Giáo trình Kỹ thuật soạn thảo văn bản – Phần I – Chương VI

11/ 04/ 2012 08:13:29

Ngôn ngữ là công cụ giao tiếp quan trọng nhất và cũng là thành tựu vĩ đại nhất của nền văn minh nhân loại.
CHƯƠNG VI
VĂN PHONG VÀ NGÔN NGỮ VĂN BẢN
I. Văn phong hành chính – công vụ
1. Khái niệm về văn phong văn phong hành chính – công vụ
Ngôn ngữ là công cụ giao tiếp quan trọng nhất và cũng là thành tựu vĩ đại nhất của nền văn minh nhân loại. Đó cũng là “cơ chế tín hiệu” của giao tiếp, mà phụ thuộc vào đó con người kiến tạo những lời nói để thực hiện các mục tiêu giao tiếp. Việc giao tiếp bằng lời nói còn phụ thuộc rất nhiều vào những hoàn cảnh, điều kiện, mục tiêu và các tính chất khác nhau của giao tiếp. Tuỳ thuộc vào những yếu tố đó trong mỗi môi trường giao tiếp khác nhau nội dung giao tiếp có thể được thể hiện bằng những phong cách chức năng nhất định. Phù hợp với mỗi phong cách chức năng có cách viết (văn phong) tương ứng.
Có nhiều loại văn phong khác nhau như: văn chương, chính luận – báo chí, khoa học, hành chính – công vụ, khẩu ngữ.
Văn bản quản lý nhà nước được viết theo văn phong hành chính – công vụ, một loại văn phong tổng hợp và hỗn dung văn phong pháp luật và văn phong hành chính – công vụ. Văn phong hành chính – công vụ là dạng ngôn ngữ tiếng Việt văn học tạo thành hệ thống tương đối khép kín, hoàn chỉnh các phương tiện ngôn ngữ viết đặc thù nhằm phục vụ cho các mục đích giao tiếp bằng văn bản trong lĩnh vực hoạt động pháp luật và hành chính. Các phương tiện ngôn ngữ đó chủ yếu bao gồm:
– Có sắc thái văn phong hành chính-công vụ;
– Trung tính;
– Trung tính được sử dụng chủ yếu trong loại văn phong này.
Văn phong hành chính-công vụ được sử dụng trong giao tiếp bằng văn bản tại các cơ quan nhà nước trong công tác điều hành-quản lý, ở toà án, trong hội đàm công vụ và ngoại giao. Đó là văn phong của các văn bản pháp luật, các quyết định quản lý, các văn kiện chính thức khác nhau, thư tín công vụ, diễn văn, các bài phát biểu tại các cơ quan bảo vệ pháp luật, các chỉ dẫn mang tính pháp lý…
2. Đặc điểm của văn phong hành chính-công vụ
a) Tính chính xác, rõ ràng
Văn bản phải được viết sao cho mọi người có thể hiểu một cách rõ ràng, chính xác, chính xác đúng như nội dung văn bản muốn truyền đạt. Tính thiếu chính xác và không rõ ràng, mơ hồ của những văn bản không chuẩn mực về văn phong sẽ gây những hậu quả nghiêm trọng; những nội dung bị bóp méo, xuyên tạc trong lĩnh vực này ảnh hưởng to lớn đến số phận con người, đến đời sống xã hội.
Để đảm bảo tính chính xác, rõ ràng, cần viết câu gọn ghẽ, mạch lạc, diễn tả ý tưởng dứt khoát, sử dụng từ ngữ một cách chính xác.
Nhà ngôn ngữ học Xô-viết nổi tiếng, X.I. Ogiêgốp viết: “Văn hóa lời nói đỉnh cao là gì? Văn hóa lời nói đỉnh cao là khả năng biết truyền đạt những ý nghĩ của mình một cách đúng dắn, chính xác và diễn cảm bằng các phương tiện ngôn ngữ. Lời nói đúng là lời nói được phát ngôn theo những chuẩn mực của ngôn ngữ văn học hiện đại (…) Song văn hóa lời nói đỉnh cao không chỉ là việc tuân theo các chuẩn mực ngôn ngữ. Nó còn là kỹ năng biết tìm phương tiện không chỉ chính xác để biểu thị tư duy của mình, mà còn linh hoạt (diễn cảm) nhất và tương thích nhất (tức là phù hợp nhất) đối với mỗi hoàn cảnh và, do đó xác đáng về phong cách”.
Tính chính xác của lời nói luôn luôn gắn liền với khả năng tuy duy rõ ràng, hiểu biết vấn đề và biết cách sử dụng ý nghĩa của từ. Tính chính xác của lời nói có thể được xác định trên cơ sở sự tương hợp “lời nói – hiện thực khách quan” và “lời nói – tư duy”. Tính chính xác của lời nói trước hết liên quan chặt chẽ với những bình diện ngữ nghĩa của hệ thống ngôn ngữ và cũng do đó có thể thấy nó chính là sự tuân thủ những chuẩn sử dụng từ ngữ đảm bảo phong cách chức năng của lời nói công vụ, tức là sử dụng những từ ngữ văn học, mà không sử dụng những từ ngữ địa phương, tiếng lóng, v.v…
Một lời nói chính xác sẽ đảm bảo cho nó có tính logic. Tuy nhiên đó mới chỉ là điều kiện cần, ngoài ra còn phải có những điều kiện khác nữa mới đủ. Thí dụ như người muốn có lời nói logic thì bản thân phải biết tư duy logic, thực hiện mọi hoạt động tư duy phù hợp với những quy tắc của logic; thêm nữa cũng cần có những hiểu biết nhất định về các phương tiện ngôn ngữ để tạo được tính liên kết và không mâu thuẫn của các yếu tố tạo nên cấu trúc lời nói. Logic lời nói khác biệt với logic nhận thức bởi sự định hướng rõ ràng của mình đối với người đối giao và tình huống giao tiếp. Sự tuân thủ hoặc vi phạm logic lời nói có ảnh hưởng trực tiếp, to lớn đến sự tiếp thu lời nói từ phía người nghe. Đối với lời nói công vụ đây là điều hết sức quan trọng, bởi lẽ những vấn đề đưa ra phải được người nghe lĩnh hội đúng với ý của người phát ngôn. Mọi cách hiểu khác đi sẽ để lại những hậu quả khôn lường.
b) Tính phổ thông, đại chúng
Văn bản phải được viết bằng ngôn ngữ dễ hiểu, tức là bằng những từ ngữ phổ thông, các yếu tố ngôn ngữ nước ngoài đã được Việt hoá tối ưu.
“Ngôn ngữ sử dụng trong văn bản phải chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải đơn giản, dễ hiểu. Đối với thuật ngữ chuyên môn cần xác định rõ nội dung, thì phải được định nghĩa trong văn bản”
(Điều 5, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật)
Muốn văn bản dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp thu, nhất là trong điều kiện dân trí còn thấp, ý thức pháp luật chưa cao, thì cần phải viết ngắn gọn, không lạm dụng thuật ngữ chuyên môn, hành văn viện dẫn lối bác học.
c) Tính khách quan, phi cá tính
Nội dung của văn bản phải được trình bày trực tiếp, không thiên vị, bởi lẽ loại văn bản này là tiếng nói của quyền lực nhà nước, chứ không phải là tiếng nói riêng của một cá nhân, dù rằng văn bản có thể được giao cho một cá nhân soạn thảo. Là người phát ngôn thay cho cơ quan, tổ chức công quyền, các cá nhân không được tự ý đưa những quan điểm riêng của mình vào nội dung văn bản, mà phải nhân danh cơ quan trình bày ý chí của nhà nước, ý đồ lãnh đạo. Chính vì vậy cách hành văn biểu cảm thể hiện tình cảm, quan điểm cá nhân không phù hợp với văn phong hành chính-công vụ. Tính khách quan, phi cá tính của văn bản gắn liền với chuẩn mực, kỷ cương, vị thế, tôn ti mang tính hệ thống của cơ quan nhà nước, có nghĩa là tính chất này được quy định bởi các chuẩn mực pháp lý.
