SỰ PHÂN PHÁI CỦA PHẬT GIÁO THỜI KỲ ĐẦU – TRIẾT HỌC BỘ PHÁI PHẬT GIÁO

20/ 04/ 2018 16:55:18

SỰ PHÂN PHÁI CỦA PHẬT GIÁO THỜI KỲ ĐẦU – TRIẾT HỌC BỘ PHÁI PHẬT GIÁO –

TT.TS Thích Thanh Quyết

                                                                         (Tiếp theo kỳ trước)         

  1. Thiền số học của học thuyết Nhất thiết Hữu bộ

            và sự ảnh hưởng của nó:

Học thuyết của Hữu bộ là phát triển từ A Tỳ Đạt Ma mà ra. A Tỳ Đạt Ma chú trọng tư biện, phân tích, cho nên trong thực tiễn của Hữu bộ có khuynh hướng thiên lệch về giải thích và hiểu biết lý tính. Truyền thống của Thượng toạ hệ vốn dĩ coi trọng Thiền định, Hữu bộ thì chưa tiếp nhận một cách toàn bộ. Họ cũng không phế bỏ Thiền định,  mà là vận dụng Thiền định trên cơ sở A Tỳ Đạt Ma. Các nhà phiên dịch Phật giáo Trung Quốc có từ là “Thiền số học’’. ‘‘Số’’ là chỉ A Tỳ Đạt ma (A Tỳ Đạt Ma dịch là đối pháp, có lúc còn gọi là số pháp, tức dùng các loại pháp môn đếm và phân biệt). “Thiền số học’’ chính là một mặt giảng thiền, một mặt giảng số. Học thuyết này được phát triển ở Trung Quốc và có ảnh hưởng rất lớn đối với Phật học Trung Quốc. Ví dụ: Trung Quốc bắt đầu chính thức phiên dịch trở đi, những Kinh điển nhà Phật mà An Thế Cao (Đời Hậu Hán) dịch đã giới thiệu một cách trọng điểm về Thiền số học, trong đó đặc biệt quan trọng là Tu hành đạo kinh của Chúng Hộ (Tăng Già La Sát). Sách này là quan sát A Tỳ Đạt Ma thuyết minh Ngũ uẩn  làm nội dung cơ bản của Thiền định, đồng thời căn cứ vào cùng loại Thiền định mà chia ra làm ba thừa (Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát) tức ba giai đoạn cao thấp khác nhau.  ‘‘Đạo địa’’ chính là tầng thứ của tu đạo. Sách này của Chúng Hộ có tính đại biểu của nó. Cho nên đến thời Tây Tấn, Trúc Pháp Hộ lại dịch lại một lần nữa. Bản dịch lại có bản 7 quyển. Tiếp theo Cưu Ma La Thập đời Diêu Tần lại dịch Toạ thiền tam muội kinh. Sách này là do La Thập biên tập các trước tác học giả ấn Độ, đặc biệt là trước tác của các nhà Thiền học quan trọng của Hữu bộ mà thành. Trong đó bao hàm cách nói của các bậc Đại đức của Hữu bộ như  Đồng Thụ, Thế Hữu, Chúng Hộ, Chúng Quân, Cẩn Hộ, Hiếp Tôn Giả, Mã Minh v.v… Cùng lúc đó, Giác Hiền cũng đã dịch Đạt ma đa la thiền Kinh (Giác hiền là thiền sư, có sự kế thừa của thầy, La Thập dựa vào những điều biết của mình mà thuật lại). Trước tác của Thiền kinh có 2 nhà: Một là Đại Ma Đa La (Pháp Cứu), hai là Phật Đại Tiên ( Giác Quân). Nhưng Thiền Kinh hiện còn chỉ có tác phẩm của Phật Đại Tiên. Thiền pháp của Đại Ma Đa La có thể là vì đời sau đã trở thành mật truyền mà không công khai nữa. Như trên đã thuật, Hữu bộ có một số người trọng thiền như vậy và được truyền dịch phát triển mạnh mẽ ở Trung Quốc, Việt nam, Nhật Bản v.v…

