SỰ PHÂN PHÁI CỦA PHẬT GIÁO THỜI KỲ ĐẦU – TRIẾT HỌC BỘ PHÁI PHẬT GIÁO

20/ 04/ 2018 11:04:32

SỰ PHÂN PHÁI CỦA PHẬT GIÁO THỜI KỲ ĐẦU – TRIẾT HỌC BỘ PHÁI PHẬT GIÁO

(tiếp theo kỳ trước)

  Tiến sĩ Thích Thanh Quyết

  1. Tam Tạng của Đại chúng hệ

 

Sau khi Đại chúng hệ phân phái đã diễn ra kết tập Tam Tạng, thường được gọi là Đại kết tập hoặc Đại chúng bộ kết tập. Theo Nam truyền Phật giáo, lần kết tập này của Đại chúng hệ đã làm thay đổi nội dung Kinh điển mà Thượng toạ kết tập, đã loại bỏ và thêm vào khá nhiều nội dung trong Kinh và luật. Thứ tự sắp xếp của Kinh cũng bị thay đổi, bộ phận phụ của luật cũng bị thủ tiêu đi. Những tên người, hành trạng v.v…của bộ phận bản sinh trong luật đều có sự thay đổi. Hiện nay hầu hết nguyên bản Kinh Luật của họ đều không tồn tại, chỉ còn bộ Đại sự[1] (tức bộ phận Phật truyện bản sinh trong luật) bằng Phạn ngữ. Đây là những điều truyền dạy của Thuyết Xuất thế bộ, có nhiều học giả người Nhật chuyên nghiên cứu bộ sách này. Nội dung của sách này được phản ánh trong bản Hán dịch Phật bản hạnh tập Kinh. Phật bản hạnh tập Kinh là tổng hợp của 5 bộ phận chuyện mà thành. Những cách nói khác nhau trong đó đối với Đại chúng hệ đều được chỉ rõ, cũng nói là Phật chuyện của Đại chúng, gọi là Đại sự. Về phương diện kinh có bản Hán dịch Tăng nhất A Hàm, công nhận là của Đại chúng bộ mở đầu có phẩm tựa, kết cấu là tăng dần từ một đến mười một. Theo Phân biệt công đức luận giải thích tăng nhất nói: Tăng nhất của Hữu bộ không có phẩm tựa. Kết cấu là tăng từ một đến mười, chứng tỏ bản Hán dịch là bản khác với bản của Hữu bộ. Nhìn từ góc độ nội dung về cơ bản nhất trí với cách nói của Đại chúng bộ. Theo Phân biệt công đức luận[2]: Về nội dung còn có chỗ tương thông với Đại thừa, đây cũng chính là đặc điểm của Đại chúng bộ. Luận này tuy chưa nói rõ là Kinh của Đại chúng bộ, nhưng căn cứ vào nội dung đại thể có thể đoán định được. Căn cứ vào giải thích của luận, chúng ta biết sự sắp xếp tứ A Hàm của Đại chúng bộ là: Tăng nhất, trung, trường, tạp. Nội dung của tăng nhất tiện cho việc giáo hoá, vận dụng tiện lợi. Cách sắp xếp như vậy rõ ràng là có ý sâu xa của họ (cách sắp xếp của Hoá Địa bộ là: Trường, trung, tạp, tăng nhất; cách sắp xếp của Hữu bộ là: Tạp, trường, trung, tăng nhất).

