Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và sự truyền thừa của Phật giáo Việt Nam

26/ 09/ 2013 14:34:58

Tư tưởng giáo lí triết học Thiền của Tam Tổ, đặc biệt của Phật Hoàng Trần Nhân Tông còn được lưu giữ ở kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm Bắc Giang. Đây là kho tài liệu vô giá được bảo lưu qua không biết bao nhiêu biến thiên của tự nhiên và xã hội. Những giá trị vô giá của kho mộc bản này cho tới nay vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của nó.

Trải qua nhiều thăng trầm và biến động xã hội Việt Nam cũng như khu vực và thế giới, Phật giáo Việt Nam ngày nay đã kế thừa và phát huy được những triết lí tốt đẹp và sâu xa từ Tam Tổ Trúc Lâm. Nhiều phong trào Phật giáo ra đời, nhiều Thiền viện mọc lên ở nhiều nơi trong nước và thế giới thu tập nhiều tăng ni phật tử đến tu trì, hành thiền; nhiều Thiền sư dấn thân vì cuộc sống vì sự nghiệp tốt đời đẹp đạo vì mục đích cao cả khai sáng và giải thoát cho con người, kêu gọi hòa bình cho Việt Nam và thế giới phù hợp với tư tưởng cao đẹp của UNESCO kêu gọi các nước, các dân tộc hãy dung chấp văn hóa tránh xung đột văn hóa, cần đối thoại văn hóa, để có hòa bình thực sự cho nhân loại…

Trong số nhiều Thiền sư tiếp nối tinh thần Thiền Việt Nam đã xuất hiện nhiều vị có ảnh hưởng sâu rộng chẳng những đối với con người và xã hội Việt Nam mà còn có tầm ảnh hưởng tới cả quốc tế. Trong số đó tiêu biểu là Hòa thượng Thích Thanh Từ và Thích Nhất Hạnh. Thông qua cuộc đời và sự nghiệp vì đạo và vì đời, hai vị Thiền sư này đã có công hoằng dương Thiền tông Việt trong thời đại mới ở Việt Nam cũng như quốc tế.

1. Mấy nét cơ bản về tư tưởng Thiền Việt thời Trần

Tư tưởng Thiền Việt đời Trần được sinh ra từ một quá trình giao lưu văn hóa tiếp biến Thiên Nam Tông Huệ Năng trải qua hoạt động thực tiễn dài lâu, được đúc kết, ngưng tụ và thăng hoa khát vọng giải thoát đau khổ ngàn đời của chúng sinh Việt, tiệm tiến từ tư tưởng Thiền tùy tục (Thường Chiếu), đến biện tâm (Trần Thái Tông), tiến tới hòa quang đồng trần (Thượng Sĩ), sau cùng là tùy duyên lạc đạo (Trần Nhân Tông). Tâm thức thiền Trần Nhân Tông chính là sự kết tinh và Việt hóa tư tưởng Thiền đồng thời ngày càng thế tục hóa nó sao cho phù hợp với cuộc sống và tâm thức người dân Việt

Tâm thức Thiền của Trần nhân Tông được thể hiện trong nhiều bài thơ, kệ và phú của ông. Tuy nhiên trong bài phú Cư trần lạc đạo, đặc biệt ở bài kệ kết thúc bài phú đã kết tinh cao độ minh triết tâm thức Thiền của ông:“Cư trần lạc đạo thả tùy duyên / Cơ tắc xan hề khốn tắc miên / Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch / Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.” (Cư trần vui đạo hãy tùy duyên / Đói cứ ăn no, mệt ngủ liền / Báu sẵn trong nhà thôi khỏi kiếm / Vô tâm trước cảnh hỏi gì thiền). Đây là sự thăng hoa giáo lí Thiền cũng là tôn chỉ của Sơ Tổ và là tư tưởng nhất quán của Thiền phái được thể hiện qua bốn điểm:

a. Hãy sống “vui với đạo” ngay nơi trần thế đầy thử thách tai ương, giữ tâm thanh thản tự tại, hòa hợp với đời, không câu chấp lệ thuộc vào điều gì.

b. Hành động “tùy duyên”, là hành động theo lẽ tự nhiên như “đói ăn, mệt ngủ” hoàn toàn không cưỡng cầu, việc nên làm thì làm, việc làm phải đúng lúc, đúng chỗ, không bị ảnh hưởng của thiên kiến cá nhân, hoặc ngoại cảnh trái phảỉ…

c. Con đường thành Phật phải là giữ được tâm thanh tịnh, “kiến tính thành Phật”, con đường đốn ngộ thành Phật là con đường lên thẳng. Tự mỗi người phải thực hiện, tự khơi dậy tiềm lực của chính mình, không tìm cầu tha lực. Chính là “vật báu – bản thể tâm trong sáng” ở ngay trong mỗi con người. “Niệm trước mê là chúng sinh, niệm sau ngộ là Phật”.

d. Trước mọi cảnh huống con người luôn giữ được tâm hư rỗng (vô tâm), “tiến thoái bình thản”, “tự tính thanh tịnh”. Con người phải tự thanh tĩnh nội tâm. Tâm có tĩnh thì nước mới tĩnh, phải xây dựng cho được “Tịnh Thổ” ngay trong trần gian mới có thể thấy được “Tịnh Thổ” nơi Tây Phương Cực Lạc.

Điều đặc biệt là Phật Hoàng Trần Nhân Tông không chỉ khai mở cho chính mình mà còn mong khai mở cho mọi chúng sinh. Ngài không chỉ thuyết pháp bằng những chứng ngộ giáo lí Thiền uyên áo mà còn bằng cả cuộc đời tùy duyên hành xử nhằm đem lại “Tịnh tâm”, “Tịnh Thổ” cho con dân Đại Việt.

