Trần Nhân Tông – Vị anh hùng dân tộc và sự nghiệp bảo vệ tổ quốc

29/ 02/ 2012 12:41:37

 

Lịch sử hơn bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta là những bản trường ca bất hủ, những trang vàng chói lọi để lại cho con cháu muôn đời, là hành trang cho những thế hệ sau tự hào bước tiếp. Nhìn vào những trang sử vẻ vang ấy của lịch sử dân tộc, tất cả chúng ta đều thừa nhận triều đại nhà Trần là một trong những triều đại hưng thịnh và vẻ vang nhất trong lịch sử nước ta. Nguyên nhân nào đã đưa đến sự hưng thịnh ấy? Chắc chắn là sẽ có rất nhiều nguyên nhân. Ở mỗi góc độ nghiên cứu và phân tích ta lại thấy có một nguyên nhân sâu xa khác nhau. Mặc dù vậy không ai có thể phủ nhận được vai trò to lớn của Phật giáo và các cá nhân lãnh tụ mà cụ thể là các bậc Vua hiền trong những thành tựu rực rỡ của triều đại nhà Trần, trong số đó nổi bật hơn cả chính là vai trò của Vua Trần Nhân Tông mẫu hình tác giả Hoàng đế – Thiền sư – Thi sĩ tiêu biểu cho cả một thời đại huy hoàng trong lịch sử dân tộc.

1. Trần Nhân Tông thân thế sự nghiệp (1258-1308)

Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông, nguyên là vị vua thứ ba của triều Trần, tên húy là Khâm, sinh ngày 11/11/1258, là trưởng nam của vua Trần Thánh Tông. Sử cũ chép rằng, khi mới cất tiếng khóc chào đời, thái tử Trần Khâm đã lộ rõ tướng là người phi phàm, nói theo lời của sách Đại Việt sử ký toàn thư, “tinh anh thánh nhân, thuần tuý đạo mạo, sắc thái như vàng, thể chất hoàn hảo, thần khí tươi sáng”.

Lên ngôi năm 21 tuổi, Trần Nhân Tông đã cùng vua cha cầm quân hai lần đánh thắng kẻ thù xâm lược hùng mạnh nhất thời đó (vào năm 1285 và 1288) và có nhiều đóng góp trong việc mở mang và củng cố bờ cõi về phía Tây và phía Nam. Ông là người không bao giờ chủ quan với vốn kiến thức thu lượm được trong cuộc đời không ít biến cố và thử thách và cho tới hơi thở cuối cùng vẫn tràn trề ham muốn thế thiên hành đạo để tôn vinh cái thiện và lòng nhân.

Năm 1293, sau khi xã tắc hai phen chồn ngựa đá, non sông một thuở vững âu vàng, Trần Nhân Tông đã nhường ngôi cho con và lui về đất cũ Thiên Trường, dành thời gian chủ yếu để chuyên chú nghiên cứu đạo Phật. Tháng 8/1299, Trần Nhân Tông xuất gia vào núi Yên Tử tu khổ hạnh ở ngọn Tử Tiêu, pháp hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà, tự là Trúc Lâm Đại Sĩ.

Trần Nhân Tông đã có những đóng góp xuất sắc vào lịch sử chống ngoại xâm, xây dựng đất nước, phát triển tư tưởng Phật giáo dân tộc và là một trong những tác giả đi đầu trong việc sáng tác thơ phú bằng chữ Hán và chữ Nôm. Với tầm vóc danh nhân văn hóa, hình ảnh Trần Nhân Tông đã tỏa sáng trên tư cách một vị hoàng đế sáng suốt, vị thuỷ tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và để lại những áng thi ca thấm đậm lẽ đạo tình đời. Trần Nhân Tông đã về cõi tây phương cực lạc năm 1308, nghiệm sinh đúng nửa thế kỷ trên cõi đời.

