CHÙA KỲ QUANG – NÉT KIẾN TRÚC CHÙA HANG ĐỘC ĐÁO

08/ 11/ 2017 10:56:38

CHÙA KỲ QUANG – NÉT KIẾN TRÚC CHÙA HANG ĐỘC ĐÁO

 

Nguyễn Đức Dũng

Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững vùng Nam bộ

Nguyễn Minh Ngọc

   Viện Nghiên cứu Tôn giáo

Với mục đích tìm hiểu hoạt động từ thiện của các cơ sở Phật giáo tại địa bàn TP Hồ Chí Minh, chúng tôi được Học viện Phật giáo giới thiệu về chùa Kỳ Quang. Đây là một trung tâm hoạt động từ thiện với nhiều mô hình hoạt động hiệu quả và được coi là mô hình điển hình về hoạt động từ thiện của Phật giáo thành phố. Ghé thăm chùa, chúng tôi không chỉ được mở mang thêm kiến thức về hoạt động từ thiện mà còn được tận mắt nhìn thấy kiến trúc độc đáo của một ngôi chùa Việt Nam thời hiện đại. Ngôi chùa gợi chúng tôi nhớ về lịch sử phát triển của Phật giáo nói chung và lịch sử Phật điện nói riêng. Bài viết này xin được giới thiệu đôi nét về ngôi chùa có nét kiến trúc độc đáo vừa mang tính kế thừa những đặc điểm nguyên thủy của Phật giáo vừa thấm đậm tư tưởng, truyền thống Phật giáo Việt Nam. Chùa Kỳ Quang II nằm tại phường 17, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. Đây là một ngôi chùa mới được xây dựng. Kiến trúc chùa mang nhiều vẻ độc đáo và chịu nhiều ảnh hưởng của nghệ thuật kiến trúc Ấn Độ, Trung Quốc.

  1. Chùa Hang, mô hình chùa Phật giáo đầu tiên

Phật giáo do Thích Ca Mầu Ni sáng lập. Ông vốn là thái tử Siddhattha (Tất Đạt Đa) dòng họ Gotama (Cồ Đàm), Vương tộc Sakya (Thích Ca),, thuộc đẳng cấp Shatiya (Sát Đế Lợi), con vua Suđbodana (Tịnh Phạn) và hoàng hậu Mayadevi (Ma gia). Theo tài liệu ghi chép, ông sinh vào năm 544 trước công nguyên, tại vườn Lumbini (Lâm tì ni), phía đông thành Kapilavatthu (Ca tỳ la vệ), nước Kapilavatthu, nay là Tilaura thuộc Nêpan, giáp ấn Độ.

Buổi ban đầu, đoàn thể Tăng già cũng giống như các giáo đoàn tôn giáo khác ở Ấn Độ bấy giờ có cuộc sống lang thang khất thực. Sau đó, tổ chức Tăng già nhanh chóng thoát ra khỏi cuộc sống lang thang của các giáo phái đương thời đi vào xu thế nhập thế và dần hình thành các tịnh xá- một dạng chùa đầu tiên của Phật giáo. Xuất phát điểm của sự hình thành tịnh xá là do điều kiện tự nhiên của ấn Độ lúc bấy giờ. Thời tiết ở Ấn Độ không cho phép các Sa môn đi khất thực quanh năm. Mùa mưa thường kéo dài suốt ba tháng bắt đầu từ tháng 6 dương lịch. Thời điểm này, mọi sinh hoạt đều bị trở ngại. Tất cả các giáo đoàn tôn giáo đều không đi khất thực vào thời điểm này. Phật giáo cũng vậy. Tuy nhiên, khác với các tôn giáo khác, Phật giáo lấy đây làm mùa an cư và các tín đồ Phật giáo tụ tập quanh đức Phật nghe giảng Pháp. Về sau, do đội ngũ tín đồ đông dần không thể tụ tập hết quanh đức Phật thì chia thành từng nhóm nhỏ do các đại đệ tử của đức Phật phụ trách việc giảng pháp. Để chuẩn bị an cư các tỳ kheo phải tự tay xây dựng lều. Các nhóm tỳ kheo ở gần nhau có thể tụ lại cùng nhau. Dần dần, các cư xá được xây ngày càng kiên cố và trở thành nơi cư trú định kỳ của các tỳ kheo mùa an cư mỗi năm. Sau do nhu cầu cần có người trông coi các tịnh xá nên hình thành một hệ thống các tỳ kheo quanh năm không đi khất thực, chỉ ở trong tịnh xá. Các tịnh xá cố định được hình thành như vậy. Sinh hoạt của giáo đoàn Phật giáo bắt đầu có sự thay đổi về hình thức. Việc định cư đã được hình thành cho dù hạnh khất thực vẫn được coi trọng.

