BÁC HỒ LÀ ĐỈNH CAO VÔ NGÃ VỊ THA*

13/ 11/ 2017 09:24:57

 

BÁC HỒ LÀ ĐỈNH CAO VÔ NGÃ VỊ THA*

 

Hòa thượng Thích Đức Nghiệp

Ủy viên Hội đồng chứng minh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Giáo sư Đại học Sư Phạm và Cao đẳng Kỹ thuật Phú Thọ Sài Gòn.

 

Kính thưa Quý vị,

Nhân dịp Đại lễ 120 năm, ngày sinh 19-5 của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-2010), một anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam và một danh nhân văn hóa vĩ đại của nhân loại, toàn Đảng, Nhà nước, nhân dân và các Tôn Giáo cùng nhau kết hợp thành kính tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc tế này, với sự tham dự của các vị khách quý và các vị đại biểu ở trong và ngoài nước,nhằm bày tỏ lòng biết ơn và, đồng thời, noi theo gương sáng đạo đức của Bác Hồ, trên đường bảo vệ, xây dựng, đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước, mỗi ngày thêm giàu mạnh, tiến bộ, văn minh và công bằng xã hội.

Thưa Quý vị,

Nhìn lại bối cảnh lịch sử Việt Nam, từ giữa thế kỷ 19 tới năm 1945; và từ 1955 tới 1975, giai đoạn thứ nhất, dân tộc ta bị thực dân Pháp và quân phiệt Nhật cai trị; giai đoạn thứ hai, miền Trung và miền Nam Việt Nam, trong suốt 20 năm, nhân dân ta lại bị đế quốc Mỹ dầy xéo! Thật là một thảm cảnh triền miên cho đất nước ta, nên đã có rất nhiều cuộc khởi nghĩa nổi dậy hào hùng của những người yêu nước Việt Nam, nhằm đánh đuổi quân tù, nhưng đều thất bại vì chưa hội đủ điều kiện thuận lợi…!

May mắn có Bác Hồ xuất hiện như một cứu tinh của Việt Nam và của các nước Đông Dương, người đã mang lại độc lập, tự do, hạnh phúc và công bằng xã hội cho tất cả nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Bởi lẽ Bác Hồ đã biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa xã hội khoa học, đồng thời Bác Hồ còn nắm được thời cơ kết thúc cuộc chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945) và phe trục phát xít Đức, Ý, Nhật phải đầu hàng quân đội đồng minh vô điều kiện. Như vậy, Bác Hồ đã hội đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa cho cuộc đại cách mạng thành công có một không hai trên tiến trình lịch sử Việt Nam và thế giới.

Nhưng, tại sao bấy giờ, thời gian khoảng đầu thế kỷ 20, từ 1920 đến 1940, Bác Hồ trên đường tìm đường cứu nước, lênh đênh bốn biển năm châu, Người lại lựa chọn chủ nghĩa Mác – Lê Nin kết hợp với chủ nghĩa yêu nước?

Bởi vì chúng ta phải nhận định vô tư và công bằng là: thời gian bấy giờ, thế giới được chia thành ba khối: Khối Anh, Pháp, Mỹ thuộc về tư bản thực dân đế quốc; Khối Liên Xô gồm các nước Đông Âu và Trung Quốc thuộc về chủ nghĩa Xã Hội Cộng Sản; Khối Đức, Ý, Nhật thuộc về phe trục phát xít đương ra sức xâm chiếm các nước Âu, Á. Như vậy, rõ ràng là muốn tìm bạn để chống kẻ thù chung đương cai trị đất nước Việt Nam và Đông Dương, thì không còn con đường cứu nước nào khác mà Bác Hồ phải chọn chủ nghĩa Xã hội Mác – Lê Nin kết hợp với chủ nghĩa yêu nước, đó là lẽ tất yếu (C’ est la raison d’eetre) . Cho nên, chúng ta phải thông cảm điều này – điều mà Bác Hồ bấy giờ phải chấp nhận chủ nghĩa Mác – Lê Nin (Marxisme – Léninisme) kết hợp với chủ nghĩa yêu nước (Patriotisme) nhằm giành độc lập công bằng xã hội cho dân tộc Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Vậy chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa Xã Hội của Bác Hồ là gì?

  • Đó chính là thứ chủ nghĩa thấm đậm giáo lý Vô Ngã Vị Tha của Phật giáo. Bởi vậy, chủ đề của bài tham luận chúng tôi trong Hội thảo Khoa học này là:

“Bác Hồ là đỉnh cao Vô Ngã Vị Tha”

Tuy nhiên, trước hết chúng ta cần phải ký giải cụ thể và rõ ràng về ý nghĩa của chủ nghĩa yên nước và chủ nghĩa xã hội của Bác Hồ và, tiếp theo, chúng ta cũng phải giải nghĩa ngắn gọn giáo lý Vô Ngã Vị Tha, nhằm làm sáng tỏ nội dung chủ yếu của bài tham luận này, giúp cho các vị khách quý, cácvị đại biểu tham dự Hội thảo khoa học này, cũng như mọi người ở trong và ngoài nước và nhân dân thế giới dễ hiểu và tham khảo.