  2. Trần Nhân Tông – vị anh hùng dân tộc

Một thời đại thịnh trị không phải chỉ được đánh dấu bằng những võ công oanh liệt mà phải là sự phát triển đồng bộ và toàn diện của cả dân tộc trên khắp các mặt, từ vật chất đến tinh thần, từ kinh tế đến văn hoá xã hội. Thời đại thịnh trị không phải chỉ có những vị vua giỏi tôi hiền mà đỉnh cao của nó là sự phát triển về mặt trí tuệ, tâm linh. Bắt nguồn từ truyền thống tâm linh Phật mà cả dân tộc đã biến thành một dàn hợp xướng dưới sự chỉ đạo của một người nhạc trưởng tài ba. Và trong khung cảnh thời đại lịch sử này đã sản xuất cho dân tộc ta một nhà quân sự thiên tài, một nhà chính trị thông minh và trên cao hết, một nhà đạo sư, người thầy hướng dẫn tâm linh cho toàn thể dân tộc, đó là vị quân vương Phật tử Trần Nhân Tông.

Xây dựng một đất nước cường thịnh:

Giai đoạn trị vì của vua Trần Nhân Tông là thời kỳ mà xã hội rất ổn định. Vua biết cách thu phục nhân tâm. Dân chúng cả nước đồng lòng, đồng sức vì Vua. Cảnh thái bình tươi đẹp sau mỗi lần dẹp giặc ngoại xâm là những điểm sáng rất đáng ghi nhớ. Chưa có thời kỳ nào trước đó việc quan tâm đến dân chúng lại được chú ý như thời kỳ này. Trường lớp rất được mở mang, Nho học được toàn thịnh. Việc thi cử đã được mở theo định kỳ để lấy người tài giỏi ra giúp nước, chính điều đó đã lý giải cho việc thời Trần có nhiều tướng tài, giỏi đến thế. Ngoài Quốc Tử Giám có tại kinh đô từ đời nhà Lý, nhà Trần cho lập thêm Quốc Học Viện để giảng Tứ Thư và Ngũ Kinh. Tại các lộ cũng cho mở trường học để dạy cho dân chúng.

Văn hóa thời kỳ này phát triển rực rỡ với nhiều kiến trúc độc đáo. Đây cũng là giai đoạn đã đào tạo được khá nhiều học giả nổi tiếng, văn chương thơ phú cũng phát triển. Chính Vua Nhân Tông là người giỏi văn chương. Ông còn để lại trên ba mươi tác phẩm, trong đó có các bài tán, minh, thơ chữ Hán và hai bài phú chữ Nôm. Các sáng tác của Trần Nhân Tông trải rộng diện đề tài từ dòng thơ chiến trận đến tâm sự buồn vui đời thường, từ vận mệnh quốc gia đến nỗi niềm người khuê phụ, từ lối thơ xướng họa đến tức sự, từ thơ bang giao đến vịnh cảnh non sông tươi đẹp, từ tiếng nói bậc đế vương đến sâu thẳm chất Thiền…

Dù là bậc Vua nhưng Nhân Tông không hề kiêu căng, xa lạ mà trái lại rất gần gũi mọi người. Chính điều đó lý giải tại sao Nhân Tông lại giỏi dùng người đến vậy. Chắc hẳn trong chúng ta không ai không biết đến việc Nhân Tông khéo léo trong sử dụng vị tướng Trần Khánh Dư hay Trần Quốc Toản như thế nào? Mỗi khi đi ngoài đường gặp gia nhân của các vương thần thì hay dừng lại hỏi han, không cho vệ sĩ nạt nộ họ. Vua nói “Lúc thái bình thì nhờ có thị vệ tả hữu, mà lúc nước nhà lâm nạn, thì chính những người gia nhân ấy đi theo bảo vệ”. Việc dụng người tài của Nhân Tông có lẽ ít bậc vua nào sánh kịp.