Mô hình chùa Phật đầu tiên xuất hiện ngay từ khi đức Phật còn tại thế. Đó là những ngôi chùa dựng tạm trong mùa an cư kiết hạ. Ban đầu, tăng đoàn sử dụng ngay các hang động để  làm chỗ trú chân trong 3 tháng kiết hạ. Từ đó chùa Hang ra đời. Sau này, khi tăng đoàn trở nên đông đúc, toàn bộ đệ tử Phật không thể ở quanh đức Phật. Nhiều tịnh xá không có đức Phật. Tại những tịnh xá này, họ đặt một cái tháp ở giữa và coi đó là biểu tượng cho sự hiện diện của đức Phật. Các tín đồ khi hành lễ đi vòng quanh tháp. Mô hình Phật điện đầu tiên ra đời. Như vậy, mô hình chùa Phật với Phật điện cũng dần dần hình thành. Tại các hang động dùng làm tịnh xá, người ta cũng xây dựng mô hình chùa Phật như vậy.

Sau này, khi Phật đã nhập Niết bàn, mô hình chùa Phật ngày càng trở nên phức tạp với hệ thống tượng thờ phong phú và đa dạng cả về số lượng, nghệ thuật tượng, cách bài trí. Hệ thống chùa Hang cũng phát triển theo nhịp tiến của chùa Phật. Hiện nay, tại Việt Nam còn bảo lưu được nhiều chùa Hang tự nhiên nổi tiếng như chùa Hương Tích (Hà Tây xưa, Hà Nội ngày nay đã từng được coi là Nam thiên đệ nhất động), chùa Trầm (Hà Tây xưa, Hà Nội ngày nay), chùa Non Nước (Đà Nẵng), chùa núi Bà Đen (Tây Ninh)… Hệ thống chùa Hang tự nhiên hiện còn rải đều khắp miền đất nước, nó cho thấy mô hình chùa Hang là một mô hình điển hình của chùa Phật giáo, mô hình gợi về nguồn cội ngôi chùa thời kỳ sơ khởi của Phật giáo.

  1. Kiến trúc chùa Kỳ Quang

Chùa Kỳ Quang được xây dựng trên một khuôn viên rộng phong cảnh hữu tình. Đây là một ngôi chùa mới được xây dựng trong thế kỷ 21. Chất liệu xây dựng ngôi chùa là những chất liệu xây dựng thời hiện đại như xi măng, cốt thép. Tuy vậy, kiểu dáng ngôi chùa lại mang dấu ấn kiểu dáng chùa hang cổ xưa.

