SỰ PHÂN PHÁI CỦA PHẬT GIÁO THỜI KỲ ĐẦU- TRIẾT HỌC BỘ PHÁI PHẬT GIÁO

20/ 04/ 2018 16:30:40

          SỰ PHÂN PHÁI CỦA PHẬT GIÁO THỜI KỲ ĐẦU- TRIẾT HỌC BỘ PHÁI PHẬT GIÁO

 Tiến sĩ Thích Thanh Quyết

(Tiếp theo và hết)

  1. Mối quan hệ giữa Tiểu thừa và Đại thừa

Về nguồn gốc của tư tưởng học thuyết Đại thừa, sự nghiên cứu của các học giả trên thế giới cho đến nay vẫn chưa đưa ra kết luận thống nhất. Đối với sự hình thành học thuyết Đại thừa, các bộ phái Phật giáo còn có những kiến giải khác nhau nhưng cơ bản đều cho rằng mối quan hệ của Đại thừa với đại chúng là mật thiết hơn. Vậy họ căn cứ vào đâu để có kết luận này? Vốn dĩ sự khác biệt giữa Đại thừa và Tiểu thừa ở nhiều phương diện, nhưng chủ yếu có mấy điểm ở dưới đây:

­­1- Về thực tiễn Tôn giáo, Đại thừa coi việc tu hành thành Phật làm mục đích, còn Tiểu thừa coi việc đạt tới A La Hán làm  cứu cánh.

2- Về lý luận, sự giải thích đối với pháp không Tiểu thừa còn câu nệ đối với những lời Phật nói (đặc biệt là Hữu bộ) cho rằng hễ là những lời Phật nói đều là thực tại. Chỉ cần Phật nói có loại pháp này, có loại khái niệm này thì liền có loại thực tại này. Đây là một loại thực tại luận về mặt khái niệm. Vì thế, họ không thừa nhận “vạn pháp giai không”, nhiều nhất chỉ thừa nhận Nhân vô ngã, cho nên gọi “nhân không pháp hữu”. Trong Tiểu thừa cũng có chủ trương pháp vô ngã, như Thượng toạ bộ, nhưng cũng chỉ là dùng phương pháp phân tích có được cách nhìn như vậy, như cái cốc uống chè, hiện tại là hoàn chỉnh, nó cuối cùng cũng phải bị vỡ. Nếu nhìn theo cách phân tích, nó là không hoàn chỉnh, không có tự tính. Lý giải “không” như vậy là không triệt để. Cách nhìn của Đại thừa không như vậy, mà cho rằng tất cả đều không, tự tính của pháp cũng là không, cho nên nói sự tồn tại của mọi pháp như huyễn như hoá.

3- Tiểu thừa cho rằng nếu muốn thực hiện lý tưởng của mình, nhất định phải xuất gia để sống cuộc sống cấm dục. Còn Đại thừa, đặc biệt ở vào sơ kỳ coi các tín đồ tại gia làm chính. Hơn nữa, một số việc chỉ có ở tại gia mới đủ điều kiện để làm, ví dụ tài thí trong Bố thí. Người xuất gia không cho phép giữ tài vật thì không thể thực hành được. Vì thế, Đại thừa ngay từ đầu rất coi trọng tại gia, không đề xướng xuất gia.

Nhìn từ mấy điểm trên về sự khác biệt giữa Đại thừa và Tiểu thừa ta thấy gần gũi với Đại thừa hơn vẫn là Đại chúng hệ. Đại chúng bộ về sau phân chia ra thành rất nhiều bộ phái (không chỉ hạn chế 18 bộ), như Phương Quảng bộ ở Nam truyền còn gọi là Đại không tông, là một trong số đó. Ở Tích Lan, Phương Quảng Bộ có thời kỳ chiếm ưu thế, từng coi chùa Vô Uý Sơn làm căn cứ địa. Các tư liệu hiện còn cho thấy mối quan hệ của họ với tư tưởng đại thừa rất là mật thiết .

Ví dụ:

  1. Họ chủ trương Phật không trụ ở cõi người mà trụ ở cõi trời, người nhìn thấy chỉ là hoá thân của Phật. Tư tưởng này thông với báo thân, hoá thân mà về sau Đại thừa thường giảng.
  2. Họ còn nói, Phật không thuyết pháp, những điều Phật nói truyền lại hiện nay cũng chỉ là sự biến hoá. Họ còn nói, cúng dàng Phật không được quả báo là bao, vì Phật không tiếp nhận cúng dàng, chỉ là dáng thị hiện tiếp thụ. Như vậy Phật, cúng dàng đều là không, rất gần gũi với lý luận “chư pháp tự tính không”. Vì thế được gọi là “Đại không tông”. Chủ trương của họ còn nhiều, nhưng chỉ cần hai điểm trên đã hàm đủ tư tưởng “Vạn pháp không” rồi. Điều này khiến cho Long Thọ phê phán họ là “Phương Quảng Đạo nhân ác thú không”. Nói không đạt đến cực đoan, thì đã không dừng lại ở chỗ “Pháp vô ngã” rồi.
  3. Phương Quảng Bộ còn chủ trương “nhất ý thú khả hành dâm”. Có nghĩa là: Người xuất gia trong điều kiện tín ngưỡng và hành nguyện nhất trí, có thể kết hợp làm vợ chồng. Như vậy đã đập tan giới hạn của tại gia và xuất gia. Theo sự ghi chép của Luận sự: Bốn bộ phái của Án Đạt đều chủ trương như vậy. Mà Phương Quảng Bộ là do bốn bộ của Án Đạt phát triển mà thành.

Tóm lại, Chủ trương này có quan hệ với chủ trương của tại gia thời kỳ đầu của Đại thừa. Chúng ta chưa có tài liệu để hiểu biết rõ ràng về sinh hoạt tổ chức tín đồ của sơ kỳ Đại thừa , chỉ biết là họ có một đoàn thể, các thành viên gọi là Bồ tát. Tên gọi của đoàn thể là Bồ tát chúng.

(Hết)