Khi phân tích những nguyên nhân làm nên những thành tựu trong giai đoạn trị vì của Nhân Tông có lẽ không thể không nhắc đến vai trò của Phật giáo. Vua Nhân Tông có căn bản vững chắc về Phật học, thấm nhuần giáo lý Từ, Bi, Hỷ, Xả. Ông biết dùng Phật giáo để liên kết nhân tâm trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước. Thời đại Nhân Tông là thời đại mà Phật giáo đời Trần hưng thịnh đến cực độ. Thế nhưng tinh thần từ bi và khoan dung của đạo Phật không hề đi đôi với một thái độ tiêu cực và quên lãng. Hội Nghị Diên Hồng do Trần Nhân Tông triệu tập đã nói lên được sự đồng tâm nhất trí của vua dân thời ấy. “Ðánh”, quyết nghị đồng thanh của Hội Nghị Diên Hồng là một tiếng nói của ý thức tự chủ và tinh thần tự cường, tự lực của dân Việt trong thời đại Phật Giáo đời Trần. Đây là đỉnh cao của sự đoàn kết toàn dân tộc mà chính nhờ sự liên kết nhân tâm, tinh thần hoà hợp – vô ngã vị tha của đạo Phật mà Vua tôi thời Trần đã thấm nhuần.

Chính Nhân Tông đã sử dụng được tiềm năng của Phật Giáo để phục vụ cho chính trị. Sự kiện xuất gia của vua, cũng như những năm hành đạo trong dân gian của vua, đã khiến Giáo Hội Phật Giáo Trúc Lâm trở nên một lực lượng tôn giáo hùng mạnh yểm trợ cho triều đại. Biểu lộ tình thương chân thật với từng người hầu hèn mọn của các vương hầu, hành vi ấy còn có người làm được, chứ yêu thương cả kẻ thù của mình thì chỉ có Nhân Tông, một người đã thấm nhuần tinh thần từ bi, vị tha của Phật giáo, một Tổ sư Thiền mới làm được như vậy mà thôi.

Hãy thử phân tích nguyên nhân của 3 lần chiến thắng quân Nguyên Mông: Một đế quốc được xem là hùng mạnh nhất lúc bấy giờ, đi đến đâu là thắng đến đó, vậy mà 3 lần mang quân sang nước ta là 3 lần tháo chạy đến không đường về. Vì đâu mà các triều Vua nhà Trần lại có thể tập hợp được nhiều tướng tài như vậy, tập hợp được sức mạnh quần chúng nhân dân lớn đến thế? Trong khi ta vũ khí thô sơ hơn giặc thì thắng thế nào đây? Ta thấy chính các vị Vua của nhà Trần đều là những Phật tử am hiểu sâu sắc Phật học, thấm nhuấn giáo lý nên các Ngài đã biết dùng Từ, Bi, Hỷ, Xả để thu phục nhân tâm, đã khiến cho trên dưới một lòng quyết tâm đánh giặc. Tư tưởng Phật giáo đó của các Vua triều Trần không chỉ để sử dụng những lúc có ngoại xâm mà chính là ngay trong thời bình với tình thương vô hạn đối với quần chúng nhân dân nên khi giặc đến thì lòng quyết tâm và sức dân mới lên cao đến như vậy.

Tóm lại, trong một đất nước có vua sáng, tôi hiền, triều đình hòa hợp, trên dưới một lòng, trên từ Thiên tử, dưới đến thứ dân, từ một em bé thơ ngây đến những cụ già đầu bạc, tất cả đều một lòng vì dân, vì nước. Trong mọi lĩnh vực quân sự, ngoại giao, giáo dục, chính trị, đều có những nhân tài xuất chúng. Mọi người trong xã hội đều có tinh thần độc lập, tự chủ, tự tín và tự cường. Như thế, tất nhiên có đủ điều kiện để xây dựng một quốc gia hùng mạnh. Nhưng điều quan trọng hơn hết chính là tư tưởng chủ đạo để hướng dẫn tất cả mọi hoạt động ấy. Đó chính là tinh thần Phật giáo. Một tinh thần nhập thế hành động, từ bi cứu khổ, lấy con người làm đối tượng để phụng sự nhân sinh.

