, thì chưa biết tình thế sẽ biến chuyển ra sao”[5].

 

Vua Dực Tông là một người sùng Đạo Nho, giỏi thơ văn kinh sử, tự hào về sự huy hoàng thịnh trị của triều Nguyễn thế mà ông đã phải hạ bút viết:

Công đức nhà Trần thật là to lớn vô cùng, kể từ đời họ Hồng Bàng trở xuống, chưa bao giờ nước ta được thịnh trị như đời Trần Nhân Tông vậy”.

Có lẽ không còn lời thán phục công đức của Trần Nhân Tông nào sáng giá hơn thế nữa. Công đức giữ nước của Trần Nhân Tông đánh dấu một cái mốc lịch sử quan trọng. Nếu không có hoàn cảnh, tài năng, công đức của vua quan triều Trần Nhân Tông thì sự thể nước ta sau đó không thể đoán định được sẽ suy sụp đến như thế nào. Sự xuất hiện của triều đại Trần Nhân Tông là một hồng phúc của dân tộc Việt.

Vua Dực Tông nhà Nguyễn không những đặt công đức của vua Nhân Tông nhà Trần đứng đầu trong lịch sử Việt Nam từ xưa cho đến đời Trần mà còn so sánh với các ông vua nổi tiếng của Thượng quốc là Huy Tông và  Khâm Tông nhà Tống nữa. Hai ông Huy Tông, Khâm Tông có cùng hoàn cảnh đất nước bị người ngoài chinh phục như Trần Nhân Tông. Nhưng Huy Tông và Khâm Tông đã đầu hàng giặc và đã bị giết một cách nhục nhã. Vua Trần Nhân Tông quyết đánh và đã thắng lợi vẻ vang. Như thế sự nghiệp giữ nước của vua Trần Nhân Tông hơn xa nhiều hoàng đế của Trung Quốc.

Vẻ vang thay sự nghiệp giữ nước của vua Trần Nhân Tông.

Huế – Gác Thọ Lộc, cuối tháng 10-2008

Chú thích

[1] Có sách phiên âm là Thiệu Bảo

[2] Tùng Thiện công Miên Thẩm (tức Nguyễn Phúc Miên Thẩm, 1819-1870), hoàng tử thứ 10 của vua Minh Mệnh, hiệu là Thương Sơn, giỏi thơ văn, tác giả Thương Sơn thi tập, gồm 54 quyển với trên 2.000 bài. Năm 1854 ông được phong tước Công, mãi đến năm 1929 dưới thời vua Bảo Đại ông mới được truy phong Tùng Thiện Vương.

[3] Nguyễn Tư Giảng (1823-1890), hiệu Thạch Nông, người Bắc Ninh, nổi tiếng hay chữ đỗ Hòang Giáp, làm quan đến Thượng thư bộ Lại, có đi sứ, tác giả Thạch Nông Thi văn tập hơn 10 quyển

[4] Dực Tông Anh Hoàng Đế, Ngự Chế Việt Sử Tổng Vịnh, tập Thượng, bản dịch của Lê Xuân Giáo và Nguyễn Quang Tô, Phủ QVK đặc trách VH xuất bản, Sg. 1970, tr. 117-119

[5] Viện Sử học, Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, tập I, Nxb. Giáo Dục, HN 1998, tr. 526.

Cư sĩ Tâm Hằng – Nguyễn Đắc – Xuân Thuật