TẾT – KHÔNG GIAN, THỜI GIAN VÀ NHỊP SINH HỌC

27/ 12/ 2011 03:04:33

Nhân dịp đón xuân Kỷ Sửu, Dương lịch 2009, Phật lịch 2553, chúng tôi đề cập tới một số vấn đề về không gian, thời gian, nhịp điệu sinh học trong quan niệm truyền thống của người phương Đông, và chu kỳ Tết – Xuân – Lễ hội của người Việt.

Quảng Tuệ Lương Gia Tĩnh

“…Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ
Mẹ bảo thôn Đoài hát tối nay …”
(Mưa xuân -Nguyễn Bính)

Thi sĩ Nguyễn Bính thật tài hoa và tinh tế, chỉ với bốn câu thơ, với ba hình ảnh đặc trưng, ông đã vẽ nên một bức tranh Xuân – Tết quê đằm thắm, xao xuyến lòng người biết bao thế hệ mỗi độ xuân về. Mùa xuân là mùa của đất trời và lòng người: có tiết trời “mưa xuân bay”, một thứ mưa bay mưa bụi, êm dịu, phủ lên sắc xuân một màn trắng mờ lung linh huyền ảo; có “hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy”, nhịp sinh học mách bảo mùa đông ảm đạm đã qua, khí dương quang đã phát lộ trên mặt đất, muôn loài bắt đầu vào một chu kỳ mới của sự sinh sôi nảy nở, và, con người cũng rạo rực hân hoan “cộng đồng – cộng cảm – cộng thiêng” cùng đất trời trong công trình kỳ vĩ “sinh sinh bất tức” đó (có hội chèo làng đi qua ngõ, mẹ bảo – chắc là bảo cô con gái – tối nay đình – chùa thôn Đoài có hội, sang đó mà lễ Phật, lễ Thánh, chơi hội …!)

Nhân dịp đón xuân Kỷ Sửu, Dương lịch 2009, Phật lịch 2553, chúng tôi đề cập tới một số vấn đề về không gian, thời gian, nhịp điệu sinh học trong quan niệm truyền thống của người phương Đông, và chu kỳ Tết – Xuân – Lễ hội của người Việt, một yếu tố quan trọng góp phần tạo nên bản sắc, thần thái của nền văn hoá Việt Nam nói chung và nền văn hoá Phật giáo Việt Nam nói riêng.

1. MÔI TRƯỜNG, KHÔNG GIAN, THỜI GIAN VÀ NHỊP ĐIỆU SINH HỌC

Con Người sở dĩ là “con vật khôn ngoan” (Homosapien), là “loài đứng trên muôn loài” (vạn vật chi linh) là vì con người, và chỉ có con người, có khả năng nắm bắt quy luật của môi trường xung quanh, từ đó chủ động thích nghi, cải tạo nó, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của mình.

Môi trường sống và điều kiện sống trong môi trường, theo quan niệm cổ của người phương Đông có một phạm vi rất rộng, nó bao gồm: vị trí không gian sống (kinh tuyến, vĩ tuyến – qui định mức bức xạ của mặt trời, mặt trăng…), cảnh quan trong không gian sống (như ao hồ, sông núi, rừng cây núi đá, làng xóm đồng ruộng…), khí âm dương trong thời gian và môi trường sống. Tất cả môi trường sống đó được xem xét trong thời gian xác định, con người cần phải nắm bắt và thích ứng để điều hoà nhịp sinh học, nâng cao sức khoẻ và hiệu năng hoạt động.

Từ thời cổ đại, người phương Đông đã có một quan niệm rất biện chứng về mối quan hệ giữa không gian và thời gian, vật chất luôn luôn vận động trong không gian và thời gian. Khi nhìn dòng sông chảy, Khổng Tử đã thốt lên “Thệ giả như tư phù, bất xả trú dạ: 逝者如斯夫不舍晝夜” (Ôi, dòng sông chảy mãi, không lúc nào ngừng nghỉ). Thời gian là phương thức ghi lại quá trình vật chất vận động trong không gian theo thứ tự trước sau, ngắn dài. Điểm khác nhau căn bản giữa cách tính thời gian của người phương Đông và người phương Tây là chuẩn mốc để xác định 4 đơn vị thời gian cơ bản: giờ, ngày, tháng, năm.