Trước cảnh lầm than của con dân Đại Việt vì giặc Nguyên Mông xâm lược, Trần Nhân Tông trong vai trò là vị vua lãnh đạo quốc gia, đã cùng toàn dân đánh đuổi giặc ra khỏi đất nước, sau “nhường ngôi cho Anh Tông không bao lâu, khoảng tháng 10 năm Kỷ Hợi, niên hiệu Hưng Long thứ 7, 1299, Điều Ngự – Trần nhân Tông đã vào thẳng núi Yên Tử, tinh cần tu luyện 12 hạnh đầu đà, lấy hiệu là Hương Vân Đầu Đà…” Từ đây, vua mới hội đủ nhân duyên thực hiện cuộc hành trình tâm linh “xuất gia tu đạo, hành đạo”, khát khao thực hiện chí nguyện lập Thiền phái Trúc Lâm, trên cơ sở hợp nhất các Thiền phái vốn đã hiện hữu, mà trước đó ông nội của mình là vua Trần Thái Tông đã đặt nền tảng, nhằm đáp ứng các nhu cầu lịch sử và xã hội đặt ra thời bấy giờ.

Trần Nhân Tông giã từ hoàng cung vào núi Yên Tử, tắm gội ở Ngự Dội, ngồi dưới gốc tùng thiền định, bừng sáng trí tuệ. Sau đó, ông đã cùng hai môn đệ là Pháp Loa và Huyền Quang đi thuyết pháp ở chùa Sùng Nghiêm, Siêu Loại. Sau khi viên tịch, xá lợi của ông được thờ ở tháp Huệ Quang, nghi lễ tổ chức vô cùng trang trọng với số lượng tín đồ đông đảo, vừa đi vừa đọc kinh thể hiện niềm tin của Phật tử đối với vị giáo chủ. Rõ ràng, Phật tử Đại Việt thời đó đã tôn xưng Trần Nhân Tông là Phật Biến Chiếu Tôn. Nhưng điều đáng nói Sơ Tổ là “hiện thân của Phật Đại Việt với nhiều đường nét riêng biệt, phong cách riêng biệt, khác với tông phái Thiền tông khác. Nó không phải là chi nhánh Phật giáo từ bên ngoài vào, nó bắt nguồn tại chỗ, tức từ một vị Phật đầu thai, thuyết pháp, giáo hóa cứu vớt chúng sinh” .

Trong vai trò là vị lãnh đạo tối cao dòng thiền Trúc Lâm, Phật hoàng Trần Nhân Tông với quan điểm Phật tại tâm, tùy duyên, vui sống với Đạo… đã cảm hóa chúng sinh, ai cũng có thể thành Phật ngay giữa cõi đời. Một chủ trương như thế, bất cứ ai cũng có thể trở thành thành viên của Thiền phái, để thân tâm hướng thiện và đóng góp tích cực cho đời. Bên cạnh đó không thể không nói tới Phật hoàng Trần Nhân Tông còn có một tâm hồn thi sĩ vừa thanh cao vừa đầm ấm, vừa triết lí vừa hiện thực. Chất Thiền in đậm trong các trang thơ của Phật hoàng thi sĩ Trần Nhân Tông.

2. Thiền Tông đã đồng hành cùng dân tộc Việt Nam.

2.1 Thiền tông Trúc Lâm Yên Tử là một phái hệ của Phật giáo

Thiền thời Lí – Trần và cả Thiền Nhật Bản đều chịu ảnh hưởng khá sâu sắc từ Nam Thiền của Huệ Năng. Đặc trưng cơ bản của dòng giáo lí này là đốn ngộ và vô trú vô niệm.

a. Đặc trưng đầu tiên của Nam Thiền Huệ Năng là Thiền “đốn ngộ”, tức là con đường một lần vượt lên thẳng, “kiến tính thành Phật” không đợi phải tu tập từ từ, lâu dài, cũng không phải lau chùi, tu sửa tâm từng ngày, có thể nghe một tiếng lá rơi, một lời dạy về đạo bỗng nhiên khai ngộ, thấy bản tính thanh tịnh của tâm là lập tức giác ngộ thành Phật. Phương cách đốn ngộ của nhà Thiền như ánh sáng đi và đến, gần như đồng thời. Nhà Thiền coi tâm là căn nhà tăm tối, chỉ cần ánh sáng chiếu vào thì bóng tối lui. “Người ngu cũng như kẻ trí, Phật tính vốn không sai biệt, chỉ vì mê ngộ không như nhau mới sinh ra có ngu có trí mà thôi”. “Niệm trước mê là chúng sinh, niệm sau ngộ là Phật”

Quan niệm của Nam Thiền Huệ Năng có ý nghĩa thực tiễn lớn lao. Bởi lẽ nó đã đem lại sự bình đẳng trong việc khai ngộ cho mọi người, ai cũng bình đẳng trước khổ đau nên cũng bình đẳng trong giác ngộ; hạnh phúc đến cho hiện tại mà không phải dày công tu luyện hay phải đợi nhiều kiếp sau mới được hạnh phúc. Rõ ràng Thiền đốn ngộ của Lục tổ Huệ Năng đã mở ra một chân trời mới đầy tự do khoáng đãng, hoạt bát sinh động và cũng đầy thách thức.

Đặc trưng thứ hai của Nam Thiền Huệ Năng là chủ trương “vô trú vô niệm”. Vốn có căn nguyên từ Lục Tổ huệ Năng nhờ nghe câu kinh “ưng vô sở trú nhi sinh kì tâm” (không dựa vào đâu để sinh ra tâm của mình) trong kinh Kim Cương mà ngộ đạo. Huệ Năng lấy tôn chỉ là “vô niệm” trên căn bản là “vô trú”. Chính vì là vô trú nên Huệ Năng mới có bài kệ: “Bồ đề vốn không cây / Gương sáng vốn không đài / Xưa nay không một vật / Bụi biết bám vào đâu” (Bồ đề bản vô thụ / Minh kính diệc phi đài / Bản lai vô nhất vật / Hà xứ nhạ trần ai?)

