VẤN ĐỀ SỬ DỤNG ÂM NHẠC PHẬT GIÁO HIỆN NAY

18/ 04/ 2018 16:16:05

VẤN ĐỀ SỬ DỤNG ÂM NHẠC PHẬT GIÁO HIỆN NAY

Nguyễn Đình Lâm

                                                                                                                                                Viện Âm nhạc Việt Nam              

Phật giáo Việt Nam có một kho tàng nhạc lễ rất có giá trị, từ nội dung, tính chất âm nhạc cho tới hình thức diễn xướng. Đây là sự kết tinh, chuyển hoá giữa văn hóa nghệ thuật âm nhạc truyền thống dân tộc với tư tưởng, văn hóa Phật giáo, tạo nên sự phong phú và thống nhất trong đa dạng.

Đặc tính vùng miền và tông phái là đặc điểm nổi bật của âm nhạc Phật giáo Việt Nam. Tiếng tụng kinh ở khu vực phía Nam khác với phía Bắc; nhịp trống chạy đàn khu vực Huế – miền Trung khác với khu vực đồng bằng Sông Hồng v.v. Và có thể nói, dáng dấp của những bài dân ca cổ truyền của dân tộc hiển hiện thật rõ nét trong mỗi bài kinh câu kệ. Nhiều thể thức âm nhạc Phật giáo ngày nay, về mặt nào đó, có thể sánh ngang với di sản âm nhạc tiêu biểu của dân tộc, như hát Văn, hát Chèo, hát Xẩm, v.v.

Trước bối cảnh toàn cầu hoá, âm nhạc Phật giáo Việt Nam cần được bảo tồn, lưu giữ, quảng bá và tôn vinh trong đời sống văn hóa dân tộc. Việc phổ biến âm nhạc Phật giáo truyền thống Việt Nam được nhìn nhận đúng đắn và khoa học sẽ có một vai trò quan trọng và tác động tích cực tới đời sống văn hóa tôn giáo – Phật giáo nói riêng, văn hóa truyền thống dân tộc nói chung. Ngược lại, sự biến tướng, lai căng và mất đi vị trí của nó là điều không tránh khỏi. Bài viết này xin đề cập tới thực trạng trong việc sử dụng âm nhạc Phật giáo hiện nay và xin đưa ra một vài kiến nghị.

Trong một số ngôi chùa tại khu vực đồng bằng Sông Hồng hiện nay, thường gặp nhiều chùa ở Hà Nội, xuất hiện việc sử dụng một số đĩa nhạc có nguồn gốc từ Trung Quốc và Đài Loan làm “nhạc nền” cố định trong các ban thờ và các nghi lễ lớn. Không biết xuất xứ của những chiếc đĩa này từ đâu mà có. Chỉ biết chắc rằng đó là âm nhạc Phật giáo của Trung Hoa. Nguồn gốc từ đâu? Có phải theo con đường tu nghiệp của một số sư tăng nước ta đi Trung Quốc và nước ngoài về, hay do tác động của quá trình mở cửa hội nhập? Và hiện tượng sử dụng âm điệu và phương thức trình tấu âm nhạc Phật giáo truyền thống của nước ngoài trong khi hành lễ trên đất nước ta phải chăng đã bắt đầu có ở một số địa phương?

Như đã biết, trong ứng xử văn hóa, chúng ta càng tôn trọng bảo tồn được những tinh hoa, truyền thống của chúng ta bao nhiêu càng thể hiện sự văn minh và tự trọng bấy nhiêu. Và ngược lại, chúng ta càng “vận dụng”, “mở cửa” để tiếp thu thiếu chọn lọc và cân nhắc bao nhiêu, chúng ta càng chứng tỏ sự thiếu hiểu biết, thậm chí thiếu văn hóa bấy nhiêu! Trong âm nhạc cũng vậy. Nếu chúng ta biết khai thác, bảo tồn và phát huy những tinh hoa, giá trị đã sáng tạo và đúc kết trong gần 2000 năm qua, chúng ta càng khẳng định được vị thế và uy tín của mình là một đất nước có nền văn hóa Phật giáo sớm; một đất nước mà văn hóa Phật giáo đã đồng hành cùng dân tộc qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử và thời đại. Bảo tồn được tinh hoa dân tộc cũng là để khẳng định được “cái tôi” và “cái ta” của các tu sĩ, trí thức của một đất nước Phật giáo lâu đời. Do đó, bảo tồn nền âm nhạc Phật giáo truyền thống là chúng ta khẳng định được bản sắc riêng của chúng ta, của những người trí thức Phật giáo Việt Nam trước trách nhiệm gánh vác một sứ mệnh cùng lịch sử dân tộc.

