VÀI SUY NGHĨ VỀ SỰ DUNG HỘI GIỮA PHẬT GIÁO VỚI TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN TRONG TRUYỀN THUYẾT CỦA THÀNH HOÀNG LÀNG YÊN PHÚ

20/ 04/ 2018 11:11:37

VÀI SUY NGHĨ VỀ SỰ DUNG HỘI GIỮA PHẬT GIÁO VỚI TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN TRONG TRUYỀN THUYẾT CỦA THÀNH HOÀNG LÀNG YÊN PHÚ

                                          Thượng toạ  Thích Bảo Nghiêm

      Nằm ở cửa ngõ phía Nam Hà Nội, Thanh Trì có một vị trí quan trọng, là đầu mối giao thông chính cuả Thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Nam, với diện tích đất hiện nay là hơn 6.317 ha (ít hơn 1/3 diện tích so với năm 2001, khi 9 xã của huyện sáp nhập với một số phường của quận Hai Bà Trưng để thành quận Hoàng Mai và một phần của quậnThanh Xuân). Về mặt hành chính, nó đã từng là một đơn vị của kinh đô. Đời Trần, nơi đây có tên là Long Đàm thuộc châu Thượng Phúc của trung lộ Đông Đô. Thời thuộc Minh, bọn phong kiến phương Bắc không muốn dân chúng nhớ lại tên Thăng Long- biểu tượng cho sự vươn lên anh dũng của dân tộc – nên chúng đổi tên Thăng Long thành Đông Quan, Long Đàm cũng bị đổi thành Thanh Đàm. Đến triều Lê Thế Tông (1573- 1591), vì vua có tên huý là Duy Đàm nên Thanh Đàm phải đổi thành Thanh Trì và  được gọi liên tục đến ngày nay.

Thanh Trì là vùng đất nằm trong địa bàn cư trú của người Việt cổ. Những di chỉ khảo cổ ở làng Huỳnh Cung (khu di chỉ Văn Điển) nổi tiếng với pho tượng người bằng đá được đánh giá cao về trình độ làm tượng tròn trong thời kỳ đá mới bước sang thời đại đồng thau của người Việt cổ, cách ngày nay khoảng 4000 năm; hay khu di chỉ gò Cây Táo ở làng Triều Khúc với các loại công cụ lao động bằng đá được xác định có niên đại tượng tự pho tượng ở khu di chỉ Văn Điển đã chứng minh lịch sử tồn tại lâu đời của mảnh đất ven đô này.

Ngoài những di chỉ khảo cổ học nổi tiếng, chứng tích lịch sử lâu đời còn được thấy qua những truyền thuyết ghi trên những bản ngọc phả, thần tích lưu giữ trong các di tích thờ những vị tướng thời vua Hùng, Hai Bà Trưng còn hiện diện khá nhiều trên vùng đất này, mà ở đó, ta không thể không nhắc tới chùa Yên Phú, một ngôi chùa theo truyền thuyết đã có gần 2000 năm tồn tại.

Về tính xác thực của thông tin gần 2000 năm tồn tại chùa Yên Phú ta khó có thể khẳng định, bởi các tài liệu đề cập đến vấn đề này chỉ chủ yếu dựa vào truyền thuyết, vào bản thần tích các vị Thành Hoàng vốn được thờ tại đình của làng (song nay do đình đã bị hư hỏng nên dân làng Yên Phú thờ Thành hoàng của mình tại chùa); còn dấu vết sớm nhất trên kiến trúc và di vật hiện còn ở chùa cũng chỉ có niên đại vào khoảng cuối thế kỷ 19 (hệ thống bia ký hậu và chuông đồng của chùa). Tuy nhiên, khi đọc thần tích, ta có thể rút ta nhiều điều thú vị, mang đậm bản sắc của Phật giáo Việt Nam nói riêng, của văn hóa Việt Nam nói chung.