Truyền thống Thiền là gắn kết điều tiết thân, tâm, coi trọng tâm định tĩnh, nỗ lực chuyên tâm mới mong chứng ngộ và giải thoát. Tuy nhiên con đường của Huệ Năng vừa có lối mòn lại vừa ẩn trong lau lách, vừa không bài bác tụng kinh ngồi thiền lại vừa nói vô trú vô niệm. Cho nên Lục tổ Huệ Năng tuy nói “kiến tính thành Phật” nhưng ông cũng phải mất tám tháng “đạp chày giã gạo” tu tập công phu mới thành chính quả. Mặc dù vậy vô trú vô niệm mới là chỗ căn bản nhất của Thiền Huệ Năng, chính điều này làm cho Thiền nói chung bớt đi nhiều sự nghiêm khắc và lạnh lẽo của Phật giáo nguyên thủy.

b. Quan niệm căn bản về đốn ngộ và vô trú vô niệm của Thiền phái Nam tông, thực sự trở thành một triết thuyết có ích cho xã hội và con người; chí ít cũng là định hướng về đời sống tinh thần cho con người, khi triết thuyết này là những thể nghiệm nhân sinh sâu sắc và uyên áo. Những nét cơ bản về thể nghiệm nhân sinh của Thiền phái Nam tông bao gồm: Tiến thoái bình thản, vui sống với đạo

– “Tiến thoái bình thản” là một thái độ, một trạng thái tâm lí thông qua sự trải nghiệm sâu sắc của con người, trong bất kì hoàn cảnh nào tiến hay lui, được hay mất, động hay tĩnh… tâm lúc nào cũng giữ được yên tĩnh, bình thản. Đây là một vấn đề vô cùng khó khăn và phức tạp đối với mỗi con người trong mỗi hoàn cảnh, đặc biệt là đối với kẻ sĩ trong trường kì lịch sử. Kẻ sĩ có người lựa chọn con đường của Nho gia “đạt thì kiêm tế thiên hạ, cùng thì độc thiện kì thân”, có người theo con đường “vô vi” của Đạo gia, dù họ theo đuổi con đường xuất – xử (hành – tàng) hoặc ngược lại là xử – xuất hay vừa xuất vừa xử… tất cả đều thấy khó khăn, người bị biếm trích, kẻ bất đắc chí gạt lệ thở dài, thậm chí có thể bị giết… Duy chỉ có thái độ “tiến thoái bình thản” là một trải nghiệm nhân sinh đặc biệt của Thiền có thể làm con người tĩnh tâm lại trước mọi biến đổi của xã hội của bản thân, khiến con người vừa cố gắng làm tốt chức trách, nhiệm vụ của mình trong hiện tại, lại vừa vui sống thanh thản. Đây chính là tính minh triết và sự uyển chuyển của Thiền giúp cho nhân sinh có một tâm lí ứng xử nhẹ nhàng với cuộc sống, vừa có trách nhiệm với đời lại vừa không bị đời trói buộc.

– “Vui sống với đạo” cũng là một thể nghiệm nhân sinh đặc sắc của Thiền. Mỗi tư tưởng đều chỉ ra một con đường, một quan niệm, một phương cách sống và đạo ở đây chính là con đường đạt đến mục tiêu của các trường phái tư tưởng. Nho, Đạo, Phật đều có đạo của riêng mình. Cái gọi là “vui sống với đạo” chính là cách sống lí tưởng mà mỗi con người ở mỗi triết thuyết đạt tới.

Nam Thiền Huệ Năng đã mở ra phong khí mới, không phải chỉ ở nơi yên tĩnh, theo dõi hơi thở, kiểm soát ý nghĩ mà với tinh thần vô trú vô niệm, con người sẽ dứt bỏ được nhiều mê tối ràng buộc, con người sẽ sống thanh thản hơn và nhìn nhận cuộc sống cũng nhẹ nhàng hơn. Cho dù sống trong hoàn cảnh nào con người cũng không câu chấp, luôn tìm được bản lai diện mục của bản tâm, sống như mình mong muốn, không câu nệ hình thức cũng không gò bó quy củ… Chính những điều này đã kéo tôn giáo về với đời thường, biến cuộc sống thoát tục thành cuộc sống bình phàm. Vì vậy Thiền giả và Nho sĩ và Đạo sĩ cũng không quá phân cách rạch ròi, quan trọng là người ta tìm được một quan niệm sống, một phương thức sống, một niềm vui thanh thản ở trong lòng mỗi người.

c. Sáng tác văn chương cũng là một dấu ấn sâu đậm của Phật giáo nói chung và của Thiền nói riêng trong đời sống nhân sinh. Mặc dù Thiền gia vẫn chủ trương “vô ngôn”, “trực chỉ truyền tâm. giáo ngoại biệt truyền”… nhưng các thiền sư và những người cửa Phật vẫn sáng tác thơ, kệ, phú chuyên chở đạo lí Thiền để giác ngộ chúng sinh; bên cạnh đó, nhiều nhà thơ chịu ảnh hưởng của tư tưởng Thiền cũng sáng tác nói về Thiền lí và đậm đà Thiền vị. Chất Thiền thể hiện trong thơ khá phong phú và đa dạng tùy theo đặc trưng thể loại, tùy theo thời đại và phong cách từng thi sĩ – thiền sư.

