Bàn về chữ Tâm

11/ 11/ 2017 14:39:13

                                   Bàn về chữ Tâm

 

  1. Quảng Tuệ

 

   Trong các hệ thống tôn giáo – triết học lớn của phương Đông, Tâm là phạm trù cơ bản, nền tảng. Nho, Phật, Đạo tuy với những chức năng rõ ràng “Dĩ Phật trị tâm, dĩ Đạo trị thân, dĩ Nho trị thế” nhưng trên thực tế sự phân chia đó chỉ là tương đối, là sự nhấn mạnh của mỗi chức năng đối với mỗi hệ thống. Nho, Phật, Đạo luôn luôn có sự dung thông, xuất nhập lẫn nhau. Điều kiện đảm bảo cho sự dung thông xuất nhập đó là do cả ba hệ thống đều đặt trọng tâm trên cơ sở của phạm trù Tâm, đều coi Tâm là xuất phát điểm và là mục đích tối hậu của mình.

 

  1. Chữ Tâm trong Đạo gia, Y gia

Đạo gia là một trong sáu trường phái triết học lớn trong thời kì Xuân Thu – Chiến quốc (thế kỉ thứ VIII – III) của Trung Quốc. Thuyết “Vô danh” (無名) phản ánh tư tưởng căn bản của Đạo gia.  Cuốn Đạo đức kinh (道德經 Kinh nói về Đạo và Đức, được coi là kinh điển căn bản của Đạo gia, là một trong ba bộ “kì thư” trong lịch sử tri thức của nhân loại) được mở đầu bằng sáu câu mà bao quát tư tưởng cốt lõi của Đạo gia:

Đạo khả đạo phi thường đạo 道可道非常道

Danh khả danh phi thường danh. 名可名非常名

Vô danh thiên địa chi thủy 無名天地之始

Hữu danh vạn vật chi mẫu. 有名萬物之母

Cố 故

Thường vô dục dĩ quan kì diệu 常無欲以觀其妙

Thường hữu dục dĩ quan kì kiếu.常有欲以觀其徼 [1]

Nghĩa là: Cái “đạo” mà có thể diễn đạt, gọi ra bằng ngôn ngữ, khái niệm, có tính nhị nguyên phân biệt, thì nó không còn là “đạo thường hằng”, bất biến, tuyệt đối nữa; sự vật mà được gọi ra bằng tên, định khung bằng một khái niệm bị giới hạn bởi ngôn từ, thì nó không còn là nó nữa (vì, xét về bản thể hay thực tướng, A luôn luôn không phải là A);  Cái không có tên (tức là không biết, không thể gọi là gì) là cái ban đầu, là khởi nguyên của trời đất; Cái có tên (tức là có sự phân biệt, so sánh) là mẹ của muôn loài (có ngắn thì có dài, có cao thì có thấp, có tốt thì có xấu v.v). Do vậy, phải thường “vô dục” (tức là không tư dục, không bị cái tâm phân biệt chi phối) mới thấy được cái huyền diệu của Đạo; bị cái tâm “hữu dục” (tâm phân biệt) chi phối thì chỉ thấy được cái sai biệt ở bên ngoài của sự vật.

Theo Đạo gia, mọi sai lầm, họa hoạn của con người đều do cái tâm  vọng loạn, tâm “thường hữu dục” gây ra. Do vậy, họ chủ trương một lối sống an nhiên “tri túc, bất tranh” (知足不爭, biết thế nào là đủ, không tranh giành); cái đạo của thánh nhân là làm cho dân “Hư kì tâm, thực kì phúc” [2] (虛其心,實其腹, lòng không tham dục vì không còn chấp trược vướng mắc vào sự phân biệt sai lầm do các giác quan đưa lại).

Vậy tâm là gì, tâm ở đâu?