Cuối cùng lược nói về ảnh hưởng về sau này của Hữu bộ .Tư tưởng bảo thủ của Hữu bộ rất đậm nét. Kiên trì nói đến cùng, ngả hẳn một phía, cực kỳ ngoan cố. Các phái của Thượng toạ hệ còn có chỗ dung thông linh hoạt. Như Di bộ tông luân luận ghi chép, Thượng toạ hệ thuyết pháp thường tương đồng với Đại chúng hệ, có chỗ lại dung hoà làm một. Các hệ phái khác, chủ trương của họ cũng không phải là trước sau như một. Chỉ có riêng Hữu bộ là bảo thủ đến cùng. Điều gọi là “Nhất thiết hữu” trên  thực chất là giống với học thuyết của Thượng toạ hệ, đều có thể quy về nhị nguyên luận có phần mang màu sắc tâm học. Đồng thời, “nhất thiết hữu” mà họ nói không phải là chỉ mọi sự vật trong vũ trụ loài người, chỉ là phạm vi như đời sau họ khẳng định “Ngũ sự lục thập thất pháp” trong Phẩm loại túc luận. Họ căn cứ vào đâu để khẳng định những pháp này? Chính là xuất phát từ thực tiễn của họ. Trên thực tiễn, họ cảm thấy phải kiến lập, thì nói là thực tại, phải nên khẳng định. Loại lý luận đưựoc kiến lập trên cơ sở đó, phát triển đến cuối cùng, một mặt đã trở thành thứ triết học kinh viện, chỉ đưa ra các kiểu chứng minh đối với lời Phật nói, chứng minh nó là thực tại; Mặt khác, lại chỉ coi tính thực tại của những pháp này là tính thực tại của những khái niệm, không quan tâm đến tính thực tại chân thực. Thực tại của khái niệm mới là thực tại duy nhất. Điểm này rất giống Duy thực luận trong triết học kinh viện phương tây. Về sau Hữu bộ cấu thành Bà Sa Tông – Một trong 4  Tông phái lớn của Phật giáo Ấn Độ, có thế lực rất lớn. Đồng thời cũng hình thành Trung Quán Tông – Kẻ phản đối Bà Sa Tông. Trung Quán Tông chính là phản đối lý luận cực đoan của Bà Sa Tông đối với việc cho khái niệm là thực tại, mà được hình thành. Về sau Trung Quán có sự phát triển cực lớn . Có điều đáng nói là nó có liên quan đến nghị luận cực đoan của Bà Sa Tông. Cho nên có thể nói,  ảnh hưởng của Học thuyết Hữu bộ, bất luận là ảnh hưởng chính diện hay phản diện đều rất lớn. Tư liệu của Hữu bộ được lưu giữ cũng rất nhiều để tiến hành nghiên cứu học thuyết quan trọng này[1]               

        VII. Tư tưởng quan trọng của Độc Tử Hệ

  1. Sự hình thành, lưu hành và nội dung cơ bản về Tam Tạng của độc tử hệ.                                                                                                          

Trong sự phát triển bộ phái Phật học về sau, Chính Lượng Bộ do Độc Tử Bộ phân hoá ra đã thay thế địa vị chính thống của Độc Tử Bộ, cho nên cũng có khi nói Độc Tử Bộ là Chính Lượng Bộ. Như  Nam hải ký quy truyện,  Nghĩa Tịnh đã chỉ ra, Tiểu thừa Ấn Độ đương thời chia là 4 phái lớn, Chính Lượng là một phái trong đó. Phái này lại chia làm 4 phái khác. Có thể thấy Chính Lượng đã thay thế địa vị của Độc Tử Bộ rồi. Chính vì thế, về sau đối với tên gốc của Độc Tử Bộ đã không còn được rõ nữa. Huyền Trang trong Dị bộ tông luân luận dịch tên Bộ này là Độc tử, đồng thời đã giới thiệu tên gọi và nguồn gốc của phái này. ‘‘Độc’’ là tên của chủng tộc tiếng phạm là Vatsa. Chủng tộc này vốn đã xây dựng được quốc gia của mình là Kiều Thưởng Di. Khi Phật sơ chuyển pháp luân tại vùng Ba La Lại, Kiều Thưởng Di ở phía Tây của vùng Ba La Lại. Sở dĩ bộ phái này lấy tên là Độc Tử, là vì Bộ chủ của bộ này là con của chủng tộc Vatsa cho nên gọi là Vatsuputra, ‘‘Vatsu’’ là ‘‘Độc’’, ‘‘Putsa’’ ‘‘tử’’. Bộ phái này còn nhiều tên gọi khác, như Nam truyền Thượng toạ bộ gọi là Bạt Kỳ Tử, Bạt Kỳ cũng là tên của một chủng tộc, tiếng phạm gọi là VRJi. Huyền Trang dịch âm là ‘‘Phất lợi đặc’’. Dân tộc Bạt Kỳ này vốn là một trong tám dân tộc cấu thành nên nước Cộng hoà Phệ xá li, ở phía Đông Ấn Độ, như vậy có cự li xa với nước của ‘‘Độc tử’’. Vì sao lại có cách nói khác nhau như vậy? Nguyên nhân là khi lần kết tập thứ 2 của Nam truyền, Bạt Kỳ Tử có kiến nghị khác nên thành lập một phái riêng còn gọi là ‘‘Khả trụ tử’’[2] . Lai lịch của tên này được giải thích: ‘‘Khả Trụ’’ là tên của tộc ‘‘Tiên Nhân’’, trong tộc ‘‘Tiên Nhân’’ này có người phụ nữ tên là ‘‘Khả Trụ’’, con trai của  người phụ nữ này gọi là ‘‘khả trụ tử’’, đồ chúng của Khả Trụ Tử tạo nên gọi là ‘‘Khả trụ Tử bộ’’. Cách giải thích vòng vo này, Khuy Cơ cho rằng ‘‘kỳ lý nan giải’’ – Nghĩa lý khó hiểu.