 Vai trò chấn hưng Phật giáo:

Một trong những sự nghiệp lớn của vua Trần Nhân Tông còn để lại mà đời sau không thể không nhắc đến, đó là nỗ lực hoằng truyền chính pháp, chấn hưng đạo Phật. “Từ cuối đời Lý, đạo Phật Việt Nam đã có những dấu hiệu suy thoái. Khi tinh thần đạo lý từ bi suy sụp thì tín ngưỡng quyền năng ma thuật lộng hành đưa con người vào vòng mê tín. Bên cạnh đó là những tệ trạng xã hội khác gây ra bởi sự tôn sùng đạo Phật quá mức nhưng lại thiếu sự điều hướng, tổ chức. Chuyện đúc tượng xây chùa tráng lệ nguy nga hơn cả cung vua là hiện tượng khá phổ biến. Tình trạng “thiên hạ bán vi tăng” dưới thời Lý không phải là điều đáng mừng cho Phật giáo mà là điều lo nghĩ cho tất cả những ai có ý thức trách nhiệm. Bởi vì không thiếu gì những kẻ xấu đã lợi dụng chốn thiền môn, cấu kết với giới tăng sĩ biến chất để làm những điều xằng bậy”. Tình hình này đã được phản ảnh trong bản điều trần của Đàm Dĩ Mông được ghi chép lại trong Đại Việt sử lược: “Nay Tăng đồ cùng với dịch phu quá nửa, bọn chúng tự kết bè đảng, dựng bậy thầy trò, tụ nhóm, ở bầy, làm nhiều việc dơ, hoặc ở giới trường tinh xá, ngang nhiên rượu thịt, hoặc tại thiền phòng tịnh viện, riêng tự gian dâm, ngày ẩn tối ra, như đàn cáo chuột. Chúng làm nát tục hư đạo, dần dần thành thói. Việc đó nếu không cấm, để lâu càng tệ thêm”.

Đứng trước tình trạng này, một con người hành động và là một Phật tử có ý thức trách nhiệm với đạo pháp, vua Trần Nhân Tông phải làm gì đây? Vua biết chắc một điều rằng, Ngài không thể dùng quyền uy của vương triều để chấn hưng đạo Phật. Triều đình có thể ban hành những đạo dụ để răn dân, trừng phạt những điều sai quấy, thế nhưng quyền lực vẫn không đủ sức mạnh để lay chuyển một tệ trạng đã bám sâu gốc rễ trong lòng xã hội. Vua Trần Nhân Tông đã phải đi trên một con đường gay go hơn, đó là con đường cảm hoá nhân tâm, lấy bản thân của mình ra làm gương sáng cho người đời noi theo. Thế nên khi khoác lên mình chiếc tăng bào, vua đã lặn lội “đi khắp nơi sức dân gian phá hủy các dâm từ và thuyết pháp khuyên dân làm mười điều thiện”. Hào quang của một vị vua anh hùng hai lần đại thắng quân Nguyên nay là một tăng sĩ đầu trần chân đất đi khuyến tu vẫn có sức  mạnh thuyết phục hơn cả một ngàn đạo luật của triều đình. Sức mạnh thuyết phục đó chính là tình thương. Thế nên khi vua ra đi, cả dân tộc đã ngậm ngùi đưa tiễn, vì kể từ đây đất nước sẽ vắng bóng một đấng từ phụ. Tang lễ của Ngài, người dân tham dự đông như nêm cối, tràn ngập từ kinh đô cho đến bến sông Hồng đến độ linh vị của vua không thể nào di chuyển được, thế mới biết dân chúng đã thương yêu Ngài đến mức nào. Vua mất đi, nhưng thông điệp khuyến tu của Ngài còn vang vọng mãi đến muôn đời sau.

Vua Trần Nhân Tông là một trong những Phật tử lại là người đứng đầu đất nước nên có một vị trí hết sức quan trọng không những đối với Phật giáo nước ta mà đối với cả dân tộc. Ngài là nhà tư tưởng và là một nhà chính trị kiệt xuất. Trong thời gian lãnh đạo đất nước, Ngài đã làm nên những trang sử vẻ vang cho dân tộc, chấn hưng Phật giáo nước nhà, đưa Phật giáo Việt Nam phát triển đến chỗ cực thịnh.