Trên cơ sở lý thuyết căn bản của Đạo đức kinh, trong quá trình phát triển, Đạo gia được chia thành nhiều phái, trong đó có Y gia, Khí công gia nghiên cứu sâu về nội năng tiềm ẩn của con người. Do vậy, họ cho chúng ta một sự mường tượng về cái Tâm một cách rõ ràng hơn. Y học phương Đông rất quan tâm tới hai huyệt căn bản trong con người là huyệt Đan điền và Mệnh môn. Y thư cổ đều coi Mệnh môn (cánh cửa của sinh mệnh) là nơi dự trữ, cư trú của “nguyên thần, nguyên khí”, là nguyên động lực của cơ thể sống, nó là khoảng trống nằm giữa hai quả thận. Thận thuộc hành thuỷ nhưng có dương thuỷ (thận phải) và âm thuỷ (thận trái), có huyệt Chân thuỷ (thận trái) và Tướng hoả (thận phải). Khối khí (Mệnh môn) ở giữa luôn luôn bị tác động, co kéo của hai lực âm dương (âm dương tương thôi 陰陽相推), tác động lên trung khu thần kinh. Sự mất cân bằng âm dương (vô minh 無明) là nguyên động lực của mọi quá trình vận động, nhận thức, có sự phân biệt theo khuynh hướng … (Hành 行).

(Hình vẽ)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Sách Đạo gia và y thư cổ đều nói Mệnh môn tuy vô hình nhưng vô cùng linh diệu, đóng mở như cửa máy, thuộc quẻ Khảm (坎   ☵    ) nên tĩnh mà lại động. Với nhà Đạo dẫn, khi nhập định quán tưởng công phu lâu ngày, khối khí đó (Mệnh Môn) kết thành khối Đan mẫu không tan [3].

 

  1. Nho giáo với chữ Tâm

Nho giáo là một học thuyết thiên bàn về những vấn đề thuộc chính trị xã hội, luân lý đạo đức, trong đó vấn đề “Tâm” được đề cập tới tuy không nhiều nhưng rất căn bản.

Trong sách Luận ngữ (là sách học trò ghi lại những lời dạy của Khổng Tử 551- 479) ghi lại cuộc đối thoại ngắn giữa Khổng Tử với Tăng Sâm và các học trò khá thú vị mà sâu sắc: “Tử viết: Sâm hồ! Ngô đạo nhất dĩ quán chi. Tăng tử viết: Dụy! Tử xuất, môn mhân vấn viết: Hà vị dã? Tăng tử viết: Phu tử chi đạo, trung thứ nhi dĩ hĩ!” [4] (子曰:參乎!吾道一以貫之. 曾子曰:唯! 子出, 門人問曰: 何謂也? 曾子曰: 夫子之道, 忠恕而已矣! Cuối buổi học, Khổng Tử nói: Này trò Sâm, đạo của ta chỉ có một cái mà quán thông tất cả. Khổng Tử ra về, bạn cùng học hỏi Tăng Sâm: Thầy dạy thế nghĩa là sao? Tăng Sâm nói, đạo của Thầy chỉ gồm trong hai chữ “trung” và “thứ” mà thôi!) .

Vậy, “Trung” là gì? Là khi làm bất cứ việc gì đều phải giữ cái tâm trung chính, không thiên lệch định kiến (tận kỉ chi vị trung 盡己之謂忠); “Thứ” là gì? Là khi đối xử với mọi người phải luôn đặt địa vị mình, lòng mình vào người khác, người khác vào mình (suy kỉ cập nhân chi vị thứ 推己及人之謂恕). Tăng Sâm là người nắm được cái cốt tuỷ quán thông đó trong đạo của Thầy, cho nên dù về sau Nho giáo bị phân chia thành nhiều trường phái  nhưng phái Tăng Sâm vẫn được coi là chân truyền chính thống. Có thể nói, từ mọi suy tư cho đến hành vi “xử kỉ tiếp vật” của Nho giáo, suy đến cùng, đều lấy “trung, thứ” làm tiêu chuẩn để đánh giá.

Mạnh Tử (372 -289) là đại biểu kiệt xuất của Nho giáo thời Chiến Quốc đã đưa ra thuyết “Tận tâm” (盡心) làm cơ sở cho lý luận về chính trị, luân lý đạo đức của mình trong cuộc đấu tranh với các trường phái khác, bảo vệ Nho giáo. Mở đầu chương Tận tâm Mạnh Tử nói: Kẻ hết lòng hết dạ mình thì sẽ biết được cái bản tính của mình, biết được cái bản tính của mình thì biết được trời/qui luật, chân lý tuyệt đối (Tận kì tâm giả, tri kì tính dã. Tri kì tính, tắc tri thiên hỹ. 盡其心者知其性也. 知其性則知天矣) [5]. Sở dĩ như vậy, vì “cái lý của muôn vật đều có đủ ở trong tâm của mình” (Vạn vật giai bị ư ngã 萬物皆備於我) [6]. Tư tưởng này được các nhà Nho thời Tống, Minh phát triển thành phái Tâm học có ảnh hưởng rất quan trọng trong lịch sử Nho giáo, với những luận điểm nổi tiếng: “tâm với trời đất là một” (tâm dữ thiên địa đồng lưu 心與天地同流), “tâm bao gồm cả vũ trụ” (thốn tâm hàm vũ trụ 寸心含宇宙), “ngoài tâm không có vật nào khác, ngoài tâm không có lý nào khác” (tâm ngoại vô vật, tâm ngoại vô lý 心外無物, 心外無理). Mạnh Tử cũng cho rằng, mỗi người đều có cái “lương tri” và “lương năng”. “Cái mà người ta không cần học cũng làm được, gọi là lương năng. Điều mà người ta không cần nghĩ cũng biết được gọi là lương tri” (Nhân chi sở bất học nhi năng giả, kỳ lương năng dã. Sở bất lự nhi tri giả, kỳ lương tri dã 人之所不學而能者其良能也. 所不慮而知者其良知也) [7]. Và, để dưỡng tâm, tận tâm, bồi bổ cái lương tri lương năng, không gì tốt hơn là ít ham muốn (Dưỡng tâm, mạc thiện ư quả dục 養心莫善於寡欲).

Từ những quan niệm cơ bản ban đầu của Khổng Tử và Mạnh Tử, trong quá trình phát triển, đặc biệt là qua tiếp xúc với tư tưởng triết học Phật giáo, phạm trù Tâm ngày càng được đề cập tới một cách toàn diện hơn, sâu sắc hơn dưới góc độ bản thể luận và nhận thức luận của tư tưởng triết học Nho giáo.

 

  1. Chữ Tâm trong Phật giáo

Với tư cách là một hệ thống tôn giáo – triết học – văn hoá – đạo đức – lối sống, kinh điển Phật giáo mênh mông, pháp môn tu tập  muôn ngàn, có  khả năng thích ứng với đủ mọi căn cơ nghiệp lực … không ngoài mục đích tối thượng là nhằm khai mở chỉ bày cho mọi người thấy được, và tăng trưởng cái bản Tâm thanh tịnh của chính mình.

Kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa tâm (般若波羅密多心經) dùng luận điểm “Sắc tức thị không, Không tức thị sắc” (色即是空,空即是色) [8] để nói về trí tuệ của chân tâm, trí tuệ Bát-nhã. Trí Bát-nhã có hai loại: căn bản trí (根本智) là trí tuệ gốc, mọi chúng sinh đều có nhưng vì mê muội mà không tự biết; hậu đắc trí (後得智) là kết quả của quá trình tu chứng, duy bậc Phật và Bồ-tát mới có được. Thực tướng của chân tâm là không, không vướng mắc, không giả dối. Tâm là thể của pháp giới, thế giới hiện tượng và sự vật đều từ tâm mà hiện thành, Phật và chúng sinh đều lấy tâm làm bản thể, cảnh giới vô thượng Niết-bàn cũng từ tâm mà hiện ra, không có cái gì ngoài tâm mà tự có tự thành. Tu theo trí tuệ, quán chiếu chân tâm thanh tịnh để thoát khỏi dòng mê mờ mắc phải phiền não sinh tử, đến bến bờ giác ngộ hoàn  toàn, chứng đắc Niết-bàn  (Ba-la-mật, 到彼岸).