Tính khách quan, phi cá tính làm cho văn bản có tính trang trọng, tính nguyên tắc cao, kết hợp với những luận cứ chính xác sẽ làm cho văn bản có sức thuyết phục cao, đạt hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước.
d) Tính trang trọng, lịch sự
Văn bản là tiếng nói của chính quyền, nên phải thể hiện tính trang trọng, uy nghiêm. Lời văn trang trọng thể hiện sự tôn trọng đối với các chủ thể thi hành, làm tăng uy tín của cá nhân, tập thể ban hành văn bản.
Hơn thế nữa, văn bản phản ánh trình độ văn minh quản lý của dân tộc, của đất nước. Muốn các quy phạm pháp luật, các quyết định hành chính đi vào ý thức của mọi người dân thì không thể dùng lời lẽ thô bạo, thiếu nhã nhặn, không nghiêm túc, mặc dù văn bản có chức năng truyền đạt mệnh lệnh, ý chí quyền lực nhà nước. Đặc tính này cần (và phải được) duy trì ngay cả trong các văn bản kỷ luật.
Tính trang trọng, lịch sự của văn bản phản ánh trình độ giao tiếp “văn minh hành chính” của một nền hành chính dân chủ, pháp quyền hiện đại.
đ) Tính khuôn mẫu
Văn bản cần được trình bày, sắp xếp bố cục nội dung theo các khuôn mẫu, thể thức quy định và trong nhiều trường hợp theo các bản mẫu có sẵn chỉ cần điền nội dung cần thiết vào. Tính khuôn mẫu bảo đảm cho sự thống nhất, tính khoa học và tính văn hoá của công văn giấy tờ.
Tính khuôn mẫu còn thể hiện trong việc sử dụng từ ngữ hành chính-công vụ, các quán ngữ kiểu: “Căn cứ vào…”, Theo đề nghị của…”, “Các… chịu trách nhiệm thi hành… này”…, hoặc thông qua việc lặp lại những từ ngữ, cầu trúc ngữ pháp, dàn bài có sẵn, v.v… Tính khuôn mẫu của văn bản giúp người soạn thảo đỡ tốn công sức, đồng thời giúp người đọc dễ lĩnh hội; mặt khác cho phép sản xuất hàng loạt, trợ giúp cho công tác quản lý và lưu trữ theo kỹ thuật hiện đại.
2. Ngôn ngữ văn bản
a) Sử dụng từ ngữ
– Lựa chọn và sử dụng từ đúng ngữ nghĩa.
+ Cần dùng từ đúng nghĩa từ vựng sao cho từ phải biểu hiện được chính xác nội dung cần thể hiện, ví dụ:
“Nhà nước khuyến mại và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng và khai khẩn hợp lý thành phần môi trường”
Trong câu này thay vì khuyến mại, khai khẩn phải dùng khuyến khích, khai thác.
+ Không dùng từ làm phát sinh cách hiểu đa nghĩa, ví dụ:
“Phải xử phạt đối với hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ những quy định về đăng ký hộ khẩu khi thay đổi nơi ăn ở”
Trong câu này từ ăn ở không chính xác, dễ làm phát sinh các cách hiểu khác nhau, cần thay bằng từ cư trú.
– Sử dụng từ đúng nghĩa ngữ pháp, tức là đặt từ vào đúng vị trí ngữ pháp của từ đó trong quan hệ với những từ khác trong câu. Chẳng hạn, danh từ có thể đứng sau những từ chỉ loại như cái, con; sau số từ như một, hai, ba; hoặc có thể đứng trước những từ để chỉ như này, ấy, đó… Cần lưu ý không sử dụng nhầm lẫn vị trí của các từ loại khác nhau.
b) Sử dụng từ đúng văn phong hành chính-công vụ.
