BƯỚC THEO DẤU CHÂN PHẬT

13/ 11/ 2017 10:12:03

BƯỚC THEO DẤU CHÂN PHẬT

“Hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi sự nghiệp”

ThS. Thích Thiện Hạnh

Đối với hàng xuất gia bước theo dấu chân Phật, hoằng pháp là công việc hệ trọng nhất trong đời tu; cho nên khẩu hiệu “Hoằng pháp vi gia vụ” là kim chỉ nam, là tâm niệm, là hạnh nguyện của hàng tu sĩ Phật giáo. Tuy nhiên, ở trên thế gian này, tùy theo từng thời đại, tùy theo từng nước, tùy theo từng giai đoạn phát triển văn minh của loài người mà vấn đề hoằng pháp có sự thay đổi khác nhau.

Đức Phật ra đời thuyết pháp độ sinh, những ai có duyên được nghe những lời Phật dạy, hoặc trực tiếp từ Phật, hay gián tiếp qua đệ tử Phật và Kinh Luật Luận, phát khởi lòng tin kính, quy y Tam Bảo, lãnh thọ giới pháp, chính thức trở thành đệ tử Phật. Như Tôn giả Bà Kỳ Xá thuật lại nhân duyên vào đạo: “ Thế Tôn đại từ bi, vì tôi nói chánh pháp, tôi nghe chánh pháp rồi, được lòng tin thanh tinh”.[1]Hay nói cách khác là một lần nữa giới thân tuệ mạng của chúng ta được sinh ra trong đại gia đình Phật pháp, lấy Phật làm cha, lấy pháp làm mẹ và lấy chư tăng, phật tử làm thầy sáng bạn lành.

Nhớ lại cách đây hơn 25 thế kỷ, sau khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo, Ngài đã cùng hàng đệ tử đi chu du khắp mọi miền Ấn Độ để hoằng dương Chánh pháp, cứu độ chúng sanh. Giáo pháp của Ngài đã đem lại niềm hỷ lạc và giải thoát cho cả Tăng tín đồ, Đức Phật thường dạy: ” Này các Tỳ Kheo, hãy đi truyền bá Chánh pháp khắp hết thảy mọi nơi. Hãy đi một nơi một người, đừng đi một nơi hai người, hãy nỗ lực truyền bá Chánh pháp không biết mỏi. Làm cho Chánh Pháp của Như Lai ăn sâu vào tâm thức của mọi loài chúng sanh”. Lời dạy ấy trở thành kim chỉ nam cho mọi hành động và cũng là sứ mạng của Tăng Ni. Vì vậy, ánh sáng giác ngộ của đạo Phật đã soi sáng và sưởi ấm tâm linh của vô lượng chúng sinh trong đêm dài vô minh gần 2600 năm nay. Chánh pháp được cửu trụ ta bà, là nhờ vào tinh thần hoằng pháp, “chẳng quản gian lao, chẳng nài khó nhọc” của chư Tăng trải qua bao thế hệ. Tinh thần bảo vệ và hoằng hóa chánh pháp của Đức từ phụ Thích Ca Mâu Ni:

“ Ta không tiếc sinh mạng

Chỉ tiếc đạo vô thượng”[2]

Lời dạy khi xưa của Đức Phật vẫn còn vang vọng đâu đây; “ Này các Tỳ kheo, các ông nên khởi lòng thương xót, tâm từ bi, nếu có người nào thích nghe, hoan hỷ chấp nhận chánh pháp do các ông nói, hãy nên vì họ nói bốn niềm tin vững chắc, khiến họ tiếp nhận, an trú trong đó. Những gì là bốn? Đó là niềm tin vững chắc đối với Phật, niềm tin vững chắc đối với Pháp, niềm tin vững chắc đối với Tăng và thành tựu thánh giới.[3] Vì vậy người xuất gia phải có tâm từ bi và chí nguyện hoằng pháp lợi sinh, khiến mọi người càng thọ dụng lợi ích vô biên của Tam Bảo, xây dựng một nếp sống an lạc, hạnh phúc trên nền tảng chánh pháp đã được truyền tiếp bất diệt trong huyết quản của những vị sứ giả Như Lai:

“ Đâu chúng sinh cần con đến;

Đâu Phật pháp gọi con đi;

Chẳng quản gian lao;

Chẳng nài khó nhọc…”

Những lời Phật giảng dạy đạo lý, nhiều người đã xúc động thốt lên: ‘Thưa đấng thiện thệ, con đã biết, con đã hiểu. Cù Đàm giống như người có mắt sáng lật ngửa lên những gì bị úp mỡ ra những gì bị che đậy, chỉ đường cho người lạc lối, thắp sáng trong bóng đêm, khiến người có mắt được thấy sắc.[4] Những gì Đức Phật dạy hết sức rõ ràng. Có khả năng thuyết phục mọi người, vì phù hợp với lý trí và lương tri của nhân loại đều có nhân duyên cùng thấy được ánh sáng chân lý, cùng hưởng được sự lợi lạc vô biên của chánh pháp.

Vậy chúng ta quyết tâm làm Phật pháp xương minh, giúp mọi người thâm hiểu giáo lý của Đức Phật để đạt được sự an lạc, giải thoát và hoàn thiện đạo đức cá nhân nhằm xây dựng một Tịnh độ nhân gian, khẳng định giá trị Chân – Thiện – Mỹ của người đệ tử Phật trong việc đem Đạo vào đời, xây dựng con người có tình thương, có ý thức, có trách nhiệm với cộng đồng, đúng với phương châm: “Đạo Pháp gắn liền với Dân Tộc”. Để tiếp nối sự nghiệp Hoằng pháp của người đệ tử Phật, Hoằng pháp không chỉ là nhiệm vụ của một chuyên ngành, mà chúng tôi thiết nghĩ Hoằng pháp đã trở thành nhiệm vụ chung của cả xuất gia lẫn tại gia, phải có trách nhiệm làm cho ánh sáng của Đạo Phật lan tỏa khắp nơi. Đây là một nhiệm vụ vô cùng cao quý.

Hoằng pháp của đạo Phật không phải chỉ giới hạn trong những phương tiện, mà đòi hỏi giảng sư phải phát huy tâm linh thật sự. Vì vậy, ngoài kiến thức thông thường của xã hội cần phải có, người hoằng pháp còn phải thực tập đời sống tâm linh một cách sâu sắc để có cái nhìn toàn diện đúng đắn về mọi việc, thì phương tiện của chúng ta mở ra mới có ý nghĩa và đúng với Chánh pháp. Với người xuất gia, việc chính yếu là nỗ lực thực hành tinh ba của Phật chỉ dạy để đời sống tâm linh thăng hoa và sử dụng sức mạnh tâm linh thánh thiện ấy mà triển khai thành những pháp phương tiện trong cuộc sống, mới giúp ích cho mọi người tăng trưởng hiểu biết, được an vui, hạnh phúc trong đời thường, đồng thời cũng giúp họ thâm nhập và tiến bộ về tâm linh. Nếu chỉ nương theo hình thức bên ngoài, sống với vật chất, thì họ sẽ ở mãi trong sinh tử. Ngược lại, chỉ phát triển tâm linh, dễ lạc vào không tưởng, xa rời thực tế thì cũng khó thuyết phục được người nghe theo.

Đạo Phật là đạo giác ngộ, nên rất coi trọng trí tuệ. Tin và hiểu là hai vấn đề có liên quan mật thiết với nhau. Niềm tin thiếu hiểu biết, đó là mê tín; niềm tin đặt trên sự hiểu biết sai lạc, đó là tà tín, thậm chí đi đến cuồng tín. Cho nên Luận Đại Tỳ Bà Sa nói: “ Niềm tin không có trí tuệ, chỉ tăng thêm ngu si.”[5] Phật Giáo là một nền giáo dục được soi rọi và định hướng dưới ánh sáng tuệ giác của Đức Phật. Tất cả hình thức tín ngưỡng tôn giáo, triết học, hay thực nghiệm tâm linh trong Phật Giáo đều vì mục đích duy nhất là giáo dục con người bỏ ác làm lành, phát triển sức tự chủ và khả năng nhận thức sâu sắc về lẽ thực của cuộc đời, để lần lần thanh tịnh hóa nội tâm, nâng cao nhân cách, nhằm xây dựng cuộc sống an lạc, hạnh phúc ngay trong cuộc đời. Cho nên giáo pháp của Phật Giáo tuy nhiều, nhưng không ngoài định hướng giáo dục nói trên. Như trong kinh pháp cú nói :

“Không làm các điều ác

Làm theo những việc lành.

Tự thanh tịnh tâm mình

Là lời chư Phật dạy.”[6]

Bài kệ trên tóm tắt giáo nghĩa cốt yếu, căn bản của Phật Pháp, là kim chỉ nam trong việc nhận thức và hành trì đối với người học phật.

Đạo Phật ra đời đã đem lại ánh sáng chân lý bình đẳng, niềm tự tin và hy vọng cho xã hội đen tối lúc đó. Đức Phật là một nhà đại cách mạng xã hội. Ngài đã tuyên bố ; “Không có đẳng cấp trong dòng máu cùng đỏ, không có đăng cấp trong giọt nước mắt cùng mặm (…) một người được xem là quý tộc hay hạ trần là ở hành vi của họ, mà không phải là đẳng cấp sinh ra.” Đạo Phật là tôn giáo đáp ứng nhu cầu tâm linh lành mạnh cho dân tộc xưa nay. Ngày xưa mỗi làng đều có một đến hai chùa, như  điểm tựa tinh thần của người dân chân chất, hiền lành. Chùa là nơi người dân nuôi dưỡng đời sống tâm linh của mình qua lời tụng kinh mỗi tối, tiếng giảng pháp mỗi Rằm. Tinh thần từ  bi hỷ xả của Phật Giáo đã thấm sâu trong tâm hồn những người dân chân chất hiền lành. Những đạo lý về nghiệp quả, tu tâm… đã được người dân Việt tiếp thu, coi đó như một đạo lý sống của con người. Như trong truyện kiều Nguyễn Du đã mô tả:

Đã mang lấy nghiệp vào thân

Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa

Thiện căn ở tại lòng ta

Chữ Tâm mới bằng ba chữ Tài !

Vâng, cái Tâm này là sự hòa hợp như nước với sữa, lòng từ bi hỷ xả của nhà Phật với đức tính nhân hậu, biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau vốn có của người dân Việt ! muốn có kết qủa tốt đẹp, phải biết gieo nhân tốt, tức là vun bồi căn lành nơi tâm mình, bằng cách tu tâm dưỡng tính, tích chứa phước đức để xây dựng một cuộc sống hạnh phúc, mà đừng hướng ngoài trách trời, oán người !

Thế giới ngày nay trong xu thế toàn cầu hoá, nguyên lý trên lại càng tạo nên một sức mạnh trong việc truyền bá giáo lý đạo Phật đi vào cuộc đời. Nếu người Đông Phương xem đạo Phật như một tôn giáo thuần túy thì người Phương Tây xem đạo Phật như một nghệ thuật sống, một phương thức làm cho con người thăng bằng về tâm thức mà các nhà tâm lý học gọi là stress, nó giải quyết những bế tắc của đời sống dư thưà về vật chất nhưng hoàn toàn thiếu vắng về tinh thần. Đạo Phật đến như một phương thuốc làm cho con người chạy đua về vật chất dừng lại nhằm ổn định, cân bằng trong đời sống.