Trong kinh Đại bát Niết-bàn, Đức Phật có dạy “Tất cả chúng sinh đều có bản tâm thanh tịnh. Chúng sinh chẳng nhận thấy được vì bị vô minh che lấp”. Nghĩa là, mọi người đều có bản tâm thanh tịnh (căn bản trí), trong sáng tròn đầy, vắng lặng; nhưng vì bị ngoại cảnh bên ngoài chi phối, tâm đó luôn bị xao động, “tâm viên ý mã” , thành vọng tâm, vọng động vọng tưởng  theo cảnh giới do giác quan đưa lại, thành ra tâm trí bất an điên đảo, tạo tội tạo nghiệp trong vòng luân hồi bất diệt.

Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Đức Phật giảng cho Ngài A-nan và thính chúng về cái thể thường định của chân tâm. Mở đầu của Kinh, Đức Phật đã nói rõ: cội nguồn của sinh tử luân hồi là vọng tâm, cội nguồn của Bồ-đề Niết-bàn là chân tâm; biết nơi mình có chân tâm thường trú mà tu hành (Thủ Lăng Nghiêm) là ngộ, là thành Phật; không biết điều đó là mê, là chúng sinh.

Kinh Hoa Nghiêm chủ trương “Pháp giới duy tâm”, tất cả các pháp trong pháp giới đều do tâm biến tạo ra. Đức Phật dạy: “Nếu người muốn biết rõ, Hết thảy Phật ba đời, Nên xét tính pháp giới, Tất cả do tâm tạo” (Nhược nhân dục liễu tri, Tam thế nhất thiết Phật, Ưng quán pháp giới tính, Nhất thiết duy tâm tạo. 若人欲了知, 三世一切佛, 應觀法界性, 一切唯心造).

Nói về cái dụng của tâm: trong kinh Hoa Nghiêm đức Phật nói “Một khi chỉ một thoáng tâm sân hận khởi lên mà chúng ta không kiềm chế khắc phục được thì lập tức muôn ngàn đau khổ chướng ngại tiếp nối theo sau” (Nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai); kinh A-di-đà nói, “Người nào chấp trì danh hiệu của Ngài trong một, hai, cho đến bảy ngày mà một lòng không rối loạn (nhất tâm bất loạn) thì lúc lâm chung Phật A-di-đà và các Thánh chúng sẽ hiện ra trước mắt, được vãng sinh Tây phương”; kinh Di giáo [9] Đức Phật dạy: “Chế tâm nhất xứ, vô sự bất biện”, nghĩa là,  cái tâm của chúng ta luôn biến hiện theo cảnh vật bên ngoài, qua sự hiểu biết chính pháp, bằng cách tụng kinh niệm Phật, thiền quán, khắc chế được tâm ý, trụ tâm ở một chỗ, không còn vọng tâm loạn tưởng, khi đó không có việc gì mà người tu tập không hiểu biết sáng tỏ, không biện luận, thực hành được một cách thông suốt.

Vậy tâm là gì, tâm ở đâu, và quá trình tâm biến hiện tạo tác ra sao?

Theo Phật Quang đại từ điển, kinh Hoa Nghiêm, nghĩa bao quát của tâm là là “tích tập” (tích tập danh tâm 積集名心), là thức thứ tám, A-lại-da thức. Duy thức tông cho rằng cái “tích tập/tâm” ấy khởi lên (tức là có xao động tâm tư – vô minh duyên) sinh ra “ý” (thức thứ bảy, Mạt-na thức, có khuynh hướng hoạt động của cái tôi – Hành duyên), và “thức” là sự phản ánh, nhận biết về thế giới khách quan – cảnh do cảm giác của các căn đưa lại. Như vậy,  Tâm – Ý – Thức do cùng một thể Tâm mà ra.