 Vai trò Thiền phái Trúc Lâm:

Như trên đã nói Trần Nhân Tông là người có công lớn trong việc chấn hưng Phật giáo nước nhà, tuy nhiên không chỉ có vậy ông còn là ông tổ của Thiền phái Trúc Lâm – người sáng lập xây dựng hoàn chỉnh một phái Thiền độc lập gọi là “Trúc Lâm Yên Tử”. Dòng thiền Trúc Lâm đã có những tác động tích cực to lớn đối với lịch sử dân tộc và Phật giáo và được kế thừa liên tục thậm chí cho đến ngày nay. Đây không những là một dòng thiền do một người Việt Nam sáng lập, mà dòng thiền này còn có những điểm đặc biệt về học lý và thực tiễn tu tập, mà ta đã vạch ra ở trên, nhằm đáp ứng lại yêu cầu phát triển của lịch sử dân tộc. Dòng thiền này đúng ra phải có một nghiên cứu riêng độc lập mới có thể làm rõ nhiều vấn đề về lịch sử và học lý.

Một người đã ở tuyệt đỉnh của quyền lực và danh vọng như thế, một bước là lên xe xuống ngựa, cung phi mỹ nữ, kẻ hầu người hạ bao quanh, thế mà nay đã lìa bỏ ngôi báu vào năm ba mươi bốn tuổi, cái tuổi được coi như đẹp đẽ nhất của đời người để bước theo bước chân của Tổ Ca Diếp trước đây, thực hành hạnh đầu đà, đầu trần chân đất, trong cái khí hậu khắc nghiệt của vùng nhiệt đới Việt Nam, lặn lội khắp nơi đem mưa pháp rải ra khắp chốn, cứu độ nhân gian. Mang trái tim Bồ Tát, nung nấu bởi ý nguyện Bồ Tát, tấm gương xả thân vì đạo của Ngài  là một sự thể hiện tinh thần Bồ Tát đạo, khiến Ngài trở thành môt nhân vật hiếm có trong lịch sử  truyền bá đạo Phật tại Việt Nam.

Trên quan điểm lịch sử cụ thể, chúng ta có thể khẳng định vị thế Trần Nhân Tông trên tư cách vị tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, người có khả năng thâu thái những giá trị tinh thần Phật giáo từ bên ngoài để sáng tạo nên một Thiền phái bản địa, nội sinh trên cơ sở thực tiễn xã hội và mạch nguồn tư tưởng văn hóa dân tộc. Trải qua trường kỳ lịch sử, tinh thần Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử vẫn được phát huy và đến nay tiếp tục phát triển, có được ảnh hưởng mạnh mẽ trong nước và mở rộng ở nhiều Thiền viện trên thế giới.

Với một tinh thần nhập thế tích cực, dấn thân triệt để, đem đạo vào đời vì hạnh phúc của nhân quần xã hội như thế, dòng Thiền Trúc Lâm chắc chắn  không thể nào lại không mang dấu ấn của người đã sáng lập ra nó. Một người vừa thông hiểu tất cả những gì là uyên áo nhất của giáo lý  đạo Phật, nhưng đồng thời cũng biết cả nghệ thuật điều binh khiển tướng, một nửa đời người xông pha trên mình ngựa giữ yên bờ cõi, mang lại an vui cho trăm họ, vua Trần Nhân Tông không những đã kế thừa được những tinh hoa của quá khứ, mà đồng thời còn có khả năng tổng hợp được những giá trị của thời đại, từ đó với những kinh nghiệm sống của đời mình, vua đã phát huy truyền thống tâm linh Việt Phật đến một mức độ rực rỡ nhất, đem Phật pháp gắn liền với thế gian pháp, biến những giáo lý cao siêu trở thành một triết lý hành động thực tiễn, có thể tóm gọn vào bốn chữ giản dị: “CƯ TRẦN LẠC ĐẠO”.