Cơ sở của phép làm lịch của phương Tây là thuần tuý dựa vào vòng quay của mặt trời xung quanh trái đất (chuyển động biểu kiến/表見…, giả thiết trái đất là định tinh, mặt trời là hành tinh để tính toán) trong chu kỳ một năm. Từ ngày 1 tháng 1 năm này đến 1 tháng 1 năm sau hết 365 và ~ ¼ ngày (từ điểm mặt trời mọc vào hôm trước đến điểm mặt trời mọc hôm sau). Vì chỉ căn cứ vào sự chuyển động của mặt trời nên gọi là Dương lịch (lịch mặt trời). Lịch mặt trời có ưu điểm là theo dõi chính xác diễn biến thời tiết nóng lạnh trực cảm do độ bức xạ của mặt trời gây nên, nhưng điểm hạn chế căn bản của nó là không đề cập tới mặt trăng và sự ảnh hưởng của nó đối với môi trường sống trên trái đất.

Hầu hết những trung tâm văn minh lớn của phương Đông đều ở lưu vực những con sông lớn, chủ nhân của nó là cư dân nông nghiệp – chăn nuôi. Do vậy, từ rất sớm người ta đã đặc biệt quan tâm tới vai trò của mặt trăng đối với giới hữu sinh trên trái đất: Quách Mạt Nhược nói “Tiền nhân trọng nguyệt bất trọng nhật” (Người xưa trọng mặt trăng chứ không trọng mặt trời). Sự thay đổi của hình dạng mặt trăng liên quan đến sự lên xuống của thuỷ triều (cho nên mặt trăng được gọi là “triều tín” 潮信- thước đo của thuỷ triều), do vậy, chu kì của mặt trăng có ảnh hưởng rất lớn sinh lí của động vật cao cấp, đặc biệt là con người … Tuy nhiên, mặt phẳng elip của vòng quay mặt trăng tạo ra có chu vi ngắn hơn so với mặt trời, một năm vòng quay quanh trái đất của nó chỉ có 355 ngày. Như vậy, lịch mặt trăng (Âm lịch) thiếu mất 10 ngày so với Dương lịch, nó không thể dùng để tính toán, theo dõi diễn biến thời tiết nóng lạnh vốn do độ bức xạ của mặt trời đem lại. Đây là điểm hạn chế căn bản của lịch mặt trăng.

Từ tri thức do kinh nghiệm đưa lại, người Trung Quốc cổ đại đã xây dựng nên phương pháp tính thời gian cực kì khoa học, biện chứng mà cho đến ngày nay chúng ta vẫn không khỏi kinh ngạc. Đó là Âm – Dương hợp lịch, hay còn gọi là Nông lịch (mà chúng ta thường gọi sai đi là Âm lịch). Bằng sự quan sát tỉ mỉ, tinh tế và tính toán chính xác, người ta đã tìm ra được qui luật tương tác giao thoa giữa mặt trăng và mặt trời trong quá trình chuyển động biểu kiến xung quanh trái đất và xác định được chu kì 7/19 (cứ 19 năm thì có 7 năm nhuận. Các năm thứ 3, 6, 9, 11, 14, 17 và 19 của chu kì 19 năm thì sẽ có 13 tháng). Âm – dương hợp lịch có ưu điểm lớn là, một mặt đảm bảo từ thời điểm Lập xuân năm này đến thời điểm Lập xuân năm sau cũng là 365~1/4 ngày, thời tiết bốn mùa (vốn bị chi phối bởi mặt trời) không bị xáo trộn, mặt khác vẫn theo dõi được sự thay đổi hình dạng của mặt trăng (như ngày sóc, vọng, thượng huyền, hạ huyền …). Cách tính thời gian của Âm – dương hợp lịch là cơ sở để xây dựng hai hệ thống tính thời gian khác mà hiện nay còn khá thông dụng là Nhị thập tứ khí (24 tiết khí, như Lập xuân, Vũ thuỷ, Kinh trập …) và Dịch thời (Tính thời gian theo quẻ Dịch, như tháng Một là tháng Phục, tháng Chạp là tháng Lâm, tháng Giêng là tháng Thái …). Kết hợp với học thuyết Âm – Dương, Âm – dương hợp lịch cũng là cơ sở cho mọi tính toán của Nho, Y, Lí, Số … (được nhìn từ góc độ là các môn khoa học dự báo của triết học Phương Đông), và là cơ sở để tính toán thời gian – nhịp sinh học để tổ chức tết – hội, một nét độc đáo của văn hoá Việt Nam.