  • Thực ra, chủ nghĩa yêu nước của Bác Hồ không ngoài giành độc lập cho dân tộc Việt Nam, tự do cho dân quyền Việt Nam và hạnh phúc cho dân sinh Việt Nam. Nghĩa là: ai nấy đều có cơm ăn, áo mặc, nhà ở, thuốc thang bệnh viện và mọi người đều được học hành, có trường học. Còn chủ nghĩa xã hội của Bác Hồ thì nhằm thực hiện công bằng xã hội và mọi người đều được bình đẳng đại đồng, không còn người bóc lột người, không còn nhân dân nô lệ, đời sống đều được bình đẳng ấm no, hạnh phúc. Tuy nhiên, hiện nay trên thế giới, chủ nghĩa xã hội của khối Liên Xô gồm các nước Đông Âu đã bị sụp đổ hoàn toàn, từ năm 1991 đến nay, bởi “thuyết thặng dư giá trị và kinh tế bao cấp” không còn có thế vận dụng vào đời sống thực tế của xã hội nữa. Cho nên Việt Nam ta đã phải đổi mới, chuyển sang kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm hội nhập và phát triển cùng thế giới, với mục đích là cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
  • Còn Vô Ngã Vị Tha nhằm nói lên thực chất con người  của Chủ Tịch Hồ Chí Minh, tuyệt đối Người không phải là chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, mà trọn đời làm cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam và bạn bè thế giới khỏi nô lệ, khỏi bị nghèo đói và dốt nát. Và Người còn hi sinh bản thân không có gia đình vợ con, hạnh phúc cá nhân, tất cả đều nhằm phục vụ đất nước và mang lại lợi ích thống nhất Tổ Quốc, độc lập, tự do, hạnh phúc, công bằng xã hội và tự do tín ngưỡng cho toàn thể nhân dân Việt Nam. Nói ngắn gọn, Vô Ngã Vị tha có nghĩa là Hy sinh bản thân minh nhằm mang lại lợi ích cho những người khác (C’est le non – moi, le non – individualisme, le non-e’goisme dans le sens du sacrifice de soi au bénéfice d’autrui).  Đó là đỉnh cao đạo đức cách mạng của Bác Hồ đã được diễn tả và minh họa đó đây trong các tập sách: Đường Cách mạng,  Bản án chế độ Thực dân Pháp, Nhật ký trong tù, tờ báo Le Paria và Lời Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ở đây, chúng ta cũng cần nhắc lại ý nghĩa của tờ báo Le Paria mà Bác Hồ đã đứng chủ biên và xuất bản tại thủ đô Paris Pháp khi Bác đương ở nước ngoài tìm đường cứu nước.

Thực sự chữ Le Paria này có nghĩa là : Kẻ nghèo khổ ngoài lề xã hội Ấn Độ, ám chỉ dân tộc Việt Nam bấy giờ cũng nghèo khổ và nô lệ dưới chế độ thực dân bạo tàn và bóc lột của Pháp. Nói đến người dân The Paria, tức là nói đến người dân Ấn Độ không có giai cấp và không ai dám tiếp cận cũng như người cùng đinh hay bạch đinh của dân tộc Việt Nam ta ngày xưa dưới thời phong kiến và thực dân.

Vấn đề này có liên quan trực tiếp tới thời đại của Đức Phật Thích Ca. Khi ấy, Đức Phật còn là Đông Cung Thái Tử, Ngài sẽ kế vị vua cha để trị vì thiên hạ. Bấy giờ, muốn biết rõ đời sống nhân dân Ấn Độ, Thái Tử đã ra ngoài bốn cửa hoàng thành để tìm hiểu. Chính mắt Ngài đẫ thấy những cảnh nghèo khổ, ốm đau, chết chóc của các người dân, đồng thời bấy giờ xã hội Ấn Độ lại bất công, được chia thành bón giai cấp bất bình đẳng:

  • Giai cấp đạo sĩ Bà La Môn (The Brahman);
  • Giai cấp vua quan, tướng lãnh (The Kshatriya);
  • Giai cấp tư sản (The Vaisya)
  • Giai cấp nông nô (The Sudra).

Ngoài bốn giai cấp kể trên, còn có những người không có giai cấp ngoài lề xã hội Ấn Độ mà thường được gọi là hạng người The Paria. Vì những thảm cảnh xã hội và đời sống cực khổ của nhân dân Ấn Độ như thế, nên Thái Tử đã từ bỏ ngai vàng, điện ngọc đi xuất gia để tìm đường cứu khổ độ sinh và, sau một thời gian tu dưỡng, Ngài đã  thành Phật và dạy rằng

“Nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tính”

Nghĩa là, tất cả mọi người đều có Phật tính bình đẳng như nhau và xóa bỏ bất công xã hội.

Cũng như Bác Hồ đã xây dựng một xã hội Việt nam công bằng đều được độc lập, ấm no, hạnh phúc.

Ở trong, nơi bản thân, Bác Hồ đã khắc phục được lòng tham vị kỷ, chí công vô tư; ở trong Người đã chiến thắng những kẻ giặc cướp nước, xâm lăng. Bởi vậy, Bác Hồ không chỉ là đỉnh cao Vô Ngã, Vị Tha, mà người còn là hiện thân của Ngài Chiến Thắng Phật.

 

 

 

* Bài HT Thuyết trình tại Hội thảo Khoa học Quốc tế nhân Kỉ niệm 120 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh