Báo cáo tổng kết công tác giáo dục đào tạo năm học (2006 – 2007)

26/ 02/ 2012 12:47:32

Khoá V (2006-2010) được chính thức tập trung vào ngày 07/5/2006, nhằm đáp ứng yêu cầu của Trung ương Giáo hội về công tác tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2550.

BÁO CÁO TỔNG KẾT CÔNG TÁC GIÁO DỤC ĐÀO TẠO NĂM HỌC (2006-2007)

(Trích Kỷ yếu năm học 2006 – 2007 Khóa V)

I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH CHUNG :

Khoá V (2006-2010) được chính thức tập trung vào ngày 07/5/2006, nhằm đáp ứng yêu cầu của Trung ương Giáo hội về công tác tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2550 tại huyện Sóc Sơn và An cư kết hạ cho Tăng Ni sinh tại chùa Quán Sứ, cũng như triển khai thực hiện đúng thời gian về chương trình giáo dục đào tạo của Học viện.

Từ tháng 5 đến 8 năm 2006, Tăng Ni sinh tu học tại chùa Quán Sứ – Trụ sở Trung ương Giáo hội và từ tháng 9 năm 2006 đến nay chính thức di chuyển Học viện về địa điểm mới (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội).

Đây là đặc điểm lớn nhất của Học viện trong năm học thứ nhất khoá V. Những thuận lợi lớn nhất là sự trưởng thành của Học viện trong suốt 25 năm quà luôn được sự quan tâm lãnh đạo sát sao của Chư tôn Giáo phẩm qua các thời kỳ, sự giúp đỡ có hiệu quả của các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước và sự động viên tích cực của Tăng Ni, Phật tử, nhân dân trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đó là niềm khích lệ to lớn đối với mỗi bước trưởng thành của Học viện. Tuy nhiên cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với thời gian đầu khi Học viện di chuyển về địa điểm mới, ít nhiều ảnh hưởng đến tư tưởng của Tăng Ni sinh, cán bộ và cả nghiệp sư có Tăng Ni sinh theo học tại Học viện.

Song với sự tin tưởng, hộ trì của Tam Bảo, sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Chư tôn Giáo phẩm lãnh đạo Trung ương Giáo hội, Hội đồng điều hành Học viện và sự động viên khích lệ thường xuyên của quý vị lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, sự thăm viếng của các đoàn khách quý trong và ngoài nước, đã đem lại cho Học viện một sinh khí mới, tạo nên sự yên tâm tu học và sự tin tưởng của các cấp Giáo hội, của Nghiệp sư có đệ tử đang theo học. Đến nay, có thể khẳng định Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội là một Học viện kiểu mẫu trong cả nước về công tác giáo dục và đào tạo Tăng Ni trên mọi phương diện.

II. NHỮNG KẾT QUẢ

1. Về công tác tổ chức

Ngay sau khi kết thúc khóa IV, Hoà thượng Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Học viện đã tổ chức phiên họp giữa Ban Thường trực Hội đồng Trị sự (Văn phòng I) với lãnh đạo Học viện về việc kiện toàn tổ chức nhân sự và xây dựng quy chế hoạt động của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác giáo dục đào tạo Tăng Ni và đặc biệt là chuẩn bị cho việc di chuyển Học viện về địa điểm mới.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Trung ương Giáo hội, Hội đồng điều hành Học viện đã chính thức được kiện toàn về tổ chức nhân sự và thông qua quy chế hoạt động và trình Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội phê chuẩn. Ngày 29/06/2006, Hoà thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự đã thay mặt Ban Thường trực ký Quyết định số 290/QĐ/HĐTS V/v phê chuẩn thành phần nhân sự Hội đồng điều hành Học viện và Quy chế hoạt động.

Căn cứ Quy chế, Hội đồng điều hành Học viện đã kiện toàn tổ chức nhân sự và phân công trách nhiệm đối với từng thành viên trong Hội đồng và các phòng ban chức năng, đơn vị đào tạo.