Âm, dương là hai phạm trù cơ bản trong triết học nói riêng và trong mọi biểu hiện văn hoá phương Đông nói chung. Quá trình quan sát lâu dài giới tự nhiên, người ta cho rằng âm dương là hai thuộc tính, tính năng, khuynh hướng mâu thuẫn nhưng thống nhất trong chỉnh thể của mỗi sự vật và hiện tượng. Trong dương có âm, trong âm có dương, không có cái gì thuần âm cũng không có cái gì thuần dương. Thế giới đa dạng tưởng chừng như hỗn độn nhưng nó tồn tại – tự vận hành theo qui luật “tương tác, đun đẩy của âm dương (âm dương tương thôi – 陰陽相推) rất chặt chẽ và hợp lí, con người cần phải nắm bắt và thích ứng để điều hoà nhịp sinh học, nâng cao sức khoẻ và hiệu năng hoạt động của mình. Căn cứ vào Âm – dương hợp lịch và triết lí âm dương người ta làm ra lịch Nhị thập tư khíDịch thời. Đây là hai loại lịch cơ bản để xác định không – thời gian tổ chức Lễ Tết – Hội Hè trong năm, rất khoa học và đậm tính nhân văn của người phương Đông.

LỊCH NHỊ THẬP TỨ KHÍ (二十四氣)

Khí là những thời điểm mặt trời di chuyển (biểu kiến) trên quĩ đạo cách đều nhau bằng 1/24 của quĩ đạo năm, gọi là 24 khí, có tiết khí và trung khí. Bốn điểm đỉnh của quĩ đạo ở vào bốn trung khí phân mùa là Đông chí, Hạ chí, Xuân phân và Thu phân. Các tiết khí và trung khí ở vào các cung đoạn mà khí hậu có những diễn biến dặc thù, do vậy tên gọi của các tiết khí lấy theo đặc điểm tính chất của mùa tiết. Thí dụ: Lập xuân là tiết khí thuộc tháng Giêng, từ mồng một tháng Giêng năm này đến mồng một tháng Giêng năm sau đủ 365 ~1/4 ngày gọi là Chu niên (周年) nhưng từ tiết Lập xuân này đến tiết Lập xuân sau cũng đủ 365~1/4 ngày thì gọi là Chu tuế (周歲); Vũ thuỷ (trung khí), mưa nước; Kinh trập (tiết khí), tháng hai, sâu bọ trồi lên mặt đất hoạt động; Xuân phân (trung khí), giữa mùa xuân; Thanh minh (tiết khí), tháng ba, trời trong sáng … Lịch Nhị thập tứ khí rât có giá trị ứng dụng trong thực tiễn cho nên người xưa dùng nó để theo dõi những biến đổi về thời tiết khí hậu, theo đó mà đưa ra những lời khuyên có tính dự báo về phương hướng sinh hoạt, phòng bệnh, gieo trồng từng loại cây con cho thích hợp; định chế thời gian, không gian, nghi thức và nội dung các kì tết – lễ hội trong năm cho phù hợp với nhịp điệu của thiên nhiên, vũ trụ. Lịch Nhị thập tứ khí cũng là cơ sở tính toán của môn khoa học dự báo Tử Bình (bổ sung cho môn Tử Vi vốn chỉ căn cứ vào Âm dương hợp lịch và lịch Can Chi), trong chẩn trị của Trung y, xem ngày tốt xấu …

DỊCH THỜI (易時)

Các Dịch gia và Âm dương gia đã căn cứ vào sự chuyển dịch của âm dương trong một năm (hoặc một ngày) mà ghi lại, kí hiệu hoá thành 12 quẻ, phản ánh sự tiến lui tiêu trưởng của âm dương theo tiết nhịp của thời gian. Ở đây chúng ta chỉ xem xét chu kì âm dương tiêu trưởng trong một năm theo Dịch thời, mà chúng tôi cho rằng đó là căn cứ quan trọng của việc tổ chức lễ hội trong năm.