Theo thần tích, chùa Yên Phú là nơi tu hành của nhà sư nữ Phương Dung- người đã cùng hai người con trai nuôi của mình giúp Hai Bà Trưng dẹp giặc từ những năm đầu công nguyên (năm 40- 42). Thần tích có thể tóm tắt như sau: Vào thời Đông Hán, ở làng Lưu Hàm, huyện Thượng Hiền, phủ Nghĩa Hưng, đạo Sơn Nam Hạ có Trương Công Điều, lấy vợ là Phùng Thị Huệ. (Ông bà) sinh được mấy người con trai, sau này sinh thêm con gái, đặt tên là Phương Dung. Năm vừa tròn 16 tuổi, nguyện không lấy chồng, một lòng mộ theo đạo Phật. Một ngày nọ, (nàng), đến đến huyện Thanh Trì (xưa gọi là Thanh Đàm), châu Thường Tín, thành Thăng Long (tên xưa là phủ Phụng Thiên), khi đến đầu làng Yên Phú thấy một ngôi chùa, trông bốn bề thấy phóng khoáng đẹp đẽ, bèn đặt tên là Thanh Vân cổ tự và nguyện ở lại nơi đây sớm khuya hương khói. Ở đó vừa tròn một năm, ngày nọ, bà đến bến sông Kim Ngưu tắm, lúc này mặt trời chưa đứng bóng, ngước mắt nhìn lên thì thấy một đám mây lành sà xuống, cuốn lấy thân thể. Kinh hãi bà chạy về chùa, đêm hôm đó nằm mộng thấy một tướng quân mặc áo gấm, đeo ngọc châu, thân thể kỳ dị từ dưới nước đi lên, tự xưng là quan Thuỷ thần và nói với bà rằng: “ Nhà ngươi đức dày, trời đã soi tỏ, lệnh cho hai vị thuỷ thần đầu thai xuống làm con nên chớ có lo lắng về điều đó”. Nói rồi vị thần lên thuyền rồng bay trên không mà biến mất, tính lại chỉ cho là một giấc mộng kỳ lạ. Ngày hôm sau, trong khi đi qua miếu, thấy trước miếu có hai quả trứng rất lớn bèn mang về chùa, bỗng từ hai trứng phát ra tiếng vang như sấm dậy (đó là ngày 22 tháng tư năm Quý Tỵ), trứng tách vỏ và xuất hiện hai vị đầu rắn, mình có vảy, tướng mạo kỳ lạ, thiên tư to lớn, biết đó là thuỷ thần xuất thế. Các cụ phụ lão và dân làng Yên Phú nghe về sự việc kỳ lạ ấy thì cùng nhau kéo đến chùa. Hai vị thần liền nói với các cụ phụ lão rằng: “Anh em chúng ta vốn là thuỷ thần mà các ông thờ phụng lâu nay, một người tên là Trung Vũ, một người tên là Đài Liệu. Nay phụng mệnh Thiên đình giáng sinh để giúp đỡ cho đất nước”… Hai ông được Thái bà (tức Phương Dung) nuôi dưỡng. Khi các ông lên 7 tuổi, thiên tư càng tỏ rõ, học lực tinh thông, đọc binh thư mà trưởng thành về võ lược. Thời gian đó, trời hành hạn hán, cây cối đều chết khô, lập tức hai ông truyền dân làng lập đàn để cầu âm dương trời đất. Vừa cầu được một lúc, bỗng thấy trời đất u ám, giữa ban ngày mà tựa như đêm, mưa to gói lớn nổi lên khắp cả một vùng rộng, ruộng đồng đầy nước, năm đó được mùa lớn. Từ đó nhân dân đều yên ổn làm ăn. Thời đó, Tô Định bạo tàn. Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, truyền hịch bốn phương kêu gọi anh tài hào kiệt ra sức giết giặc cứu nước. Nghe tin, Phương Dung cùng Trung Vũ và Đài Liệu bàn định kế hưởng ứng lời hiệu triệu của Bà Trưng. Chỉ trong một ngày, họ đã chiêu mộ được mấy ngàn binh lính rồi truyền lấy 25 tráng đinh của trang Yên Phú cho làm gia thần giúp việc. Sau đó, Phương Dung cùng Trung Vũ và Đài Liệu lệnh cho quân sĩ lên đường tới Hát Môn tụ nghĩa cùng quân của Hai Bà Trưng. Chỉ trong một thời gian ngắn, nghĩa quân của Hai Bà Trưng đã đánh đuổi được Tô Định, thu phục 65 thành.