2.2 Sự đồng hành giữa Phật giáo Thiền Tông và dân tộc Việt Nam trong lịch sử

a. Phật giáo Thiền tông và tinh thần độc lập tự chủ

Những người đứng đầu Phật giáo Việt Nam phần lớn xuất thân từ đẳng cấp qu‎‎ý tộc, vừa có điều kiện học hành ngộ đạo vừa có cơ duyên với Phật giáo lại vừa có trách nhiệm với đất nước dân tộc, cho nên từ giáo huấn của đức Phật đến triết lí Thiền của Phật hoàng Trần Nhân Tông đều mang tính nhập thế rất cao, thể hiện ở học thuyết tuỳ duyên. Ngay từ thời du nhập, Phật giáo tiếp xúc với nền văn hoá bản địa, trong tinh thần dung thông, không độc tôn, loại trừ. Nhờ tinh thần dung thông này, đạo Phật đã sử dụng các yếu tố tích cực của văn hoá và tôn giáo dân gian để góp phần xây dựng và phát triển nền văn hoá dân tộc. Hình ảnh Tứ Pháp được thờ trong chùa nói lên sự kết hợp hài hoà giữa văn hoá Phật giáo với văn hoá bản địa.

Tư tưởng triết lý của nhà Phật đã từ lâu trở thành một phần đời sống tinh thần của người Việt Nam. Tinh thần từ bi, yêu chuộng hoà bình, tôn trọng sự sống và hiếu sinh của Phật giáo đã ảnh hưởng tâm hồn Việt Nam một cách sâu sắc. Một trong những nhà văn, nhà chính trị lớn của Việt Nam là Nguyễn Trãi đã thể hiện tinh thần nhân bản của đạo Phật trong bài Bình Ngô Đại Cáo của ông rằng: “Lấy đại nghĩa thắng hung tàn/ Đem trí nhân để thay cường bạo.” Nhờ tinh thần “Thần vũ chẳng giết hại/ Thuận lòng trời ta mở đường hiếu sinh” sau khi chiến thắng nhà Minh, thấm nhuần tinh thần nhà Phật, nhà Hậu Lê lúc bấy giờ là Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã không giết hại và cầm tù kẻ thù, ngược lại cung cấp thuyền bè và lương thực cho họ về nước an toàn. Đạo lý này được đức Phật dạy trong Kinh Pháp Có: “Hận thù diệt hận thù/ Đời này không có được/ Từ bi diệt hận thù/ Là định luật muôn đời.”

Trong các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, đặc biệt là thời đại Lý – Trần, tinh thần nhập thế của đạo Phật đã thúc đẩy các vị cao tăng Phật giáo đảm trách vai trò cố vấn cho vận mệnh quốc gia, tham gia triều chính, vì họ nhìn thấy được nỗi đau của một dân tộc nhỏ bé, từng bị ngoại bang lớn mạnh hơn ức hiếp, thôn tính và đô hộ. Thời Đinh Tiên Hoàng có thiền sư Ngô Chân Lưu được mời làm quốc sư, với mỹ hiệu Khuông Việt Đại Sư, bậc thầy tâm linh tạo ra khuôn phép cho nước Việt Nam vĩ đại. Thời Tiền Lê có thiền sư Đỗ Pháp Thuận và đặc biệt là thiền sư Vạn Hạnh có công hình thành nhà Lý, đưa Lý Công Uẩn lên làm vị minh quân, kết thúc chế độ bạo hành của hôn quân ngoạ triều Lê Long Đĩnh. Khi Lý Công Uẩn lên ngôi, nhờ tinh thần giáo dục Phật giáo và niềm tin về tiềm năng chuyển hoá (Phật tính), các ngục hình đã được huỷ bỏ hoặc giảm đi, thay vào đó là chính sách giáo dục đạo đức. Ông đã cho xây dựng nhiều ngôi chùa, làm vai trò “mái chùa che chở hồn dân tộc.”

Đời Trần có các thiền sư Đa Bảo, Viên Thông, Tuệ Trung Thượng Sĩ, đặc biệt Ngự Hoàng Trần Nhân Tông cùng Pháp Loa và Huyền Quang được coi là Tam Tổ Trúc Lâm, cùng các tướng tài, nổi tiếng nhất là đại vương Trần Hưng Đạo, đã nêu cao tư tưởng yêu nước phát triển đất nước trở thành tư tưởng chủ đạo, góp phần mang lại độc lập và chủ quyền cho dân tộc.

Đường lối đức trị của hai triều đại Lý Trần làm cho Việt Nam đạt đến đỉnh cao của lòng tự hào dân tộc, chứng minh sự hội nhập của văn hoá Phật giáo trong văn hoá dân tộc Việt Nam.

Truyền thống tri ân và báo ân tổ quốc sau này đã giúp cho nhiều Tăng Ni đã mạnh dạn “cỡi áo cà-sa khoác chiến bào.” Nhiều Tăng Ni và Phật tử Việt Nam đã tích cực tham gia các phong trào đấu tranh đòi hoà bình và độc lập cho dân tộc trong suốt thời kì thực dân đế quốc đô hộ.

Tinh thần đồng hành với dân tộc của Phật giáo đối với dân tộc Việt Nam đã trên dưới 20 thế kỷ, với Thiền Tông là 7 thế kỉ, kể từ khi con đường tâm linh nhân bản này có mặt tại Việt Nam, đã có nhiều thế hệ Thiền sư và Phật tử vừa yêu đạo, vừa yêu nước. Tinh thần tứ ân của đạo Phật đã tạo ra cao trào tự cường dân tộc, toàn dân yêu nước và đoàn kết vì đại nghĩa quốc gia, nhiều lần đánh bại mọi thế lực xâm lược bên ngoài.

