Giới thiệu di tích : Chùa Tam Bảo- Hà Tiên

06/ 12/ 2017 10:45:55

Giới thiệu di tích  

Sách Mạc Thị gia phả chép khi Mạc Cửu bỏ nước ra đi không mang được mẹ theo cùng một lượt. Sau đó ít lâu, bà mẹ nhớ con sang tìm, Mạc Cửu mới dựng cảnh chùa này cho mẹ tu hành. Lúc đó chùa được gọi là Tiêu tự thần chung tiếng chuông buổi sáng sớm, ngân vang ở cảnh chùa tịch mịch.

Chuyện kể rằng trong thời gian mẹ của Mạc Cửu  tu ở đây, có một đêm bà mơ thấy rồng, bà cho đó là điềm lành, sáng hôm sau có một hoà thượng và mười hai vị đệ tử muốn đến tu ở chùa, Thái Bà Bà đồng ý thỉnh Hoà thượng ở lại trụ trì và dạy đạo cho bà. Vị Hoà thượng đó có tên là Huỳnh Long, pháp danh là Ấn Hạ Trừng, thuộc dòng lâm tế Chánh Tông đời thứ 35. Tính đến nay chùa Tam Bảo (Tiêu tự thần chung) đã có 20 đời sư trụ trì gồm:

– Lâm tế chánh Tông đời 35:

1) Thượng Ấn hạ Trừng Thiền Sư

– Lâm tế chánh Tông đời 36:

2) Hoàng Quang Hiên Thiền Sư

3) Minh Tam Nhứt Đới Thiền Sư

– Lâm tế chánh Tông đời 37:

4) Minh Giác Trí Tang Thiền Sư

– Lâm tế chánh Tông đời 38:

5) Minh Liêm Hoằng Ân Thiền Sư

6) Minh Thông Hải Huệ Thiền Sư

7) Minh Chơn Giác Ngạn Thiền Sư

– Lâm tế chánh Tông đời thứ 39:

8) Như Đức Vĩnh Trọng Thiền Sư

9) Nhứt Khả Chơn truyền Thiền Sư

10) Nhứt Huy Phước Chơn Thiền Sư

11) Thuần Hạnh hoà thượng

12) Phước Thành Yế Ma

– Lâm tế chánh Tông đời thứ 40:

13) Phước Ân hoà thượng: 1920 – 1946

14) Phước Quang hoà thượng

15) Thích Quảng Đức: 1957 – 1959

16) Thích Vĩnh Đạt

17) Thích Chánh Định

– Lâm tế chánh Tông đời thứ 41:

18) Thích Thiện Giác: 1960 – 1974

19) Thích Thiện Hạnh

20) Thích Nữ Như Hải: Từ tháng 9/1974 đến nay.

Hoạt động tôn giáo của Chùa Tam Bảo trước tiên là phái Thiền Lâm, chuyển sang giáo hội Tăng già năm 1959. Năm 1964 chuyển sang giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất. Từ năm 1982 đến nay chùa còn là trụ sở của Tỉnh hội Phật giáo Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.

Ngôi cổ tự từ ngày thành lập đến nay được các bậc chân tu đến đây ở tu hành chuyên dạy các đệ tử làm lành, lánh dữ, tốt đạo, đẹp đời. Chùa Tam Bảo cũng là chỗ dựa tâm linh và nơi sinh hoạt truyền thống cho nhân dân trong vùng, là điểm tham quan du lịch hấp dẫn của khách thập phương mỗi khi đến Hà Tiên – Kiên Giang. Vì chùa Tam Bảo là danh lam thắng cảnh thứ 3 trong 10 cảnh đẹp nổi tiếng của Hà Tiên từ cổ chí kim, do Hội Chiêu Anh Các của Mạc Thiên Tích bình chọn và làm thơ ca ngợi.

Trải qua gần 3 thế kỷ tồn tại, do tác động của thiên nhiên, của con người và chiến tranh, Chùa Tam Bảo đã được trùng tu, sửa chữa nhiều lần. Ngôi chùa hiện tại được xây dựng lại năm 1920 do hoà thượng Nguyễn Văn Chức, pháp danh Thích Phước Ân đứng ra làm. Lúc này ông đang là sư trụ trì Chùa Tam Bảo.

Chùa Tam Bảo không những là một chùa cổ, mà chính địa điểm chùa đang toạ lạc ngày nay là dinh thự của Tổng binh Trấn Hà Tiên Mạc Cửu và các đời sau của ông. Hiện nay dấu tích còn để lại là các mảng tường thành cổ bao quanh dinh thự.

  1. Loại di tích

Chùa Tam Bảo thuộc loại di tích lịch sử về quá trình hình thành, tồn tại và phát triển của một ngôi chùa, đồng thời cũng là nơi lưu niệm địa điểm xây dựng dinh thự của Mạc Cửu ở đất Hà Tiên.

