PHẬT HỌC VẤN ĐÁP

06/ 12/ 2017 15:39:18

Độc giả Tăng Xuân Khánh (Nhà số 3, ngõ 86/16/8 Tô Vĩnh Diện, phường Khương Trung, Q. Thanh Xuân, Hà Nội) đã nghỉ hưu thay mặt một số độc giả gửi về Tạp chí một câu hỏi khá dài, theo cách hiểu của chúng tôi, xin tóm tắt có hai ý chính như sau:

– Phật giáo cấm sát sinh ăn thịt động vật, vậy với thực vật nó cũng có đời sống thì việc giết hại và ăn nó (cưa đốn, ngắt hái cây cỏ) có phạm tội sát sinh hay không? Nếu có thì loài người (và các loài khác) ăn gì để tồn tại? Hiện nay đang quảng cáo loại thiết bị xua đuổi các loại côn trùng có  hại (như chuột bọ, dán, ruồi, muỗi…) để bảo vệ sức khoẻ mà cũng có thể tránh được sát sinh vì không giết nó, nhưng tất nhiên nó lại đến nơi khác gây bệnh cho người khác (không có thiết bị xua đuổi), mong được giải đáp vướng mắc này?

– Theo quan điểm Phật giáo, các đồ vật vô tri vô giác (như khúc gỗ, hòn đá…) có tồn tại yếu tố “hồn” hay không?

 

Khuông Việt trả lời

– Trước hết, phải khẳng định Giới sát sinh là pháp căn bản của Phật giáo, là giới đầu tiên trong Ngũ giới (với người tại gia) và Thập giới (với bậc xuất gia Sa-di). Bởi vì, Phật giáo lấy từ bi làm nền tảng, giới không sát sinh thuộc phạm trù đạo đức, giới hạnh, với tinh thần hộ trì sinh mệnh, không làm tổn thương tới mệnh sống của muôn loài, trưởng dưỡng hạnh từ bi. Tuy nhiên, để nhận thức được rốt ráo vấn đề và đặc biệt là thực hành trong cuộc sống không hề đơn giản.

Khi đánh giá việc làm đó có phạm Giới sát sinh hay không thì vấn đề phải được nhìn nhận trong mối quan hệ của tình và lí, tâm và cảnh. Sát  sinh là sự tước đoạt sự sống, với Giới sát sinh, đối tượng trước hết và chủ yếu là những sinh vật có tình thức. Động vật cũng có bản năng “ham sống sợ chết”, khi bị đe doạ, làm tổn thương hay bị giết chết chúng cũng có phản ánh tâm lí, sinh khởi sự sợ hãi, thống khổ, phẫn nộ, chống đối, kết thù kết oán v.v. Còn với cỏ cây, tuy cũng có những biểu hiện của một sinh mệnh (có sống chết, có sinh sản, có phản ánh lựa chọn…) nhưng không có tình thức, khi bị đốn ngắt cỏ cây chỉ có phản ánh vật lí mà không có phản ánh tâm lí, không khởi sinh sự khổ đau hay chống đối giành sự sống…, vì vậy chúng ta có thể chịu quả báo nhưng không bị ảnh hưởng bởi nghiệp báo do sự tàn sát.

Hơn nữa, khi xem xét và đánh giá phải xét đến tâm và cảnh trong những trường hợp cụ thể:

– Nếu biết rõ đối tượng là loài hữu tình, do vì tham sân tà kiến và sau khi suy nghĩ kĩ càng mà khởi tâm quyết sát hại thì phạm tội rất nặng, ngay cả đối với súc sinh thì tội báo cũng không nhẹ.

– Vì phóng túng hay bất cẩn mà sát hại thì tội nhẹ hơn.

– Vô ý mà sát hại, không có tâm sát hại (không có tác ý), không biết mà cũng không có sự hiện diện của đối tượng bị sát hại thì không phải chịu nghiệp báo bởi sự sát hại.

Kinh diển Phật giáo còn ghi lại câu chuyện: Có vị Tỳ khiêu đi đường qua sa mạc, đang nóng khát nước cháy cổ, gặp vũng nước nhưng thấy có nhiều vi trùng không dám uống. Vị Tỳ khiêu đến bạch với Đức Phật “Bạch Thế tôn, con rất khát nước, con dùng thiên nhãn thông thấy vũng nước bên đường có vô số vi trùng nên không uống được”. Phật bảo “Sao ông không dùng nhục nhãn (mắt thường) mà nhìn?”. Câu chuyện trên thể hiện rõ quan điểm “tuỳ duyên phương tiện” rất linh hoạt của Phật giáo.

Độc giả đặt câu hỏi, nếu cứ trì Giới sát sinh thì loài người (và các loài khác) ăn gì để tồn tại? Từ thuở Đức Phât còn tại thế, Ngài chủ trương hạnh “Trì bình khất thực” với quan niệm “Tuỳ thí tuỳ thực”, nghĩa là đến đúng thời gian, cầm bình bát đi khất thực, tuỳ các Phật tử tự nguyện cúng dàng, cho gì ăn nấy, tất cả đều được chấp nhận với lòng tri ân và được xem như thực phẩm để duy trì sự sống mà không được khởi tâm tham luyến hay đòi hỏi thứ mà mình ưa thích. Như vậy, suy đến rốt ráo vấn đề, dù sau này Phật giáo có phân phái thành Nam tông hay Bắc tông thì vấn đề không phải là ăn chay hay không ăn chay mà là ở nơi tâm người ăn. Ăn theo chính pháp là coi việc ăn như phương tiện cần thiết duy trì sự sống để hành đạo, ăn với tâm vô phân biệt, không tác ý sinh khởi tâm tham luyến sân si.

– Với luận thuyết căn bản là Duyên khởi – nghiệp báo luận, Phật giáo không có khái niệm “linh hồn” theo nghĩa của phương Tây hay các tôn giáo khác. Với giới hữu tình, Phật giáo có các khái niệm “chủng  tử”, “A lại da thức”,  “nghiệp thức” hay “nghiệp lực” gần tương tự như khái niệm “linh hồn” nhưng có điểm khác nhau căn bản là cái “nghiệp thức” của mỗi cá thể là do kết quả của nhân từ muôn kiếp trước được gieo vào quả hiện tại (nghiệp bản hữu – vốn có) cộng với cái nghiệp mới được tạo tác trong quá trình sống (nghiệp tân huân – mới có), để rồi, khi chết đi, cái thân xác vật chất tan rã thì cái “nghiệp thức”/ “chủng tử” (hạt giống, gien) vẫn còn tồn tại (là nhân) để tìm đường gieo vào một dạng tồn tại (quả) khác… Vạn pháp đều có Phật tính nhưng với loài gỗ đá vô tình không có “nghiệp thức”, lại càng không có khả năng tự thân tạo nghiệp hoặc chuyển nghiệp.

Câu trả lời đã dài, vấn đề độc giả đặt ra mong sẽ được tiếp tục vào dịp khác.

Xin cảm ơn, chúc quí vị tinh tiến

 

GIÁC QUẦN