Học viện PGVN tại Hà Nội tưởng niệm cố Giáo sư – NGƯT Trương Đình Nguyên (1931-2020)

16/ 05/ 2023 16:11:54

Sáng nay, 16-5-2023, Học viện PGVN tại Hà Nội trang nghiêm làm lễ cầu siêu, tưởng niệm cố Giáo sư – NGƯT Trương Đình Nguyên (1931-2020), nguyên Phó Viện trưởng Học viện nhân kỷ niệm 3 năm ngày mất của ông.

Chứng minh và tham dự lễ có chư Tôn đức Học viện cùng quý Thầy Cô Văn phòng, Ban Quản chúng và toàn thể Tăng Ni sinh Học viện.  

GS. TRƯƠNG ĐÌNH NGUYÊN, Sinh ngày 13 tháng 4 năm 1931. Nguyên quán: xã Nhân Hưng, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Thường trú tại Đống Đa, Hà Nội. Ông nguyên là Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Nguyên Chủ nhiệm khoa Trung Văn – Trường Đại học sư phạm Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Giáo sư từ trần hồi 9 giờ 40 ngày 20 tháng 04 năm 2020 (tức ngày 28 tháng 03 năm Canh Tý). Hưởng thọ: 90 tuổi.

Trước khi cử hành nghi thức dâng hương tưởng niệm, chư Tăng Học viện đã làm lễ tiếp linh, thỉnh Phật, tụng kinh A Di Đà cầu siêu tiến hương linh cố Giáo sư tại chùa Non Nước.

chư Tôn đức Ban Nghi Lễ thực hiện khóa lễ tại chùa Non Nước -Sóc Sơn, Hà Nội
Nhị vị Thượng tọa cùng quý Thầy Tăng Ni sinh niêm hương cầu nguyện trước di ảnh GS Trương Đình Nguyên (Ảnh: TTHV-Báo Khuông Việt)

Nghi lễ tại Trai đường Học viện, sau khi cung nghinh chư tôn đức Thượng tọa Thích Viên Minh, Thượng tọa Thích Lệ Thọ quang lâm chứng minh, nhị vị Thượng tọa cùng quý Thầy Văn phòng, Tăng Ni sinh thành kính niêm hương bạch Phật, cầu nguyện hương linh cố Giáo sư tiêu dao miền lạc cảnh.

Được biết, Giáo sư sinh ra trong gia đình có truyền thống sùng đạo Phật, quê hương ở Hà Nam gần chùa Tế Xuyên, GS. Trương Đình Nguyên sớm được gần gũi với chư Tôn thạc đức. Vì vậy mà khi còn giảng dạy môn Ngôn ngữ văn học cổ đại Trung Quốc tại trường Đại học Ngoại ngữ, Thầy đã tự nghiên cứu môn Hán Nôm nhằm nâng cao trình độ về kho tàng Hán Nôm của ông cha để lại. Với lòng đam mê và miệt mài nghiên cứu Hán Nôm, Giáo sư đã có nhiều công trình biên soạn, khảo cứu dịch thuật về ngôn ngữ, Văn học cổ đại, văn hoá Trung Quốc (chương trình cấp Bộ), Giáo trình Hán – Nôm cho các trường cao đẳng sư phạm (2 tập), Giáo trình lịch sử văn học Trung Quốc (phần cổ đại), Ngữ pháp Hán ngữ cổ đại, dùng cho trường chuyên tu Hán – Nôm – Giáo trình Thường thức Hán ngữ cổ đại… Trong những công trình biên soạn khảo cứu, chú giải, có thể kể đến Thơ chữ Hán của Lê Thánh Tông, Văn học Tây Sơn

con trai Giáo sư Trương Đình Nguyên cùng dự lễ giỗ thân phụ tại Học viện (Ảnh: TTHV-Báo Khuông Việt)

Giáo sư còn là đồng tác giả nhiều tập sách như : Tổng tập văn học Việt Nam, Nguyễn Khuyến và Tác phẩm, Thơ văn chữ Hán Ngô Thời Nhiệm… và hiệu đính khá nhiều công trình Hán Nôm như: Hải Ông thi tập của Đoàn Nguyễn Tuấn, Đại Nam hội điển sử lệTừ điển Hán – Việt, Từ điển Nhật -Việt, biên soạn và hiệu duyệt Từ điển Phật học Hán – Việt (2 tập, 3000 trang), Từ điển Kinh Dịch (2000 trang), Từ điển Nho – Phật – Lão.

Chỉ phần Kinh Phật nói riêng ông cũng để lại nhiều công trình đáng kể như: biên soạn chú giải Kinh Pháp Hoa đề cương của Thiền sư Minh Chính (ở Bích Động), Thủ Lăng Nghiêm chính mạch …

Đồng thời, Ông cũng dịch khá nhiều Kinh như sau: Kinh Đại NhậtKinh Đại Bảo Tích, Kinh Pháp Hoa, Pháp Hoa huyền tán (2000 trang), bộ Pháp Giới An lập đồ (600 trang được in tại Pháp năm 1993), còn rất nhiều sách chưa xuất bản ước chừng khoảng 30 – 40 cuốn, có cuốn dày hàng nghìn trang, ước chừng tất cả chừng 5 – 6 vạn trang viết tay.

Những tác phẩm trên, chứng tỏ ông là người sống và làm việc miệt mài, đem hết tâm hồn, trí tuệ để lại cho đời sau.

Sinh thời, cố Giáo sư từng nói: “Tôi yêu nghề dạy học vô cùng, rất tự hào khi thấy mình đã truyền đạt kiến thức cho thế hệ sau, thú vị nhất là khi họ thành đạt họ trở thành những người bạn tốt, tôi có rất nhiều bạn… Khi tôi là thầy giáo của các vị tu hành tôi thấy mình càng phải tu dưỡng rèn luyện bản thân mình nỗ lực hơn, tôi cũng học ở họ những phẩm chất quý báu của người xuất gia, tôi tâm đắc câu của người xưa – “Giáo học tương trưởng” (tức là thày trò cùng giúp đỡ nhau trưởng thành).

________TTHV-Báo Khuông Việt