Ngày 3 tháng 9 năm 2004 Chùa Tam Bảo được UBND tỉnh Kiên Giang công nhận là di tích lịch sử văn hoá.

  1. Mô tả di tích

Chùa Tam bảo có một địa thế rất đẹp và rộng rãi, phía trước chùa là đường Phương Thành, phía sau là núi Bình San (Núi Lăng), nơi có đền thờ họ Mạc. Các công trình kiến trúc kết hợp hài hoà với phong cảnh xung quanh, tạo cho chùa Tam Bảo một cảnh trí trang nghiêm, êm ấm. Toàn bộ các công trình gồm có: cổng chùa, hàng rào, chánh điện, sân vườn, non bộ, nhà bếp, nhà kho, nhà ở của sư trụ trì và nhiều cây cổ thụ.

Cổng chùa nằm cặp với đường Phương Thành, mặt quay về hướng Đông. Cổng có 3 cửa (Tam Quan), một cửa chính ở giữa rộng 4m và 2 cửa phụ hai bên, mỗi cửa rộng 01m. Trụ cổng hình chữ nhật được xây bằng gạch vôi, mái cổng có 4 lớp được lợp bằng ngói âm dương, các đầu mái cong vút lên, phía trên các con lươn được đắp trang trí các mảng phù điêu có hoa văn hoa và lá cúc. Chính giữa nóc mái được đắp nổi hình tròn có 8 núm chỉ về 8 hướng (Bát quái). Phía trên của cổng chính có đắp nổi hàng chữ: “Sắc tứ Tam Bảo tự”.

Nối tiếp cổng chùa là con đường dẫn tới khu chính điện, đường rộng 4m được lót bằng các miếng bê tông cốt thép.

Hàng rào bao quanh chùa: Phía trước là hàng rào bằng sắt ở dưới được xây dựng bằng gạch cao khoảng 40cm và có các cột được xây bằng gạch. Hàng rào hai bên hông và phia sau được xây bằng đá, một số đoạn vẫn còn bờ thành bao quanh dinh thự. Bờ thành được xây dựng bằng các loại đá sỏi trộn với vôi, ôdưới và đường mật. Từng cao 4m, chân tường rộng 01m.

Chùa có sân rất rộng, phía trước (sát tường) được trồng khoảng 100 cây Sao (gỗ nhóm một). Tại vườn Sao này có đắp một tượng Quan âm đang đứng trên bệ đài sen. Tượng cao khoảng 2m, trên đầu tượng có đắp 3 lá Bồ Đề để che nắng che mưa. Mặt tượng quay ra phía cổng về hướng Đông, phía sau của tượng Phật bà được trồng các loại cây cảnh rất đẹp.

Kế với vườn Kiểng là cây Bồ đề cổ thụ có ba nhánh, dưới gốc cây Bồ Đề là tượng Thích Ca đang ngồi thiền. Tượng được đắp bằng xi măng cốt thép, sơn màu trắng, cao khoảng 1,2m, bệ tượng được xây dựng bằng đá các loại. Tượng quay mặt về phía Tây, đối diện với chính điện của chùa, tiếp theo tượng Thích ca là khoảng sân trước chính điện được tráng xi măng. Sân rộng 200m2

Phía sau chánh điện cũng có một sân được tráng xi măng, xây hồ nước, bồn bông, chậu kiểng và hòn non bộ.

Chính điện là ngôi nhà 5 gian chạy dài ra phía sau, xây dựng theo kiểu chữ tam. Mặt quay về hướng Đông, cửa hình vòm viền đắp chữ nổi, phía trên cửa chùa là hàng chữ “Chùa Tam Bảo”. Phía trên nữa là hàng chữ nho có 4 chữ, những chữ này đều được đắp nổi. Phía trên cùng là vòng tròn bát quái, đầu của 4 cây cột có 4 búp sen bằng đá cẩm thạch. Phía dưới của 4 cây cột được đắp nổi 4 liểng bằng chữ nho. Kiến trúc của ngôi chánh điện không có gì đặc biệt, tường được xây bằng gạch vôi, xi măng . Cột cũng được xây bằng gạch theo hình vuông. Kèo và đòn tay bằng gỗ không có chạm trổ, mái lợp ngói vẩy. Nền móng của ngôi chánh điện được xây dựng bằng đá các loại, nền cao hơn mặt bằng khoảng 1,5m.