Bước qua cổng vào chùa, chúng tôi ngay lập tức thấy mình như được tách ra khỏi sự ồn ào của cuộc sống đô thị, hiện đại với những tòa nhà cao chọc trời bên ngoài để đến với những ngọn núi hoang sơ, mang dáng vẻ  tâm linh huyền bí. Toàn bộ kiến trúc chùa đều là kiến trúc núi, hang động. Chùa chính được đặt tại một hang động lớn nhất trên một quả núi lớn nhất. Xung quanh là những quả núi khác bao bọc, mỗi quả núi là mang một giá trị biểu trưng riêng. Tất nhiên, những quả núi ở đây đều là nhân tạo vào được làm bằng chất liệu xi măng. Theo trụ trì chùa, chùa có tổng cộng 18 quả núi. Con số 18 chứa đựng nhiều hàm ý. 18 là Thập bát giới (gồm 6 căn, 6 cảnh và 6 trần), 18 là Thập bát La hán, 18 cũng có thể là sự biểu trưng của 18 vua Hùng vì người Việt vẫn thường coi núi là biểu trưng cho cha. Đây là sự kết hợp giữa ý nghĩa mang tính chất Phật giáo và ý nghĩa thể hiện đặc tính dân tộc Việt Nam. Mười tám quả núi bao gồm những quả núi nổi tiếng của Phật giáo cùng với những quả núi linh thiêng của Việt Nam. Cả một không gian Phật giáo được thu nhỏ trong khuôn viên chùa. Đó là Năm non Bảy núi. Năm non chính là Ngũ Hoành Sơn, hệ thống núi nổi tiếng của miền Trung Việt Nam tại Đà Nẵng. Ngũ Hoành Sơn là 5 quả núi đại diện cho ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Đây cũng được coi là 5 yếu tố vật chất sinh thành vạn vật. Bẩy núi là dãy Thất sơn hùng vĩ của vùng miền Tây Nam bộ. Đây là dãy núi linh thiêng, nguồn gốc xuất hiện bao ông Đạo Nam bộ. Tiếp theo là núi Bà Đen (Tây Ninh) hay còn được gọi là Huyền nữ sơn, núi Yên Tử (Quảng Ninh). Tiếp là tứ đại danh sơn của Phật giáo gồm Nga Mi sơn, Cửu Hoa sơn, Phổ Đà sơn và Ngũ Đài sơn. Nga Mi sơn là Kim sắc giới nơi của Thập Quảng Nguyện Vương Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ tát. Cửu Hoa sơn là U Minh giới, cõi giới của Đại Thể Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ tát. Phổ Đà sơn là Thanh Sắc giới, cõi giới của Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ tát. Ngũ Đài sơn là Ngân Sắc giới, cõi giới của Ngũ Trí Nghiêm Thân Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ tát. Thượng Tọa Thích Thích Thiện Chiếu, trụ trì chùa, cho biết lối kiến trúc này thể hiện một dòng sức sống, thể hiện chu trình tiến đến giải thoát.

Trước tiên, người tu hành cần có hạnh nguyện Bồ tát tức có tấm lòng từ bi bác ái đối với mọi người. Sau đó người tu hành cần phải vượt qua thất tình lục dục (dãy Thất sơn). Vượt qua khỏi được Thất tình lục dục là vào được cõi tiên, cõi trời (Huyền nữ sơn – núi Bà Đen). Tiếp đó đi về cõi giới của Địa Tạng Bồ tát để thể nguyện sâu dày kiên cố chúng sinh còn đau khổ thì còn ở lại cõi địa ngục độ chúng sinh chưa thành Phật. Rồi đi về Phổ Đà sơn của Quán Thế Âm Bồ tát để thể hiện hạnh Từ bi cứu khổ cứu nạn. Sau khi thực hiện xong bỏ hết mọi danh lợi giữ lại sự thanh tịnh –  Ngũ Hoành Sơn. Lúc này cũng là lúc người tu hành đã đạt giải thoát trở về cõi giới của Văn Thù Sư Lợi Bồ tát.

 

Chùa có 4 không: không cột, không mái, không cửa và không tường. Với kiến trúc kiểu hang động, chùa được xây dựng như một hang động rỗng. Các vách được tạo dựng đúng theo kiểu vách núi, hoàn toàn không có cột. Lối vào, lối ra được tạo hình với kiểu dạng cửa hang động hình vòm, hoàn toàn không có cửa, chùa không lúc nào đóng và bất cứ ai, bất cứ lúc nào đều có thể đi vào Phật điện. Kiến trúc một hang động lớn nên chùa cũng không có tường. Các vách núi đều cong, sần sùi, tạo mầu giống như chất liệu đá. Hang chùa chính có 4 tầng, tầng trên cùng (đỉnh hang) có lỗ thông thiên nên được gọi là không có mái. Ngay đến các bậc cầu thang lên xuống các tầng cũng mang một phong cách hoang dã. Cầu thang uốn lượn theo vòm núi, hai bên là những vách đá nhân tạo. Mỗi vòng cuốn cầu thang lại có một con thú như bọ cạp, khỉ, rắn… tạo cảm giác thực sự đang ở trong một hang động tự nhiên.