Ngoài ra, sở dĩ gọi là Độc Tử Bộ là vì địa điểm lưu truyền của nó lệch về phía tây; gọi là ‘‘Bạt kỳ tử’’ là vì nó  phản đối Hoá địa bộ gọi là ‘‘Khả trụ tử đệ tử bộ’’, là vì nó tin thờ Xá lợi phất tỳ đàm. Tương truyền hệ Khả Trụ Tử là do La Hầu La truyền. La Hầu La  là con trai của Phật, sau khi đức Phật thành đạo được 6 năm về thăm nhà, La Hầu La mới xuất gia, coi Xá Lợi Phất làm Hoà thượng, vì quan hệ truyền thừa này, hệ Khả Trụ Tử coi Xá lợi phất tỳ đàm làm điển cứ.

Khu vực lưu hành của Độc Tử Bộ, theo tư liệu khảo cổ và văn bản cho biết là từ Trung Ấn Độ dần dần đến Tây Ấn Độ, cuối cùng định cư tại Tây Ấn. Vào khoảng thế kỷ thứ 7, khi Nghĩa Tịnh đi Ấn Độ, thế lực của họ đã rất mạnh rồi, đã hình thành một trung tâm Phật giáo ở Ma lạp bà, không thua kém gì với Na lan đà ở Trung Ấn. Đồng thời sự phát triển của Độc Tử Bộ còn có liên quan đến thế lực của dân tộc Tái là ngoại tộc đến xâm nhập Ấn Độ. Dân tộc Tái vốn là dân tộc thiểu số của vùng Tân Cương – Trung Quốc. Vì dân tộc Nguyệt Thị [3]bị Hung Nô áp bức mà biến động. Nguyệt Thị buộc dân tộc Tái chuyển rời đến vùng Ấn Độ. Khoảng thế kỷ thứ II trước Công nguyên, dân tộc Tái xâm nhập Ấn Độ, và ở Bắc Ấn, Tây Ấn, Trung Ấn kiến lập nên một quốc gia. Quốc gia được kiến lập áp sát với Trung Ấn tại Ma Thâu La. Theo tài liệu khảo cổ, Độc Tử Bộ bắt đầu lưu hành ở khu vực này. Quốc gia được kiến lập ở Tây Ấn coi vùng Ma lạp bà làm trung tâm. Đến thế kỷ thứ nhất sau công nguyên càng xâm nhập sâu vào vùng Ma ha thứ đà của Tây Nam Ấn Độ. Độc Tử Bộ cũng tiếp tục được phát triển ở khu vực này. Quốc gia của dân tộc Tái ở Ấn Độ được nổi tiếng là do thương nghiệp phát triển, đặc biệt là khu vực ven biển phía Tây, thông thương với các nước Ba Tư, Arập, La Mã v.v…Theo tư liệu khảo cổ ủng hộ Độc Tử Bộ cũng là những thương nhân (trong Kinh luôn nhắc đến các từ trưởng giả, cư sĩ chính là để chỉ thương nhân). Tình hình xã hội như vậy cũng đã ảnh hưởng đến học thuyết của Độc Tử Bộ. Rất nhiều chủ trương của họ đều phản ánh đến ý thức của giai tầng này.