Sau khi thắng trận, Bà Trưng lên ngôi vua và ban tước lộc khao thưởng cho các tướng sĩ có công. Nhà  vua phong cho Phương Dung làm công chúa, Trung Vũ làm chỉ huy sứ Tả tướng quân và Đài Liệu làm chỉ huy sứ Hữu tướng quân. Sau đó cho ba người về thăm quê là làng Yên Phú. Nhà vua lại sai nhân dân sửa sang chùa miếu để sau này thờ phụng Phương Dung, Trung Vũ và Đài Liệu. Lại ban cho dân Yên Phú 300 mẫu ruộng và miễn tất cả phu phen tạp dịch. Ba người đều mất vào ngày 7 tháng 11 âm lịch…

Có thể thấy, những sự kiện lịch sử và huyền tích đã quyện chặt với nhau để tạo thành một bản thần tích của các vị Thành hoàng làng Yên Phú, mà ở đó, ta thấy sự ảnh hưởng đậm nét của Phật giáo, hay nói một cách khác, Phật giáo có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân vùng Yên Phú từ lâu.

Trước hết, về hai vị Tả Hữu tướng quân Trung Vũ và Đài Liệu. Thần tích đã nêu rõ, hai Ngài vốn là thuỷ thần “phụng mệnh Thiên đình giáng sinh để giúp đỡ cho đất nước”. Thờ thuỷ thần là một tín ngưỡng khá phổ biến ở vùng châu thổ Bắc Bộ, bởi sự quy định của môi trường địa lý tự nhiên và nền kinh tế nông nghiệp lúa nước. Châu thổ Bắc Bộ được hình thành bởi kết quả bồi đắp phù sa của 2 dòng sông: sông Hồng và sông Thái Bình trong suốt hàng triệu năm, mà ở đó, sông Hồng đóng vai trò chính. Tuy nhiên, sự bồi đắp này không đồng đều trên toàn bề mặt vùng châu thổ: một phần lớn lượng phù sa lại đọng ngay ven sông, tạo thành các gờ sông, phần còn lại (chủ yếu là sét) mới theo nước loang ra. Kết quả là, những vùng nằm xa sông sẽ nhận được lượng phù sa ít hơn và dần trở thành những ô trũng tự nhiên. Có thể thấy đến tận thế kỷ X, đầm lầy và ô trũng là quang cảnh nổi bật của vùng châu thổ Bắc Bộ. Đây là đặc điểm địa lý tự nhiên quan trọng, có vai trò quyết định tới hoạt động kinh tế của người dân nơi đây; và, nền kinh tế nông nghiệp lúa nước ra đời là một tất yếu, nhằm thích ứng với đặc điểm tự nhiên này. Lúa là loại cây trồng khá đặc biệt: vừa cần nhiều nước, lại vừa cần có nhiệt độ cao và nhiều ánh sáng cho sự quang hợp. Những “đòi hỏi” này lại hoàn toàn phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng châu thổ Bắc Bộ; vì thế, càng ngày, cây lúa càng khẳng định vai trò của mình trong đời sống kinh tế của người nông dân Bắc Bộ. Đối với nền kinh tế nông nghiệp lúa nước, đất nước hai yếu tố cơ bản quyết định tới sự được/mất của mùa vụ; nhưng với đất, người dân phần nào có thể chủ động hơn, bởi ít ra thì đất cũng đã sẵn có, còn nếu không, con người cũng có thể chủ động khai hoang lấn biển hoặc cải tạo (“thau chua, rửa mặn) để phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp. Nhưng với nước thì lại khác, con người hầu như không thể chủ động với yếu tố thứ hai này, bởi chỉ có thể được lấy nước từ sông về đồng ruộng (nếu sông còn có nước), hoặc phải chờ mưa xuống mới có nước gieo trồng; điều đó có nghĩa là họ phải phụ thuộc vào thiên nhiên trong việc sử dụng nước. Mặt khác, nước luôn có tính hai mặt: nếu không có nước, hoặc có quá ít thì cầm chắc việc mất mùa, nhưng nếu thừa hoặc có n­ước không đúng thời điểm thì cũng lại là một tai hoạ. Bởi thế, trong khi chưa thể tìm ra cách thức điều hoà nguồn nước, thì tôn thờ nước là giải pháp mặc nhiên trong tư duy của người nông dân Việt. Từ việc tôn thờ ấy đã dẫn tới việc thần thánh hoá sức mạnh của nước, để rồi, tín ngưỡng thờ thuỷ thần ra đời như  một hệ quả tất yếu. Nếu phân loại, ta có thể thấy trong hệ thống thuỷ thần này có cả các thần cấp thuỷ và trấn thuỷ, cả các vị phúc thần (ban phúc) và tà thần/thuỷ quái (giáng hoạ).