Tinh thần của Đạo Phật ? Chúng sanh đa bệnh Phật pháp đa phương?(Chúng sanh nhiều bệnh thì Phật pháp cũng có nhiều phương cách khác nhau để điều trị). Trước quan niệm để chế ngự tâm trí, mọi người chỉ tin tưởng tuyệt đối vào quyền năng vô tận của thần linh, của thượng đế, nhưng thật sự không ai hiểu rõ nguồn gốc của vị này, sống như thế nào, đang ở đâu, làm gì, v.v…, mà họ chỉ tưởng tượng ra một vị vô hình tối cao toàn quyền sinh sát, rồi tự sợ hãi, khuất phục. Vì thế, Đức Phật đã triển khai các thế giới vô hình theo hệ thống rõ ràng, chuẩn xác qua các kinh điển Đại thừa. Ngài chỉ rõ cho thấy mọi sinh hoạt về tâm thức, về trí tuệ, về năng lực, v.v… ở các thế giới siêu hình từ thấp đến cao, từ thế giới của ba đường ác địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, cho đến thế giới của chư thần, lên các thế giới của chư Thiên, của chư vị Bồ tát, cho đến Tịnh độ của các Đức Phật trong khắp mười phương. Từ sự phân tích rõ ràng cuộc sống khổ đau triền miên của các chúng sinh trong lục đạo và sự hằng hữu tự tại giải thoát của các vị Hiền thánh, của chư Bồ tát và chư Phật, Đức Phật mới đưa ra các pháp tu để phát triển tâm linh, thăng hoa tri thức và đạo lực mà các Bồ tát ứng dụng, cũng như mô hình các thế giới an lạc mà chư vị Bồ tát xây dựng trong những bộ kinh Đại thừa. Đức Phật còn triển khai về mặt xã hội, Ngài thương tưởng tất cả mọi người hiện hữu trên cuộc đời và đưa ra rất nhiều phương cách sống để ai ai cũng có thể phát huy trí tuệ và khả năng siêu việt của con người. Phương cách sống an lạc, hiểu biết, thương yêu, hòa hợp, hòa bình, phát triển mà mọi người hiểu được và ứng dụng được gọi là phương tiện của Phật có nhiều vô số, thường được biểu thị bằng con số tám vạn bốn ngàn pháp môn tu. Nói chung là tam thừa giáo được Đức Phật triển khai giúp cho mọi người trên thế gian này có thể tự làm chủ vận mạng của mình, tự quyết định con đường sống hạnh phúc, thăng hoa lên những cảnh giới hoàn thiện hay con đường sống đọa lạc khổ đau ở ngay trong hiện đời và trong tương lai gần, hay trong vô số kiếp lai sinh. Có thể nhận thấy rõ rằng trên bước đường hoằng pháp lợi sinh, Đức Phật vừa giảng giải về thế giới tâm linh và cũng vừa xây dựng thế giới hiện thực thật sự tốt đẹp. Ngài đã triển khai rất nhiều phương tiện để dung hóa và kết hợp cả hai khía cạnh của sức sống con người về vô hình và hữu hình một cách hoàn mỹ. Theo sự tiến hóa của nhân loại trên mọi lãnh vực của cuộc sống, tất nhiên tầm nhận thức của con người và những tư tưởng, những phát minh của con người càng ngày càng phát triển, càng tiến bộ theo thời gian. Đặc biệt chúng ta tiến sang thế kỷ XXI, tri thức của nhân loại thường được xem là phát triển ở tột đỉnh, với vô số phát minh mới, nhận thức mới trong từng ngày ở nhiều lãnh vực khác nhau.

Đứng trước nền văn minh vật chất của loài người đang ở đỉnh cao như vậy, thiết nghĩ các vị giảng sư cần đáp ứng được yêu cầu tri thức của thời đại. Thực tế là chúng ta biết rõ những gì mà mọi người đang suy nghĩ, đang bức xúc, nên cần giảng nói những gì mà họ chấp nhận được và phần nào giải tỏa những khó khăn cho họ, đồng thời đưa ra phương hướng sống giúp họ được an vui, phát triển về vật chất lẫn tinh thần. Làm được như vậy là giảng sư đã có được phương tiện thích nghi với yêu cầu xã hội hiện đại, đã có được phương tiện ứng dụng Phật pháp vào cuộc sống nhân gian. Từ  đó chúng ta thấy Hoằng pháp là một phương thức không theo lối mòn, giáo điều cố định  và Thiền sư  Quảng Nghiêm bộc lộ trong bài thơ Hưu hướng Như Lai ?

… Nam nhi tự hữu xung thiên chí

Hưu hướng Như Lai hành xứ hành.

… Làm trai chí lớn tung trời thẳm

Sao dẫm chân theo chỗ Phật thành.

(Hư Trúc dịch)

Đa phương thức Hoằng Pháp là cách thực hiện việc truyền bá giáo lý Đạo Phật không phải chỉ có Pháp toà trong giảng đường mà được thực hiện qua nhiều phương tiện khác nhau qua tinh thần nhị khế( khế lý và khế cơ). Làm sao truyền bá tinh thần giáo lý phù hợp với nền tảng cơ bản của Đạo Phật, không đi ngược lại với truyền thống mà Đức Phật đã dạy.

Trước khi Chư tăng lên đường vận chuyển pháp luân, Đức Phật có nhắn nhủ: Các thầy vì lợi ích lớn của Chư Thiên và loài người, nên Quý thầy không đi hai người một ngả.

Hoằng pháp là một công tác quan trọng để con người thấm thuần chính pháp, giác ngộ giáo lý của Chư Phật. Đức Phật Thích Ca sau khi thành đạo, Ngài cũng nghĩ đến việc hoằng pháp trước tiên, chính vì thế nên Ngài thành lập giáo Hội Tăng già để Chư tăng lên đường hoằng dương chính pháp. Trên bước đường hoằng pháp, giảng sư phải thật tu thật chứng, để từ đó đưa ra những phương tiện tu học thích hợp với văn minh thời đại. Kết hợp nhuần nhuyễn năng lực siêu tuyệt của tâm linh và phương tiện thực tiễn lợi ích trong cuộc sống con người, chắc chắn đạt được kết quả tốt đẹp trong công việc hoằng pháp lợi sinh.