Nhờ ý thức độc lập tự chủ vốn có từ sớm, kết hợp với tinh thần tự cường bình đẳng bác ái của Phật giáo, dân tộc Việt Nam đã định ra cho mình hướng đi đúng là tiếp biến các giá trị văn hóa tích cực của các dân tộc khác để làm phong phú hơn giá trị văn hóa dân tộc Việt. Tiếp nhận cả văn hóa Phật giáo Ấn Độ và văn hóa Hán Trung Quốc, văn hóa phương Tây, Việt Nam vừa có tinh thần yêu nước và bình đẳng của Phật giáo vừa có tư tưởng Nho giáo và Đạo giáo vừa có luân lí lễ giáo phong kiến và thể chế phong kiến như Trung Quốc và nhiều tư tưởng tự do dân chủ như phương Tây tuy nhiên không quá khắc nghiệt và cực đoan như Trung Quốc và đặc biệt nhờ chủ động tiếp nhận văn hóa nên không mặc cảm nô lệ vào Trung Quốc trong suốt 10 thế kỷ.

Tinh thần bình đẳng của nhà Phật là yếu tố cần thiết giúp dân tộc Việt Nam tự giải phóng khỏi ách nô lệ Trung Hoa. Nền chính trị độc lập và tự chủ của thời Lý Trần, với tinh thần nhập thế của Phật giáo, đã mở ra những triều đại độc lập tự chủ đầu tiên của lịch sử Việt Nam, làm cho dòng chảy đồng hành với dân tộc của Phật giáo Việt Nam trở thành sợi chỉ đỏ trong truyền thống văn hoá và chính trị Việt Nam.

Vai trò dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước của Phật giáo đối với nền độc lập và tự chủ của Việt Nam là điều đáng khẳng định. Trang sử hào hùng Việt Nam có bóng hình của Phật giáo, vì con đường tâm linh của Phật giáo trong đó có Thiền Tông đã là chỗ dựa tinh thần cho một nền văn hoá đạo đức, thích ứng với sự lựa chọn của dân tộc Việt Nam

b. Phật giáo Thiền tông và văn hóa tinh thần Việt

* Những nét tương đồng về tư tưởng giữa văn hóa Phật giáo Thiền tông và văn hóa dân tộc

Đạo Phật lấy từ bi làm gốc, lòng yêu thương bao trùm cả muôn loài. Dân tộc ta đề cao tình yêu thương đồng loại. Dân tộc Việt Nam có truyền thống giàu lòng yêu thương nhau, giúp đỡ nhau. Do đó, đưa đạo pháp về lòng từ bi của Phật giáo dạy cho mọi người cách ứng xử với tự nhiên và xã hội phù hợp từ tình thương.

Đạo Phật dạy chúng sinh quý trọng sinh mạng con người và mọi loài vật, khuyên mọi người không sát sanh, không gây đau thương chết chóc hận thù. Dân tộc Việt Nam luôn yêu quý hòa bình, ghét chiến tranh, sẳn sàng làm bạn bè với mọi người. Dân tộc ta luôn quý mến và tôn trọng mọi người mọi cộng đồng xung quanh. Điều này đã làm cho ánh sáng hòa bình của Đạo Phật Thiền Tông gần gũi với tâm thức con người Việt Nam.

Đạo phật dạy con người cần phải bố thí. Văn hóa dân tộc Việt Nam cũng nêu cao tinh thần lá lành đùm lá rách: Một miếng khi đói bằng một gói khi no” (Tục ngữ.) ; “Xởi lởi trời gởi của cho”.

Đạo Phật đem lại cho con người có cái nhìn tự do, giải thoát, không bị ràng buộc bởi định kiến, nô dịch tư tưởng con người. Đạo Phật với thuyết “nhân quả”, “duyên khởi”, cho rằng mọi sự vật đều có nguyên nhân của nó, mỗi người tự chịu trách nhiệm về những hành vi của mình, tạo nghiệp lành được quả lành; tạo nghiệp ác bị quả dữ. Con người không phải do một thế lực siêu nhiên định đọat, không phải là do “thiên định” như học thuyết của Khổng Tử trong văn hóa Trung Hoa đã trói buộc con người vào thuyết “Thiên mệnh”, mỗi người có một số. Trời cho làm vua thì được làm vua, Trời bắt làm dân cùng đinh thì phải làm người cùng đinh, mà người Việt Nam tin vào quy luật: sông có khúc người có lúc, chẳng ai nghèo ba họ chẳng ai khó ba đời…

* Cách sống theo giáo lý nhà Phật phù hợp với cách sống của người Việt :

Lối sống con người Việt Nam là lối sống hòa mình với láng giềng, thôn xóm, gần gũi, thương yêu giúp đỡ mọi người rất phù hợp với lối sống từ bi bác ai của nhà Phật.

Lối sống con người Việt Nam giản dị, chân tình, biết dung chấp, thích ứng trong cuộc sống đời thường. Giáo lý nhà Phật là thanh tịnh, thanh đạm là cư trần lạc đạo…

Lối sống con người Việt Nam hòa hợp với thiên nhiên như đồng lúa, cánh rừng, lũy tre. Đạo Phật dạy con người biết tùy duyên sống hài hòa yêu quý thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên.

Con người Việt Nam luôn biết chủ động trong mọi tình huống của cuộc sống như triết lí Thiền tiến thoái bình thản và rạch ròi trong nhận thức không tả cũng không hữu, mong muốn xây dựng Tịnh thổ nơi trần thế…

* Phật giáo Thiền tông có ảnh hưởng sâu rộng, lâu dài trong đời sống văn hóa người Việt:

Nền tảng của sự đồng hành với dân tộc của Phật giáo có gốc rễ từ học thuyết tuỳ duyên bất biến. Tuỳ duyên là con đường tiếp biến và hội nhập với văn hoá bản địa để tạo ra cơ hội và giá trị đóng góp của Phật giáo cho cuộc đời. Sự tuỳ duyên để tiếp biến văn hoá trong Phật giáo luôn đi kèm theo điều kiện “bất biến” tức là không được cắt đứt gốc rễ văn hoá dân tộc, trong tiến trình hội nhập với dân tộc. Do tính cách đặc thù của đạo Phật, lời Phật dạy đã trở thành thích ứng với các gốc rễ văn hoá nơi đạo Phật có mặt như một thực tại văn hoá và tâm linh nhân bản.

