LỢI ÍCH VÀ GIÁ TRỊ THIẾT THỰC CỦA PHẨM PHỔ MÔN TRONG KINH PHÁP HOA

29/ 03/ 2012 10:16:01

Mục đích của Đức Phật nói phẩm Phổ Môn là nhằm phá tưởng ấm. Do ý tưởng của chúng sinh có trăm ngàn muôn ức thứ. Bất luận là cái gì nó cũng đều có thể nghĩ tưởng được, có thể nó là vô tận ý. Trong kinh nói nếu niệm danh hiệu Quán Thế Âm là mọi ý tưởng sẽ được dứt trừ dừng lặng hết khổ.

LỢI ÍCH VÀ GIÁ TRỊ THIẾT THỰC CỦA PHẨM PHỔ MÔN TRONG KINH PHÁP HOA.

Tăng sinh Thích Thanh Đường

Trong kho tàng kinh điển, Diệu Pháp Liên Hoa là một bộ kinh được lưu truyền rất sâu rộng ở các nước Phật giáo theo hệ tư tưởng Đại thừa, như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam. Riêng ở Việt Nam, bộ kinh này có hai bản dịch từ Hán sang Việt rất sớm từ những năm 1930, 1940, đó là bản dịch của Hòa Thượng Thích Trí Tịch và của cư sĩ Đoàn Trung Còn. Ngày nay, những bản dịch này được Tăng Ni, Phật tử Việt Nam tái bản và truyền bá thọ trì đọc tụng khắp mọi nơi.

Đại thừa Diệu Pháp Liên Hoa kinh gồm 28 phẩm, với nội dung và mục đích ra đời của tất cả mười phương chư Phật được thể hiện qua lời dạy: “Các Đức Phật chỉ vì một việc trọng đại duy nhất mà ra đời, đó là vì khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến”.

Phẩm Phổ Môn là một trong 28 phẩm của bộ kinh Đại thừa Diệu Pháp Liên Hoa. Hiện tại việc trì tụng phẩm kinh này rất được thịnh hành trong giới Tăng Ni, Phật tử, vì phẩm kinh này đã giúp cho họ rất nhiều tiến bộ trên bước đường tu tập theo đạo giải thoát và giác ngộ.

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa nói chung, phẩm Phổ Môn nói riêng, là một bộ kinh liễu nghĩa thượng thừa. Vì thế, người viết bài này tự nghĩ mình là người tuệ cạn chướng sâu, phúc mỏng nghiệp dày chưa thể liễu ngộ được ý nghĩa trên. Nhưng dù sao trên bước đường tu tập cần phải được cố gắng, mọi cố gắng sẽ giúp chúng ta vượt qua tất cả. Qua bài viết này, bản thân người viết hi vọng sẽ thấm nhuần được phần nào giáo lý cao siêu của Đức Phật, để làm tư lương trên con đường tiến tu đạo nghiệp, đến nơi giải thoát.

Như chúng ta đã biết ngay ở đầu phẩm đề cập việc Bồ Tát Vô Tận Ý thưa với Đức Thế Tôn rằng: Làm sao có danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, Đức Phật trả lời: Nếu ai nghe tên Bồ Tát mà niệm danh hiệu Bồ Tát thì khổ đau không tới được, lửa không đốt được, nước không trôi được, bão không hại được, hình cụ ác quỷ, gông cùm, giặc cướp không thể hại được. Ai có tính đa dâm, đa sân, đa si mà niệm danh hiệu Bồ Tát thì thoát khỏi tính ấy. Ai muốn cầu con trai, con gái mà niệm danh hiệu của Bồ Tát thì được con như nguyện mà lại còn có trí tuệ nữa. Bồ Tát Vô Tận Ý lại thưa với Đức Phật, ngài Quán Thế Âm Đại Sĩ du hóa ở thế giới như thế nào? Kham nhẫn như thế nào? Đức Phật đã trả lời : Đối với chúng sinh ở thế giới nào hóa độ bằng thân hình gì, Bồ Tát biến thể như thân hình ấy để mà hóa độ. Trong tất cả sự sợ hãi hay cơn nguy cấp kinh hoàng và hoạn nạn, Bồ Tát Quán Thế Âm có thể ban bố cho người ấy sự không sợ hãi, mà được lợi ích.