Trong năm, từ tháng Một năm trước (tức tháng 11 âm dương lịch, có trung khí Đông chí) đến tháng Tư năm sau thuộc chu kì “âm tiêu dương trưởng” (khí dương từng bước lấn át khí âm), từ tháng Năm (tháng có trung khí Hạ chí) tới tháng Mười thuộc chu kì “dương tiêu âm trưởng” (khí âm từng bước lấn át khí dương). Cụ thể, tháng Một thuộc quẻ Địa Lôi Phục(地雷復 ) “nhất dương sinh”, một hào dương xuất hiện, tháng có trung khí Đông chí; tháng Chạp thuộc quẻ Địa Trạch Lâm (地澤臨), là “nhị dương sinh”, có hai hào dương; tháng Giêng thuộc quẻ Địa Thiên Thái (地天泰), là “tam dương sinh”, có ba hào dương, hai khí âm dương cân bằng giao hoà, dương khí bắt đầu xuất lộ trên mặt đất, tháng có tiết khí Lập xuân, mùa xuân cây cối đâm trồi nảy lộc, sâu bọ côn trùng chui lên khỏi mặt đất giao hoan … con người với những lễ thức hội hè hát xướng như cùng hoà nhập cộng hoan với đất trời vạn vật … “tam dương khai thái”; tháng Hai thuộc quẻ Lôi Thiên Đại tráng (雷天大壯), “tứ dương sinh”, khí dương cực thịnh, thuận lợi cho sự sinh sôi của đất trời và muôn vật; tháng Ba thuộc quẻ Trạch Thiên Quải (澤天夬), “ngũ dương sinh”, dự báo chu kì “dương trưởng âm tiêu” sắp kết thúc; tháng Tư thuộc quẻ Thuần Càn (純乾), “lục dương sinh”, khí dương đã phát triển đến cùng cực, mà “cùng tắc biến”, dự báo chuẩn bị bước vào chu kì mới “dương tiêu âm trưởng”; tháng Năm thuộc quẻ Thiên Phong Cấu (天風姤), là tháng “nhất âm sinh”, một hào âm xuất hiện, tháng có trung khí Hạ chí, chỉ sự giao cấu hư hao …; tháng Sáu thuộc quẻ Thiên Sơn Độn (天山遯), tháng “nhị âm sinh”, cảnh báo xu thế âm thịnh dương suy, con người phải cẩn trọng đề phòng (độn = trốn tránh); tháng Bảy thuộc quẻ Thiên Địa Bĩ (天地否), “tam âm sinh”, hai khí âm dương cân bằng nhưng xu thế âm đang thắng dương, âm dưới đi xuống dương trên đi lên là chỉ sự li lìa nên mang ý nghĩa “Bĩ”, đối lập với “Thái”; tháng Tám thuộc quẻ Phong Địa Quan (風地觀), “tứ âm sinh”, khí âm cực thịnh, biểu hiện của sự thê lương chết chóc …; tháng Chín thuộc quẻ Sơn Địa Bác (山地剝), tháng “ngũ âm sinh”, dự báo chu kì “âm trưởng dương tiêu sắp kết thúc; tháng Mười thuộc quẻ Thuần Khôn (純坤), “lục âm sinh, khí âm đã phát triển đến cùng cực, “âm cực dương sinh”, chuẩn bị bước vào chu kì “âm tiêu dương trưởng”. Tháng Một lại thuộc quẻ Địa Lôi Phục, “nhất dương sinh” …, bước vào một chu kì mới.

