TÂM XUÂN DI LẶC —- NIỀM AN VUI BẤT TẬN 

18/ 04/ 2018 16:03:47

TÂM XUÂN DI LẶC 

    NIỀM AN VUI BẤT TẬN

                                                        Tỷ khiêu Thích Thanh Ân

Mừng Xuân đón Tết, Đó là thời khắc thiêng liêng của trời đất, đó cũng là lúc ghi nhận thêm dấu ấn liên tuế sinh trưởng của mỗi ngư­ời.

Nhưng để sống có ý nghĩa cho từng năm tháng trong cuộc đời mình thì chúng ta cũng cần đặt ra một câu hỏi: Mình cần gì cho mình và cuộc đời này cần gì ở mình?

Có  thể nói, điều chúng ta cần và cuộc đời này cần ở chúng ta: Đó là Tâm Xuân Di Lặc và niềm an vui bất tận. Vì sao? Vì niềm vui bao gồm tất cả, có niềm vui là có tất cả. Trong cuộc đời này, có thể nói mọi ý nghĩa cho chúng ta sống và đáng sống, đó là sự an vui. An vui chính là hạnh phúc, là thoát ly khổ nạn. Có vui thì không có khổ, có khổ tất không còn vui. Sống một năm yên vui hơn trăm năm khốn khổ. Đúc kết vấn đề này chư Tổ xưa có dạy:

Chẳng biết thảnh thơi miền an lạc

Làm người một kiếp cũng bằng không.

Phật Di Lặc đản sinh đúng vào ngày Mồng một tết, Danh hiệu đầy đủ nhất của Ngài theo câu niệm “NAM MÔ ĐƯƠNG LAI HẠ SINH DI LẶC TÔN PHẬT”. Ngoài ra, Ngài còn được tôn xưng nhiều danh hiệu khác như A Dật Đa Bồ tát, Vô Năng Thắng Bồ tát, Từ Thị Bồ tát, Hoan Hỉ Địa v.v. Nhân gian có chỗ còn gọi Ngài là Hỉ thần, Bố Đại Hoà thượng với những truyền kỳ thần bí.

Chúng ta nhận thấy có hai vị Đại Bồ tát có ảnh hưởng nhiều nhất, có tư  tưởng thờ nhiều nhất trong các chùa đó là: Bồ tát Quán Thế Âm với hạnh đức cứu khổ cứu nạn chúng sinh – Đức Quán Âm như  một bà Mẹ vất vả vì cứu chúng sinh khổ nạn tứ phương, Ngài phải thị hiện mọc ra nghìn tay nghìn mắt mà nhìn không hết cứu không xuể – Vì chúng sinh khổ nạn quá nhiều, nhưng ảnh tượng nhiều hơn cả chính là Bồ tát Di Lặc với đức lành ban vui chúng sinh, trông Ngài thật nhàn nhã nhưng với Ngài, người theo đạo Phật tôn thờ là chuyện bình thường, nhưng người không theo tôn giáo nào cũng thỉnh rước Ngài về đặt trong phòng khách để mong niềm hoan hỉ may mắn đến trong gia đình.

Không như các vị Phật và Bồ tát khác, với vẻ mặt đoan trang, đôi mắt trầm tư và nụ cười nhẹ nhàng phảng phất, hình tượng Ngài Di Lặc là một vị Bồ tát béo tốt mập mạp, bụng phệ, tai to, gương mặt hiền hậu, dễ dãi với miệng cười hả hê, thoải mái. Ngài ăn mặc xuề xoà đến nỗi, ai đó nhìn tượng Ngài chưa hiểu mà gọi nhầm Ngài là Ông “Nhịn mặc mà ăn” hoặc gọi Ngài là Ông Phỗng. Nhưng mặc người đời nói gì, Ngài vẫn tươi cười như muốn trao truyền tất cả niềm vui Ngài có vậy. Có nơi có ảnh tượng chúng ta nhìn thấy sáu đứa trẻ con (Có chỗ mười tám đứa, Biểu dụ Căn – Trần – Thức) bám trên thân Ngài, đứa móc mắt, đứa chọc tai, đứa ngoáy mũi, đứa dụi rốn, đứa giựt áo, đứa cưỡi lưng (Đó là biểu dụ của sáu căn tiếp xúc sáu trần phá hạnh người tu) mà Ngài vẫn thản nhiên nh­ư nhiên tươi cười, hình như Ngài không còn thấy sự quấy phá đó nữa, thật không còn gì làm ảnh hưởng đến Ngài nữa.

