Chùa Đồng Neo – ngôi chùa cổ nơi miền quê thanh bình

13/ 12/ 2011 02:50:20

Chùa Đồng Neo tọa lạc trên địa bàn thôn Cập Thượng – xã Tiền Tiến – huyện Thanh Hà – tỉnh Hải Dương. Đây là ngôi chùa cổ đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa vào ngày 31/12/1997.

Chùa Đồng Neo tọa lạc trên địa bàn thôn Cập Thượng – xã Tiền Tiến – huyện Thanh Hà – tỉnh Hải Dương. Đây là ngôi chùa cổ đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa vào ngày 31/12/1997.

Sử sách ghi rằng mảnh đất nơi đây xưa kia là một dòng sông lớn bắt nguồn từ cửa Xà Lai – sông Thái Bình và đổ ra biển Đông qua Bến Trường, Bến Tràng. Năm 1527, vào thời Hậu Lê, nhận thấy đây là mảnh đất linh thiêng, nhân dân sở tại đã dựng lên ngôi chùa nhỏ với khung tre, lợp lá đơn sơ làm nơi thờ Phật với mục đích làm nơi sinh hoạt tín ngưỡng – tôn giáo cho nhân dân, qua đó giáo huấn cho mọi người biết ăn ở có đức, có nhân, làm điều lành, bỏ điều ác. Đến đời vua Nhân Tông năm thứ 10 – niên hiệu Chính Hòa (tức năm 1693), nhân dân đã phát tâm công đức xây dựng lại ngôi chùa và được giữ nguyên trạng cho đến ngày nay. Đến ngày nay, chùa đã có 33 vị sư trụ trì và hóa thân tại chùa. Trải qua quá trình hình thành và phát triển, chùa đã có nhiều tên gọi khác nhau như : thủa khai sinh gọi là Linh Ứng tự thuộc phủ Thanh Lâm. Tiếp đó là Đồng Neo Tự thuộc Cập Hiền Trang – phủ Nam Sách. Và ngày nay, được gọi là chùa Đồng Neo – thôn Cập Thượng – xã Tiền Tiến – huyện Thanh Hà – tỉnh Hải Dương.

Chùa được xây dựng theo kiến trúc : “Nội công ngoại quốc”, nhà côn sơn đương tiện, lối kiến trúc cổ, hoa văn tinh xảo và độc đáo là kiến trúc đặc trưng của thời Hậu Lê. Ngôi Tam Bảo được xây dựng theo kiến trúc chữ Đinh có 7 gian tiền đường và 3 gian hậu điện. Vật liệu để dựng chùa là tường gạch Bát tràng cổ và cột chống, mái bằng gỗ. Tại 4 góc mái là bốn mái đao cong vút chạm trổ đầu rồng. Mái chùa được dựng với kiến trúc đặc trưng thời Hậu Lê đó là theo dạn thức bộ vì kiểu “chồng rường” và “thượng rường hạ bẩy”. Hệ thống chịu lực gồm 2 hàng cột gỗ lim, đường kính 0,40m, đều được kê trên chân tảng đá. Lối kiến trúc truyền thống rường – bẩy đã tạo ra nhiều khoảng không gian nền cho nghệ thuật chạm khắc gỗ dân gian ở tất cả các chi tiết: đầu dư, dép hoành, thân bẩy, các bức cốn mê, cốn nách, xà rồng, cửa võng… thể hiện các đề tài trang trí : Rồng – phượng trong phong cách nghệ thuật hóa thân : các linh vật luôn hóa đổi thành chim muông, hoa lá, cùng cảnh sắc thiên nhiên phong vân vần vũ, góp phần bổ khuyết cho kiến trúc, đồng thời nâng cao giá trị mỹ thuật, tôn thêm vẻ uy linh, nghiêm cẩn nơi thánh thần ngự tọa – một đặc điểm của tư duy kiến trúc đồng bằng Bắc Bộ : tự nhiên và cuộc sống luôn là đề tài chủ đạo cho mọi sáng tác nghệ thuật, nhất là nghệ thuật xây dựng các công trình kiến trúc tín ngưỡng. Trong ngôi Tam Bảo còn lưu giữ thờ tượng Phật vô cùng quý giá có từ thời Hậu Lê. Cách bài trí tượng thờ đặc trưng của các chùa miền bắc và sự kết hợp quan điểm Tam giáo đồng nguyên gồm 3 pho Tam Thế, tam Thánh Tây Phương, tượng Đức Bản Sư niêm hoa vi tiếu, tượng Di Lặc, tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế và Nam Tào Bắc Đẩu, tòa Cửu Long. Các đồ thờ trong chùa đều bằng gỗ và chạm khắc tinh xảo. Trong chùa có các hoành phi câu đối được chạm khắc tinh xảo như : đại tự “Hiển ứng linh”, đại tự “Tuệ nhật viên dung”… có từ thời Nguyễn. Đặc biệt, trong chùa còn lưu giữ được hơn 100 bản khắc bằng gỗ mít gồm kinh Lăng Nghiêm và kinh Viên Giác. Sau chùa là 3 gian nhà Tổ, mới được trùng tu. Trước đây, vào thời kháng chiến chống Pháp nhà Tổ được kiến trúc theo hình chữ Nhị, nhưng đã được tháo dỡ 7 gian tiền đường để phục vụ kháng chiến. Hiện nay, trong nhà Tổ còn thờ tượng Tổ Bồ Đề Đạt Ma và chư vị Tổ sư từng trụ trì tại chùa, đều là tượng cổ, điêu khắc độc đáo.

Ngoài ra chùa còn nhiều cổ vật quý giá được lưu giữ qua nhiều thế hệ như :

Thống đá đựng nước thời vua Lê Hy Tông năm Chính Hòa thứ 23 tức năm Nhâm Ngọ (1702). Thống đá cổ này do một gia đình họ Nguyễn làm quan trong triều Lê về tiến cúng.

Chùa có chuông cổ ngày ngày vào lúc sớm chiêu, chiều mộ đều ngân vang, nhưng ít người được biết đến chuông được đúc từ thời Hậu Lê niên hiệu Chính Hòa thứ 21 tức năm 1700. Hơn 300 năm nay, tiếng chuông chùa luôn gắn bó với dân làng cũng như những người con sống xa quê. Bên cạnh đó, chùa còn lưu giữ các bia đá cổ :

– Bia đá Đồng Neo tháp, 4 mặt khắc chữ có từ năm 1679.

– Bia đá Linh ứng tự năm 1895.

– Bia đá Hậu Phật ký năm Duy Tân thứ năm (1911)

– Phía trước tháp chuông có một cây hương đài bằng đá cao 1,2m, có 4 cạnh rộng 0,18m có dòng chữ ghi : Lê triều Chính Hòa, nhị thập niên, Kỷ Mão phi việt cát nhật (nghĩa là năm 20 niên hiệu Chính Hòa 1699).

Ngoài những bảo vật bằng đá, bằng đồng, chùa còn có vườn tháp cổ như các tháp :

– Tháp Minh Quang được xây bằng gạch 3 tầng, bia tháp ghi : Tự Đức thập nhất niên- năm Tự Đức thứ nhất (1864), là tháp thờ Hòa Thượng Thích Chiếu Khuông.

– Tháp Thiên quan bảo tháp bằng gạch 3 tầng xây dựng thời vua Minh Mệnh 1827.

– Tháp Phả Đồng Minh được xây dựng từ thời Nguyễn thờ 3 vị sư : Phổ Chiêu, Phổ Hiếu, Phổ Nghiêm.

– Tháp có giá trị nhất là tháp đá 3 tầng được xây dựng năm Tân Dậu, đây là tháp thờ Hòa thượng Thích Tường Tường. Trên tháp có đôi câu đối :

“Huân lao tịnh nghiệp thiết lâm đài,

Lật ngật kình dương thành chế để”

Đứng trước sân chùa nhìn ra cổng chính phía Tây, ta thấy cánh đồng lúa năm hai mùa xanh tốt mênh mông, luôn ngát mùi thơm của lúa. Với lối kiến trúc hài hòa, sơn thủy hữu tình, mặt nước tĩnh lặng của hai giếng thiên nhiên giúp cho quý khách như quên đi những ưu tư đời thường khi hành hương về vãn cảnh chùa.