TẾT ĐOAN NGỌ

13/ 08/ 2020 15:52:16

Trong cảm thức văn hóa tâm linh và tri thức nghiệm sinh về Thời – sinh học của người Việt xưa, một năm có hai Lễ Tiết/Tết lớn hơn cả là  Tết Nguyên Đán và Tết Đoan Ngọ. Cũng như Tết Nguyên Đán/Tết Cả, nội dung và ý nghĩa của Tết Đoan Ngọ (hay còn gọi là Tết Đoan Dương, Tết Giết Sâu Bọ) phản ánh những giá trị văn hóa sâu sắc, những tri thức kinh nghiệm tinh tế, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa – đạo lí – lối sống của người Việt.

  1. Câu chuyện lịch sử đượm mầu huyền thoại.

Tục Tết Đoan Ngọ trong dân gian được lịch sử hóa, gắn liền với Khuất Nguyên (340 – 287), nhân vật lỗi lạc trong lịch sử cổ đại Trung Quốc cả về cuộc đời, nhân cách và nghệ thuật thơ ca. Trong Sử kí, Tư Mã Thiên đã giành một truyện (Khuất Nguyên liệt truyện) để nói về ông. Theo Tư Mã Thiên, Khuất Nguyên  tên là Bình, cùng họ với vua nước Sở (vùng Hồ Nam, Trung Quốc nay), là người “học rộng nhớ lâu, thấy rõ việc trị loạn, thạo việc giấy tờ”, được Sở Hoài Vương rất tin dùng, phong chức Tả Tư Đồ, tước Tam Lư Đại Phu. Là người có tài, liêm khiết cương trực, một lòng vì nước vì dân, ông bị bọn nịnh thần bất bài gian tham trong triều dèm pha, lại mắc mưu li gián của nước Tần, Khuất Nguyên bị Sở Hoài Vương ghét bỏ, bãi chức quan và đày về vùng Giang Nam. Không nghe lời can gián của Khuất Nguyên , Sở Hoài Vương tình nguyện sang nước Tần làm con tin và bị chết trên đất Tần, nguy cơ nước Sở bị tiêu diệt chỉ tính từng ngày. Qúa đau sót vì vua chết, quê hương bị quân thù dày xéo, đồng bào bị lầm than li tán, trưa (giờ Ngọ) ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch năn 278 TCN Khuất Nguyên uất ức buộc đá vào cổ gieo mình xuống sông Mịch La, mong lấy cái chết của mình để cảnh tỉnh triều đình và dân chúng. Cảm thương cho số phận, ghi nhớ công lao và nghĩa khí trung trinh của ông, nhân dân đã lập miếu thờ nơi ông trầm mình bên dòng Mịch La, và lấy ngày mùng 5 tháng năm hàng năm làm ngày giỗ, lâu thành tục lệ  vào ngày này là “Tết Đoan Ngọ Giỗ Khuất Nguyên”(1).

Cái chết bi tráng của Khuất Nguyên còn để lại cho đời một giai thoại thú vị , có ý nghĩa triết lí nhân sinh sâu sắc về ĐỤC – TRONG, SAY – TỈNH.

Chuyện kể rằng, sau khi bị bãi quan đi đày, Khuất Nguyên thân hình tiều tụy, quần áo xốc xếch, thất thểu đi bên bờ sông, vừa đi vừa hát than cho số phận đau thương của nước Sở. Chợt có ông lão đánh cá trông thấy, vọng kêu lên:

  • Có phải Tam Lư Đại Phu đó không? Sao lại ra nông nỗi này?

Khuất Nguyên nói:

-Tất cả đời đều nhơ đục, chỉ riêng một mình ta trong; tất cả mọi người đều say, riêng một mình ta tỉnh, cho nên ta bị đuổi.

Ông lão đánh cá nói:

-Người thánh nhân không chấp nê khư khư ở một vật, mà phải biết thay đổi theo đời. Tất cả đều nhơ đục, sao ông không theo dòng khuấy thêm bùn cho đục ngầu một thể; Tất cả mọi người đều say, sao ông không nhai thêm cả men rượu, húp thêm cả bã rượu cho say thêm? Việc gì phải lo xa, nghĩ sâu để đến nỗi bị xua đuổi?