– Sử dụng từ ngữ phổ thông, trung tính thuộc văn viết, không dùng từ thuộc phong cách khẩu ngữ.
– Tránh sử dụng từ cổ, thận trọng trong dùng từ mới.
– Không dùng từ ngữ địa phương, chỉ dùng những từ ngữ địa phương chỉ những sự vật, hiện tượng mà chỉ địa phương đó mới có hoặc những từ ngữ có nguồn gốc địa phương đã trở thành từ ngữ phổ thông.
– Không dùng tiếng lóng, từ thông tục, vì chúng làm mất đi tính trang trọng, uy nghi và nghiêm túc của văn bản.
– Sử dụng đúng và hợp lý các thuật ngữ chuyên ngành. Đó là những thuật ngữ chỉ tên gọi các tổ chức bộ máy nhà nước, chức vụ, lĩnh vực hoạt động hành chính như: bộ, sở, ban, vụ, cục, phòng; chủ tịch, thủ trưởng, bộ trưởng, trưởng ban,…; các thuật ngữ pháp lý như: nguyên đơn, bị đơn, quy phạm, lập pháp, lập quy…
– Sử dụng hợp lý và chính xác các từ Hán-Việt và các từ gốc nước ngoài khác.
c) Sử dụng từ đúng chính tả tiếng Việt.
Văn bản quản lý nhà nước còn phải được viết đúng chính tả tiếng Việt. Chính tả là một vấn đề có tính chất phổ quát đối với mọi thứ chữ viết ghi âm hiện nay trên thế giới. Với tiếng Việt chính tả về cơ bản đã thống nhất trên toàn quốc từ rất lâu. Giọng nói ba miền Bắc, Trung, Nam tuy có khác nhau về âm sắc nhưng đều hướng tới một chính tả chung. Thực tế cho thấy lỗi chính tả thường gặp trong tiếng Việt khá đa dạng, phản ánh bức tranh phương ngữ đa dạng của tiếng Việt và bao gồm các lỗi về thanh điệu (kỹ thuật/kỷ thuật; truy nã/truy nả; công quỹ/công quỷ), về vần (nhất trí/nhứt trí; nguyên tắc/nguyên tắt; nhân dân/nhâng dâng; triệu tập/trịu tập), về phụ âm đầu (xét xử/xét sử; quản lý/quản ný; tranh giành/chanh dành; xử sự/sử xự), về phân bố các ký hiệu cùng biểu thị một âm (quốc gia/cuốc gia; chuyên ngành/chuyên nghành; hoa quả/hua quả), và về viết hoa.
Riêng về viết hoa có thể thấy hiện nay còn có quá nhiều bất cập, đặc biệt là khi viết hoa tên các cơ quan, tổ chức, các chức danh, khi muốn bày tỏ lòng tôn kính. Việc viết hoa tràn lan như hiện nay không những chỉ thể hiện những khiếm khuyết mang tính ngôn ngữ của những quy tắc chính tả, mà trên phương diện nào đó làm giảm một phần đáng kể tính uy nghi của văn bản như một công cụ quan trọng biểu hiện quyền lực nhà nước. Do đó, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, song khẩn trương để sớm có được những quy định chặt chẽ trong lĩnh vực này. Để phần nào giải quyết vấn đề này, ngày 22-01-1998 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã ra Quyết định số 09/1998/QĐ-VPCP ban hành kèm theo Quy định tạm thời về viết hoa trong văn bản của Chính phủ và Văn phòng Chính phủ.
Theo bản Quy định nêu trên việc viết hoa trong văn bản cần phải đảm bảo đúng với ngữ pháp và chính tả tiếng Việt phổ thông, theo cách viết thông dụng trong các văn kiện của Đảng, Nhà nước đang được đa số các cơ quan và các nhà ngôn ngữ học tiếng Việt chấp nhận, giảm tối đa các chữ viết hoa và tạo thuận lợi cho cho việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác văn bản.
d) Dùng từ đúng quan hệ kết hợp.