Chúng ta cũng biết, nếu tiếp thu và vác nguyên vẹn những yếu tố truyền thống của một nước nào đó vào trong quá trình hành lễ của ta thì chắc chắn không bao giờ chúng ta bằng họ đuợc. Vậy tại sao chúng ta không khai thác và phát huy những cái mà chúng ta đã và đang có, cái mà, ngược lại, cho dù học tập tới đâu họ cũng không thể nào bằng được chúng ta?

Âm nhạc Phật giáo Việt Nam với những nét riêng rất tinh tế và mang đặc trưng, sắc thái rất riêng. Thử tưởng tượng, nếu chúng ta thực hiện một nghi thức lễ nhạc của ta ở một đất nước phát triển, có nền văn minh sớm chắc chắn họ sẽ cảm phục và có những ấn tượng đặc biệt trước chúng ta. Do đó, chúng ta không thể “hoành tráng” mà tiếp thu và đổi mới kho tàng di sản quý này. Cho dù hiện nay chỉ là một vài ảnh hưởng, hay chỉ mới bắt đầu bằng việc ưa chuộng sử dụng âm nhạc Phật giáo của nước khác thông qua băng đĩa, nhưng cái tưởng như đơn giản ấy lại là mầm mống của một sự thay đổi lớn trong sử dụng, thực hiện và thụ hưởng nhạc lễ trong các chùa sau này. Và âm nhạc Phật giáo của chúng ta sẽ có nguy cơ bị biến dạng, méo mó và thất truyền. Thế hệ trẻ Việt Nam sau này sẽ không còn phân biệt được đâu là âm nhạc Phật giáo Việt Nam, Trung Quốc hay nước khác. Chúng ta sẽ không biết chúng ta là ai và chúng ta đang ở đâu! Đó là quy luật biến đổi tất yếu mà hệ quả của nó là trong tương lai không xa, những người hành lễ của chúng ta khi tụng kinh và sử dụng pháp khí âm nhạc sẽ theo phong cách ngoại lai. Khi đề cập tới vấn đề này, có vị sư bảo với tôi: “âm điệu trì tụng của Phật giáo ở vùng Tây Tạng đã được giải thưởng lớn của thế giới”.  Tôi thực sự cảm thấy ngạc nhiên trước cách nghĩ của một tri thức Phật giáo nước nhà!

Trong lịch sử âm nhạc dân tộc đã từng xảy ra một chuyện mà hiện vẫn còn nhiều điều còn bàn cãi. Đó là cuộc đấu tranh giữa Nguyễn Trãi và Lương Đăng, giữa một bên có tư tưởng “cách tân”sử dụng âm nhạc trong triều đình Trung Quốc vào âm nhạc Việt Nam (Lương Đăng), với một bên chủ trương bảo tồn, tôn trọng tinh hoa văn hóa truyền thống dân tộc, đưa âm nhạc truyền thống nước nhà vào các nghi lễ triều chính đất nước (Nguyền Trãi). Cuối cùng, lịch sử không tránh khỏi những sai lầm, bất công, Lương Đăng thắng thế, Nhã nhạc cung đình Việt Nam ngay thời đó tồn tại theo cơ cấu tổ chức và nguyên tắc trình tấu của Nhã nhạc Trung Hoa. Vì thế nghiên cứu đã chỉ ra rằng “Sự bắt chước quy chế nước ngoài của Lương Đăng đã vi phạm truyền thống cổ xưa của dân tộc không khỏi làm tổn hại tới tinh thần của dân tộc của những viên quan gắn bó và từng tôn thờ, bảo vệ truyền thống dân tộc, tiêu biểu là Nguyễn Trãi. Và đó có lẽ là một trong những nguyên nhân khiến cho ông và các bạn hữu phẫn lộ, cuối cùng dẫn tới việc Nguyễn Trãi từ việc”1­.