2. KHÔNG GIAN, THỜI GIAN VÀ MÔ THỨC TẾT – HỘI CỦA NGƯỜI VIỆT

Như trên đã nói, tết – hội là căn cứ theo thời gian số của Âm dương hợp lịch, tiết khí và sự tiêu trưởng của khí âm dương để từ đó định ra không gian, thời gian, mô thức … cho thích hợp. Mục đích và ý nghĩa của tết – hội là tạo ra những “điểm nhấn, trạm dừng” trong hoạt động và tâm thức của con người, từ đó mà có sự cộng cảm – cộng thiêng hoà nhịp cùng tiết điệu thiêng liêng kì vĩ của thiên nhiên đất trời. Chu kì nhịp sinh học trong năm theo bốn mùa “Xuân sinh, Hạ trưởng,Thu tàn, Đông liễm” (mùa Xuân chủ về sự sinh sôi nảy nở, mùa Hạ là mùa của sự trưởng thành viên mãn, mùa Thu là mùa của sự héo úa tàn tạ, mùa Đông chủ về sự thúc liễm cất giữ). Do vậy, nhìn tổng quan về số lượng và nội dung tết – hội của mỗi mùa trong năm của người Việt có sự khác biệt rất rõ ràng.

Mùa xuân là mùa của “tết nhất hội hè”. Có hội đình, hội chùa, hội đền, phạm vi ảnh hưởng không chỉ trong một làng mà lan toả ra cả vùng, thậm chí trong cả nước (như hội Đền Hùng, hội Chùa Hương, hội Lim, hội Chùa Thầy …). Trong cơ cấu của lễ hội mùa xuân chúng ta thấy rõ phần “hội” nổi trội hơn phần “lễ”, không gian lễ hội được mở rộng chứ không bó hẹp trong trung tâm thờ tự. Hội Lim (Bắc Ninh) có tục, đầu tiên vào chùa lễ Phật, hát thờ trong chùa, rồi hát chơi trên đồi trên thuyền, ban đêm quan họ kết chạ thì thi hát trong nhà … Hội Chùa Hương kéo dài gần hết cả mùa xuân, không gian lễ hội là cả vùng Hương Sơn Suối Yến … “Vui xem hát, nhạt xem bơi, tả tơi xem hội”, trong không khí hân hoan của đất trời, không khí “tả tơi” của hội hè, con người như được cộng hưởng thăng hoa trong cuộc hoá sinh cùng tạo hoá, cá nhân được trực tiếp thể hiện tình cảm nguyện vọng của mình trong không gian tràn ngập sự thành kính thiêng liêng …

Đầu tháng tư là thời điểm chuyển tiếp sang hè, có tiết mưa dông. Hội Chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tín ngưỡng Phật giáo và tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, thờ Ông Sấm cầu mưa. Sử cũ còn chép, Thăng Long thời Lí – Trần, từ vua quan tới dân chúng đều tham gia lễ Phật đản, lễ Tắm tượng Phật. Ngày đó thắp hương lễ Phật, dâng hoa quả cúng tổ tiên, mài trầm hương hoà với nước đem tắm tượng Phật (mộc dục), tắm xong đem nước đó, theo thứ tự trên dưới, mỗi người nhúng tay vào chậu nước rồi xoa lên mặt một chút, gọi là “quân chiêm thần huệ” đội ơn mưa móc, còn cái khăn vải đỏ dùng để lau tắm tượng Phật được xé nhỏ chia cho mỗi người một mụn để lấy khước cầu phúc.

Từ tháng Năm đến tháng Mười là chu kì “dương tiêu âm trưởng”, bảo quản thúc liễm, do vậy, nội dung và không gian lễ hội cũng thay đổi: lễ hội đi vào chiều sâu của tâm linh ý thức, nội dung “lễ” trội hơn “hội, không gian gọn hẹp trong trung tâm thờ tự.

