Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc năm 2008 – Mốc son trong lịch sử Phật giáo Việt Nam

13/ 03/ 2012 01:18:16

Tháng 5 năm 2008, Ban điều phối Quốc Gia Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ủy ban Tổ chức Quốc tế (IOC) đã phối hợp tổ chức thành công Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc. Nhân dịp này, Tạp chí Khuông Việt có cuộc trao đổi với Hòa thượng Thích Thanh tứ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Tri sự, phó ban điều phối Quốc gia tổ chức Đại lễ Phật Đản Liên hợp quốc năm 2008.

Phóng viên (PV). Kính bạch Hòa thượng, tháng 5 vừa qua tại Hà Nội đã diễn ra sự kiện quan trọng đến đời sống văn hóa tâm linh Phật giáo, đó là Việt Nam tổ chức thành công Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc năm 2008, xin Hòa thượng cho ban đọc của Tạp chí Khuông Việt biết những kết quả của sự kiện này.

Hòa thượng Thích Thanh Tứ (HT). Tháng 5 năm 2007, Chính Phủ Việt Nam đã chính thức nhận quyết định đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc năm 2008. Lễ chuyển giao đã được tổ chức trọng thể tại Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc năm 2007 tổ chức tại Bangkok – Thái Lan. Chúng tôi coi đây là một sự kiện quan trọng đối với đất nước, đối với lịch sử 2000 năm Phật Giáo Việt Nam, nên mỗi người đều nỗ lực tham gia để đạt được kết quả tốt nhất.

Để thực hiện tốt và thành công sự kiện này, Chính Phủ đã lập Ủy Ban chỉ đạo Quốc gia, thành phần nhân sự bao gồm đại diện lãnh đạo các cơ quan Nhà nước liên quan đến công tác tổ chức. Đồng thời 1 quyết định thành lập ban điều phối Quốc gia, thành phần nhân sự bao gồm đại diện một số cơ quan Nhà Nước, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam và Ủy ban Tổ chức Quốc tế (IOC). Tham gia giúp việc cho ban điều phối Quốc gia có 08 tiểu ban, trong đó có 5 tiểu ban trực tiếp do Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ủy ban Tổ chức Quốc tế (IOC) đảm nhiệm. Nói về các phương diện thành công, hoặc những hạn chế của các tổ chức đại lễ chắc là sẽ có nhiều người nhận xét, đánh giá, song đối với chúng tôi thì đây là đại lễ rất thành công bởi nó được thể hiện ở một số mặt sau đây:

Thời gian chuẩn bị cho việc tổ chức đại lễ không dài, hầu hết nhân sự tham gia tổ chức là kiêm nhiệm, chưa từng tổ chức sự kiện lớn bao giờ và làm việc trong điều kiện cơ sở vật chất cũng còn nhiều hạn chế, song tất cả những khó khăn đã vượt qua và tổ chức rất tốt và rất thành công được Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước đánh giá cao đối với nước chủ nhà.

Đây là Đại lễ Phật giáo có số lượng đại biểu trong nước và quốc tế đông nhất từ trước đến nay, trong đó có 2000 đại biểu đến từ 74 quốc gia và vũng lãnh thổ. Nội dung của đại lễ rất phong phú trên tinh thần của chủ đề chính “Phật giáo với việc xây dựng xã hội công bằng dân chủ văn minh” và 07 chủ đề phụ được tổ chức tại các phòng hội thảo, với sự tham gia của tất cả các đại biểu tham dự Đại lễ và có hàng trăm bài tham luận của các học giả đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, cũng như nhiều thông điệp, thư chúc mừng của lãnh đạo Liên hợp quốc, các nguyên thủ quốc gia, các nhà lãnh đạo Phật giáo trên thế giới. Bên cạnh những hoạt động chính tại hội trường, nhiều hoạt động về văn hóa nghi lễ Phật giáo được thể hiện như: Biểu diễn văn nghệ Phật giáo với nhiều tiết mục, nhiều chương trình thể hiện tính truyền thống, hiện đại với sự tham gia của hàng nghìn diễn viên, nhạc công, hình tượng đức Phật được tạo dựng thông qua loại hình sân khấu; triển lãm tượng pháp, pháp khí, thư pháp, sách báo ấn phẩm Phật giáo và nghi lễ thắp nến cầu nguyện hòa bình; diễu hành xe hoa và thăm quan những danh thắng Phật giáo, danh thắng đất nước xưa và nay. Công tác tuyên truyền được tuyền tải rộng rãi thông qua nhiều phương tiện thông tin đại chúng, báo hình, báo viết, tờ rơi, băng đĩa, băng rôn, khẩu hiểu, hình ảnh đức Phật, danh thắng Phật giáo được tuyên truyền khắp trên các tuyến phố và đặc biệt là tổ chức truyền hình, truyền thanh trực tiếp trên sóng quốc gia chương trình khai mạc, bế mạc, lễ thắp nến cầu nguyện hòa bình. Công tác an ninh, hậu cần ăn ở, đi lại cho đại biểu được bảo đảm an toàn tuyệt đối. Đặc biệt với tấm lòng thành kính đối với Tam Bảo, nhiều doanh nghiệp, Phật tử đã phát tâm công đức hàng chục tỷ đồng để phục vụ cho các hoạt động chung của đại lễ. Cùng với đại lễ được tổ chức ở Hà Nội, các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các cơ sở tự viện trong toàn quốc đã tổ chức rất thành công nhiều hoạt động chào mừng tại các địa phương, tạo nên khí thế sôi nổi về ngày đại lễ mà trước đây chưa từng có. Tất cả những hoạt động chung đó, đã làm nên một Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc năm 2008 lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam rất thành công và chúng tôi coi đây là một sự kiện khó phai đối với trong nước và quốc tế.

PV. Kính bạch Hòa thượng, bên cạnh những thành công như trên, theo đánh giá của Hòa thượng có mặt hạn chế nào cần phải rút kinh nghiệm, khắc phục trong việc tổ chức các sự kiện tương tự sau này.

HT. Thành công và hạn chế luôn là hai vấn đề tồn tại trong một nội dung. Nhưng điều quan trọng nhất là chúng ta đánh giá đúng những gì làm được và thấy đó là căn bản, là chiếm ưu thế để chúng ta kết luận là đã thành công. Mỗi người làm công tác tổ chức dù lớn hay nhỏ, dù chuẩn bị chu đáo đến đâu, khi tổ chức xong, rồi đánh giá lại thì vẫn còn những hạn chế, những khuyết điểm đó là điều đương nhiên và tôi luôn coi đó là động lực để mỗi chúng ta tiếp tục triển khai các hoạt động khác tốt hơn.

Với tinh thần trên, theo tôi Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc năm 2008 cũng còn những hạn chế nhất định, cụ thể là: Thiếu kinh nghiệm trong việc tổ chức và điều hành mốt sự kiện lớn nên trong quá trình thực hiện cũng có những lúng túng, thiếu tập trung trong công tác chỉ đạo và có những việc cụ thể thiếu sự thống nhất đối với một số thành viên. Số lượng đại biểu trong nước và quốc tế được mời đến tham dự nhiều hơn số lượng ghế ngồi hiện có tại hội trường, gây bức xúc cho đại biểu về Hà Nội tham dự đại lễ, nhận thẻ ra vào, thậm chí là có thẻ cũng không được vào, vì hội trường đã quá tải. Nhân sự tham gia các tiểu ban nhiều nhưng hiệu quả không cao. Bố trí lưu trú cho đại biểu tại khách sạn không tập trung, nên cũng có những bất cập trong việc thông báo những thông tin cần thiết đối với đại biểu. Khả năng Anh ngữ của các tình nguyện viên, biên tập viên cũng còn nhiều hạn chế, nên cũng có những sai sót trong biên dịch, phiên dịch và thông báo những thông tin cần thiết đến các đại biểu.

Đó là những hạn chế căn bản mà theo tôi cần phải rút kinh nghiệm để sau này tổ chức các sự kiện tương tự cần phải khắc phục, tránh tối đa những phiền toái đối với đại biểu. Tuy nhiên, tôi cũng nói là mỗi chúng ta nên biết chia sẻ những kết quả đạt được và những hạn chế với một tinh thần cầu thị, hoan hỷ, không nên trách mắng, hoặc thiếu tính xây dựng.

Qua đây tôi xin bày tỏ cảm ơn sâu sắc đến các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các tổ chức Quốc tế đã tích cực ủng hộ để Ban tổ chức thực hiện thành công sự kiện trên. Xin tri ân công đức Chư tôn đức Giáo Phẩm trong nước và Quốc, Phật tử thập phương đã phát tâm ủng hộ và chia sẻ đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

PV. Xin tri ân công đức Hòa thượng!