Về Tam Tạng của Độc Tử Bộ, khi Huyền Trang ở Ấn Độ đã sưu tầm được 14 bộ bao gồm Kinh – Luật – Luận của Độc Tử Bộ mang về nước. Huyền Trang còn giành ra 2 năm ở Ấn Độ chuyên môn học về ‘‘căn bản Tỳ đàm’’ của Độc Tử Bộ. Theo sự ghi chép trong Nam hải ký quy truyện của Nghĩa Tịnh, số lượng Tam Tạng của Độc Tử Bộ rất lớn. Đương thời Tam Tạng cửa Tiểu thừa Tứ đại ở Ấn Độ phần nhiều đều là 10 vạn tụng, còn Chính Lượng Bộ tới 20 vạn tụng, nhiều gấp hai lần. Số lượng luật Tạng cũng nhiều, có đến 3 vạn tụng, dịch ra cũng đến hơn trăm quyển. Còn luận tạng thì Nghĩa Tịnh vẫn chưa nêu ra. Đáng tiếc là nội dung của Tam Tạng này đến nay không còn biết được nữa. Các dịch bản về Luật của các bộ phái khác hiện còn, đều ghi chép nội dung Tam Tạng của mình, tuy không đầy đủ cho lắm nhưng vẫn có thể hiểu một cách đại khái. Độc Tử Bộ hiện tại chỉ còn một bộ bàn về luật gọi là Minh liễu luận gồm 22 tụng[4], quá ư  là giản lược, khó có thể dùng làm căn cứ để nghiên cứu nội dung Tam Tạng của Độc Tử Bộ, hiện nay chỉ có thể từ trong sự ghi chép khác mà suy đoán. Theo tư  liệu được bảo tồn trong Câu xá luận, Kinh mà Độc Tử Bộ tụng đều có trong Hán dịch Trung A Hàm và  Tạp A Hàm. Hán dịch Trung A HàmTạp A Hàm các Học giả đoán dich là của Hữu bộ, Độc Tử Bộ cũng tụng một số kinh này, có thể thấy Kinh mà Độc Tử Bộ và Hữu Bộ phần nhiều là tương đồng. Luật cũng có tình hình tương tự  như vậy. Nhìn từ Minh Liễu luận: Luật của họ và của Hữu Bộ là gần nhau. Ví dụ, trong giới luật có một loại là Ba Dật Đề (Đọa), số điều của các bộ khác không giống nhau có loại là 90 điều, có loại là hơn 90 điều, còn Độc Tử Bộ và Hữu Bộ cùng là 90 điều. Một loại  luật khác là Ni Tát Kỳ Ba Dật Đề (Xả đọa giới) các bộ khác đều là 30 điều, nhưng thứ tự sắp xếp khác nhau, còn 10 điều cuối cùng của Độc Tử Bộ và Hữu Bộ về mặt thứ tự sắp xếp gần nhau. Từ 2 điểm này có thể nhìn ra luật tạng của hai bộ khác nhau không nhiều. Về luận, họ đều tin thờ Xá lợi phất tỳ đàm, trong truyền thuyết của các nhà và Đại trí Độ luận mà La Thập dịch đều nói như vậy. Có điều đây và bản Hán dịch nên có đôi chỗ khác nhau. Như Độc Tử Bộ thừa nhận “Hữu ngã”, giảng “Lục đạo luân hồi”, còn trong bản Hán dịch thì phản đối “hữu ngã”, giảng “Ngũ đạo luân hồi”.Có sự khác nhau đó có thể do họ dùng những bản khác nhau khi dịch. Huyền Trang ở Ấn Độ đã học qua Tỳ Đàm của họ, Căn bản Tỳ đàm của Chính Lượng Bộ, chưa nêu tên Xá lợi phất Tỳ đàm, đây có thể rất là bộ mà Độc Tử Bộ dùng. Về nội dung của Tỳ Đàm rất có thể theo kết cấu “Ngũ phận”: Vấn phận, Phi vấn phận… Cũng rất có thể Nhân phẩm trong Phi vấn phận có một số chỗ đặc thù (trong bản dịch Xá lợi phất tỳ đàm, Phi vấn phậnnhân phẩm). Vì họ chủ trương “hữu ngã” là “hữu” thế nào thì họ lại cho rằng có thể suy đoán từ Nam phương Tỳ Đàm thì biết. Nam phương Tỳ Đàm coi Bổ đặc Già La làm trọng điểm phản đối, và vì để luận thuật tính giả hữu của Bổ Đặc Già La nên biên soạn riêng ra một bộ Nhân Thí thiết luận. Ngoài ra, phẩm thứ nhất Luận sự (Nam phương Tỳ đàm) cũng thảo luận vấn đề này, nhị luận với Độc Tử Bộ đối chọi quyết liệt. Độc tử bộ kiên quyết chủ trương có Bổ Đặc Già La, vì thế mà đối lập với các bộ khác, cho nên chắc rằng có một phẩm chuyên thuật nghĩa này. Có điều những chuyện này không còn văn bản gì để làm chứng, chỉ dựa vào suy đoán mà thôi.