Trong khi âm nhạc Phật giáo của chúng ta đã từng góp phần thành công trên mặt trận ngoại giao cũng như đối ngoại trong kỳ đại lễ lớn làm không ít người làm công tác nghiên cứu đi hết ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Đêm “Cầu nguyện cho hoà bình thế giới” (trong Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc tổ chức tại Việt Nam) đã chứng mình điều đó. Mặc dù phần tụng kinh cầu nguyện chỉ có đại diện hai phong cách âm nhạc phía Nam nhưng, với cái nhìn chuyên môn và về góc nhìn văn hóa, chúng tôi tự hào nhận thấy phần tụng kinh của các tăng phẩm của chúng ta vô cùng đặc sắc. Vô hình chung, các sư tăng đã thực hiện thành công sứ mệnh đem sắc thái riêng trong văn hóa tôn giáo truyền thống của dân tộc đối ngoại với bạn bè quốc tế. Đó chính là sự thể hiện ở cái tôi dân tộc. Điều đó giúp chúng ta khẳng định Phật giáo Việt Nam đã có một vị trí và tầm cỡ nhất định trong nhiều mặt trước cộng đồng Phật giáo thế giới. Trong tương lai, âm nhạc Phật giáo Việt Nam sẽ là một phương tiện có vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng trong công tác đối ngoại và ngoại giao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam; cũng như chúng ta đã từng tự hào mang Ca Trù, Cồng Chiêng, Quan họ và nhiều di sản âm nhạc khác cùng với lãnh đạo Đảng và Nhà nước tham gia giao lưu ngoại giao văn hóa.

Qua một vài ý kiến vừa phân tích trên đây, thiết nghĩ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần có những quy chế rõ ràng nghiêm cẩn đối với các chùa trong việc sử dụng âm nhạc trong nghi lễ. Cùng với công tác bảo tồn văn hóa Phật giáo cổ truyền Việt Nam, di sản âm nhạc Phật giáo nước nhà rất cần được khai thác, lưu giữ và tôn vinh xứng đáng với tầm vóc của nó trong không gian hành lễ và trong cả công tác đối ngoại và ngoại giao văn hóa hiện tại và tương lai. Từ những vấn đề trình bày trên đây, tôi xin đưa ra một số kiến nghị nhỏ sau:

Một là, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần có những quy định rõ ràng và cụ thể trong việc sử dụng âm nhạc trong nghi lễ và sinh hoạt văn hóa Phật giáo.

Hai là, chúng ta cần tổ chức lựa chọn một số chư tôn, hoà thượng có giọng nói và đọc tốt để thu thanh những bài bản tụng kinh, tán canh để phổ biến và đưa vào trong các nhà chùa thay vì một số đĩa được sử dụng như hiện nay. Tuỳ thuộc vào từng địa phương, vùng miền hay tông phái mà chúng ta có thể sử dụng những giai điệu kinh lễ cho phù hợp.

Ba là, trong các hội nghị, hội thảo khoa học, hay khi đón tiếp các phái đoàn quốc tế, trong giờ giải lao chúng ta nên sử dụng âm nhạc Phật giáo (có thể là thanh nhạc như tán – tụng, hoặc nhịp trống gắn với một số phần múa lễ trong nghi lễ Phật giáo…), sau đó vặn ở chế độ nhỏ làm nhạc nền. Phần này có thể phối hợp với những người làm âm nhạc chuyên nghiệp của ta để thực hiện sản xuất các sản phẩm này. Đó cũng là cách tạo không khí tôn nghiêm đối với nghi lễ.

Bốn là, cần đưa những chính sách giáo dục văn hóa âm nhạc Phật giáo vào trong Phật đường, giảng dạy cho các tăng ni từ bậc Trung cấp cho tới Đại học. Vì đây chính là đội ngũ trí thức sẽ đóng góp một phần quan trọng trong công cuộc xây dựng Phật giáo Việt Nam, trong đó có nền văn hóa Phật giáo.

 

Hà Nội, tháng 12 năm 2009

 

1 Nguyễn Thuỵ Loan (1993), Lược sử Âm nhạc Việt Nam, Nhạc Viện Hà Nội, Nxb. Âm nhạc, Hà Nội.