Có  sách còn viết rằng, Bồ tát Di Lặc hoá thân xuống trần gian, Ngài đang chia quà cho trẻ em. Khi có người đi qua, Ngài ngẩng lên nhìn người đó mà cái vui từ tâm Ngài truyền sang người đó hơn ba năm sau chưa hết. Lại nữa, ai đó tôn kính, nhìn ngắm tranh tượng và niệm danh hiệu Ngài mươi phút thôi thì niềm an lạc hạnh phúc cũng được ba tuần. Vậy Phật Di Lặc có bảo bối gì?

Chúng ta cùng đi sâu, tìm hiểu hai đức tính quan trọng trong hạnh tu Đại Bồ tát “Tứ vô lượng tâm” (Bốn tâm: 1/ Từ vô lượng tâm, 2/ Bi vô lượng tâm, 3/ Hỉ vô lượng tâm, 4/ Xả vô lượng tâm). Đó là bảo bối Đại hỉ, Đại xả của Bồ tát Di Lặc vậy.

Xuân Di Lặc là một mùa xuân hoan hỉ, đại hoan hỉ, đó không phải là vui mừng chốc lát mà là niềm hân hoan bất tận, như  ánh mặt trời ban mai ấm áp, ban trải khắp nhân loài vạn vật. Xuân tâm không những cảm nhận được sự bừng khởi thời tiết của tạo hoá tuần hoàn mà còn là trạng thái giác ngộ, đổi mới trong thế giới nội tâm.

Theo Hán tự âm nghĩa: Hoan hỷ – tức là vui mừng

Vậy chúng ta hỏi: Vui  mừng nằm ở đâu? Do đâu mà có?

Chúng ta biết rằng người tu hành Phật Pháp cần phải hướng tâm mình đến đức tính Đại hỷ, Đại xả. Những chân tính này ở tại nội tâm “Tâm địa – Mảnh đất tâm linh” của mọi người. Vậy thì đức tính Hoan hỷ luôn “thường trực” ở sẵn trong tâm của mỗi con người, chúng ta hãy lấy ra mà dùng, vì núi vui biển lạc trong tâm càng dùng càng đầy lên không bao giờ cạn kiệt.

Có  thể nói hoan hỷ có nhiều nghĩa nên khó định nghĩa đầy đủ, nó đa hàm không định nghĩa hết, chỉ biết qua thái độ với bản thân, với mọi người. Nhưng ta biết: hoan hỷ vui mừng là đạo đức, là con đường lành, con đường hướng thượng.

Đúng vậy, Vui vẻ chính là lối sống đạo đức của con người, người có gương mặt an lạc hỉ xả chân thật chính là người có tâm trong sáng, có lòng Từ Bi, yêu quý mọi người mọi loài và luôn sẵn làm điều thiện. Hoan hỷ có ba yếu tố:

– Hoan hỷ với bản thân – vui cho một chúng sinh

– Hoan hỷ với mọi người – vui cùng nhân loại, tha nhân.

– Hoan hỷ với muôn loài vạn vật rộng lớn

Tất cả chư  Phật mười phương, chúng ta quán tưởng sâu, đều thấy các Ngài có vẻ mặt bình thản, khinh an và phảng phất niềm vui – Nhưng không vui hết cỡ như chúng sinh “khi vui vui ngất, khi buồn buồn hiu” .

Căn cứ giáo lý Phật giáo, có thể giải luận niềm vui trên ba hình thái:

1- Niềm vui phụ thuộc vật chất: Đây là niềm vui ngắn ngủi của lòng tham dục tục trần, khi được danh, được lợi, được sắc đẹp, tiền tài, thì vui. Nhưng khi có nhiều quá thì sinh mệt mỏi vì trông giữ, khi mất lại sinh buồn khổ.