Vậy cái gì là nguyên liệu để tâm tích tập? Đó là những hành vi (thân), lời nói (khẩu), suy nghĩ (ý) có khuynh hướng (tác ý) của hiện tại và quá khứ. Nói cách khác, tâm chính là nghiệp. Nghiệp, nguyên ngữ tiếng Phạn là “karma”, Trung Quốc phiên âm là “yết-ma”  (羯磨), có nghĩa là sự tạo tác có tác dụng của ý chí làm động cơ (tác ý). Trong kinh Tăng nhất A-hàm Đức Phật dạy: “Này hỡi các Tỳ-khưu, Như Lai xác nhận rằng chính Tác Ý là Nghiệp. Có ý muốn làm mới có hành động, bằng thân, khẩu hay ý”(10). Thiền sư Bách Trượng Hoài Hải (720-814) nói “Tâm cảnh không dính mắc nhau là giải thoát”, nghĩa là, ngũ căn vẫn tiếp xúc với ngoại giới, vẫn nghe, vẫn thấy, vẫn biết tất cả nhưng tâm vẫn giữ được thanh tịnh, không ấn tượng vướng mắc, như vậy thì không bị phiền não, là giải thoát. Sơ tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông (1258-1308) cũng có dạy: “Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền”, nghĩa là, khi nào đối trước cảnh trần mà tâm vẫn viên minh tròn đầy vắng lặng, không xao động ấn tượng (vô tâm), tức là không tác ý, không tạo nghiệp, thì đó là cảnh giới của thiền định Niết-bàn, của giải thoát.

Tóm lại, với Phật giáo, tu là chuyển nghiệp, là sửa mình để thay đổi số phận theo chiều hướng tích cực, nhằm đạt tới cứu cánh là giải thoát. Như vậy, tâm là một thế giới cần khám phá hơn bất cứ điều gì khác. Nhưng bằng trực quan chúng ta không thấy, không biết, và không hiểu được cái tâm, mà phải suy luận thông qua những hiệu ứng mà nó đem lại. Khi Đức Phật nói “Nhất thiết duy tâm tạo” không có nghĩa là Ngài cho rằng “cái tâm tạo ra thế giới hiện tượng và sự vật”, mà là cái “tâm tích tập” bản hữu (vốn có, Nho giáo gọi là Lương tri – Lương năng) và tân huân (mới được tích tập) bị năng lượng của nghiệp lực thôi thúc sinh ra xao động (vô minh) tác ý, căn (chủ thể nhận thức) nhận biết về cảnh (đối tượng nhận thức) tạo nên tổng thể nhận thức về thế giới khách quan một cách sai lầm. Những việc làm (thân) lời nói (khẩu) không có chủ tâm, không có tác dụng tạo nghiệp. Khi có nguồn lực từ tâm ý tác động, nó hướng theo khuynh hướng thiện hay bất thiện, tạo thành nghiệp thiện hoặc bất thiện. Hành vi có khuynh hướng ấy trở lại huân tập tâm và làm biến đổi nó, tức là chuyển nghiệp. Do vậy, trong kinh Trung A-hàm, Đức Phật khẳng định “Trong ba nghiệp thân, khẩu và ý, thì ý nghiệp là tối quan trọng” [10].

 

  1. “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” [11]

Trong ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam, nội hàm của khái niệm tâm được sử dụng cực kì phong phú và đa dạng, với những tầng bậc ý nghĩa khác nhau. Nếu như phạm trù, khái niệm là kết quả của hoạt động ý thức, phản ánh hiện thực khách quan thì khái niệm tâm trong ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam mang đậm nội dung tư tưởng – văn hoá – đạo đức – lối sống Phật giáo, phản ánh thực tiễn sinh động quá trình dung thông hội nhập sâu sắc giữa Phật giáo và dân tộc.

Trong tiếng Việt, chữ tâm theo nghĩa vật chất, định lượng, là trái tim, là điểm chính giữa của sự vật. Ngoài ra, chữ tâm còn được dùng theo nghĩa tinh thần, định tính, với các từ thuần Việt như lòng, bụng, dạ, ruột v.v để chỉ trạng thái hoạt động của tâm ý, trạng thái của tình cảm, mức độ của lý trí v.v.

