Sống khỏe nhờ luyện thiền khí công

16/ 03/ 2016 08:21:09

Sự dung hợp giữa tu thiền Phật giáo với dưỡng sinh Trung Quốc, khiến cho phương pháp tọa thiền của đạo Phật ngày càng có công dụng dưỡng sinh bảo vệ sức khỏe.

 

Hiện nay có nhiều phương pháp luyện công nổi tiếng như Thiên Thai chỉ quán (Trí Nghỉ chỉ quán liệu pháp), Đạt Ma quán bích liệu pháp, Chánh giác mặc chiếu thiền pháp, Ngũ môn thiền đối trị pháp, Du già minh tưởng thuật …
Phép hô hấp để rèn luyện và điều chỉnh hơi thở
Có một lần, Đức Phật Thích Ca hỏi các sa môn: “Sinh mệnh con người ở trong khoảng nào?”, một vị đáp: “Trong khoảng vài ngày”, Phật nói: “Ngươi chưa thể đắc đạo”.
Lại hỏi một sa môn, vị này trả lời: “Trong khoảng ăn uống”. Phật cười nói “Ngươi chưa thể đắc đạo”. Hỏi người thứ ba được nghe câu trả lời “Trong khoảng hơi thở, khí ra mà không vào, khí vào mà không ra”. Phật khen “Lành thay, ngươi có thể gọi là đắc đạo”.
Qua câu chuyện chúng ta thấy rõ, hô hấp là cơ sở để duy trì sinh mệnh con người. Chính vì yếu tố này mà các tổ sư ngày xưa đã đưa ra phương pháp “Thai tức pháp” là phép hô hấp để rèn luyện và điều chỉnh hơi thở.
Tương truyền cách tập luyện này là do Bồ Đề Đạt Ma truyền lại. “Thai tức” bao gồm 2 loại là Bế tức và Điều tức. Theo đó Bế tức là rèn luyện ngưng thở để tạo năng lực kéo dài hơi thở, có thể ngưng thở với thời gian lâu.
Còn Điều tức là điều hòa hơi thở thông qua phương pháp luyện khí ra vào, sao cho đưa con người trở về trạng thái tĩnh lặng nhất. Cả hai đều có công dụng làm tích tụ nguyên khí (năng lượng – PV) trong cơ thể con người từ đó đạt được sự khỏe mạnh và nâng cao tuổi thọ hơn.
Chúng ta có thể tập Bế tức bằng cách mỗi ngày vào giờ Tý (23h đêm – 1h sáng) đến giờ Ngọ (11h – 13h trưa). Lúc tập có thể ngồi hoặc nằm, nhắm mắt không chú ý gì hết, không suy nghĩ cái gì. Đối với lối sống hiện đại thì nên rèn luyện 1 lần vào buổi sáng và 1 lần vào lúc sắp ngủ.
Người mới tập có thể dùng mũi chầm chậm hít vào rồi ngưng thở đếm thầm từ 1 đến 10 hoặc hơn, đến lúc không nín thở được nữa thì từ từ thở toàn bộ khí ra. Hít vào hay thở ra đều phải chú ý đến các yếu tố lâu, dài, nhẹ, êm không tiếng. Sau khi tập luyện lâu ngày có thể đạt đến đến mức “để lông hồng trước mũi vẫn không động”.
Còn đối với Điều tức pháp, thời gian luyện công giống như trên, ngồi xếp bằng, 2 lòng bàn tay chồng lên nhau ngửa lên, hai ngón cái giao nhau, đưa xuống bụng dưới, trừ tạp niệm (những ý nghĩ không hay – PV), lưỡi cuốn lên vòm miệng.
Trước hết hô hấp tự nhiên, đếm thầm từ 1 đến 10… lặp đi lặp lại. Sau khi thật sự thoải mái nhất (không còn để ý gì xung quanh – PV), đổi sang cách thở bụng, hô hấp sâu, nhẹ, dài, đều để nhập tĩnh (lắng đọng tâm – PV) ở mức độ cao, hơi thở dần dần rất chậm. Sau khi luyện không nên cử động mạnh, trước hết phải xoa mặt, chà tai, dần dần mở mắt, sau đó đứng dạy.
