Sự phân phái của Phật giáo thời kỳ đầu -Triết học bộ phái Phật giáo (tiếp theo kỳ trước)

18/ 04/ 2018 16:12:20

Sự phân phái của Phật giáo thời kỳ đầu – Triết học bộ phái Phật giáo

(tiếp theo kỳ trước)

                                                                                                                                                                                           TS. Thích Thanh Quyết

 

           8. Tư tưởng chủ yếu của học thuyết Đại chúng bộ

          8.1 Sự phát triển, phân phái của Đại chúng bộ tại Bắc Ấn Độ và Nam Ấn

Đại chúng bộ bắt đầu được phân chia từ lần kết tập thứ hai. Lúc đó, họ đại biểu cho phái tiến bộ, số người tán thành họ nhiều, nên lưu hành khắp nơi. Về sau, Hoá Địa bộ và Hữu Bộ thuộc Thượng toạ bộ phát triển mạnh tại Bắc Ấn. Lực lượng của họ dần dần bị kém sút, tuy nhiên ảnh hưởng của họ chưa từng bị gián đoạn. Mãi đến khi Huyền Trang đi Ấn Độ, tại Tây Ấn Độ nơi mà Hữu bộ có thế lực mạnh nhất, vẫn có Đại chúng bộ hoạt động. Nghĩa Tịnh cũng có đến, ở Bắc Ấn đôi khi cũng gặp Đại chúng bộ hoạt động. Hơn nữa tư liệu lại không đủ, không tránh khỏi chuyện nghìn đời sau thêm bớt theo chủ quan của mình. Ngoài ra, Đại chúng bộ tại Nam Ấn Độ lại khá phát triển. Vì thế mà trước tác quan trọng của Nam phương Đại chúng bộ, như Luận sự [1] của Tích Lan và Tây Tạng,  đã lưu giữ được nội dung căn bản của bản thân Đại chúng bộ. Sau đây chúng ta nghiên cứu về tình hình Đại chúng bộ tại Bắc phương.

Sự đối lập giữa Đại chúng bộ và Thượng toạ bộ, đầu tiên biểu hiện ở phương pháp giải thích đối với lời Phật nói. Thượng toạ bộ thì áp dụng “phân biệt thuyết”, cho rằng trong cách giải thích đối với lời Phật nói phải có sự phân biệt. Đại chúng bộ thì áp dụng “nhất thuyết”, họ cho rằng nên giải thích khẳng định toàn bộ những gì Phật đã nói, cho nên Đại chúng bộ có tên gọi “nhất thuyết bộ”. Về ý nghĩa của “nhất thuyết”, theo sự giải thích của Thanh Biện, Phật dùng trí tuệ trong một sát na biết hết thảy pháp, chỉ tạm đặt ra ngôn thuyết, cho nên gọi là Nhất thuyết. Ở đây thể hiện rõ sự đối lập của nhất thuyết với phân biệt thuyết, vì phân biệt thuyết cho rằng Phật thuyết pháp có chỗ liền mạch, có chỗ không liền mạch, cho nên phải phân biệt. Nhưng theo sự giải thích khác của Tông luân luận thuật ký, bộ này cho rằng, tất cả pháp đều vô thực thể, chỉ là thứ giả danh, “Danh” chính là “Thuyết”, cho nên gọi là Nhất thuyết bộ. Cách nói này đối lập với Hữu bộ một cách rõ ràng. Đại chúng bộ mới đầu chưa hẳn đã có sự nhìn nhận đối với pháp thể một cách hoàn chỉnh như trên. Có lẽ, cách nói này là xuất hiện muộn về sau.

Từ đó về sau, nội bộ của Đại chúng bộ lại có sự phân hoá, cho rằng những điều Phật nói đều là xuất thế, cho nên lại được tên gọi “Thuyết xuất thế”. Trong Tông Luân luật thuật ký nói rằng bộ này chú trọng Luận, cho rằng Kinh và Luật là không thực tại, vì những điều mà Kinh và Luật nói, trước sau không nhất trí, không như những điều trong Luận nói luôn luôn là nhất quán. Vì thế họ chuyên đề cao Luận, chứ không phải Kinh và Luật. Chủ trương này rất có thể là sau khi chịu ảnh hưởng của Hữu bộ mới có. Vì Hữu bộ đề cao Luận, Đại chúng bộ đối nghịch với nó, vì thế cũng chuyên hoằng dương Luận tạng. Trên đây là từ phương diện học thuyết và chủ trương để xem xét đặt tên cho bộ phái này.

Ngoài ra, một số nghiên cứu lại cho rằng Đại chúng bộ đặt tên theo địa danh. Phái này ở Khôi Sơn, nên gọi là “Khôi Sơn bộ”. “Khôi” tiếng phạm là Kukula (tro tàn) cận âm với chữ Kukula là “Kê”. Trong Dị bộ luân luận còn gọi bộ này là “Kê dẫn bộ”. Nói rằng bộ chủ của họ là đời sau của gà, đây là cách gọi mang tính bêu xấu, khinh miệt. Thực tế tên bộ Khôi Sơn là chính xác hơn. Khôi Sơn là địa danh, việc này còn có thể tìm được bằng chứng trong các bản dịch chữ Hán, như Chân Đế dịch là “Khôi Sơn trụ”, trong Thập bát luận được dịch ở đời nhà Tần là “Quật cư” (hay nơi ở), như thế để thấy bộ phái được gọi tên bằng nơi cư trú của mình. Bộ Luận sự của phương Nam lại cho rằng bộ này chủ trương “Chư hành khôi tận” (các hành như tro tàn), mọi pháp đều bị lửa phiền não thiêu đốt. Giải thích như vậy có vẻ được suy luận từ chữ “Khôi” mà ra, không có căn cứ tài liệu nguyên thuỷ.

Muộn hơn một chút, có người chuyên hoằng dương Tỳ Đàm của Ca Chiên Diên, Tỳ Đàm này có chín phần, mỗi phần đều có chữ “thí thiết”, như “Thế gian thí thiết”, “Định thí thiết”, “Tuệ thí thiết” v.v. Nhưng có lúc dịch “thí thiết” thành “giả” hoặc thành “phân biệt”, từ đó gọi bộ này là “giả thuyết bộ”, cũng có lúc gọi là “phân biệt thuyết bộ”. Muộn hơn một chút nữa, tiến thêm một bước đề xướng áp dụng hình thức “luận môn”[2] đối với những lời Phật nói kèm theo giải thích, nội dung chứa đựng toàn bộ Tam Tạng Kinh điển, phạm vi rất rộng. So với chín phần Tỳ Đàm trước kia, đối với những lời Phật nói, sự biên soạn rộng hơn, quy mô lớn hơn. Kinh điển mà họ dùng là Tỳ Lặc[3]. Vì học thuyết của họ sâu rộng, cho nên lại có thêm tên gọi “Đa văn bộ”, các bản dịch cũ gọi là “Đắc đa văn”. Đại chúng bộ tại phương Bắc cuối cùng phát triển thành Đa văn bộ.

Về sau, Kinh luật của Đại thừa gồm những cuốn như Xá Lợi Phất vấn Kinh v.v, đặc điểm của họ là “Cần học chúng Kinh, tuyên giảng chân nghĩa” (chăm chỉ học tất cả các kinh điển, tuyên giảng nghĩa chân thật của các kinh đó). Vì bao quát rộng kinh điển nên so với các bộ khác, Đại chúng bộ được đặt cao hơn một bậc, luôn đứng vị trí thứ  nhất. Đại tập Kinh quyển 22 khi giảng đến tình hình của 5 bộ, đặc biệt đề cập tới Đại chúng bộ, cho rằng họ “xem đọc rộng khắp 5 bộ kinh điển”. Khi Đại chúng bộ phát triển đến thời kỳ đa văn, thì sự nhìn nhận của mọi người đối với bộ này đã khác trước. Cho dù chỉ là một trong năm bộ, nhưng dường như Đại chúng bộ lại có khả năng quán thông tất cả các bộ khác.

Dưới đây chúng ta tìm hiểu sang tình hình phát triển của Đại chúng bộ ở Nam Ấn.

Tại Nam Ấn Độ, Đại chúng bộ có được sự phát triển rất nổi bật. Khu vực này dường như đã trở thành một thế giới riêng của họ. Những tư liệu mà phương Bắc bảo tồn không được rõ ràng về tình hình này. Như Dị bộ tông luân luận chỉ nêu ra bộ này được thành lập ở núi Chế Đa nên gọi là Chế Đa sơn bộ. Do có sự tranh luận về “Ngũ sự” nên nó lại phân chia ra làm Tây sơn trụ và Bắc sơn trụ. Song không có tài liệu đầy đủ để làm rõ cho những điều nêu trên.

Bộ chấp dị luận mà Chân Đế dịch chỉ nói một cách ít ỏi về Bắc sơn trụ. Ngược lại, những chi chép của phương Nam lại khá kỹ, như sách Luận sự chú của Giác Âm nói từ Chế Đa sơn bộ trở xuống lại chia làm 4 phái: Đông sơn trụ, Tây sơn trụ, Nghĩa thành, Vương sơn, cả bốn phái này đều ở khu vực Án Đạt, có thế lực mạnh mẽ, nên còn gọi chung là Án Đạt phái. Trong đó, “Đại thiên ngũ sự” là chủ trương của Đông sơn trụ, Tây sơn trụ chỉ thừa nhận một sự trong ngũ sự, còn Vương sơn và Nghĩa thành thì phản đối hoàn toàn ngũ sự. Từ đó để thấy, việc phân chia các bộ nhỏ hơn của Án Đạt xuất phát từ tranh luận về ngũ sự. Ngoài ra còn có Tuyết sơn bộ, Bắc đạo bộ cũng đều có quan hệ với Đại chúng bộ. Tuyết sơn rất có thể là người tu đạo tại Tuyết sơn. Còn Bắc đạo chính là Bắc sơn trụ được truyền tại phương Bắc.