Phật điện chùa Kỳ Quang được bài trí theo dạng hình tròn. Đây cũng là một cách bài trí Phật điện độc đáo lần đầu tiên chúng tôi được biết. Toàn bộ hệ thống tượng thờ được bài trí một cách nhất quán theo cấu trúc hình tròn từ chính điện cho đến nhà Tổ. Phật điện là bông hoa sen với ba tầng cánh, trên mỗi tầng bài trí tượng Phật. Chính điện tầng 2 cao nhất chính giữa là tượng Thích Ca Mầu Ni gồm hai tượng đặt xoay lưng vào nhau để tạo hình tròn mặt trước và sau đều như nhau. Dưới các hàng là hệ thống các tượng nhỏ xếp theo vòng tròn cánh hoa sen. Mỗi tượng một kiểu dáng khác nhau nhưng đều trong tư thế ngồi trên tòa sen. Phía dưới là không gian hành lễ của các tín đồ Tầng 3 Phật điện cũng bài trí dạng tròn nhưng tượng bài trí một mặt với tượng Thích Ca chính giữa, dưới là tượng Thích Ca nhập Niết bàn, Thích Ca sơ sinh, Thích Ca khất thực…. Các tầng dưới của đài sen Phật điện là hệ thống các tượng nhỏ khác. Hai bên là các ngọn nũi Phổ Đà của Quan Thế Âm, núi Phổ Hiền Bồ tát, Văn Thù Bồ tát, Di Lặc Bồ tát… và Hộ pháp. Hai bên hành lang phía trên trang trí họa tiết hoa sen tạo sự thanh tịnh và mang nét văn hóa dân tộc. Tầng 3 không có không gian hành lễ vì không gian này thông với tầng 2.  Nhà tổ tầng một, bài trí tượng cũng theo dạng tròn như chính điện. Hai bên là hai hàng La Hán với đầy đủ 18 vị.

Đặc điểm kiến trúc chùa Kỳ Quang mang nhiều ảnh hưởng của nghệ thuật Phật giáo Ấn Độ. Thể hiện rõ nhất ở tượng Chuẩn Đề 11 đầu, 3 mặt, 48 tay đặt trên ngọn núi ngay cửa vào. Cảnh Thái tử Tất Đạt Đa phi ngựa ra khỏi cung quyết tâm rời bỏ ngai vàng xuất gia phía sau là vị thần 3 đầu đứng chắp tay, bên cạnh là một người đầu quấn khăn như người Ấn Độ đứng chắp tay là những nét nghệ thuật mang dấu ấn Ấn Độ đậm nét. Ngoài ra, chùa Kỳ Quang cũng chịu ảnh hưởng của nghệ thuật Phật giáo Trung Quốc. Đại điện là cảnh thầy trò Đường Tam Tạng đi lấy kinh được diễn tả sinh động trên một ngọn núi ngoài sân và đứng từ hang động chính chúng ta có thể nhìn rõ cảnh này.

 

  • Thay lời kết luận

Kiến trúc chùa Kỳ Quang là một kiểu kiến trúc chùa độc đáo tại Việt Nam hiện nay. Đây là ngôi chùa Hang nhân tạo hoàn chỉnh đầu tiên mà chúng tôi có dịp khảo sát. Tổng thể kiến trúc là một hệ thống quần thể các hang động chứa mang nhiều ý nghĩa biểu trưng. Thượng Tọa Thích Thiện Chiếu đã thông qua mô hình các ngọn núi như Phổ Đà, Bà Đen, Yên Tử, Thất Sơn…để khái quát những triết lý sâu sa của nhà Phật và giới thiệu những nét kiến trúc biểu trưng của Phật giáo Việt Nam. Kiến trúc chùa Kỳ Quang góp phần làm phong phú thêm nghệ thuật kiến trúc Phật giáo Việt Nam. Tìm về chùa Kỳ Quang, chúng ta như lạc vào môt thế giới vừa cổ xưa và hiện đại. Những đặc điểm kiến trúc chùa Kỳ Quang chứa đựng nội dung sâu sắc, nó giúp chúng ta hiểu thêm về Phật giáo nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng.