CÂU CHUYỆN NHÀ PHẬT

11/ 11/ 2017 15:46:39

CÂU CHUYỆN NHÀ PHẬT

 

Nhân quả tương ưng

Thời Đức Phật còn tại thế, trong tăng đoàn của ngài có một vị tỳ kheo pháp danh là Tissa. Sư Tissa dốc tâm thọ trì giới luật, tinh cần nghiên cứu kinh văn, nhưng rủi thay, gần tới ngày sư đạt tới thành tựu thì toàn thân bỗng dưng nổi đầy mụn nhọt. Lúc đầu, chúng to bằng hạt cải, sau đó lớn bằng hạt bắp, hạt đậu và cuối cùng vỡ ra lở loét, mủ máu rịn chảy loang lổ khắp người, đau nhức vô cùng, tanh hôi khủng khiếp. Bấy giờ, sư được gọi là Trưởng lão Putigatta Tissa. Sau một thời gian, xương cốt của sư bắt đầu rệu rạo, cơ bắp bèo nhèo, y phục nhăn nhúm vì mủ máu kết thành từng mảng khô cứng. Các bạn đồng môn pháp lữ đều rộng lòng thương xót, nhưng không ai dám đến gần chăm sóc cả. Sợ bệnh tật lây lan, họ đành phải nhẫn tâm khiêng luôn chiếc giường sư nằm ra ngoài và để trên mặt đất dưới một tán cây râm mát.

Bấy giờ, Đức Phật theo thông lệ, mỗi ngày nhập từ bi quán hai lần: buổi sáng quán sát vạn loại hữu tình, buổi tối chiếu rọi muôn loài vô thức. Đức Thế Tôn, từ tịnh thất tôn nghiêm, trải tâm lân mẫn, soi khắp tam thiên đại thiên thế giới, bắt gặp sa môn Tissa đang độ chín muồi trên đường tu chứng A La Hán.

Ngài tự nhủ:

– Sa môn này đã bị huynh đệ đồng môn bỏ rơi, không được ai đoái hoài thương tưởng. Nếu ta không dang tay tiếp sức, không an ủi, chăm sóc thì sư còn biết nương tựa vào đâu?

Đức Thế Tôn liền xả định, ra ngoài Thiền thất, giả bộ dạo quanh tu viện một vòng, rồi đi thẳng vào nhà đun một ấm nước. Khi thấy nước sắp sôi, Ngài đến đứng cạnh giường Tissa. Sợ đức Thế Tôn lây bệnh, các sư lớn tiếng thưa:

– Bạch Thế Tôn, mời Thế Tôn tránh ra. Chúng con sẽ khiêng sư đó vào phòng.

Họ khiêng Tissa vào phòng nấu nước. Đức Thế Tôn tự tay cởi y phục Tissa, lấy nước nóng tắm rửa, lau chấm từng vết lở nhầy nhụa khắp thân thể cho ông. Sau, Thế Tôn cho khiêng sư ra ngoài ánh nắng mặt trời để hong khô mụn nhọt. Khi toàn thân được khô ráo, Đức Thế Tôn cũng tự tay mặc quần áo vàng tươi cho Tissa. Cảm thấy toàn thân khinh khoái, tâm trí tinh anh, Tissa chắp tay nhìn đức Thế Tôn với ánh mắt lung linh và mỉm cười. Thế Tôn đứng cạnh gối Tissa, nói:

– Này sa môn Tissa, ý thức tư duy sắp từ giã thầy rồi đó. Căn thân này sắp thành vô dụng như khúc gỗ mục nằm bên vệ đường.

Nói xong, Ngài đọc kệ:

 Rồi đây thân xác này,

            Sẽ nằm dài trên đất,

            Bị vứt nằm vô thức,

            Như gỗ mục bên đường.

Đức Thế Tôn vừa đọc kệ xong thì Trưởng lão Putigatta Tissa chứng quả A La Hán và vào Niết bàn ngay. Đức Thế Tôn làm lễ hỏa táng cho Trưởng lão, thu nhặt xá lợi và dựng tháp tôn trí.

Thấy cử chỉ ân cần của đức Thế Tôn, các sư thắc mắc, hỏi:

– Bạch Thế Tôn, Trưởng lão Putigatta Tissa sẽ tái sinh vào đâu?

– Tissa đã vào Niết bàn, này các thầy tỳ kheo!

– Bạch Thế Tôn, một sa môn mang trọng bệnh lại vào Niết bàn? Tại sao xương cốt của sư rệu rạo ra như thế? Trong tiền kiếp sư đã gieo trồng thiện căn gì mà kiếp này chứng quả A La Hán nhanh vậy?

– Này các tỳ kheo, tất cả đều do thiện nghiệp của Tissa đã vun bồi từ kiếp trước.

– Bạch Thế Tôn, trưởng lão đã làm gì?

– Vậy thì hãy lắng nghe, này các thầy tỳ kheo!

Vào thời đức Phật Ca Diếp (Kassapa), Tissa là một tay bẫy chim chuyên nghiệp. Ông đã bắt vô số chim chóc, một nửa dâng cho hoàng gia, phần còn lại ông bán lấy tiền. Để giữ chim bắt được khỏi bay mất, ông thường bẻ cánh, bẻ chân chúng và chất thành một đống, rồi đem bán chúng ngày hôm sau. Khi nào bắt được nhiều, ông dành một ít để chiên nướng và cùng thưởng thức với  gia đình hay bè bạn.

Một hôm, khi thức ăn đặc sản chim trời được xào nấu dành riêng cho ông thì có một sa môn đã chứng quả A La Hán đến cửa nhà khất thực, ngắm nhìn trưởng lão, Tissa bỗng thấy trong lòng hân hoan, cảnh vật tươi mát, vợ con trông đẹp và dễ thương hẳn ra, ông bèn nghĩ: “Ta đã từng sát hại thụ hưởng quá nhiều chim muông thú vật. Nay gặp trưởng lão từ bi đến nhà, sẵn có món chim rừng ngon tuyệt, ta sẽ cúng dường cho sư một ít lấy thảo”.
Ông đem thịt chim hầm và những thức ăn ngon khác đặt vào bát của sa môn, rồi chắp tay vái chào và nói:

– Bạch trưởng lão, nguyện cầu mai sau con được thành quả thù thắng như trưởng lão chứng ngộ vậy!

– Lành thay! Xin hồng ân chư Phật chứng minh lời cầu nguyện chân thật của thí chủ!

Này các tỳ kheo, chính công đức bố thí cúng dường vật thực cho bậc A La Hán và  nguyện lực thiết tha mà Tissa ngày nay chứng thành đạo quả. Và cũng chính vì bẻ cánh, bẻ chân các loài chim mà Tissa phải mang trọng bệnh: xương cốt rệu rạo, lở loét khắp người. Nhân quả tương ưng như hình với bóng. Các thầy thấy đấy!

– Hay quá! Hay quá! Bạch đức Thế Tôn!

Đại chúng chắp tay đồng niệm danh hiệu đức Bổn sư, đảnh lễ Ngài và lui ra.

Phước báo hiện tiền

Thuở xưa, có một cặp vợ chồng rất nghèo khổ, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, sống rất khổ sở, thường bị đói lạnh bức bách mà không làm gì khác hơn để thay đổi tình thế được. Tuy họ đi khắp nơi tìm việc khó nhọc để làm, nhưng việc làm quá khó kiếm. Nhìn thấy thiên hạ giàu có dư dả còn mình thì cùng khốn như thế, hai vợ chồng không ngừng cùng nhau than vắn thở dài. Trở về căn nhà rách nát của mình, người chồng tên Kệ Di La, ngồi trước mặt vợ nói rằng:

Đức Phật có nói: “Người ta nghèo khổ là vì kiếp trước bủn xỉn tham lam. Tuy giàu có, gia tài vạn ức mà nếu không tu phúc, không bố thí thì kiếp sau chắc chắn không thể sống sung túc được”.

Kệ Di La ngừng một chút, rồi lại nói tiếp:

– Than ôi! Chúng ta kiếp trước không tu phúc, không biết gieo trồng phúc điền nên kiếp này cùng khốn như vầy!

Vợ ông nghe thế, buột miệng nói mà không suy nghĩ:

– Thế thì bây giờ mình tu phúc đi! Đời này mình không giàu có, thì hy vọng đời sau khá hơn!

– Đúng vậy, tôi cũng nghĩ như bà, nhưng hiện tại ba bữa ăn một ngày mình còn kiếm không ra, lấy tiền đâu mà bố thí cúng dường đây?

Nói tới tiền thường làm cho người ta nhức đầu, không biết phải làm cách nào để đào cho ra, nhưng phụ nữ thường nhanh trí nên người vợ nghĩ ra ngay một giải pháp, nói với chồng rằng:

– Đừng lo! Ông hãy đem tôi đi bán làm đầy tớ cho người ta, lấy số tiền đó làm phúc, khó gì?

Nhưng Kệ Di La lắc đầu thở dài:

– Không! Không thể làm như thế được! Tôi đem bà đi bán cho người ta rồi, làm sao tôi sống nổi đây!

Vì cặp vợ chồng tuy nghèo khổ nhưng tình cảm của họ với nhau rất mặn nồng. Người vợ lại nói:

– Nếu ông không bỏ tôi được, thì cả hai chúng ta đều đem thân đi bán để lấy tiền làm Phật sự, thì việc thiện đó lại càng có giá trị chứ sao!

Hai vợ chồng bàn tính và quyết định rồi, bèn đến nhà một phú ông kể rõ ngọn nguồn. Phú ông ưng thuận mua họ, hai bên thỏa thuận giá cả, hẹn cho họ bảy ngày để lập hội trai tăng cúng dường, sau bảy ngày, hai vợ chồng sẽ trở lại nhà phú ông làm đầy tớ trả nợ.

Cầm số tiền trong tay, hai vợ chồng Kệ Di La mừng rỡ vô cùng, chạy ngay đến chùa lập hội trai tăng cúng dường. Hai người quên tất cả mọi nỗi khổ, hết lòng hết dạ phụng sự đại chúng. Họ cảm thấy rằng đó là những ngày quý giá nhất đời mình, và cũng là những ngày cuối cùng thuộc về mình. Trong suốt bảy ngày ấy, họ muốn thay đổi vận mệnh của mình và tu nhân phúc đức cho đời vị lai. Sáu ngày trôi qua, đến ngày cuối, bỗng nhiên nhà vua cũng đến chùa mở hội trai tăng. Theo tục lệ thì khi vua đến, bất kỳ người nào cũng phải nhường chỗ cho vua cúng dường trước, nhưng Kệ Di La nhất định không chịu nhường. Nhà vua không bằng lòng, cho triệu Kệ Di La đến.

Trước mặt nhà vua, Kệ Di La thật tình tâu rằng:

– Tâu bệ hạ, xin bệ hạ tha lỗi cho chúng thần vô lễ. Chỉ vì hôm nay là ngày cuối cùng thuộc về chúng thần, ngày mai chúng thần thuộc về người khác mất rồi. Cho nên thần không thể nhường cho bệ hạ ngày cuối cùng của thần để làm việc trai tăng được.

Nhà vua nghe thế, bèn hỏi Kệ Di La nhân duyên gì lại đến đây làm lễ trai tăng cúng dường, và nhất là tại sao bắt đầu từ ngày hôm sau lại thuộc về người khác?

Kệ Di La kể hết mọi sự việc cho vua nghe, vua cảm thấy tội nghiệp và cảm động vì tinh thần không tiếc tiền, không tiếc thân, không tiếc mạng sống của vợ chồng Kệ Di La. Vì vậy, vua ban cho rất nhiều quần áo, của cải quý giá và còn cấp rất nhiều đất để họ lấy đó kiếm sống.

Nhân quả không bao giờ lường dối ai, người nào chân thành phát tâm bố thí cúng dường tự nhiên sẽ gặp cơ hội phát tài không thể nào ngờ được!

Tiến Anh sưu tầm biên soạn