Khi nói đến lương tâm (cái bản tâm lương thiện sẵn có ở mỗi người) tức là nói đến “lòng lành”; tập trung chuyên chú vào một việc nào đó (chú tâm) thì gọi là “dốc lòng”, “một lòng”; diễn tả nỗi đau của thẳm sâu tâm ý, gọi là “đau lòng”. Khi cái tâm bản hữu yên tĩnh, tròn đầy, trong sáng bị lực tham ái của nghiệp thức khuấy động tạo nên khuynh hướng thì người Việt nói bình dân giản dị là “động lòng”, “phải lòng”. Khi có sự giao cảm bằng linh giác với nhau tạo ra hiệu ứng “tâm xao động bất an”, gọi là “sốt ruột”, “nóng lòng” [12]. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã miêu tả tâm trạng của Thuý Kiều sau khi nghe Vương Quan kể lại cuộc đời bạc mệnh của Đạm Tiên thì “Lòng đâu sẵn mối thương tâm, Thoắt nghe Kiều đã đầm đầm châu sa”… và đây là khúc mở đầu cho 15 năm đoạn trường của Kiều; nói theo ngôn ngữ của Duy thức học Phật giáo, cái tâm – tạng thức của Kiều mong manh quá, chủng tử tham ái thắng thế đưa đẩy Kiều “Ma đưa lối quỷ dẫn đường, cứ tìm những nẻo đoạn trường mà đi”.

Với bất kỳ người Việt Nam nào đều có hai mốc quan trọng, mở đầu và kết thúc của cuộc đời, là buổi học đầu tiên “khai tâm” (vỡ lòng) bắt đầu bước vào cuộc đời và lúc mệnh chung được “an tâm” (yên lòng) ra đi. Truyền thống người Việt rất coi trọng chữ Tâm, do vậy, nghi thức và nội dung việc “khai tâm – vỡ lòng” (thường ở 6, 7 tuổi) được coi là đặc biệt quan trọng của gia đình và họ tộc, đưa đứa trẻ bắt đầu bước vào đời, với qui trình: căn bản là tu thân – tề gia, cao hơn là  trị quốc – bình thiên hạ (tiếc rằng nét đẹp văn hoá này nay không còn, hoặc không được chú ý đúng mức!) Buổi đầu ấy, người Thầy lấy những câu của Thánh hiền Cổ đức (thường lấy trong sách Minh tâm bảo giám.明心寶鑑, Tấm gương quí soi sáng cõi lòng) để vừa dạy chữ, vừa khai (vỡ) cái Tâm/Lòng vô minh bất định, soi sáng – tăng trưởng cái thiện căn, ngăn ngừa – tiêu diệt cái bất thiện căn. Trong suốt chu trình Tu – Tề – Trị – Bình của cuộc đời mỗi con người, Tâm đóng vai trò quyết định. Thành công hay thất bại, hạnh phúc hay đau khổ, phiền não hay giải thoát v.v đều do nơi Tâm ta quyết định[13]. Mọi ý nghĩ, lời nói, việc làm đều có tác dụng chuyển nghiệp, vấn đề là theo khuynh hướng nào, tích cực hay tiêu cực. Phần đông Phật tử Việt Nam đều biết câu chuyện nhẹ nhàng mà sâu sắc của nhà Phật về chuyển nghiệp: Có một cô con dâu không chịu nổi bà mẹ chồng khó tính đến khắc nghiệt bèn đến xin thầy cho một loại thuốc nào đó cho bà chết đi. Thầy thuốc bảo, để không bị lộ, ông sẽ cho một loại thuốc uống hàng ngày sau một năm bà mẹ chồng sẽ chết mà không để lại dấu vết, nhưng với một điều kiện, không được làm bà ta giận, vì chỉ một lần nổi giận là thuốc không có hiệu quả. Cô con dâu nghiêm túc thực hiện theo lời thầy dặn, cho mẹ chồng uống thuốc đều đặn và luôn luôn vui vẻ với bà. Sau một năm, cô con dâu đến khóc xin thầy làm sao cho mẹ chồng đừng chết nữa, vì cô ta giờ lại rất yêu quý mẹ chồng và mẹ chồng cũng rất yêu mến cô. Vị thầy thuốc cười và nói, đó là những thang thuốc bổ, chỉ có tốt chứ không chết được, sở dĩ mọi chuyện thay đổi vì chính cô đã thay đổi cách sống, thay đổi thái độ của cô đối với mẹ chồng.

 

Thay cho lời kết của bài viết ngắn về một vấn đề cực kì uyên áo, dường như “không thể nghĩ bàn” (Bất khả tư nghị) này, tác giả xin mượn lời vấn đáp giữa vãi Giác Duyên và sư Tam Hợp về nguyên nhân cuộc đời đoạn trường của Thuý Kiều để hiểu thêm về công dụng của Tâm :

“Người sao hiếu nghĩa đủ đường

                            Kiếp sao rặt những đoạn trường thế thôi?”

                            Sư rằng: “Phúc hoạ đạo trời,

                            Cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra.” 

 

Hà Nội, tiết Lập Thu Kỉ Sửu, 2009.

 

 

 

[1] Đạo đức kinh (bản dịch của Thu Giang Nguyễn Duy Cần). Nxb Văn học. Hà Nội, 1991. tr. 33.

[2] Đạo đức kinh. Sdd, tr. 45.

[3] Có ý kiến cho rằng, với khoa Giải phẫu học thì Mệnh Môn hay Đan Điền chỉ là sự tưởng tượng của cổ nhân, không có tính cách khoa học. Vật lý học hiện đại đã chứng minh có tồn tại loại “vật chất tối” (dark matter) bên cạnh vật chất thông thường mà chúng ta đã nhận biết được. Mặc dù chúng ta không nhận biết được “vật chất tối” nhưng có thể khẳng định chúng có thực, vì hiệu ứng chúng đem lại là có thực, tồn tại khách quan không phụ thuộc vào cảm giác của chúng ta.    

[4] Luận ngữ (bản dịch của Đoàn Trung Còn). Trí đức tòng thơ. Sài gòn, 1950. tr. 56.

[5] Mạnh Tử (bản dịch của Đoàn Trung Còn). Trí đức tòng thơ. Sài gòn, 1950. Quyển hạ, tr. 216.

[6] Mạnh Tử. Sdd, tr. 218.

[7] Mạnh Tử. Sdd, tr. 224.

[8] Bất luận hiện tượng vật chất hay tinh thần đều thuộc pháp nhân duyên sinh, không có tự thể cố định bất biến do vậy bản chất của sắc là không; tuy nhiên, cũng có một sự thực là các pháp đều không có tự tính, do vậy không cũng là một sự hiện hữu

[9] Là kinh  ghi lại lời dạy của Đức Phật trước khi nhập diệt, dạy các đệ tử phải lấy giới điều giới bản làm thầy để chế ngự ngũ căn,  tinh tiến đạo nghiệp.

[10] Theo Nàranda Therada, Đức Phật và Phật pháp (Phạm Kim Khánh dịch), tr. 311.

[11] Nguyễn Du, Truyện Kiều

[12] Giải thích hào Cửu tứ của quẻ Càn, trong Văn ngôn truyện (Chu Dịch) có nói “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” (Âm thanh cùng loại thì cảm ứng với nhau, khí chất giống nhau thì cầu tìm đến nhau). Trong thực tế cuộc sống có những trường hợp những người thân nhau, hợp nhau, trong những hoàn cảnh – điều kiện nào đó, có thể liên hệ với nhau bằng những linh giác mà khoa học thực nghiệm chưa chứng minh được.

[13] Khoa học phương Tây đã biết đến và đề cao chỉ số thông minh trí tuệ (Intelligence Quotient = IQ), một tiêu chí đánh giá tài năng và hiệu quả công việc. Từ cuối thế kỉ XX người ta cho rằng để thành đạt trong cuộc sống, có được hiệu quả cao trong hoạt động thực tiễn thì chỉ có trí khôn (IQ [13], đo lường được) chưa đủ, mà còn cần phải có những yếu tố khác như khả năng thức tỉnh (tức là nhận thức chính mình), khả năng biết và điều chỉnh hợp lý những xúc cảm, khả năng hội nhập giao tiếp…, gọi chung là Emotional Intelligence (thông minh xúc cảm), được đánh giá qua Emotional Quotient = EQ. Những năm gần đây xuất hiện thuật ngữ Spiritual Intelligence Quotient (viết tắt là SQ), tạm hiểu là thương số Thông minh linh giác.