Trong phẩm Phổ Môn, Đức Phật đã dạy cho tất cả chúng sinh phương pháp niệm danh hiệu Quán Thế Âm, nhằm mục đích phá trừ “ Tưởng ẩm”, bởi vì chúng sinh bị đau khổ là do tưởng làm nhân, cũng như là chúng ta tưởng là có đau khổ vậy; một lọc độc, một mũi tên đã xâm nhập vào cơ thể một cách mau lẹ, chẳng kịp tưởng tượng, chẳng kịp nghe nhìn, cũng không nghe sợ hãi. Sau đó tưởng tượng lại chúng ta mới thấy kinh sợ.

Do vậy tất cả mọi sự đau khổ của chúng sinh trên trần gian này không gì hơn là do tưởng mà ra. Đúng thế khi tưởng kết thúc thì mọi đau khổ có thể chấm dứt từ đó. Niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm liền hết đau khổ, đây là một phương pháp thực hành quán niệm dựa vào “ Âm văn”, được hiểu là nhĩ căn và thanh trần hay quán sát đến một mức độ nhĩ căn viên thông, như khi ngồi một nơi yên tĩnh, mười phương có tiếng động, cùng một lúc nghe đủ tất cả như vậy được gọi là viên. Dù ở bất cứ chỗ nào cũng không bị ngăn cách, dù gần hay xa đều có thể nghe thấy nên gọi là thông.

Quán Thế Âm cũng được xem là phản văn văn tự tính, trở lại tự tính giác thì mọi tưởng đều lặng. Khi sống được với tự tính giác thì mọi công hạnh diệu dụng đều đầy đủ. Trong sáu căn thì Nhĩ căn là hơn cả. Người theo Phật muốn trở về với tính giác của mình, đạt được nhĩ căn viên thông thì chắc chắn đạt kết quả. Nên trong kinh Phật dạy, niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm được công đức thù thắng hơn cả, nhưng niệm bằng cách nào mới là điều cần thiết?

Để trả lời câu hỏi này, như các bậc tiền bối đều đồng nhất cho rằng, phổm Phổ Môn được liệt vào hàng “ Nhập Phật tri kiến”, nghĩa là phải quán lại tính giác chân thực của mình. Quán được thanh tịnh thì lúc đó trí tuệ của hành giả mới được phát sinh. Với lòng từ bi đầy đủ, chuyên tu cho đến khi nào mà tất cả đều trở về thanh tịnh, lúc đó ( Như Lai trí) mới phát ra soi sáng và có thể phát sáng tất cả mọi nơi như trong kinh nói:

“ Chân quán thanh tịnh quán

Quảng đại trí tuệ quán

Bi quán cập từ quán

Thường nguyện thường chiêm ngưỡng

Vô cấu thanh tịnh quang

Tuệ Nhật phá chư ám

Năng phục tai phong hỏa

Phổ minh chiếu 5 thế gian”.

Đây là phương pháp tu hành trở về với “ tri kiến Phật”, diệt hết vọng tưởng khổ đau, đạt đến cảnh giải thoát an vui. Vấn đề tri kiến Phật vào tâm tính chúng ta, tâm tính ta và tri kiến Phật cũng vậy, trong ta có Phật, trong Phật có ta. Khi ta mê thì ta là ta, ta không là Phật, lúc ta không còn mê, tức là ta đã giác thì ta là Phật. Bởi vây, ta không còn là chúng sinh mê muội tội lỗi và đau khổ nữa.

Đức Phật xưa kia, khi còn mê mờ chân lý thì vẫn là một con người, một chúng sinh. Khi chúng sinh “ giác” tỉnh thức thì không còn là chúng sinh nữa mà là Phật được thể hiện qua câu nói: “ Nhất tính viên thông nhất thiết tính”. Tính Phật và tính chúng sinh không có danh giới riêng khác, mà chỉ khác ở điểm mê và ngộ mà thôi.

Như trên đã trình bày, mục đích của Đức Phật nói phẩm Phổ Môn là nhằm phá tưởng ấm. Do ý tưởng của chúng sinh có trăm ngàn muôn ức thứ. Bất luận là cái gì nó cũng đều có thể nghĩ tưởng được, có thể nó là vô tận ý. Trong kinh nói nếu niệm danh hiệu Quán Thế Âm là mọi ý tưởng sẽ được dứt trừ dừng lặng hết khổ. Nếu người hành giả khổng hiểu cho kỹ về vấn đề này thì sẽ đi lầm đường của kinh này.

Ở đây Đức Phật đã nói lên hạnh quá khứ của Bồ Tát Quán Thế Âm, ngài đã khởi lòng từ bi quán sát tiếng kêu đau khổ của chúng sinh mà đến, hiện thân đến cứu thoát chúng ra khỏi đau khổ. Nếu hành giả cứ hiểu theo chữ nghĩa chấp vào hình tướng thì khó có thể tìm ra được giải pháp hữu hiệu. Như trong kinh có đoạn viết: “ Có người trì danh hiệu Quán Thế Âm, dầu vào trong lửa, lửa chẳng cháy được vì do sức oai thần của Bồ Tát mà được như vậy”, với sự nương nhờ vào giáo của Đức Phật, tại sao chúng ta lại không tin vào lời nói đó hay sao? Là đệ tử Phật, học kinh Phật mà không tin kinh Phật thì còn ai tin, nhưng nếu mà tin thì ta thử đốt một đống lửa rồi ta niệm Bồ Tát Quán Âm mà đi vào trong đống lửa đó hỏi ta có thể tồn tại không. Nếu ta tồn tại thì lời Phật nói là đúng, nếu ta không tồn tại thì ta nghĩ sao về lời nói trong kinh. Trong kinh còn đưa ra rất nhiều điều lợi ích của người niệm danh hiệu Quán Thế Âm, muốn giải quyết được vấn đề này chúng ta phải hiểu Bồ Tát Quán Âm là gì?

Sự thực Quán Thế Âm là danh hiệu “ Nhân cách hóa một phương pháp tu tập”. Ở đây “Quán” là vật dụng cái trí năng soi rọi vào tâm để nhận thức lấy đối tượng như khi ta quán tưởng, quán niệm đến một đối tượng nào đó mà thôi. “ Thế” nghĩa là sự vận động liên tục không có lúc nào ngừng nghỉ của sự vật, ở đây cũng thể hiện cái sự tương tục của tâm chúng sinh. “ Âm” là đối tượng của nhĩ căn như âm thanh, âm hưởng. Như vậy, Quán Thế Âm là quán cái tâm thầm lặng mà trong suốt, sáng lạng thường tồn, thường hằng, không có gián đoạn trong tâm của mỗi chúng sinh. Tiếng của tâm ta, là tiếng lòng mầu nhiệm của ta, là thứ tiếng thường xuyên liên tục không ngừng nghỉ, không bị bất cứ một âm thanh hay một âm hưởng nào có thể sen kẽ vào được, nó thường vẳng lặng mà thanh tịnh. Tâm ấy luôn luôn nhắc nhở chúng ta, nếu mà chúng ta biết để ý, biết lắng nghe nó có thể nói ngày, nói đêm hay bất cứ lúc nào. Nhưng thực tại với chúng sinh thì khó có thể phân biệt thứ tiếng nào là mầu nhiệm, nên ta khẳng định quán niệm Quán Thế Âm là nhân cách hóa phương pháp tu tập.

Như vây, tiếng mầu nhiệm đó là những thứ tiếng có khuynh hướng giúp chúng sinh đến bờ giải thoát và giác ngộ. Theo hạnh của Bồ Tát thì phương pháp tu hành là lục Ba La Mât: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ và các pháp tu tập đưa chúng sinh đến nơi giải thoát, những thứ đó được liệt vào những thứ tiếng mầu nhiệm. Trái lại những gì có tính vô minh phiền não đau khổ như tham, sân, si, mạn…đó là những thứ tiếng mà người niệm Quán Âm cần phải bỏ đi chẳng nên giữ nó làm gì. Niệm như vậy thì cảnh giới giải thoát sẽ hiện hiện. Lòng cứu khổ của Bồ Tát Quan Âm là nhằm giải thoát sự khổ tâm, khổ tinh thần, cái khổ tinh thần được giải thoát thì thân thể sẽ lành mạnh, mọi giá trị vật chất sẽ đến với chúng ta. Vì vật chất không ngoài tinh thần, tinh thần không ngoài vật chất. Hai vấn đề này có mỗi liên hệ hữu cơ với nhau. Như thế sự cứu độ của Bồ Tá Quán Thế Âm là cứu độ về tinh thần, ngài sẽ cho chúng sinh những gì thuộc về lĩnh vực giác ngộ, giải thoát tâm tư và ý thức, chứ Bồ Tát không ban bố cho chúng sinh về vật chất hữu vi.

Nếu ta hiểu Bồ Tát sẽ cho ta về vất chất thì tự chúng ta đi vào đường khổ ái triền miên không bao giời có lối thoát. Bồ Tát là bậc đại đạo tâm, thành tựu chúng sinh. Bồ Tát là bậc hữu tình đã giác ngộ, Bồ Tát là bậc giác ngộ cho hữu tình. Mà đạo lý nhân quả Phật dạy Bồ Tát đã thân chứng, chính tà, chân ngụy, chính pháp, phi pháp với trí tuệ hành thâm “ Bát Nhã Ba La Mật”. Vậy mà người theo đạo lại nỡ cho rằng, Bồ Tát đai từ đại bi, cứu khổ cứu nạn, ngài độ hết thảy chúng sinh vô điều kiện, chỉ cần chúng sinh “ cúng dàng”, cầu nguyện và ra sức khấn vái.

Với sự hiểu biết nông cạn, việc làm không có ý chí không thể chấp nhận được. Muốn hiểu thấu đáo hạnh nguyện của Bồ Tát thì trước hết thì chúng ta phải hiểu rõ vấn đề đau khổ của chúng sinh là từ đâu mà có, thì mới có thể giải quyết được khổ nạn ấy và được an vui như hạnh nguyện niệm danh hiệu Quán Âm.

Trong kinh đức Phật đưa ra những khổ nạn như là nạn lửa, nạn nước, nạn quỷ la sát, đao, ma quỷ… Đối với tất cả các nạ này, người học Phật phải hiểu đây là nạn về tính nạn, nghĩa là nạn thuộc về tâm, do tâm chúng sinh gây ra mà có hay còn, được xem là nạn do tâm sở bất thiện gây ra mà có. Nói như thế là tội do tâm sinh ra. Như trên đã nói, niệm Quan Âm là dứt tưởng ấm, ví như nạn lửa ở đây chỉ cho tính thấy biết, bởi vì tính thấy biết trái ý hay sinh nóng nảy như lửa vậy. Vì thế nói đến lửa của chúng sinh thì có vô số, như là lửa giận tức, lửa dâm dục, lửa bất mãn, lửa bất bình, lửa hận não. Những ngọn lửa ấy nó là nguyên nhân làm cho chúng sinh bị đau khổ khổng thể giải thoát ra được nguồn sinh nẻo tử. Trong kinh Tứ Thập Nhị Chương có nói: “ lửa sân hận thiêu đốt rừng công đức”. Cũng như nước cạn, đây là chỉ cho biết tính nghe biết vì chúng sinh hễ cứ nghe tiếng êm dịu, dễ bị cuốn trôi. Do đó mà bị những lời hay, êm dịu làm cho lăn ngụp trong biển ái nhục dục đau khổ. Tính luyến ái nặng nề của chúng sinh cũng được ám chỉ một hình thức cuốn trôi nhấn chìm như là nạn nước vậy.

Nạn Quỷ La Sát, ở đây ám chỉ những chúng sinh có tính độc ác bạo ngược, giết hại sinh linh. Nạn dao gậy ta phải hiểu nạn này là tác hại của sáu căn tiếp xúc với sáu trần, sinh nhiễm vào sáu trần làm chúng ta bị khổ đau như cắt, như đánh vậy. Nạn ma quỷ ám chỉ cho con người không có trí tuệ sinh ra lòng tham, sân, si, mạn, nghi, thụy miên, phóng dật, hôn trầm. Nạn Gông cùm xiềng xích biểu hiện những thứ gì mà nó làm cho con người ta bi mất tự do tự tại, kìm hãm sự phát triển về thể xác lẫn tinh thần. Nạn giặc cướp, ở đây ám chỉ những hành động tạo tác của chúng sinh vì không tu những điều thiện, đã làm những điều sai quấy do nghiệp báo tội lỗi đó mà mất hết công đức cũng giống như bị kẻ cướp hết sạch của cải vậy.