Luyện bế khí và điều khí không nên gắng gượng mà phải tuần tự tu luyện. Người có bệnh thần kinh phân liệt, ung thư gan giai đoạn giữa, bệnh huyết mạch nghiêm trọng thì không nên tập.
Điều chỉnh hô hấp và bài trừ tạp niệm
Tên phương pháp là Điều tức liệu pháp, cách tập đối với người mới học tu thiền, có lợi cho sức khỏe.
Để tập luyện, các hành giả cần ngồi thoải mái, ngay ngắn, hai tay đặt ở trước bụng, toàn thân thả lỏng. Dùng lưỡi quét khoang miệng mấy lần, nhè nhẹ thở khí qua miệng rồi dùng mũi nạp thanh khí (không khí bên ngoài – PV) vào 3-5 lần không để phát ra thanh âm (tiếng – PV).
Nếu trong miệng sinh ra nước miếng thì nuốt, hai hàm răng gõ vào nhau, lưỡi cong lên vòm miệng, mắt hơi nhắm. Rồi đếm thầm hơi thở từ 1 đến 100 rồi lặp lại khiến cho ý niệm tập trung, hơi thở nhẹ nhàng, dần dần đạt đến cảnh giới “tâm tức tương y” (tâm và hơi thở nương vào nhau).
Duy trì luyện công từ 1 tiếng đồng hồ trở lên. Lúc thâu công (chuẩn bị kết thúc tập luyện – PV) nên từ từ thả lỏng tay chân, mở hai mắt, xoa mặt và tứ chi.
Liệu pháp này có thể dùng để trị liệu các chứng hư nhược, bệnh mạn tính như mất ngủ, suy nhược thần kinh, nội phân tiết thất điều… đối với người không bệnh cũng có tác dụng tốt cho sức khỏe.
Ngồi yên không suy nghĩ để chữa bệnh
Nhân Thị Tử tĩnh tọa liệu pháp, là phương pháp tĩnh tọa (ngồi yên lặng không suy nghĩ – PV) dưỡng sinh do Tưởng Duy Kiều (1872 – 1958), tự là Trúc Trang, hiệu là Nhân Thị Tử, một nhà khí công nổi tiếng cận đại sáng lập.
Ở đây Tưởng Duy Kiều dung hòa giữa phương pháp tu tập của Thiền tông với công pháp Tiểu châu thiên của Đạo gia.
Để áp dụng, người hành giả chọn nơi tĩnh lặng, đóng cửa để không bị người khác quấy rầy, tùy ý ngồi xếp bằng hay ngồi bình thường trên giường hoặc ghế, mở áo rộng, phần ngực hơi hướng về trước, mông hơi nhô ra sau, khiến cho sống lưng thẳng, bụng dưới vững chắc, hai tay đặt trên chân, lòng bàn tay chồng lên nhau trước bụng dưới.
Sau đó thân trên hơi lắc nhẹ sang bên trái, phải, đầu giữ thẳng, toàn thân thả lỏng tự nhiên, ý tập trung ở bụng dưới, hơi nhắm hai mắt, hô hấp như thường. Tiếp theo mở miệng đưa toàn bộ khí ra rồi cuốn lưỡi lên vòm miệng, miệng ngậm nhẹ, dùng mũi hít không khí bên ngoài, hít thở 7 lần.
Thời gian tĩnh tọa tốt nhất là buổi sáng khi ngủ dậy và buổi tối trước khi ngủ, nếu không thì mỗi ngày ít nhất có 1 lần tĩnh tọa khoảng mấy phút trở lên. Sau khi đạt đến một trình độ nhất định, khí trong cơ thể sẽ điều chuyển trong kinh lạc (huyệt đạo trong người – PV) mà sản sinh hiệu ứng “Châu thiên” (gia tăng sức khoẻ, đẩy lùi bệnh tật – PV).
Lúc kết thúc từ từ mở mắt, cử động chân tay, không nên vận động mạnh ngay. Phép này có công dụng bảo vệ sức khỏe cho người trung lão niên và người cơ thể suy nhược, lại có thể chữa trị cơ năng hô hấp, hệ thống tiêu hóa cùng các bệnh mạn tính, có hiệu quả rất tốt trong việc chữa trị các chứng di tinh, dương suy, trĩ, thoát giang, đầu váng, đau đầu…
Thiên Tường