Để tạo nên câu và các đơn vị trên câu các từ được sử dụng luôn luôn quan hệ với nhau về ngữ nghĩa và ngữ pháp với các từ đi trước và đi sau nó.
Một trong những biểu hiện của việc dùng từ không đúng quan hệ kết hợp là dùng lặp từ, thừa từ và “bệnh” dùng từ sáo rỗng.
2. Kỹ thuật cú pháp
a) Câu xét theo quan hệ hướng nội.
– Câu phải được viết đúng quy tắc ngữ pháp tiếng Việt, tức là có đầy đủ hai thành phần nòng cốt là chủ ngữ và vị ngữ, ví dụ:
“Văn bản đăng Công báo có giá trị như bản gốc”
– Loại câu đơn đặc biệt. tức là câu nòng cốt một thành phần, chỉ sử dụng làm tiêu đề, ví dụ:
“Điều 5.- Xử lý vi phạm đối với người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính
Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính mà sách nhiễu nhân dân, dung túng, bao che cho cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính, không xử phạt hoặc xử phạt không kịp thời, không đúng mức, xử phạt quá thẩm quyền quy định thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại vật chất thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.”
– Câu dài, nhiều vế, nhiều bộ phận có thể được tách theo những khuôn mẫu nhất định, ví dụ:
NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ
Quy định về xử phạt hành chính trong các hoạt động văn hoá. dịch vụ văn hoá và phòng chống một số tệ nạn xã hội
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Báo chí ngày 28 tháng 12 năm 1989;
Căn cứ Luật Xuất bản ngày 7 tháng 7 năm 1993;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 6 tháng 7 năm 1995;
Căn cứ Quy chế lưu hành, kinh doanh phim, băng đĩa hình, băng đĩa nhạc, bán, cho thuê xuất bản phẩm, hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá nơi công cộng; quảng cáo, viết, đặt biển hiệu; Quy định những biện pháp cấp bách bài trừ một số tệ nạn xã hội nghiêm trọng ban hành kèm theo Nghị định số 87/CP ngày 12 tháng 12 năm 1995;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Văn hoá – Thông tin, Bộ trưởng Bộ Nội vụ,
NGHỊ ĐỊNH:
CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.- Vi phạm hành chính trong các hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá và phòng chống một số tệ nạn xã hội.
Vi phạm hành chính trong các hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá và phòng chống một số tệ nạn xã hội quy định tại Nghị định này bao gồm những hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động lưu hành, kinh doanh phim, băng đĩa hình, băng đĩa nhạc; bán và cho thuê xuất bản phẩm; hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá nơi công cộng; quảng cáo và viết, đặt biển hiệu; phòng chống tệ nạn mại dâm, ma tuý và đánh bạc.
(…)
Có thể thấy toàn bộ Nghị định trên đã được cấu tạo theo hình thức một câu. Trong “siêu câu” đó có nhiều câu hoàn chỉnh.
– Câu tường thuật hầu như chiếm vị trí độc tôn trong văn bản quản lý nhà nước. Các loại câu khác như câu cầu khiến, câu nghi vấn, câu biểu cảm rất ít được sử dụng.
– Câu phải có quan hệ ngữ nghĩa phù hợp với tư duy người Việt, nghĩa là phải phản ánh đúng quan hệ trong thế giới khách quan, hoặc phải có các vế câu hợp lô gíc. Câu ” Trong nhân dân nói chung và trong công tác ban hành văn bản nói riêng chúng ta đều đã làm được rất nhiều” là câu sai, vì “văn bản nói riêng” không thuộc phạm trù lô gíc “nhân dân nói chung”.
– Câu phải được đánh dấu câu cho phù hợp với chính tả tiếng Việt và nội dung của câu. Các dấu như chấm than (!), chấm hỏi (?), nhiều chấm (…) rất ít được sử dụng.
b) Câu xét về quan hệ hướng ngoại.