Hành giả hoằng pháp luôn thể hiện trong mọi sinh hoạt của con người qua nhiều bình diện khác nhau đúng với tinh thần “Phật pháp bất ly thế gian giác”, hay “chúng sanh là đối tượng giác ngộ”: Những tờ báo, kinh sách cùng những băng thuyết giảng của quý Hòa thượng giảng sư có bề sâu kinh nghiệm về hoằng pháp, có kiến thức Phật học uyên thâm mang lại lợi ích thiết thực, phù hợp với căn cơ, trình độ của người nghe để đem lại sự an lạc giải thoát. Ngoài ra, công tác Từ thiện của Phật giáo phát quà cho những người bị thiên tai và vùng sâu vùng xa cũng thể hiện tinh thần hoằng pháp lợi sinh. Bữa cơm cho người nghèo, giếng nước làng quê, nhà tình thương được xây dựng, đỡ đầu những trẻ em nghèo hiếu học; đồng thời lập ngôi trường tình thương nuôi dạy trẻ mồ côi bất hạnh, lang thang, cơ nhỡ tại các vùng sâu, vùng xa là những hình ảnh đẹp của Phật giáo trong cộng đồng dân cư địa phương bằng con đường thân giáo hoằng pháp của chư Tăng Ni. Đạo lý trong tâm người hoằng pháp phải tăng dần không có giới hạn, suốt đời. Càng về sau bài giảng lại càng mới lạ phong phú hơn. Muốn có nguồn đạo lý vô tận như thế thì người hoằng pháp phải biết tinh tấn tu hành và khiêm hạ học hỏi mãi. Tu hành thì phải đi theo hướng vô ngã. Càng vô ngã thì đạo lý càng vô tận. Việc học hỏi thì phải học bất cứ nơi đâu, bất cứ ai, bất cứ kinh sách nào xét thấy chân chính. Ngoài ra người hoằng pháp phải luôn đối chiếu những diễn biến xảy ra trong đời sống thực tế với giáo lý của Phật. Chính khi ta đối chiếu cuộc sống thực tế với giáo lý, ta sẽ củng cố trí tuệ và phát hiện nhiều điều mới mẻ.

Vậy nhiệm vụ thiêng liêng của người hoằng pháp là đem Chánh pháp vào cuộc đời. Ngoài trình độ quảng bác kiến thức nội, ngoại điển, các sứ giả Như lai phụng sự sự nghiệp truyền đạt giáo lý nhà Phật còn phải trang bị cho mình giới hạnh cần thiết, kèm theo lòng Từ bi và đạo lực nhẫn nhục; vừa phát huy trí tuệ để phá trừ vô minh tự ngã, vừa phổ biến rộng rãi giáo pháp, dìu dắt kẻ sơ cơ, đấy là lối phát tâm thực hành Bồ tát đạo của Phật giáo Đại thừa, mang quan điểm Ta và Người cùng đồng hành trên lộ trình về xứ Phật! Chính những nhân tố vô cùng quan trọng này sẽ giúp cho hành giả không sợ kẻ ác, không ngại nghịch cảnh, thậm chí không sợ tổn hại đến thân mạng trên bước đường phát huy tài sản vô giá của Phật pháp.
[1] Biệt dich Tạp A Hàm  kinh; “ Cù Đàm đại từ bi, vị ngã thuyết chánh pháp, ngã văn chánh pháp dĩ, tức đắc thanh

tịnh tín”. T02, no.100, p.462, b7-8.

[2] Kinh Diệu Pháp Liên Hoa; T09, no.262, p.36, c18.

[3] Kinh Tạp A Hàm; T02, no.99, p.214, b8-12.

[4] Kinh Trung A Hàm, kinh số 12, T1, p.435a.

[5] A Tỳ Đạt Ma Đại Tỳ Bà Sa Luận; T27, no.1545, p.26, c20-21.

[6] Nguyên văn: “ Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý, thị chư Phật giáo.” <Kinh pháp cú> : T04,

no.210, p.567, b1-2.