Kế thừa kết quả của công tác tổ chức, đến nay Học viện đã kiện toàn cơ bản về hệ thống tổ chức đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Hội đồng điều hành và chịu trách nhiệm trước Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Nhà nước. Học viện đã thành lập 06 phòng ban chức năng, 06 đơn vị đào tạo và phục vụ đào tạo, gồm có: Văn phòng; Phòng tổ chức cán bộ và kiểm soát; Phòng đào tạo và công tác sinh viên; Phòng Nghiên cứu Khoa học đào tạo sau đại học và quan hệ Quốc tế; Phòng tài vụ và Ban bảo trợ học đường; Khoa Kinh; Khoa Luật; Khoa Luận; Khoa Phật giáo sử; Khoa Quản trị cơ sở tự viện và Bộ môn thế học.

Việc kiện toàn tổ chức của Học viện là bước tiến hết sức quan trọng trong việc triển khai thực hiện các công tác Phật sự đạt kết quả, đáp ứng yêu cầu của công tác giáo dục đào tạo trong hiện tại và hướng tới tương lai.

2. Công tác đào tạo và công tác sinh viên

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Hoà thượng Viện trưởng, Phòng đào tạo đã tổ chức Hội nghị giảng sư để triển khai thực hiện các nội dung chương trình đào tạo của từng năm học, cũng như điều chỉnh các môn học sao cho sát với mục tiêu và yêu cầu đổi mới của công tác giáo dục đào tạo ở bậc cử nhân Phật học và Cao đẳng.

Học viện đã kiện toàn đội ngũ giảng sư và giảng viên. Chư tôn đức là giảng sư của Học viện, có nhiều kịnh nghiệm trong công tác giáo dục đào tạo Tăng Ni, đảm trách khối lượng kiến thức nội điển. Bên cạnh đội ngũ giảng sư thuộc cơ hữu trực tiếp của các khoa, Học viện còn thỉnh một số chư tôn đức là giảng sư thuộc các cơ sở giáo dục đào tạo của Giáo hội hướng dẫn Tăng Ni sinh nghiên cứu học tập một số môn học theo chương trình và một số chuyên đề theo yêu cầu chung của Học viện. Đối với khối lượng kiến thức ngoại điển, Học viện đã hợp tác mời một số giảng viên thuộc các khoa đào tạo, các trung tâm nghiên cứu của Đại học Khoa học xã hội và nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Đội ngũ giảng sư và giảng viên đã thực hiện đúng quy trình đào tạo theo quy định của Giáo hội và Học viện, đáp ứng nhu cầu học tập ngày một cao của Tăng Ni sinh cả về nội điển, ngoại điển và mục tiêu của công tác giáo dục đào tạo.

Căn cứ Quy chế đào tạo, Quy chế kiểm tra, thi và tốt nghiệp của Học viện, các phòng ban chức năng, các đơn vị đào tạo đã bám sát triển khai thực hiện tất cả các môn học của năm học thứ nhất trên cơ sở hai khối kiến thức Phật học và Thế học với 72 đơn vị học trình. Kết thúc mỗi môn học đều được đánh giá bằng kết quả kiểm tra, thi hết học phần và kết quả rèn luyện, ý thức học tập của Tăng Ni sinh.

Được sự chỉ đạo trực tiếp của Hội đồng điều hành, các bộ phận giúp việc thuộc phòng ban chức năng tham gia công tác chuyên môn và công tác Tăng Ni sinh cơ bản đã được kiện toàn, nhằm hướng dẫn Tăng Ni sinh sinh hoạt, học tập nề nếp, giải quyết tốt các vấn đề phát sinh trong quá trình đào tạo một cách thường xuyên và nghiêm túc, áp dụng nhiều biện pháp tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến Tăng Ni sinh trong việc chấp hành ý thức kỷ luật học tập.

Bên cạnh đó, Học viện tổ chức nhiều chương trình lồng ghép các hoạt động ngoại khóa, nhằm nâng cao và phát huy tính sáng tạo của Tăng Ni sinh trong ý thức học tập, như tổ chức viết báo tường nhân lễ Phật đản, ngày Hiến chương các Nhà giáo; phối hợp với Ban Tôn Giáo Chính Phủ tổ chức Hội thảo “Tăng Ni trẻ với sự nghiệp xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa”; tổ chức thăm và tặng quà Trường khuyết tật huyện Sóc Sơn nhân Tết Trung thu; tổ chức giao lưu văn hoá văn nghệ với đoàn nghệ thuật Phật tử Thủ đô; thành lập 03 câu lạc bộ: Thể thao võ thuật, Văn hoá văn nghệ và Thư pháp; tổ chức các lớp học ngoại khóa tiếng Anh, tiếng Trung và phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, tổ chức tuyển sinh lớp Đại học tại chức chuyên ngành Triết học cho Tăng Ni sinh. Đặc biệt cán bộ giáo viên chủ nhiệm và Tăng Ni sinh đã tích cực và hoàn thành xuất sắc trong việc tham gia bầu cử Quốc hội khoá XII tại xã Phù Linh.