2- Niềm vui khi đã khống chế, xa lìa được dục vọng “Ly sinh hỷ lạc”. Đây là trạng thái của người đã thoát khỏi Dục giới nguy hiểm – Thế giới vật chất nhộn nhạo, nóng bỏng đến chai chân rát lữỡi, tạo nên niềm vui thanh thản, an ổn, nhẹ nhàng trong tâm.

3- Niềm vui bất tận “Hoan Hỉ địa”. Đây là niềm vui vô tận của hàng Bồ tát bất thoái, của Phật Di Lặc, của bậc đã hoàn toàn giải thoát, giác ngộ, đầy đủ công đức và năng lực độ sinh như  Hoà thượng Trí Hải diễn tả:

Đủ phúc trí lại dư  công đức

Giúp muôn loài đều được yên vui

Cùng vào nhà đức Như  Lai

Hưởng mùi “Thuyền duyệt” ngồi đài “Pháp không”

Trong biển trí mênh mông bát ngát

Giới hương xông ngào ngạt ngàn phương

Ngao du trong cảnh  “Chân thường”

Khi hồ  “Bát đức” khi vườn “Giác hoa”

Thân giải thoát vào ra tự  tại.

Có  người thắc mắc, “Ngài to béo thế kia thì làm được gì? Cứu khổ được ai?” Thật ra, “Bốn tâm vô lượng là gốc muôn hạnh lành”  Bồ tát Di Lặc thị hiện hạnh Đại hỷ đại xả tâm thì trong đó đã có đầy đủ đức Từ bi rồi, vì thiếu đức Từ bi thì làm sao có thể hoan hỉ xả thân cứu độ sinh linh, giầu lòng vị tha chia sẻ và dung thứ cho người khác. Tiến hơn nữa là xả Ngã chấp Pháp chấp, buông bỏ vọng tưởng an trụ chân tâm. Chính Ngài, tuy rất nhàn nhã, an lạc nhưng lại ban phát cho thế gian thứ tài sản vô hình quý báu nhất, cần thiết nhất mà mọi người đều ước vọng trong cuộc sống đó là “Niềm an vui”.

Niềm an vui hoan hỷ là một tặng phẩm vô giá mà mỗi người đều sẵn có trong tâm, nó rất sẵn và rất nhiều, chúng ta hãy tặng nó cho mọi người đừng lo hết, đừng trao cho ai sự dằn lòng khó chịu, nhất là trong hội chúng.

Niềm an vui của mỗi người nằm trong sự giản dị, trong sáng của nếp sống vị tha chứ không phải là sự rườm rà, sang trọng, cầu kỳ của thói quen thụ hưởng. Hãy trân trọng giữ gìn nó như bài hát đâu đó:

Niềm an vui có  từ bao giờ

Như bữa cơm thanh đạm dưa cà

Giản đơn thôi người đừng đánh mất

Khổ công đi tìm hình bóng đâu xa

Ngày Xuân Tết, gia đình nào mà chẳng mua hoa, mua quả về để dâng cúng, để trang trí nơi phòng khách đón tiếp mọi người đến thăm hỏi, chúc mừng. Đó là lòng trân trọng khách quý.  Nhưng đó chưa phải là hoa đẹp nhất  –  Hoa đẹp nhất chính là bông Hoa Hoan Hỉ trên gương mặt chủ nhân – Một niềm hoan hỉ thân tình, lòng vui mừng chân thật như  gặp lại người thân sau nhiều ngày xa cách vậy.

Nếu ta đến nhà ai đó, thấy có lọ hoa rất đẹp nhưng vẻ mặt chủ nhà lại lạnh tanh, hời hợt thì ta như  bị dội gáo nước lạnh, chỉ muốn lui vì họ không quý mình. Như ta được chủ nhà tươi cười chào đón thì dù nhà đó không có hoa ta vẫn thấy vui vẻ, ấm áp. Vì nụ cười là hoa, hoa quý nhất chủ nhà tặng cho ta. Thật là: Nu cười đáng giá nghìn vàng. Điều này, nhà thơ Tâm Chân viết:

Làm đẹp dung nhan những nụ cười

Đoá hoa Hàm tiếu nở trên môi

Điểm tô gương mặt niềm hoan hỉ

Hoan hỉ này xin tặng mọi người.