Phía trong chính giữa chánh điện là bàn thờ Phật, bàn thờ xây bằng gạch và phía ngoài ốp gạch men màu trắng và màu xanh, bệ có tam cấp, trên bệ có tượng Thích Ca ngồi, tượng Thích Ca đang nằm, tượng Thích Ca sơ sinh. Hai bên là tượng Phật bà Quan âm, tượng Đức Thế Chí đang đứng. Phía dưới là các tượng đang ngồi trên đài sen. Phía dưới nền nhà trước bàn thờ phật là một lư hương bằng đá có đường kính khoảng 0,9m, cao 1,2m. Trang trí phía ngoài bàn thờ Phật là một bao lam bằng gỗ được chạm trổ rồng, phượng hoa lá rất đẹp.

Phía sau bàn thờ Phật Thích Ca là bàn thờ Phật bà Quan âm nghìn mắt nghìn tay (thiên thủ, thiên nhưỡng), tượng đang ngồi trên bệ sen, dưới bệ sen là một tủ thờ được chạm trổ và khảm ốc sà cừ rất đẹp. Trước tượng Phật Bà là một đỉnh đồng ở giữa có 2 con hạc chầu hai bên (bằng đồng).

Phía sau trong chánh điện là các bàn thờ tổ, trên bàn thờ là các linh vị của các đời trụ trì và những người có công với chùa.

Nhà bếp, nhà kho của chùa nằm song song lùi về phía sau của chánh điện. Nhà cũng được xây bằng gạch, mái lợp ngói. Hiện nay nhà này là nơi ở của các sư sãi, phía trước là trụ sở của Ban trị sự  Tỉnh hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam Hà Tiên.

Nhà ở của sư trụ trì được xây dựng kiên cố có một lầu, nhà này nằm ở phía sau chánh điện.

Ngoài ra chùa Tam Bảo còn có rất nhiều tháp mộ. Tổng cộng có 30 tháp, trong đó có tháp mộ Thái Bà Bà và các vị sư của các đời trụ trì. Nhiều tháp có kiến trúc rất đẹp. Tất cả những tháp mộ này đều được xây dựng về phía Tây bắc của chánh điện.

  1. Các hiện vật trong di tích

– Một mõ gỗ tạc hình lưỡng Long tranh châu (đường kính 0,30m)

– Một Khánh đồng, cao 35cm, đường kính 35cm

– Một chuông bằng đồng cao1,2m, đường kính 0,5m

– Hai Khánh đồng cao20cm, đường kính 20cm

– Một chân đèn 9 tầng bằng gỗ

– Ba lư đồng cổ đế hình tròn, thân hình vuông, cao 0,5m, đường kính 0,4m.

– Sáu lư hương gốm sứ

– Sáu cặp chân đèn cày bằng đồng

– 4 liểng hình bán nguyệt khảm ốc sà cừ các chữ nho

– 4 liểng hình chữ nhật chạm trổ ốc sà cừ các hoa văn cúc, lá cúc, mặt trời

– Hai con Hạc bằng đồng, đứng trên mình rùa cũng bằng đồng cao 40cm.

– Và một số hiện vật khác như: tủ thờ bằng gỗ, đế đèn cày bằng đồng và 21 linh vị bằng gỗ…

  1. Giá trị lịch sử, khoa học, nghệ thuật, văn hoá

Chùa không những có lịch sử tồn tại lâu đời trên đất Hà Tiên, mà chính địa điểm chùa đang toạ lạc cũng là dinh thự của Tổng binh trấn Hà Tiên, người có công lớn trong việc khai phá, hình thành và phát triển trấn Hà Tiên.

Kiến trúc nghệ thuật của chùa không có gì độc đáo, nhưng chuẩn mực đẹp, trang nghiêm. Những pho tượng khéo léo, sống động đều phản ánh được những nét chung của nền nghệ thuật dân gian, văn hoá dân tộc Việt Nam.

Chùa cũng là nơi sinh hoạt văn hoá truyền thống của nhân dân trong và ngoài tỉnh Kiên Giang từ bao đời nay.

  1. Các hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian, lễ hội truyền thống diễn ra tại di tích.
  • Lễ Thượng nguyên
  • Lễ Phật Đản
  • Lễ tết Trung nguyên
  1. Tình trạng bảo quản di tích

Năm 1920 chùa đã được đại trùng tu, gần đây xây dựng mới lại và đến nay đã được tu sửa chữa nhiều lần, nên chùa đang trong trạng thái bảo quản tốt. Riêng các mảng tường thành bao quanh dinh thự đang ngày càng xuống cấp.

  1. Các phương án bảo vệ, sử dụng di tích

–   Lập kế hoạch trồng tu các mảng tường thành còn lại

–   Thành lập Ban bảo vệ di tích nhằm hướng đến các hoạt động theo hệ thống quản lý các di tích trong tỉnh, làm cho chùa ngày càng xứng đáng là một trong 10 cảnh đẹp nhất của Hà Tiên.

 

Chùa Tam Bảo