Kế thừa Phật giáo từ thời Lí, Thiền phái Trúc Lâm với Tam Tổ đã hoằng dương đạo Phật, làm cho tư tưởng Phật giáo đã ăn sâu vào đời sống tinh thần người Việt, mở ra một thời đại xã hội mới “vua tôi trên dưới một lòng” cùng nhau xây đựng Tổ quốc hòa bình, thịnh vượng. Chùa chiền phát triển, xây dựng khắp nơi. Tăng sư ngày càng đông. Triều đình thì lập ra Quốc sư để cố vấn cho nhà vua những kế sách giúp dân, giúp nước đồng thời quản lý tăng chúng. Phật giáo trở thành quốc giáo, tạo điều kiện cho đất nước Đại Việt phát triển một cách toàn diện, bền vững, trở thành một quốc gia hùng mạnh trong thời đại bấy giờ.

Phát triển  tư tưởng và văn hóa Phật giáo, văn hóa Thiền, để củng cố và phát triển nền văn hóa dân tộc là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn có từ thời Lý – Trần. Dựa vào đường lối này, dân tộc Việt Nam có cơ hội phát triển, xây dựng nước Đại Việt hùng cường, mở rộng bờ cõi, tạo nên nền tảng vững chắc cho nước ta trong quá trình dựng nước và giữ nước, đấu tranh bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ, giành thắng lợi với những chiến công lẫy lừng của Lý Thường Kiệt “Phá Tống, bình Chiêm”, của Trần Hưng Đạo chiến thắng quân Nguyên Mông, của Nguyễn Trãi cùng Lê Lợi với Bình Ngô đại cáo” …

Nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc đầu thế kỷ thứ XI  đã tạo nên một nuớc Đại Việt hùng cường. Tư tưởng Phật giáo không buộc mọi người tin tưởng mù quáng vào một đấng thần linh tối cao nào. Phật giáo cũng giúp con người tự tin, tự khẳng định mình.

Tư tưởng Phật giáo làm vững chắc hơn nền tảng văn hóa Việt Nam, khi  tư tưởng Phật giáo được phổ biến trong đời sống văn hóa, xã hội Việt Nam, người dân Việt Nam đã hấp thụ được một cuộc sống đầy nhân văn, tôn trọng gíá trị con người và tự nhiên.

Tư tưởng Phật giáo đã từng bước tạo nên một thế vượt trội hơn Khổng giáo, Đạo giáo. Những tư tưởng “Trung quân ái quốc”, “trọng nam khinh nữ”, “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” của Khổng giáo đã dần dần bị phai nhạt bởi tư tưởng “Từ bi, hỉ xả”, “giải thóat”, “nghiệp báo”… của tư tưởng Phật giáo. Tư tưởng này đã chuyển hóa thành đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam đó là tinh thần yêu thương đồng bào đoàn kết gắn bó của dân tộc Việt Nam.

Ngày nay, đạo Phật dược  duy trì và ngày càng phát triển. Người dân ngày càng gần gũi, tiếp xúc và tu học theo Phật giáo. Nếu Phật giáo phổ biến sâu rộng hơn, các nhà tu hành chân chính nhiều hơn, các chùa phục vụ xã hội nhiều hơn, chắc chắn sẽ mang lại cho đất nước Việt Nam thanh bình, đoàn kết, giàu mạnh và văn minh.

3. Sự truyền thừa và hoằng dương Phật giáo Thiền tông trong thời đại mới thông qua một số Thiền sư tiêu biểu.

3.1 Tư tưởng, giáo lý Thiền phái Trúc Lâm luôn được các thế hệ người Việt Nam bảo lưu và truyền dạy theo trường kì lịch sử. Việc truyền thừa tư tưởng, giáo lý thiền phái Trúc Lâm không chỉ lan truyền trên lãnh thổ Việt Nam mà còn được quảng bá trên thế giới.

Tư tưởng, giáo lí Thiền phái Trúc Lâm có trong kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm – Bắc Giang đã được nhiều thế hệ thiền sư biên soạn thành sách, tài liệu, giáo trình rồi dịch ra tiếng nước ngoài. Những tài liệu này lại do chính các thiền sư có uy tín người Việt ở trong và ngoài nước đi truyền dạy. Tiêu biểu là Hòa Thượng Thích Thanh Từ, Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh và Thiền sư Thích Huyền Diệu. Các ngài truyền bá tư tưởng thiền phái Trúc Lâm trước hết qua việc biên soạn tài liệu, sách về nội dung thiền Việt đồng thời dịch ra tiếng nước ngoài. Mặt khác xây dựng các thiền viện để đào tạo ra các tăng ni, phật tử theo kiểu thiền phái Trúc Lâm ở trong nước và trên thế giới đồng thời truyền giảng tinh thần Thiền Việt Nam.

Các ngài đều là những người Việt Nam yêu nước, sớm có duyên với Thiền. Và con đường đến công quả Thiền của các ngài đều là do tu tập nghiêm túc đưa đến đốn ngộ kiến tính thành Phật, đều mang theo tư tưởng Thiền Việt và cách thức hành trì, tu tập như mọi Thiền sư Việt Nam đã chứng ngộ. Các ngài đều cho rằng thiền phái Trúc Lâm có cội nguồn từ đạo Phật thế giới. Mặt khác thiền phái Trúc Lâm là một sự phát triển mới của Thiền và có ảnh hưởng lớn đến Phật giáo thế giới.