Đầu tháng Năm có tiết Hạ chí, có tết Đoan Ngọ (mồng 5 tháng 5). Người Việt có tục vào ngày này thường bôi phẩm hoặc lá cây có màu đỏ (biểu tượng của khí dương) lên móng chân móng tay, giữa trưa (chính ngọ) đi lấy các loại rễ lá cây tầm gửi và cây thuốc nam có khả năng tích dương đem phơi khô uống hết năm để bồi bổ khí dương đang suy kiệt. “Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt” (Văn tế thập loại chúng sinh), tháng thuộc quẻ Bĩ, khí âm cực thịnh, có tiết Trung Nguyên và lễ Vu Lan báo hiếu, xá tội vong nhân thấm đậm đạo lí nhân văn truyền thống của người Việt kết hợp với giáo lí – lễ nghi Phật giáo. Tháng Mười có tết Hạ Nguyên (rằm), Thuỷ quan giải ách, tết Cơm mới (thường tân 嘗新), sau thu hoạch vụ mùa phải làm cơm gạo mới cúng tế thần linh và tổ tiên rồi mới được dùng thóc gạo của vụ đó. Cũng có nơi làm lễ vào ngày 10 tháng 10, gọi là Trùng thập. Tết Hạ Nguyên tháng Mười thuộc quẻ Thuần Khôn, “lục âm sinh”, âm cực dương sinh, dự báo một chu kì mới “âm tiêu dương trưởng” sắp bắt đầu: tháng Một có tiết Đông chí, nhất dương sinh …

3. TẾT NGUYÊN ĐÁN

Trong hệ thống tết – hội của năm, tết Nguyên Đán (dân gian gọi là tết Cả, tết Ta, Năm mới …) là quan trọng nhất, kể cả về không gian, thời gian, và ý nghĩa của nó. Trước hết, về ngữ nghĩa, “tết” là âm Nôm đọc trại ra từ chữ “tiết” (節) của âm Hán – Việt có nghĩa gốc là “mắt, đốt của cây tre”, nghĩa phái sinh là “cứng cỏi” (tiết tháo), “từng chặng, đoạn thời gian” (tiết học), trong trường hợp này “tết” là thời gian nghỉ ngơi sau một “tiết thời gian – sinh học”; “nguyên” (元) nghĩa là “khởi đầu, sơ khai”; “đán” (旦) là “sáng sớm”, như vậy, “nguyên đán” có nghĩa là “buổi sáng đầu tiên của năm mới”.
Mặc dù chính thức tết Nguyên Đán chỉ trong 3 – 5 ngày nhưng thời gian chuẩn bị trước tết và dư âm của nó sau tết, với tâm lí và những lễ thức kéo dài tới cả tháng. Về thời gian, theo nếp quen, từ 20 tháng Chạp cho đến mùng 5 tháng Giêng dường như người ta quên dương lịch mà chỉ gọi là “20 tết”, “23 tết” … “mùng 2 tết”, “mùng 5 tết” … Tháng Chạp cuối năm còn gọi là tháng “củ mật”, cần tuần phòng củ soát nghiêm mật, phòng trộm cướp. Từ 20 tết mỗi người đều có ý thức dọn dẹp nhà cửa, bao sái ban thờ, sửa sang mua sắm, trang trải công nợ … chuẩn bị đón tết. Không khí và tâm lí tết được chính thức bắt đầu bằng lễ tiễn Ông Táo chầu trời vào ngày 23 tết, dân gian quen gọi Ông là Ông Bếp, theo quan niệm Đạo giáo là thần Thổ công – vị hành khiển của Ngọc hoàng xem xét mọi việc của một nhà trong năm, đến 23 tháng Chạp cưỡi cá chép lên thiên đình báo cáo công việc ở trần gian trong 7 ngày, đúng giao thừa trở về lại tiếp tục công việc của mình. Từ 23 đến 30 tết, tuỳ ngày tuỳ nơi, người ta trồng cây nêu trước đình, chùa, đền miếu và trước cửa nhà, tục bắt nguồn từ một Phật thoại, Đức Phật dạy dựng cây nêu (tiêu), vẽ cung tên bằng vôi bột để doạ bắn ma quỉ … nhằm giữ đất cho người. Với người Việt, việc Giỗ và Chạp rất quan trọng, thể hiện đạo hiếu, “sống vì mồ vì mả, không ai sống vì cả bát cơm”. Từ 20 đến khoảng 26, 27 tháng Chạp là thời gian đi chạp mả, đem hương hoa xôi gà cúng trước phần mộ, sửa sang lại mồ mả trước khi rước tổ tiên và người đã khuất về ăn tết cùng gia đình. Lễ cúng Tất niên vào chiều 30 hoặc 29 (tháng thiếu) tết, được hiểu lễ thức báo cáo hoàn tất công việc trong năm. Lễ cúng Trừ tịch (除夕), Giao thừa (交承) là lễ thức quan trọng nhất của tết đón năm mới. Trừ tịch là trừ bỏ những điều không tốt lành của năm cũ, xua đuổi ma quỉ (xưa có tục đốt pháo) để tới thời khắc thiêng liêng “chuyển giao điều tốt lành từ năm cũ, năm mới thừa nhận đón lấy”.

Rạng sáng mùng Một mỗi nhà đều sắm sửa mâm cỗ chu đáo nhất trong điều kiện có thể để cúng tổ tiên, sau đó toàn gia ăn uống vui vẻ, chúc tụng nhau, hoạch định những nét chính của kế hoạch trong năm (nhất nhật chi kế khởi ư dần, nhất niên chi kế khởi ư xuân – trù tính công việc của một ngày bắt đầu từ giờ dần, trù tính công việc của một năm bắt đầu từ mùa xuân). Năm mới được bắt đầu từ thời khắc đón Giao thừa, dân gian quan niệm ngày Nguyên Đán đánh dấu một cái gì đó rất thiêng liêng, liên quan đến dời sống riêng tư, đến sự may rủi trong mọi mặt của cả gia đình trong năm. Cho nên, từ sau Giao thừa cho đến suốt 3 ngày tết mọi người đều tự giác giữ gìn, từ ăn nói cho đến việc đi đứng thăm hỏi lẫn nhau, sao cho thân ái, êm thấm dịu dàng. Tết còn có tục xông đất, xông nhà và mừng tuổi. Người đến xông nhà thường được chọn nhờ trước, là người hợp tuổi hợp tính với gia chủ, người ăn ở hiền lành đức độ đang ở vận “ăn nên làm ra”, hoặc một thiếu niên nết na học giỏi … mà không đang mắc tang hoặc tật nguyền. Trong 3 ngày tết ông bà cha mẹ mừng tuổi (còn gọi là mở hàng) cho con cháu, ít thôi (thường là đồng tiền mới) nhưng là để lấy may mắn, từ sau năm 1975 tục mừng tuổi còn gọi là “lì – xì” (phát âm tiếng Quảng Đông lishi – 利市), ý nghĩa cũng như vậy. Tục xuất hành, nghĩa là lần đầu tiên trong năm đi ra khỏi nhà, khỏi cổng; phải chọn ngày giờ tốt, đi theo hướng tốt. Với các nhà khoa bảng, viên chức, học trò thì việc khai bút (viết chữ đầu tiên trong năm mới) cũng được xem là hệ trọng, phải tính kĩ, chuẩn bị trước bút giấy, chọn đúng ngày giờ tốt, tĩnh tâm thư thái viết lên điều sở nguyện của mình. Chiều mùng 3 hoặc mùng 4 tết làm cỗ cúng ông bà tổ tiên làm lễ hoá vàng, mời người thân đến dự lễ ăn cỗ tiễn đưa ông bà ông vải , về cơ bản là hết tết năm mới. Ngày mùng 7 còn có tết khai hạ, hạ cây nêu. Ngày rằm tháng Giêng, ngày trăng tròn đầu tiên của năm là tiết Thượng Nguyên, Thiên quan tứ phúc, được tổ chức rất linh đình và nghiêm cẩn, “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng”. Sách An Nam chí lược và Văn bia chùa Đọi mô tả kĩ càng cảnh náo nhiệt mà nghiêm trang theo nghi thức Phật giáo của Hội đèn Quảng Chiếu tại kinh đô Thăng Long thời Lí. Qua tết Thượng Nguyên là hết tết, bắt đầu vào thời kì lễ hội được mở rộng trong không gian và kéo dài cho đến cuối xuân chớm hè.

Văn hoá là sự lựa chọn của mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc trong cách ứng xử giữa con người với con người, con người với thiên nhiên. Tết – hội nói chung và tết Nguyên Đán (tết Cả) nói riêng là hiện tượng văn hoá đặc trưng, là kết tinh trí tuệ – nhân văn – đạo lí của dân tộc, thể hiện sâu sắc cái thần thái của văn hoá Việt Nam.

(Theo Tạp chí Khuông Việt)