Thực hiện và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được Trung ương Giáo hội giao, như tổ chức nghênh đón Thủ Tướng Srilanka cùng phái đoàn; đoàn đại biểu cấp cao của Hiệp hội Phật giáo Lào; đoàn Tăng thân làng Mai – Cộng hoà Pháp; tham gia công tác tổ chức đại lễ Phật đản Phật lịch 2550 và 2551.

3. Công tác bảo đảm đời sống tu học của Tăng Ni sinh

Được sự chỉ đạo của Hoà thượng Viện trượng, Ban Bảo trợ học đường đã từng bước được kiện toàn về nhân sự và tổ chức. Đây là cơ sở cho việc triển khai thực hiện các chương trình vận động tài chính từ nhiều nguồn công đức có hiệu quả. Ban Bảo trợ tổ chức Hội nghị vận động tài chính, tại Hội nghị này đã nhận được cam kết bảo đảm hàng tháng, năm và cả khoá học của nhiều Chư tôn Giáo phẩm và Quý vị Phật tử sinh hoạt tại các đạo tràng ở Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng và một số cá nhân khác. Bên cạnh đó, được sự cho phép của Chư tôn Giáo phẩm tại Trụ sở Trung ương Giáo hội, Ban Bảo trợ đã triển khai ghi công đức nhân các ngày lễ rằm, mồng một, tết cổ truyền của dân tộc và triển khai sâu rộng đến nhiều Tăng Ni sinh có điều kiện vận động Phật tử tại các cơ sở tự viện hiện đang theo học tại Học viện. Chính vì vậy, năm học qua, Học viện đã có nguồn tài chính bảo đảm thường xuyên cho các hoạt động điều hành của Học viện và đời sống sinh hoạt ăn, ở của Tăng Ni sinh (mặc dù vẫn còn rất khiêm tốn). Học viện xác định đây chính là điều kiện căn bản để cho Học viện xây dựng môi trường tu hoc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo Tăng Ni, thực hiện tốt quy củ thiền gia và ý thức xây dựng tập thể Tăng chúng đoàn kết, hoà hợp trong ngôi nhà Phật giáo Việt Nam.

4. Về công tác an cư kết hạ

Thực hiện Thông bạch của Trung ương Giáo hội về công tác tổ chức an cư kết hạ cho Tăng Ni, Học viện đã có kế hoạch tổ chức khoá an cư kết hạ tại chỗ cho cán bộ và Tăng Ni sinh. Năm 2006 Tăng Ni sinh an cư tại Tùng Lâm Quán Sứ và các trường hạ thuộc Thành hội Phật giáo Hà Nội. Năm 2007, Học viện di chuyển về địa điểm mới, nên có điều kiện an cư tập trung 100%. Căn cứ điều kiện cụ thể của Học viện, trong thời gian an cư kết hạ, Học viện đã bố trí thời gian biểu phù hợp với điều kiện học tập theo chương trình đào tạo và thời gian biểu an cư, đặc biệt là tập trung vào việc hướng dẫn thống nhất quy củ thiền gia cho Tăng Ni sinh, tăng cường hành trì giới luật nhằm thúc liễm thân tâm, trau dồi giới định tuệ và tổ chức sinh hoạt, học tập theo chuyên đề nhằm nâng cao ý thức tự giác tu học của người xuất gia và ý thức công dân.

5. Công tác nghiên cứu khoa học và quan hệ Quốc tế

Nhằm đắp ứng mục tiêu của chương trình đào tạo, mặc dù điều kiện cơ sở vật chất chưa hoàn tất, song Hội đồng điều hành Học viện đã có nghị quyết chuyên đề về chỉ đạo công tác nghiên cứu khoa học và mở rộng quan hệ Quốc tế. Trước mặt Học viện đã xây dựng đề án đào tạo cao học trên cơ sở phối kết hợp với Trường Đại học khoa học xã hội nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, dành cho Tăng Ni đã tốt nghiệp Học viện các khoá trước, đồng thời tiếp tục bồi dưỡng những Tăng Ni sinh có khả năng và trình độ để giới thiệu đi du học theo chương trình học bổng của Nhà nước.

Bên cạnh đó, Hội đồng điều hành Học viện cũng đã chỉ đạo tăng cường quan hệ trao đổi, giao lưu học thuật với các học viện nhà trường trong nước và quốc tế. Đặc biệt trong năm học qua, Học viện đã tổ chức đón tiếp trang trọng Thủ Tướng Srilanka, Đoàn đại biểu Hiệp Hội Phật giáo Lào, Nhật Bản và nhiều nhà nghiên cứu khoa học.

III. NHỮNG HẠN CHẾ, TỒN TẠI

Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ về công tác giáo dục và đào tạo của Học viện như đã đề cập trên, song vẫn còn một số hạn chế nhất định:

Chất lượng tuyển sinh khoá V nhìn trên tổng thể có cao hơn các khoá trước, nhưng căn cứ trên kết quả thi hết học phần của môn học, vẫn còn có sự chêch lệch về trình độ ở một số Tăng Ni sinh.

Tinh thần tự giác tu hoc ở một số Tăng Ni sinh chưa nghiêm túc trong việc chấp hành các quy định chung của Học viện, tuỳ tiện trong sinh hoạt và đi lại. Học viện đã phải xứ lý kỷ luật buộc thôi học trả về địa phương 01 trường hợp, kỷ luật cảnh cáo 10 trường hợp.

Cơ sở vật chất mới được tạo dựng, xa trung tâm thành phố, nên việc triển khai thực hiện các công tác chung của Học viện còn gặp khó khăn.

Chế độ lương và phụ cấp cho đội ngũ cán bộ, nhân viên phục vụ và giảng sư rất khiêm tốn.

IV. PHƯƠNG HƯỚNG CÔNG TÁC TRONG THỜI GIAN TỚI

1. Tiếp tục hoàn thành các môn học năm thứ nhất của khoá V (2006-2010). Nhiệm vụ này đã và đang triển khai và tổ chức tốt cho Tăng Ni sinh an cư kết hạ năm 2007.

2. Tiếp tục kiện toàn tổ chức nhân sự các phòng ban chức năng, các đơn vị đào tạo để triển khai tốt nhiệm vụ quản lý và giảng dạy đào tạo.

3. Tăng cường quản lý cơ sở vật chất nhằm phục vụ tốt hơn công tác giáo dục và đào tạo của Học viện. Đồng thời tăng cường quản lý chặt chẽ Tăng Ni sinh hơn trong việc giáo dục tự giác chấp hành nề nếp kỷ luật.

4. Tổ chức tốt các hoạt động ngoại khoá cho Tăng Ni sinh, nhằm tạo nên không khí phấn khởi thi đua học tập và rèn luyện của Tăng Ni sinh nhân các ngày lễ, các sự kiên quan trọng liên quan đến hoạt động của Học viện.

5. Chủ động hơn trong công tác sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua học tập và khen thưởng kịp thời nhằm phát huy những nhân tố mới trong Tăng Ni sinh toàn Học viện.

6. Thúc đẩy nhiều hoạt động mang tính nghiên cứu khoa học và tạo nên phong trào học tập sâu rộng đối với cán bộ, giảng viên và Tăng Ni sinh Học viện. Đồng thời chủ động trong việc đổi mới phương pháp sư phạm, truyền đạt kiến thức và tăng cường giao lưu quan hệ với các tổ chức, trường đào tạo trong và ngoài nước.

7. Thiết thực trong việc thi đua dạy và học, lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VI và tích cực tham gia các hoạt động để cùng Trung ương Giáo hội tham gia tổ chức Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2008 tại Việt Nam do Nhà nước và Giáo hội đăng cai.

Trên đây là kết quả về công tác giáo dục và đào tạo, những hạn chế và phương hướng nhiệm vụ công tác trong thời gian tới. Với quá trình xây dựng và trưởng thành trong 25 năm, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội tin tưởng sẽ đạt được những thành tựu mới, đáp ứng yêu cầu ngày một cao của công tác giáo dục và đào tạo Tăng tài cho Giáo hội, đặc biệt đáp ứng yêu cầu hoạt động Phật sự của các Tỉnh Thành hội Phật giáo phía Bắc.