Về điều kiện tự nhiên của huyện Thanh Trì ta thấy, Thanh Trì nằm ở hữu ngạn sông Hồng, địa thế thấp dần về phía Đông Nam theo hướng dòng chảy của sông. Địa hình của huyện thấp với nhiều điểm trũng mà vết tích của nó là hệ thống ao, hồ, đầm khá dày đặc. Và tên gọi Thanh Trì (ao xanh) hay Thanh Đàm (đầm xanh) được xuất phát từ thực tế này. Và bởi thế, việc thờ thuỷ thần để mong vừa đủ nước cho việc cấy trồng, lại vừa không thừa nước khi cây lúa bước vào thời kỳ chín bông là tất sẽ phổ biến ở những vùng đất như Thanh Trì này.

Cũng theo thần tích, hai vị Thành hoàng Trung Vũ và Đài Liệu vốn xuất thân từ rắn. Theo các nhà nghiên cứu, việc phụng thờ rắn như một thuỷ thần là hiện tượng mang tính khu vực rất điển hình, được gắn với giai đoạn người Việt cổ mới bắt đầu đánh dấu sự hạ sơn từ vùng thượng du xuống vùng đồng bằng phù sa mới được bồi đắp. Trong môi trường là một vùng đầm lầy của khu vực khi còn nằm trong vùng hạ châu thổ, khi công cuộc khai phá đồng bằng châu thổ Bắc Bộ chưa thể hoàn thiện, thì sự tồn tại phong phú của loài động vật này hẳn đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân. Và hình ảnh “hai quả trứng tách vỏ, xuất hiện hai vị đầu rắn, mình có vảy, tướng mạo kỳ lạ…” dùng để miêu tả hai vị Thành hoàng đã khẳng định điều đó.

Ngoài Yên Phú, ta còn gặp nhiều nơi khác cùng có chung tục thờ rắn/thuỷ thần với một môtíp tương tự:

Gần sát với Yên Phú là làng Linh Đàm (trước kia thuộc huyện Thanh Trì, nay thuộc về quận Hoàng Mai) còn có đình Linh Đàm và miếu Gàn cùng thờ vị thuỷ thần có tên chữ là Bảo Ninh. Người dân vùng này vẫn còn truyền tụng lại tài đức của thầy giáo Chu Văn An đã làm cảm động cả thần linh qua thần tích của vị thành hoàng làng mình. Dù rằng trong thần tích ghi rõ, thần thuồng luồng hoá thành một thư sinh đến nghe thầy dạy học, song ta có thể thấy, các thuỷ thần có nguồn gốc thuồng luồng hay rồng đều cho thấy lớp văn hoá sớm nhất của vùng này chắc chắn có liên quan đến tục thờ rắn.