Khuất Nguyên nói:

-Tôi nghe nói, khi mới gội đầu xong tất phải phủi mũ rồi mới đội, mới tắm xong tất phải thay quần áo mới mặc, lẽ nào để cái thân trong sạch bị vật dơ bẩn dính vào. Ta thà gieo mình xuống sông Tương, chôn mình trong bụng cá, lẽ nào để cái thân trong trắng này chịu bụi bậm của đời? (2)

Ông lão đánh cá nghe xong tủm tỉm cười, quay thuyền chèo đi, hát bâng quơ rằng:

Sông Tuơng nước chảy trong veo

Thì ta đem giặt sạch cái lèo mũ ta

Sông Tương nước đục phù sa

Thời ta lội xuống để mà rửa chân.

Hát xong, chèo đò đi thẳng, không ngoái cổ lại. Khuất Nguyên đứng sững nhìn theo, lòng đầy cay đắng.

  1. Tết Đoan Ngọ – Tri thức khoa học sâu sắc về Thời sinh học

Bằng vào kinh nghiệm trong thực tiễn hoạt động kiếm sống, từ thời cổ đại cư dân làm nông nghiệp trồng lúa nước – chăn nuôi nhỏ ở Phương Đông đã sớm biết rằng: Muốn tồn tại và nâng cao hiệu năng của lao động kiếm sống, cần phải nắm bắt được qui luật của giới tự nhiên, môi trường  xung quanh mình, để sống hài hòa cùng tiết nhịp với giới tự nhiên, trong đó tri thức về Thời – sinh học có ý nghĩa cực kì quan trọng. Vì lẽ đó, từ thời cổ đại, Phương Đông đã là quê hương của những hệ thống lịch (hệ thống tính thời gian) mà đến nay chúng ta vẫn không khỏi ngỡ ngàng về tính chính xác, tinh tế của nó. Từ  Âm dương hợp lịch (mà ta quen gọi tắt, và sai đi là Âm lịch), lịch Nhị thập tứ khí (lịch 24 tiết khí) và Dịch thời (Tính thời gian theo quẻ của Chu dịch), chúng ta thấy được cội nguồn ý nghĩa khoa học Thời – sinh học của Tết Đoan Ngọ của cư dân Bách Việt (百 粵) cổ.

Tại sao người xưa lại gọi tết tưởng nhớ Khuất Nguyên (vào ngày mùng 5 tháng 5 theo Âm dương hợp lịch) là tết Đoan Ngọ (Đoan Dương)? Đoan (端) ở đây có nghĩa là đầu mối, nguyên nhân, là điểm mút; Ngọ () là chi thứ 7 trong 12 chi, còn thông nghĩa với Ngỗ (忤, ngược lại, ngỗ nghịch); Đoan Dươngđiểm mút cuối cùng của khí Dương.

Người xưa cho rằng , một ngày hay một năm, sự vận hành sinh trưởng của vạn vật được chia làm hai nhịp theo sự tiêu trưởng của hai khí Dương (kí hiệu của tính tích cực, sinh sôi…) và Âm (kí hiệu của tính tiêu cực, lụi tàn…). Nhưng Âm và Dương không phải là hủy thể của nhau mà là điều kiện tính cho sự tồn tại của nhau, có cái “nọ” mới có cái “kia” (có Âm mới có Dương, và ngược lại; có “sinh” mới có “diệt”, và ngược lại; có “tối” mới có “sáng”, và ngược lại…). Trong một ngày, từ  giờ Tý (23h hôm trước – 01h hôm sau)  đến giờ Tỵ (09h – 11h) là giai đoạn “Dương trưởng Âm tiêu”, từ giờ Ngọ (11h – 13h) đến giờ Hợi (21h – 23h) là giai đoạn “Dương tiêu Âm trưởng”. Theo Dịch thời, trong một năm, từ tháng Một (theo Âm dương hợp lịch) đến tháng Tư là giai đoạn “Âm tiêu Dương trưởng”, từ tháng Năm đến tháng Mười là giai đoạn “Dương tiêu Âm trưởng”, được biểu đạt thành những quẻ Dịch như sau: Tháng Một thuộc quẻ Địa Lôi Phục ((地雷復 ), có một khí Dương xuất hiện; tháng Hai thuộc quẻ Địa Trạch Lâm (地澤臨 ), có 2 khí Dương … đến tháng Tư thuộc quẻ Thuần Càn (純乾 ), có 6 khí Dương, Dương đến điểm cực thịnh; theo luật “Dương cực sinh Âm”, tháng Năm thuộc quẻ Thiên Phong Cấu (天風姤 ), xuất hiện một khí Âm, Cấu là giao cấu hư hao mất mát, nghịch khí xuất hiện, về khí hậu thời tiết tuy bên ngoài biểu hiện là oi nồng nóng bức nhưng bên trong hàn khí đã xuất hiện (cho nên Ngọ, Phương Nam được kí hiệu bằng quẻ Li, có hai hào Dương hai bên, giữa là hào Âm); tiếp theo tháng Sáu  thuộc quẻ Thiên Sơn Độn  (天山遯 ), theo qui luật khí Âm đang lên, có lời khuyên nên tránh đi để bảo toàn (Độn)… đến tháng Mười thuộc quẻ Thuần Khôn (thuần Âm)  (純坤 ), có 6 khí Âm, Âm đạt đến điểm cực thịnh, theo luật “Âm cực sinh Dương”, tiếp tục trở lại chu kì “Dương trưởng Âm tiêu” với tháng Một thuộc quẻ Địa Lôi Phục, một khí Dương bắt đầu hồi phục xuất hiện…

Như vậy đã rõ, tiết đầu tháng Năm thuộc quẻ Thiên Phong Cấu, là tiết khí Dương đã tới điểm cùng cực (Đoan Dương), là tiết bắt đầu của chu kì khí Âm (nghịch khí – Ngỗ khí) thắng thế (Đoan Ngọ). Minh triết (thứ tri thức được đúc kết từ trải nghiệm trong thực tiễn) Dịch thời đã cho lời khuyên để có hành xử khôn ngoan phù hợp với tiết nhịp của Âm Dương vũ trụ, nâng cao chất lượng sống và hiệu năng hoạt động của con người. Nó là chìa khóa để chúng ta đi sâu khám phá, chỉ ra cái “ý nghĩa cốt lõi” của những tập tục trong Tết Đoan Ngọ, vốn bị bao phủ bởi lớp dầy của “bụi thời gian” cùng với những mông lung huyền thoại và nghi thức huyền bí.

  1. Tết Đoan Ngọ – Tết Giết sâu bọ trong đời sống văn hóa Việt Nam.

Với giới bình dân Việt Nam, có lẽ ít ai biết về nguồn gốc của tết Đoan Ngọ theo cách giải thích của lịch sử và dã sử Trung Quốc, nhưng Tết Đoan Ngọ, và cùng với những tập tục của nó, đã ăn sâu vào trong cảm thức tâm linh và là nét văn hóa sâu đậm trong đời sống văn hóa Việt Nam, với ý nghĩa: là ngày Giỗ Quốc Mẫu Âu Cơ, ngày nhớ ơn Cha – nghĩa Thầy,  và  là tết Giết sâu bọ.

Tết Đoan Ngọ đã đi vào trong ca dao cổ của người Việt ở vùng Châu thổ Sông Hồng và Trung du Bắc bộ như là sự tổng kết kinh nghiệm của một chu kì sản xuất (kết thúc vụ Chiêm, bắt đầu vụ Mùa), là dịp Tết/Tiết nghỉ ngơi, chuẩn bị nội lực tâm linh, chuẩn bị cho một chu kì mới:

Tháng tư đong đậu nấu chè

Ăn tết Đoan Ngọ trở về tháng năm (Ca dao cổ)

Với nhịp điệu Âm Dương của thiên nhiên đất trời, tết Đoan Dương là điểm đánh dấu (đoan) của chu kì Dương cực thịnh và cũng là điểm khởi đầu của chu kì Âm sinh; với lòng người, đây cũng là Tết – Giỗ tưởng nhớ Mẹ Khởi Nguyên của giống nòi:

Tháng năm là tết Đoan Dương

Nhớ ngày Giỗ Mẹ Việt Thường Văn Lang (Ca dao cổ)

Vùng Trung du Phú Thọ, nơi đậm đặc những di tích khảo cổ, truyền thuyết dân gian và phong tục tập quán phản ánh các mặt của đời sống xã hội thời kì Hùng Vương (thời kì Văn Lang – Âu Lạc) trong lịch sử dân tộc. Dù thời gian đã lùi xa nhưng cảm thức tâm linh – dấu ấn văn hóa của tết Giết sâu bọ đã hằn sâu trong kí ức tuổi thơ của thế hệ được sinh ra từ những năm năm mươi của thế kỉ XX về trước, mà cho đến hôm nay những yếu tố cốt lõi của nó vẫn còn giữ nguyên giá trị tích cực trong đời sống văn hóa hiện đại.

Tết Đoan Ngọ ở vào thời gian từ trung khí Tiểu Mãn đến trung khí Hạ Chí, trong giai đoạn chuyển mùa, chuyển tiết, bệnh dịch dễ phát sinh và lây lan. Người xưa tin rằng, trong cơ thể con người (nhất là bộ phận tiêu hóa) có rất nhiều “sâu bọ” có hại, quanh năm chúng ẩn sâu trong bụng, chỉ riêng ngày mùng năm tháng năm mới ngoi lên (Thời – sinh học giải thích: tiết Đoan Ngọ có một khí Âm xuất hiện, do “sâu bọ” đã quen sống trong môi trường của khí Dương ấm, nay khí Âm rét xuất hiện, do sợ mà ngoi lên) cho nêm tìm cách diệt trừ: Ăn rượu nếp cho nó say, lại ăn hoa quả đầu mùa vườn nhà (hoa quả là kết tinh của thảo mộc nên là vị thuốc có thể diệt trừ “sâu bọ”). Sáng sớm mùng năm tháng năm, ngay khi thức dậy còn ngồi trên giường, mỗi người ăn ít nhất một bát rượu nếp, lấy chu sa thần sa (có mầu son đỏ) bôi lên thóp đầu, vào ngực, vào rốn, sau đó ăn các trái cây vườn nhà hoặc thường có ở xung quanh như sấu, đào, mận, muỗm…, ăn ít thôi nhưng là để lấy “hèm”.

Sau tục Giết sâu bọ, trẻ con ra vườn hoặc vào rừng lấy Lá Móng (một loại cây dây leo, lá vò ra có mầu đỏ) bôi vào móng tay móng chân (như các cô sơn móng tay ngày nay) để lấy “khước”, con gái xâu lỗ tai, đeo túi bùa được kết bằng chỉ ngũ sắc, lại may áo lụa mới mang đến nhà chùa hay cửa tĩnh in dấu vẽ bùa rồi mặc cho trẻ để tà ma không trêu ghẹo… Lại có tục treo lá ngải cứu trước cửa nhà để trừ tà ma, tục tắm nước lá mùi (gọi là Tắm Mùng Năm), tục Khảo cây lấy quả (một người trèo lên cây, một người ở dưới dùng sống dao gõ vào thân cây hỏi lý do ít quả và đe dọa chặt cây nếu cây không sai quả, người trên cây sẽ hứa cho quả sai)…

Trưa ngày mùng năm, mỗi nhà đều sắm mâm cỗ cúng gia tiên và Thổ thần (nhà nào nghề thuốc còn có lễ cúng Tổ Sư), tùy theo điều kiện gia cảnh nhưng lễ vật không thể thiếu là hoa quả tươi tốt đầu mùa và đĩa chè kho được nấu bằng đậu xanh, gạo nếp mới, với đường hoặc mật. Lễ cúng gia tiên xong đi Hái lá mùng năm. Kinh nghiệm mách bảo, vào đúng giờ Ngọ ngày Đoan Ngọ là thời điểm khí Dương đạt đến đỉnh cao nhất trong năm, lá cây thu hái được trong thời điểm đó có tác dụng chữa bệnh rất tốt, nhất là các chứng ngoại cảm, âm hư. Người ta hái tất cả những loại lá gì có trong vườn, trong vùng, đặc biệt là những loại lá có khả năng tích dương cao như tầm gửi, lá ích mẫu, ngải cứu, lá vối, lá tre, lá bưởi, sả, tử tô, kinh giới, chanh, quýt, mít, chè, ổi, trầu không, sài đất, sen, vông, lạc tiên, nhọ nồi, hành, tỏi, gừng… đem về ủ rồi phơi khô, dùng rất tốt để bồi bổ khí Âm trong thời kì suy kiệt.

Trong những lệ tục của Tết Đoan Ngọ, có tục Lễ Sêu – một tập tục  mang đầy tính nhân văn giữa người với người, con cháu với ông bà, cha mẹ, người bệnh với thầy thuốc, học trò với thầy giáo. Những chàng trai đã dạm vợ nhưng chưa cưới, nhân dịp Tết Đoan Ngọ có ít đậu xanh mới thu hoạch vào tháng tư, cân gạo nếp của vụ Chiêm, cân đường cát kèm đôi chục chim ngói đầu mùa, đi Sêu bố vợ tương lai. Ngày xưa các ông Đồ cắp tráp tới các làng dạy học thường không lấy học phí định kì, mà tùy tâm của làng và đóng góp của bố mẹ học trò. Theo lệ, hàng năm vào dịp mùng năm tháng năm, học trò đều có lễ, tết thầy: Thúng gạo, đôi ngỗng, gói bánh, phong chè, túi quả, tùy tâm bố mẹ học trò. Những gia đình khá giả, học trò thành đạt cũng không quên có lễ và phong bao ít tiền tết thầy vào dịp này. Bệnh nhân được thầy lang chữa khỏi bệnh, dù đã trả tiền nhưng cũng không quên ơn cứu mạng, nên dịp Tết Đoan Ngọ (cũng gọi là tết Hái thuốc) mang chút quà đến tết thầy.

Tết và những tập tục của Tết Đoan Ngọ là kết tinh của những tri thức kinh nghiệm từ trong thực tiễn sống và lao động sản xuất của cư dân Bách Việt, được huyền thoại và tín ngưỡng hóa. Dẫu đã cách xa về lịch sử và mức sống nhưng Tết Đoan Ngọ vẫn hiện tồn trong đời sống văn hóa của đại đa số quần chúng nhân dân như một truyền thống phong tục đẹp, mang ý nghĩa thiêng liêng về đạo lí làm người, ý nghĩa sâu sắc về xây dựng một cuộc sống hài hòa với môi trường hiện nay.

 

Chú thích.

(1). Tư Mã Thiên. Sử kí (Phan Ngọc dịch). NXB Văn học. Hà Nội, 1999. Trang 382

(2). Mịch La là khúc sông hợp lưu của sông Mịch và sông La, nay thuộc huyện Tương Âm, tỉnh Hồ Nam, địa bàn cư trú của cư dân Bách Việt cổ. Khi đi sứ, Đại thi hào Nguyễn Du (1766 – 1820) qua Tương Đàm (tên cũ của huyện Tương Âm) đã có 2 bài thơ viếng Khuất Nguyên (Tương Đàm điếu Tam Lư Đại Phu), thể hiện tình cảm sâu sắc với Khuất Nguyên, một con người tài hoa, yêu nước với tâm hồn cao khiết mà cuộc đời đầy bất hạnh.

C.S. Quảng Tuệ Lương Gia Tĩnh