HT. Thích Quảng Tùng: Mài ngọc luyện người

02/ 06/ 2024 05:48:19

Thế gian, chúng sinh đang mong đợi những trái tim, những tấm lòng từ, bi, hỷ, xả phát tâm Bồ đề để xoa dịu những nỗi đau về thể xác và tâm hồn cho họ. Việc này rất cần từ các Tăng Ni sinh Học viện. Giáo hội bộn bề công việc đang cần những trái tim nhiệt huyết của Tăng Ni sinh, chung tay xây dựng ngôi nhà Phật pháp. Tương lai của Giáo hội đặt lên vai của quý vị, các bậc lương đống, các vị Phật và Bồ tát tương lai. Phật giáo nước nhà thịnh hay suy một phần lớn trách nhiệm trong tay các vị. Đây là những lời sách tấn quý báu của Hòa thượng Thích Quảng Tùng đến Tăng Ni sinh tại Học viện nhân mùa an cư kiết hạ PL. 2568.

Bậc cổ đức dạy: “Ngọc bất trác bất thành khí “Nhân bất học bất tri lý”. Ngọc là tinh túy của đá, trải qua hàng ngàn độ mới luyện thành, ngọc quý nhưng không được mài giũa thì cũng vô dụng. Con người là chúa tể của muôn loài nhưng không được học tập, rèn luyện thì không thấy được đạo lý.

Đạo Phật lấy trí tuệ làm sự nghiệp nên đệ tử Phật phải thường xuyên tu tập, thanh lọc thân tâm để có được trí tuệ và hành xử mọi việc theo trí tuệ. Bồ tát lấy lục độ làm phương tiện tu hành, nhưng trí tuệ là then chốt cho mọi phép tu, vì trí tuệ là Bố của Bồ tát và phương tiện là Mẹ của Bồ tát.

Các vị Tăng Ni sinh tu học tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, đã được trang bị những kiến thức cơ bản của Phật học và Thế học, trí tuệ được khai mở, là hành trang cần thiết cho hành giả làm Phật sự. Song muốn cho sứ mệnh tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự được hanh thông thì tăng ni cần phải thường xuyên rèn luyện, tự tu, tự học, không được tự mãn.

Tự tu: luôn tự phản quang hồi chiếu, luôn tự xét mình, tự sửa đổi những lỗi lầm của mình mà không nói lỗi của người. Khổng Tử là bậc vạn đại sư biểu mà một ngày cũng tự xét mình ba lần (ngô giả tam tỉnh ngô thân) nên Bồ tát lấy tự giác, giác tha làm lẽ sống càng phải lưu tâm nhiều hơn.

Tự học: biển học vô bờ nên hành giả phải học ở mọi chỗ, mọi nơi, nội điển phải uyên thâm, ngoại điển cũng thông thạo, thành tựu ngũ minh, đó là tài sản quý giá nhất của đời mình. Còn chùa to cảnh lớn, danh, lợi, tiền tài hết thảy của thế gian là phù vân, chỉ có trí tuệ là của mình, nó còn mãi từ đời này qua đời khác mà thôi.

Truyền thống quý bầu hàng ngàn năm của Phật giáo Việt Nam gắn bó giữa đạo pháp và dân tộc với tinh thần hộ quốc an dân cần phải được phát huy là bổn phận của quý vị. Bằng cách đưa đạo vào đời, mang ánh sáng Phật pháp đến với mọi tầng lớp nhân dần, xóa bỏ cái nghèo về trí tuệ cho dân, lấy giáo lý căn bản, tam quy, ngũ giới và hành thập thiện làm phương cách sống.

Mặt khác, với uy tín của mình tham gia vào các đoàn thể xã hội, các cơ quan dân cử để đóng góp ý kiến xác đáng, xây dựng chính quyền vững mạnh và quốc kế dân sinh. Đó là thực hiện hữu hiệu phương châm “Đạo Pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, cũng chính là làm tròn trách nhiệm tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự của đệ tử Phật trong giai đoạn hiện nay. Đó là báo đáp công ơn thầy tổ cao quý nhất.

Rất mong quý vị là những cánh chim bằng bay cao, bay xa tới những chân trời mới, góp phần xây dựng cõi Tịnh Lạc ngay tại thế gian này.

 

Ban TTHV – Báo Khuông Việt