– Câu cần có sự nhất quán về chủ đề. Đó là cơ sở để tạo tính trọn vẹn về nội dung.
– Câu cần phải được hoàn chỉnh về mặt hình thức.
– Câu cần được liên kết với nhau hài hoà bởi các phương thức sau đây:
+ Lặp từ ngữ:
“Pháp lệnh này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2002.
Những quy định trước đây trái với Pháp lệnh này đều bãi bỏ”
+ Lặp cấu trúc:
“Căn cứ Nghị định số 31/CP ngày 18- 5-1996 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động công chứng nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 38/CP ngày 04-6-1993 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Bộ Tư pháp;
(…) “
+ Phương thức thế:
“Căn cứ vào quỹ đất đai, đặc diểm và nhu cầu của địa phương, HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định mỗi xã được để lại một quỹ đất không quá 5% đất nông nghiệp để phục vụ cho nhu cầu công ích của địa phương. Chính phủ quy định việc sử dụng đất này”.
+ Phương thức liên tưởng:
* Liên tưởng đồng loại:
“Quốc hội thực hiện quyền quyết định, quyền giám sát tối cao đối với việc quản lý và sử dụng đất đai trong cả nước.
Hội đồng nhân dân thực hiện quyền quyết định, quyền giám sát việc quản lý và sử dụng đất trong địa phương mình”.
* Liên tưởng bộ phận với toàn thể và ngược lại:
“Nghiêm cấm sản xuất, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái phép thuốc phiện và các chất ma tuý khác. Nhà nước quy định chế độ bắt buộc cai nghiện và chữa các bệnh xã hội nguy hiểm”.
* Liên tưởng đối lập:
“Nhà nước phát triển công tác thông tin, báo chí, phát thanh, truyền hình, điện ảnh, xuất bản, thư viện và các phương tiện thông tin đại chúng khác. Nghiêm cấm những hoạt động văn hoá, thông tin làm tổn hại lợi ích quốc gia, phá hoại nhân cách, đạo đức và lối sống tốt đẹp của người Việt Nam”.
* Liên tưởng nhân quả:
“Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để tham ô, hối lộ hoặc cố ý làm trái pháp luật vì động cơ vụ lợi, gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, tập thể và cá nhân, xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức.
Người có hành vi tham nhũng phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật”.
* Liên tưởng định vị:
“Tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa phương hoá và đa dạng hoá các quan hệ quốc tế, phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với tất cả các nước. Ra sức tăng cường quan hệ với các nước láng giềng và các nước trong tổ chức ASEAN, không ngừng củng cố quan hệ với các nước bạn bè truyền thống…, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển. Nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Củng cố môi trường hoà bình và tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi hơn nữa cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đồng thời góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”.
+ Phương thức nối:
* Nối bằng quan hệ từ:
“Trong những năm qua, UBND thành phố đã triển khai thực hiện Nghị quyết 06/CP ngày 29-01-1993 của Chính phủ về phòng chống và kiểm soát ma tuý. Các ngành, các cấp và các đoàn thể đã có nhiều biện pháp tích cực để ngăn chặn tệ nạn buôn bán, tàng trữ và sử dụng các chất ma tuý. Song, do tổ chức triển khai thực hiện chưa chặt chẽ, thiếu biện pháp cương quyết đồng bộ, chưa thống nhất nội dung, nhận thức, chưa có quy trình cai nghiện và chữa trị đúng, công tác tuyên truyền giáo dục chưa sâu rộng… nên kết quả đạt được còn rất hạn chế”.