Theo Dị bộ Tông luân luận và những điều truyền dịch của Chân Đế, về sau, Độc Tử Bộ lại phân chia thêm một lần nữa. Nguyên nhân phân chia, theo sự ghi chép của Dị bộ Tông luân luận, là do sự giải thích khác nhau đối với một bài tụng “đã giải thoát vẫn đoạ” mà gây nên. Cách giải thích này không đáng tin lắm, không thể vì một chút sự cố nhỏ mà tạo thành phân chia. Theo Chân Đế nói, là vì sự giải thích bất đồng đối với Xá lợi phất tỳ đàm.  Có thể do sự giải thích, bổ sung, phát triển mà sinh ra phân chia, cách nói này rất có thể có nguyên do. Độc Tử Bộ chia làm 4 phái: Một bên là Hiền Trụ Bộ, Pháp Thượng Bộ, một bên là là Chính Lượng Bộ, Mật Lâm Sơn Bộ. Sau khi phân phái mỗi bộ phái đều có trước tác riêng của mình. Hiện nay trong Hán dịch đều bảo lưu được một ít, như Tam pháp độ luận (bản dịch khác lấy tên A hàm mộ sao), là thuộc về bên Hiền Trụ Bộ, tác giả là Thế Hiền (Hiền Trụ, tức chỉ tư tưởng Thế Hiền đời sau); Tam di để bộ luận thì thuộc về phía của Chính Lượng. Tam di để chính là dịch âm của Chính Lượng. Học thuyết của hai bên này cũng không giống nhau hoàn toàn. Như giảng về luân hồi, Độc Tử Bộ giảng về Lục đạo, Chính lượng, Mật Lâm Sơn vẫn giảng về lục đạo, còn Hiền Trụ Bộ chỉ giảng về Ngũ đạo thôi. Thời gian mà họ phân chia có thể rất muộn, Dị bộ Tông luân luận chỉ ở phần cuối cùng mới nêu ra tên của 4 bộ. Đối với chủ trương của họ nói rất giản lược, về sau dần dần bổ sung thêm. Như Bộ chấp dị luận mà chân đế dịch, đối với những nghĩa giống nhau của Độc Tử thì thêm vào mấy điều.

Sau khi Độc Tử Bộ tái phân chia, còn tiếp tục viết ra một số Kinh, Luận (như Chính pháp niệm xứ kinh). Theo cách nói của các học giả thời Đường ở Trung Quốc thì kinh này là của Chính Lượng Bộ. Nội dung của Kinh chủ yếu giảng nghiệp báo, luân hồi. Liên quan đến vấn đề Ngũ đạo, Lục đạo, Kinh này giảng một cách kỹ lưỡng về A Tu La, nhưng vẫn chưa đặt nó thành một đạo. Nếu phân tích nội dung, kinh này lại thuộc về hệ Hiền Trụ. Phần cuối cùng của Kinh còn giảng đến Thân niệm trụ trong Tứ niệm trụ, giống với một chi trong “Thân niệm trụ” của Xá lợi phất tỳ đàm. Cho nên khẳng định là Kinh xuất hiện sau một lần phân chia nữa, để bổ sung vào Xá lợi phất tỳ đàm là không còn nghi ngờ gì nữa. Ngoài ra, luận Tạng về sau còn tiếp tục thêm Tam đi để bộ luận, Nhiếp chính pháp luận [5].

(còn nữa)

[1] Sẽ bàn tiếp trong phần sau: Tư tưởng triết học Phật giáo tiểu thừa

[2] Chân đế và Tây Tạng dịch là “khả trụ tử”Hoạt động tại vùng Tây Bắc Trung Quốc – giữa khoảng Tây Vực và Trung Ấn

[3] Hoạt động tại vùng Tây Bắc Trung Quốc – giữa khoảng Tây Vực và Trung Ấn

[4] Phật Đà Đa La Đa tạo, Trần Châu Đế dịch ra chữ Hán Hoạt động tại vùng Tây Bắc Trung Quốc – giữa khoảng Tây Vực và Trung Ấn

5 Đưa những điều mà trong chính pháp niệm xứ Kinh tập thành tụng văn. Hán dịch gọi là Chư pháp tạp yếu Kinh, Thánh giáo thực luận các Kinh luận này chuyên môn thừa nhận có Bổ đặc Già la.