3. Trần Nhân Tông với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc

Có lẽ thành tựu về quân sự thì khó có thời kỳ lịch sử phong kiến nào của nước ta có thể bì kịp đời vua Nhân Tông với 2 lần chiến thắng quân Nguyên Mông. Quân Nguyên Mông là đoàn quân thiện chiến, đánh bộ giỏi, cưỡi ngựa hay, vượt đường xa, từng đánh chiếm cả nửa châu Âu và rất tự hào là ít khi thất bại. Trong khi ta vũ khi quá thô sơ. Thế mà lần nào chúng sang xâm lược nước ta, cũng đều chuốc lấy thất bại thê thảm. Những chiến công lừng lẫy của quân dân ta có nhiều nguyên nhân mà một trong những nguyên nhân đó chính là tài thao lược, đức dũng cảm của các tướng sỹ lúc bấy giờ. Các tướng đã biết dùng sở trường của mình để chọi sở đoản của địch. Và trên hết là một lãnh tụ thiên tài về quân sự. Chính Ông chứ không ai khác lúc đó mới là người có quyền điều binh khiển tướng, bố trí trận đồ.

Sinh ra giữa thời hào khí Ðông A đạt tới đỉnh cao, Ông đã lãnh đạo nhân dân nước Ðại Việt đập tan hai cuộc xâm lược của những đạo quân Nguyên Mông hùng mạnh (vào các năm 1285, 1287-1288). Với việc tổ chức hội nghị Diên Hồng và Bình Than, Ông trở thành hiện thân của tinh thần đại đoàn kết toàn dân, ý chí quyết tâm đánh thắng giặc ngoại xâm, bảo vệ vững chắc quyền độc lập dân tộc.

Trong thời điểm vận nước vào lúc nguy nan, Ông đã cho khắc câu thơ: Cối Kê việc cũ ngươi nên nhớ – Hoan, Diễn còn kia chục vạn quân (Cối Kê cựu sự quân tu ký – Hoan, Diễn do tồn thập vạn binh) vào thuyền Ngự để động viên quân sĩ và khẳng định niềm tin vào ngày chiến thắng. Trở về Chiêu Lăng làm lễ dâng thắng trận, Ông viết hai câu thơ nổi tiếng, thể hiện niềm tự hào và khẳng định sức mạnh dân tộc: Xã tắc hai phen chồn ngựa đá – Non sông ngàn thuở vững âu vàng (Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã – Sơn hà thiên cổ điện kim âu)… Và phải nói rằng, Ông cũng là người trực tiếp điều binh khiển tướng để củng cố vững chắc vùng biên giới phía tây và phía nam đất nước. Chính tài năng quân sự lỗi lạc của mình mà Trần Nhân Tông đã có thể lãnh đạo nhân dân đánh thắng quân Nguyên – Mông.

Hình ảnh một lãnh tụ quốc gia cầm quân ra trận khi Tổ quốc lâm nguy mà đồng thời cũng là một Thiền sư siêu thoát lúc đất nước thanh bình, đó là kết tinh kỳ diệu của một nền Phật giáo tự chủ, trong một quốc gia độc lập phú cường. Nhìn lại suốt chiều dài lịch sử dân tộc kể từ khi Phật giáo được truyền bá vào nước ta, Phật giáo gắn liền với sự phát triển của lịch sử dân tộc, lấy sứ mệnh của dân tộc làm sứ mệnh của mình. Ðó là tính nhất quán của lịch sử Phật giáo Việt Nam, được biểu hiện qua những bước chuyển mình, đáp ứng yêu cầu của từng chặng đường lịch sử cụ thể, vì lợi ích chung của dân tộc. Giáo sư Trần Văn Giàu đã rất có lý khi nhận định rằng: “Bình minh của dân tộc ta đã gắn với Phật giáo…”.

Hòa thượng Thích Gia Quang