* Nối bằng các từ ngữ có tác dụng chuyển tiếp:
“Thực hiện dán tem hàng nhập khẩu là biện pháp tích cực để chống nhập lậu và tiêu thụ hành nhập lậu, công tác này có liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân và có các loại hình kinh doanh, lại phải triển khai trong thời gian rất ngắn. Do đó sẽ có nhiều khó khăn, phức tạp. Vì vậy, UBND thành phố yêu cầu các cấp, các ngành cần coi đây là một công tác trọng tâm đột xuất; phải tập trung chỉ đạo sát sao và thống nhất theo yêu cầu của Chỉ thị này và Thông tư số 30/1998/TTLT-BTC-BTM-BNV-TCHQ ngày 16-3-1998 của liên bộ Tài chính-Thương mại-Nội vụ-Tổng cục Hải quan”.
c) Đoạn văn
Đoạn văn là đơn vị cơ sở để tổ chức văn bản, thường gồm một số câu gắn bó với nhau trên cơ sở một chủ đề bộ phận, cùng nhau phát triển chủ đề đó theo định hướng giao tiếp chung của văn bản. Thông thường đoạn văn được định vị trong một khổ viết, tức là nằm giữa hai dấu chấm xuống dòng, và có thể có ba bộ phận cơ bản cấu thành sau đây:
– Câu chủ đề: giới thiệu đối tượng, chủ đề được đề cập và diễn giải trong đoạn.
– Câu khai triển: thuyết minh, diễn giải cho chủ đề.
– Câu kết: báo hiệu đoạn văn kết thúc, lưu ý người đọc những điểm, chi tiết cốt lõi của đoạn văn, đồng thời có thể chuẩn bị cho đoạn văn tiếp theo.
“Thực hiện đúng chính sách hạn điền quy định tại Luật Đất đai (1). Có biện pháp cụ thể, thiết thực để giải quyết tình trạng nông dân không có ruộng đất (2). Việc sử dụng đất cho phát triển công nghiệp, đô thị, cơ sở hạ tầng phải bảo đảm để nông dân không bị mất việc làm, mất nguồn sinh sống(3)”.
Tuy nhiên, trong thực tế kiểu đoạn văn đầy đủ các yếu tố kể trên hiếm gặp trong các văn bản quản lý nhà nước. Có thể viết đoạn văn không có câu chủ đề, khi đó các câu nằm trong mối quan hệ song hành với nhau trong một cấu trúc lặp. Đó là các đoạn văn thường dùng để:
– Liệt kê các sự kiện (của cùng một chủ thể hoặc của các chủ thể khác nhau) có liên quan với nhau về mặt nào đó;
– Liệt kê các sự kiện đối lập, tương phản với nhau;
– Liệt kê các sự kiện theo hướng tăng cấp.
Đoạn văn có câu chủ đề có thể có câu chủ đề ở đầu, ở cuối hoặc ở cả đầu và cuối đoạn văn (câu chủ đề kép).
Tóm lại, khi viết đoạn văn cần lưu ý sao cho các câu trong đoạn văn tập trung cùng vào một chủ đề, không bị phân tán hoặc đột ngột chuyển sang một phạm vi khác, tức là tránh bị lạc chủ đề. Mặt khác, cũng cần khai triển đầy đủ chủ đề đã nêu, không được bỏ qua những phương diện đã nêu trong chủ đề, hoặc trình bày nội dung chủ đề lặp đi, lặp lại, luẩn quẩn. Để đảm bảo mạch lạc cần có (các) câu chuyển ý, làm cho các câu không bị đứt quãng, hoặc mâu thuẫn về ý, nhờ đó tạo nên đoạn văn với các câu có liên kết chặt chẽ về cả nội dung lẫn hình thức.
d) Tổ chức kết cấu văn bản.
Văn bản có thể phạm các lỗi giống như các lỗi trong một đoạn văn. Nghĩa là trong văn bản, giữa các phần, các mục, các đoạn cũng có thể có tình trạng lạc đề, thiếu hụt chủ đề, lặp chủ đề, đứt mạch ý, mâu thuẫn về ý hoặc thiếu sự liên kết chặt chẽ.
Các lỗi trong văn bản có thể là:
– Không tách đoạn: các thành tố nội dung khác nhau của văn bản không được tách ra bằng các dấu hiệu hình thức (chấm xuống dòng).
– Tách đoạn tuỳ tiện, ngẫu hứng.
– Không chuyển đoạn, liên kết đoạn.