Niềm vui từ trong tâm, nỗi khổ cũng do tâm chứ không phải khổ vui nằm ngoài tâm, nằm ở cành cây gốc cột. Cuộc sống tươi đẹp đáng yêu đáng quý biết nhường nào. Biết niềm vui sẵn như  vậy mà chẳng mấy ai, mấy lúc lấy ra dùng và miệng luôn kêu đau kể khổ – khổ – khổ a v.v thật đáng thương. Đã vậy lại còn oán trời trách đất, thậm chí trách cả mẹ cha sinh ra mình nhiều nỗi khổ mà không biết chỉ do tại mình, như ca dao tục ngữ viết:

 Sống sao sống tối sống tăm

 Khổ ngày khổ tháng khổ năm khổ đời

 Bắc thang lên hỏi Ông Trời

 Cớ sao lại để kiếp tôi thế này

 Ông Trời ngó xuống cho hay

Mày làm mày chịu tao rày hề chi

Tại sao lại phải bức xúc như  vậy? Lý giải vấn đề khổ đau bức xúc này, Hoà thượng Trí Hải viết:

Nước ái dục càng khao càng khát

Dây nghiệp duyên càng thắt càng đau

Thành sầu càng đắp càng cao

Sông mê  khơi mãi càng sâu càng dài

Đường sinh tử chông gai càng lắm

Nẻo luân hồi cạm bẫy càng giăng.

Người tu Phật giác ngộ chân chính là nguời có gương mặt nhẹ nhàng, hoan hỷ, thân thiện với tất cả mọi người dù thuận dù nghịch, dù cuộc sống vật chất, danh lợi luôn thăng trầm, tử sinh và được mất. Nhưng không hề hấn gì. Người để mất niềm an vui mới thực sự là đấnh mất cuộc sống, kể cả là ngồi trên chum vàng chĩnh bạc. Người học Phật hiểu rõ mục đích tu Phật cần xác định ba tiêu điểm: Giải thoát – Giác ngộ – Độ sinh. Và điều cần trước nhất đó là sự Giải thoát. Giải thoát phiền não, Giải thoát nghiệp chướng, Giải thoát nhân ngã v.v.  Do đó mà giác ngộ được, còn Phiền não là vì còn nghiệp chướng.

Sách Bản sự kể rằng, khi Phật còn tại thế, có người đến cầu học đạo, hai tay cầm hai bó hoa để cúng dàng. Khi thấy người ấy, Phật bảo “Buông!” Ông ta buông tay trái, bó hoa rơi xuống đất, Phật lại  bảo “Buông!” Ông ta buông tay phải bó hoa kia cũng rơi xuống đất, Phật lại  bảo “Buông!” Ông ta ngơ ngác thưa “Bạch Thế Tôn, con đã buông hết rồi còn gì nữa mà buông nữa? Phật ôn tồn dạy: “Này Ông, lần thứ nhất ông buông sáu Căn,  lần thứ hai ông buông sáu Trần, lần thứ ba là ông buông sáu Thức. Căn – Trần – Thức không còn vướng mắc thì còn gì trói buộc Ông nữa!”

Giải thoát đồng nghĩa với hạnh Đại xả. Người tu hành trước cần xả tài, xả danh, xả thân cầu đạo v.v. Và để chứng công quả tuyệt đối cần xả ngã pháp chấp.

“Không ta” thì đau khổ bám vào ai? Giác ngộ điều này, chúng ta thảnh thơi sung sướng giải thoát trói buộc của lòng tham ái,  thoát khỏi nhà lửa ba cõi. Dù sống giữa cuộc đời đầy nhộn nhàng của tám giờ phiền não; Lợi, Suy, Huỷ, Dự, Xưng, Cơ, Khổ, Lạc mà tâm chúng ta chẳng hề rung động. Từng ngày tháng chúng ta cảm nhận được cuộc đời rất đẹp. Non xanh – bể rộng – trời cao, chúng ta du lịch qua cuộc đời, an nhàn dạo chơi ở trong ba cõi. Khi tuổi cao bóng mãn, thanh thản vẫy tay chào tạm biệt cuộc đời để đến một cảnh giới tốt đẹp hơn, với tâm Bồ tát vì hạnh nguyện độ sinh thì trở lại cõi trần với một tướng trạng tươi sáng hơn, có gì mà khổ?