Cũng từ đây, các ngài thực hiện sứ mạng của những Thiền sư chân chính vì cộng đồng vì chúng sinh, những chứng ngộ về giáo lí Thiền như nước cành dương trước hết khai sáng trí tuệ và tâm hồn các phật tử và dân chúng Việt Nam sau đó là khu vực và quốc tế. Các ngài đi giáo hóa dân chúng, quảng bá Phật giáo Thiền tông, nối tiếp tinh thần Thiền tông Trúc Lâm Yên Tử và đưa tinh thần này lên những đỉnh cao mới phù hợp với yêu cầu của thời đại mới

3.2 Các vị hòa thượng và thiền sư trên đều đã biên soạn rất nhiều sách giảng giải kinh Phật.

– Tựu chung các sách đề cập đến hai nội dung chính:

– Giảng giải về đạo Phật nói chung.

– Giảng về Thiền phái Trúc Lâm cũng những tư tưởng của Thiền phái.

Hòa thượng Thích Thanh Từ đã từng về chùa Vĩnh Nghiêm và đã xin toàn bộ bản rập kinh Phật nơi đây để nghiên cứu, từ đó biên tập thành bộ Thích Thanh Từ toàn tập, gồm 30 tập thể hiện giáo lý Phật giáo của Thiền phái Trúc Lâm. Đồng thời lấy đó làm tài liệu giảng giải kinh Phật cho các tăng ni, Phật tử (xin xem phụ lục I). Một số tác phẩm của ngài đã được dịch ra tiếng Anh như: Buddhism anh the Youths, The key to Buddhism, The Practicing Method of Vietnamese Zen, If you know Zen Poetry colection, My Whole life…

Trong quá trình tu hành, Hòa thượng Thích Thanh Từ liên tục tổ chức các khóa thiền, giảng giải giáo lý Phật giáo Trúc Lâm thông qua các tài liệu đã biên soạn. Ngài cũng gắn tư tưởng của giáo lý Thiền với thực tiễn xã hội Việt Nam, đưa tư tưởng của thiền phái Trúc Lâm vào trong cuộc sống, hòa nhịp với cuộc sống đương đại. Với tâm nguyện đó ngài xây dựng nhiều Thiền viện, tiếp độ Tăng ni Phật tử tu học, đến nay đã có hàng vạn Tăng ni tu theo Thiền phái Trúc Lâm ở các Thiền viện trong và ngoài nước. Ngài đã có công lớn xây dựng gần 30 thiền viện để tu tập theo thiền phái Trúc Lâm. Ngoài các Thiền viện ở trong nước, còn có 18 Thiền viện, thiền tự ở nước ngoài do ngài tạo dựng (ở Mỹ có 10, Úc: 5, Canada: 2, Pháp: 1) và hàng vạn Phật tử tu tập theo Thiền phái Trúc Lâm, với tinh thần “Phật tại tâm” (xin xem phụ lục II).

Thiền sư Thích Nhất Hạnh chẳng những là một thiền sư, nhà văn, nhà thơ, mà còn là nhà khảo cứu, nhà hoạt động xã hội và người vận động cho hòa bình. Ông cũng là nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn ở phương Tây chỉ sau Đạt-lại Lạt-ma. Ông là người đưa ra khái niệm “Phật giáo dấn thân” (engaged Buddhism) trong cuốn sách Vietnam: Lotus in a Sea of Fire của ông. Hành trình dấn thân của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã kế thừa tinh thần dấn thân nhập thế tích cực của Phật Hoàng Trần Nhân Tông và Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Trước tác của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, mang các thông điệp của tư tưởng nhập thế, tự lực, tùy duyên, và cũng đã được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau, được giới tăng ni và bạn đọc phổ thông trên toàn thế giới mến mộ (ngài có hơn 70 tác phẩm tiếng Anh trong đó có khoảng gần 30 tác phẩm được nhiều người biết đến (xin xem phụ lục III). Ông cũng xuất bản các bài giảng trong các tạp chí, tạp chí Mindfulness Bell của Dòng tu Tiếp Hiện. Những bài giảng và ấn phẩm của ông đã minh chứng sự giác ngộ về đạo Thiền Việt Nam truyền từ Trần Nhân Tông và đã được biến đổi cho phù hợp với thời đại mới ở Việt Nam và phương Tây. Có một số nhà nghiên cứu Phật học người Ấn Độ, đánh giá rất cao tư tưởng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh (như Ranjana Mukhopadhyaya với cuốn Engaged Buddhism in Japan: Social Activities and Social Ethics of Hoonji and Rissho Kosei-kai, 2005). Một số thiền phái ở Nhật Bản, cũng sử dụng sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh như là tài liệu tham khảo đặc biệt quan trọng trong quá trình tu tập của các môn đồ.

Tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm đã được Thiền sư Thích Nhất Hạnh truyền bá rộng rãi ra nước ngoài như: tinh thần bình thản, cư trần lạc đạo của Thiền phái vốn có trong kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm Bắc Giang, đã được tiếp biến trong tâm thức của thiền sư. Ngài đã đem tâm thức thiền Việt Nam có từ thời Tam tổ Trúc Lâm quảng bá và giao lưu với nhiều hệ tôn giáo khác trong tinh thần dung hợp và bác ái. Ngài là một trong những người thầy về Phật giáo ở phương Tây, những lời dạy và các phương pháp thực hành của Thiền sư Thích Nhất Hạnh thu hút nhiều người đến từ các quan điểm về tôn giáo, tâm linh và cả thiên kiến chính trị khác nhau. Ông đưa ra cách thực hành “chánh niệm” (sự lưu tâm đúng đắn, tiếng Pa li: Sati, tiếng Anh: mindfulness), vốn là thăng hoa của triêt lý “tuỳ duyên” của thiền phái Trúc Lâm được điều chỉnh cho phù hợp với tri giác và văn minh phương Tây. Nơi cư trú của Thiền sư Thích Nhất Hạnh là Tu viện làng Mai ở vùng Dordgne thuộc miền Nam nước Pháp. Ngài thường đến nhiều nước trên thế giới thuyết giảng và tổ chức các khoá tu thiền theo nền tảng tư tưởng của thiền phái Trúc Lâm. Ngài cũng là người tích cực tổ chức các cuộc vận động vì hòa bình, tổ chức các khóa tu thiền cho người Israel và người Palestine, khuyến khích họ lắng nghe và học hỏi lẫn nhau; thuyết giảng kêu gọi các nước tham chiến hãy đình chiến và tìm các giải pháp bất bạo động để giải quyết các mâu thuẫn của họ; tổ chức các cuộc diễu hành hòa bình ở Los Angeles vào năm 2005 có tới hàng ngàn người tham dự. Thiền sư Thích Nhật Hạnh tạo dựng các tu viện và đạo tràng tu tập ở nhiều nước trên thế giới: ở Anh gồm có 57, ở Ái Nhĩ Lan có 12, ở Áo có 4, ở Ba lan có 3, ở Bỉ có 5, ở Bồ Đào Nha có 1, Brazil có 11, ở Ca na da có 30; ở châu Á (Thái Lan, Indonexia, Hồng Kông, Ấn Độ, Sinh ga po, Trung Quốc) có 13; ở Châu Phí có 2; Do Thái có 4, ở Đan Mạch có 4, ở Đức có 73, ở Hà Lan có 11, ở Mễ Tây Cơ có 5, ở Mỹ có 371, ở Na uy có 4, ở Nga có 2, ở Phần Lan có 1, ở Tô Cách Lan có 6, ở Tân Tây Lan có 6, ở Tây Ban Nha có 8, ở Thuỵ Điển có 3, ở Thuỵ Sĩ có 17, ở Úc có 9, ở Ý có 4… (xin xem phụ lục IV)

Phật giáo Việt Nam được khu vực và quốc tế biết đến còn phải kể tới Hoà Thượng Thích Huyền Diệu. Ngài là người đầu tiên xây dựng chùa Việt Nam Phật quốc tự tại Bồ đề Đạo Tràng (Bodh Gaya, Ấn Độ) và  Lâm Tỳ Ni (Lumbini) ở Nepal. Hai ngôi chùa này được xây dựng theo kiến trúc đặc trưng của đạo Phật Việt Nam, góp phần tạo dựng và truyền bá hình ảnh, văn hóa Việt Nam tại quê hương của Phật giáo thế giới. Là một vị hòa thượng rất thông thái về kinh kệ và ngoại ngữ, hòa thượng Thích Huyền Diệu được nhiều trường Đại học lớn ở Nhật Bản, Tây Âu, Bắc Mỹ mời làm giáo sư thỉnh giảng.

Tóm lại, Tư tưởng Thiền của Tam Tổ Trúc Lâm đứng đầu là Điều Ngự Trần Nhân Tông sáng lập được bảo lưu trong kho mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm Bắc Giang, đã là cội nguồn quan trọng để dòng mạch Thiền được tiếp nối ngày càng lớn theo diễn trình lịch sử dân tộc và đã thấm vào truyền thống văn hóa Việt Nam. Tư tưởng này vẫn đang được phát huy mạnh mẽ trong cuộc sống đương đại, không chỉ với nhân dân Việt Nam, mà cả với nhân dân thế giới. Thiền phái Trúc Lâm vẫn đang góp phần bồi dưỡng tâm hồn, tạo dựng tinh thần vui sống, lạc quan, tự tin của con người trong bối cảnh thế giới có nhiều bất an về môi trường, xã hội, chính trị.

Vì vậy, chúng ta càng trân trọng, lưu giữ kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm. Đó là bản gốc duy nhất, không thể thay thế của các trước tác quan trọng nhất của thiền phái Trúc Lâm mà các hoà thượng Thích Thanh Từ, Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Thiền sư Thích Huyền Diệu cũng như các học trò của họ, đã và đang tiếp tục khai thác, lưu giữ và phát triển nó trong xã hội đương đại.

 

PGS.TS Trần Lê Bảo

                                                     Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

 

Tài liệu tham khảo chính:

  1. 1.Thích Thanh Đạt. (2000). Thiền phái Trúc Lâm thời Trần. Hà nội, Viện sử học – TT nghiên cứu KHNV quốc gia, luận văn Tiến sỹ.
  2. 2.Trần Tuấn Khải. (1971). Tam tổ hành trạng. Tp.Hồ chí Minh, Nxb Nguyễn Văn Huân.
  3. 3.Thích Đức Nghiệp. (1995). Đạo Phật Việt nam. Tp. Hồ chí Minh, Thành hội Phật giáo Tp. Hồ chí Minh ấn hành.
  4. 4.Thích Thông Phương. (2003). Thiền Phái Trúc Lâm Yên tử. Hà Nội, Nxb Tôn Giáo.
  5. 5.Thích Phước Sơn. (1995). Tam Tổ Thực lục. Tp. Hồ chí Minh, Nxb Gia Định.
  6. 6.Thích Mật Thể. (2004). Việt nam Phật giáo sử lược. Hà nội, Nxb Tôn giáo.
  7. 7.Thích Minh Tuệ. (1993). Việt nam Phật giáo sử lược. Tp. Hồ Chí Minh, Nxb Sài Gòn.
  8. 8.Thích Thanh Từ. (1997). Tam Tổ Trúc Lâm Giảng Giải. Tp. Hồ Chí Minh, Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh ấn hành.