Về phương diện luật, bản Hán dịch là Ma Ha Tăng kỳ luật. Ngay tên sách đã nêu rõ đây là của Đại chúng bộ, nội dung có Ngũ tịnh pháp v.v…cho rằng có thể tiếp nhận vàng bạc, như vậy đây là luật của Đại chúng bộ không còn nghi ngờ gì nữa. Có điều các nước như trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam v.v…đều cho rằng luật này của Độc tử bộ, có thể hiểu Đại chúng là nói chung, Độc tử bộ là một bộ phận trong đó. Cho nên Kinh Luật của Đại chúng bộ, trong tư liệu Hán văn đều lưu giữ một ít. Trừ tứ A Hàm ra, họ còn một ít tạp tạng, như  Đại sự, không có bản dịch chữ Hán, chỉ có một số ít nội dung được lưu giữ  ở trong Phật bản hạnh tập Kinh. Về phương diện Luận, theo ghi chép của Ma Ha Tăng kỳ luật, lần kết tập “Ngũ bách” chỉ có Kinh và Luật, chưa đề cập đến Luận Tạng, đây là một thực tế. Vì bắt đầu kết tập thì không thể có ngay luận tạng được, nhưng từ  phẩm tựa của Tăng nhất A Hàm thì đã có ghi chép liên quan đến luận Tạng. Phân biệt công đức luận giải thích phẩm tựa còn nói luận này là do Ca Chiên Diên biên tập khi lúc Phật còn tại thế, và được Phật công nhận. Luận này chính là Cửu phận Tỳ Đàm. Cách nói này cũng có nguồn gốc: trong Dị bộ tông luân luận cũng lập luận tương tự, cho rằng Đại chúng bộ về sau phân ra Thuyết giả bộ, tức là có liên quan đến luận này của Ca Chiên Diên. Dường như trước lúc chia bộ, Đại chúng bộ không coi trọng lắm đối với luận này. Còn Thuyết giả bộ đặc biệt hoằng dương đối với luận này. (Chín loại của cửu phận Tỳ Đàm đều lấy “Thí thiết” làm đề, “Thí thiết” có nghĩa là giả thiết). Như vậy thấy, ít nhất là lúc Thuyết giả bộ ra đời, luận Tạng đã có rồi.

Luận tạng của Đại chúng bộ về sau có sự thay đổi. Theo sự ghi chép của Đại Trí Độ luận: Lúc đó ngoài A Tỳ Đạt Ma bình thường ra, còn có một phương pháp giải thích lời Phật nói, gọi là “Tỳ Lặc” dịch là “Khiếp tạng” có nghĩa là Tạng của Tam Tạng, tác giả là Ca Chiên Diên. Khi giới thiệu loại Tỳ lặc này Đại trí Độ luận nói: Nguyên văn 324 vạn lời (ước khoản 10 vạn tụng), về sau những vị được gọi là “chư đắc đạo nhân” áp dụng bản lược của sách này (ước một phần mười), rất lưu hành tại Nam Thiên Trúc. Tình hình này chính là thời kỳ mà Đại Chúng hệ phát triển mạnh nhất chuyển sang giai đoạn Đa Văn Bộ. “Chư đắc đạo nhân” chính là chỉ những người thuộc Đa Văn Bộ. Vì Đa Văn Bộ người xưa dịch là “Đắc đa văn”. Cách nói này của Trí luận đã chứng tỏ rằng khi Đại Chúng hệ phân chia thành Đa Văn Bộ thì có Tỳ Lặc. Vấn đề này đại thể tương đồng với những tư liệu đã được lưu truyền như Tông luân luận thuật ký.

Về nội dung của Tỳ Lặc, Đại trí Độ luận cũng đã từng nêu ví dụ để thuyết minh. Tóm lại, nó không giống như cách phân biệt một cách cơ giới đối với pháp của A Tỳ đạt ma, mà là dùng các loại luận môn đi tìm kiếm ý nghĩa chân thực của Phật nói. Giải thích Phật nói không giới hạn ở bề mặt văn tự, cũng không tuỳ tiện phụ hoạ, mà áp dụng giả thiết có rất nhiều luận môn, nương theo luận điểm phân biệt để nói. Như “Tuỳ tướng môn”, luận môn này dùng để giải thích một câu nói khi Phật gọi người vào thụ giới nói “tự tịnh kỳ ý”. Nếu nói theo mặt chữ là “tịnh ý” là được rồi, nhưng ý là “tâm pháp”, khi đã có “tâm pháp” thì có “tâm sở hữu pháp”. Hơn nữa, chỉ nói “tự tịnh kỳ ý” liền biết những pháp có liên quan với nhau, bao gồm ở trong đó là “chư ác mạc tác, chúng thiện phục hành”. Sở dĩ gọi là “tuỳ tướng môn” chính là ý “cử nhất phản tam” (nêu một biết ba). Lại như  “Đối trị môn” là nói nếu muốn hiểu Phật pháp không cần đi giải thích một phía, mà phải từ hai mặt chính diện và phản diện, như Phật thường giảng bốn pháp điên đảo: Thường – Lạc – Ngã – Tịnh. Đây là Phật nói từ phía điên đảo. Khi tiến hành giải thích còn phải nhìn một mặt khác, như vậy sẽ phải đưa ra “Tứ niệm trụ[3]: Thân, Thụ, Tâm, Pháp. Như vậy, 37 phận Bồ đề đều có mặt điên đảo của nó, đều có thể dùng phương pháp đối trị môn để lý giải. Trí luận sau khi nêu ví dụ của phương pháp này còn nói: Giả như dùng phương pháp “Tỳ Lặc” tiến hành nghị luận, như vậy sẽ khiến cho nghị luận vô cùng, vô tận và rất rộng rãi. Đây là một luận môn độc lập ngoài Cửu phận Tỳ đàm. Lại thêm vào không môn của Đại thừa, trở thành thế chân vạc. Ba thứ này (A Tỳ Đạt Ma môn, Không môn, Tỳ Lặc môn) đều có đặc điểm của nó, cũng có khuyết điểm riêng của từng môn. Nếu Tỳ Đàm mà phát triển đến cực đoan thì sẽ đoạ  vào “hữu kiến”, Không môn phát triển đến cực đoan thì sẽ rơi vào “không kiến” còn Tỳ Lặc phát triển đến cực đoan thì sẽ rơi vào “hữu vô nhị kiến”.

Đại Chúng hệ đến giai đoạn Đa Văn hệ, đặc biệt đưa ra “Tỳ Lặc”, ảnh hưởng rất lớn. Về sau Ha Lê Bạt Ma xuất gia từ  Đa Văn Bộ đã viết tác phẩm nổi tiếng Thành Thực luận lại áp dụng phương pháp Tỳ Lặc. Mở đầu cuốn sách là: “Luận môn phẩm” tức là tác phẩm trực tiếp chịu ảnh hưởng của Tỳ Lặc. Đầu tiên giảng “nhị đế pháp môn”, là giảng từ góc độ Thế tục môn và Thánh hiền môn. Phật thuyết pháp có lúc theo Thế tục, có lúc theo Thánh hiền. Còn như giảng quan hệ nhân quả, có lúc thì từ trong nhân để nói quả, có lúc lại từ trong quả để nói nhân. Giống như thế Luận môn phẩm tổng cộng 14 loại môn, trong đó cũng có Tuỳ tướng môn.

(Còn nữa)

[1] Đại s, Chưa có bn Hán dch và Tng dch, gm 3 thiên: Thiên 1, nói kiếp trước ca Pht Thích Ca. Thiên 2, nói v s tích sinh cõi tri đâu xut và giáng sinh, Thành đạo dưới ci B Đề. Thiên 3, nói v sơ chuyn pháp luân và bn sinh ca các đệ t.

[2] Phân biệt công đức luận còn gọi là Phân biệt công đức kinh, Tăng nhất A Hàm kinh sớ thuộc luận tiểu thừa ấn Độ. Nhiều tư tưởng gần với Đại thừa Phật giáo đặc biệt là đại chúng hệ.

[3] T nim tr còn gi t nim x, T ý ch, t ch nim v.vTc dùng t tường, Cng tướng quán thân bt tnh, Th th kh, tâm vô thường, pháp vô ngã để đối tr li pháp quán t điên đảo: Tnh – Lc – Thường – Ngã.