Nói tóm lại, tất cả những từ có mang tính nạn có tác hại, gây ra đau khổ, mất mát mà ở trong Phẩm Phổ Môn đề cập là nhằm hướng người học Phật phải hiểu rõ đó là hành động thuộc lý “ Bất thiện tâm” gây nên, chứ không nên hiểu đó là sự cụ thể. Khi đã hiểu như thế rồi thì phương pháp niệm Quán Thế Âm mới có công năng. Nhưng dù sao tâm thiện hay bất thiện cũng đều hiểu đó là cách nói biểu trưng, vì lẽ Quán Âm là pháp tu tế “ Nhập Phật tri kiến” chứ không phải là để mong cầu lễ bái. Pháp Quán Thế Âm là pháp thí cho chúng sinh vô úy ( không sợ), vì quán niệm Thế Âm nhất tâm thanh tịnh thì chẳng còn gì đáng sợ nữa, kể cả đến việc sinh tử, người tu Phật cũng cảm thấy bình thường đó chỉ là một quy luật của tự nhiêm mà thôi. Nếu hiểu được và thực hành đúng theo pháp niệm Quán Thế Âm là sống đúng theo chân lý. Người sống đúng theo chân lý là người đã giác ngộ, sẽ hiểu quy luật của tự nhiên của vũ trụ, thì trong cuộc sống hàng ngày làm gì có đau khổ, làm gì có bất mãn, như vậy được giải thoát và giác ngộ đúng nghĩa của Phẩm Phổ Môn, thể hiện qua lời dạy của Đức Phật: “ Đức Phật nói: “Này A Nan, không phải lễ bái là tôn kính, là làm vẻ vang Như Lai đâu. Bất luận Tỷ Khiêu hay Tỷ Khiêu Ni nào và bất luận thiện nam tín nữ nào, biết theo lời giáo huấn tu tập phát huy được giới, định, tuệ, gắng giữ phẩm hạnh trang nghiêm, đời sống chân chính, thì người ấy tôn kính và làm vẻ vang Như Lai một cách cao thượng nhất”. ( Đức Phật và Phật Pháp)

Trong giáo Lý của Đức Phật có tám mươi bốn ngàn pháp môn và vô số Kinh, Luật, Luận để tu tập, nhưng điều cốt yếu nhất vẫn là trí tuệ của con người. Trí Tuệ cũng được đức Phật phát triển đến một trình độ cao nhất, chính tại điểm nay ngài đã tuyên bố: “ Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật đang thành và sẽ thành”. Ngài đã luôn khuyên chúng đệ tử đi theo con đường giới, định, tuệ mà ngài đã từng trải, để tất cả mọi người đều phát huy trí tuệ như ngài. Mặt khác, trong khi giảng dạy Đức Phật không bao giời dùng uy lực bắt ai theo mình, ngược lại ngài dạy đệ tử phải biết hòa nghi và ngờ vực, đồng thời cũng phải chứng thì mới đi đến chính kiến và chính tư duy. Ngay cả đối với lời dạy của mình, Ngài cũng luôn nói rằng ta chỉ có một con đường và mục tiêu của con đường ấy, sự thành quả hay không là tùy thuộc vào sự cố gắng của mỗi người: “ Các con phải tự mình cố gắng. Các Như Lai chỉ là những Đạo Sư” và trong sự có gắng ấy, mỗi người phải nương tựa vào chính mình chứ không thể trông chờ gì được ở ai, ngoại trừ giáo pháp.

Đạo Phật xuất hiện ở đời là một đức tính bình đẳng, với phương tiện giáo hóa chúng sinh là dùng lòng từ bi, lòng từ bi có là do bình đẳng, lòng từ bi là cánh tay mặt hầu hạ kề bên đức bình đẳng và là việc làm của những bậc Chính Đẳng Chính Giác. Các hành giả của Như Lai đã nhiệt tâm nhiệt lực đem Pháp Bảo của Như Lai hoằng truyền khắp nơi, cho mọi người giác ngộ, thức tỉnh. Nhờ thấy rõ mục đích, giúp họ quay về đường sống giải thoát, không còn tham, sân, si giết hại lẫn nhau, cũng không còn hơn thua danh lợi thế quyền, thoát khỏi thế nạn bằng sự thực hành những giáo lý của Thế Tôn.

Trong xã hội hiện nay có biết bao con người đang bị khổ bởi những dục vọng tầm thường của thế thế gian, nhưng nhờ ánh sáng trí tuệ và lòng từ bi của đức Phật mà thức trí của họ được khai mở. Họ biết là mình đang khổ nạn, không còn tự cao bướng bỉnh liều mạng thì họ hết lòng hâm mộ đạo lý, mong cầu kêu cứu với giáo Pháp của Đức Phật.

Là những vị Quán Âm, thường cảm ứng theo duyên với tấm lòng cầu đạo, nhờ các ngài thuyết pháp mà được hết khổ. Nên người ta thường niệm tưởng đến danh hiệu Quán Thế Âm. Nếu người nào theo giáo lý của Phật mà chưa đạt thì chỉ cần nhắc lại câu: Kính lạy đại từ đại bi Quán Thế Âm. Họ được nhắc lại câu đó như thế là để quên đi sự ghê sợ, nạn khổ ở đời và đừng sao lãng sự phát tâm cầu đạo giải thoát.

Đạo Phật đặt niềm tin lớn vào ý nghĩa nhân bản của con người, đề cao con người ngang hàng với bậc thánh, vì con người thực sự sẵn có khả năng mần mống để trởi thành bậc thánh nếu con người quyết tâm tiến theo con đường Đức Phật đã đặt ra. Đạo Phật không hứa với chúng ta một thiên đường xa sôi siêu thế, đạo Phật yêu cầu chúng ta nhìn thẳng vào thực tại, tìm ra những nguyên nhân gây cho chúng ta bất hạnh và đau khổ ưu tư sợ hãi, rồi chỉ cho chúng ta phương pháp thiết thực để đoạn trừ những nguyên nhân đó. Đức Thích Ca – vị Bổn Sư vô cùng tôn quý đã sinh ra giữa loài người, đã đến với chúng sinh như một người , những gì ngài tuyên bố giảng thuyết, con người đều có thể hiểu và làm được lời dạy của Ngài và có giá trị thiết thực với hiện tại và tương lai, nó giúp chúng ta giải quyết tốt đẹp các vấn đề của cuộc sống.

Sinh ra đời ai cũng muốn hạnh phúc, không ai muốn đau khổ mà đạo Phật chính là Đạo giúp con người hết đau khổ. Nếu đã nói Đức Phật và Bồ Tát đến với chúng sinh như một con người bình thường, ở mọi địa vị, với mọi phấn đấu kiên trì của bản thân, các Ngài đã trở thành thánh nhân, vạch ra con đường cho con người liễu ngộ để được giác ngộ và giải thoát, đó chính là con đường tu theo “ Bát Chính Đạo” một phương pháp ai cũng có thể tu tập, không phân biệt nam hay nữ, già hay trẻ, trí hay ngu. Thậm chí cũng không có phân biệt trong qúa khứ người ấy đã sống như thế nào, đã phạm lỗi lầm gì. Chúng ta tin tưởng rằng dù ở cách xa Đức Phật hơn 25 thế kỷ, nhưng nếu chúng ta sống thật sự đúng như lời Phật dạy, thì dù tại gia hay xuất gia, đều có thể được đức Phật và Bồ Tát thị hiện đến nơi mình giúp đỡ. Cuộc sống của chúng ta sẽ giảm bớt được những điều bất hạnh và đau khổ, sẽ được an lạc hơn, hữu ích hơn đối với bản thân, đối với gia đình và xã hội. Vì đó là nếp sống đạo đức hướng thượng, đảm bảo hạnh phúc cho mình và cho người, cho đời sống nay và cho muôn đời sau.