Các phái thuộc Đại chúng bộ ở phương Nam, đều sùng bái quan điểm của Chế Đa và lấy đó làm điểm quan trọng trong học thuyết của mình. Qua những ghi chép văn hiến, Chế Đa bộ vốn có tên là “thuyết Chế Đa”, tên của nó có ý coi quan điểm của Chế Đa làm chủ trương chủ yếu của bộ này. Nguyên nhân phân phái là do sự tranh luận đối với “Ngũ sự”. Nhìn từ góc độ tư liệu khảo cổ, có rất nhiều di vật có thể khảo chứng sự sùng bái Chế Đa này.

Điểm trung tâm của thuyết Chế Đa bộ là Đà na Hạt kiệt (Dahana Kataka), nằm ở Đông Nam Ấn Độ (xa hơn về phía nam so với nơi vua A Dục dùng thủ đoạn tàn khốc để chinh phục Yết Lăng Già). Huyền Trang đã từng qua nơi này. Nơi này có tháp lớn, gọi chung là “A Ma La phọc đề tháp”. Trên thân tháp có khắc “Đại Chế Đa” thuộc các phái Đông sơn, Tây sơn. Tháp này được bảo tồn đến năm 1895 mới bị sức người phá huỷ. Tháp làm bằng những khối đá lớn, có lan can bao quanh, điêu khắc tinh xảo. Nội dung khắc là sự tích, cuộc đời của đức Phật, và những hình pháp luân độc đáo. Một phái độc lập ở phía Nam Ấn Độ được hình thành gọi là “A Ma La phọc đề phái”, có thể sánh ngang với các phái Kiện Đà La, phái Ma Thâu La v.v. Đặc biệt ở thân tháp này còn khắc tên các bộ phái, có thể thấy họ đều sùng tín Chế Đa. Hiện nay những viên đá này được lưu giữ tại bảo tàng Ấn Độ và nước Anh. Ngoài ra, trừ tháp lớn này ra các nơi (khu vực hoạt động của Chế Đa) cũng còn có một số tháp lớn tương tự tháp này, có điều kết cấu tương đối mộc mạc, nhưng cùng chung một đặc điểm là bốn phía của tháp vươn ra bốn phương tạo thành hình chữ thập rỗng, mặt trên của mỗi phương đều có 5 trụ, gọi là “trụ Anaca”, trên trụ có khắc văn bia của tên một bộ phận  nào đó cúng dàng. Những tháp độc đáo này có sự khác biệt rõ ràng so với kết cấu các tháp ở phương Bắc. Trong Ma ha tăng kỳ luật (Đại chúng bộ luật) ghi chép đặc điểm này, gọi là “phương nha tứ xuất” (bốn chiếc răng chĩa ra bốn hướng). Từ kết cấu có thể khẳng định số tháp này là thuộc Đại chúng bộ.

Tóm lại, các phái Án Đạt tuy chủ trương khác nhau, nhưng sự sùng bái đối với Chế Đa là như nhau. Họ cũng đều phân chia ra từ Chế Đa sơn bộ. Tình hình này tại phương Bắc không mấy rõ ràng, hơn nữa Đại chúng bộ lại tỏ ý chê bai, hạ thấp địa vị của A La Hán đến cùng tột, tạo nên sự phản cảm của các bộ phái phương Bắc, đặc biệt là Hữu bộ, vì thế mà phái Án Đạt cũng bị xuyên tạc rất nhiều ở đây. Như Hữu bộ cho rằng sự phân chia lần thứ nhất chủ yếu là do thuyết Đại thiên Ngũ sự gây nên. Nhưng về sau, phái Án Đạt của phương Nam cũng có Đại thiên Ngũ sự, Hữu bộ đành phải nói đó là một chúng Đại thiên khác, thành ra có đến hai loại Đại thiên Ngũ sự. Song về thực chất, sự phân phái lần thứ nhất liên quan đến một kiểu “Ngũ sự” khác, mà trong Ma ha tăng kỳ luật giảng là “Ngũ tịnh pháp” (có thể mở rộng cho phép 5 loại việc trong Luật). Sau này “Ngũ sự” của Án Đạt phái mới trở thành Đại thiên Ngũ sự, và tiến hành công kích đối với những nhân vật của Đại thiên. Qua sự phân tích trên để thấy rõ ràng có sự thêm thắt vào quan điểm của Án Đạt phái và tình trạng đó dù hữu ý hay vô ý cũng làm phương hại đến Đại thiên.

(còn nữa)

 

 

[1] Tác phẩm này thuộc lập trường của phái Đại tự ở Tích Lan (Srilanka), bình thuật, phê phán những dị chấp của các bộ phái. Sách này là tài liệu quan trọng để nghiên cứu bộ phái Phật giáo. Hiện nay có bản văn tiếng Pali, đã được dịch ra tiếng Anh và tiếng Nhật.

[2] Luận môn: Tức tam thời luận môn, nghĩa là vận dụng ba thời quá khứ, hiện tại và tương lai để luận cứu mọi hiện tượng sự vật.

[3] Tỳ Lặc: Đại Ca Chiên Diên tạo người vào cửa Tỳ Lặc, nghị luận sẽ vô cùng.