                   Vui thay chúng ta sống.

                   Không gì  gọi “của ta”

                  Ta sẽ hưởng hỷ lạ

                   Như Chư Thiên Quang Âm     

                                         ( Kinh Pháp Cú)

Nhưng, không hiểu sao ở đời lại rất nhiều người kêu khổ, họ luôn nhìn đời với nhãn quan lo hãi, phấp phỏng. Ngày Xuân Tết đại hỷ là vậy mà khi ra chùa lễ Phật, nhiều người chỉ hỏi chư Tăng rằng “Năm nay con có hạn gì không thày? Mà chẳng thấy ai hỏi: Năm nay con có Phúc gì không thày? Song, chiếu theo luật nhân quả nhà Phật thì:

                Phúc là do ta tự chiêu

               Khổ vui cũng bởi tại  điều mình gây.

Phật Di Lặc nhận thấy đời là bể khổ sao lại bình thản vui cười? Ngài cười vì Ngài giác ngộ cái khổ vốn không. Ai bắt phải khổ?  Cớ sao lại khổ? Có gì mà khổ? Khổ để làm gì? Khổ ích gì cho ta, cho đời?

Muốn được vậy cần vô tư trong cuộc sống, vô ngã trong tâm niệm. Vô tư  khác với vô tâm, vì vô tư  là những việc làm vị tha không đắn đo vụ lợi, còn người vô tâm là người dửng dưng trước cuộc đời, dù họ có cười và lịch lãm bắt tay ai đó khi giao tiếp thì là thói quen sáo rỗng, xong mặt họ trở lại lạnh lùng chứ không giữ lâu.

Học đức tính Hoan hỷ, huân tập hạnh đại xả của Phật Di Lặc, dù đặt Ngài trên toà sen, trong tủ kính hay đặt Ngài dưới gốc cây, trong góc nhà nhưng Ngài vẫn tươi cười. Được vậy, hành giả sẽ tươi đẹp hơn lên cả về thể chất lẫn tâm hồn. Một năm sống là một năm vui, trăm năm sống trăm năm an lạc. Đạo đức và lòng vị tha ngày càng tăng trưởng, an vui cùng hỉ lạc luôn đầy ắp. Đó là niềm vui chân thật, cởi mở và lâu dài. Hành giả nhìn đời với một nhãn quan rộng mở, hài hoà và tươi sáng. Với tâm hạnh đó, dù thăng trầm phản trắc, bất cứ ở vị trí nào, phương sở nào, cũng sẽ luôn giúp mọi người an vui một cách vô tư vì rất sẵn, rất nhiều trong “Núi vui Biển lạc tại tâm mình”.

                    Di Lặc chân Di Lặc

 Phân thân trăm nghìn ức

 Luôn luôn dạy mọi người

Ngàn đời chẳng tự biết

Vâng, một năm quan trọng nhất ngày Mồng một Tết – Ngày vía Phật Di Lặc, khởi đầu cho một mùa tươi đẹp nhất trong bốn mùa – Mùa Xuân. Mong mọi người, mọi nhà đều được Phật Di Lặc đến ban phúc lành để tu tâm Đại Hoan hỷ, để được an vui hưởng Phúc sống lâu, sức khoẻ, trí tuệ, tiêu nghiệp chướng, xoá hận thù, tăng bạn hữu, thế giới hoà bình, gia đình hạnh phúc, nhìn nhận bầu trời tương lai cao hơn, xanh hơn với một tâm hồn tươi sáng hơn.

Kính chúc Quý vị vạn Phúc tốt lành –  Đại Hoan hỷ, Đại an lạc.

 

Sóc Sơn Ngày Phật thành đạo 8/12 Phật lịch 2553