Vẫn thuộc địa phận Hà Nội, ta thấy khá nhiều nơi thờ thần Linh Lang (thần rắn), trong đó có nơi thờ chính là đền Voi Phục- làng Thủ Lệ (nay thuộc phường Ngọc Khánh- quận Ba Đình). Thủ Lệ là một trong những làng đầm lầy thuộc khu vực Thập Tam Trại phía Tây kinh thành Thăng Long nằm sát Hồ Tây- một dấu tích về dòng chảy cũ của sông Hồng khi qua vùng Hà Nội. Truyền thuyết còn kể lại cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên giữa đức Vua với Hạo Nương- một thôn nữ chuyển về đất Thị Trại (Thủ Lệ) sống với bà dì. Rồi một hôm, Hạo Nương ra bờ hồ Tây giặt lụa và tắm rửa để chuẩn bị vào cung hầu vua. Trong khi đương tắm, bỗng nhiên thấy một con giao long từ ngoài hồ sâu lao thẳng vào chỗ bà cung phi đang tắm (giao long cuốn chặt lấy thân bà ba vòng) phun rớt rãi ra đầy người, có mùi hương thơm nức. Lát sau giao long lao ra giữa hồ, phun nước thành mây ngũ sắc bay thẳng lên không trung, giao long biến mất. Bà cung phi bàng hoàng sợ hãi vội vã quay trở về, từ đó bà có mang. Khi thai kỳ đã được 14 tháng, nhằm ngày 13 tháng chạp năm Giáp Thìn, một ngày mà gió mưa ào ào kinh động trời đất, sấm sét dữ dội kéo dài suốt ngày, cung phi sinh ra một cậu con trai. Trước khi sinh, bà nằm mộng thấy có một người hình thể kỳ dị tự xưng là con trai Long Vương đến xin được đầu thai. Đứa bé mắt phư­ợng cổ rồng, mày hùm, hàm én, hình dung to lớn, thể mạo khôi kỳ, sau lưng có 28 tinh tú, giống hệt như vẩy kỳ lân…

Từ huyện Ninh Giang- Hải Dương lên đến Lạng Sơn lại lưu truyền câu chuyện về 2 con rắn- ông Dài và ông Cộc, với số lượng đình, đền thờ khá nhiều của cả người Kinh và người Tày; thậm chí, người ta còn tìm thấy trong lễ hội Nàng Hai- một lễ hội dân gian đặc sắc của người Tày ở Lạng Sơn bóng dáng của ông Dài và ông Cộc trong các nghi thức và trò diễn. Truyện còn kể lại rằng: ở vùng sông Tranh thuộc về tỉnh Đông (Hải Dương ngày nay) có 2 vợ chồng khá giả song không có con. Một hôm người chồng nhặt được 2 quả trứng, đem về nở thành cặp rắn con. Vì vô ý, người chồng bổ nhát cuốc làm đứt đuôi một con. Đôi rắn càng lớn càng ăn khoẻ nên cha mẹ không thể nuôi được nữa, bèn đem thả xuống sông Tranh. Đêm đó, đôi vợ chồng được chúng về báo mộng là đã được vua Thuỷ cho cai quản khu vực sông này. Từ đó, đôi rắn làm oai làm phúc trên cả một khúc sông rộng. Người dân lập đền thờ chúng bên sông, gọi chúng là ông Dài và ông Cộc…

Còn ở các tỉnh dọc theo sông Cầu, sông Thương như Bắc Giang, Bắc Ninh lại phụng thờ những nhân vật khác- Trương Hống và Trương Hát. Mặc dù một số tư liệu đều chép Trương Hống và Trương Hát vốn là tướng của Triệu Việt Vương, sau phù trợ cho Nam Tấn Vương (con của Ngô Quyền) đánh thắng giặc Lý Huy nên được lập đền thờ ở nhiều nơi (hơn 300 nơi, suốt từ Đu Đuổm- Thái Nguyên đến Lục Đầu Giang- Phả Lại- Hải Dương), nhưng nhiều nhà nghiên cứu vẫn tán đồng quan điểm cho rằng, Trương Hống và Trương Hát là kết quả của việc nhân cách hoá ông Dài và ông Cộc mà thôi. Không chỉ xuất hiện ở miền Bắc, môtíp này còn xuất hiện cả ở miền Trung với khá nhiều câu truyện còn lưu truyền trong nhân dân vùng Nghệ An, Hà Tĩnh. Cũng không chỉ ở người Kinh hay người Tày mới có môtíp này, mà cả người M ờng, người Nùng, thậm chí ở Trung Quốc cũng có những truyền thuyết về vị thuỷ thần có nguồn gốc thuỷ thần xuất thân từ rắn, tương tự như hai vị Thành hoàng làng Yên Phú.

Giống như hầu hết các vị thần được phụng thờ trong các di tích và lễ hội liên quan đến yếu tố nước, đức Thổ Lệnh Bạch Hạc Tam Giang cùng các anh em của mình cũng có nguồn gốc Thuỷ thần và được sinh ra sau một sự kiện kỳ lạ: Trong một ngày nước đột ngột dâng cao, vợ chồng Đào Bột bỗng nhiên thấy có 5 cái trứng nổi trên mặt nước trôi về phía mình, bà vợ vừa cầm lên ngắm nghía thì trứng vỡ, chảy tan ra thành nước hết…Từ đó phu nhân có mang, đến giờ thìn ngày 12 tháng 2 năm Đinh Mão đẻ ra một cái bọc trong đó có năm người con trai, tất cả đều mặt mũi khôi ngô, thân thể cao lớn sau lưng có một hàng vẩy kéo dài đến tận hậu môn, có 28 ngôi sao đều là những cái vẩy màu đỏ…

Điểm qua truyền thuyết về một số vị thuỷ thần được phụng thờ tại một số địa phương thuộc châu thổ Bắc Bộ, ta có thể thấy, hầu hết chúng đều có một cốt truyện cơ bản giống nhau, dù xuất phát từ vùng nào hay của dân tộc nào. Quay lại với của Thành hoàng làng Yên Phú, chi tiết khác biệt nhất trong thần tích của hai Ngài là người mẹ nuôi là một nhà sư. Chính chi tiết “Phương Dung thấy một ngôi chùa, bèn đặt tên là Thanh Vân cổ tự và ở lại sớm khuya hương khói…” đã khẳng định sự ảnh hưởng, hay chính xác hơn là sự kết hợp giữa Phật giáo với tín ngưỡng thờ thuỷ thần (tín ngưỡng dân gian) trong thần tích này. Theo chúng tôi, đây là điểm khác biệt quan trọng trong thần tích của Thành hoàng làng Yên Phú với tất cả các bản thần tích hay truyền thuyết khác. Trong các truyền thuyết/thần tích đã dẫn ở trên, có thể tìm thấy nhiều chi tiết liên quan tới Đạo giáo, song Phật giáo thì hầu như không thấy (ngoài bản thần tích ở Yên Phú). Rõ ràng, Phật giáo đã có ảnh hưởng quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân Việt nơi đây vào thời điểm truyền thuyết ra đời. Và cho dù nhà sư Phương Dung (hay Phương Dung công chúa) là một nhân vật lịch sử hay chỉ là một nhân vật truyền thuyết, thì những chi tiết ấy cũng đã khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của Phật giáo, đến mức, các vị thuỷ thần có người mẹ nuôi là một tu sĩ Phật giáo. Có thể khẳng định, khả năng và xu hướng luôn dung hội các tôn giáo, tín ngưỡng là đặc điểm lớn nhất trong văn hóa của người Việt, thần tích của các vị Thành Hoàng làng Yên Phú là một minh chứng sinh động.